Trang

Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

Chiều kích vũ trụ của sự phục sinh

 Chiều kích vũ trụ của sự phục sinh

 

Ronald Rolheiser, 2021-03-29

Một nhà phê bình từng hỏi linh mục thần học gia Pierre Teilhard de Chardin như thế này: “Cha đang cố làm gì thế? Sao cha lại nói về nguyên tử và phân tử lúc nói về Chúa Giêsu Kitô?” Câu trả lời của ngài: Tôi đang cố diễn đạt một cách có hệ thống một Kitô học đủ rộng để có thể nói đến Đức Kitô, bởi Đức Kitô không chỉ là một sự kiện của nhân loại mà là một hiện tượng toàn vũ trụ.

Về căn bản, ý của cha là Đức Kitô không chỉ đến để cứu rỗi nhân loại, Ngài đến để cứu rỗi cả địa cầu nữa.

Thấu suốt này thật sự cần thiết để hiểu trọn những hàm ý trong sự phục sinh của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã từ cõi chết sống lại. Thân xác là một hữu thể vật chất, nên khi thân xác (chứ không chỉ linh hồn) sống lại, thì có gì đó cao hơn thuần tâm linh và tâm lý. Có một điều gì đó cực kỳ vật chất trong chuyện này. Khi xác chết sống lại, các phân tử và nguyên tử được sắp đặt lại. Sự phục sinh không chỉ là sự thay đổi gì đó bên trong ý thức của con người.

Sự phục sinh là căn cứ cho niềm hy vọng của con người, không có nó, chúng ta không thể hy vọng vào một tương lai có gì đó vượt ngoài những giới hạn ngột ngạt của đời này. Trong sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta được trao ban một tương lai mới, vượt quá cuộc đời này của chúng ta. Tuy nhiên, sự phục sinh cũng đem lại một tương lai mới cho trái đất, cho hành tinh vật chất của chúng ta. Đức Kitô đến để cứu rỗi địa cầu, chứ không chỉ những người sống trên địa cầu. Sự phục sinh của Ngài bảo đảm một tương lai mới cho địa cầu cũng như những loài cư ngụ trên đó.

Cũng như chúng ta, địa cầu này cần được cứu rỗi. Cứu rỗi khỏi cái gì? Để hướng đến điều gì?

Theo nhận thức Kitô giáo đúng đắn, địa cầu không chỉ là sân khấu cho nhân loại, không chỉ là một thứ nếu không có chúng ta, nếu chỉ có nó, thì vô giá trị. Như nhân loại, nó cũng là tác phẩm của Thiên Chúa, là con của Thiên Chúa. Thật vậy, trái đất vật chất là mẹ của chúng ta, là ma trận nảy sinh chúng ta. Xét tận cùng, chúng ta không tách biệt với thế giới tự nhiên, nói đúng hơn, chúng ta là một phần của thế giới tự nhiên tự ý thức. Chúng ta không tách biệt với địa cầu và nó không chỉ tồn tại vì lợi ích của chúng ta, không chỉ là sân khấu cho diễn viên con người rồi bị bỏ không khi vở kịch đã hết. Thụ tạo vật chất có giá trị của nó, không phụ thuộc vào chúng ta. Chúng ta cần phải công nhận điều này, và không phải chỉ để sống có đạo đức với thiên nhiên hơn hầu cho địa cầu có thể tiếp tục cung cấp không khí, nước và thức ăn cho các thế hệ con người mai sau. Chúng ta cần công nhận giá trị cố hữu của địa cầu. Nó cũng là tác phẩm của Thiên Chúa, nó là mẹ của chúng ta, và số mệnh của nó là chia sẻ sự vĩnh hằng cùng chúng ta.

Hơn nữa, như chúng ta, nó cũng là thứ sẽ bị mục rữa. Nó cũng có giới hạn thời gian, cũng khả tử. Nếu không có sự can thiệp từ bên ngoài, nó cũng không có tương lai. Khoa học từ lâu đã dạy chúng ta về định luật biến thiên. Nói đơn giản, định luật đó nói rằng năng lượng trong vũ trụ đang giảm dần, mặt trời đang ngày càng cạn lửa. Tuổi đời còn lại của trái đất, cũng như tuổi đời của chúng ta là đếm được, là hữu hạn. Có thể là cả tỷ tỷ năm, nhưng đếm được là hữu hạn. Chúng ta biết rằng, cũng như cuộc đời chúng ta rồi sẽ đến lúc kết thúc, thì địa cầu cũng có hồi kết. Nếu không có sự tái tạo từ bên ngoài, thì cả trái đất lẫn con người sống trên nó đều không có tương lai.

Thánh Phaolô đã nói rõ điều này trong thư gửi tín hữu Rôma, rằng thụ tạo, vũ trụ vật chất, là thứ phù du, và nó đang rên rỉ khát khao được giải phóng để tận hưởng sự tự do vinh quang của con cái Thiên Chúa. Thánh Phaolô cam đoan với chúng ta rằng địa cầu sẽ hưởng cùng một tương lai như nhân loại, là sự phục sinh, sự biến đổi vượt quá hình dung hiện thời của chúng ta, một tương lai vô tận.

Địa cầu sẽ được biến đổi cách nào? Nó sẽ biến đổi theo cùng một cách như chúng ta, qua sự phục sinh. Sự phục sinh đem lại cho thế giới tâm linh và vật chất của chúng ta một sức mạnh mới, một sắp đặt mới cho vạn vật, một hy vọng mới, một thứ quá căn nguyên (và vật chất) đến nỗi chỉ có thể so sánh với sự tạo dựng ban đầu, khi các nguyên tử và phân tử của vũ trụ này được Thiên Chúa tạo ra từ hư không. Trong sự tạo dựng khởi nguyên đó, tự nhiên được hình thành, và hiện thực cũng như những quy luật của nó hình thành mọi sự cho đến khi Chúa Giêsu phục sinh.

Tuy nhiên, trong sự phục sinh, có một chuyện mới xảy ra chạm đến mọi khía cạnh của vũ trụ, từ linh hồn và tâm thần trong mọi con người cho đến mọi lõi của mọi nguyên tử và phân tử. Không phải tình cờ khi thế giới xác định thời gian theo mốc đó. Chúng ta đang ở năm 2021 sau sự tái tạo tận căn đó.

Sự phục sinh không chỉ mang tính tâm linh. Trong sự phục sinh, các nguyên tử vật chất của vũ trụ được sắp đặt lại. Cha Teilhard đã đúng. Chúng ta cần một tầm nhìn đủ rộng để thấy được chiều kích vũ trụ của Đức Kitô. Sự phục sinh là cho con người và cho cả địa cầu.

J.B. Thái Hòa dịch

http://phanxico.vn/2021/03/31/chieu-kich-vu-tru-cua-su-phuc-sinh/

Câu chuyện xử án Thầy Giêsu

 

Câu chuyện xử án Thầy Giêsu

 
  •  
  •  


CÂU CHUYỆN XỬ ÁN THẦY GIÊSU

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

WHĐ (31.03.2021) - Tờ mờ sáng, lính tráng cùng các thành viên trong Thượng Hội Đồng[1] điệu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta đến dinh tổng trấn Philatô. Cả đoàn đi băng qua nội thành lúc mọi người trong nhà còn đang yên giấc. Tuy nhiên tiếng la hét của bọn lính, tiếng lẻng kẻng của xiềng xích và lộc cộc của gậy gộc đập xuống đường thôi thúc Đức Giêsu đi, đã nhanh chóng khiến dân thành mất ngủ. Người ta kéo ra xem chuyện gì đang diễn ra.

Chẳng mấy chốc tin tức ông Giêsu, người Na-za-rét, bị bắt đêm qua và đang bị xử án lan nhanh khắp cả thành. Tin giật gân ấy cũng vượt qua những cửa thành đến các làng phụ cận Giêrusalem. Ai nghe cũng ngỡ ngàng. Kẻ yêu mến hoặc có cảm tình với Thầy lấy làm thương xót vì biết Thầy vô tội; người ghét Thầy thì hả hê vì cho rằng ông Giêsu đã phạm thượng tự nhận mình là Con Thiên Chúa. Thế là hai dòng người ấy đổ về dinh Philatô để theo dõi phiên tòa mỗi lúc một đông.

Tôi cũng như vài môn đệ cùng mấy người phụ nữ đã đi theo sau Thầy sáng nay. Người thì khóc thương cho Thầy, kẻ khác hy vọng Thầy được tha, riêng tôi xin được nên đồng hình đồng dạng với Người trong biến cố này. Bởi nhiều người trong chúng tôi tin rằng Thầy chịu mọi sự vì yêu mến và vâng theo ý Chúa Cha; sau nữa là để cứu độ con người, cứu lấy cả tôi nữa. Thầy Giêsu đang chịu chết vì tôi.

Nhanh chóng đoàn người có mặt ở dinh Philatô. Hiện nay khu vực dinh là nhà thờ chính tòa “Ecce Humo- Này Là Người” thuộc các sơ Dòng Sion người Pháp quản lý. Dĩ nhiên đây là một dinh cơ phức tạp và được bảo vệ nghiêm ngặt vì bên trong là tổng trấn Philatô cư ngụ. Ông đại diện cho đế quốc Rôma cai quản cả vùng Giu-đê này, bởi đó ông có toàn quyền dân sự để giữ gìn an ninh trật tự cho thành Giêrusalem.

Tôi thấy Thầy bị người ta trói chặt tay, hai bên là toán lính hung hăng kèm cặp. Họ không dẫn Thầy vào trong nội vi của dinh, vì sợ bị nhiễm uế. Ai cũng biết đó là địa hạt của người ngoại giáo, của quân ngoại bang, nên họ ồn ào yêu cầu Philatô ra xử án. Trong lúc chờ tổng trấn ra, tôi mon men lại gần Thầy.

1. Đức Giêsu là Con Chiên đặt trên bàn thờ

Tôi chợt nhìn về Thầy với câu hỏi tại sao Thầy muốn chết để cứu độ con người? Có cách nào khác để Thiên Chúa cứu chuộc chúng con không? Thầy nhìn tôi, tôi nhìn về đám đông để cố phớt lờ câu hỏi đang ám ảnh tôi lúc này. Nhớ lại mấy ngày trước, Đức Giêsu không muốn chết. Thầy chỉ biết là Thầy phải lên Giêrusalem và chịu đau khổ nhiều, rồi chịu chết và ngày thứ ba sẽ sống lại. Nhưng cái chết ấy Thầy không cố ý tìm nó, không muốn khăng khăng chết cho bằng được. Ngược lại, nó đang tìm kiếm Thầy. Do đó trong vườn cây dầu lòng Thầy xao xuyến bồi hồi, mồ hôi Thầy như những giọt máu rơi xuống đất (Lc 22,44).

Đúng rồi, Thầy yêu quý sự sống này. Là con người, Thầy run sợ trước giờ người ta gây cho Người đau khổ và chết chóc. Khi ở Vườn Dầu, Thầy đã có ý định không muốn uống chén đắng Cha trao. Hóa ra cái chết luôn cho người ta sợ hãi và muốn lảng tránh nó. Vả lại ở độ tuổi thanh xuân của cuộc đời, ai dám nghĩ mình chủ động đi chết bao giờ. Đức Giêsu cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Thầy không muốn bước vào thế giới kinh hoàng ấy ở tuổi 33. Thầy muốn sống để ở với con người.

Tuy vậy, ý Chúa Cha nhiệm màu muốn dùng chính thịt và máu Con một của Ngài để cứu độ nhân loại. Đó là ý Cha, và ý Thầy muốn nên một với ý Cha. Vì yêu mến Cha nên Thầy hoàn toàn vâng phục uống trọn chén Cha trao. Tôi khó hiểu về một quyết định lạ lùng như thế. Tôi nhìn lên Chúa Cha, hướng mắt về Thầy để hy vọng nhận được chút ánh sáng cho vấn nạn này.

Thầy là mục tử nhân lành dám sống chết cho đoàn chiên. Đúng rồi, không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Hơn nữa các môn đệ, bạn và tôi là bạn hữu được Thầy hy sinh mạng sống để cho con người được sống. “No one has greater love than this, to lay down one’s life for one’s friends.” (Ga 15,13). Đó là câu trả lời mà tôi nghe được từ Thầy.

Thánh Gioan tinh tế định nghĩa chính xác về tình yêu. Một tình yêu cao thượng là “lay down – đặt để” mạng sống của mình trên bàn thờ để hiến tế vì bạn hữu của mình. Trong hành vi yêu thương này, người mục tử dâng mạng sống mình hoàn toàn trong tay Chúa Cha, dành cho nhân loại. Con chiên hiến tế giờ đây luôn sẵn sàng được đặt trên bàn thờ. Thầy không nắm giữ mạng sống cho riêng mình. Phải chăng đó cũng là lời mời gọi cho tôi dám hăng hái xông pha để chết tử vì đạo, chết vì đoàn chiên, nếu điều ấy đẹp ý Cha. Bởi thế đặt để mạng sống mình trên bàn thờ, sẵn sàng cho sứ mạng Thiên Chúa trao là nghĩa cử mà thầy Giêsu đã làm trong vườn cây dầu. Thầy đặt mạng sống của Thầy hoàn toàn trong tay Chúa Cha, để chấp nhận chén đắng Cha trao. Giờ đây sống chết là do Cha định đoạt và Thầy đã thi hành thánh ý nhiệm mầu này.

2. Đức Giêsu trong dinh tổng trấn Philatô

Nhìn về phía cổng dinh thự, tôi thấy Philatô xuất hiện trong bộ dạng oai phong xứng với bậc tổng trấn cả vùng Giu-đê. Ông ngạc nhiên vì đoàn người đông đảo đang la hét, đòi tố cáo giết hại một nhân vật đang bị trói tay. Ông hỏi giới lãnh đạo tố cáo ông Giêsu về tội gì? Đương nhiên họ phải tìm đủ lý do để kết án ông Giêsu. Đây là ba lý do họ đưa ra:

a. Sách động dân tộc chúng tôi

Từ ngày Đức Giêsu làm phép lạ cho La-da-rô sống lại, rất nhiều người theo Đức Giêsu. Trước mối nguy dân chúng sẽ bỏ đạo truyền thống mà theo ông Giêsu, giới tôn giáo đã họp Thượng Hội Đồng để quyết định giết Ngài. Là người có trách nhiệm quản lý và hướng dẫn dân chúng theo truyền thống tôn giáo của cha ông, dĩ nhiên họ hoang mang vì sự xuất hiện của thầy Giêsu. Họ quy gán cho Giêsu kéo bè kết đảng để chống lại luật lệ và giới chức tôn giáo. Bằng chứng là từ khi dân chúng nhận ra lời thầy Giêsu giảng có uy quyền, không như những thượng tế kinh sư, dân đã theo Thầy ngày càng nhiều. Bởi đó, họ cho động thái ấy là sách động dân tộc.

Đó cũng là lý do mà văn bản của buổi họp Thượng Hội Đồng cách đây mấy ngày trước ghi nhận. “Vậy các thượng tế và các người Pharisêu triệu tập Thượng hội Đồng và nói: "Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá hủy cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta”. Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” (Ga 11,47-51).

b. Ngăn cản dân chúng không nộp thuế cho Xê-da[2]

Dĩ nhiên những ai phản đối nộp thuế cho nhà nước thường bị quy vào tội phạm pháp, bị chính quyền truy tố. Thời Đức Giêsu, những kẻ trốn thuế hay phản đối mức thuế nặng sưu cao, có nghĩa là họ chống lại quyền lực và lợi ích của đế quốc.[3] Vả lại nguồn lợi chính của người Rôma trên vùng đất này là những đồng thuế họ thu từ dân. Thuế nặng sưu cao là cách họ bóc lột dân Do thái.[4] Do đó, ai cả gan dám trốn thuế hoặc phản đối chính sách tài khóa này của đế quốc là điều nguy hiểm, phạm pháp.

Bởi thế có lần giới tôn giáo thử Giêsu rằng có nên nộp thuế cho Xê-da không? Một câu hỏi lưỡng đao luận, trả lời kiểu nào cũng chết: Có thì chống lại dân tộc mình, không thì chống lại chính quyền Rôma. Đức Giêsu xin một đồng tiền, và trên đó có khắc hình hoàng đế Xê-da[5], Thầy nói: “Của Xê-da trả cho Xê-da, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa.” Lần đó họ không bắt bẻ được gì và lẳng lặng bỏ về. Hôm nay trong phiên tòa này, họ lại gợi lên lý do này để quy gán cho Thầy là một tay sách động người ta trốn thuế.

c. Thầy Giêsu xưng mình là Mê-si-a, là Vua

Đây là lý do thuộc lãnh vực tôn giáo của người Do Thái, không liên quan đến luật dân sự. Đấng Mê-si-a chỉ dành cho nội bộ niềm tin của người Do Thái vì họ đang mong chờ một Đấng đến từ Đức Chúa giải phóng dân tộc họ. Mê-si-a chính là Đấng được Thiên Chúa sai đến, Đấng ấy sẽ là vua Ít-ra-en, vua của người Do Thái.

Con ngước nhìn Thầy trong lúc này để nhớ lại những điều Thầy luôn khẳng định căn tính của mình: “Thầy là Đấng Mê-si-a, là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Thầy đã khen ông Phê-rô khi ông nói đúng căn tính của Thầy. Lúc nãy ở nhà ông Cai-pha, trước cả Thượng Hội Đồng, một lần nữa Thầy cũng xác định: Thầy là Con Thiên Chúa, là Đấng Mê-si-a. (Lc 22,70).

Vì không tin Thầy là Đấng Mê-si-a thật, nên họ quy án cho Thầy nói phạm thượng, vì Thầy gọi Đức Chúa của họ là Cha. Biết sao được, vì thực sự căn tính của Thầy là thế, nên có thì Thầy nói có, Thầy đâu thêm thắt điều chi ngược với căn tính của mình. Chỉ có điều nhiều người lúc này không chân nhận Thầy là Con Thiên Chúa, không chấp nhận Thầy là Đấng Mê-si-a, nên họ đang tố cáo Thầy gắt gao.

Với ba lời cáo buộc trên, Philatô vẫn không thấy Đức Giêsu có tội. Nhưng phía giới chức cứ khăng khăng Giêsu có tội vì họ nói: “Hắn đã xúi dân nổi loạn, đi giảng dạy khắp vùng Giu-đê, bắt đầu từ Ga-li-lê đến đây.” (Lc 23,5). Thầy nghĩ họ nói đúng không? – Tôi vội hỏi nhỏ Thầy. Vế đầu sai, vế sau đúng. Sai vì Thầy luôn tôn trọng luật pháp Rôma, dù đó là người ngoại bang. Đó là chuyện của chính trị. Việc ưu tiên của Thầy là tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước tiên. Còn vế sau đúng vì cả cuộc đời Thầy cốt để làm điều đó. Thầy ước sao đi hết làng này đến làng khác để loan báo Tin Mừng Nước Trời.

Giáo thuyết của Thầy đến từ Chúa Cha, Đấng mà Thầy muốn người môn đệ nhận biết, kết thân và phải hằng làm vinh danh Cha là Đấng ngự trên trời. Thầy còn mong cho triều đại của Cha mau đến, và vì muốn làm theo ý Cha nên Thầy chấp nhận tất cả. Thậm chí cái chết đang tới gần, Thầy vẫn can đảm để giữ vững căn tính thần linh của mình.

d. Đức Giêsu với Philatô

Philatô trở vào trong dinh và cho gọi Thầy vào để “khảo cung” riêng. Dĩ nhiên không ai được vào, tôi cũng không ngoại lệ. Tuy vậy, tôi được may mắn đọc lại Tin Mừng mà thánh Gioan có mặt sáng hôm đó thuật lại câu chuyện giằng co, căng thẳng giữa Philatô và Đức Giêsu quanh vấn đề “Đức Giêsu có phải là vua không?”

Khi đọc câu hỏi này, vọng lại trong tôi biến cố Giáng Sinh. Thực vậy, ngày Thầy mở mắt chào đời tại Bêlem, một làng nhỏ gần Giêrusalem. Các nhà chiêm tinh Phương Đông nhìn thấy ngôi sao báo hiệu một vị vua vừa mới ra đời, nên họ tìm đến bái lạy Người. Thế là họ dong dủi theo ánh sao. Đến Giêrusalem, họ hỏi vua Hêrôđê rằng “Vua dân Do Thái” mới sinh hiện ở đâu. Đó là câu hỏi xúc phạm mang tính thách đố, bởi rõ ràng vùng này đã có vua Hêrôđê, nếu có hoàng tử hạ sinh thì người biết đầu tiên phải là nhà vua chứ.

Thế là với tin động trời ấy, nhà vua rối bời, cả thành Giêrusalem bàn tán xôn xao. Chẳng lẽ vị vua họ hằng cầu mong nay đã đến. Họ hy vọng tràn trề. Phần vua Hêrôđê, ông liền triệu tập tất cả các thượng tế, các kinh sư trong dân lại, và hỏi cho biết Ðấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trích sách Mikha chương 5 câu 1: “Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.” (Mt 2,3-6).

Sau khi biết mình bị các nhà chiêm tinh lừa, Hêrôđê đùng đùng nổi giận truy tìm giết lầm còn bỏ hơn bỏ sót các con trẻ ở Bêlem và vùng lân cận từ 2 tuổi trở xuống. Tuy nhiên, ông đâu biết rằng Hài Nhi Giêsu đã trốn sang Ai-Cập. Thế là những ngày ấy, các thánh Anh Hài đã chịu tử đạo dưới bàn tay bạo tàn của ông vua độc ác.

Cả cuộc đời, Thầy luôn ý thức vai trò Quân vương nơi mình. Thậm chí trước mặt Philatô lúc này, Thầy cũng không chối căn tính ấy.

Philatô nhìn Thầy và hỏi: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?” Thầy hỏi lại: “Ngài tự nói điều ấy hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” Dĩ nhiên Philatô chỉ nghe lại lời ấy từ người Do Thái đang tố cáo Thầy ngoài kia về vấn đề Thầy tự nhận mình là vua của người Do Thái. Lúc ấy Philatô thắc mắc Thầy đã làm gì? Hỏi thế nhưng Thầy trả lời ông: “Nước tôi không thuộc về thế gian này, nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.”

Philatô không màng đến câu trả lời này của Thầy, vấn đề ông vẫn băn khoăn là Thầy có thực sự là vua không. Dĩ nhiên Thầy trước sau vẫn trả lời: “Chính ngài nói tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” Thật lạ cho một người cầm cân nảy mực như Philatô lại băn khoăn: “Sự Thật là gì?” Tôi chợt hỏi ai đang là người xét xử vụ án này: Philatô hay thầy Giêsu?

Thực ra căn tính quân vương, Mêsia của Đức Giêsu không chỉ là vấn nạn thời đó, hôm nay cũng là một chủ đề nhức nhối đối với người Do Thái sùng đạo. Trong một bầu không khí tôn giáo người dân đang hướng về Đấng Mêsia, làm sao họ chấp nhận Đức Giêsu là người phàm mắt thịt làm vua của họ. Người ta vẫn hoài nghi về nguồn gốc của Thầy, ngay cả Gioan Tẩy giả cũng không ngoại lệ. Ông là tiếng hô trong hoang địa: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mt 3,3). Với ông dường như Đấng Mêsia vẫn phải là một Đấng uy phong lẫm liệt, sẵn sàng tra tay chặt bất cứ cây nào không sinh quả tốt và quăng chúng vào lửa. Đấng ấy sẽ cầm nia trong tay mà sẩy lúa của Người, lúa tốt thì cho vào kho, còn lúa lép thì đốt đi trong lửa không hề tắt.” (Mt 3,10-12). Bên cạnh đó, sứ mạng của Mêsia mà tiên tri Ma-la-khi nói đến không giống như những gì đang diễn ra với trường hợp của Thầy: “Này, Ta sai Thần Sứ của Ta, kẻ sẽ vén đường bạt lối trước nhan Ta. Ai chịu đựng nổi ngày Người đến? Ai đứng vững khi Ngài hiện ra?” (Ml 3,1-3).

Trong khi Gioan bị Hêrôđê An-ti-pa bắt bỏ tù vì liên quan đến chuyện tình cảm của nhà vua với bà Hêrôđia (Mt 14,4), chính ông cũng ngỡ ngàng về việc làm của thầy Giêsu sao khác xa với những gì ông loan báo. Do đó ông sai môn đệ đến hỏi Thầy sự thể như thế nào. Thầy có phải là Đấng Mêsia, là Vua phải đến không, hay họ phải chờ một Đấng nào khác? Thầy không trả lời trực tiếp, nhưng trích kinh thánh Cựu ước mà tiên tri I-sa-i-a (Is 35,10) đã loan báo về Mêsia: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”

Trong hàng ngũ các tông đồ cũng thế. Suốt hành trình làm môn đệ của Thầy, các ông vẫn chưa hiểu Thầy. Trên đường rảo bước lên vùng phía bắc kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Thầy dò hỏi xem người ta nói Thầy là ai? Là những người giao tiếp với các tầng lớp dân chúng, các môn đệ nghe người ta đồn về Thầy như sau: Kẻ thì nói Thầy là Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo Thầy là Ê-li-a, có người lại cho Thầy là Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.

Thôi thì thiên hạ vẫn lầm về căn tính của Thầy, còn các môn đệ thì sao? Ông Si-môn Phê-rô đại diện nhóm thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Thầy khen ông, khen cả nhóm đã nói chính xác căn tính của Thầy! Nhưng liền sau đó, Thầy báo cho các ông tin liên quan đến Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa phải lên Giêrusalem, Thầy phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Phê-rô cản Thầy, Thầy mắng Phê-rô là Xa-tan cản lối Đấng Mêsia. Cả nhóm cũng cúi mặt hoang mang về căn tính của Thầy khi nghe tin thân phận Đấng Ki-tô lại phải chịu chết sao. Thậm chí trước ngày Thầy chịu chết các ông vẫn chưa hiểu Thầy, nên Thầy mới mắng các ông: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-lip-phê, anh chưa biết Thầy ư? (Ga 14,9).

Về phía người dân, dĩ nhiên họ không tin Thầy là Đấng Kitô, là Đấng Mêsia. Có chăng đó chỉ là con số nhỏ nhoi, là quân thu thuế và phường tội lỗi, những người nhận được phép lạ của Thầy, những người được Lời Thầy cải hóa. Rồi ngày tháng đến nghe Thầy giảng, chứng kiến Thầy làm phép lạ, họ sửng sốt, ngỡ ngàng bởi đâu ông này lại làm được như thế. Không ít lần họ bỏ Thầy đi, khi nghe Thầy nói những lời chướng tai: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời.” (Ga 6,54). Hoặc “Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho. Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa.” (Ga 6,56).

Giới lãnh đạo tôn giáo thì dĩ nhiên quyết liệt phủ nhận căn tính Mêsia của ông Giêsu. Họ không ít lần đuổi Người ra khỏi đền thờ, nhiều lần gài bẫy để hãm hại Người, không ít lần bàn luận xem phải “thanh toán” Thầy như thế nào. Cuối cùng họ đã triển khai một kế hoạch: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” (Ga11,50) Lúc này nơi dinh Philatô, họ vẫn đang hô gào đòi kết án Thầy vì Thầy tự xưng mình là Con Thiên Chúa, nhận mình là Đấng Mêsia.

Tóm lại, căn tính Mêsia của Thầy vẫn luôn làm người ta đau đầu nhức óc. Dẫu cho Cựu ước có nhiều lần nói về Thầy, nhưng lúc này thiên hạ chưa hiểu được, lãnh đạo tôn giáo nhất quyết giết Thầy. Biết sao được khi Thầy đích thực là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia đến để cứu chuộc con người bằng giá máu. Do đó, Thầy không chối Thiên tính của mình. 

Con đang chiêm ngắm vụ án của Thầy, nghe lại cuộc chất vấn của Philatô với Thầy về căn tính của Thầy ở thế kỷ 21. Thời đại hôm nay căn tính của Thầy vẫn luôn tạo nên những con sóng trái chiều. Người ta dễ dàng nhận thấy mối căng thẳng ấy ngay trên quê hương của Chúa. Làm sao để đối thoại tôn giáo với nhau, khi một bên là Ki-tô giáo tin Thầy là Đấng Thiên Sai, là Vua muôn loài; bên kia là Do Thái giáo vẫn đang mong chờ Đấng Mêsia, vị vua khả kính của họ. Từ trước tới nay, kính trọng lắm, họ chỉ nhìn nhận Giêsu là ngôn sứ. Bởi đó, không chỉ riêng Philatô, rất nhiều người cũng muốn biết thầy Giêsu có phải là Vua không?

Sau khi tra khảo, chất vấn, tổng trấn đi ra gặp người Do Thái và tuyên bố rằng ông không tìm thấy lý do nào để kết tội Đức Giêsu. Tôi nhìn sang những người yêu mến Thầy với niềm hy vọng dâng trào: Thầy sẽ được tha. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra lại hoàn toàn trái ngược. Người Do Thái không muốn tha vua của họ, mà đòi tha Ba-ra-ba, một tên trộm cướp khét tiếng.

e. Thầy chịu đánh đòn

Trước tình hình đó, Philatô truyền đem Đức Giêsu đi đánh đòn Người. Thế là người ta chứng kiến cảnh Thầy bị hành hạ bạo tàn. Tôi chợt nhớ đến lời tiên tri I-sa-i-a: “Người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta, bị tan nát vì sự gian ác chúng ta. Người lãnh lấy hình phạt cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích người mà chúng ta được chữa lành. (Is 52,13-53). Từng đòn roi Thầy chịu để thực thi ý Cha. Không chỉ vết roi hằn trên da thịt Thầy, bọn lính còn kết một vòng gai làm vương niệm, đặt lên đầu Thầy, rồi khoác cho Thầy một áo choàng đỏ. Trong bộ dạng như thế, Thầy bị chúng sỉ nhục, nhạo cười. Lúc này, Thầy lặng thinh nhìn về Mẹ Maria, ông Gioan, về phía tôi và những người Thầy thương mến. Tôi nguyện cầu tâm sự với Thầy:

“Lạy Chúa Hằng Sống của muôn loài, nhờ ơn huệ và sự trợ giúp của Chúa, con xin tiến dâng chính mình con lên trước lòng nhân từ vô biên của Chúa, và trước mặt Mẹ vinh hiển Chúa cùng các thánh nam nữ của triều đình thiên quốc: ấy là con mong muốn và ước ao, và đây là quyết tâm của con đã cân nhắc, noi gương Chúa chịu sỉ nhục, mọi khinh chê và mọi nghèo khó thực sự cũng như thiêng liêng, miễn là điều ấy phụng sự và ngợi khen Chúa hơn, nếu Chúa Chí Tôn rất thánh muốn tuyển chọn và chấp nhận con vào đời sống và bậc ấy.” (Linh thao số 98).

3. Thời khắc Thầy bị kết án tử hình

Nhìn lên phía bên trong dinh, tôi lại thấy Philatô bước ra để một lần nữa khẳng định rằng tổng trấn không tìm thấy lý do nào để kết tội Đức Giêsu. Thầy Giêsu đứng đó, mình mặc áo choàng đỏ, đầu đội vương niệm bằng gai. Thầy không nói một lời, chỉ nhìn xuống phía dưới, nơi có Gioan, có Mẹ Maria và những người Thầy thương mến. Lúc này cuộc đời, mạng sống của Thầy thực sự được đặt trên bàn thờ, để những ai cần sự sống đời đời, cần Thầy, tự do đến và kín múc nguồn ân sủng. Thầy không giữ mạng sống ấy cho riêng Thầy, nhưng dâng hiến mạng sống ấy cho người Thầy thương mến. Cảm ơn Thầy vì tình yêu cao cả!

Tôi nhìn xuống tấm bảng của nhà thờ “Ecce Homo” và vẳng nghe lại tiếng Philatô nói lớn với người Do Thái: “Đây là người.” Thì ra tên của nhà thờ được đặt từ lời tuyên bố của một vị tổng trấn người Rôma. Khi thấy Đức Giêsu, các thượng tế và các thuộc hạ liền kêu lớn tiếng đòi đóng đinh Thầy vào thập giá. Đó là một bản án tử hình của người Rôma chỉ dành cho những tên tội phạm không phải là người Rôma.

Tiếc là Philatô đã rửa tay để tỏ ý không liên quan đến việc đổ máu thầy Giêsu. Ông giao Đức Giêsu cho người Do Thái đem đi mà đóng đinh, vì phần ông, ông vẫn không tìm thấy lý do để kết tội Đức Giêsu. Về phần người Do Thái, nếu họ chiếu theo Lề Luật thì Đức Giêsu phải chết, vì Thầy xưng mình là Con Thiên Chúa.

Lúc ấy tôi thấy giữa Philatô và giới lãnh đạo Do Thái quả là hai phương trời cách biệt, hai ý hướng khác nhau. Bên có quyền tuyên bố Đức Giêsu trắng án thì nhún nhường vì bị nhóm người dưới kia gây áp lực, bên không có quyền một mực đòi đóng đinh Thầy vào thập giá. Trong cảnh huống đó, thầy Giêsu nói với Philatô rằng: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn.” (Ga 19,11).

Sau một hồi giằng co, tôi thấy Philatô truyền dẫn Đức Giêsu ra và đặt ngồi trên tòa cao, chỗ đó gọi là Nền Đá để tuyên bố với mọi người rằng: “Đây là vua các người!” (Ga 19,14) Lúc ấy khoảng gần trưa ngày thứ Sáu. Nghe câu ấy xong, tôi lặng người nhìn thấy đoàn người đông đảo giơ tay đòi đem Thầy đi để đóng đinh vào thập giá! Thế là một phiên tòa khép lại với việc ông Philatô trao Đức Giêsu cho họ tùy theo ý họ muốn. Dĩ nhiên mau chóng họ hả hê điệu Đức Giêsu đi để đóng đinh vào thập giá.

Kỳ tới: Nơi Đức Giêsu sống lại

Kỳ trước:

1. Tại sao người ta đến Giêrusalem?

2. Câu chuyện bức tường thành Giêrusalem

3. Dinh Tổng Trấn Philatô, nơi xét xử Đức Giêsu

4. Đến Nhà Thờ Kinh Lạy Cha

5. Thăm phòng tiệc ly của Đức Giêsu

6. Chuyện gì xảy ra trong Vườn Cây Dầu?

7. Đêm Đức Giêsu bị bắt, chuyện gì xảy ra?

8. 14 Chặng Đàng Thánh Giá hậu Covid-19

(Tác giả gửi bài cộng tác đến Ban biên tập Website Hội đồng Giám mục Việt Nam tại địa chỉ email: bbt.whd@gmail.com)



[1] Dân Do-Thái sau khi dành được độc lập từ đế quốc Hy-lạp chưa đầy 100 năm, họ lại rơi vào tay đế quốc Rô-ma, dưới quyền một tổng trấn. Thượng Hội Đồng người Do-Thái gồm các kỳ mục, các thượng tế và một số luật sĩ tượng trưng duy nhất của quyền lực người Do-Thái.

[2] Gāius Jūlius Caesār là một lãnh tụ quân sự và chính trị, và tác giả văn xuôi Latin lớn của La Mã cổ đại. Ông đóng một vai trò then chốt trong sự chuyển đổi Cộng hòa La Mã thành Đế chế La Mã.

[3]Từ năm thứ sáu sau công nguyên, đế quốc Rôma sáp nhập Giu-đê và Samari thành một tỉnh, mỗi người dân Do-thái phải nộp một thứ thuế thân. Dĩ nhiên không một người Do-thái ái quốc nào lại muốn nộp thứ thuế ấy.

[4]Người dân trong đế quốc Rôma phải nộp thuế nhà đất, thứ lợi tức, thuế thân, v.v. Nói chung gánh nặng thuế không phải là nhỏ.

[5] Julius Caesar là người tiền đầu tiên khắc hình mình trên tiền. Ví dụ đồng denarius với hình họa Julius Caesar được đúc vào năm 44 TCN; mặt sau là nữ thần Venus, tay bà nâng nữ hoàng chiến thắng Victoria và một thanh quyền trượng.

https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/cau-chuyen-xu-an-thay-giesu-41684

Đức Giêsu Kitô – Đường Chiên Thiên Chúa

 

Đức Giêsu Kitô – Đường Chiên Thiên Chúa

 
  •  
  •  


Chương Trình Mục Vụ Giới Trẻ 2020-2022:
Mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức Giê-su Ki-tô (16)

Chủ đề học hỏi và suy niệm tháng 04 năm 2021

ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ – ĐƯỜNG CHIÊN THIÊN CHÚA

+ Pet. Nguyễn Văn Viên

Các bạn trẻ thân mến,

Tháng 3 vừa qua, chúng ta đã suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô - Đường Kêu Gọi Hoán Cải. Tháng 4 này, với Tam Nhật Vượt Qua (Triduum Paschale) và sau đó là Mùa Phục Sinh, chúng ta cùng nhau suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô - Đường Chiên Thiên Chúa. Chiên Phục Sinh với cờ thánh giá là biểu tượng lâu đời và quan trọng bậc nhất trong nghệ thuật Ki-tô Giáo. Biểu tượng này giúp chúng ta suy niệm về Đức Giê-su, Chiên Thiên Chúa, Đấng giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi, sự chết và dẫn đưa tất cả về với Thiên Chúa.

Để có thể nhận thức được ý nghĩa của tước hiệu Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa (ὁ Ἀμνὸς τοῦ Θεοῦ), chúng ta hãy trở về với Kinh Thánh và truyền thống Do-thái. Thông thường, trong nghi thức hiến tế dâng lên Thiên Chúa, con vật được chọn là con chiên đực (άμνος: amnos), tức là con cừu đực dưới một năm tuổi. Kinh Thánh còn dùng từ chiên (ἀρνίον) và cừu (πρόβατον). Danh từ πρόβατον (tiếng La-tinh: oves; tiếng Anh: sheep) chỉ con cừu hơn một năm tuổi. Trong Kinh Thánh, từ này dùng để chỉ các tín hữu nói chung, chẳng hạn như Tv 78,52; Ed 34,12-13; Mt 10,6; Mc 6,34; Ga 21,15-17. Hai danh từ άμνος và ἀρνίον (tiếng La-tinh: agnus; tiếng Anh: lamb) để chỉ Đức Giê-su, chẳng hạn như άμνος được dùng ở Ga 1,29.36; 1 Pr 1,19 và ἀρνίον được dùng 28 lần trong sách Khải Huyền, chẳng hạn như Kh 5,6.12.13; 6,1.16; 7,9.10; 12,11; 13,8; 14,4; 15,3; 17,14; 21,9 để chỉ Đức Giê-su phục sinh là Chiên Chiến Thắng.

Kinh Thánh Cựu Ước cho chúng ta biết rằng con chiên được đề cập rất sớm trong sách Sáng Thế, trong đó A-ben, con trai thứ của A-đam và E-và là người chăn chiên (St 4,2). A-ben đã dâng lễ vật được chọn lựa từ những gì tốt nhất mà ông có là những con đầu lòng của bầy chiên và được Thiên Chúa nhận lời. Đây là lễ vật hy sinh, lễ vật cao quí, lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa. Lễ vật này diễn tả sự tùng phục và trung tín của A-ben đối với Thiên Chúa. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: "Nhờ đức tin, ông A-ben đã dâng lên Thiên Chúa một hy lễ cao quý hơn hy lễ của ông Ca-in: nhờ tin như vậy, ông A-ben đã được chứng nhận là người công chính, bởi vì Thiên Chúa đã chấp nhận những lễ phẩm ông dâng. Và cũng nhờ tin như thế, mà tuy đã chết rồi, ông vẫn còn lên tiếng" (Dt 11,4). Ông Nô-ê cũng dâng lễ toàn thiêu để tạ ơn Thiên Chúa, tỏ lòng tùng phục và cầu xin Người ban bình an cho gia đình ông sau khi được Thiên Chúa giải thoát khỏi cơn hồng thủy.

Lịch sử dân Do-thái được đánh dấu bằng việc Thiên Chúa kêu gọi và tuyển chọn Áp-ra-ham, để từ ông, Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu độ nhân loại (St 12,1-3). Áp-ra-ham được gọi là 'cha của những người tin'. Niềm tin của ông trải qua nhiều thử thách và thử thách ngay cả khi ông chỉ còn một niềm hy vọng duy nhất trong tuổi xế bóng. Thật vậy, ông và vợ ông được Thiên Chúa ban đặc ân là sinh I-xa-ác khi cả hai đã già (St 17,15-22). Tuy nhiên, khi I-xa-ác khôn lớn, Thiên Chúa nói với Áp-ra-ham hiến dâng I-xa-ác cho Người. Áp-ra-ham không cầu xin Thiên Chúa cho con trai duy nhất của mình được sống. Ông hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa, đem theo hai đầy tớ và cùng với I-xa-ác lên đường đến một nơi ‘Thiên Chúa sẽ chỉ cho' (St 22,2). Ngày thứ ba của hành trình, Áp-ra-ham bảo hai đầy tớ dừng lại. Ông đặt củi lên vai I-xa-ác rồi hai cha con tiếp tục đi. Khi tới nơi hiến tế, Áp-ra-ham dựng bàn thờ và xếp củi lên. Ông trói con mình lại và đặt vào bàn thờ, phía trên đống củi. Khi Áp-ra-ham cầm dao để sát tế con mình thì sứ thần Thiên Chúa nói: "Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!" (St 22,12). Ngước mắt lên, Áp-ra-ham thấy con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây ở phía sau, ông đã bắt nó và sát tế thay cho con mình (St 22,13). Ông đã làm tất cả vì tin tưởng và phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa. Lòng thành tín của Áp-ra-ham được Thiên Chúa chấp nhận và con trai ông được sống. Từ đó, dưới nhiều hình thức khác nhau, Áp-ra-ham và dòng dõi của ông tiếp tục dâng lễ tế lên Thiên Chúa để cảm tạ, xin ơn tha thứ, ơn bình an và nhiều ơn lành khác nữa, cũng như diễn tả niềm hy vọng vào những điều tốt đẹp mai ngày.

Sách Xuất Hành cho chúng ta biết rằng vì sự áp bức của người Ai-cập đối với người Do-thái, con cháu của Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp sống trong cảnh nô lệ, Thiên Chúa đã chỉ thị cho Mô-sê và A-ha-ron nói với cộng đồng con cái Ít-ra-en: "Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tùy theo số người. Các ngươi sẽ tùy theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên. Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được. Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng" (Xh 12,3-8). Máu bôi trên khung cửa là dấu hiệu để Thần Tru Diệt không giết con đầu lòng của các gia đình Do-thái (Xh 12,22-23). Khi các con đầu lòng của các gia đình Ai-cập bị giết chết, vua Ai-cập gọi Mô-sê và A-ha-ron đến và bảo: “Cả các ngươi lẫn con cái Ít-ra-en, đứng lên, đi ra, không được ở giữa dân ta nữa! Đi mà thờ phượng Đức Chúa như các ngươi đã nói!" (Xh 12,31). Như vậy, hy lễ chiên Vượt Qua trở thành hy lễ cứu sống các con đầu lòng Do-thái, đồng thời, đánh dấu sự giải thoát của dân Do-thái khỏi ách nô lệ Ai-cập về với Đất Hứa.

Mô-sê chỉ thị cho dân Do-thái thực thi hy lễ này luôn mãi: "Anh em phải giữ điều đó như điều luật vĩnh viễn cho mình và cho con cháu. Khi được vào đất mà Đức Chúa ban cho anh em như Người đã phán, anh em sẽ giữ nghi lễ đó" (Xh 12,24-25). Ông nhắn nhủ họ rằng trong tương lai, nếu có ai hỏi ý nghĩa của nghi lễ thì thưa: "Đó là lễ tế Vượt Qua mừng Đức Chúa, Đấng đã vượt qua các nhà của con cái Ít-ra-en tại Ai-cập, khi Người đánh phạt Ai-cập và cho các nhà chúng ta thoát nạn” (Xh 12,27). Từ Lễ Vượt Qua đầu tiên ở Ai-cập cho tới hôm nay, hàng năm, dân Do-thái cử hành Lễ này từ chiều ngày 14 cho đến hết ngày 15, và tiếp nối bằng Tuần Lễ Bánh Không Men đến ngày 21 trong tháng đầu tiên, tháng Ni-xan (נִיסָן‎: Nisan) theo lịch Do-thái (Lv 23,5-6), tức vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4 Dương Lịch (Lịch Gregory). Đặc biệt, khi Đền Thờ Giê-ru-sa-lem được xây dựng, dân Do-thái cử hành lễ Vượt Qua tại đây. Chính Đức Giê-su cũng tham dự Lễ này cùng với Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se (Lc 2,41-50).

Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Gio-an trình thuật rằng khi thánh Gio-an Tẩy Giả thực thi sứ mệnh của mình thì người ta hỏi: Ngài là ai? Có phải là Đấng Ki-tô hay Ê-li-a hay một ngôn sứ nào đó chăng? Ngài bảo không phải (Ga 1,19-21). Đồng thời, ngài nói về mình như sau: "Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói" (Ga 1,23). Người ta lại chất vấn tại sao ngài làm Phép Rửa, ngài đáp: "Tôi đây làm Phép Rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết" (Ga 1,26). Thánh Gio-an Tẩy Giả cũng đề cập đến sự thấp kém của mình so với Đấng đến sau ngài, Đấng mà ngài không xứng đáng để cởi quai dép cho Người (Ga 1,27).

Khi thánh Gio-an Tẩy Giả đang đứng với hai môn đệ của mình thì Đức Giê-su tiến lại. Ngay lúc đó, thánh nhân nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian" [δε ὁ Ἀμνὸς τοῦ Θεοῦ ὁ αἴρων τὴν ἁμαρτίαν τοῦ κόσμου] (Ga 1,29). Chúng ta có thể giải thích rằng Chiên Thiên Chúa có nghĩa là Chiên thuộc về Thiên Chúa hoặc là Chiên được gửi đến từ Thiên Chúa hoặc Chiên mang sứ mệnh của Thiên Chúa. Khi thánh Gio-an Tẩy Giả công bố Đức Giê-su là 'Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian', ngài đã công bố điều vượt quá 'kiến thức vốn có' của ngài. Trong bối cảnh Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Gio-an, thánh Gioan Tẩy Giả đã hai lần thừa nhận rằng ngài không biết Đức Giê-su (Ga 1,31.33). Chúng ta cũng gặp một số nơi trong Tin Mừng này mà người nói về Đức Giê-su những điều vượt quá kiến thức hay khả năng vốn có của họ, chẳng hạn như thượng tế Cai-pha và Phi-la-tô (Ga 11,49-52; Ga 19,19-22).

Chúng ta chỉ gặp cụm từ 'Chiên Thiên Chúa' hai lần trong Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Gio-an (Ga 1,29 và Ga 1,36), chứ không gặp ở các Tin Mừng Nhất Lãm (Mát-thêu, Lu-ca, Mác-cô) hay bất cứ ở nơi đâu trong Bộ Kinh Thánh. Hơn nữa, cũng chỉ một mình thánh Gio-an Tẩy Giả gọi Đức Giê-su là 'Chiên Thiên Chúa' mà thôi. Tại sao thánh Gio-an Tẩy Giả gọi Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa mà không gọi bằng một tước hiệu nào khác? Thưa, tại vì con chiên gắn liền với lịch sử, gắn liền với tất cả mọi chiều kích của đời sống dân Do-thái trong quá khứ, hiện tại và tương lai, nhất là đời sống phụng tự. Lịch sử cứu độ và giải thoát của dân Do-thái gắn liền với con chiên. Hơn nữa, theo Kinh Thánh, dấu ấn của con chiên về tận Nguyên Tổ nhân loại, về tận A-ben, A-đam và E-và (St 3,21; St 4,2-4).

Trong Cựu Ước, ngôn sứ Giê-rê-mi-a đề cập đến 'con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt' (Gr 11,19). Tuy nhiên, ngôn sứ Giê-rê-mi-a không đề cập đến việc 'xóa tội trần gian'. Hơn nữa, dân Do-thái hiến tế chiên hằng năm để tưởng nhớ biến cố Vượt Qua, khái niệm Chiên Thiên Chúa không bao giờ xuất hiện. Trong nhãn quan của thánh Gio-an Tẩy Giả, hình ảnh Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa diễn tả Người là lễ vật hiến tế, chứ không phải là vị anh hùng hào kiệt hay vị vua cai trị người khác. Từ khi Đức Giê-su được thánh Gio-an Tẩy Giả giới thiệu là Chiên Thiên Chúa, những phần còn lại của Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Gio-an đều trực tiếp hay gián tiếp đề cập đến việc Đức Giê-su đồng lao cộng khổ, hy sinh bản thân cho tất cả mọi người mà cao điểm là sự đau khổ và cái chết của Người trên thập giá.

Thánh Gio-an Tẩy Giả không chỉ giới thiệu Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, ngài còn làm Phép Rửa cho Đức Giê-su, cũng như 'thấy' Chúa Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên Đức Giê-su và nghe tiếng Chúa Cha: "Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm Phép Rửa trong nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm Phép Rửa trong Thánh Thần. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn" (Ga 1,32-34)Đây thật là mặc khải lớn lao trong Tân Ước. Thánh Gio-an Tẩy Giả không nói rằng ‘Thiên Chúa Ba Ngôi’. Tuy nhiên, qua sự làm chứng của ngài, chúng ta thấy 'bóng dáng Chúa Ba Ngôi' trong thế giới thụ tạo. Điều này có nghĩa là Đức Giê-su không hiện diện đơn độc trên trần gian này. Nói cách khác, từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế luôn có sự hiện diện và hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trong nghi thức hiến tế của dân Do-thái, con chiên được chọn phải hoàn hảo, không bệnh tật, không biến dạng, không tỳ vết mới đủ tiêu chuẩn. Thánh Gio-an Tẩy Giả nói rằng Đức Giê-su là Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn: "Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn" (Ga 1,34). Đức Giê-su không tỳ vết về mặt luân lý, như lời của tổng trấn Phi-la-tô: "Đây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy" (Ga 19,4). Thánh Gio-an tông đồ viết: "Đức Giê-su đã xuất hiện để xóa bỏ tội lỗi, và nơi Người không có tội lỗi" (1 Ga 3,5). Thánh Phao-lô minh chứng điều đó: "Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người" (2 Cr 5,21). Còn thánh Phê-rô thì quả quyết: "Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối" (1 Pr 2,21-22).

Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Gio-an cho chúng ta biết rằng trong biến cố thập giá có hai người trộm cướp cùng chịu đóng đinh với Đức Giê-su. Cả hai người bị đánh giập ống chân, tuy nhiên, khi quân lính biết rằng Đức Giê-su đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Họ đã lấy đòng đâm vào cạnh sườn Người, tức thì máu cùng nước chảy ra (Ga 19,31-34). Điều này cho phép chúng ta nhận thức rằng Đức Giê-su là Chiên vẹn toàn của Thiên Chúa đã được nói trước trong Cựu Ước về chiên hiến tế: "Các ngươi không được làm gãy một chiếc xương nào của nó" (Xh 12,46). Nơi Đức Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá rất gần nơi dân Do-thái hiến tế chiên hằng năm để tưởng nhớ lễ Vượt Qua ở Giê-ru-sa-lem. Hơn nữa, Đức Giê-su trút hơi thở cuối cùng vào khoảng ba giờ chiều, cũng là lúc người ta sát tế chiên trong Đền Thờ. Nói cách khác, khi Máu Đức Giê-su từ cạnh sườn chảy ra trên đồi Gôn-gô-tha (Đồi Sọ) cũng là khi máu chiên sát tế chảy ra và người ta lấy máu đó rảy trên bàn thờ của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem.

Trở lại với hiến tế của Áp-ra-ham trong Cựu Ước, khi trên đường tới chỗ dâng lễ toàn thiêu, I-xa-ác hỏi Áp-ra-ham: "Có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu? Ông Áp-ra-ham đáp: Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ" (St 22,8). Đối với mọi người trong gia đình nhân loại, 'Thiên Chúa sẽ liệu' và Người đã liệu không phải là con chiên hay tế phẩm nào đó mà là Đức Giê-su. Thiên Chúa đã cho gia đình nhân loại chính Con của Người. Hiến tế Đức Giê-su cao trọng hơn hiến tế của I-xa-ác, cao trọng hơn bất cứ hiến tế nào trong lịch sử nhân loại. Con cừu đực chết cho I-xa-ác được sống, Đức Giê-su tự nguyện chịu chết cho nhân loại được cứu độ, được giải thoát và được sống muôn đời.

Chúng ta có thể so sánh máu chiên bôi trên cửa nhà của người Do-thái bên Ai-cập và máu Đức Giê-su như sau: Máu chiên bôi trên cửa là máu súc vật; Máu Đức Giê-su đổ ra trên thập giá là Máu Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Máu chiên bôi trên cửa mang tính địa phương; Máu Đức Giê-su trên thập giá mang tính hoàn vũ. Máu chiên bôi trên cửa là dấu hiệu sự giải thoát một dân tộc; Máu Đức Giê-su trên thập giá là dấu hiệu giải phóng tất cả các dân tộc. Máu chiên bôi trên cửa giúp dân Do-thái thoát khỏi ách nô lệ ở Ai-cập; Máu Đức Giê-su trên thập giá giúp tất cả mọi người trong gia đình nhân loại thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. Máu chiên bôi trên cửa giúp dân Do-thái tiến về Đất Hứa; Máu Đức Giê-su trên thập giá giúp con người tiến về Quê Trời. Máu chiên bôi trên cửa tàn phai theo năm tháng; Máu Đức Giê-su là dấu ấn vĩnh viễn. Tắt một lời, máu chiên bôi trên cửa là dấu hiệu của Cựu Ước qua đi; Máu Đức Giê-su là dấu hiệu của Tân Ước vĩnh cửu.

Trong bối cảnh Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Gio-an, Đức Giê-su nói rằng Người là Mục Tử nhân lành: "Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên" (Ga 10,11). Còn tác giả thư gửi tín hữu Do-thái thì khẳng định: "Đức Giê-su là vị Mục Tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu" (Dt 13,20). Như vậy, Đức Giê-su vừa là Chiên Thiên Chúa vừa là Mục Tử nhân lành. Trong tư cách là Chiên Thiên Chúa, Đức Giê-su trở thành lễ vật hoàn hảo dâng lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể nhân loại. Trong cách tư cách là Mục Tử nhân lành, Đức Giê-su chăn dắt đoàn chiên của Thiên Chúa. Các mục tử của dân Do-thái, chẳng hạn như Áp-ra-ham, Mô-sê, Đa-vít có thể được gọi là 'mục tử', chứ không bao giờ được gọi là 'chiên'. Họ là hình ảnh khiếm khuyết báo trước về Đức Giê-su, Chiên Thiên Chúa và Mục Tử hoàn hảo. Người hiện diện và hoạt động trong hành trình trần thế để đồng hình đồng dạng với đoàn chiên (ngoại trừ tội lỗi) và dẫn đưa đoàn chiên về với Thiên Chúa.

Trong sách Sáng Thế, trước khi qua đời, Gia-cóp đã chúc phúc cho mười hai người con trai. Gia-cóp ví Giu-đa (người con trai thứ tư) như là sư tử (St 49,9). Chúng ta biết rằng sư tử thường được gọi là chúa sơn lâm, là vua muông thú. Hình ảnh sư tử là hình ảnh của quyền lực, sức mạnh, chiến thắng, vương quyền. Gia-cóp còn nói: "Vương trượng sẽ không rời khỏi Giu-đa, gậy chỉ huy sẽ không lìa đầu gối nó, cho tới khi người làm chủ vương trượng đến, người mà muôn dân phải vâng phục" (St 49,10). Theo phả hệ gia đình mở rộng của Áp-ra-ham, Đa-vít thuộc chi tộc Giu-đa, do đó ông cũng mang 'AND sư tử' và Đức Giê-su cũng thuộc chi tộc này (Mt 1,1-17). Đó là lý do giải thích tại sao trong sách Khải Huyền, Đức Giê-su được diễn tả như là Chiên Chiến Thắng: "Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang và muôn lời cung chúc" (Kh 5,12). Đức Giê-su cũng được diễn tả như là Sư Tử oai hùng: "Đừng khóc nữa! Này đây, Sư Tử xuất thân từ chi tộc Giu-đa, Chồi Non của Đa-vít đã chiến thắng, Người sẽ mở cuốn sách và bảy ấn niêm phong" (Kh 5,5). Điều này cho chúng ta biết rằng Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Đấng hiến tế chính mình cho toàn thể gia đình nhân loại. Đồng thời, Đức Giê-su là con cháu vua Đa-vít. Người là Đấng chiến thắng; là 'Sư Tử xuất thân từ chi tộc Giu-đa'. Là Chiên, Người mang lấy tội lỗi nhân loại; là Sư Tử, Người tiêu diệt tội lỗi và hậu quả của tội lỗi là sự chết. Tuy nhiên, mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết Đức Giê-su là Sư Tử trước khi là Chiên, bởi vì Người là Đấng Sáng Tạo, nhờ Người muôn vật muôn loài được dựng nên và danh hiệu của Người là "Vua các vua, Chúa các chúa" (Kh 19,16).

Đối với dân Do-thái, từ khi Thiên Chúa kêu gọi Áp-ra-ham đến khi rời khỏi Ai-cập về với Đất Hứa, từ việc sát tế chiên hằng năm để tưởng nhớ biến cố Xuất Hành đến Biến Cố Đức Giê-su, nhiều con chiên đã trở thành lễ vật hiến tế. Trong bối cảnh hôm nay cũng như tương lai, nhiều người Do-thái vẫn tiếp tục nghi thức này. Tuy nhiên, không có bất cứ con vật nào trong quá khứ, hiện tại hay tương lai mang đến sự tha thứ tội lỗi. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: "Máu các con bò, con dê không thể nào xóa được tội lỗi" (Dt 10,4). Những gì dân Do-thái làm có thể giúp họ hoán cải, trở về nẻo chính đường ngay, chứ không đem đến cho họ sự tha thứ. Chỉ Đức Giê-su, Chiên Thiên Chúa là Đấng xóa tội tất cả mọi người. Thánh Phê-rô khẳng định như vậy: "Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô. Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này" (1 Pr 1,19-20). Còn tác giả sách Khải Huyền thì diễn tả rằng khi Con Chiên (Đức Giê-su phục sinh) lãnh nhận cuốn sách, bốn Con Vật và hai mươi bốn vị Kỳ Mục phủ phục và cất tiếng: "Ngài xứng đáng lãnh nhận cuốn sách và mở ấn niêm phong, vì Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước, mọi dân. Ngài cũng làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta, và họ sẽ làm chủ mặt đất này" (Kh 5,9-10).

Khi Đức Giê-su xuất hiện, thánh Gio-an Tẩy Giả không nói Đức Giê-su là 'Đấng xóa tội dân Do-thái', mà nói Người là 'Đấng xóa tội trần gian'. Khi nói như thế, thánh nhân ý thức được hậu quả khủng khiếp của tội lỗi, khủng khiếp đến nỗi Đức Giê-su, Con Thiên Chúa đã trở thành Chiên Thiên Chúa đổ máu để cứu chuộc nhân loại. Với thánh Gio-an Tẩy Giả, tội lỗi vừa xúc phạm Thiên Chúa vừa làm cho con người xa rời Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong thực tế, con người thường quan tâm đến việc 'xúc phạm Thiên Chúa', mà ít quan tâm đến việc 'xa rời Thiên Chúa'. Như vậy, thánh Gio-an Tẩy Giả có cái nhìn mới mẻ cũng như tầm nhìn sâu xa, rộng mở và bao quát hơn so với tất cả những người đương thời, ngay cả những người gần gũi Đức Giê-su nhất cũng không có cái nhìn tương tự.

Từ cổ chí kim, tất cả mọi người trong gia đình nhân loại đều có kinh nghiệm về sự phân biệt giữa người dâng lễ vật và lễ vật trong các nghi thức tế tự. Trong trường hợp Đức Giê-su thì không phải như thế bởi vì Người vừa dâng lễ vật, vừa là lễ vật. Đây thật là điều khó hiểu không chỉ đối với những người Do-thái mà còn đối với tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Đức Giê-su trở nên một với lễ vật và nhân danh toàn thể nhân loại dâng lên Thiên Chúa hiến tế hoàn hảo nhất. Đó là lý do giải thích tại sao Giao Ước giữa con người và Thiên Chúa được Đức Giê-su thiết lập là giao ước cao trọng và vĩnh cửu. Nói cách khác, chỉ có Đấng cao trọng và vĩnh cửu mới làm cho giao ước giữa con người và Thiên Chúa trở thành giao ước cao trọng và vĩnh cửu mà thôi. Các trình thuật trong Tin Mừng về việc Đức Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Giao Ước mới và vĩnh cửu, không đề cập đến việc ăn thịt chiên, bởi vì, Đức Giê-su chính là Chiên, Chiên Thiên Chúa (Mt 26,26-28; Mc 14,22-24; Lc 22,19-20; 1 Cr 11,23-25).


Hình ảnh chiên bị sát tế ở Ai-cập trước cuộc Xuất Hành là hình ảnh bắt đầu một tương lai mới mẻ cho dân Do-thái. Hình ảnh này trở nên hiện thực trong Biến Cố Đức Giê-su cho tất cả mọi người. Hình ảnh chiên bị sát tế ở Ai-cập khởi đầu cho việc dân Do-thái phải từ bỏ những thứ lỉnh kỉnh, những vật dụng không cần thiết hay bất cứ thứ gì gây cản trở cho hành trình bốn mươi năm trong sa mạc về với Đất Hứa. Điều quan trọng nhất của hành trình này là phó thác mọi sự cho Thiên Chúa. Hình ảnh Đức Giê-su hiến tế chính mình mời gọi tất cả mọi người phải từ bỏ tội lỗi, từ bỏ nết xấu hay bất cứ những gì gây cản trở cho hành trình về với Nước Thiên Chúa. Đây cũng là hình ảnh diễn tả sự vinh thắng của tình yêu trên ích kỷ, của tha thứ trên hận thù, của phục sinh trên sự chết, của ánh sáng trên bóng tối, của Thiên Chúa trên ma quỷ. Điều quan trọng nhất của tất cả mọi người trong hành trình này là niềm tin tưởng vững vàng vào sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su, Chiên Thiên Chúa trong đời sống mình.

Như nhiều tín hữu của các tôn giáo khác trong lịch sử nhân loại, dân Do-thái mang trong mình não trạng rằng sự cố gắng hay việc làm theo cảm nhận của mình có thể đền bù tội lỗi, xây dựng căn tính đích thực của mình và đạt tới sự sống vinh phúc trường cửu. Tuy nhiên, Biến Cố Đức Giê-su cho chúng ta nhận thức rằng con người không thể tự mình hoàn thiện, tự mình tạo công phúc hay tự mình giải thoát khỏi các thế lực ma quỷ, bóng đêm, tội lỗi. Con người luôn cần Đức Giê-su, hữu hạn luôn cần vô hạn, thời gian luôn cần vĩnh cửu. Nói cách khác, chiên trần gian luôn cần Chiên Thiên Chúa cứu độ và giải thoát (Kh 7,10). Tác vụ chính của chiên trần gian là tin tưởng, thông hiệp và thực thi ý định của Chiên Thiên Chúa.

Trong lễ Vượt Qua hằng năm, người Do-thái ăn thịt chiên với bánh không men và rau đắng. Đây là truyền thống xa xưa của dân Do-thái, chẳng hạn như ông Lót (cháu của Áp-ra-ham) đãi 'người của Thiên Chúa' bằng bánh không men hay Thiên Chúa truyền cho Mô-sê và A-ha-ron bên Ai-cập chuẩn bị lễ Vượt Qua với bánh không men (St 19,1-5; Xh 12,8). Đặc biệt, việc ăn bánh không men để tưởng nhớ biến cố dân Do-thái ra khỏi đất Ai-cập. Tác giả sách Xuất Hành cho chúng ta biết: "Người Ai-cập hối thúc con cái Ít-ra-en và vội vàng thả cho họ ra khỏi nước, vì chúng nói: Chúng ta chết cả lũ đến nơi rồi! Dân phải mang theo bột đã nhào chưa kịp dậy men; họ cuộn bột đã nhào trong thùng vào áo choàng, rồi vác lên vai" (Xh 12,33-34). Còn tác giả sách Đệ Nhị Luật viết: "Anh em không được ăn bánh có men với lễ vật đó; trong vòng bảy ngày, anh em sẽ ăn bánh không men - thứ bánh khổ cực, vì anh em đã phải vội vã ra khỏi đất Ai-cập-, để mọi ngày trong đời anh em, anh em nhớ ngày ra khỏi đất Ai-cập" (Đnl 16,3).

Men đóng vai trò quan trọng trong việc chế biến lương thực thực phẩm, chế biến thức ăn, chẳng hạn như men làm bánh, men làm bia rượu, men làm nước trái cây. Tuy nhiên, trong bối cảnh Kinh Thánh, ngoài ý nghĩa và hình ảnh tích cực, men còn mang ý nghĩa và hình ảnh tiêu cực, chẳng hạn, men là hình ảnh của tội lỗi, của tính hư nết xấu, của hệ quả tai hại. Chỉ một ít men trong thúng bột thì làm cho thúng bột dậy men và dần dần cả thúng bột sẽ bị hủy hoại. Cũng vậy, tội lỗi làm con người hư hỏng. Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Anh em phải cẩn thận, phải coi chừng men Pha-ri-sêu và Xa-đốc" (Mt 16,6). Trong thư gửi tín hữu Ga-lát, khi trình bày về sự tự do của người Ki-tô hữu, thánh Phao-lô viết: "Một chút men làm cả khối bột dậy men" (Gl 5,9). Với tín hữu Cô-rin-tô, thánh nhân cảnh báo: "Anh em không biết rằng chỉ một chút men cũng đủ làm cho cả khối bột dậy lên sao? Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men. Quả vậy, Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ" (1 Cr 5,6-8).

Đời sống 'xa lánh bánh có men', đời sống ý thức về căn nguyên của tội lỗi, đời sống ý thức về tình yêu của Thiên Chúa, đời sống đơn sơ và sự khiêm hạ của thánh Gio-an Tẩy Giả đáng để chúng ta noi gương bắt chước, bởi vì nhờ đó, thánh nhân ý thức hơn về căn tính và sứ mệnh của mình. Cũng nhờ đó, thánh nhân nhận ra Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian trong khi tất cả những người đương thời không nhận ra. Mỗi người chúng ta cũng vậy, chúng ta chỉ có thể nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa, đọc những dấu chỉ đó và đem ra thực hành khi chúng ta biết cộng tác với Thiên Chúa để đẩy lùi 'men tội lỗi'. Chúng ta cần cộng tác với Thiên Chúa để luôn có tâm hồn đơn sơ, khiêm hạ, tâm hồn biết mở ra với những khả thể tốt đẹp tiềm tàng trong môi trường sống của mình. Thời nào cũng vậy, biết bao dấu chỉ Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại, cho mỗi người. Tuy nhiên, thay vì chuẩn bị tâm hồn để tiếp nhận những dấu chỉ của Thiên Chúa, con người thường chú ý đến những dấu chỉ như lòng mình mong đợi.

 Thánh Gio-an Tẩy Giả không chỉ là người đầu tiên và người duy nhất nhận ra Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, ngài còn là người đầu tiên minh chứng cho những giá trị Nước Thiên Chúa mà Đức Giê-su loan báo. Đặc biệt, ngài đã bảo vệ cho niềm tin và công lý bằng chính mạng sống mình. Như vậy, ngài đã tham dự trọn vẹn vào hiến tế của Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Việc thánh nhân nhận ra Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa và làm chứng cho Người bằng mạng sống mình là Tin Mừng trọng đại cho gia đình nhân loại. Từ đây, với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su, Thiên Chúa và con người 'không còn xa cách nữa'. Nhờ Đức Giê-su, con người hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa hơn. Nói cách khác, nhờ Chiên Thiên Chúa, chiên trần gian dễ dàng tiếp cận Thiên Chúa và đi vào mối thông hiệp vĩnh cửu với Người. Những gì thánh Gio-an Tẩy Giả cảm nghiệm, sống và diễn tả đã trở nên nguồn lực vô tận cho các môn đệ của Đức Giê-su trong hành trình loan báo Tin Mừng.

Thánh Gio-an tông đồ trình thuật: "Ông Gio-an [thánh Gio-an Tẩy Giả] lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: Đây là Chiên Thiên Chúa. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su" (Ga 1,35-37). Thánh Gio-an Tẩy Giả thật quảng đại, không 'giữ chặt' môn đệ của mình, không 'sở hữu', nhưng sẵn sàng để các môn đệ của mình theo Đức Giê-su. Thánh nhân đã ý thức được rằng các môn đệ của mình cần trở thành môn đệ của Đức Giê-su để cộng tác với Người trong việc loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Sự kiện hai môn đệ từ biệt thầy mình là thánh Gio-an Tẩy Giả rồi theo Đức Giê-su đáng để chúng ta quan tâm. Bởi vì, thông thường, môn đệ là người trung tín với thầy mình. Nhưng ở đây, hai môn đệ của thánh Gio-an Tẩy Giả đã vâng lời thầy mình và sẵn lòng ra đi dù chưa biết tương lai thế nào. Chắc rằng khi Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, họ mới hiểu biết đầy đủ tâm tư và viễn kiến của thầy mình, nhất là hiểu biết hơn lời giới thiệu của thầy mình khi gặp Đức Giê-su: 'Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian'.

Trước khi trở thành môn đệ của Gio-an Tẩy Giả, hai môn đệ đã tìm hiểu và phân định đường đi nước bước cho mình. Đối với họ, đường của thánh Gio-an Tẩy Giả là đường chuẩn mực rồi. Tuy nhiên, thánh Gio-an Tẩy Giả đã giới thiệu Đường tốt nhất cho họ là Đường Đức Giê-su, Đường Chiên Thiên Chúa, Đường của Đấng xóa tội trần gian. Đây là bài học lớn lao cho chúng ta. Mỗi người chúng ta hãy tự đặt câu hỏi và trả lời: Chúng ta đang là môn đệ của ai, của hiện tượng nào, của biến cố nào? Chúng ta đang theo đường của ai và đường đó đem lại gì cho chúng ta cũng như cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại? Đường chúng ta đang theo dẫn chúng ta tới chỗ nào? Quả thật, chỉ có Đường Chiên Thiên Chúa mới thỏa mãn khát vọng và hoài bão của chúng ta. Do vậy, chúng ta hãy đi Đường đó, đồng thời, chúng ta được mời gọi trở nên những chứng nhân của Đường đó trong mọi hoàn cảnh của đời sống mình.

Tác giả sách Công Vụ Tông Đồ trình thuật rằng Phi-líp-phê gặp một viên thái giám người Ê-thi-óp lên Giê-ru-sa-lem hành hương và đang trên đường trở về nhà. Viên thái giám đang đọc sách ngôn sứ I-sai-a, trong đó có đoạn: "Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng mở miệng kêu ca" (Cv 8,32; Is 53,7). Khi viên thái giám không hiểu ý nghĩa của đoạn sách này thì Phi-líp-phê đã giải thích rằng đoạn sách nói về Đức Giê-su. Sau đó, viên thái giám đã tin vào Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và ông xin Phi-líp-phê làm Phép Rửa. Như vậy, nhờ sự hiểu biết về sự liên kết giữa Cựu Ước và Tân Ước, giữa chiên hiến tế của người Do-thái và Đức Giê-su, Chiên Thiên Chúa, Phi-líp-phê đã làm cho viên thái giám hoán cải và trở thành môn đệ và tông đồ của Đức Giê-su giữa dòng đời.

Đường Chiên Thiên Chúa là niềm hy vọng lớn lao cho tất cả mọi người trong môi trường ô nhiễm vì tội Nguyên Tổ và hậu quả của tội này. Chính tội lỗi là chướng ngại lớn nhất ngăn cản con người đến gần Thiên Chúa, gần anh chị em mình, gần muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Chỉ có Đường Chiên Thiên Chúa mới cho phép con người vượt qua các hình thức chướng ngại để nối lại các tương quan tốt lành vốn có của con người khi tội lỗi chưa hiện diện trên trần gian. Hơn nữa, Đường Chiên Thiên Chúa cho phép con người được 'nâng cấp phẩm giá' là trở thành con cái Thiên Chúa. Như vậy, Đường Chiên Thiên Chúa chính là Đường Hy Vọng của tất cả mọi người. Đường Chiên Thiên Chúa là Đường duy nhất cho phép con người sống xứng đáng với phẩm giá của mình là được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được mời gọi trở thành con cái Thiên Chúa. Ai đi trên Đường này, người đó sẽ tìm được bình an và hạnh phúc thực sự giữa những bấp bênh và đau khổ của cuộc sống hằng ngày.

Chúng ta có thể kết luận rằng chiên là hình ảnh thân thương và gần gũi của nhiều dân tộc trên thế giới. Đặc biệt, dân Do-thái dùng chiên như là tế phẩm thanh sạch, tinh tuyền, hoàn hảo dâng lên Thiên Chúa để cảm tạ Người, cũng như tỏ lòng thần phục suy tôn, xin ơn tha thứ tội lỗi, đồng thời tưởng nhớ đến những kỳ công Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử của họ, nhất là biến cố Vượt Qua. Trong thời Tân Ước, khi gặp Đức Giê-su, thánh Gio-an Tẩy Giả đã chứng thực Người là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Theo thánh nhân, nhờ Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, con người không cần phải sát tế chiên hay dâng bất cứ lễ vật nào khác để giao hòa với Thiên Chúa. Cùng với tác giả thư gửi tín hữu Do-thái, chúng ta xác tín rằng "chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ" (Dt 10,10). Đồng thời, chúng ta cũng tin tưởng rằng Đường của Đức Giê-su là Đường Chiên Thiên Chúa. Đường này hướng tới Nguồn Tình Yêu, Hạnh Phúc và Bình An vô tận: "Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên!" (Kh 19,9).

WHĐ (31.03.2021)