Đức Hồng y Grech sẽ là tự sát nếu sau đại dịch chúng ta trở lại cung cách mục vụ như trước
lastampa.it, Iacopo Scaramuzzi, 2020-11-02
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Văn minh Công giáo, La Civiltà Cattolica, hồng y Grech được bổ nhiệm làm tân Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, ngài giải thích một loại chủ nghĩa giáo quyền nào đó đã xuất hiện trong thời gian cách ly: cần phải mang lại chiều kích thiêng liêng và tôn giáo cho gia đình.
“Sẽ là tự sát nếu sau đại dịch, chúng ta trở lại cung cách mục vụ giống như chúng ta đã làm từ trước đến nay.” Đức Hồng y người Malta Mario Grech, tân Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục sẽ được phong hồng y trong lần công nghị ngày 28 tháng 11 sắp tới, ngài tố cáo sự việc trong thời gian cách ly, khi các thánh lễ bị ngưng đã có “một loại chủ nghĩa giáo quyền nổi lên thông qua mạng xã hội”. Như thử việc thiếu tạm thời các phụng vụ và bí tích có thể làm ảnh hưởng đến “lòng trung thành của môn đệ Chúa Giêsu”, ngài đưa ra hai con đường phải theo trong tương lai gần: phương pháp “tính đồng nghị”, một khái niệm không thể giải thích nếu không có “tình huynh đệ” được kết nối, và nhu cầu mang lại tinh thần giáo hội tại gia cho gia đình, domus ecclesiae, “một chiều kích thiêng liêng và tôn giáo”.
Trong bài phỏng vấn trên tạp chí Văn minh Công giáo số 4087, ngài cho biết: “Trong thời kỳ đại dịch, một chủ nghĩa giáo quyền nào đó đã xuất hiện, ngay cả trên mạng xã hội. Chúng ta chứng kiến một loại phô trương, một chủ nghĩa sùng tín nhiều ma thuật hơn là biểu hiện của một đức tin trưởng thành.” Ngài giải thích: “Trong thời gian này, nhiều sáng kiến mục vụ tập trung vào chỉ một hình ảnh linh mục” và “trong hoàn cảnh không cử hành được bí tích, chúng ta không nhận ra còn nhiều cách khác để cảm nghiệm được Thiên Chúa. Nhưng lòng trung thành của người môn đệ Chúa Giêsu không thể bị tổn hại do sự thiếu hụt tạm thời của các phụng vụ và bí tích.” Ngài nói tiếp: “Tôi ngạc nhiên thấy nhiều người than phiền việc họ không được rước lễ và cử hành tang lễ trong nhà thờ, nhưng ít người quan tâm đến việc làm sao giải hòa với Chúa và với người khác, làm sao nghe và cử hành Lời Chúa, làm sao sống đời sống phục vụ. Vì thế, với Lời Chúa, chúng ta hy vọng sau cuộc khủng hoảng, các kết quả của nó sẽ đi theo chúng ta một thời gian dài, và đây là dịp để chúng ta, với tư cách là một Giáo hội, mang Tin Mừng trở lại trọng tâm đời sống và sứ vụ của chúng ta. Chúng ta nhiều người vẫn còn “mù chữ về Tin Mừng.”
Đức Hồng y đặt một câu hỏi theo kiểu khiêu khích: “Chẳng phải các y bác sĩ và y tá đã liều mạng sống của mình để ở gần bệnh nhân, họ đã không biến các phòng bệnh thành các nhà thờ chính tòa đó sao?” Giáo hội “đã quá giáo quyền và sứ vụ lại được các giáo sĩ kiểm soát” và “ngay cả giáo dân cũng thường để mình chịu ảnh hưởng của một khuôn mẫu chủ nghĩa giáo quyền mạnh mẽ. Họ lo âu khi ở ngoài bối cảnh Thánh Thể hoặc họ cảm thấy lạc lối vì không biết các cách khác để tham dự vào mầu nhiệm. Điều này không những nói lên một mức độ mù chữ thiêng liêng nào đó, mà còn là bằng chứng về sự chưa đủ trong việc thực hành mục vụ hiện nay. Rất có thể trong quá khứ gần đây, hoạt động mục vụ của chúng ta đã cố gắng khởi xướng các bí tích chứ không phải được các bí tích khởi xướng vào đời sống tín hữu kitô.” Hồng y Mario Grech không dịu giọng, ngài cảnh báo: “Sẽ là tự sát nếu sau đại dịch, chúng ta quay trở lại với cung cách mục vụ như đã làm từ trước đến nay.” Vì lý do này, “chúng ta phải suy nghĩ để tự hỏi mình về sự phong phú của các sứ vụ giáo dân trong Giáo hội, để hiểu xem họ đã thể hiện như thế nào và bằng cách nào.”
Hồng y Mario Grech được Linh mục Antonio Spadaro giám đốc tạp chí Văn minh Công giáo phỏng vấn, đặc biệt bà Simone Sereni, thư ký điều hành và biên tập viên của bán nguyệt san Dòng Tên. Một phần cuộc phỏng vấn dành riêng cho gia đình “Hội thánh nhỏ tại gia”: đây là lý do vì sao trong phần giới thiệu cuộc phỏng vấn cho biết cuộc trò chuyện được một linh mục và một giáo dân, người cha gia đình thực hiện.
Và kể từ khi bắt đầu đại dịch, chúng ta có thể nói căn nhà đã trở thành Nhà thờ, ngay cả theo nghĩa phụng vụ không? Hồng y trả lời: “Điều này rất rõ ràng với tôi. Ai trong thời kỳ này, khi gia đình không có dịp đến với bí tích Thánh Thể, mà không tận dụng cơ hội để giúp gia đình phát huy tiềm năng của chính mình, thì họ đã bỏ cơ hội bằng vàng.” Giáo hội cộng đồng lớn “được tạo thành từ các Giáo hội nhỏ của các gia đình. Nếu Giáo hội tại gia không thành công thì Giáo hội không thể tồn tại. Nếu không có Giáo hội tại gia thì Giáo hội không có tương lai!”
Ngài giải thích: “Chủ nghĩa giáo quyền cũng tái xuất hiện trong bối cảnh này: đó là một trong các tệ nạn của đời sống linh mục và của Giáo hội, dù trên thực tế Công đồng Vatican II đã khôi phục quan niệm về gia đình như một ‘Giáo hội tại gia’ và phát triển giáo huấn về chức tư tế chung”. Ngài nói thêm: “Không phải gia đình là nhánh của Giáo hội, nhưng Giáo hội phải là nhánh của gia đình. Với tư cách, gia đình là cấu trúc cơ bản và vĩnh viễn của Giáo hội, gia đình phải là “Giáo hội tại gia”, cần được trả lại chiều kích thiêng liêng và tôn giáo của nó.”
Ngày 2 tháng 10 năm 2019, hồng y Mario Grech được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm phụ tá tổng thư ký Thượng hội đồng Giám mục, và vì thế ngài tham dự Thượng hội đồng về Amazon. Ngày 16 tháng 9, ngài kế nhiệm Hồng y Lorenzo Baldisseri làm Tổng thư ký chính thức. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Văn minh Công giáo, ngài tập trung vào mối quan hệ: “Tôi nghĩ rằng tình đồng đội và tình huynh đệ là hai thuật ngữ liên hệ lẫn nhau. Một đặc điểm thiết yếu của tiến trình đồng nghị trong Giáo hội là đối thoại huynh đệ. Trong bài phát biểu lúc bắt đầu Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức Phanxicô đã nói: “Trên hết, Thượng Hội đồng phải là bài tập đối thoại cho những người tham dự.” Và thành quả đầu tiên của cuộc đối thoại này là tất cả mọi người đều mở ra với điều mới lạ, thay đổi quan điểm của họ, vui mừng với những gì họ đã nghe từ người khác. Hơn nữa, khi bắt đầu phiên họp đặc biệt của Thượng Hội đồng cho vùng Pan-Amazon, Đức Phanxicô đã đề cập đến “tính huyền bí của tình huynh đệ”, ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bầu khí huynh đệ giữa các nghị phụ, “bảo vệ tình huynh đệ phải được thực hiện ở đây.” Văn hóa “đối thoại trong tình huynh đệ” sẽ giúp cho tất cả các buổi họp – chính trị, kinh tế, khoa học – biến đổi thành nơi gặp gỡ chứ không phải đối đầu. Trong thời đại như thời đại của chúng ta, khi chúng ta chứng kiến sự đòi hỏi quá mức về chủ quyền nhà nước và sự trở lại của chủ nghĩa giai cấp, các chủ thể xã hội có thể đánh giá lại cách tiếp cận “đồng nghị” này, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái thiết và một tầm nhìn hợp tác.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
http://phanxico.vn/2020/11/04/duc-hong-y-grech-se-la-tu-sat-neu-sau-dai-dich-chung-ta-tro-lai-cung-cach-muc-vu-nhu-truoc/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét