Cám dỗ theo Kinh Thánh
CÁM DỖ THEO KINH THÁNH
Lm. I-nha-xi-ô Hồ Văn Xuân, Tổng Đại Diện Gp. Sài Gòn
và Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
WGPSG (01.03.2023) - Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, có một bộ phim gây xôn xao thế giới Ki-tô giáo mang tên là Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa. Khả năng tưởng tượng và hư cấu của văn chương và nghệ thuật đã đi quá xa đến nỗi gán ghép cho Đức Giê-su cơn cám dỗ cuối cùng của Người không như các sách Tin mừng trình thuật. Nhà văn Nikos Kazantzakis và đạo diễn Martin Scorsese đã tưởng tượng ra một cơn cám dỗ về cuộc tình đôi lứa giữa chàng trai Giê-su và cô nàng Ma-ri-a Mác-đa-la mà theo đó, Đức Giê-su bị cám dỗ xuống khỏi thập giá vì lý do xác thịt chứ không phải vì chén đắng thử thách lòng trung thành của Người với thánh ý Chúa Cha.
Trong bài hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu xem, theo Kinh Thánh, cám dỗ được hiểu như thế nào.
Trong Kinh Thánh, hạn từ cám dỗ chủ yếu nói về một thử thách mà con người được tự do chọn lựa để trung thành hay bất trung với Thiên Chúa. Nghĩa thứ yếu của hạn từ cám dỗ mới ám chỉ sự quyến rũ hoặc dụ dỗ phạm tội.
Trong tiếng Híp-ri, danh từ massāʰ (ma-sa) bắt nguồn từ động từ nāsāʰ (na-sa) có nghĩa là thử, thử thách, thách thức, minh chứng. Ngoài ra, tiếng Híp-ri còn dùng một vài động từ khác với nghĩa cụ thể là dụ dỗ, hoặc quyến rũ làm điều ác.
Trong tiếng Hy-lạp, động từ πειράζω (pêi-rá-zô) và danh từ πειρασμός (pêi-ras-mos) vừa có nghĩa là thử thách (ai đó), vừa có nghĩa là cám dỗ (làm điều xấu).
Cám dỗ là một tình huống trong đó một người chịu thử thách để đưa ra chọn lựa trung thành hay bất trung với Thiên Chúa. Xảy ra cám dỗ là lúc Thiên Chúa thử lòng trung thành của con người ; còn con người thì thử thách Thiên Chúa bằng sự trung thành hay bất trung của mình.
Cám dỗ xuất hiện ngay từ đầu Kinh Thánh. Trình thuật về sự sa ngã của nguyên tổ (St 2,4b–3,24) mô tả mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người như một cám dỗ hoặc thử thách lẫn nhau : Thiên Chúa thử lòng trung thành của A-đam và E-và ; E-và bị con rắn dụ dỗ và lừa dối (St 3,13) qua đó thử thách lòng trung thành của Thiên Chúa đối với lời răn đe của Người (St 2,16-17 ; 3,16-19).
Kinh Thánh nhấn mạnh đến sự công chính của ông Áp-ra-ham, thể hiện qua lòng tin của ông vào lời hứa của Thiên Chúa (St 15,6). Lời hứa ấy thử thách niềm tin của ông, đổi lại, niềm tin của ông thử thách đức tín thành của Thiên Chúa.
Cuộc di cư khỏi Ai-cập và hành trình trong hoang địa của dân Ít-ra-en liên tục lặp lại chủ đề về lòng bao dung của Thiên Chúa khi thử thách lòng tin của Ít-ra-en, còn dân thì đã nhiều lần càm ràm kêu trách mà thử thách lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa. Họ đòi nước (Xh 15,24-25 ; 17,1-7), man-na và chim cút (Xh 16,1-5 ; Ds 11,1-9 ; 18,32). Ma-xa nghĩa là thử thách và Mơ-ri-va nghĩa là nổi loạn đã trở thành địa danh của nơi đã xảy ra cuộc thử thách và nổi loạn của dân chống lại Thiên Chúa (Đnl 33,8 ; Tv 95,8 ; 106,32).
Giao ước Xi-nai (Xh 19,1–24,18) là nền tảng cho các bổn phận của Ít-ra-en đối với Đức Chúa. Các tác giả theo truyền thống Đệ Nhị Luật (Giô-suê, Thủ lãnh, 1 và 2 Sa-mu-en, 1 và 2 Vua) nhấn mạnh đến sự căng thẳng liên tục giữa niềm tin vào giao ước và những cám dỗ về sự an toàn tạm bợ (Tl 2,6-17). Sách các Vua giải thích lý do Ít-ra-en sụp đổ là vì sự bất trung của dân (2 V 17,6-18). Vì không vượt qua được thử thách về niềm tin nơi Đức Chúa, Ít-ra-en đã đặt niềm tin vào những thần tượng và những hứa hẹn đầy quyến rũ của ngoại bang và đó là đỉnh điểm sự thử thách đối với lòng bao dung của Đức Chúa.
Các ngôn sứ cảnh cáo sự bất trung của dân Ít-ra-en (Gr 2,2 ; Is 5,2-7 ; Ed 16) đã thử thách lòng nhẫn nại của Thiên Chúa. Đó là việc thờ ngẫu tượng (Gr 2,5 ; Hs 2,10-15 ; Am 2,4 ; Mk 1,7), áp bức người nghèo (Am 3,9-10; Mk 2,1-2), cậy dựa vào ngoại bang (Is 36,14-18; Gr 1,14-19), các nhà lãnh đạo bất trung (Gr 5,13.30-31; Ed 13,10).
Trong văn chương khôn ngoan, chuyện ông Gióp là ví dụ điển hình về con người bị thử thách và cám dỗ. Thiên Chúa là tác giả của sự thử thách còn Xa-tan là kẻ cám dỗ (G 1,6-12; 2,1-7).
Đức Chúa phán với Xa-tan: “Ngươi có để ý đến Gióp, tôi tớ của Ta không? Thật chẳng có ai trên cõi đất này giống như nó: một con người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác. Nó vẫn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của nó, dù ngươi đã vô cớ xúi giục Ta chống lại, để tiêu diệt nó.” Và Xa-tan thưa lại với Đức Chúa: “Ngài cứ thử giơ tay đánh vào xương vào thịt nó xem, chắc chắn là nó sẽ nguyền rủa Ngài thẳng mặt!” Đức Chúa phán với Xa-tan: “Được, nó thuộc quyền ngươi, nhưng ngươi phải tôn trọng mạng sống nó.” (G 2,3-6)
Trong Tân Ước, trình thuật Đức Giê-su chịu cám dỗ (Mt 4,1-11; Mc 1,12-13; Lc 4,1-13) có thể nói là điển hình của ý nghĩa kép vừa là thử thách vừa là cám dỗ. Xa-tan thử thách lòng trung tín của Đức Giê-su với kế hoạch của Chúa Cha và nó cám dỗ Đức Giê-su đi trệch con đường mà Chúa Cha muốn.
Ông Da-ca-ri-a, rồi thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a đã bị thử thách tin vào quyền năng của Thiên Chúa (Lc 1,20.35-39; Mt 1,19). Các kinh sư và người Pha-ri-sêu thường cám dỗ hay thử Đức Giê-su để tố cáo Người không trung thành với Lề Luật (Mc 8,11; Lc 11,16).
Người tín hữu bị đặt trước thách đố tối hậu là tin vào sức mạnh cứu độ nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Ki-tô (Mc 16,16; Lc 10,13-16). Cuộc sống của người tin là cuộc chiến đấu liên tục, bị bủa vây bởi những cám dỗ phạm tội (Mt 18,6; Lc 17,1). Hơn nữa, Xa-tan không ngừng tìm cách dụ dỗ con người chối bỏ Đức Ki-tô và phạm tội (Lc 22,3; Cv 5,3; 2 Cr 2,11).
Theo thánh Phao-lô, Xa-tan cám dỗ các tín hữu không thực hành đời sống Ki-tô giáo (1 Cr 7,5; Gl 6,1). Họ bị giằng co giữa tính xác thịt và Thần Khí (Rm 5,3; 2 Cr 6,4-10). Trong cuộc chiến đấu này, Thiên Chúa ban ân sủng đủ để chiến thắng tội lỗi (1 Cr 10,13; Gl 5,13-17).
Thánh Tông đồ khích lệ chúng ta rằng: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng.” (1 Cr 10,13)
Kết
Trước mặc khải của Thiên Chúa về chính Người và về kế hoạch cứu độ của Người, con người phải lựa chọn tin cậy vào thụ tạo hay Thiên Chúa. Cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô là đỉnh cao của thử thách ngay cả với chính Đức Ki-tô. Niềm tin vào Thiên Chúa và vào Đức Ki-tô thể hiện qua việc kiên nhẫn chấp nhận thử thách và đau khổ, vượt qua cám dỗ tội lỗi đem lại cho Ki-tô hữu niềm hy vọng vào cuộc chiến thắng cuối cùng trên sự dữ.
Cầu nguyện với Tv 139
Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,
biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,
đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,
mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.
Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,
thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết.
Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài,
lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan ?
Con có lên trời, Chúa đang ngự đó,
nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài.
Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện,
đến ở nơi chân trời góc biển phương tây,
tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn,
cánh tay hùng mạnh giữ lấy con.
Lạy Chúa, xin dò xét để biết rõ lòng con,
xin thử con cho biết những điều con cảm nghĩ.
Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác
thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời. A-men.
Nguồn: tgpsaigon.net (01.03.2023)
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-do-theo-kinh-thanh-50373
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét