Như Cơn Hấp Hối (tiếp theo)
Những Ngày Chữa Lành
Trong những ngày chữa lành, nằm trên giường bệnh, nàng có nhiều thời gian để suy nghĩ, để nhìn lại cuộc sống. Từ khi sinh ra, đi học, lập gia đình, sinh con và cho tới ngày hôm nay: tất cả đều là hồng ân của Chúa. Nếu Chúa không ghé mắt nhìn thì giờ chẳng được như ngày hôm nay.
Trong dòng đời vội vã với cơm áo gạo tiền, con người nhiều khi không còn thời gian để nghĩ về Chúa. Những cơn đau thắt ngực xuất hiện như là một điểm dừng, một dấu hiệu, một nhắc nhở cho thân phận con người phù du, mong manh. Biến cố này có ý nghĩa gì với tôi? Tôi phải làm gì và phải sống thế nào? Chắc chắn một điều tôi phải sống tích cực hơn trong những ngày tháng còn lại.
Trên giường bệnh, nàng có những câu hỏi mà tôi nhiều lúc không thể trả lời được. Một băn khoăn được lặp đi lặp lại là câu Mẹ Maria đã dạy các em tại Fatima trong một cuộc hiện ra năm 1917: “Lạy Chúa Giêsu xin tha tội lỗi chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục. Xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là các linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.”
“Các linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn” là ai? Linh hồn nào mà chẳng cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa? Tại sao lại có những linh hồn cần thương xót hơn? Thiên Chúa là cha yêu thương, Người yêu thương hết mọi người, Người để mắt đến hết mọi người, con người có bị Thiên Chúa bỏ rơi đâu mà cần thương xót hơn? Như thế, những linh hồn này là ai? Phải chăng là những người già cô đơn, bị bỏ rơi không ai thăm viếng? Phải chăng là những người nghèo khó, đói rách, lang thang, nhơ nhuốc… mà ta không muốn lại gần, tiếp xúc và nâng đỡ? Phải chăng là những người thấp cổ, bé miệng mà ta khinh dể mỗi khi gặp mặt? Phải chăng là những người mà lòng ta ganh tỵ, không ưa?… Linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn cuối cùng là tôi hay là bạn?!?
Trong những ngày cuối đời của Chúa Giêsu, tôi nhớ lại dụ ngôn Cuộc Phán Xét Chung mà Chúa Giêsu đã dạy như sau: 31 “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người.32 Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê.33 Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.34 Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.35 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.”37 Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống;38 có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc?39 Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?”40 Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”45 Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.”46 […] và những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.” (Mt 25,31-40.45-46)
Một câu hỏi khác nữa là: “Xin Chúa thương xót chúng con.”
Một kinh thường đọc khi bắt đầu thánh lễ để chuẩn bị bản thân tham dự các mầu nhiệm phụng vụ thánh thiêng – tiến gần đến Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh.
“Xin Chúa thương xót chúng con”: Chúng con là những ai? Là tôi hay là bạn? Thương xót những điều gì? Linh hồn, tinh thần hay thể xác? Những phương diện nào cần cầu xin Thiên Chúa thương xót?
Tôi nhớ tới vua Đavít, sau khi phạm tội, ông đã thừa nhận và cầu xin tha thứ:
“Lạy Thiên Chúa,
xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
Vâng, con biết tội mình đã phạm,
lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.
Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
dám làm điều dữ trái mắt Ngài…” (Tv 50,1-4a).
Trong Tin mừng cũng có nhiều người cầu xin lòng thương xót như người mù ở Giêrikhô kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10,48; x. Mt 9,27; 20,30-31) và cả những người phung hủi cũng kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” (Lc 17,13); cũng như người mẹ kêu xin cho con mình: “Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm” (Mt 15,22) hay như người cha đang tuyệt vọng kêu xin cho con trai mình: “Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm” (Mt 17,15).
Lời van xin “Xin Chúa thương xót chúng con” vẫn vang mãi trong từng giây phút cuộc đời chúng ta để được Thiên Chúa thương xót và để có thể kết hiệp với Chúa trong tinh tuyền và thánh thiện.
Ba ngày cấp cứu. Ba ngày chữa lành và trở về trong hân hoan.
Một biến cố xảy ra trong 7 ngày. Một tuần lễ.
Tôi nhớ đến công trình sáng tạo của Thiên Chúa diễn ra trong 6 ngày. Ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi.
Trong vườn địa đàng xưa có tình yêu, có hoan hỉ, có thử thách, có sa ngã, có tội lỗi và có cả cứu chuộc.
7 ngày mà chúng tôi trải qua như là một “Tuần lễ sáng tạo mới.” Cũng có những đau khổ và thử thách, cũng có những nước mắt và tình yêu, cũng có những niềm vui và hy vọng. Hành trình như một tuần trải qua thương khó, máu – tình yêu – nước mắt, và ngập tràn hy vọng trong niềm vui phục sinh. Con người, một khi trải nghiệm những điều này sẽ không bao giờ quên được. Cuộc sống luôn hướng về phía trước, đòi hỏi con người phải cố gắng hoàn thiện bản thân. Cố gắng chu toàn bổn phận của một người Kitô hữu. Một người mang chính Chúa Kitô trong bản thân mình. Phải hướng Thiên và hướng thiện.
Người Kính Sợ Đức Chúa
Trong những lúc rảnh rỗi của những ngày chữa lành, tôi đọc gần hết các tác phẩm của nhóm sách Giáo huấn, trừ sách Gióp. Sau sách Châm Ngôn, tôi đọc tiếp sách Huấn Ca.
Sách Huấn Ca là một cuốn sách nằm trong Kinh Thánh Cựu Ước. Sách gồm có 51 chương, nội dung ghi lại các giáo huấn về đạo đức, tác giả là ông Giêsu, con ông Xira, cháu ông Elada, một người Do-thái sống tại Giêrusalem vào đầu thế kỷ III TCN. Cuốn sách được dịch từ tiếng Do-thái sang tiếng Hy-lạp bởi chính cháu trai của tác giả. Thời gian sách được viết vào khoảng năm 200-175 TCN.
Trong sách Châm Ngôn và Huấn Ca này, tôi gặp một cụm từ yêu thích liên quan đến cuộc sống của người Kitô hữu giữa trần gian. Họ sống giữa trần gian nhưng không thuộc về trần gian. Họ bị ganh ghét, bắt bớ và loại trừ. Cụm từ đó là: “Người kính sợ Đức Chúa.” Những người này bị người đời ghen ghét song họ được Thiên Chúa yêu thương.
7 Kính sợ Đức Chúa là bước đầu của tri thức. (Cn 1,7a)
10 Kính sợ Đức Chúa là bước đầu của khôn ngoan;
biết Đấng Chí Thánh mới là hiểu biết thật. (Cn 9,10)
27 Ai kính sợ Đức Chúa sẽ được trường thọ,
còn tuổi đời đứa ác bị rút ngắn đi. (Cn 10,27)
33 Lòng kính sợ Đức Chúa là trường dạy khôn ngoan,
khiêm nhu là đường dẫn đến vinh dự. (Cn 15,33)
23 Lòng kính sợ Đức Chúa đem lại sự sống,
cho người ta ăn no ngủ kỹ, thoát khỏi mọi tai ương. (Cn 19,23)
4 Giàu sang, vinh dự và sự sống là phần thưởng
Đức Chúa dành cho kẻ khiêm nhu và kính sợ Người. (Cn 22,4)
11 Kính sợ Đức Chúa đem lại vinh quang và tự hào
hân hoan và phấn khởi.
12 Kính sợ Đức Chúa khiến tâm hồn sung sướng,
cho con người được hoan hỷ mừng vui
và an khang trường thọ.
13 Ai kính sợ Đức Chúa sẽ thấy cuộc đời kết thúc tốt đẹp,
ngày lâm chung họ sẽ được hưởng phúc lành.
14 Bước đầu của khôn ngoan là kính sợ Đức Chúa,
ngay từ lúc thành hình trong lòng mẹ,
các tín hữu đã được ơn khôn ngoan.
15 Giữa nhân gian, khôn ngoan xây tổ làm nền móng vĩnh cửu,
và tin tưởng vào con cái loài người.
16 Sự viên mãn của khôn ngoan là kính sợ Đức Chúa.
Khôn ngoan lấy hoa trái của mình làm cho họ say sưa,
17 lấy bảo vật của mình chất đầy nhà cửa họ,
đem sản phẩm của mình đổ đầy kho lẫm.
18 Lòng kính sợ Đức Chúa là tuyệt đỉnh của khôn ngoan,
mang lại bình an và sức khoẻ dồi dào.
19 Đức Chúa đã thấy và đã đếm khôn ngoan,
Người đổ mưa am tường và hiểu biết của trí tuệ,
nâng cao vinh dự của những kẻ gắn bó với khôn ngoan.
20 Gốc rễ của khôn ngoan là kính sợ Đức Chúa,
cành lá của khôn ngoan là cuộc đời trường thọ.
22 Giận dữ vô lý không thể coi là phải lẽ được,
vì giận dữ kéo theo sự sụp đổ của con người.
23 Ai kiên trì chịu đựng một thời gian,
thì cuối cùng niềm vui sẽ bừng lên cho người ấy.
24 Ai làm thinh không nói một thời gian,
thì thiên hạ sẽ mở miệng khen là sáng suốt. (Hc 1,11-24)
1 Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa,
thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách.
2 Hãy giữ lòng cho ngay thẳng và cứ kiên trì,
đừng bấn loạn khi con gặp khốn khổ.
3 Hãy bám lấy Người chứ đừng lìa bỏ,
để cuối đời, con được cất nhắc lên.
4 Mọi chuyện xảy đến cho con, con hãy chấp nhận,
và trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ kiên nhẫn.
5 Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa,
còn những người sáng giá
thì phải được thử trong lò ô nhục.
6 Hãy tin vào Người, thì Người sẽ nâng đỡ con.
Đường con đi, hãy giữ cho ngay thẳng và trông cậy vào Người.
7 Hỡi ai kính sợ Đức Chúa,
hãy trông đợi lòng lân tuất của Người,
đừng lìa xa Người kẻo ngã.
8 Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy tin vào Người,
và các bạn sẽ không mất phần thưởng đâu.
9 Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy đợi trông ơn lành,
niềm vui không cùng và lòng thương xót.
10 Hãy nhìn lại các thế hệ ban đầu mà xem:
nào có ai tin vào Đức Chúa mà bị hổ thẹn bao giờ?
Hay có ai bền tâm kính sợ Người mà bị bỏ rơi?
Hoặc có ai kêu cầu Người mà bị Người khinh dể?
11 Vì Đức Chúa là Đấng nhân từ và hay thương xót:
Người thứ tha tội lỗi và cứu vớt trong lúc gian truân.
16 Những ai kính sợ Đức Chúa thì tìm điều Người ưa thích,
và những ai kính mến Người thì no thoả Lề Luật.
17 Những ai kính sợ Đức Chúa thì chuẩn bị tâm hồn,
và hạ mình xuống trước mặt Người.
18 Chúng ta hãy phó mình trong tay Đức Chúa,
chứ đừng phó mình trong tay phàm nhân,
bởi vì Người cao cả thế nào
thì cũng lân tuất như vậy. (Hc 2,1-11.16-18)
“Lạy Chúa Giêsu, xin dủ lòng thương con.”
Nguyễn Thái Hùng
23.12.2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét