Bài học từ Đóa Hồng Nhập thể
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
BÀI HỌC TỪ ĐÓA HỒNG NHẬP THỂ
SUY NIỆM LỄ GIÁNG SINH
Người ta nói, bông hồng tượng trưng cho tình yêu. Vì thế, để bày tỏ lòng yêu thương nhau, người ta thường trao tặng bông hồng.
Cũng chính vì thế, ngày Valentine, ngày Tình Yêu, bông hồng, tự lúc nào, trở thành biểu tượng mà không cần giấy mực ký nhận, chỉ có lòng người yêu nhau đã hợp thức hoá cho ý nghĩa ấy.
I. HỒNG CHỈ QUÝ NHỜ BẢN THÂN NGƯỜI TẶNG.
Dù chỉ với một cành hồng, tình vẫn có thể nồng nàn hơn cả với bảo ngọc trân châu. Vì với lòng yêu thương chân thật, dù chỉ một cành hồng, tình vẫn đằm thắm, vẫn kiêu sa hơn bảo ngọc trân châu mà lòng người đầy tính toán, vụ lợi, manh nha chiếm đoạt…
Bông hồng đã đẹp. Bông hồng được trao tặng bằng cả một khối tình, lại là một vẻ đẹp không dễ gì thay thế. Nhưng trước sau, đóa hồng vẫn chỉ là một đóa hồng, giá trị của nó vẫn không bao giờ ví được giá trị của chính bản thân người nhận hoặc người tặng. Còn hơn thế, một đóa hồng, dẫu đẹp, sẽ biến đổi theo thời gian như chính lòng người, hôm nay trong vắt, ngày mai có thể vẩn đục.
Hôm nay, trong tư thế của người được lãnh nhận, mọi Kitô hữu đang háo hức chuẩn bị mừng ngày Chúa Giáng sinh. Nói rằng "trong tư thế của người được lãnh nhận" khi chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, là nói đến một ân ban tuyệt diệu mà mầu nhiệm Nhập Thể đã và vẫn tuôn tràn như một dòng chảy không ngơi nghỉ, không suy yếu.
Nếu bông hồng là biểu trưng của tình yêu nhân loại thì mầu nhiệm Nhập Thể, một đóa hồng thánh thiện không chỉ là biểu trưng, cũng không đứng chung hàng với tình yêu nhân loại, nhưng là chính Tình Yêu Thiên Chúa, một tặng phẩm vượt trên giá trị của chính bản thân người nhận là toàn thể nhân loại này. Và nếu gọi Tình Yêu phát xuất từ Thiên Chúa là đóa hồng, thì đó chính là đóa hồng vĩnh cửu, đóa hồng mầu nhiệm không bao giờ có thể tàn phai.
Đóa hồng thánh thiện trong ân ban của mầu nhiệm nhập thể, mang chiều kích vĩnh cửu, làm nên giá trị đời đời là nhờ Chủ Nhân của nó, Đấng là Thiên Chúa muôn đời tồn tại, muôn đời vững bền, muôn đời không vươn những thứ tàn, không dính bén mọi vật thể làm cho phai.
II. BÀI HỌC CỦA TÌNH YÊU NHẬP THỂ.
Tình Yêu của Đấng là chính Thiên Chúa làm người là điểm đối chiếu cho mọi tình yêu của nhân loại. Nhân loại hãy nhìn vào Tình Yêu trong mầu nhiệm Nhập Thể để học lấy cho mình bài học quý giá: THIÊN CHÚA PHÓ MÌNH CHO TRẦN GIAN.
Vì nơi Thiên Chúa, yêu là tự hiến, là hủy mình. Có hiểu hết sự tự hiến và hủy mình vì yêu trong mầu nhiệm Nhập Thể, ta mới có thể hiểu được làm sao một vì Thiên Chúa cao sang là thế, uy quyền là thế, mạnh mẽ và lớn lao khôn cùng, lại có thể hóa thân nên một con người bé nhỏ, yếu ớt, mong manh.
Có hiểu được một tình yêu tự hiến đến mức hủy mình, ta mới hiểu được làm sao một Thiên Chúa lại trở nên trần trụi và nghèo nàn đến thế.
Nếu mỗi người trong chúng ta có nghèo, nghèo lắm, khi sinh ra chắc không ai thiếu, ngay cả một tấm áo che thân, hay một cái chõng tre, dù cũ kỹ, cũng không có? Khi sinh ra, nếu tệ, có lẽ chúng ta cũng được nằm trong một căn chòi...
Nhưng Tình Yêu của Đấng làm người đã tự hủy đến mức không những không đòi cho mình bất cứ một điều gì, ngược lại còn trút bỏ hoàn toàn, trút bỏ cho đến mức chối từ cả những điều kiện vật chất căn bản nhất, cần thiết nhất của một con người, đến nỗi sinh ra không phải trong căn chòi, nhưng tệ hơn, sinh ra ở nơi trú ngụ của loài cầm thú; không nằm trong chiếc nôi, nhưng lại là máng cỏ; không sinh ra trên chiếc giường nhưng chỉ có cỏ rơm làm chiếu...
Mầu nhiệm Nhập Thể không dừng ở sự kiện Giáng sinh. Thiên Chúa làm người còn tiếp tục tự hủy đến giây phút cuối đời. Người chấp nhận một cái chết thương đau và ô nhục: bị hành hình như một tử tội: chết trần trụi, treo giữa trời, giữa đất, giữa những tên tội phạm, thân thể thâm bầm, đầy thương tích...
Thiên Chúa là Thiên Chúa giàu có. Người quyền năng và mạnh mẽ. Vũ trụ và mọi sự trên trời dưới đất là của Người, thuộc về Người. Một Thiên Chúa giàu có là thế, nhưng khi làm người, đã hiến dâng hoàn toàn, như không còn giữ lại gì cho riêng mình, hiến dâng cả mạng sống. Một Thiên Chúa giàu có đã trở nên nghèo khó đến độ chỉ còn có Tình Yêu.
Ngang qua mầu nhiệm nhập thể của Chúa Kitô, Thiên Chúa bày tỏ cho trần gian lòng yêu thương vô cùng của Người. Đó là thứ Tình Yêu mà núi có cao chất ngất cũng không thể đo, trời có bao la đến mấy vẫn không thể dò, đất dù mênh mông cũng không thể sánh, đại dương dù rộng hay sâu cũng đều nhường bước.
Một thứ Tình mà ngàn đời nhân loại cứ kiếm tìm, cứ khám phá, vẫn chưa bao giờ đạt tới, vẫn không hiểu thấu. Đó là thứ Tình mà nhân loại phải cúi xuống thật sâu, cúi xuống thật lâu để chiêm bái, để ca khen, để tôn thờ, để đội ơn.
Nơi biến cố nhập thể, một mặt chính Tình Yêu và trong Tình Yêu, Thiên Chúa trao ban cả một mầu nhiệm vỹ đại. Mặt khác, chính Tình Yêu đã làm cho Đấng Thiên Chúa làm người, Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, hiến dâng lên Thiên Chúa lời "xin vâng" tuyệt hảo, chấp nhận tự hủy mình cho trần gian.
Lòng vâng phục và sự tự hủy ấy chính là lý do ca ngợi Chúa Kitô của thư gởi người Do thái: "Dù là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người" (Dt 5, 8-9).
Để nối lại hình ảnh quà tặng bông hồng với ý nghĩa lớn lao của mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta cần hiểu rằng, tình yêu chỉ quý giá bởi người yêu dám hiến mình trao dâng, dám tự hủy chính bản thân vì người mình yêu, chứ không phải bởi món quà có thể cầm nắm, dẫu món quà đó là một cành hồng tươi hương thắm sắc. Nói cách khác, quà tặng làm cho tình yêu nên giá trị lộng lẫy và sang trọng, chỉ có thể là quà của sự tự hiến đến hủy mình vì người mình yêu.
Và nếu bông hồng chỉ nói thay cho lời yêu chứ không là chính tình yêu, thì Chúa Kitô hiến mình trong mầu nhiệm Nhập Thể là chính Tình Yêu xuất phát từ Thiên Chúa trao tặng loài người. Đó mới chính là Đóa Hồng vĩnh cửu, Đóa Hồng không bao giờ tàn phai: Một quà tặng vô giá, quà tặng của mọi quà tặng.
Mãi muôn đời, bài học của nhập thể là Tình Yêu tự hiến, Tình Yêu trao dâng, Tình Yêu đón nhận, Tình Yêu thứ tha, Tình Yêu hy sinh... đòi nhân loại phải cố công mà học lấy, mà bắt chước để có thể nói với chính Đấng Tự Hiến cho mình rằng: "Lạy Chúa, con yêu Chúa".
Chỉ có thể tập tành trong sự khắc ghi sâu sắc Tình Yêu ấy, mới mong có thể xứng đáng mà thốt lên lời đoan nguyền: "Lạy Chúa, con yêu Chúa".
Rồi để từ Tình Yêu đẹp như đóa hồng vĩnh cửu mà từng người phải rót vào hồn mình, thấm vào huyết quản của đời mình mà mang đi trao dâng cho anh em đồng loại của mình theo gương Đấng Nhập Thể, từ đó mới mong xứng đáng hơn mà thốt lên: "Lạy Chúa, con yêu Chúa".
Ngược lại, nếu chưa học được bất cứ bài học nào trong Tình Yêu của Đấng Nhập Thể, nhân loại dù có cất lời đến vài triệu lần: "Lạy Chúa, con yêu Chúa", thì đó vẫn chỉ là lời sáo rỗng, lời môi miệng, lời của kẻ ba hoa...
Hãy học! Học cho thật sát! Học cho thật mạnh mẽ! học cho thật nghiêm túc! Học cho thật bền lâu!...
Học đến trọn kiếp người một bài học lớn lao của mầu nhiệm nhập thể khởi đi từ chính Đấng đã nhập thể, đã nên đồng phận với từng phận người trong trần thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét