Niềm Vui Mỗi Ngày
“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”.
Thánh Vịnh 37,4
3 tháng 3.2021
Thứ tư
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.
7 Niềm Đau Của Thánh Giuse
Khi tìm hiểu cuộc đời thánh Giuse, tôi nhận ra có rất nhiều điều thú vị mà từ trước tới giờ chưa bao giờ nghĩ đến.
Cuộc đời của thánh Giuse gắn liền với cuộc đời của Mẹ Maria và Hài Nhi Giêsu. Mọi biến cố xảy đến cho Mẹ Maria và Hài Nhi Giêsu đều có liên quan với thánh Giuse. Mọi niềm vui hay nỗi buồn của Hai Đấng đều ảnh hưởng đến thánh Giuse.
Đường thương khó của Chúa Giêsu với 14 chặng thánh giá mà ai cũng biết, nhất là trong mùa chay, hầu như mọi tín hữu, ít là một lần, đi đàng thánh giá.
Bảy niềm đau của Mẹ Maria nhiều người ngắm, nhất là trong mùa chay, để hiệp thông với sự đau khổ của Chúa Giêsu trong cuộc thương khó và khổ nạn của Ngài.
Còn thánh Giuse, ngài có những nỗi đau nào?
Dựa vào Thánh Kinh, chúng ta có thể nhận ra Bảy Sự Thương Khó của thánh Giuse. (1)
* Thứ nhất: Khi phát hiện ra người thiếu nữ đáng quý và là người bạn đời đáng yêu của mình đã có thai, thánh Giuse đau khổ rất nhiều. Những đêm trường thức trắng, trằn trọc nghĩ suy về người mình yêu dấu. Theo luật Môsê, mọi người nữ ngoại tình đều phải bị ném đá đến chết (Đnl 22,27). Vẫn một lòng yêu nàng, cho nên ông Giuse “không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.” (Mt 1,18-19).
* Thứ hai: Khi có lệnh kiểm tra dân số, bắt buộc mọi người phải trở về quê quán kê khai nhân khẩu, thánh Giuse đã vất vả đưa nàng đi. Thuộc dòng dõi hoàng tộc, thánh Giuse đưa bạn mình về quê hương vua Đavít, thành Bêlêm, trong những ngày cuối thai kỳ của Con Thiên Chúa. Bêlem là một làng quê nhỏ, cách phía nam thành phố thành Giêrusalem khoảng 10 km, thuộc niềm Giuđê. Vì không thể tìm được chỗ trọ trong thành nên đành phải tìm nơi trú ngụ bên ngoài. Thánh sử Luca viết: “Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.” (Lc 2,6-7)
* Thứ ba: Khi chứng kiến Con Thiên Chúa đau khổ và đổ máu châu báu của mình trong nghi lễ cắt bì đau đớn của Ngài, lúc mới được tám ngày tuổi (Lc 2,21).
Lễ cắt bì là gì? Cắt bì tức cắt bỏ một chút da qui đầu của bé trai sơ sinh.
Ngũ Thư trong Thánh Kinh Cựu Ước nói nhiều về ý nghĩa và việc thực hành cắt bì như trong Sáng Thế Ký tường thuật lệnh truyền của Chúa như sau: “Đây là giao ước của Ta mà các ngươi phải giữ, giao ước giữa Ta với các ngươi, với dòng dõi ngươi sau này: mọi đàn ông con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì. Các ngươi phải chịu cắt bì nơi bao quy đầu: đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với các ngươi. Sinh được tám ngày, mọi con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì, từ thế hệ này qua thế hệ khác, kể cả nô lệ sinh trong nhà. [...] Giao ước của Ta ghi dấu trong xác thịt các ngươi, sẽ thành giao ước vĩnh cửu. Kẻ không được cắt bì, người đàn ông con trai không được cắt bì nơi bao quy đầu, sẽ bị khai trừ khỏi dòng họ: nó đã phá vỡ giao ước của Ta.” (Stk 17,10-14)
Luật cắt bì được áp dụng triệt để, đến nỗi Ápraham, 99 tuổi cũng chịu cắt bì cùng với Ítmaen và những nô lệ trong nhà ông. (Stk 17,23-27) (x. Lv 12,1-2).
Như vậy cắt bì thành luật trong Cựu Ước nhằm giữ giao ước với Thiên Chúa.
Thời Tân Ước, “Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ” (Lc 2,21). (2)
* Thứ tư: Vào ngày lễ thanh tẩy, khi nghe lời tiên tri của ông Simêon rằng, con trẻ là duyên cớ cho những mâu thuẫn và bắt bớ, và một thanh gươm sẽ đâm thâu trái tim của Đức Maria (x. Lc 2, 34-35).
Theo luật Maisen cũng là tục lệ của người Do thái, khi được một tháng tuổi, mọi đứa con đầu lòng, – dù là người hay là thú vật – đều phải tiến dâng cho Thiên Chúa, vì nó thuộc về Người, rồi phải chuộc nó lại từ Thiên Chúa. (x. Xh 13, 2.12-13; Ds 18,15-16). Nếu sinh con trai thì khi nó được 40 ngày, hoặc nếu sinh con gái thì khi nó được 80 ngày, bà mẹ phải đưa đến Đền thờ, trước là dâng con cho Chúa, sau là chính mình làm lễ tẩy uế (x. Lv 5,7; 12,8).
Mặc dù biết Đức Giêsu là Thiên Chúa (x. Lc 1,1-7 ; Mt 1,18-25), Đức Maria và thánh Giuse vẫn tuân thủ tất cả những gì luật đòi buộc.
Chính tại đền thờ Giêrusalem, ông Simêôn đã tiên báo: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người ta chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,34-35).
Nỗi đau người con yêu dấu bị “chống đối” và “lưỡi gươm” đâm thấu lòng người bạn đời hẳn luôn là nỗi đau của thánh Giuse khi nghĩ đến những người thân yêu của mình.
* Thứ năm: Trong đêm tối của mùa đông lạnh lẽo, thánh Giuse đã đưa Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn khởi sự truy sát của bạo vương Hêrôđê (Mt 2,13).
Hêrôđê sinh trưởng trong một gia đình quyền quý có nguồn gốc Nabatea và Edom, tổ tiên ông đã theo đạo Do Thái giáo. Cha của Hêrôđê là Antipater xứ Êđôm. Mẹ ông là công nương Cypros của vùng Petra Nabatea (nay là một phần của Jordan).
Ông sinh khoảng năm -74 (TCN), được chọn làm vua Do Thái. Ông nắm quyền cai trị từ năm -37 và mất năm -4 TCN.
Hêrôđê Đại đế, hay còn gọi là Hêrôđê Cả, là một người độc ác, giết cả người vợ và con cái mình khi vương quyền của mình bị đe dọa. Cho nên khi các nhà chiêm tinh đến thành Giêrusalem hỏi “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,2), vua Hêrôđê đã manh tâm giết hại con trẻ. Và thánh Giuse, trong đêm tối của mùa đông giá lạnh, đã vội vã đưa Hài Nhi và Mẹ người trốn sang Ai cập (Mt 2,13-14).
* Thứ sáu: Có nỗi khổ nào bằng nỗi khổ của người di dân, nơi đất khách quê người. Giữa những người xa lạ, không huyết thống, không chủng tộc, không văn hóa cùng nhau... thánh Giuse phải bảo vệ, che chở và nuôi dưỡng Hài Nhi Giêsu và Mẹ Người cho tới ngày trở lại quê hương.
Niềm vui hồi hương ngập tràn khi được tin báo kẻ giết hại Hài Nhi đã qua đời. Thánh Giuse vội vã đưa trẻ Giêsu và Mẹ Người trở về từ Ai cập. Giuđê là mảnh đất của tổ tiên có thể dung thân được.
Nhưng nghe tin Áckhêlao, một người con của vua Hêrôđê Cả và hoàng hậu Malthace, người Samaria, kế vị cha cai trị Giuđêa, Samaria và Iđumê từ năm -4 TCN đến năm 6 SCN. Áckhêlao còn độc ác hơn cha, thánh Giuse không dám về đó và đến trú ngụ tại thành Nadarét, thuộc niềm Galilê (Mt 2,22-23).
* Thứ bảy: Lễ Vượt Qua là một trong 3 lễ buộc mọi nam nhân Do Thái từ 12 tuổi phải lên đền thờ Giêrusalem để thờ kính Thiên Chúa.
Trong chuyến hành hương mừng lễ Vượt Qua tại Giêrusalem năm trẻ Giêsu được 12 tuổi, thay vì trở về sau khi lễ xong, trẻ Giêsu ở lại trong Đền Thờ Giêrusalem.
Ba ngày vất vả ngược xuôi. Bao tâm tình lo lắng và sợ hãi khi không tìm thấy Giêsu. Tâm hồn người cha thật đau khổ. Tâm hồn người mẹ nát tan.
Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt. Mẹ Maria đã thốt lên: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (x. Lc 1,45-48).
Lạy thánh cả Giuse, giữa những đau thương, ngài luôn âm thầm đón nhận và chu toàn bổn phận của mình. Xin giúp chúng con biết nhìn ra những nghịch cảnh trong sự quan phòng và yêu thương của Thiên Chúa mà vững bước trên đường đời. Amen.
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con...
Nguyễn Thái Hùng
+++++++++++++++++
(1) https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/bay-su-thuong-kho-cua-thanh-giuse-la-gi--41488
(2) http://conggiao.info/giao-ly-phuc-am-le-me-thien-chua-d-4240
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét