Tính đế quốc chủ nghĩa của linh hồn con người
Ronald Rolheiser, 2021-02-22
Trong tự thuật của mình, nhà văn Nikos Kazantzakis chia sẻ, trong thời trai trẻ, ông được thúc đẩy bởi một khắc khoải bồn chồn làm cho ông phải đi tìm một điều gì đó mà ông không bao giờ xác định được. Tuy nhiên, ông đã làm nguôi được sự bất an phần nào trong lòng nhờ chấp nhận, do bản tính của linh hồn, ông phải cảm nhận sự khắc khoải đó, và rằng một linh hồn lành mạnh là một linh hồn đầy thao thức. Ông đã viết về chuyện đó như thế này: “Trên đời này, không thứ gì nặng tính chủ nghĩa đế quốc (imperalism) hơn linh hồn con người. Nó chiếm đóng và bị chiếm đóng, nhưng luôn thấy đế chế của mình vẫn còn quá nhỏ chưa đủ thỏa mãn. Nó thấy ngột ngạt, khao khát chinh phục thế giới để được hít thở một cách tự do”.
Tôi nghĩ chúng ta cần cho phép mình chấp nhận cái tính đế quốc chủ nghĩa (cái tính luôn muốn xông ra, muốn chiếm lấy mọi thứ) mà chính Chúa đặt trong lòng chúng ta, dù chúng ta phải luôn cẩn thận không được xem nhẹ sức mạnh và ý nghĩa của nó. Nhưng đây là một chuyện thật sự gây nhiều căng thẳng. Làm sao để chúng ta thấy ổn với tính đế quốc chủ nghĩa trong linh hồn mình mà không cần phải xem thường sinh lực thần thiêng thổi bùng lên đế quốc chủ nghĩa đó? Với tôi, đây chính là một cuộc đấu tranh.
Tôi lớn lên giữa những đồng cỏ Canada rộng mênh mông xa tít tận chân trời. Về mặt địa lý, một nơi như thế cho linh hồn con người được mở rộng ra, nhưng trái lại, thế giới của tôi lại quá nhỏ bé để linh hồn tôi đủ dưỡng khí hít thở. Tôi lớn lên trong một cộng đồng chặt chẽ ở một vùng quê hẻo lánh, đủ nhỏ để mọi người ai cũng quen biết nhau. Chuyện đó thật tuyệt vời, vì nó như một cái kén ấm áp thân tình, nhưng dường như chính cái kén đó tách biệt tôi với thế giới rộng lớn, một nơi có lẽ tâm trí và linh hồn non trẻ của tôi có thể được tự do hít thở thoải mái ở một không gian rộng lớn hơn. Hơn nữa, lớn lên trong sự nhạy cảm về đạo đức và tôn giáo, tôi cảm thấy tội lỗi về sự thao thức của mình, như thể nó là một thứ bất thường mà tôi cần phải che giấu.
Và mang trong mình tình trạng như thế, năm 18 tuổi, tôi bước vào đời sống tu trì. Tập viện thời đó rất nghiêm ngặt và biệt lập. Chúng tôi chỉ có 18 tập sinh, ở ẩn trong một chủng viện cũ nằm ở bên này bờ hồ, cách xa thị trấn và xa lộ. Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng xe cộ và thấy cuộc sống ở phía bên kia hồ, nhưng không hề tham gia vào đó. Hầu hết mọi chuyện trong cuộc sống ẩn dật của chúng tôi tập trung vào chuyện thiêng liêng nên kể cả những khát khao trần tục nhất của chúng tôi cũng gắn liền với sự đói khát Thiên Chúa và mong mỏi bánh hằng sống. Sống được như thế chẳng dễ dàng gì, nhất là với một thiếu niên.
Một hôm nọ, có một linh mục đến thăm, và cha đã cho linh hồn tôi được phép giải tỏa sự ngột ngạt, được phép hít thở. Cha quy tụ 18 tập sinh chúng tôi vào một phòng học, và bắt đầu buổi thảo luận bằng câu hỏi này: “Các con có thấy hơi thao thức không?” Chúng tôi gật đầu, và khá ngạc nhiên khi cha hỏi câu đó. Cha nói tiếp, “Các con phải cảm thấy thao thức! Các con phải muốn thoát khỏi cảnh hiện tại! Sinh lực trong các con đang rất dữ dội, biết bao kích thích tố khuấy động trong máu, thế mà các con lại kẹt ở đây, đứng nhìn cuộc sống diễn ra bên kia hồ! Thỉnh thoảng, chắc các con phát điên thật! Nhưng… thế là tốt, các con phải cảm thấy như thế, và như thế là các con lành mạnh. Cứ tiếp tục như thế. Các con có thể làm được. Cảm thấy thao thức là tốt”.
Ngày hôm ấy, những đồng cỏ mênh mông mà tôi đã sống cả đời và những không gian mênh mông trong linh hồn tôi đã đến với nhau, kết thân với nhau. Và tình bạn đó tiếp tục phát triển dần khi tôi học hỏi và đọc từ các tác giả đã làm bạn với linh hồn mình. Trong số đó, nhiều vị đã thực sự khiến tôi cảm kích: Thánh Âugutinô (Chúa đã tạo chúng con cho Ngài, và tâm hồn chúng con khắc khoải mãi cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài), thánh Tôma Aquinô (Đối tượng thích đáng cho trí tuệ và ý chí của con người là Hữu thể hoàn toàn), nhà văn Iris Murdoch (Nỗi đau thâm sâu nhất của toàn nhân loại là nỗi đau của việc không thể tự biểu hiện cho đủ), thần học gia Karl Rahner (Trong nỗi giày vò của sự thiếu hụt tất cả mọi thứ có thể đạt được, đến tận cùng, chúng ta học biết rằng, trong đời này, tất cả mọi hòa âm đều phải dang dở), tác giả Sydney Callahan (Chúng ta được tạo thành để tận cùng ngủ với toàn thể thế giới, chúng ta khao khát điều đó, có tuyệt vời không nào?) và tâm lý gia James Hillman (Cả tôn giáo lẫn tâm lý học đều không thật sự tôn vinh linh hồn con người. Tôn giáo luôn mãi cố cứu rỗi linh hồn, còn tâm lý học thì luôn mãi cố khắc phục linh hồn. Linh hồn không cần được cứu rỗi hay khắc phục, nó vốn đã bất diệt rồi, nó chỉ cần được lắng nghe).
Có lẽ thời nay, cuộc đấu tranh thật sự không hẳn là chấp nhận mình được phép làm bạn với những tham vọng khắc khoải hoang dại của linh hồn. Tôi cho rằng, thời nay, cuộc đấu tranh lớn hơn, chính là đừng tầm thường hóa linh hồn, đừng biến những khát khao vô tận của nó thành thứ gì đó tầm thường.
Trong Thế chiến Thứ hai, các thần học gia Dòng Tên đã chống đối việc Phát xít chiếm đóng nước Pháp bằng cách in một tờ báo ngầm. Và dòng mở đầu tờ báo đầu tiên là: Nước Pháp, cẩn thận đừng để mất linh hồn mình. Một lời cảnh báo đúng. Linh hồn mang tính đế quốc chủ nghĩa bởi nó mang một ngọn lửa thần thiêng và nó đấu tranh để được hít thở tự do trên đời. Và chúng ta lành mạnh khi cảm nhận cùng tôn vinh sự đấu tranh đó.
J.B. Thái Hòa dịch
http://phanxico.vn/2021/03/06/tinh-de-quoc-chu-nghia-cua-linh-hon-con-nguoi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét