Hình ảnh con rắn đồng
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Rắn là một loài động vật không chân tay, thân hình tròn trơn thẳng từ đầu cho tới đuôi, dài hằng thước óng ánh, cùng mềm mại như một dây thừng dài. Vì thế Rắn trườn lướt uốn khúc vượt qua mọi vật ngăn cản giữa lối bò phóng đi thoăn thoắt rất nhẹ nhàng nhanh lẹ.
Rắn sống chui rúc trong lỗ hang dưới mặt đất, trong sườn núi, nơi lùm cỏ cây rậm rạp. Nó có thể leo bò lên trên cây cao, bơi lội trong lòng sông nước. Rắn sống và phát triển sinh sôi nhiều trứng nở ra con ở những vùng khí hậu nóng ẩm ướt.
Trong dân gian có quan niệm "gian trá giả dối như là loài rắn!“. Định kiến như vậy, vì có nhiều lý do. Trước hết rắn là một loài thú động vật có nọc độc hại cắn bổ gây chết người, khi bị nó cắn, cùng xa lạ với con người về cấu trúc hình thể của nó. Và nhất là về lối nếp sống của nó bao trùm nhiều bí hiểm.
Da loài rắn theo thiên nhiên thay đổi theo từng thời kỳ tuổi tác của rắn, cùng có nhiều vân mầu sọc tự bản chất tùy theo chủng loại rắn. Đó cũng là dấu hiệu của sự gian trá giả dối, nhất là cái lưỡi xẻ đôi của rắn lè ra xa rồi co thụt vào rất lẹ làng như có ý đe dọa tấn công.
Về phương diện tự nhiên thì như thế. Còn về phương diện tinh thần trong đời sống con người thì hình ảnh của loài rắn như thế nào?
Loài rắn mưu mô độc hại nguy hiểm. Con người sợ nó, tránh xa nó cùng tìm cách bắt nó. Nhưng dẫu vậy nó cũng sợ con người. Và có nền văn hóa trong dân gian còn dành cho nó vị trí đặc biệt tôn kính nó như "thần thánh!“
Loài rắn cũng là loài thú động vật được Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa tạo dựng chung với các loài thú động vật khác trong công trình sáng tạo thiên nhiên vào ngày sáng tạo thứ năm. (Sách Sáng Thế 1,20-24).
Nhưng nó lại bị Thiến Chúa, Đấng Tạo Hóa răn đe ra hình phạt chúc dữ. Vì nó là hiện thân của mưu mô ma quỉ sự dữ đã cám dỗ Bà nguyên tổ Evà lỗi luật Thiên Chúa ăn trái Chúa cấm.
Và từ đó thảm kịch con người bị mất cảnh sống vườn địa đàng. Hậu quả là tội lỗi, bệnh tật, sự đau khổ, sự chết đã xâm nhập đời sống con người trần gian từ thế hệ này truyền sáng thế hệ khác: "ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán với con rắn: "Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi.(Sáng Thế 3, 14).
Thần thoại bên phương đông ngày xưa loài rắn được cho là loài giữ nhiệm vụ người canh giữ. Bên vùng xứ Palestina ngay từ thời thế kỷ 3 trước Chúa giáng sinh, hình loài rắn được tô vẽ bên ngoài bình lọ để như người canh giữ vật dụng bên trong bình. Ở một vài đền thờ hình loài rắn được trang trí khắc vẽ trình bày như những thần người bảo vệ nơi thánh thiêng.
Bên xứ Ai cập con rắn là hiện thân của người bảo vệ, nên được vẽ khắc trên trán các vị vua Pharao, hay nơi vùng chung quanh tôn kính các vị thần thánh.
Bên Phi châu loài rắn trong nhiều nền văn hóa tôn gíao khác nhau được cho là thần thánh.
Văn hóa Trung Mỹ loài rắn có lông cánh bay có vị trí quan trọng. Nó là hình ảnh nguyên thủy của mưa và của loài thảo mộc, như hình ảnh biểu tượng của vũ trụ.
Bên Trung Hoa loài rắn được cho là nối liền với đất và nước. Vì thế rắn được cho là hình ảnh biểu tượng về giống cái, về âm cực, về đất, về bóng tối.
Trong nền văn hóa thần thoại Ấn Độ biết đến loài rắn Nagas vừa là làm việc bác ái và cũng vừa là trung gian gây ra sự chẳng lành, hay còn là trung gian giữa các thần thánh và con người, được biểu hiệu qua hình ảnh chiếc cầu vồng có nhiều mầu sắc.
Loài rắn Kundalini được trình bày cho là vị trí về năng lượng vũ trụ vì những đốt xương sống của nó nó uốn khúc cuộn tròn lại được dẻo dai
Vào thế kỷ thứ 3. trước Chúa giáng sinh, theo văn hóa miền Mesopotamia cổ xưa có bằng chứng về một cây gập thần chữa bệnh (Asclepius -Aesculapius) với hình con rắn. Và trong thần thoại Hy lạp cũng nói đến thần chữa trị bệnh. Asklepios là con trai của thần Apolls tay cằm chiếc gậy có hình con rắn uốn nằm trên đó.
Trong văn hóa thần thoại Ai cập loài rắn chiếm vai trò căn bản với nhiều nhiệm vụ. Người ta liệt kê rắn thần Kobra có nhiệm vụ chăm sóc sự nẩy nở phát triển của cây cỏ thảo mộc.
Thần rắn Uraeus là con mắt của thần mặt trời giữ nhiệm vụ chống lại kẻ thù hơi lửa nóng. Vì thế hình rắn được vẽ in trên trán của các vị Vua Ai cập thời xa xưa.
Với người Do Thái loài rắn là loài nguy hiểm mưu mô. Thánh kinh Cựu Ước liệt kê nó vài những con thú vật kinh dị không sạch sẽ lành mạnh. Nó là hình ảnh nguyên thủy về tội lỗi, ma qủi. Nó là kẻ đã cám dỗ ông bà nguyên tổ Adong Eva ngày xưa ở trong vườn địa đàng.
Mặt khác rắn cũng lại được cho là biểu tượng cho sự tinh khôn. Kinh thánh thuật lại rong hoang địa sa mạc lúc trở về quê hương cũ từ Ai cập, dân chúng Do Thái đã lỗi phạm tội không vâng lời Thiên Chúa, Ngài đã cho rắn xuất hiện tấn công nhả nọc độc cắn họ như hình phạt.
Nhưng để chữa lành, Thiên Chúa đã truyền cho Môse làm một con rắn bằng đồng treo lên cao. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng đó sẽ được cứ thoát chữa lành. (Sách dân số 21,7..) Hình tượng con rắn đồng một thời gian dài ăn rễ sâu trong nghi thức tôn giáo của người Do Thái.
Với người Kitô hữu hình ảnh con rắn đồng thời Môse là dấu chỉ báo trước về sắc thái biểu tượng sự chữa lành ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô mang đến cho trần gian. Người bị đóng đinh chết trên thập giá, để mang ơn chữa lành cứu rỗi cho con người khỏi hình phạt tội lỗi do hậu quả tội của Ông Bà nguyên tổ Adong-Eva đã gây ra.
Và chính Chúa Giêsu Kitô cũng đã khẳng định về vai trò mang lại ơn cứu chuộc sự sống của mình: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị hủy diệt, nhưng được sống đời đời.“ (Phúc âm Thánh Gioan 3,14-15).
Và như thế, rắn không chỉ có mặt khía cạnh tiêu cực đen tối, nó cũng còn có khía cạnh hình ảnh về mặt tích cực nữa.
Chúa Giêsu khi đi rao giảng nước Thiên Chúa ở trần gian cũng lấy hình ảnh con rắn trong một dụ ngôn nói về sự lẹ làng nhậy bén: “Sống khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim bồ câu.“ (Phúc âm Thánh Matthêu 10,16).
Các cửa hàng bán thuốc tây bên nước Đức với huy hiệu chữ A mầu đỏ (Apotheke) có vẽ hình con rắn biểu trưng của cây gậy thần chữa lành Aesculapius.
Và nơi cây gậy mục tử của các Giám mục theo lễ nghi Byzantin và đạo Chính Thống Cốp có hình con rắn được khắc chạm trên đó.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét