Mạc khải thiêng liêng về nhân quyền trong sách Sáng Thế
MẠC KHẢI THIÊNG LIÊNG VỀ NHÂN QUYỀN TRONG SÁCH SÁNG THẾ
Tác giả: Đỗ Minh
daminhvn.net (1.1.2021) – Ngày nay, chúng ta thường nhắc về nhân quyền, nhất là ở những quốc gia độc tài, toàn trị thì yếu tố nhân quyền càng phải được đề cập nhiều hơn. Dẫu vậy, không phải ai cũng biết những ý niệm đầu tiên về nhân quyền đã có từ ngàn xưa…
Vào ngày 10-12-1948, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã công bố Tuyên ngôn thế giới về quyền con người. Những điểm quan trọng thể hiện trong Tuyên ngôn này là: Tất cả con người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền; mọi người có quyền sống, quyền tự do và an ninh của con người; không ai bị bắt làm nô lệ hay nô lệ; mọi người có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo; mọi người đều có quyền tự do ý kiến và biểu đạt. Thế nhưng đâu là cơ sở cho một tuyên bố như vậy? Ý niệm về quyền con người đến từ đâu? Không phải ai cũng có thể biết thấu đáo.
Hơn 2000 năm ý niệm quyền con người
Những ý niệm về quyền con người mà chúng ta đề cập hôm nay đã có một lịch sử lâu dài. Chúng không chỉ xuất hiện trong thế giới hiện đại mà nền tảng của nó có từ hơn hai ngàn năm trước. Cách nhìn của con người về chính con người và về những giá trị tốt đẹp như sự công bằng xã hội, sự liên đới với nhau trong xã hội loài người đã xuất hiện trong thế giới cổ đại.
Ở Hy Lạp cổ đại, vào thế kỷ thứ VII TCN, nhà nước Athen được hình thành và hoàn thiện dần theo thiết chế nhà nước dân chủ chủ nô. Đây là một thể chế đề cao và đảm bảo những quyền lợi về kinh tế, chính trị của những công dân tự do. Vào năm 594 TCN, với những cải cách của Solon, quyền của công dân được đề cao hơn nữa qua việc xác lập hình thức bỏ phiếu. Đa số sẽ đưa ra quyết định cho những vấn đề quan trọng của thành bang và bầu ra một hội đồng để thực thi những quyết định này. Dĩ nhiên không phải bất cứ người dân nào sống tại Athen cũng có quyền công dân. Bởi quyền này căn cứ trên của cải và tầm ảnh hưởng, và rất nhiều người, bao gồm phụ nữ và nô lệ, không có quyền này[1]. Đặc biệt, chế độ nô lệ vì nợ cũng được xóa bỏ, quyền tư hữu tự do chuyển nhượng tài sản được thừa nhận[2]. Chính trong thời kỳ này mà những tư tưởng triết học về con người phát triển, khi người ta muốn biết con người nên hành động như thế nào, điều gì là thiện, điều gì là ác, điều gì là công bằng và điều gì là bất công…
Đến thế kỷ thứ V TCN, Athen trở thành một thành bang phát triển vượt bậc, không những về kinh tế mà còn có một thiết chế nhà nước tiến bộ nhất thời đó, là đỉnh cao của văn minh cổ đại, cội nguồn của văn minh châu Âu. Tuy nhiên, như đã nói, chỉ những người giàu có và quyền lực mới có quyền công dân trong xã hội. Nói cách khác, chỉ có một thiểu số là những người có “nhân quyền” thực sự.
Sách Sáng thế, cội nguồn của nhân quyền
Vào cuối thế kỷ thứ tư, các nhà tư tưởng Kitô giáo, đặc biệt là thánh Basilio (329-379) đã đấu tranh kêu gọi cho các quyền của con người, đặc biệt là người nghèo. Basilio đã tạo cho Giáo Hội một chỗ đứng độc lập với chính quyền, đem lại phẩm giá cho người nghèo. Trong các bài Phúc Âm Diễn giải, thánh nhân thường diễn tả cảnh dân nghèo bị bóc lột bởi thuế khóa bất công, lũng đoạn thị trường và đặt nợ ăn lãi mà ngài kết là tội ăn cắp[3].
Tuy nhiên, nếu đọc lại Kinh thánh, không ai có thể phủ nhận rằng địa vị của con người ngay từ đầu đã được khẳng định và đề cao từ những chương đầu của sách Sáng thế.
Lời tuyên bố đầu tiên được đưa ra trong Sáng thế ký rằng con người được tạo ra theo hình ảnh Thiên Chúa:
Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. (St 1, 26-27)
Theo sách Sáng thế, con người được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa đã được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Một đằng nhấn mạnh đến những năng lực nhất định của con người như tự do luân lý, lý trí, lương tâm và tình yêu. Đằng khác nhấn mạnh đến địa vị duy nhất của con người như một thụ tạo đặc biệt được Thiên Chúa yêu thương như phẩm giá nội tại do chính Thiên Chúa ban qua việc “Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi”.
Sách giáo lý Công giáo khẳng định: “Trong tất cả các thụ tạo hữu hình, chỉ con người là “có khả năng hiểu biết và yêu mến Tạo Hóa” (x. GS 12,3). Con người là “thụ tạo duy nhất trên trái đất được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ” (x. GS 24,3); chỉ con người, nhờ sự hiểu biết và tình thương, được mời gọi chia sẻ sự sống của Thiên Chúa. Con người được tạo dựng vì mục đích ấy, và đó là lý do căn bản của phẩm giá con người” (GLHTCG, 361).
Như vậy, không có gì khác trong thế giới hữu hình này đã được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, duy có một mình con người có đặc ân này. Điều đó cũng có nghĩa là con người là một hữu thể thần linh, chiếm hữu được sự hiện hữu tương tự của Thiên Chúa vì mang hình ảnh của Người. Do đó mọi người được sinh ra đều có phẩm giá và sự bình đẳng như nhau. Đây là một ý tưởng tiến bộ khi áp dụng cho vấn đề nhân quyền: Phẩm giá con người, sự bình đẳng là những thứ vốn có và không thể tách rời khỏi con người, dù bất cứ một chính thể nào có công nhận nhân quyền hay không.
Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa: một Mạc khải về Nhân quyền
Sự thật về việc con người được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa” cũng được đề cập nhiều nơi khác trong Kinh Thánh, như Sách Khôn Ngoan viết: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người” (Kn 2,23). Hay trong Sách Huấn Ca: “Đức Chúa lấy đất mà tạo ra con người, rồi lại đưa con người trở về đất. Người đã ban cho nó một số ngày và một khoảng thời gian, cho nó quyền thống trị vạn vật trên mặt đất. Người mặc cho nó sức mạnh tương xứng với mình, và theo hình ảnh mình mà làm ra nó” (Hc 17,1-3).
Ngay cả khi con người phạm tội, con người cũng không mất đi hình ảnh Thiên Chúa. Tội nguyên tổ đã đưa con người vào tình trạng thất sủng, mất ơn nghĩa của Thiên Chúa, gây xáo trộn nơi bản thân, làm mất sự hoà hợp với người khác và với thiên nhiên. Tuy nhiên, bản thân con người vẫn phản ảnh quyền năng của Thiên Chúa, một quyền năng được thể hiện đặc biệt nơi lý trí và ý muốn tự do. Bên cạnh đó, việc Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ, và “đã chúc lành cho họ mà phán: “Hãy sinh sôi nảy nở tràn đầy mặt đất và làm chủ nó; và hãy cai quản cá biển, chim trời cùng mọi sinh vật” (St, 1,28), cho thấy việc tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa là cơ bản cho việc cai trị trên các loài thọ tạo khác trong thế giới hữu hình, một thế giới được thành nên vì con người và cho con người. Và qua việc truyền sinh, người nam và người nữ chuyển sang cho con cái cả việc được thừa hưởng làm “hình ảnh Thiên Chúa” mà con người đầu tiên đã lãnh nhận thuở ban đầu. Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng của Công đồng Vatican II đã khẳng định về những điều trên như sau: “Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, có khả năng nhận biết và yêu mến Người như Đấng Tạo hoá, được Người uỷ thác quản trị mọi tạo vật trên trái đất”[4].
Đây chính là nền tảng cho những giá trị đặc biệt của sự sống con người, cũng như cho tất cả mọi quyền lợi của con người. Nói cách khác, nhân quyền không phải là một sáng kiến của một chuyên gia pháp lý hay một thỏa ước chính trị, nhưng chúng được bắt rễ trong phẩm giá của mỗi người, được khắc ghi trong bản tính của con người, vì con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Những quyền này là bất khả xâm phạm và chuyển nhượng. Nhân quyền có tính phổ quát.
Xúc phạm con người là xúc phạm đến Thiên Chúa
Như đã đề cập, ở Hy Lạp cổ đại, nơi khai sinh ra nền dân chủ, chỉ nam giới được coi là có quyền, trong khi phụ nữ, trẻ em và những người không phải là người Hy Lạp, người nô lệ bị coi như một thứ tài sản. Tương tự như thế, các nền văn hóa khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử, ít nhiều đã công nhận quyền của con người, nhưng cũng chỉ là dành cho một số ít nào đó. Trong thế giới hôm nay, nhân quyền hầu như được toàn thế giới công nhận như là nền tảng căn bản cho một đời sống tự do, phẩm giá và bình đẳng. Tuy nhiên, sự thật là không phải lúc nào nhân quyền cũng hiển nhiên được tất cả mọi người, mọi chính phủ tin tưởng và tôn trọng đúng mực. Tình trạng vi phạm nhân quyền vẫn xảy ra mỗi ngày tại nhiều nơi trên thế giới. Đói nghèo, bệnh tật, bất công đang tàn phá nặng nề thế giới này...
Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Galat đã kêu gọi: “Hỡi anh em, anh em đã được kêu gọi để được tự do; nhưng đừng lợi dụng tự do mà sống theo xác thịt; trái lại hãy lấy lòng mến mà làm tôi nhau. Vì chưng tất cả Lề luật đã được nên trọn nội một lời này: Ngươi hãy yêu mến đồng loại như chính mình. Nhưng nếu anh em cắn xé nhau, ăn thịt nhau, thì hãy coi chừng kẻo mà diệt nhau đi mất!” (Gl 5,13-15). Tự do, bình đẳng và phẩm giá được ban tặng cho con người vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Mọi xúc phạm đến phẩm giá con người cũng là xúc phạm đến Đấng sáng tạo nên con người, xúc phạm chính Thiên Chúa[5]. Vì thế, quan tâm về nhân quyền là một việc làm của đức bác ái mà không một Kitô hữu nào có thể thoái thác.
Thực thi nhân quyền là sống trung tín đức tin
Theo tinh thần này, lời kêu gọi của thánh Phaolô cũng là lời nhắc nhở mỗi tín hữu một khi trung tín với đức tin của mình thì việc cổ võ và thực thi nhân quyền là phương cách yêu người cụ thể, là một nghĩa vụ của người đã chịu phép rửa. Martin Luther King đã đối mặt với những vi phạm nhân quyền vào thời của mình bằng một lời kêu gọi không dựa trên sự đồng thuận chung mà dựa trên sự thật cao hơn bắt nguồn từ chính mạc khải của Thiên Chúa. Cũng thế, Mẹ Têrêsa Calcutta đã phục vụ người nghèo trong các khu ổ chuột của Ấn Độ trong năm mươi năm, và Nelson Mandela đã xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi…
Ý tưởng bình đẳng, về nhân phẩm con người được trình bày trong sách Sáng thế đã trở thành một lý tưởng bình đẳng chính trị và ảnh hưởng mạnh trong thế giới ngày nay. Tuyên ngôn Nhân quyền không dựa trên bất kỳ học thuyết tôn giáo nào một cách rõ ràng, nó hoàn toàn mang tính thế tục. Tuy nhiên, người ta dễ dàng thấy những ý tưởng về nhân quyền trong sách Sáng thế ảnh hưởng đến Tuyên ngôn này ra sao.
Mỗi người có thể không chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của Kinh thánh, cách riêng là sách Sáng thế, đối với công bằng xã hội hoặc nhân quyền, và dù cho người đó không tin và không bao giờ đọc chăng nữa, nhưng trên thực tế, nó vẫn tiếp tục có tác động đến nền văn hóa của nhân loại. Điều đó cho thấy, Kinh Thánh, cách riêng là sách Sáng thế không chỉ là một bản văn độc đáo mang tính văn chương, triết lý; hay là một cuốn sách với những sưu tập các câu chuyện tôn giáo đơn thuần; hơn cả nó là một mặc khải và có tính thiêng liêng.
Nguồn: daminhvn.net
[5] ĐGH Gioan Phaolô II: Người tín hữu giáo dân, số 37.
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/mac-khai-thieng-lieng-ve-nhan-quyen-trong-sach-sang-the-41248
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét