LỜI NHẬP THỂ: Tuyệt Ðỉnh
Thời Gian
MẦU NHIỆM NHẬP THỂ:
THỜI ÐIỂM VIÊN TRỌN
Nói đến Mầu Nhiệm Vượt Qua, bao giờ người ta cũng nói:
"Chúa Kitô Tử Giá và Phục Sinh", chứ không bao giờ hay rất ít khi
nghe thấy nói: "Thiên Chúa Tử Giá và Phục Sinh", nếu có thì nói rằng:
"Thiên Chúa chịu đóng đanh và phục sinh nơi Ðức Giêsu Kitô (hay) qua Ðức
Giêsu Kitô". Thế nhưng, khi nói đến Mầu Nhiệm Nhập Thể, người ta thường
hay nói và được phép nói: "Thiên Chúa Giáng Sinh", cũng như người ta
hay nói "Chúa Kitô sinh ra" (xem Lk.2:11). Tuy nhiên, tuyệt đối không
ai nói cũng như không được phép nói: "Ðức Kitô nhập thể", mà phải
nói: "Thiên Chúa nhập thể" hay "Lời nhập thể" (xem
Jn,1:14).
Thật thế, nơi Mầu Nhiệm
Nhập Thể, được bắt đầu từ cung lòng trinh nguyên của Trinh Nữ Ðầy Ơn Phúc
Maria, và được tỏ hiện thực sự nơi hang lừa máng cỏ ở Bêlem vào thời điểm hoàng
đế Cêsa Augustô ra lệnh kiểm tra dân số lần đầu tiên trong toàn đế quốc của
mình (xem Lk 2:1-2), thì cũng lần đầu tiên trong lịch sử loài người nói riêng,
và lịch sử của toàn thể tạo vật (kể cả thiên thần) nói chung, "Thiên Chúa
là Thần Linh" (Jn.4:24) "đã hóa thành nhục thể" (Jn 1:14; xem
Phil 2:7), một vị "Thiên Chúa vô hình" (Col.1:15), "đã trở nên hữu
hình cho chúng ta" (1Jn.1:2).
Có thể nói, đối với
Công Cuộc Cứu Ðộ, Mầu Nhiệm Nhập Thể được coi là khởi điểm, còn Mầu Nhiệm Vượt
Qua mới là đích điểm. Bởi thế, theo Phụng Vụ của Giáo Hội, thời điểm trọng nhất
trong Phụng Niên là Tam Nhật Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh. Thế nhưng, đối với Dự
Án Cứu Ðộ, Mầu Nhiệm Nhập Thể mới thực sự là chính tâm điểm, bởi vì, có Mầu Nhiệm
Nhập Thể mới có Mầu Nhiệm Vượt Qua, hay nói cách khác, Mầu Nhiệm Vượt Qua chỉ
là tột đỉnh của Mầu Nhiệm Nhập Thể mà thôi, hoặc cũng có thể nói, Mầu Nhiệm Nhập
Thể là Mầu Nhiệm bao gồm cả Mầu Nhiệm Phục Sinh, Mầu Nhiệm Giáo Hội và Mầu Nhiệm
Cánh Chung. Tức là, nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể đã có cả Mầu Nhiệm Phục Sinh (vì thân
xác của Ðức Kitô được ngôi hiệp với thần tính của Lời sẽ không bao giờ bị hư hoại),
Mầu Nhiệm Giáo Hội (vì Ðức Kitô sẽ hiến mạng sống thân xác của mình để cho
chiên được sự sống viên mãn hơn), và Mầu Nhiệm Cánh Chung (vì Thiên Chúa hằng sống
đã đi vào thời gian, nên thời gian đã được mặc lấy vĩnh cửu, và vì nhân tính đã
được kết hiệp với thần tính hằng sống, nên đã được, đang được và vĩnh viễn sẽ
được canh tân, để xứng đáng làm nơi Thiên Chúa ngự trị, một "Tân
Gialiêm" - Rev.21:2).
Chính vì thế, khi nói
đến Mầu Nhiệm Nhập Thể, (chứ không phải Mầu Nhiệm Vượt Qua), trong thư gửi giáo
đoàn Galata, vị Tông Ðồ Dân Ngoại đã xác nhận đó là thời điểm viên trọn:
"Khi đến thời điểm viên trọn, Thiên Chúa đã sai Con mình sinh ra bởi một
người nữ, sinh ra theo lề luật để giải cứu những ai lụy thuộc lề luật ..."
(Gal.4:4-5). Thư gửi giáo đoàn Do Thái cũng nhấn mạnh đến khía cạnh thời gian của
Mầu Nhiệm Nhập Thể (hơn là Mầu Nhiệm Vượt Qua) như sau: "Trong những thời
quá vãng, Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta bằng nhiều cách thức khác nhau
qua các vị tiên tri; trong thời điểm sau hết này, Ngài đã nói với chúng ta qua
Con của Ngài, Ðấng Ngài đặt làm thừa tự tất cả mọi sự và bởi Người Ngài thoạt
tiên đã dựng nên vũ trụ" (Heb.1:1-2). Chính Chúa Giêsu Nazarét, khi khởi sự
xuất đầu lộ diện để rao giảng Tin Mừng Cứu Ðộ, (chứ chưa tử nạn và phục sinh),
theo thánh ký Marcô, Người cũng đã xác nhận và kêu gọi: "Thời điểm đã trọn.
Nước Thiên Chúa đã đến! Hãy cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm!" (Mk
1:15).
Nếu thời điểm "Lời
đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Jn.1:14) là thời điểm viên trọn,
là thời điểm sau hết, là thời điểm đã trọn thì không phải Lời Nhập Thể là Tuyệt
Ðỉnh Thời Gian hay sao? Thế nhưng, những yếu tố nào, hay những sự kiện nào, đã
làm cho Lời Nhập Thể trở thành Tuyệt Ðỉnh Thời Gian như vậy?
THỜI ÐIỂM TUYỆT ÐỈNH
VỚI THIÊN CHÚA BA NGÔI
Trước hết, Lời Nhập Thể là Tuyệt Ðỉnh Thời Gian là vì đây là
Thời Ðiểm Mạïc Khải Thần Linh đạt đến Tuyệt Ðỉnh của mình.
Thứ nhất, Lời Nhập Thể
là Tuyệt Ðỉnh Thời Gian đối với Thiên Chúa Cha, là vì Ngài đã tỏ hết mình ra
cho con người biết Ngài là ai qua Ðấng "là hình ảnh Thiên Chúa vô
hình" (Col.1:15), "là phản ảnh vinh quang Cha, là hiện thân đích thực
hữu thể Cha" (Heb.1:3), Ðấng "hằng ở nơi Cha đã tỏ Cha ra"
(Jn.1:18; và xem cả Jn.14:8-11), để "ai thấy Thày là thấy Cha"
(Jn.14:11). Và Thiên Chúa Cha đã tỏ hết mình ra nơi và qua Lời Nhập Thể, ở chỗ,
đã ban trọn bản thân mình cho con người: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi
đã ban Con một mình" (Jn.3:16). Trước đó, theo giòng lịch sử cứu độ trong
Cựu Ước, "Thiên Chúa từ từ thông mình ra cho con người. Ngài đã sửa soạn
cho họ từng giai đoạn để họ đón nhận Mạc Khải siêu nhiên, một Mạc Khải đạt đến
tột đỉnh của mình nơi con người và nơi sứ mệnh của Lời nhập thể là Ðức Giêsu
Kitô" (Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo hiện đại, số 53, cũng xem số
65),
Nơi Lời Nhập Thể,
"Thiên Chúa đã hoàn toàn tự ý tỏ mình và ban mình cho con người"
(Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo hiện đại, số 50). Thiên Chúa đã không hoàn
toàn tự tỏ hết mình ra và ban hết mình cho con người là gì: "Thiên Chúa chứng
tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta ở chỗ, trong khi chúng ta còn là các tội
nhân, thì Chúa Kitô đã chết cho chúng ta" (Rm.5:8). Chính Ngài đã làm hòa
với tội nhân chúng ta trước, thay vì loài người chúng ta, qua nguyên tổ, nhận tội
và xin lỗi Ngài trước (Col.1:19-20). Ngài đã thực hiện đúng như lời Con Ngài dạy
cho riêng các tông đồ và chung dân chúng ở Bài Giảng Phúc Ðức rằng: "Khi
các con đến dâng của lễ, ở đó có chợt nhớ ra anh em của các con có điều gì với
mình, thì các con hãy bỏ của lễ lại, mà về làm hòa cùng anh em mình trước đã, rồi
hãy đến mà dâng của lễ" (Mt 5:23-24).
Thật vậy, qua Lời Nhập
Thể, vào thời điểm viên mãn, thời điểm sau hết, thời điểm đã trọn, Thiên Chúa
Cha đã thực sự lên đường tìm kiếm con người để đem họ về với Ngài:
"Nơi Ðức Giêsu
Kitô, Thiên Chúa chẳng những nói với loài người mà còn tìm kiếm họ nữa. Việc
Con Thiên Chúa nhập thể chứng tỏ là Thiên Chúa đi tìm kiếm con người. Chúa Giêsu
nói về việc tìm kiếm này như tìm kiếm một con chiên lạc đàn (x. Lk 15:1-7). Ðó
là một cuộc tìm kiếm mà khởi điểm bắt đầu từ cõi lòng của Thiên Chúa và đích điểm
ở nơi việc nhập thể của Ngôi Lời. Nếu Thiên Chúa đi tìm con người, loài được dựng
nên theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài, là vì đời đời Ngài đã yêu thương họ
nơi Ngôi Lời, và trong Ðức Kitô, Ngài muốn nâng họ lên danh phận làm nghĩa tử.
Thế nên, Thiên Chúa đi tìm kiếm con người là sở hữu đặc biệt của Ngài, bằng một
đường lối không giống như các tạo vật khác. Con người là sở hữu của Thiên Chúa
bởi việc yêu thương chọn lựa: Thiên Chúa tìm kiếm con người theo tấm lòng hiền
phụ rung cảm của mình". (ÐTC Gioan Phaolô II,
Tông Thư về Việc Giáo Hội Dọn Mừng Năm Thánh 2000 Tertio Millennio Adveniente,
đoạn 7)
Thứ hai, Lời Nhập Thể là Tột Ðỉnh Thời Gian đối với Chúa
Kitô là vì Người "đã đến không phải để hủy bỏ lề luật và các tiên tri, mà
là để làm cho nên trọn" (Mt 5:17), "nên trọn mọi sự đã viết về Thày
nơi lề luật Moisen, nơi các tiên tri và nơi các thánh vịnh" (Lk.24:44),
đúng như lời Người vẫn còn nhận thức ngay trước khi tắt thở trên thập giá:
"Mọi sự đã hoàn tất" (Jn.19:30), tức đã nên trọn.
Tuy nhiên, tự mình,
Người chính là Nước Thiên Chúa (xem Thông Ðiệp của ÐTC Gioan Phaolô II
Redemptoris Missio về Sự Khẩn Thiết của Việc Giáo Hội Truyền Giáo, đoạn 18.1)
do chính Người tỏ ra và cũng chính là Tin Mừng (xem cùng Thông Ðiệp trên, đoạn
13) do chính Người rao giảng, vào lúc "thời gian đã trọn" (Mk 1:15),
nhờ đó, con người có thể "tin tưởng" (Mk 1:15) mà "được cứu độ"
(Mk 16:16), hay có thể "chấp nhận Người thì Người ban cho họ được quyền
làm Con Thiên Chúa" (Jn 1:12). Thật vậy, vẫn biết Nước Thiên Chúa chỉ đạt
thành trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, và chỉ hoàn thành khi Chúa Kitô
"đến trong vinh quang" (Mt 25:31), song vì Nước Thiên Chúa chính là
Chúa Kitô, "Lời đã hóa thành nhục thể" (Jn 1:14), do đó, "Nước
Thiên Chúa đã đến" (Mk 1:15) ngay trước cả khi Người công bố lời này để
chính thức tỏ mình ra, chính thức mở màn cho sứ vụ thiên sai của Người nơi dân
Do Thái. Việc Nước Thiên Chúa được đạt thành hay hoàn thành chỉ là tiến trình Mạc
Khải Thần Linh, một Mạc Khải đã được chính thức và thực sự tỏ hiện khi Lời Nhập
Thể, vào lúc "thời điểm viên trọn" (Gal 4:4).
"Trước Phục
Sinh, sứ vụ của Người nhắm vào dân Yến-Duyên. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng cho thấy
một yếu tố mới hết sức quan trọng. Thực tại cánh chung không tiêu biểu cho một
'tận thế' xa vời, mà đã sát cận và hoạt động giữa chúng ta rồi. Vương Quốc của
Thiên Chúa đã đến (x. Mk 1:15); việc vương quốc này trị đến đã được nguyện xin
(x. Mt 6:10); đức tin có thể thoáng thấy được rằng vương quốc ấy đã hoạt động
nơi các dấu hiệu như phép lạ (x. Mt 11:4-5) và trừ quỉ (x. Mt 12:25-28), trong
việc chọn 12 Vị (x. Mk 3:13-19), cũng như trong việc loan báo Tin Mừng cho người
nghèo khó (x. Lk 4:18). Việc Chúa Giêsu gặp gỡ Dân Ngoại cho thấy rõ ràng là vấn
đề vào Vương Quốc Thiên Chúa là do đức tin và việc cải thiện đời sống (x. Mk
1:15) chứ không phải chỉ căn cứ vào chủng tộc".
(ÐTC Gioan Phaolô II,
Thông Ðiệp về Sự Khẩn Thiết của Việc Giáo Hội Truyền Giáo Redemptoris Missio,
đoạn 13.2).
Cũng chính vì Lời Nhập
Thể "gồm tóm tất cả Mạc Khải của Thiên Chúa tối cao" (Sách Giáo Lý của
Giáo Hội Công Giáo hiện đại, số 75), là tất cả những gì Thiên Chúa muốn tỏ cho
nhất là ban cho con người, là tột đỉnh Mạc Khải của Thiên Chúa (xem ÐTC Gioan
Phaolô II, Thông Ðiệp về Sự Khẩn Thiết của Việc Giáo Hội Truyền Giáo
Redemptoris Missio, 7/12/1990, đoạn 5.3; Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo hiện
đại, số 53), mà Thời Ðiểm của Người mới là Tuyệt Ðỉnh Thời Gian, là thời điểm
viên trọn, thời điểm sau hết, thời điểm đã trọn:
"Chúa Kitô, Con
Thiên Chúa làm người, là Lời duy nhất, tuyệt hảo và trổi vượt. Nơi Người, Thiên
Chúa đã nói hết mọi sự". (Sách Giáo Lý của
Giáo Hội Công Giáo hiện đại, số 65)
"Thiên Chúa đã
làm điều này (tỏ mình và ban mình cho con người), bằng việc mạc khải cho thấy một
mầu nhiệm, đó là dự án thiện hảo yêu thương của Ngài đã được phác họa từ đời đời
nơi Chúa Kitô vì lợi ích của tất cả mọi người. Thiên Chúa đã mạc khải trọn vẹn
dự án này ra, bằng việc sai đến với chúng ta Người Con yêu dấu của Ngài là Ðức
Giêsu Kitô, húa chúng ta, và cả Chúa Thánh Linh".
(Sách Giáo Lý của
Giáo Hội Công Giáo hiện đại, số 50)
Thứ ba, Lời Nhập Thể
là Tuyệtt Ðỉnh Thời Gian đối với Chúa Thánh Thần là vì, Ngài là Ðấng "từ
Cha mà đến" (Jn 15:26) và cũng là Ðấng do "Cha nhân danh Thày sai đến"
(Jn 14:26), có sứ mệnh duy nhất là để tỏ Chúa Kitô ra, như Chúa Kitô đã đến với
sứ mệnh là để "tỏ Cha ra" vậy (Jn.1:18; và xem Mt.11:27).
Ðúng thế, vì Lời Nhập
Thể đã là Tuyệt Ðỉnh Thời Gian rồi, là tất cả những gì Thiên Chúa muốn mạc khải
cho con người rồi, là tột đỉnh Mạc Khải Thần Linh rồi, do đó, trong thời điểm
viên trọn, thời điểm sau hết, thời điểm đã trọn, Chúa Thánh Thần đến không có một
sứ mệnh gì khác hay một sứ mệnh gì thêm, ngoài sứ mệnh để làm sáng tỏ Mạc Khải
Thần Linh, cũng chính là làm sáng tỏ Chúa Kitô, cho riêng Giáo Hội, và qua Giáo
Hội cũng như nhờ Giáo Hội, cho chung cả loài người nữa. Ðó là lý do Chúa Kitô
đã nói với các tông đồ rằng:
"Thày còn phải
nói nhiều với các con nữa, song nay các con không thể hiểu được. Thế nhưng, khi
Ngài đến, là Thần Chân Lý, Ngài sẽ dẫn các con vào tất cả sự thật. Ngài sẽ
không tự mình mà nói, song Ngài sẽ chỉ nói những gì Ngài nghe thấy, và sẽ loan
truyền cho các con những sự phải đến. Làm như thế là Ngài làm cho Thày được hiển
vinh, vì Ngài sẽ nhận lãnh từ Thày những gì Ngài sẽ loan truyền cho các con. Tất
cả mọi sự Cha có đều ở nơi Thày. Ðó là lý do tại sao Thày nói rằng những gì
Ngài sẽ loan truyền cho các con Ngài đều nhận lãnh từ Thày" (Jn 16:12-15).
"Khi Ðấng Huấn Dụ
đến, là Thần Chân Lý đến từ Cha, và cũng là Ðấng Thày sẽ sai đến từ Cha, Ngài sẽ
làm chứng cho Thày. Các con phải làm chứng nữa, vì các con đã ở với Thày ngay từ
ban đầu" (Jn.15:26-27).
"Các con sẽ nhận
được quyền năng khi Thánh Thần xuống trên các con; rồi các con sẽ là những chứng
nhân của Thày ở Gialiêm, khắp Giuđêa và Samaria, cho đến tận cùng trái đất"
(Acts 1:8).
THỜI ÐIỂM TỘT ÐỈNH VỚI
THÂN PHẬN CON NGƯỜI
Sau nữa, Lời Nhập Thể là Tuyệt Ðỉnh Thời Gian vì đây là Thời
Ðiểm thân phận của con người đạt đến Tuyệt Ðỉnh Thần Linh của mình.
Vẫn biết, phải nhờ Mầu
Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, con người mới được thực sự và chính thức giải
thoát khỏi tội lỗi và sự chết, và ai "lãnh nhận phép rửa nhân danh Chúa
Kitô" (Acts 2:38, 8:16) mới "được cứu độ" (Mk 16:16). Thế nhưng,
ngay trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, tự nhân tính nói chung, qua nhân tính của chính
Con Thiên Chúa, nhờ được ngôi hiệp với thần tính hằng hữu vô cùng toàn thiện,
toàn năng và toàn ái của Người, đã được thần linh hóa, được thông phần sự sống
thần linh, và còn được trở thành bí tích, được trở thành phương tiện chẳng những
để Người dùng trong việc chiến thắng tội lỗi và sự chết, mà còn để thông ban sự
sống thần linh cho con người nữa, cách riêng cho "những ai tiếp nhận Người"
(Jn.1:12).
Công Ðồng Chung
Vaticanô II, trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium
et Spes đã cảm nhận được tất cả sự thật về mối liên hệ thần linh giữa con người
và Thiên Chúa, đúng hơn, tất cả sự thật về con người trong Mầu Nhiệm của Thiên
Chúa, thành phần đã được tác giả Thánh Vịnh ngất ngưỡng ca tụng trong Mầu Nhiệm
Tạo Dựng (xem Ps 8:6-9), thành phần càng cao trọng và siêu việt hơn nữa trong Mầu
Nhiệm Nhập Thể như sau:
"Thực thế, mầu
nhiệm về con người chỉ được sáng tỏ trong mầu nhiệm Lời nhập thể. Bởi vì,
Adong, con người tiên khởi, đã là hình bóng của Adong phải đến (xem. Rm 5:14 và
Tertullianô De Carnis Resurrectione. 6: PL 2, 282; CSEL, 47, p. 33, 1. 12-13),
đó là Ðức Kitô, một Ðức Kitô tân Adong, khi mạc khải về Chúa Cha và về tình yêu
của Cha, đã tỏ cho con người biết rõ về chính họ, cũng như đã tỏ cho họ thấy được
ơn gọi tuyệt vời của họ ...". (đoạn 22.1)
"'Là hình ảnh
Thiên Chúa vô hình' (Col 1:15; xem 2Cor 4:4) Người chính là một con người hoàn
hảo, Ðấng đã phục hồi nơi con cái Adong hình ảnh đã bị họ làm biến dạng ngay từ
nguyên tội. Nơi Người, bản tính nhân loại, chính nhờ được Người mặc lấy chứ
không bị hút mất, cũng đã được nâng lên tới một phẩm giá khôn sánh (xem Công Ðồng
Chung Côngtantinôpôli II, can. 7: Denz, 219 [428]; xem Công Ðồng Chung
Côngtantinôpôli III: Denz, 291 [556]; xem Công Ðồng Chung Chalcêđôn: Denz. 291
[302]). Bởi vì, bằng việc nhập thể của mình, Con Thiên Chúa, một cách nào đó,
đã kết hợp với từng người". (đoạn 22.2)
Nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa thực sự "đã kết
hợp với từng người", đến nỗi, Người đã đồng hóa với họ, chẳng những với họ
là thành phần chính thức thuộc về Giáo Hội của Người, đến nỗi, ai bách hại họ
là bách hại Người (xem Acts 9:4-5), mà còn với họ là thành phần thuần túy thuộc
về gia đình nhân loại nói chung, đến nỗi, ai không chủ động, tích cực và cụ thể
tỏ ra yêu thương họ khi cần thiết, cũng chính là không yêu thương chính Người
(xem Mt 25:35-36, 40, 42-43, 45).
Thế nhưng, trong
thành phần nhân loại được "Con Thiên Chúa kết hợp với từng người" nơi
Mầu Nhiệm Nhập Thể của Người, chắc chắn không ai được Người kết hợp hết sức mật
thiết bằng cá nhân Trinh Nữ Maria "đầy ơn phúc" (Lk.1:28), con người
đã được thực sự, về phương diện thể lý, "thụ thai và hạ sinh ... Con Ðấng
Tối Cao" (xem Lk 1:31,32), con người đã được thực sự cưu mang Con Thiên
Chúa trong dạ nữ nhân của mình và đã cho Người bú sữa làm mẹ của mình (xem Lk
11:27).
Nhận biết được thân
phận vô cùng diễm phúc độc nhất vô nhị của mình, Trinh Nữ Maria đã cất tiếng
"ngợi khen Chúa" (xem Lk 1:46-55). Trinh Nữ Maria chẳng những hiện diện
ngay vào thời điểm viên mãn, thời điểm sau hết, thời điểm đã trọn với
"Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Chuộc nhân trần, là trung tâm của vũ trụ và của
lịch sử" (ÐTC Gioan Phaolô II, Thông Ðiệp Redemptor Hominis, đoạn 1), mà
còn hiện diện trước Chúa Kitô giáng sinh, để đại diện nhân loại "tiếp nhận
Người" (Jn 1:12) với tư cách của một "tôi tớ Thiên Chúa xin
vâng" (Lk 1:38), và còn hiện diện sau khi Chúa Kitô đã thăng thiên, để
cùng với Giáo Hội, qua các Thánh Tông Ðồ, đón nhận Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
(xem Acts 1:14). Nếu qua lời "xin vâng" của mình, Trinh Nữ Maria đã
làm cho thời gian viên trọn, thời gian sau hết, thời gian đã trọn xẩy ra trong
lịch sử loài người nơi mình thế nào, thì thời gian viên trọn, thời gian sau hết,
thời gian đã trọn cũng đến từ Trinh Nữ Maria và được mở màn từ Trinh Nữ Maria
như vậy.
Như thế, dù là Thánh
Gioan Tẩy Giả, con người cao trọng nhất trong nhân loại (xem Mt 11:11), Vị đã
làm Phép Rửa cho Chúa Kitô, hay là Thánh Giuse, Dưỡng Phụ của Chúa Giêsu, hoặc
là Các Thánh Tông Ðồ, thành phần Chứng Nhân Tiên Khởi của Chúa Kitô, làm nên nền
tảng của Giáo Hội (xem Eph 2:20; Rev 21:14) đi nữa, cũng không được như Trinh Nữ
Maria, nhân vật duy nhất trong loài người, hoàn toàn có mặt trong cả ba Thời:
Thời Cựu Ước của Chúa Cha, Thời Tuyệt Ðỉnh của Chúa Con và Thời Tân Ước của
Chúa Thánh Thần. Thật vậy, theo tiến trình lịch sử, Trinh Nữ Maria đã có mặt ở
ngay trong Thời Cựu Ước của Chúa Cha: "Ngài đã săn sóc Yến-Duyên tôi tớ của
Ngài, bởi nhớ lại lòng Ngài xót thương, như Ngài phán hứa với tổ phụ ta, cho
Abraham và giòng dõi ông đến muôn đời" (Lk 1:50, 54-55). Trinh Nữ Maria có
mặt trong chính Thời Tuyệt Ðỉnh của Chúa Con: "Linh hồn tôi chúc tụng Chúa
và thần trí tôi hân hoan trong Thiên Chúa Ðấng cứu độ tôi" (Lk.1:46-47).
Trinh Nữ Maria còn có mặt trong cả Thời Tân Ước của Chúa Thánh Thần: "Từ
nay muôn đời sẽ khen tôi diễm phúc" (Lk 1:48-49).
Mẹ Maria thực sự đã
có mặt trong cả ba thời, Thời Cựu Ước của Chúa Cha, Thời Tuyệt Ðỉnh của Chúa
Con và Thời Tân Ước của Chúa Thánh Thần. Thế nhưng, như Lời Nhập Thể đã hiện diện
nơi tất cả những gì Chúa Cha Mạc Khải trong Thời Cựu Ước của Dân Yến-Duyên, và
sẽ tiếp tục hiện diện cho đến tận thế trong Thời Tân Ước của Chúa Thánh Thần
qua việc Ngài làm cho Mạc Khải của Người được sáng tỏ nơi Giáo Hội và trước thế
giới, song thời điểm riêng của Người vẫn là Tuyệt Ðỉnh Thời Gian thế nào, thì
thời điểm riêng của Mẹ Maria cũng là Thời Tuyệt Ðỉnh với Chúa Kitô như thế. Bởi
vậy, dù có mặt trong Thời Cựu Ước, song Trinh Nữ Maria cũng đã được "Thiên
Chúa là Ðấng cứu độ" (Lk.1:47) cho hưởng trước công nghiệp của Con mình
(xem Tông Hiến Ineffabilis Deus của Ðức Piô IX ngày 8/12/1854, đoạn 1.1) trong
Thời Tuyệt Ðỉnh, và chính vì "Ngài đã thương đến phận thấp hèn tôi tớ của
Ngài" (Lk 1:48) là Trinh Nữ Maria độc nhất vô nhị như thế mà "từ nay
muôn đời" trong Thời Tân Ước "sẽ khen tôi diễm phúc" (cùng đoạn
vừa dẫn).
Thế nhưng, theo Dự Án
Cứu Ðộ của Thiên Chúa cũng như trong Công Cuộc Cứu Ðộ của Lời Nhập Thể, dù là một
nhân vật "trổi vượt hơn tất cả mọi tạo vật khác trên trời dưới đất"
(Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 53), song "vì thuộc giòng
dõi của Adong, Người cũng đã liên kết với tất cả mọi người cần được cứu rỗi"
(cùng đoạn vừa dẫn), do đó, Trinh Nữ Maria "được chào kính như là một chi
thể siêu việt, hết sức đặc biệt của Giáo Hội, làm mẫu nghi nêu gương phi thường
cho Giáo Hội về phương diện đức tin và đức mến" (cùng đoạn vừa dẫn). Giáo
Hội, trong đó có cả Trinh Nữ Maria, chính là, và đặc biệt nhờ Trinh Nữ Maria,
đã xứng đáng là Hiền Thê của Lời Nhập Thể, là Nhiệm Thể của Chúa Kitô, một Giáo
Hội, đối với thời gian viên trọn, thời gian sau hết, thời gian đã trọn và cũng
chính vì thời gian viên trọn, thời gian sau hết, thời gian đã trọn này, đã trở
thành "một thành xây trên núi" (xem Mt 5:14), tức là một Thực Tại Hiệp
Thông Thần Linh siêu việt ở trên đỉnh cao nhìn xuống thế gian và cũng là Tuyệt
Ðỉnh thế gian phải hướng lên và tìm đến như Bí Tích hay Dấu Chỉ Hiệp Thông duy
nhất (xem Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 1), với bản chất
"là ánh sáng thế gian" (Mt 5:14) và với sứ mệnh là "soi chiếu"
(Mt 5:15) cho thế gian thấy chính "ánh sáng thế gian" (Jn 8:12) là
Chúa Kitô, Tuyệt Ðỉnh Mạc Khải của Thiên Chúa, đúng như hình ảnh đã được tiên
báo từ Thời Cựu Ước theo Dự Án Cứu Rỗi của Thiên Chúa:
"Trong những ngày tới đây, núi của nhà Chúa sẽ được thiết
lập như ngọn núi cao nhất, vượt trên các đồi. Tất cả các đất nước sẽ tuôn về ngọn
núi ngất cao này; nhiều dân tộc sẽ đến mà nói: 'Hãy tới, chúng ta hãy trèo lên
núi của Chúa, lên nhà của Thiên Chúa Giacóp, để Ngài dạy dỗ chúng ta theo đường
lối của Ngài, nhờ đó chúng ta có thể bước đi theo nẻo hướng của Ngài" (Is
2:2-3).
THỜI ÐIỂM TUYỆT ÐỈNH
VỚI THẦN DỮ SATAN
Sau hết, Lời Nhập Thể là Tuyệt Ðỉnh Thời Gian là vì đây là
Thời Ðiểm quyết liệt nhất của ngụy thần trong việc chống đối Thiên Chúa.
Thật vậy, theo thị kiến của Thánh Gioan được ngài ghi lại
trong Sách Khải Huyền, thì thời điểm "con khổng long tức con cựu xà là ma
quỉ hay Satan" (Rev 12:9) tỏ ra chống đối và phản lại Thiên Chúa không phải
là thời điểm của Mầu Nhiệm Vượt Qua, mà là thời điểm của Mầu Nhiệm Nhập Thể,
hay đúng hơn, chính là vì Mầu Nhiệm Nhập Thể: "Bấy giờ con rồng đứng trước
người nữ sắp sinh con để rình nuốt đi con của bà khi con trẻ được sinh ra"
(Rev 12:4). Như thế có nghĩa là Satan không đồng ý và bất mãn với Thiên Chúa vô
cùng toàn thiện và toàn năng của mình. Thế nhưng, chính vì tự bản tính thông
sáng thuộc đệ nhất phẩm thần của hắn không thể nào hiểu nổi Tuyệt Ðỉnh Mạc Khải
của Thiên Chúa nơi ý định Lời Nhập Thể, hắn mới ngông cuồng ra mặt chống lại việc
"Thiên Chúa là Thần Linh" (Jn 4:24) muốn "hóa thành nhục thể"
(Jn 1:14), muốn "sinh ra bởi một người nữ" (Gal 4:4), là những gì
hoàn toàn và thực sự thấp kém và hèn hạ hơn loài thần thiêng của hắn và như hắn
(xem Ps 8:6).
Lịch sử cho thấy,
Satan đã thực sự nhào đến ăn tươi nuốt sống con trẻ được người nữ sinh ra, qua
việc "Hêrôđê tìm kiếm tiêu diệt con trẻ" (Mt 2:13), khi hắn vừa biết
được "tân vương của dân Do Thái sinh ra" (Mt 2:1) "trong thành
Ðavít" (xem Lk 2:11), "ở Bêlem xứ Giuđêa" (Mt 2:5). Và trận chiến
"phản Kitô" (1Jn 2:22-23, 4:3; 2Jn 7) mở màn này đã được tiếp diễn
trong thời điểm viên mãn, thời điểm sau hết, thời điểm đã trọn, cho đến
"giờ chiến thắng của tối tăm" (Lk 22:53), tức giây phút Vượt Qua của
Chúa Kitô.
Thế nhưng, dù con khổng
long có hết sức tinh quái và mãnh lực đến làm chủ được thế gian đi nữa, cũng
không thể nào phá được Dự Án Cứu Ðộ của Thiên Chúa, cũng không thể nào "nuốt"
được Lời Nhập Thể. Trái lại, chính vì "đứa con của người nữ được đưa lên
cùng Thiên Chúa và lên ngai tòa của mình" (Rev 12:5) là thập giá mà Người
đã được dịp "kéo tất cả mọi người lên cùng mình" (Jn 12:32), tức Người
đã được dịp "hiến mạng mình làm giá cứu chuộc cho tất cả mọi người"
(1Tim 2:6), đã hoàn toàn giải thoát họ khỏi tội lỗi và sự chết, nghĩa là đã giải
thoát họ khỏi quyền lực của ma quỉ, khỏi bàn tay của Satan, "tên sát nhân
ngay từ ban đầu" (Jn 8:44).
Cho dù có bị vô cùng
thảm bại trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, như thể bị "một thiên thần
từ trời xuống, trong tay cầm chìa khóa vực thẳm và một chiếc xiềng khổng lồ ...
bắt giữ ... xích lại ... ném xuống vực thẳm" (Rev 20:1-3), thế nhưng, theo
Mầu Nhiệm Cánh Chung, theo ý nghĩa và chiều hướng của dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng
(xem Mt 13:24-30), Satan cùng với đồng bọn của hắn rồi cũng lại được "thả
ra khỏi ngục của mình... ra đi cám dỗ các dân nước khắp bốn phương trời ... chiếm
cứ toàn thể xứ sở và vây hãm thành trì dấu yêu là nơi dân Chúa cắm trại"
(Rev 20:7-9), cho đến khi "lửa từ trời xuống nuốt chúng đi. Ma quỉ là
thành phần đã lừa đảo họ bị hất nhào xuống hồ diêm sinh, nơi con mãnh thú và
các tiên tri giả cũng bị ném vào đó. Ở đấy muôn đời chúng sẽ quằn quại ngày
đêm" (Rev 20:10), cũng có nghĩa là cho đến khi "kẻ chết bị xét xử
theo việc làm của mình theo sổ sách ghi chép... Bấy giờ sự chết và âm phủ bị hất
nhào xuống hồ lửa là lần chết thứ hai; ai không có tên trong sổ của kẻ sống đều
bị hất nhào xuống hồ lửa này" (Rev 20:12,14).
Thực tế cho thấy cuộc
chiến "phản kitô" bắt đầu từ con khổng long thực sự đang diễn tiến
càng ngày càng trầm trọng, thậm chí đã đến hồi quyết tử một mất một còn, đến nỗi,
"nếu giai đoạn ấy không được rút ngắn lại thì không một người nào được cứu
độ" (Mt 24:22). Thật vậy, "kẻ nào chối bỏ Chúa Giêsu là Ðức Kitô thì
kẻ ấy là tên phản kitô" (1Jn 2:22), tức là "những người không công nhận
Chúa Giêsu Kitô đến trong xác thịt" (2Jn 7), thì trận chiến "phản
kitô" quả đã lên đến Tuyệt Ðỉnh của mình rồi. Ở chỗ, về phương diện trần
gian, con người đã tự cho mình có toàn quyền tự quyết, bằng cách ban hành những
khoản luật "phản kitô", chẳng hạn cho phép phá thai những thai nhi yếu
đuối vô tội, và cho phép trợ tử những bệnh nhân bất trị đáng thương, cả hai đều
là thành phần "anh em hèn mọn nhất" (Mt 25:40,45) của Lời Nhập Thể;
và về phương diện tôn giáo, cách riêng đối với Kitô Giáo, người ta chẳng những
tỏ ra không còn tin tưởng mà còn tỏ ra bất kính đối với Thánh Thể của Lời Nhập
Thể, cũng như đối với Vị Ðại Diện bằng xương bằng thịt của Chúa Kitô trên trần
gian là Ðức Giáo Hoàng Rôma.
Ðó là lý do
"Giáo Hội trong thế giới ngày nay" (nội dung của Hiến Chế Mục Vụ về
Giáo Hội Gaudium et Spes), kể từ Công Ðồng Chung Vaticanô II, đặc biệt qua Sắc
Lệnh về Hoạt Ðộng Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes (cho các dân nước) ngày
7-12-1965, đã đặc biệt phát động việc truyền giáo, sau đó, qua Tông Thư
Evangelii Nuntiandi của Ðức Thánh Cha Phaolô VI, ban hành ngày 8/12/1975, về việc
truyền bá phúc âm hóa trong thế giới tân tiến, và qua Thông Ðiệp Redemptoris
Missio của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, ban hành ngày 7-12-1990, về sự khẩn
thiết của việc Giáo Hội truyền giáo, đều đã đẩy mạnh việc truyền giáo cho tới
cùng. Ðúng vậy, chính trong lúc "sự dữ gia tăng làm cho lòng mến của hầu hết
trở nên nguội lạnh" (Mt 24:12) như thế mới có hiện tượng và mới cần đến hoạt
động "tin mừng về nước Thiên Chúa được loan truyền khắp thế giới như một
chứng từ cho tất cả mọi dân nước. Chỉ sau đó mới tới cùng tận" (Mt 24:14).
Tóm lại, nếu cuộc chiến
"phản kitô" chỉ chấm dứt khi Chúa Kitô hoàn toàn tỏ mình ra, qua việc
phán xét thế gian về lòng yêu thương phải có đối với thành phần "anh em
hèn mọn nhất" của Người (Mt 25:40,45), thành phần Người là Lời Nhập Thể đã
"kết hợp một cách nào đó" và đã đồng hóa với họ; và nếu "Chúa
Kitô xuất hiện lần thứ hai ... để mang ơn cứu độ cho những ai trông đợi Người"
(Heb 9:28), không riêng gì những ai sống "tới cùng tận", mà là cho hết
thảy mọi người, những người một khi được ánh sáng thật soi chiếu (xem Jn 1:9),
đã "trung kiên đến cùng" (Mt 24:13), trong việc tin nhận "Lời đã
hoá thành nhục thể" (Jn 1:14), và tuyên xưng "Thày là Ðức Kitô, Con
Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16:16) "đã đến trong thế gian" (Jn
11:27), thì quả thực: Lời Nhập Thể là Tuyệt Ðỉnh Thời Gian.
(Bài này đã được phổ
biến số tháng 12/1999 trên Nguyệt San Dân Chúa Mỹ Châu, Dân Chúa Âu Châu và Hiệp
Nhất CÐ/CG/VN/GP Orange)
Tổng Giáo Phận Los Angeles Chúa
Nhật 29 Thường Niên, 17/10/1999.
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét