Trang

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2020

Ý Nghĩa Bức Họa Chính Thức Về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

 Ý Nghĩa Bức Họa Chính Thức Về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng
 





Tư tưởng hàm chứa trong bức hoạ 117 các vị Tử Ðạo Việt Nam xuất phát từ câu Khải Huyền (7:9): “Tôi thấy đám người rất đông, không ai đếm được, thuộc đủ mọi dân tộc, chi họ, quốc gia và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Chiên con, mặc áo trắng dài, tay cầm ngành thiên tuế và lớn tiếng hô vang: Hoan hô Thiên Chúa.” Theo Thánh Gioan, đám người đông đảo đó, kể cả muôn vàn vị Tử Ðạo trong lịch sử Giáo Hội hoàn vũ đã bỏ mình vì trung kiên với Thiên Chúa, và hiện nay đang vinh hiển trong cõi hoan lạc trường sinh. Còn trong Giáo Hội Việt Nam, 117 Thánh Tử Ðạo đại diện cho hơn 130,000 Kitô hữu đã anh dũng hy sinh mạng sống trong suốt 261 năm bách hại: Từ sắc chỉ cấm đạo đầu tiên năm 1625, cho tới hết thời Văn Thân (1886).

Hình ảnh quốc gia Việt Nam

Được biểu hiện qua mấy hình ảnh: Chùa Một Cột (miền Bắc), Chùa Thiên Mụ (miền Trung) bên cạnh Hoàng Cung tại cố đô Huế nơi các vua chúa khi xưa đã ký 53 Sắc Chỉ bắt bớ đạo Công Giáo, và Chợ Bến Thành (miền Nam).

Hình ảnh Giáo Hội Việt Nam
  
Được biểu hiện qua năm ngôi thánh đường:

– Saigon: Nơi còn bảo toàn hài cốt một số các vị Tử Ðạo miền Nam.

– La Vang (Huế): Chỗ Ðức Mẹ đã hiện ra an ủi đoàn con bị truy nã vì tin theo Chúa Giêsu Kitô (1789).

– Phát Diệm: Ngôi thánh đường duy nhất theo kiến trúc Á Ðông, và là nơi vị linh mục chánh xứ Trần Lục xưa kia đã một thời bị bách hại (1858),và bị đầy trên Lạng Sơn (1859-1860).

– Bùi Chu: Giáo phận đã đóng góp con số tử đạo nhiều nhất (26 vị trong số 117).

– Hà Nội: Một trong hai giáo phận đầu tiên tại Bắc Việt (1679), là xuất xứ của nhiều vị Tử Ðạo (16 vị, trong đó có Cha Thánh Anrê Dũng Lạc).

Ðứng hàng thứ nhất từ trái qua phải gồm các thánh đại diện cho các giới: Phaolô Lê Bảo Tịnh, Đức Giám Mục G. Hermosilla, Emmanuel Lê Văn Phụng, Thánh Nữ An-nê Lê Thị Thành, Théophane Vénard, Anre Dũng Lạc, Đức Giám Mục Berrio Ochoa và Toma Trần Văn Thiện.

– Ðại diện cho 96 vị Việt Nam gồm LM Anrê Dũng Lạc, Chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện, và Cụ gia trưởng Emanuel Lê Văn Phụng.

– Hai Giám Mục G. Hermosilla và V. Berrio Ochoa đại diện cho 11 vị (6 giám mục và 5 linh mục) trong y phục đen trắng của Dòng Ða Minh Tây Ban Nha.

– Linh mục Théophane Vénard đại diện cho 10 vị người Pháp (2 giám mục và 8 linh mục) y phục đen, mang cổ áo có ba gạch trắng của Hội Thừa Sai Paris.

Quỳ một bên đàng trước là Thánh Vinh Sơn Liêm, của Dòng Ða Minh, vị Thánh Linh Mục Tử Ðạo Việt Nam đầu tiên (1773) lúc mới 42 tuổi. Bên kia là Thánh Micae Hồ Ðình Hy, trước kia là Quan Giám Ðốc Nha Tiếp Liệu của triều đình Huế, nhưng vì niềm tin vào Chúa ngài đã bị Vua Tự Ðức truất phế hết mọi chức quyền trước khi bị kết án tử hình.

Riêng về Thánh Nữ An-nê Lê Thị Thành (Ðê), đại diện duy nhất cho nữ giới, khi tử đạo đã được 60 tuổi. Tuy nhiên hoạ sĩ Gordon Faggetter đã xin tô điểm cho thánh nữ trẻ lại vài chục năm để làm nổi bật sắc thái liễu đào và hình ảnh tươi đẹp của vườn hoa Giáo Hội Việt Nam.

Sau hàng thứ nhất và rải rác trên bức hoạ còn 24 linh mục triều, mặc lễ phục trắng, đeo giây “stola” đỏ, và 7 thánh binh sĩ trong y phục Binh Gia, và các bạn tử đạo khác, trong đó một cụ già mặc đại phục hoa gấm, đội khăn xếp đen chính là Thánh Ðaminh Phạm Trọng (Án) Khảm, khi được tử đạo với người con và em chú ruột (1859), ngài thọ 80 tuổi. Dưới chân bức hoạ là các loại khổ hình: Thanh gươm, xiềng xích bằng sắt, thừng thắt cổ, roi đòn, kìm móc da thịt và cái gông (hình chân thang để đeo vào cổ).

Giang sơn gấm vóc và Giáo Hội Việt Nam, tuy mãi tận chân trời xa xăm ngàn dặm, nhưng vẫn là cánh đồng truyền giáo phì nhiêu, vẫn là môi trường hoạt động của những người con anh dũng. Hồi xưa tổ tiên chúng ta đã lấy máu xương tô đắp nền tảng kiên cố này. Ngày nay Giáo Hội Việt Nam - dù đã và đang trải qua “đã nhiều lưu lạc, đã nhiều gian truân” (Kiều), vẫn còn sung sức và mạnh dạn thăng tiến. Vì từ trên trời cao xa, hai cánh tay Chúa Cứu Thế đang mở rộng chở che, chính Ngài đã bảo đảm: “Ở trần gian chúng con sẽ gặp muôn vàn đau khổ, nhưng phải giữ vững niềm tin: Cha đã thắng thế gian” (Gioan 16:33)

Ðức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ (RIP)

-----------------------

Lời người dịch qua tiếng Anh và đăng lại bài này: Cần ghi thêm một sự kiện khá quan trọng, vì gần đây, tôi đã có dịp viếng Nhà Nguyện Đức Mẹ La-Vang, trong tầng hầm của Đền Thánh “Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội”, cạnh Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ (Catholic University of America) ở thủ đô nước Mỹ, Washington DC.

Bên trong nhà nguyện, ngoài bức tược Đức Mẹ La-Vang được tạc bằng đá cẩm thạch, còn hai bức tranh được hình thành theo nghệ thuật Mosaic (ghép các miếng đá màu thành bức tranh). Một trong hai bức tranh đó được nghệ nhân dựa theo mẫu của bức họa chính thức về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam của họa sĩ Gordon Faggetter (hình 1), tuy bức này có gia tăng về chiều ngang khiến mặt các thánh ở phía sau được rõ hơn (hình 2).

Tuy nhiên, bức Mosaic này đã có những sai lầm nghiêm trọng, thiết nghĩ đây là lỗi của người thuê nghệ nhân thực hiện bức Mosaic đã không thông hiểu hết ý nghĩa của bức họa chính thức. Thứ nhất, vì không được hướng dẫn chính xác nên nghệ nhân này đã tạo bức tranh Mosaic với 7 thánh Giám Mục, thay vì 8 vị. Hai vị có tu phục đen, mang cổ áo có ba gạch trắng của Hội Thừa Sai Paris đã không có mặt trong bức Mosaic.

Thứ hai, chỉ có 10 vị thuộc hội Thừa Sai Paris, 2 Giám Mục và 8 Linh Mục, với tu phục đen và cổ áo có ba vạch trắng, nhưng nghệ nhân đã làm tới gần 20 vị với tu phục này. Mặt khác, các thánh Linh Mục dòng Đa Minh, trong tu phục đen trắng, đã bị “biến mất” gần hết! Các nhà thờ, chùa chiền cũng chỉ là những hình ảnh mờ nhạt, không thể xác định.

Với các lỗi lầm này, những người hướng dẫn khách hành hương và du lịch sẽ không thể nào giải thích cách chính xác và chi tiết về những con số của các thánh Tử Đạo Việt Nam! Nghe nói, giáo dân Việt Nam ở Mỹ đã đóng góp một số tiền lên tới hàng triệu đô để thực hiện nhà nguyện này, nhưng bức tranh chính, nói lên lòng tin anh dũng của các tín hữu Việt Nam, trong nhà nguyện lại sai lạc trầm trọng. Đáng tiếc thay!

LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng

Vietcatholic News

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét