Bí tích Thánh Tẩy và ơn gọi Kitô hữu
BÍ TÍCH THÁNH TẨY VÀ ƠN GỌI KITÔ HỮU
Tác giả: Mai Tâm
WHĐ (5.1.2020) – Bí tích Thánh tẩy mở đầu cho cuộc sống của kitô hữu, của “người có đạo”. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo (GLHTCG) dạy rằng: “Những hiệu quả khác nhau của bí tích Rửa tội (Thánh tẩy) được nói lên qua các yếu tố khả giác của nghi thức bí tích” (GLHTCG, 1262). Nhưng bí tích mở đầu cuộc sống này lại chỉ được ban cho mỗi người một lần trong đời, và trong các gia đình “có đạo”, thường được ban khi người này mới lọt lòng mẹ và cần phải có người thay mình đón nhận, tuyên xưng lòng tin và nói lời cam kết như bí tích đòi hỏi. Và có thể, từ ngày chịu phép Thánh tẩy cho tới nay, không ít kitô hữu mới chỉ nắm qua những điều cốt thiết trong bí tích, nhưng chưa có lần nào đích thân tham dự để có thể tận mắt chứng kiến “các yếu tố khả giác” giúp mình hiểu rõ “những hiệu quả khác nhau” của bí tích nền tảng của ơn gọi kitô hữu.
Do đó, quả là một điều ích lợi và cần thiết, từng kitô hữu nên có một lần nghiêm túc đọc lại và suy gẫm từng câu, từng cử chỉ được nói lên và được cử hành trong bí tích khơi mào cho cuộc đời kitô hữu của mỗi người. Và sẽ ích lợi hơn nữa nếu các tín hữu năng đọc và suy gẫm về bí tích Thánh tẩy, nhất là trước khi bước vào những giai đoạn phải có những quyết định mới về cuộc đời của mình, để thấy rõ ơn gọi làm chứng cho tình yêu thương của Đấng đã biến đổi cuộc đời mình, trong thời đại, trong môi trường mình đang sống, để tái xác nhận bổn phận bí tích Thánh tẩy đã trao cho mình thực hiện trong trọn cuộc đời.
Bài viết này chỉ là một gợi ý nhỏ để đọc và suy gẫm về bí tích đem lại ơn gọi kitô hữu của mỗi người chúng ta.
I. Ý NGHĨA VÀ HIỆU QUẢ CỦA BÍ TÍCH THÁNH TẨY
1. Trở thành thụ tạo mới
Đức tin Kitô giáo khẳng định: Người chịu bí tích Thánh tẩy được rửa sạch mọi tội lỗi và được tái sinh trong Chúa Thánh Thần, trở thành “thụ tạo mới” (xem 2Cr 5, 17), sống với một sự sống mới (xem Cv 2, 38; Ga 3, 5).
Sự sống của “thụ tạo mới” này là sự sống “có khả năng Tin vào Thiên Chúa, trông cậy nơi Ngài và yêu mến Ngài nhờ các nhân đức đối thần[1]; có khả năng sống và hành động theo sự tác động của Chúa Thánh Thần nhờ các hồng ân Người ban; và có khả năng tăng trưởng trong điều thiện hảo nhờ các nhân đức luân lý” (GLHTCG, 1266). Sự sống mới chính là sự sống của những người con cái của Thiên Chúa. Tin Mừng kể là sau khi chịu Thánh tẩy, Chúa Giêsu lên khỏi nước, và này trời mở ra và có tiếng từ trời phán: “Ngài là Con chí ái của Ta, kẻ Ta đã sủng mộ” (Mt 3,17).
Thánh Phaolô đã có một đoạn thư nói rất rõ và mạnh mẽ về hiệu quả này:
“Tôi xin nói là: hãy bước đi theo Thần khí, và anh em sẽ không làm thỏa đam mê xác thịt. Vì xác thịt có những đam mê chống lại Thần khí; và Thần khí có những đam mê chống lại xác thịt, đôi đàng cự lại nhau, khiến anh em không thể hễ muốn gì là làm được. Nhưng nếu anh em để Thần khí dẫn đi, anh em không phải chịu quyền Lề luật. Mà đã rõ việc vàn của xác thịt, tức là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, ma thuật, hằn thù; kình địch, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè đảng, ganh tị, say sưa, chè chén và các điều khác giống như vậy. Và tôi bảo trước cho anh em hay, như tôi đã từng bảo rồi, là những kẻ làm các điều ấy sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp! Còn hoa quả của Thần khí là: mến yêu, vui mừng, bình an, rộng rãi, tốt lành, lương thiện, tín trực, hiền từ, tiết độ. Không có luật nào chống lại các điều ấy. Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh xác thịt vào thập giá, cùng với các tình dục và đam mê. Nếu sống bởi Thần khí, thì ta cũng hãy hướng theo Thần khí mà tiến bước!” (Galat 5, 16-25)
2. Sự sống mới cũng là sự sống bất tử
Vào đêm Vọng Phục Sinh, 3/4/2010, tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Đức Bênêđictô XVI ban các bí tích Thánh tẩy, Thêm sức và Thánh thể cho sáu người dự tòng đến từ các nước khác nhau. Trong bài giảng thánh lễ hôm ấy, Đức giáo hoàng kể:
Có một câu truyện cổ tích Do Thái có tên là “Cuộc đời của Adam và Evà”. Truyện kể: lần cuối cùng lâm bệnh, Adam sai người con trai tên là Set đi cùng với bà Evà vào Vườn địa đàng để lấy dầu của lòng thương xót về cho ông xức. Ông hy vọng nếu được xức thứ dầu này, ông sẽ khỏi bệnh và sẽ tiếp tục sống.
Set và bà Evà vừa đi vừa khóc lóc và xin mong tìm ra cây sự sống. Tổng lãnh thiên thần Micae hiện ra và nói với hai người là họ sẽ chẳng tìm ra dầu của cây thương xót đâu và Adam sẽ không tránh khỏi cái chết.
Người kitô hữu đọc câu truyện này đã thêm vào câu nói của Tổng lãnh thiên thần Micae một lời an ủi: 5.500 năm sau, vua Kitô, Con Thiên Chúa, sẽ đến, và sẽ dùng dầu của lòng thương xót để xức cho mọi người tin vào Người: “Dầu của lòng thương xót, của sự sống đời đời, sẽ được ban cho tất cả những kẻ sẽ phải được tái sinh từ nước và Thánh Thần. Khi ấy Con Thiên Chúa, giàu lòng yêu thương, Đức Kitô, sẽ xuống trong ngục tổ tông và sẽ đưa cha ngươi lên Thiên đàng, bên cạnh cây của lòng thương xót”.
Trong câu truyện này, vẫn theo Đức giáo hoàng, chúng ta có thể cảm nhận được tất cả nỗi đau khổ của con người trước thân phận của mình: nào bệnh tật, nào khổ đau và nhất là cái chết không ai tránh khỏi. Và cũng rõ ràng là con người không nuốt nổi cái chết nên nghĩ và tin rằng phải có, ở đâu đó, một thứ thần dược chống lại cái chết và rồi sớm muộn gì, con người cũng sẽ tìm ra. Bằng cách này hay bằng cách khác, khoa học vẫn cố gắng tìm cách nếu chưa vô hiệu hóa được cái chết thì ít ra cũng đẩy lui được các nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh hiểm nghèo, tạo nên một cuộc sống tốt đẹp hơn, dài lâu hơn, trong khi chờ đợi thần dược của sự bất tử.
Và Đức giáo hoàng khẳng định với những người chịu phép Thánh tẩy hôm đó và với mọi người có mặt: Thứ thảo dược đem lại sự sống đời đời con người hằng mơ ước ấy quả có thật và đã được tìm thấy, nhưng lại không như người ta tưởng tượng. Sự bất tử mà thứ thuốc này tạo nên lại không phải là sự kéo dài đến vô tận sự sống con người đang sống. Thứ thảo dược này đem lại sự sống đời đời cho con người bằng cách biến đổi sự sống của con người tự bên trong, nói cách khác, tạo dựng nơi con người một sự sống mới, một sự sống được tạo dựng với tất cả mọi khả năng để có thể kéo dài vô tận. Sự sống con người sẽ được biến đổi đến độ cái chết sẽ không còn là điểm kết thúc nữa mà, trái lại, sẽ là khởi đầu cho một sự sống trong viên mãn.
Và Đức giáo hoàng giải thích: Thứ thuốc ấy được ban cho chúng ta trong bí tích Thánh tẩy. Đây quả là một tin mừng đối với những ai đang khao khát sự trường sinh bất tử: Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Trong bí tích Thánh tẩy, một sự sống mới bắt đầu nơi chúng ta, sự sống mới ấy lớn lên trong lòng tin và không bị hủy hoại bởi cái chết vốn gắn liền với sự sống cũ, trái lại, sẽ được bộc lộ một cách trọn vẹn trong ánh sáng sau cái chết này.
Dĩ nhiên, có người sẽ thắc mắc: có thực là như vậy không? Làm sao chúng ta có thể hình dung được điều chẳng hề thấy bao giờ này? Bằng cách nào sự sống cũ có thể biến đổi đến độ sự sống mới hình thành và không hề bị hủy hoại bởi cái chết?
Lại một lần nữa, chúng ta được nghe kể một câu truyện cổ của người Do Thái. Câu truyện sẽ giúp chúng ta hình dung được phần nào diễn tiến hay quy trình của sự biến đổi bắt đầu nơi chúng ta với bí tích Thánh tẩy này. Truyện kể: tổ phụ Ênoch một hôm được đưa đến trước ngai Thiên Chúa. Vị tổ phụ run sợ khi được đứng trước các thiên thần sáng láng và trong sự yếu đuối của con người, tổ phụ Ênoch chẳng dám ngước mắt chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa. “Khi ấy, Chúa phán với Micae: ‘Đem Ênoch đi và cởi bỏ y phục trần thế của ông ta, rồi xức dầu cho ông và mặc cho ông bộ y phục của vinh quang'. Và Micae đã làm như Chúa đã phán và tôi, Ênoch kể, được xức một thứ dầu dịu dàng và loại dầu này còn hơn cả một thứ ánh sáng rực rỡ, chói lọi... Sự rực rỡ của nó không khác gì tia sáng mặt trời. Khi tôi nhìn lại mình, tôi như thể là một trong những sinh linh vinh hiển”[2].
Đó chính là điều - việc được mặc chiếc áo mới Thiên Chúa ban - diễn ra trong bí tích Thánh tẩy. Dĩ nhiên, việc thay y phục là một quy trình diễn ra suốt cả cuộc đời của người kitô hữu. Điều diễn ra trong bí tích Thánh tẩy là khởi đầu của một diễn tiến bao trùm trọn cuộc đời chúng ta - đem lại cho chúng ta khả năng tiếp nhận đời đời, đến độ trong bộ y phục ánh sáng của Đức Giêsu Kitô, chúng ta có thể xuất hiện trước nhan Thiên Chúa và sống với Ngài mãi mãi”.
3. Alléluia
Kết thúc bài giảng trong thánh lễ có ban bí tích Thánh tẩy này, Đức giáo hoàng mời gọi mọi người hãy vui mừng: “Quả thực, có thứ dược thảo chống cái chết. Đức Kitô chính là cây sự sống, con người lại có thể tới với cây sự sống này. Nếu chúng ta nên giống Người, chúng ta sẽ được ở trong sự sống. Bởi vậy, trong Đêm Phục sinh này, chúng ta có thể cất tiếng hát Alléluia, bài ca của niềm vui không cần lời. Phaolô đã có thể nói với các tín hữu ở Philip: “Anh em hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn! Tôi xin lặp lại, hãy vui mừng” (Ph 4, 4). Niềm vui chẳng phải là thứ cứ ra lệnh là có được. Chúa đã sống lại đem đến cho chúng ta niềm vui: sự sống đích thực. Từ nay, chúng ta luôn được gìn giữ trong tình yêu thương của Đấng đang nắm trong tay mọi quyền năng trên trời dưới đất” (xem Mt 28, 18).
Sự sống bất tử cũng là niềm khát vọng của con người, ở mọi nơi, và trong mọi thời đại.
II. ƠN GỌI VÀ CAM KẾT CỦA BÍ TÍCH THÁNH TẨY
Người đã chịu bí tích Thánh tẩy, “được tái sinh làm con Thiên Chúa (nhờ bí tích Rửa tội), có bổn phận tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin mà họ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa qua Hội thánh và tham dự vào hoạt động tông đồ và truyền giáo của dân Thiên Chúa” (GLHTCG, 1270)
1. Bổn phận của mọi tín hữu
Tất cả những ai đã chịu bí tích Thánh tẩy, tức mọi kitô hữu, không trừ một ai, dù thuộc thành phần nào trong Giáo hội - Giáo sĩ - Tu sĩ và Giáo dân, - đều có bổn phận làm chứng về sự sống mới mình đã lãnh nhận này. Đặc biệt, giáo huấn của Giáo hội đã không ngừng nhắc nhở anh chị em giáo dân nghĩ tới bổn phận này. Bởi lẽ, trong thực tế, không ít anh chị em nghĩ rằng việc nên thánh, sống đời sống mới, chủ yếu, là việc của hàng giáo sĩ, của các tu sĩ nam nữ, những người, do ơn gọi nhận được, đã từ bỏ thế gian thường vẫn được hình dung là nơi đầy những cạm bẫy và tội lỗi, nơi con người phải vật lộn với đời sống vật chất, suốt ngày, suốt tuần, đầu tắt mặt tối với những công việc đời... chẳng còn thời gian để làm các việc đạo, như đọc kinh, nguyện gẫm, chiêm niệm những sự trên trời, ăn chay, hãm mình phạt xác, tạo cơ hội cho con người sống trong bầu khí thánh thiện... Nên thánh, hay làm chứng về đạo Chúa trong đời sống thường ngày, đối với những người giáo dân, do đó, chỉ có thể là những trường hợp cá biệt!
Để phá tan những suy nghĩ lệch lạc này, Giáo hội, vào những thời điểm đặc biệt, như Công đồng chung Vatican II chẳng hạn, và bằng nhiều cách, bằng Giáo lý, bằng Giáo luật, bằng giáo huấn của các mục tử,... đã không ngừng nhắc nhở anh chị em giáo dân nhớ tới bổn phận làm chứng cho cuộc sống mới mình đã lãnh nhận trong bí tích Thánh tẩy bằng cách sống làm sao để cuộc sống mới này đơm hoa kết trái.
2. Công đồng chung Vatican II
Công đồng chung Vatican II quả đã khơi dậy trở lại ý thức về vị trí, vai trò hay đúng hơn, căn tính của người giáo dân trong Giáo hội và trong xã hội. “Giáo dân đứng hàng đầu” đã từng là một trong những khẩu hiệu thường được nhắc đến một cách sôi nổi, khắp nơi trong Giáo hội công giáo, ít là vào những năm tháng Công đồng nhóm họp (1962-1965).
Khẳng định này, dĩ nhiên, không bao hàm ý tưởng về một cuộc “tranh giành” chỗ đứng giữa giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân trong Giáo hội mà muốn nhấn mạnh đến việc tái khám phá vai trò của giáo dân, trong thực tế, từng bị xem là thứ yếu trong một Giáo hội ít nhiều sao nhãng sứ vụ chính của mình là Tin Mừng hóa thế giới. Công đồng đã mời gọi Giáo hội khám phá lại “căn tính” của người giáo dân khi nhấn mạnh Giáo hội như mầu nhiệm hiệp thông có tính cách thừa sai trong đó bao hàm tính đa dạng về ơn gọi và tính hiệp nhất nảy sinh từ bí tích Thánh tẩy và từ sứ vụ Đức Kitô đã giao phó cho toàn thể dân Chúa: “Hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo” (Mc 16, 15).
2. Giáo lý và giáo luật
Bộ Giáo luật (Gl.) xuất bản năm 1983 đã cô đọng trong những điều khoản ngắn gọn giáo lý của Giáo hội và của Công đồng chung Vatican II về ơn gọi và sứ vụ của người giáo dân trong Giáo hội. Trước hết, Giáo luật (Gl. 204) khẳng định: Phép Rửa tội (Thánh tẩy) biến chúng ta thành “các tín hữu, được sáp nhập vào Đức Kitô, kết thành Dân của Chúa”. Và Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, được soạn thảo tiếp sau công đồng Vatican II, được ban hành năm 1992, số 872 khẳng định: “Giữa tất cả các Kitô hữu, do việc họ được tái sinh trong Đức Kitô, có sự bình đẳng thực sự về phẩm giá và hoạt động, nhờ đó, tất cả mọi người, tùy theo địa vị và nhiệm vụ riêng của mỗi người, cộng tác vào việc xây dựng Thân Thể Đức Kitô”[3].
Như vậy, sứ vụ tông đồ của Giáo hội liên quan tới tất cả mọi thành phần của Giáo hội, giáo sĩ cũng như giáo dân. Gl. 225 khẳng định: “Xét vì các giáo dân, cũng như mọi tín hữu khác, được Thiên Chúa ủy thác làm việc tông đồ do phép Thánh tẩy và phép Thêm sức, nên họ có nghĩa vụ tổng quát và có quyền lợi xét như từng cá nhân hoặc kết hiệp thành hiệp hội, phải làm sao để sứ điệp cứu rỗi của Thiên Chúa được mọi người khắp thế giới biết đến và đón nhận. Nghĩa vụ này lại càng thôi thúc hơn trong những hoàn cảnh mà chỉ có thể nhờ các giáo dân, người ta mới có thể nghe Tin Mừng và biết Đức Kitô”. Tuy nhiên, trong việc thực thi nghĩa vụ tổng quát do phép Thánh tẩy và phép Thêm sức này, mỗi thành phần đều có vai trò riêng hay một ơn gọi riêng.
4. Môi trường thực thi ơn gọi của riêng giáo dân
Ơn gọi riêng của người giáo dân được khẳng định trong GLHTCG, số 898, như sau: “Ơn gọi riêng của giáo dân là tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ có nhiệm vụ đặc biệt là soi sáng và xếp đặt những thực tại trần thế có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng được thực hiện và phát triển theo thánh ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Đấng Tạo hóa và Đấng Cứu Chuộc” (xem LG 31).
Trong khi thi hành bổn phận của mình: “Các giáo dân phải lo sao cho mọi hành động của họ được thấm nhập bằng tinh thần Tin Mừng, và họ phải để ý đến đạo lý do quyền giáo huấn của Giáo hội đề ra. (Gl. 227). Và GLHTCG còn nói rõ: “Giáo dân hãy nhớ rằng trong mọi lãnh vực trần thế, lương tâm Kitô giáo phải luôn hướng dẫn họ, vì không một hoạt động của con người, dù thuộc phạm vi trần thế, có thể vượt khỏi quyền thống trị của Thiên Chúa” (số 912; xem LG 36).
5. Cách thức thực thi ơn gọi này của giáo dân
Các vị chủ chăn đã không ngần ngại đi vào chi tiết khi nói về môi trường nên thánh, về bổn phận rao giảng Tin Mừng của người giáo dân.
Trong thông điệp gửi cho Giám mục Domenico Sigalini, tổng trợ tá của Diễn đàn quốc tế về Công giáo Tiến hành (FIAC), trong khuôn khổ của Đại hội thường kỳ lần VI của tổ chức này, được khai mạc ngày 22/8/2012, tại Rumani, về chủ đề “ đồng trách nhiệm trong Giáo hội và trong xã hội”, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã kêu gọi phải có một sự “ thay đổi não trạng”, đặc biệt, về vai trò của giáo dân trong Giáo hội, vốn “phải được xem như những người đồng trách nhiệm thực sự, chứ không phải như các cộng sự của hàng giáo sĩ” trong sứ vụ Chúa trao cho Giáo hội và từng kitô hữu.
Thông điệp viết thêm: Giáo dân, do ơn gọi kitô hữu, có sứ vụ “vun xới các quan hệ cá nhân đích thực với mọi người”, bắt đầu từ “trong gia đình”, và “sẵn sàng tham gia, ở mọi cấp bậc của đời sống xã hội, văn hóa và chính trị” có mục tiêu “lợi ích xã hội”.
Đối với Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, cuộc đời làm chứng ấy của họ phải “trong suốt”, “được thúc đẩy bởi Tin Mừng” và “được soi sáng bởi sự gặp gỡ với Đức Kitô, Đấng mình yêu quý và không ngần ngại đi theo”.
Ngài khuyến khích họ trong chiều hướng “luôn tìm cách mài bén, với một nền đào tạo nghiêm túc và thường ngày, các khía cạnh của ơn gọi riêng của người giáo dân, được kêu gọi trở thành những chứng nhân can đảm và đáng tin cậy trong mọi môi trường của xã hội”.
Qua họ, Đức giáo hoàng tuyên bố, Tin Mừng trở thành “ánh sáng đem lại hy vọng trong những hoàn cảnh có vấn đề, trong những khó khăn, u tối” của thế giới ngày nay.
Bởi vậy, Ngài khuyến khích anh chị em giáo dân, hãy hiện diện trong lòng thế giới, như “một nơi thử nghiệm của việc toàn cầu hóa tình liên đới và bác ái”, và có “can đảm đưa ra những đề nghị có tính đòi hỏi”, để “lớn lên, với toàn thể Giáo hội, trong sự đồng trách nhiệm trong việc đề ra một tương lai đầy hy vọng cho nhân loại”[4].
Như vậy, trước khi là giáo sĩ, tu sĩ, mọi kitô hữu đã được mời gọi, ngay từ khi nhận bí tích Thánh tẩy, từ bỏ sự sống cũ; sống và làm chứng về sự sống mới bằng chính cuộc sống thường ngày của mình: và thực thi cuộc sống mới, trong từng giây, từng phút của cuộc đời, tại trường học, hay tại ruộng, vườn, tại trang trại chăn nuôi, tại chợ, nơi công xưởng, bệnh viện... Người kitô hữu luôn được đặt trước sự chọn lựa và mỗi khi chúng ta chọn thể hiện sự sống mới, chúng ta trở thành những chứng nhân, những người rao giảng Tin Mừng cho người khác, cho thế giới xung quanh chúng ta. Là kitô hữu, nhưng tiếp tục sống cuộc sống cũ, cuộc sống ấy trở thành một phản chứng.
III. THỰC HIỆN CAM KẾT CỦA BÍ TÍCH THÁNH TẨY
Ngoài các nghi lễ phụng vụ, những việc đạo đức người kitô hữu họp nhau cử hành tại nhà thờ, ngoài các công việc bác ái, từ thiện như mở những lớp học, những ngôi nhà tình thương, tổ chức những nồi cháo, những bữa ăn bác ái cho người bệnh neo đơn tại các bệnh viện. người kitô hữu còn được mời sống cuộc sống mới trong những công việc thường ngày, trong các môi trường sống và làm việc của mình. Và đây chính là một bổn phận phải được chu toàn mà bí tích Thánh tẩy đòi hỏi nơi người giáo dân. Và kết quả thấy được của việc chu toàn bổn phận này phải là sự cải thiện của môi trường xung quanh.
1. Một thực tế: Xây dựng chương trình rau sạch
Linh mục H. phụ trách một giáo xứ có đông bổn đạo làm nghề trồng rau để cung cấp cho thị trường đã bày tỏ nỗi ưu tư lớn của mình: Hiện tại, các nhà trồng rau, làm nông nghiệp, không chỉ ở trong giáo xứ mà có thể trên cả nước, đang đứng trước những cám dỗ to lớn. Khoa học kỹ thuật đang cung cấp cho họ những phương tiện có hiệu năng ngoài sức tưởng tượng. Chỉ một đêm hay trong mấy tiếng đồng hồ là người ta đã có thể biến đổi gần như hoàn toàn sản phẩm của mình theo chiều hướng “đi xuống” về chất lượng nhưng lại “đi lên” về mặt hình thức: từ sần sùi biến thành láng bóng, từ xanh thành chín mùi, từ nhỏ thành lớn, tròn trịa...
Nhưng, theo các nhà chuyên môn trên thế giới cũng như trong nước, đó là những “phép lạ” được thực hiện bằng hóa chất độc hại cho sức khỏe của người tiêu dùng. Mà cũng chẳng cần phải nhờ tới các nhà chuyên môn, bản thân người nông dân cũng có thể cho thấy sản phẩm họ sản xuất ra không an toàn đến mức độ nào khi họ phải trồng riêng một luống rau để gia đình sử dụng. Trước tình trạng các loại thực phẩm không an toàn đang từng ngày hủy diệt sức khỏe, tiền của và mạng sống con người, nhiều phong trào trên thế giới và đặc biệt trong Hội Thánh ra sức bảo vệ sự sống mong manh của con người. Linh mục đặt ra cho mình một câu hỏi: Vậy tại sao những điều phải nói là đáng sợ và kinh tởm đe dọa mạng sống con người qua từng miếng ăn thức uống lại có thể ở ngoài lãnh vực mục vụ của một linh mục ni riêng và của giáo xứ nói chung?
Thực ra, trong giáo xứ do linh mục phụ trách, cũng đã có không ít anh chị em, trước tình trạng ô nhiễm phổ quát này, đã bắt đầu ý thức được bổn phận của mình, không chỉ bổn phận làm người mà còn là bổn phận làm kitô hữu, là phải trở về với chức năng đích thực của nghề trồng trọt là cung cấp những sản phẩm là thực phẩm thực sự, lành mạnh. Linh mục H. cũng có cùng ưu tư như họ và ngài đã mời họ nhớ lại công việc tạo dựng của Thiên Chúa:
Các bạn hãy đọc lại những chương đầu của sách Sáng thế để mường tượng thể nào là sản phẩm của Tình Yêu. Thiên Chúa dựng nên trời đất và mọi sự trong trời đất, trong đó có con người, trong vòng sáu ngày. Thánh Kinh kể: cứ sau mỗi ngày, Thiên Chúa lại nhìn ngắm sản phẩm do tay mình làm ra, và sau mỗi lần nhìn ngắm, Thánh Kinh đều lặp lại: “Và Thiên Chúa đã thấy thế là tốt lành” (Kn 1, 4, 10, 12, 18, 21, 25). Và cuối ngày cuối cùng, trước khi bước sang ngày thứ Bảy để nghỉ ngơi, Thánh Kinh viết: “Và Thiên Chúa đã thấy mọi sự Người đã làm ra: “và này tốt lành quá đỗi” (31).
Câu chuyện hẳn phải là một bài học, một lời khuyến khích đối với mọi kitô hữu đang hoạt động trong các môi trường khác nhau, trong đó, dĩ nhiên là có môi trường sản xuất rau.
Và vị linh mục này đã cùng với số anh chị em giáo dân trong giáo xứ của mình bắt đầu suy nghĩ, bàn bạc, truy tìm thông tin, tham khao... để tìm ra một giải pháp cho vấn đề rau sạch, rau an toàn của các nhà trồng rau trong giáo xứ.
Chẳng thể ngây ngô để nghĩ rằng đây là chuyện đơn giản. Khó khăn tiếp nối khó khăn, từ nhỏ tới lớn, từ gần tới xa, từ đơn giản đến phức tạp. Chương trình sản xuất rau an toàn, rau sạch còn liên quan đến nhiều vấn đề khác nữa.
Linh mục nhìn nhận: công việc căn bản nhất phải làm là làm sao để anh chị em giáo dân ý thức, ngày càng rõ ràng và xác tín, việc thay đổi căn bản đã diễn ra nơi mỗi người bởi bí tích Thánh tẩy mỗi người đã lãnh nhận để trở thành kitô hữu.
2. Niềm tin
Chương trình rau sạch của giáo xứ do linh mục H. phụ trách cùng với một số anh chị em giáo dân trong giáo xứ của linh mục, dĩ nhiên, vẫn được tiếp tục, với niềm tin ở kết quả tốt đẹp. Niềm tin này, linh mục cho biết, được xây dựng trên tổ chức của giáo xứ:
- Bà con giáo dân có cơ hội gặp nhau ít là hằng tuần để cử hành phụng vụ. Đây là dịp để mọi người nghe nhắc lại lời kêu gọi của Chúa, giáo huấn của Giáo hội về bổn phận sống cuộc sống mới trong môi trường xã hội.
- Giáo xứ có đầy đủ các hội đoàn dành cho mọi lứa tuổi. Đối với một số hội đoàn, đây sẽ là dịp để mọi người nhìn kỹ vào môi trường xã hội mình đang sống, nhận ra những thuận lợi và nguy cơ, tìm ra những biện pháp thích hợp để đối phó với các nguy cơ và khuếch trương các thuận lợi trong chiều hướng đẩy mạnh chương trình đề ra.
Kết thúc bài “giảng” cổ vũ cho chương trình rau sạch trong một buổi họp về chương trình này, linh mục đã nói lên niềm tin tưởng của mình: chúng ta đã có luật của Tin Mừng nhắc nhở chúng ta bổn phận làm người và làm con Chúa; chúng ta có giáo huấn xã hội của Giáo hội giúp chúng ta áp dụng luật của Tin Mừng trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống làm người kitô hữu trong xã hội, chúng ta có tổ chức giáo xứ để mọi người giúp đỡ nhau, nhắc nhở nhau, liên đới với nhau trong việc thực thi ơn gọi là người tín hữu, và còn bao nhiêu người khác cũng đang nỗ lực xây dựng một xã hội lành mạnh trên nền tảng của sự tôn trọng con người và thân thiện với thiên nhiên... Nghĩa là chúng ta không thiếu những điều kiện thuận lợi để làm đồng loại của nhau, đặc biệt, qua chương trình rau sạch, rau an toàn, và nhất là để sống, để thể hiện một cách cụ thể niềm tin của chúng ta nơi Thiên Chúa.
Lòng tin đích thực, được gọi là vững chắc, không thể mang dáng dấp của sự ỷ lại: tin và khoanh tay ngồi chờ, như thể Chúa buộc phải làm phép lạ, vì người ta đã có lòng tin vào Ngài, qua việc cử hành và tham dự các nghi lễ đạo. Thể hiện niềm tin kitô hữu chính là đem hết khả năng của trí tuệ và con tim của mình để cải thiện môi trường xã hội chúng ta đang sống, đẩy lui tội lỗi và xây dựng cuộc sống mới cho chúng ta và cho người khác.
Trong cuộc sống ngày nay, nếu không ít những phát minh, sáng kiến của đầu óc con người đã được sử dụng để tăng sức mạnh cho tội ác, tiếp tay với ma quỷ, thì cũng vẫn còn chỗ cho người tin ở Chúa, những người thiện chí sử dụng khối óc, con tim và niềm tin của mình để làm cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp, làm cho cuộc sống của đức tin ngày càng trở nên một bài ca hoàn hảo tôn vinh bàn tay tạo dựng khéo léo của Thiên Chúa.
IV. KẾT LUẬN
Những thửa vườn rau sạch, những mớ rau an toàn có thể đang là một thách thức đối với ơn gọi làm chứng cho sự sống mới, sự sống Thiên Chúa các kitô hữu đã nhận được qua bí tích Thánh tẩy: Sản phẩm của tình yêu thương, việc làm của người muốn giữ trọn luật của Chúa là trở thành đồng loại của nhau không thể là những mớ rau, những cân thịt chứa đầy chất độc hại như chúng ta thấy hằng ngày.
Một người ngoài Công giáo, đi qua một vùng có ngôi nhà thờ, trên tháp cao của nhà thờ có cắm cây thánh giá, biểu tượng của tình yêu thương của Thiên Chúa đối với con người và dấu nhắc nhở những người tin ở Người rao giảng tình thương ấy cho mọi người xung quanh mình, có thể nói với nhau: chỗ này có đông người Công giáo sinh sống. Họ sống bằng nghề trồng rau. Rau họ bán ra hẳn phải là rau an toàn. Nhưng nếu những mớ rau họ mua trong vùng này cũng chứa đựng những chất có hại cho sức khỏe của người khác, những người này hẳn sẽ kết luận: họ cũng chẳng khác gì người khác. Thánh giá chúng ta có trách nhiệm rao giảng như tình thương cứu độ của Thiên Chúa trở thành một phản chứng đối với những người chúng ta có trách nhiệm làm chứng về tình thương yêu của Ngài dành cho họ.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 108 (Tháng 9 & 10 năm 2018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét