Đức Giêsu: Đấng Cứu Thế của Ngôn Sứ Isaia
ĐỨC GIÊSU: ĐẤNG CỨU THẾ CỦA NGÔN SỨ ISAIA
Eric Lyons, M.Min.*
GPQN (07.03.2023) - Được viết vào cuối thế kỷ I Công nguyên, tác giả Tin Mừng Gioan đã trích dẫn Isaia 53,1 và 6,10 và chứng minh rằng vị ngôn sứ này của Đấng Cứu Thế đã ám chỉ đến Đức Giêsu Nazarét (Ga 12, 36-41)[1]. Từ giữa thập niên 60, tông đồ Phêrô cũng đã trích dẫn Isaia 53, 5.9 và áp dụng đoạn Người Tôi Tớ Đau Khổ cho Đức Giêsu (1 P 2, 24.22).
Tác giả Tin Mừng Matthêô làm chứng rằng Đức Giêsu đã ứng nghiệm:
• Is 7, 14 khi được sinh ra bởi Đức Maria đồng trinh (Mt 1, 18 – 2,1),
• Is 9, 1-2 khi cư ngụ tại Capharnaum, “…trong vùng Dơvulun và Náptali” (Mt 4, 12-17),
• Is 53, 4 khi chữa lành nhiều người đau bệnh và bị quỷ ám (Mt 8, 16-17),
• Is 53, 12 khi bị liệt vào “hàng tội nhân” (Mt 27, 38; xem Mc 15, 27-28),
• Is 53, 9 khi “Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có” (Mt 27, 57-60).
Luca nhắc nhở các độc giả ở thế kỷ I rằng Đức Giêsu đã ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia 9, 6 khi ngự trên “ngai Đavít, tổ tiên Người … đến muôn đời” (Lc 1, 32-33; Cv 2, 30-36; xem 2 Sm 7, 12- 13).
Marcô bắt đầu Tin Mừng của mình bằng cách trích dẫn Is 40, 3 và xác định người tiền hô của Đấng Cứu Thế là Gioan, người làm phép rửa, mà Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế (Mc 1, 1-15; đối chiếu Lc 3, 4-6). Phaolô, học giả Cựu Ước[2], trước đây là người bách hại Giáo Hội, và sau này là một nhà truyền giáo nhiệt thành của Kitô giáo, đã trích dẫn Is 11, 10 và chứng thực rằng lời tiên tri này là một trong “những lời hứa với tổ phụ” đã được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu (Rm 15, 8.12).
Vào đầu những năm đầu đến giữa thập niên 30 (ngay sau khi Giáo hội được hình thành), một quan thái giám người Êthiopia từ Giêrusalem trở về đang đọc cuộn sách Isaia, cụ thể là đoạn 53, 7-8 (Cv 8, 28-33). Người Êthiopia hỏi Philípphê, “vị ngôn sứ nói thế về ai? Về chính mình hay về một ai khác?” (Cv 8, 34). “Ông Philípphê lên tiếng, và khởi từ đoạn Kinh Thánh ấy mà loan báo Tin Mừng Đức Giêsu cho ông” (8, 35). Ai là Tôi Tớ Đau Khổ của Isaia 53? Một lần nữa, câu trả lời là Đức Giêsu. Chứng từ nhất quán và lặp đi lặp lại của các tông đồ Tân Ước, những người thường bị đe dọa, bắt bớ, tuẫn đạo và chứng từ của các ngôn sứ là không thể nhầm lẫn: Đấng Cứu Thế (Messia) mà Isaia tiên báo là Đức Giêsu Nazarét.
Xét qua rất nhiều bằng chứng suốt Tân Ước rằng Đức Giêsu ứng nghiệm các lời ngôn sứ về Đấng Cứu Thế của Isaia, không có gì ngạc nhiên khi ngay từ đầu sứ vụ của mình, Đức Giêsu đã đọc sách Isaia trước công chúng và xưng mình là Đấng Cứu Thế. Trong hội đường tại quê hương Nazarét, Ngài được trao cho cuộn sách Isaia “Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: ‘Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa’” (Lc 4,17-19). Đức Giêsu không chỉ đọc lời tiên tri của Isaia về Đấng Cứu Thế (Is 61, 1-2), Ngài còn đưa ra lời loan báo đáng kinh ngạc: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4, 21). Đức Giêsu tuyên bố rõ ràng và súc tích rằng mình là Đấng Cứu Thế được Isaia loan báo.
Đức Giêsu và các tông đồ của Tân Ước cũng như các ngôn sứ trích dẫn ngôn sứ Isaia hàng chục lần - chủ yếu để chứng minh rằng Đức Giêsu Nazarét là Đấng Cứu Thế (Messia) được chờ đợi từ lâu. Đức Giêsu là hiện thực hoàn hảo mọi lời ngôn sứ, chứng minh trọn vẹn[3] căn tính của Ngài là Chúa Cứu Thế của nhân loại.
Chứng từ hữu lý
Ai có lý trí đều biết rằng nói trước về tương lai là điều vượt quá khả năng con người. Con người có thể biết nhiều về quá khứ và hiện tại, nhưng chẳng ai biết được tương lai. Chúng ta có thể suy đoán về thị trường chứng khoán trong vài ngày hay vài năm tới, hoặc chúng ta có thể đoán ai sẽ thắng một trò chơi nào đó, v.v., nhưng không ai thực sự biết được tương lai. Dường như rõ ràng là đại đa số đã đi đến kết luận hợp lý rằng chỉ có Đấng siêu nhiên, toàn tri, mới biết được tương lai[4].
Kinh Thánh nhìn nhận một kết luận hữu lý như vậy về việc hiểu biết các sự kiện tương lai. Giêrêmia đã viết: “Ngôn sứ nào tuyên sấm có bình an, thì chỉ khi nào lời ngôn sứ ấy ứng nghiệm, ông mới được nhìn nhận là ngôn sứ Đức Chúa sai đến thật sự!” (Gr 28, 9). Đàng khác, “Ai chỉ nói một lời là có mọi sự? Chẳng phải Đức Chúa đã phán truyền hay sao?” (Ac 3, 37). Nghĩa là, những người tiên báo những điều không xảy ra, thì đó là người “Đức Chúa không sai đến”, “họ nói lời tiên tri dối trá” (Gr 28, 15; 29, 8-9; xem Đnl 18, 21-22). Thật vậy, không ai có thể nói trước tương lai một cách chính xác trừ khi Thiên Chúa toàn năng thông báo điều đó cho người ấy[5].
Vậy nếu chỉ mình Thiên Chúa biết trước tương lai, thì đó là cách hợp lý để chứng minh rằng (1) Ngài hiện hữu, (2) các tác giả Kinh Thánh đã nói đúng về Đấng Cứu Thế, và (3) Đức Giêsu đã và đang là Đấng Cứu Thế được chờ đợi từ lâu (a) nếu có những lời tiên tri thật sự về Đấng Cứu Thế, và (b) Đức Giêsu đã làm ứng nghiệm những lời tiên tri đó.
Làm thế nào chúng ta biết được các lời tiên tri là thật?
Làm thế nào chúng ta biết rằng những lời tiên tri được cho là của Isaia không chỉ mới được tạo ra vào thế kỷ thứ nhất? Làm sao chúng ta có thể biết rằng Đức Giêsu và các tác giả Tân Ước không bịa ra câu chuyện “báo trước tương lai” của Isaia? Có thể nào Đức Giêsu, Phaolô, tất cả các tông đồ và ngôn sứ khác ở thế kỷ thứ nhất chỉ là những kẻ bịp bợm tuyên truyền rằng Đức Giêsu đã ứng nghiệm những lời tiên tri (điều đó chưa bao giờ xảy ra)?
Trước hết, nếu Đức Giêsu và những người viết Kinh thánh là những kẻ nói dối, thì họ đã tuyên bố chính sự hủy diệt của mình, vì họ cho rằng nói dối là tội lỗi và tất cả những kẻ nói dối không ăn năn sẽ phải chịu hình phạt đời đời[6].
Thứ hai, những thính giả đầu tiên của Đức Giêsu và các ngôn sứ Tân Ước là những người Do Thái sùng đạo[7], họ dễ dàng kiểm tra việc sử dụng lời ngôn sứ Isaia cũng như biết được Đức Giêsu có phù hợp với mô tả về Đấng Cứu Thế hay không.
Thứ ba, các nguồn ngoài Kinh thánh cũng đã đề cập và trích dẫn Isaia. Chẳng hạn, sử gia Josephus, người Do Thái sống vào thế kỷ thứ I, đã cập đến “cuốn sách mà Isaia đã để lại những lời tiên tri”[8]. Josephus đã trích dẫn và tóm tắt Is 44, 28 – 45, 3 và ghi rằng điều này đã được ngôn sứ Isai tiên báo một trăm bốn mươi năm trước khi đền thờ bị phá hủy” (năm 586 trước Công nguyên). Thật vậy, Josephus tin rằng Isaia đã sống, nói tiên tri và viết sách của mình từ rất lâu trước khi Tân Ước được viết ra.
Cuối cùng, và có lẽ là quan trọng nhất, chúng ta có bằng chứng khảo cổ có thể kiểm chứng rằng trọn bộ sách Isaia đã tồn tại từ rất lâu trước khi Đức Giêsu hoặc bất kỳ tác giả Tân Ước nào có thể sáng tạo ra những lời tiên tri về Đấng Cứu Thế trong sách Isaia. Trong số các Cuộn sách Biển Chết (được phát hiện vào thập niên 1940 và 1950) có 19 bản thảo nhau về Isaia, cũng như năm chú giải[9] về sách này[10]. Hầu hết các học giả thừa nhận rằng những bản thảo này đã được viết ra vài thập kỷ hoặc thậm chí một hay hai thế kỷ trước khi Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ của Ngài vào khoảng năm 27 Công nguyên, và rất lâu trước khi các sách Tân Ước đầu tiên được viết ra vào khoảng giữa thế kỷ I Công nguyên. Một bản thảo của Isaia, được gọi là “Bản Cuộn Isaia Vĩ Đại” (1QIsaa), chứa toàn bộ sách Isaia. Hơn nữa, bản cuộn được bảo tồn này có niên đại ít nhất là năm 100 trước Công nguyên (và rất có thể là năm 200 trước Công nguyên)[11].
Dù những người hoài nghi có thể bác bỏ rằng ngôn sứ Isaia, nhà tiên tri về Đấng Cứu Thế, đã thực sự nói tiên tri vào thế kỷ VII trước Công nguyên (vào thời của các vua Do Thái Útdigiahu, Giôtham, Akhát, Khítkigia, như Isaia đã nói trong 1, 1), thì họ khó lòng bác bỏ bằng chứng chắc chắn trong các Cuộn Biển Chết. Đó là bằng chứng cho thấy các tác giả Tân Ước không bịa đặt ra những lời tiên tri của Isaia và đánh lừa những người khờ khạo về vai trò Đấng Cứu Thế được cho là của Đức Giêsu. Ngược lại, chính việc nghiên cứu sâu sa Kinh Thánh Cựu Ước phần lớn đã khiến hàng ngàn người Do Thái ở thế kỷ I (cũng như vô số các dân ngoại) thừa nhận sự ứng nghiệm của Đức Giêsu với nhiều lời tiên tri về Đấng Cứu Thế[12].
Tại sao chúng ta tin các tác giả Tân Ước?
Mặc dù những lời tiên tri của Isaia đã có trước thời Đức Giêsu từ rất lâu, vài người có thể lập luận rằng chúng ta thật sự không thể biết liệu Đức Giêsu có ứng nghiệm những lời tiên tri này hay không. Tuy nhiên, bằng chứng vững chắc về phía các tác giả Tân Ước, cho thấy rằng Đức Giêsu thực sự ứng nghiệm những lời tiên tri về Đấng Cứu Thế trong Cựu Ước.
Trước hết, Đức Giêsu Nazarét là một nhân vật lịch sử có thật, được ngay cả nhiều nguồn thế tục và thù địch ở thế kỷ thứ I và II khẳng định[13].
Thứ hai, chứng minh tính xác thực của việc Đức Giêsu ứng nghiệm các lời tiên tri của Isaia không dựa trên bằng chứng của một người viết mà dựa nhiều người viết độc lập. Ngay cả những người không tin hàng đầu cũng thừa nhận rằng các biến cố trong cuộc đời của Đức Giêsu đã được ghi lại bởi nhiều hơn một tác giả[14]. Nếu các học giả về lịch sử cổ đại thường cho các sự kiện không thể chối cãi là khi có hai hoặc ba nguồn thống nhất với nhau, thì nhiều bằng chứng xác thực việc Đức Giêsu ứng nghiệm các lời tiên tri trong Cựu Ước (của Matthêô, Marcô, Luca, Gioan, Phaolô, Phêrô và Giuđa) cực kỳ gây ấn tượng.
Thứ ba, như đã nói trên, nếu các tác giả Kinh Thánh là những kẻ lừa đảo đầy tội lỗi thì họ đã nhiều lần tuyên bố sự hủy diệt của chính mình, khi họ nói rằng những kẻ nói dối không ăn năn sẽ bị hình phạt đời đời.
Thứ tư, như Wayne Jackson đã nhận xét, “Nếu các tác giả Tân Ước không tin vào trách nhiệm đời đời, và đã nhẫn tâm ngụy tạo ra các tài liệu khẳng định thần tính của Đức Giêsu, thì tại sao họ lại phải chịu sự bách hại vì Kitô giáo – bởi vì cuộc đời này sẽ là tất cả những gì họ tin rằng mình sẽ tận hưởng? Điều này thật vô lý. Đây là vấn đề mà không một người hoài nghi nào có thể giải thích được. Các tài liệu Tân Ước là đáng tin cậy!”[15]
Thứ năm, các tông đồ Tân Ước luôn thách thức những người Do Thái ở thế kỷ I so sánh cuộc sống gần đây của Đức Giêsu Nazarét với những lời tiên tri trong Cựu Ước về Đấng Cứu Thế. “Thói quen” của tông đồ Phaolô là đến các hội đường của người Do Thái vào ngày Sabát và lý luận với những người Do Thái từ Kinh Cựu Ước về Đức Kitô, “giải thích” và “chứng minh” việc Đức Giêsu ứng nghiệm những lời tiên tri về Đấng Cứu Thế[16].
Thứ sáu, những lời giảng dạy của Phaolô đã có thể đứng vững trước sự xem xét kỹ lưỡng và có phân tích. Chẳng hạn, những cư dân Bêroia “ngày ngày tra cứu Sách Thánh để xem có đúng như vậy không. Vậy nhiều người trong nhóm họ tin theo” (Cv 17, 11-12).
Điều này dẫn chúng ta đến điểm cuối cùng: trong vòng 30 năm ngay sau cuộc đời của Đức Giêsu, hàng chục ngàn người Do Thái (Cv 21, 20), kể cả “rất nhiều” thầy tư tế Do Thái (Cv 6, 7: “Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Giêrusalem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin”), đã trở thành những người theo Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế. Những người Do Thái này tin gì về Cựu Ước? Rằng đó là Lời Chúa được linh hứng, như được khẳng định cả ngàn lần. Và những tín hữu Cựu Ước này đã nhận ra điều gì nơi Đức Giêsu Nazarét, Đấng đã sống giữa họ gần đây thôi? Quả thật, Ngài là Đấng Cứu Thế (Messia) được trông đợi từ lâu.
Kết luận
Chẳng phải Isai đã tiên đoán rằng (trong số những điều khác) một Đấng Cai Trị Thiêng Liêng, được sinh nở đồng trinh, cư ngụ tại Galilê, hoàn hảo về mặt đạo đức và làm phép lạ, ngài sẽ bị hành hạ, áp bức, bị thương tích, đánh đập, bầm dập, bị đâm và bị khạc nhổ không? Chẳng phải Isaia đã tiên đoán rằng Người Tôi Tớ Đau Khổ là Đấng Cứu Thế sẽ bị liệt vào số những tội phạm và bị chôn cùng với những người giàu có sao? Ông đã nói như vậy!
Ai đã xuất hiện hàng trăm năm sau và ứng nghiệm tất cả những lời tiên tri này (và hơn thế nữa) với sự chính xác tuyệt đối? Ai đã chứng minh tư cách Đấng Cứu Thế của mình với sự ứng nghiệm như vậy? Các tông đồ trong Tân Ước đã nhiều lần làm chứng (dù nguy hiểm cho chính mình) về Đấng Duy Nhất ứng nghiệm các lời tiên tri này? Đức Giêsu Nazarét.
Mặc dù có nhiều lời tiên tri khác nữa được tìm thấy trong suốt Cựu Ước, nhưng chỉ riêng những lời tiên đoán chính xác của Isaia cũng đủ làm nổi bật Đấng Cứu Thế, Đấng đã đến hàng trăm năm sau với tư cách là Người Tôi Tớ Đau Khổ và Đấng Cứu chuộc đang trị vì. Đấng Cứu Thế được tiên báo có thể là ai khác ngoài Đức Giêsu không?
(Reason & Revelation, January 2023, Vol. 43, No. 1, tr. 1-5)
* Eric Lyons tốt nghiệp Freed-Hardeman University, B.S. (Bachelor of Science) về Kinh Thánh và Lịch Sử và M.Min (Master of Ministry).
[4] Những người vô thần không tin vào Chúa, nhưng thậm chí về mặt lý thuyết họ cũng biết rằng nếu một Hữu thể toàn tri như vậy tồn tại thì Ngài sẽ có khả năng biết trước tương lai.
[5] Các thầy bói toán cũng đôi khi có thể mù mờ “đoán trước” một điều gì đó sắp xảy ra, nhưng những phỏng đoán hay dự đoán này giống như người dự báo thời tiết, không phải là kiến thức siêu nhiên của Thiên Chúa.
[7] Chẳng hạn, những người Do Thái từ những miền đất xa xăm khắp cùng thế giới đã trở về Giêrusalem vào ngày Lễ Ngũ Tuần đầu tiên sau khi Đức Giêsu phục sinh và đã nghe nhiều đoạn Kinh Thánh Cựu Ước được áp dụng vào Đức Giêsu cũng như việc thiết lập Vương quốc của (Cv 2, 5-40). Những người Do Thái đạo đức trong các hội đường vào ngày Sabát bị thách thức so chiếu đời sống gần đây của Đức Giêsu với các lời tiên tri nói về Ngài đã thành hiện thực (Cv 13, 14tt; 17, 1-4, 10-12).
[9] Những chú giải này là pesharim. John D. Barry (2013), “The Great Isaiah Scroll and the Original Bible: An Interview with Dr. Peter Flint,” Associates for Biblical Research, April 17, biblearchaeology.org/research/ topics/ancient-manuscripts/2812-thegreat-isaiah-scroll-and-the-original-biblean-interview-with-dr-peter-flint.
[11] Thậm chí tờ tạp chí New Scientist ủng hộ vô thần và thuyết tiến hóa cũng thừa nhận rằng Bản Cuộn Isaia Vĩ Đại “được hoàn thành vào thế kỷ II trước Công nguyên”. Krista Charles (2021), “AI Analysis Shows Two Scribes Wrote One of the Dead Sea Scrolls”, New Scientist, April 21, https://www.newscientist.com/article/2275298-ai-analysis-showstwo-scribes-wrote-one-of-the-dead-seascrolls/
[13] Xem Kyle Butt (2000), “The Historical Christ—Fact or Fiction?” Reason & Revelation, 20[1]:1-6, January, https://apologeticspress.org/the-historicalchrist-fact-or-fiction-187/
[14] Xem Dan Barker (1992), Losing Faith in Faith (Madison, WI: Freedom From Religion Foundation), tr. 179; cũng xem Tad S. Clements (1990), Science vs. Religion (Buffalo, NY: Prometheus), tr. 193.
[15] “Are the Gospel Writers Credible?” (2022), Christian Courier, https://christiancourier.com/articles/are-the-gospelwriters-credible.
[16] Cv 17, 1-4; cf. 9, 20; 13, 5; 13, 14-41; 18, 4.
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-giesu-dang-cuu-the-cua-ngon-su-isaia-50415
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét