Giải mã một cuộc hôn nhân thành công
GIẢI MÃ MỘT CUỘC HÔN NHÂN THÀNH CÔNG
Aug. Trần Cao Khải
WHĐ (1.10.2020) – Chúng ta có thể khẳng định mà không sợ sai lầm rằng trên đời này không có cuộc hôn nhân nào hoàn hảo cả, mà chỉ có những cuộc hôn nhân thành công hoặc thất bại mà thôi.
Thực vậy, con người vốn “nhân vô thập toàn”, nên không thể sở hữu một cuộc hôn nhân hoàn hảo, toàn bích như mong ước được. Dù lạc quan đến mấy đi nữa, người ta cũng phải chấp nhận một thực tế này là, “Hôn nhân là một chiến trường chứ không phải là một luống hồng” (Danh ngôn). Bước vào đời sống hôn nhân là bước vào một cuộc chiến không dành cho những ai yếu đuối, hèn nhát, mơ mộng. Một danh nhân cũng đã nói: “Trận chiến dũng cảm nhất, tôi chưa từng thấy ở đâu trên bản đồ thế giới, mà tôi chỉ gặp giữa hai vợ chồng” (Joaquin Miller).
Trên thực tế, khi kết hôn, ai cũng muốn mình và người bạn đời được hạnh phúc, được hài lòng chứ không phải rơi vào tình trạng chán nản, thất vọng. Nhiều trường hợp cho thấy rằng sau một thời gian lấy nhau, đôi bạn không còn giữ được tình yêu nồng ấm như thủa ban đầu nữa. Họ hoàn toàn thất vọng về nhau, về đời sống chung, về những bổn phận ràng buộc hai người với nhau. Cho đến khi, không còn gì để mất nữa, họ chia tay, đường ai nấy đi. Cuộc sống hôn nhân coi như chấm dứt. Đó là một sự thất bại hoàn toàn trong tình yêu và trong hôn nhân. Như câu ca dao thời hiện đại diễn tả sau đây: “Xin đừng nói chuyện trăm năm / Hai năm còn khó, trăm năm nghĩ gì”.
Trong khi đó, có những đôi vợ chồng cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với cuộc hôn nhân mà họ đã cam kết dấn thân vào. Tất nhiên trong đời sống vợ chồng, không phải là không có những thử thách, khó khăn, giằng co bởi những mâu thuẫn va chạm thường ngày. Nhưng nhờ tình yêu trưởng thành và sự khôn ngoan, khéo léo, can đảm mà họ đã vượt qua. Ông bà ta thường nói, “Yêu nhau trăm sự chẳng nề / Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Một cuộc hôn nhân không đổ vỡ không phải là không có những bất hòa, khó khăn, phức tạp, nhưng đôi bạn, nhờ biết thực hành những bí quyết khôn ngoan, tinh tế nên họ đã duy trì được sự bền vững lâu dài cho cuộc hôn nhân của mình.
Bởi vậy, người ta thường nói rằng đạo vợ chồng là môn học cao thâm và là cả một nghệ thuật, mà những người chủ gia đình học cả đời cũng không xong. Văn hào André Maurois cũng nói rằng: “Hôn nhân là một công trình mà đôi bạn phải kiến tạo suốt đời”. Hôn nhân là một đời sống phức tạp, là một cuộc hành trình cam go mà chúng ta phải dấn thân vun đắp, bồi dưỡng từng ngày từng giờ bằng mồ hôi nước mắt mới mong hạnh phúc dài lâu.
Phu nhân cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tiết lộ bí mật về cuộc hôn nhân hạnh phúc của bà khi cho rằng “Hôn nhân là sự lựa chọn cần thực hiện mỗi ngày”.
Trong một cuộc liên hoan âm nhạc có tên Essence, bà Michelle Obama đã chia sẻ về cuộc hôn nhân kéo dài 26 năm với cựu Tổng thống Barack Obama: “Có rất nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ cuộc hôn nhân của tôi, họ nhìn vào và nghĩ: Ồ, tôi ước có một mối quan hệ như vậy. Tôi muốn các bạn biết rằng hôn nhân là những nỗ lực. Ngay cả những cuộc hôn nhân đẹp nhất cũng cần sự nỗ lực gây dựng của cả hai bên. Hôn nhân là một sự lựa chọn bạn phải thực hiện mỗi ngày. Bạn không làm điều đó bởi vì nó dễ dàng. Bạn làm bởi vì bạn tin vào nó”.
Bà Michelle nói trong buổi nói chuyện tại lễ hội trên rằng mọi người nên kết hôn với người mà họ tôn trọng. Bà phu nhân của ông B. Obama cũng khuyên đám đông nên tìm một người bạn đời bình đẳng, ngang tài ngang sức với họ. Ca ngợi chồng, bà Michelle nói: “Chồng tôi chính là đồng đội của tôi và nếu chúng tôi cùng nhau giành chiến thắng trong trò chơi này, anh ấy chắc chắn sẽ mạnh mẽ và anh ấy phải ổn khi thấy tôi mạnh mẽ”.
Bà nói thêm: “Đây là điều rất tốt của việc tìm kiếm một người bạn đời mà tôi thực sự yêu quý và tôn trọng. Bởi vì sau tất cả những đỉnh cao, những thăng trầm chúng tôi đã trải qua, chúng tôi vẫn có nhau, điều đó làm cho cuộc hôn nhân của chúng tôi trở nên đáng giá".[1]
Sau đây chúng ta thử liệt kê một số chìa khóa quan trọng có thể giúp ta giải mã được một cuộc hôn nhân thành công tốt đẹp.
1- ĐÔI BẠN NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ MỤC ĐÍCH CỦA HÔN NHÂN
Điều đầu tiên chúng ta phải nhấn mạnh là nếu đôi bạn có một sự hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa và mục đích của hôn nhân thì họ sẽ sẵn sàng đón nhận hôn nhân như là một quà tặng thay vì coi đó là một gánh nặng.
Khi nhận thức hôn nhân là quà tặng đến từ Thiên Chúa thì chúng ta sẽ nhận ra hôn nhân có một sứ mệnh đặc biệt, bởi vì Thiên Chúa đã ban cho con người một trái tim để yêu và được yêu, một giới tính để hấp dẫn và thu hút nhau, một định mệnh để liên kết sống-với-nhau. Khi lãnh nhận những ân huệ ấy, con người đáp trả Đấng Tạo Thành bằng việc thi hành sứ mệnh của hôn ước. Họ chấp nhận nên một để trọn đời yêu thương và nâng đỡ bổ sung cho nhau, “Không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (x. Mt 19,6; St 2,24).
Chúng ta biết rằng, “Sự hiệp thông vợ chồng ăn rễ sâu từ sự thu hút tự nhiên về giới tính, cũng như từ sự bổ túc lẫn nhau giữa nam và nữ, được nuôi dưỡng nhờ những nỗ lực của đôi bạn muốn chia sẻ cho nhau trọn cả bản thân trong suốt cuộc đời”.[2]
Họ chấp nhận liên kết nhau để hướng đến một mục đích cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản và giáo dục con cái. Họ ý thức rằng, “Con cái là ân huệ cao quý của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ. Tình yêu vợ chồng còn phong phú nhờ những hoa quả của đời sống luân lý, tinh thần và siêu nhiên được cha mẹ truyền lại cho con cái qua việc giáo dục. Theo nghĩa này, mục tiêu nền tảng của hôn nhân và gia đình là phục vụ cho sự sống và hạnh phúc.”[3]
Ngày nay nhiều bạn trẻ nghĩ rằng cứ yêu nhau là lấy nhau, cứ lấy nhau là thành hôn nhân, cứ thành hôn nhân là hạnh phúc. Họ đã sai lầm và vỡ mộng. Thực ra kết hôn không chỉ làm đám cưới là xong. Trước đám cưới, đôi bạn phải có thời gian tìm hiểu nhau, tìm hiểu mục đích và những đòi hỏi của hôn nhân, sau đó một khi đã tự nguyện lấy nhau, họ phải cam kết trung thành và yêu thương nhau trọn đời. Rồi lại phải chuẩn những hành trang cần thiết để vào đời.
Khi tìm hiểu về hôn nhân gia đình, Ki-tô hữu chúng ta sẽ nắm vững những nguyên tắc nền tảng của hôn nhân, đó là: “Do giao ước hôn nhân, một người nam và một người nữ tạo thành một sự hiệp thông trọn cả cuộc sống; tự bản chất, giao ước ấy hướng về thiện ích đôi bạn, cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái (Giáo Luật Công giáo đ. 1055§1)”.
Sự thành lập hôn nhân: Kết ước. Hôn nhân được thành lập bởi một “kết ước” hay một “giao ước” giữa một người nam và một người nữ. Sự kết ước này phải được thực hiện bởi sự “ưng thuận” của đôi bạn với ý chí tự do. Giáo Luật xác định đó là một kết ước giữa hai người khác phái, chứ không giữa hai người đồng phái. Sự kết ước này là vĩnh viễn, bất khả thu hồi, là hình ảnh hay Bí Tích của Giao Ước tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh (x. Ep 5, 25-26).
Đối tượng hay nội dung của kết ước hôn nhân. Đôi bạn kết hôn là để thực hiện cuộc sống chung mà họ sẽ hiệp thông thân mật với nhau trọn cả cuộc sống. Công Đồng Vaticano II, diễn tả ý nghĩa nội dung hôn nhân là: “sự hiệp thông thân mật của đời sống và tình yêu (intima communitas vitae et amoris coniugalis)” (GS, 48). “Tự bản chất”, hôn nhân hướng về thiện ích đôi bạn, cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái. Giáo Hội xác nhận những thiện ích đôi bạn, thiện ích con cái… thuộc về chính bản tính tự nhiên của hôn nhân, chứ không chỉ là mục đích riêng của con người.[4]
Ngày nay, người ta nói nhiều đến hôn nhân đồng tính, hôn nhân thử, hôn nhân hợp đồng, hôn nhân thời vụ và đặc biệt là hôn-nhân-xanh, tức là tình trạng ly hôn sớm của những cặp vợ chồng lấy nhau được dưới 5 năm. Tất cả những loại hình hôn nhân này cho ta thấy các bạn trẻ hầu như mất hướng khi bước vào đời sống hôn nhân gia đình. Họ chỉ biết yêu rồi cưới mà không biết cưới nhau để làm gì và phải có những bổn phận ra sao.
Do đó, sự nhận thức đúng và đủ về mục đích của hôn nhân sẽ giúp chúng ta sống mầu nhiệm và bí tích hôn nhân một cách trung tín và lâu dài. Đó là bí quyết “vàng” giúp ta đạt được một cuộc hôn nhân thành công.
2- ĐÔI BẠN BIẾT YÊU THƯƠNG KÍNH TRỌNG NHAU
Các nhà tâm lý học tình yêu hôn nhân đều có chung một nhận xét này là, trong đời sống vợ chồng đôi bạn nào biết tôn trọng và yêu kính nhau thì họ thì sẽ hạnh phúc lâu dài.
Ông bà ta thường nói “Tương kính như tân”, nghĩa là hai bạn phải kính trọng nhau như người khách quý của mình. Kính trọng thông qua thái độ ứng xử tế nhị, nhẹ nhàng, thông qua thói quen giao tiếp khéo léo, lịch sự, thông qua sự cảm thông tinh tế, sâu sắc. Một danh nhân cũng đã nói, “Nền tảng của tình yêu vợ chồng, đó chính là yêu thương và kính trọng nhau” (Elijah Fenton).
Nhiều người trẻ khi bước vào đời sống hôn nhân thường thắc mắc là phải sống như thế nào để thành công trong đời sống vợ chồng. Thiết tưởng câu trả lời đơn giản nhất chính là hãy tôn trọng nhau. Đó là giới răn cơ bản nhất của đời sống vợ chồng. Chính vì vi phạm giới răn này mà người ta chuốc lấy đau khổ và thất bại trong hôn nhân; chính vì không tôn trọng nhau mà người ta mới to tiếng, ẩu đả nhau và cuối cùng bỏ nhau. Tôn trọng nhau là không bao giờ xúc phạm đến nhau, cả khi thấy được những lầm lỗi của nhau.
Hôn nhân là chuyện của từng ngày, và nếu mỗi ngày được cấu tạo bằng những việc làm nhỏ bé vô danh thì phép lịch sự chính là chìa khoá kỳ diệu của sự thành công. Phép lịch sự trong đời sống vợ chồng là nét đẹp của tâm hồn. Nó làm cho con người quên đi những gai góc trong ngôi vườn để chỉ nhìn thấy những cánh hoa.[5]
ĐTC Phan-xi-cô trong Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm vui của tình yêu), dựa vào bài ca Đức Mến trong thư 1Cor của thánh Phao-lô đã đưa ra 13 lời khuyên nhằm giúp các đôi hôn nhân duy trì gia đình bền vững, trong đó điều số 5 liên quan sự “Không khiếm nhã”. Ngài chia sẻ như sau:
Yêu thương cũng có nghĩa là làm cho mình đáng yêu. Rằng tình yêu thì không hành động thô lỗ, khiếm nhã, không cư xử gay gắt.
Yêu thương thì không muốn làm cho người khác đau khổ. Hòa nhã là một trường học dạy sự mẫn cảm và tinh thần vô vị lợi, nó đòi người ta phải vun xới tâm tư và tình cảm của mình, học biết lắng nghe, ăn nói và có những lúc cũng biết thinh lặng.
Để sẵn sàng đón nhận một cuộc gặp gỡ đích thực với người khác, đòi hỏi phải có một cái nhìn nhân hậu đối với người ấy. Ai yêu thương thì có khả năng nói những lời động viên có sức vỗ về, trợ lực, an ủi, khích lệ. Đó không phải là những lời hạ giá người ta, gây buồn phiền, chọc tức hay khinh dễ.[6]
3- ĐÔI BẠN THỰC SỰ LÀ NHỮNG CON NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH
Hầu hết những đôi bạn trưởng thành trong tình yêu và hôn nhân đều là những người có khả năng thành công trong cuộc sống vợ chồng. Bởi vì họ là những người luôn suy nghĩ chín chắn, có một trái tim bao dung, một ý chí mạnh mẽ, có bản lãnh vững vàng và có một khả năng thích nghi tuyệt vời nhờ đó họ có thể duy trì được cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền vững.
Sự trưởng thành trong tình yêu không dựa vào tiêu chuẩn tuổi tác, già trẻ, nhưng là căn cứ trên sự chín chắn về mặt tâm lý và sự quân bình trong phán đoán. Trên thực tế, đã xảy ra nhiều bi kịch trong đời sống vợ chồng chỉ vì người ta yêu theo đam mê mà quên trách nhiệm, yêu một cách mù quáng và ích kỷ, yêu liều lĩnh không nghĩ đến hậu quả tai hại có thể xảy ra, yêu mà chỉ đòi hỏi hơn là trao ban.
Những người ấu trĩ thì sẽ yêu theo kiểu ấu trĩ, yêu tùy hứng, theo cảm tính “sáng nắng chiều mưa!”, lúc thì sôi nổi lúc thì lạnh nhạt. Khi thích thì họ làm vui lòng còn khi không thích thì họ ghét bỏ. Cái nhìn của những người ấu trĩ về tình yêu và hôn nhân thường dựa trên tiêu chuẩn vật chất, trục lợi, thực dụng hơn là theo mục đích trong sáng, lành mạnh và nghiêm túc.
Một trong những thái độ yêu của người trưởng thành, đó là sự rộng lượng và bao dung. Theo kết quả nghiên cứu của các giáo sư trường đại học Virginia, sự vị tha, rộng lượng là một trong những nhân tố chính làm nên một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Đây cũng là yếu tố hàng đầu có thể ngăn chặn ly hôn. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra những cặp vợ chồng giàu lòng vị tha luôn là những người hạnh phúc hơn với cuộc hôn nhân của mình. Những người đạt điểm trung bình trong mức độ vị tha, hào phóng thì luôn hạnh phúc hơn 3 lần so với người không có phẩm chất này.[7]
4- ĐÔI BẠN CHẤP NHẬN SỰ KHÁC BIỆT VỢ - CHỒNG VÀ TÔN TRỌNG VAI TRÒ CỦA NHAU
Khi kết hôn, hai bạn “nên một” trong tình yêu, trong ơn gọi và trong sứ mệnh hôn nhân. “Nên một” không có nghĩa là họ hòa tan với nhau, đúc thành một cá thể duy nhất. Ta biết rằng khi đã thành vợ thành chồng rồi nhưng hai người vẫn là hai cá thể riêng biệt, đặc thù, cho nên giữa họ vẫn còn tồn tại sự khác biệt rất lớn về giới tính, tính cách, sở thích, cá tính, học vấn, nền tảng giáo dục, nhân sinh quan vv.
Bên cạnh đó, trong gia đình, mỗi người có vai trò riêng của từng người, chồng là chồng, vợ là vợ. Không ai là chủ của ai, mà cũng không ai là đầy tớ của ai. Như ông bà ta nói: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” hay “Vợ chồng như đũa có đôi”. Sự hòa hợp trong đời sống vợ chồng là yếu tố hàng đầu góp phần làm nên một cuộc hôn nhân hạnh phúc, hài hòa, êm thắm và vững bền.
Theo tác giả cuốn “Cẩm nang Hạnh phúc Gia đình Ki-tô” thì chúng ta cần nhìn nhận điều này: “Sự đổ vỡ trong hôn nhân thường xảy đến khi hai người phối ngẫu không chấp nhận vai trò của nhau. Và từ đó không đạt được sự hòa hợp trong đời sống vợ chồng. Vì hòa hợp và bổ túc cho nhau, đó là nguyên tắc sống nền tảng trong đời sống hôn nhân...”. Và “Bổ túc cho nhau trên hết có nghĩa là mình có những gì mà người kia không có, điều mình có ít thì người kia lại có nhiều. Sức mạnh, vẻ đẹp, sự dịu dàng của tình yêu nằm trong sự bổ túc ấy...”.[8]
Trong đời sống hôn nhân gia đình, mối quan hệ vợ-chồng, cha mẹ-con cái mặc nhiên được xác lập, và từ đó hình thành sự phân công phân nhiệm của từng người. Chẳng hạn, thông thường người vợ sẽ lo việc chăm sóc con cái, đảm nhận việc nhà (nội tướng), trong khi người chồng làm việc ngoài xã hội (ngoại tướng), kiếm tiền nuôi gia đình, đồng thời giữ vai trò “thủ trưởng” của đơn vị tiểu-gia-đình mình.
Sự phân công là như vậy. Nhưng trên thực tế, hiện nay, do điều kiện kinh tế và hoàn cảnh xã hội thay đổi, nhiệm vụ “chuyên trách” truyền thống của vợ chồng có thể không như xưa. Trong khi người vợ tần tảo ngoài xã hội thì có thể ông chồng phải ẩn mình trong bốn bức tường ngôi nhà mình. Việc kiếm tiền sẽ do phụ nữ, còn việc nội tướng sẽ do đàn ông. Tuy nhiên, dù tình hình có thay đổi thế nào đi nữa, thì chồng vẫn là chồng, vợ vẫn là vợ. Và mỗi người phấn đấu làm tốt công việc của mình. Người ta thường nói: “Kẻ xay lúa, người bồng em” là vậy.
Dù ai làm gì và làm cách nào thì vợ chồng như đũa có đôi. Họ đồng thuận trong chí hướng và hành động để đạt mục tiêu kiến tạo gia đình hạnh phúc, ấm no. Trong khi mỗi người chu toàn trách vụ của riêng mình thì cả hai cũng đều cố gắng tôn trọng vai trò, chức năng của bạn mình. Đã xa rồi cái thời phu xướng phụ tùy (chồng làm gì vợ cũng làm theo) hay lệnh ông không bằng cồng bà (đàn ông sợ vợ). Khi hai người tôn trọng vai trò của nhau, mối quan hệ vợ chồng luôn được duy trì một cách hài hòa và đồng thuận. Không còn kẻ trên người dưới. Không còn kẻ khinh người trọng, kẻ hơn người kém, kẻ cao người thấp nữa! Xin được nhắc lại câu này, “Chính sự bình đẳng mới có thể làm cho tình yêu vững bền” (G.E. Lessing).
5- ĐÔI BẠN KHÔNG NUÔI THAM VỌNG SỞ HỮU NGƯỜI YÊU VÀ LUÔN TÔN TRỌNG QUYỀN RIÊNG TƯ CỦA NHAU
Người có tư cách trưởng thành không lợi dụng hôn nhân để thực hiện ý muốn chiếm đoạt hay sở hữu bạn đời của mình như một sự vật. Thực tế cho thấy, người có tình yêu hẹp hòi, ích kỷ luôn muốn sở hữu cao, họ luôn muốn bạn đời phải là của mình, thuộc về mình và không ai được động tới. Điều này dẫn đến hệ lụy là sự ghen tuông, sự bạo hành và sự bất hòa dai dẳng trong gia đình. Trái lại, người trưởng thành chấp nhận một tình yêu song phương, bình đẳng, người này tôn trọng người kia, họ coi nhau như là bạn tình, bạn đời, bạn đường, chứ không phải coi nhau như kẻ phụ thuộc, ăn bám và phải phục vụ theo ý đồ riêng của nhau.
Nhiều chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân gây xung đột trong đời sống vợ chồng, đó là đôi bạn không biết tôn trọng quyền riêng tư của nhau. Chúng ta biết rằng mặc dù ở chung nhà, ngủ chung giường, ăn chung mâm…nhưng vợ chồng vẫn có những “khoảng trời riêng tư” mà bạn đời phải nhận ra và tôn trọng. Chồng có sở thích riêng thì vợ cũng có những thú vui riêng. Chồng thích đọc sách thì vợ cũng ham mê xem phim. Chồng thích đi du lịch, trong khi đó vợ thích đi thăm bạn bè cũ vv…
Thực vậy, với quan niệm cho rằng đã là vợ chồng, mọi thứ đều phải là của chung, không nên giấu giếm, không ít trường hợp thiếu tế nhị, tự cho quyền được lục lọi những vật dụng riêng tư như điện thoại, máy tính, bóp, thư từ, tiền bạc… của chồng/vợ mình. Cách cư xử đó khiến bạn đời khó chịu và lâu dài, ảnh hưởng tiêu cực đến hạnh phúc lứa đôi. Khi nêu vấn đề này ra, đa số các bạn nam cũng như nữ đều không thích “người cùng nhà” quá tò mò, kiểm soát này nọ. Không ít cặp đôi thường cãi cọ, “chiến tranh lạnh” cũng vì vợ, chồng có thói quen trên.
Trái lại, đặc điểm của những cặp vợ chồng trưởng thành là họ không bao giờ lấn sân của nhau, họ biết dừng lại bên làn ranh giới của mình. Thực tế chứng minh rằng họ thực sự hòa hợp trong hôn nhân vì cả hai cùng quan tâm đến nhau nhưng lại vẫn duy trì được thái độ “tương kính như tân”.
6- ĐÔI BẠN CHẤP NHẬN NGƯỜI YÊU KHÔNG HOÀN HẢO
Một danh nhân đã nói, “Hôn nhân không thể hạnh phúc nếu trước khi lấy nhau hai người không biết rõ tính tình, thói quen và tính cách của nhau” (H. de Balzac). Biết nhau, hiểu nhau để rồi sẽ sẵn sàng chấp nhận mặt mạnh, mặt yếu của người bạn đời. Nhiều đôi bạn sau một thời gian sống chung với nhau đã khám phá ra nơi bạn đời mình nhiều tính hư tật xấu. Điều này khiến cả hai đều thất vọng về nhau và nếu tình trạng không cải thiện thì sẽ xảy ra mâu thuẫn, xung đột nhau thường xuyên.
Dale Carnegie trong quyển “Tâm lý vợ chồng” khi đề cập đến những va chạm hằng ngày xảy ra trong cuộc sống lứa đôi đã viết như sau: “Cuộc sống vợ chồng là một cuộc sống tế nhị, con người khi lập gia đình phải hiểu được những khó khăn, phiền phức trong cuộc sống lứa đôi đó, mới có thể mang lại cho nhau nguồn hạnh phúc chân thật đúng như lòng mình mong muốn. Yêu tức là thừa nhận, yêu là tha thứ, đó là một chuyện đương nhiên không ai không biết, nhưng không phải vì thế mà câu chuyện vợ chồng trở thành đơn giản, mọi người đều thừa biết là thế, song cuộc sống vợ chồng vẫn là một cuộc sống phiền toái luôn luôn phức tạp…”.
Vậy để trả câu hỏi “Bí quyết nào khiến người đàn ông và người đàn bà sống được cùng nhau lâu đến đầu bạc răng long?”, nhiều người cho rằng: Đó chính là trong cuộc hôn nhân ấy cả vợ và chồng đều hiểu rằng hôn nhân vốn không hoàn hảo, ngược lại còn rất nhiều khiếm khuyết, nhưng họ đã học cách yêu đi yêu lại, chỉ duy nhất một người. Hay nói cách khác, cuộc hôn nhân tốt nhất chính là giữa bà vợ “mù” và ông chồng “điếc”. Vợ “mù” là đôi khi nhìn thấy điều gì tiêu cực thì hãy coi như mù tạm thời. Còn chồng “điếc” là vì vợ nói nhiều quá thì coi như điếc để đỡ cãi nhau. Sau cùng chỉ cần nhớ rằng, đến cuối cùng ai sẽ là người vì mình là ở lại, ai sẽ là người dù giông bão cũng nắm chặt tay mình, để từ đó biết mà đối xử tốt với người bạn đời, trân quý người bạn đời. Vậy là tự nhiên hôn nhân sẽ trở nên viên mãn.[9]
7- ĐÔI BẠN SẴN SÀNG CHIA SẺ TRÁCH NHIỆM CHUNG
Mới đây, trên trang vnexpress.vn, trong một bài viết ở mục tâm sự có tựa đề “Chán chồng” của một phụ nữ 34 tuổi có chồng 2 con, tác giả than thở rằng mình đang có cảm giác chán chồng và muốn ly hôn vì tính cách của chồng quá ỷ lại vào gia đình cha mẹ, vào vợ và tỏ ra vô trách nhiệm trong gia đình. Trong thời gian dịch cúm Covid-19, anh thất nghiệp ở nhà cũng không giúp đỡ chị được gì mặc dù chị đã lo hết mọi việc ăn uống, chăm sóc con cái, nhà cửa… Trái lại, trong thời gian rảnh rỗi, anh chơi chim cá cảnh, rồi cà phê với bạn bè và đưa đón con đi học. Anh không hề có ý định kiếm việc làm phụ vợ dù tháng nào vợ cũng đưa anh bảng chi phí ghi rõ chi tiêu mỗi tháng, thiếu hụt ra sao. Anh dường như không quan tâm, hết tiền xài thì anh lại mượn vợ hoặc mượn ba má.
Gần đây áp lực chuyện tiền bạc, công việc khiến chị mệt mỏi, bên cạnh đó hàng ngày nhìn thấy chồng chỉ lo chăm sóc cho đám chim cá cảnh còn hơn lo cho vợ con, cả tối chỉ cắm mặt vô điện thoại làm chị ức chế và có ý định ly hôn.[10]
Quả thực, tình trạng trên hiện nay xem ra khá phổ biến trong các gia đình trẻ. Phần đông các anh chồng lười biếng và ỷ lại vào sự đảm đang của chị vợ mà bỏ bê việc chung trong gia đình. Điều đó khiến người vợ mệt mỏi và thất vọng vì gia đình là của chung, hôn nhân là do hai người cùng kiến tạo và niềm hạnh phúc là do hai người cùng chia sẻ. Như một danh nhân đã khẳng định: “Trong hôn nhân, gặp nhau là bước đầu, sống chung với nhau là bước kế tiếp, làm việc chung với nhau mới làm nên một gia đình êm ấm” (James Thurber).
Trong cuốn “Những quy tắc trong đời sống vợ chồng”, tác giả đã đưa ra 3 cái “cùng”: Cùng nhau làm việc nhà, cùng nhau chăm sóc con cái, cùng nhau quyết định mọi việc trong gia đình. Tác giả đã phân tích như sau:
Thật sai lầm khi người vợ ôm đồm hết mọi thứ và để người chồng đi làm về “ngồi chơi xơi nước”. Thứ nhất, vợ tập cho chồng thói quen ỷ lại, lười biếng và thiếu trách nhiệm. Thứ hai, vợ đang tự biến mình thành người giúp việc trong nhà, chứ không còn là vợ. Cuối cùng về lâu dài, việc này ảnh hưởng không nhỏ đến tình cảm của vợ chồng đôi bạn. Hôn nhân là sự hợp tác, chia sẻ, và mọi trách nhiệm đều phải được phân công với nhau.
Ngoài ra, là vợ chồng, đôi bạn nên trao đổi, thống nhất với nhau để đưa ra quyết định cho mọi việc dù lớn hay nhỏ trong gia đình. Có nhiều gia đình phần lớn mọi việc do chồng hay do vợ quyết định, người còn lại chỉ biết lắng nghe theo và ít khi tham gia ý kiến. Đó không phải là biểu hiện của một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nó thể hiện sự thiếu cân bằng về trọng lượng lời nói, vị thế của nhau trong hôn nhân. Để hôn nhân bền vững và hạnh phúc, một nguyên tắc cần tuân thủ nghiêm ngặt, đó là mọi việc quan trọng trong gia đình, cả hai vợ chồng đều phải bàn bạc, nêu ra ý kiến của mình để có quyết định thống nhất.[11]
Quả thực, ông bà ta nói, “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn” là rất chính xác vậy.
8- ĐÔI BẠN BIẾT ỨNG XỬ GIAO TIẾP TỐT VỚI NHAU
Chúng ta biết rằng, trong đời sống hôn nhân, giao tiếp hằng ngày đóng vai trò rất quan trọng. Nó không chỉ gắn kết đôi bạn lại, mà còn giúp cả hai hiểu nhau hơn, đồng cảm với nhau hơn. Một ngày các vợ chồng bạn phải ở xa nhau ít nhất cũng tám giờ do công việc làm ăn, có biết bao chuyện xảy ra xung quanh cả hai người. Do đó, rất cần kể cho nhau nghe mọi chuyện, chia sẻ với nhau những gì xảy ra trong ngày.
Không thể coi một đôi vợ chồng là hạnh phúc nếu mỗi ngày họ không nói chuyện với nhau được 30 phút.
Vậy, điều cốt yếu là đôi bạn phải tìm cơ hội để giao tiếp với nhau, không để giữa hai người có khoảng lặng quá lớn chẳng hạn như hai người làm việc riêng, mạnh ai người đó quan tâm đến công việc của mình thôi và không hề nói chuyện với nhau. Trong khi đó, giao tiếp hằng ngày với nhau là yếu tố tạo nên hạnh phúc gia đình.
Cuộc sống hôn nhân sẽ trở thành cơn ác mộng nếu suốt ngày cả hai vợ chồng không nói chuyện với nhau hoặc cảm thấy không có gì để nói. Đó thực chất là dấu hiệu cho thấy hôn nhân của bạn đang có vấn đề nghiêm trọng và cần có giải pháp chấn chỉnh ngay.
Nhờ giao tiếp đối thoại thường xuyên với nhau, đôi bạn có cơ hội dành thời gian gắn kết tình nghĩa vợ chồng.
Sau 26 năm nghiên cứu 343 cặp vợ chồng, tiến sĩ Terri Orbuch, chuyên gia về tình yêu hôn nhân kết luận rằng những người biết và hiểu rõ bạn đời của mình sẽ cảm thấy hài lòng với hôn nhân hơn. Trong những cuộc phỏng vấn hàng năm, 98% cặp vợ chồng hạnh phúc nói rằng họ hiểu sâu sắc người bạn đời của mình, biết bạn thân nhất của vợ/chồng mình, biết những mối quan tâm, mong muốn và mâu thuẫn trong lòng của người đó. Khoảng 50% cặp vợ chồng hạnh phúc nói rằng họ thường xuyên chia sẻ nhiều chi tiết riêng tư với vợ/chồng mình, trong khi con số này chỉ là 19% ở đôi không hạnh phúc.
Khi vợ chồng hiểu nhau sâu sắc, cuộc hôn nhân sẽ kéo dài hơn. TS T. Orbuch cũng đề xuất quy tắc 10 phút: Mỗi ngày, vợ chồng nên dành ít nhất 10 phút để nói về những gì ngoài công việc, gia đình, việc nhà, bởi thực tế rất nhiều cặp vợ chồng chỉ giao tiếp khi họ muốn nói về những công việc trong gia đình.[12]
9- ĐÔI BẠN DUY TRÌ SỰ HÒA HỢP ĐỜI SỐNG TÌNH DỤC
Các chuyên gia về hôn nhân đều khẳng định rằng sự hòa hợp tình dục trong đời sống vợ chồng là yếu tố quan trọng đem lại hạnh phúc lâu dài cho đôi bạn.
Vừa qua trên trang dantri.com.vn, qua bài viết có tựa đề “U70 đòi ly hôn vì chuyện... giường chiếu”, phóng viên kể một câu chuyện liên quan một cặp cụ ông bà 70 đòi ly hôn vì chuyện trục trặc trong quan hệ tình dục vợ chồng.[13]
Đây quả là một bi kịch hôn nhân mà trên thực tế không phải là hiếm khi xảy ra. Theo các chuyên gia tâm lý, nhiều người lớn tuổi gặp khủng hoảng chuyện chăn gối nhưng đây lại là vấn đề rất ít được quan tâm. Quả thực, nhiều người cho rằng người ta có thể sống mà không có tình dục, nhưng hôn nhân khó tồn tại lâu dài nếu không có tình dục.
Chúng ta biết rằng, tình dục là một nhu cầu tự nhiên thuộc bản năng của con người. Nó nằm sẵn ở trong máu thịt của mỗi người nên hầu như không ai thoát khỏi xu hướng tình dục. Đặc biệt trong hôn nhân giữa người nam và người nữ, ta còn nói đến quan hệ tình dục (QHTD), tức là những hành vi ái ân vợ chồng, khi họ trao hiến thân xác và tâm hồn cho nhau.
Các chuyên gia cho rằng, quan hệ vợ chồng là mối quan hệ tổng hợp dựa trên nhiều chức năng, vai trò khác nhau giữa người vợ và người chồng trong cuộc sống. Trong đó, quan hệ tình dục là mối quan hệ đặc biệt. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam, tình dục là một trong những nét đặc thù của quan hệ vợ chồng. Nó chính là sợi dây gắn kết tình cảm của cả hai người, làm cho vợ chồng có thể hiểu nhau nhiều hơn, hạnh phúc hơn khi được thỏa mãn với bạn tình của mình.
Nếu như trong quan hệ vợ chồng, chuyện chăn gối mà không làm thỏa mãn cho bạn tình hoặc tình trạng lãnh cảm diễn ra trong thời gian dài sẽ gây cho họ những bức xúc, căng thẳng trong quan hệ gia đình cũng như tình cảm vợ chồng. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, hơn 80% các cặp vợ chồng trên thế giới ly hôn do đời sống tình dục không hòa hợp. Họ không tìm được tiếng nói chung trong quan hệ chăn gối nên dẫn đến tình trạng đường ai nấy đi chứ không phải vì lý do kinh tế khó khăn hay các vấn đề khác chỉ chiếm số ít trong những trường hợp ly hôn này.[14]
Đối với vợ chồng Ki-tô hữu, chúng ta xác tín rằng: Khi vợ chồng thành một xương một thịt trong hôn nhân, và khi sự trao hiến này diễn tả việc vợ chồng bổ sung cho nhau, thì tình yêu vợ chồng trở thành sức mạnh làm cho hai người được thêm phong phú và tăng trưởng, đồng thời góp phần xây dựng nền văn minh tình yêu. Trái lại, khi những hành vi tính dục không mang ý nghĩa bổ sung và trao hiến cho nhau, thì nó chỉ làm phát sinh một nền văn minh đồ vật, trong đó con người bị sử dụng chẳng khác nào như một thứ đồ vật. Trong bối cảnh của nền văn minh hưởng thụ, người nữ có thể trở thành một thứ đồ vật cho người nam, và con cái trở thành một chướng ngại vật cho cha mẹ.
Ước gì chúng ta luôn đến với Lời Chúa để nhận được ánh sáng và sức mạnh trong lãnh vực này: “Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong anh em mà anh em đã lãnh nhận nơi Thiên Chúa, và anh em không còn thuộc về chính mình nữa sao? Vì anh em đã được mua chuộc bằng một giá rất lớn. Vậy anh em hãy tôn vinh Chúa trong thân xác anh em” (1Cr 6,19-20) ./.[15]
[1] https://giadinhvietnam.com/phu-nhan-cuu-tong-thong-obama-hon-nhan-la-su-lua-chon-can-thuc-hien-moi-ngay-d146536.html
[4] http://giaoluatconggiao.com/bi-tich-hon-phoi/nhung-nguyentac-nen-tang-cua-hon-nhan-jb-le-ngoc-dung-135.html
[5] D. Wahrheit - Cẩm nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - Mục vụ Hôn nhân và Gia đình - Tổng hợp và biên tập : Lm. Minh Anh, GP. Huế
[9] https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/bi-quyet-de-hon-nhan-hanh-phuc-la-vo-mu-chong-diec-653798.html
[11] Alphabooks biên soạn – Những quy tắc trong đời sống vợ chồng – NXB Lao động Xã Hội năm 2018 trang 39 và 44
[13] https://dantri.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/u-70-doi-ly-hon-vi-chuyen-giuong-chieu-20200912071452594.htm
[14] https://thanhtra.com.vn/xa-hoi/Tinh-duc-trong-quan-he-vo-chong--Yeu-to-giu-gin-hanh-phuc-gia-dinh-26122.html
[15] http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/GIAOLUAT/HonNhanGiaDinh/Bai08.htm
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/giai-ma-mot-cuoc-hon-nhan-thanh-cong-40686
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét