Trang

Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2023

Yêu Thương trong Kytô-Giáo

 

Yêu Thương trong Kytô-Giáo

                                                                          Hoành Sơn


“Cha yêu Thầy thế nào, Thầy cũng yêu anh em như vậy. Hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. (Gio.15.9)


Thiên Chúa Cha yêu Con thế nào, hẳn là không tưởng tượng nổi. Thế mà Đức Kytô yêu chúng ta như thế đấy. Và chỉ có “người đệ tử mà Đức Giêsu thương”, tức Gioan, kẻ tựa đầu trên ngực Chúa trong bữa Tiệc Ly biệt, đã phần nào cảm nhận nổi bề sâu và bề cao của Tình Thầy, và qua đó bề sâu và bề cao của Tình Cha, nên trong một xuất thần linh hứng, đã thốt lên :-“Thiên Chúa là Tình Yêu (ho theos agapê estin) !” (1 Gio.4.9). Vâng, không phải Thiên Chúa yêu, mà Ngài là Tình Yêu. Nói cách khác, Yêu thương là bản chất (bản tính) của Ngài! Do đó, không yêu anh em thì không hiểu Ngài (1 Gio.4.8).


Chính vì Thiên Chúa là Tình yêu, nên mệnh lệnh hay con đường (Đạo) mà Con Ngài mang từ Trời đến là :”Hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em !” (Gio.15.12). Mà Thầy đã yêu thế nào, tới mức nào? Thầy đã chết bằng cái chết đau đớn nhất và ô nhục nhất để cứu chúng ta khỏi sự tội và sự chết! Và do đó, Thập tự nói lên cái mức vượt mức của Tình yêu nói trên. Nói cách khác, Thánh giá là biểu hiện đặc thù của Tình yêu chính hiệu Kytô giáo!


Để hiểu rõ hơn cái Tình yêu đặc sản Kytô-giáo này, chúng ta có thể mang so sánh nó với yêu thương trong các tôn giáo khác và trong những truyền thống luân lý phi tôn giáo.


Yêu thương trong các tôn giáo bạn và trong những nền luân lý phi tôn giáo


Có hai truyền thống luân lý phi tôn gáo là Socrate bên Tây và Nho-Lão bên Đông. Còn về tôn giáo thì có hai cái nôi lớn là : (a) Cận-Trung đông với Do thái giáo, Kytô giáo, Hồi giáo; (b) Nam Á với Bà la môn giáo, Ấn độ giáo, Kỳ na giáo và Phật giáo.


Socratês (470-399 TCN) bên Hy lạp nghĩ rằng : Con người gồm hai thành phần : Xác thuộc đại cơ thể Vũ trụ, Hồn hay trí năng thuộc Đại trí năng tối cao. Do đó, với con người cũng có hai thứ hạnh phúc : khoái lạc thấp hèn của xác, và hạnh phúc siêu tuyệt của hồn. Hạnh phúc này nằm ở đức hạnh. Vì hồn là trí năng, nên đạo đức có trí tính. Do đó, chỉ kẻ ngu dốt mới làm bậy. Và để con người trở nên đạo hạnh, chỉ cần giúp nó trở về với nội tâm vốn sáng suốt, theo nguyên tắc “Tự biết mình” (gnôthi seauton, connais-toi toi-même). Vâng, việc của ông thầy chỉ là “đỡ đẻ”, nghĩa là giúp đệ tử tự hiểu lấy mình, để thấu triệt chân lý đạo đức, nhờ đó có hạnh phúc thiêng liêng.


Có điều nếu đạo đức, dù là trong ái nhân, chỉ vì hạnh phúc của riêng mình, thì chưa phải là yêu người đến quên thân!


Về phía Cực Đông hay Đông Á xưa kia, Khổng Tử (551-478 TCN) cho rằng Mệnh Trời đã chiếu in thành Tính nơi tâm trí con người, nên chỉ việc nhìn sâu vào mình sẽ hiểu được Đạo Trời. Thế mà Đạo hay Đức Trời đất, đó là Sụ sống : “Thiên địa chi đại đức, viết Sinh”. Nên sống theo đạo trời đất thì phải bồi bổ cho sự sống. Thế nhưng giữa các sinh vật, con người vượt hẳn lên trên, “nhân linh ư vạn vật”. Vì thế, sống theo lương tri, người  quân tử trọng chữ Nhân. Sống Nhân thì phải khắc kỷ (bỏ tư dục) mà yêu người (ái nhân). Có điều Ái nhân đến mức độ nào, thì Đức Khổng chỉ nêu lên nguyên tắc :”Sở kỷ bất dục, vật thi ư nhân (cái mình không ham, đừng làm cho người)” (Luận ngữ : Nhan Uyên XII}, nghĩa là yêu Bằng mình, chứ chưa phải quên mình, hi sinh chi cả.


Nếu Khổng Tử chủ trương lấy đức hóa dân, thì Lão Tử dùng cách “Vô vi”, cứ để dân sống theo Tự nhiên, như “xích tử (con đỏ)”, thì mọi cái sẽ xuôi êm, mọi người đều an lạc. Vì tự bản chất, mỗi người đã hướng về Đạo mà nên thanh thoát, thẳng ngay và thực thà.


Bởi thế, nguyên tắc sống của Đạo đức kinh là Phác (chất phác), nghĩa là đơn sơ theo tự nhiên, ít tư riêng nên bớt ham muốn :”thiển tư, quả dục”. Và như vậy sẽ luôn thỏa mãn về những gì mình có :”Tri túc giả phú” (thấy đủ, đó là giầu rồi).


Còn trong quan hệ với người khác, thì Đạo đức kinh nhấn vào Bất tranh và Từ (LXVIII). Không tranh giành giống như nước, thì chẳng thiệt hại chi cả. Còn Từ là một tình thương hướng về hết thảy, bởi Đạo Trời không thiên vị ai. Riêng đối với kẻ thù, nếu Khổng tử dạy “dĩ trực (lấy ngay thẳng mà) báo oán”, thì Lão tử gần lại với Kytô giáo hơn do chủ trương “dĩ đức báo oán”. Gần hơn thôi, khi mà Chúa Kytô đòi phải yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ làm hại mình (Luc.6.27vt.). Đúng là Đạo đức kinh cũng chủ trương “hậu kỳ thân” (để thân lại đằng sau), nhưng chỉ là “nhi thân tồn” (để còn thân), thế thôi.


*

Sau khi đã xem xét những truyền thống luân lý phi tôn giáo bên Đông cũng như bên Tây, nay chúng ta quay sang chủ trương yêu mến trong các tôn giáo bạn.


Hãy bắt đầu với Ấn Độ, từ đó xuất phát Bà la môn giáo, Ấn Độ giáo có tính đại chúng, Kỳ na giáo (Jaina) và Phật giáo với khởi phát chỉ là con đường tu hành thôi.


Ấn độ giáo đại chúng phân đôi, thành Shiva-giáo thờ Shiva làm Thượng thần, và Vishnu-giáo thờ Vishnu. Còn Bà la môn giáo xuất khởi từ Áo nghĩa thư, để rồi từ Áo nghĩa thư suy tư và tu luyện, làm nên những nền triết học Vedânta, để rồi quán định theo, sao đạt tới đại định, hay huyền nghiệm, nó giải thoát tu nhân đắc đạo.


Dù ở trong Shiva-giáo hay Vishnu giáo, một số người thuộc tập cấp (caste, varna) cao vẫn đi ẩn tu theo đúng luật. Những con đường tu luyện khác nhau được gọi là Yoga (Đạo), trong đó có Hatha-yoga (Mãnh lực-đạo), Dhyâna-yoga (Thiền-đạo),v.v… Ngoài việc chuyên tâm quán định, tu nhân còn phải tuân giữ một thứ luân lý xuất thế với những đức như trong sạch, khổ hạnh, không vấn vương được vun trồng.


Và như thế, người tu hành chỉ tìm giải thoát cho bản thân, nên cũng không bàn đến chuyện nhân nghĩa hay quan hệ tốt với thần thánh và người ngoài. Có điều sau công nguyên, Vishnu-giáo nghiêng theo Bhakti (sùng mộ), có lẽ do ảnh hưởng của Kytô giáo, nên cố trau dồi lòng kính mến đến phó thác (prapatti) đối với Thượng thần, trong khi Thượng thần cũng ban ân sủng (prasâda) cho những người mộ đạo ấy.


Xuất phát từ Ấn Độ, tỳ kheo Phật giáo coi tất cả là hư không và cố xa lìa cái ngã khi diệt bỏ tham-sân cho cõi lòng thanh thoát, hầu đạt giác ngộ (buddhatva). Có điều Phật giáo cũng chủ trương “từ bi vô lượng”. Từ bi không chỉ là Luật (Vinaya), mà  còn là Pháp (Dharma), như Đức Phật căn dặn các tỳ kheo trong chương XXI của Majjhima-nikâya (Trung bộ kinh) như sau :


-“…chúng ta phải sống Từ và Bi, lòng thì lân ái, bao bọc người khác trong sự yêu thương của mình, rồi từ người ấy bao phủ cả thế giới trong một yêu thương bất tận, vượt mọi giới hạn, không mảy may ghét hận chi cả…”


Chủ trương Từ-Bi nói trên sẽ lớn mạnh hẳn lên trong tông phái Đại thừa, khiến nhà sư Phổ Hiền phải tuyên bố như sau :


-“Đại Bi là nền tảng của tất cả Phật Pháp!”


Vâng, theo ông, chẳng những Từ-Bi thuộc Pháp, mà còn là “nền tảng của tất cả Phật Pháp”.


Từ (Maitri) là lòng nhân ái nó biểu hiện bằng việc tận tình giúp đỡ. Đức Từ ấy sẽ chuyển thành Bi (Karunâ), tức xót thương đứng trước những khổ đau của người trần. Sự Từ-Bi nói trên mở rộng về phía hết mọi chúng sinh, bất kể người hay thú.


Phật giáo cũng nói “Tứ vô lượng tâm”, tức Từ-Bi-Hỉ-Xả.


Bắt đầu, Hỉ (Priti) chỉ nhắm sự an lạc ở tâm do tu tập mà thành; còn Xả (Upekshâ) chỉ là Bỏ qua, không vấn vương chi hết. Thế nhưng sau này trong Đại thừa, Hỉ biến thành vui vì hạnh phúc của người khác; còn Xả là hy sinh bản thân, giống Đức Phật rời bỏ Niết-bàn để xuống trần cứu nhân độ thế.


Vì coi Từ-Bi-Hỉ-Xả là Dharma quan trọng nhất, nên nghe nói từ trong Đại thừa nổi lên những Bồ tát (Bodhi-sattva), những vị tuy giác ngộ rồi vẫn muốn ở lại trong xác phàm giữa dương thế để cứu vớt sinh linh. Ngoài ra, người ta còn sáng chế lối tu Bồ tát cho cả tỳ kheo lẫn tín đồ với phát nguyện : độ trì mọi chúng sinh, chứ không tìm an lạc cho riêng mình.


Xem như thế, giữa các tôn giáo Ấn Độ, Phật giáo, nhất là trong tông Đại thừa, đã xích gần  chủ trương yêu người đến quên mình của Kytô giáo chúng ta. Dẫu sao, trong Phật giáo nói chung, vấn đề thoát tục để tự tu hành đắc đạo vẫn là mối quan tâm chính yếu cho bản thân tỳ kheo!

*


Bây giờ, chúng ta hãy quay sang vùng Cận-Trung đông với Do Thái giáo và Hồi giáo.


Hồi giáo nổi lên từ thế kỷ VII, vì chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi Do thái giáo, nên về mặt quan hệ với tha nhân, họ cũng chủ trương như Do thái giáo, là chỉ đối xử tốt với người đồng đạo thôi. Riêng đối với Đấng tối cao Allah, xem ra họ chỉ có lòng tôn kính.


Trong Do thái giáo thì có luật : Phải “yêu Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết mình, hết sức lực” (Đnl.6.5) và “yêu người thân cận như chính mình” (Lv.19.18).


Như vậy, về Ái nhân, chỉ phải yêu thương đồng bào Do Thái và người láng giềng đã được Do thái hóa qua cắt bì và giữ luật Thorah. Còn với người ngoại thì người ta thù ghét và khinh bỉ. Riêng mức yêu người… như mình, thì cũng chỉ ngang với nguyên tắc Khổng tử đề xuất là ”Sở kỷ bất dục, vật thi ư nhân”.

Còn yêu thương trong Kytô giáo?


Thiên Chúa đã yêu ta đến nỗi cho Con Ngài nhập thể làm người, để nơi (trong) Đức Giêsu chúng ta trở thành con Thiên Chúa, khiến từ đây chúng ta có thể hướng về Trời mà thưa “Lạy Cha chúng con…”.


Vâng, nhập thể đây là một nhập thể toàn vẹn, dứt khoát và vĩnh viễn, chứ không hời hợt như Vishnu, đã làm người nơi Krishna, Râma, rồi cả mấy chục nhân vật tiếp theo nữa, làm như thay áo vậy. Ngoài ra, những con người này chỉ đánh giết, chứ không chịu giết để cứu người như Chúa Kytô.


Vâng, chính nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa, sau đó qua phép dìm để “chôn đi với Chúa và sống lại với Ngài”, con người được Chúa Thánh Thần tới kêu lên bên trong “Abba, Cha” để thực thụ thành con Thiên Chúa.


-Thiên Chúa yêu thương con người


Cả vũ trụ bao la, rộng tới trên 13 tỷ năm ánh sáng này, Thiên Chúa đã tạo nên nó chỉ vì con người bé nhỏ trên một trái đất cũng quá nhỏ. Thiên Chúa lại còn tạo nên con ngườ theo hình ảnh của mình. Và khi ấy, xem ra Thiên Chúa đã nhìn vào Con Thiên Chúa sẽ thành người là Đức Giêsu Kytô để tạo nên con người theo hình ảnh A dong mới ấy. Quả vậy, khi diễn giải câu “Đức Kytô là hình ảnh Thiên Chúa vô hình” của thánh Phaolô trong 2Cor.4.4 và Col.1.15, các giáo phụ cho rằng ngay khi sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài, Thiên Chúa đã ngắm chính Con Ngài thành người như khuôn mẫu cho việc tô nặn A dong. Nghĩa là ngay khi tạo nên  những con người đầu tiên, Thiên Chúa Cha đã yêu họ như con trong Đức Giêsu Kytô rồi. Nói chi đến lúc Con Cha đã nhập thể, qua cái chết, phục sinh và phép thánh tẩy, đã khiến ta trở thành con Cha tỏ tường!


-Tình yêu của ta đối với Cha và Chúa


Cha và Chúa yêu tôi đến thế, lẽ nào tôi không tri ân và cố đáp đền cho xứng. Thế nhưng là kẻ nghèo hèn và tội lỗi, sao tôi có thể xứng đáng và có khả năng yêu lại Đấng Tối cao. Sự xứng đáng và khả năng ấy Thiên Chúa đã đặt sẵn trong tôi rồi. Và đây là ân sủng. Phải, ân sủng có hai mặt : chủ tạo và thụ tạo. Về mặt chủ tạo hay vô tạo, đó là chính Thiên Chúa yêu tôi (kharizomai) từ sâu  trong tâm hồn tôi, để biến tôi thành Đáng yêu (kharis) và Đang yêu, tức có Đức Ái siêu nhiên để yêu Thiên Chúa và yêu anh em mình trong Chúa. Cái động năng Yêu ấy cần phải có sự cố gắng hợp tác của tôi với tác động Chúa Thánh Thần, thì mới được khai triển và tăng trưởng, khiến tôi cảm nhận được phần nào, và ân sủng theo đó cũng lớn lên.


Nhờ ân sủng Chúa Kytô, tôi có thể yêu siêu nhiên, yêu Chúa và yêu Cha trong Chúa và nhờ Chúa, yêu theo Chúa và cùng với Chúa. Mà Chúa yêu Cha thế nào? Từ tâm tưởng đến lời nói và hành động, Chúa chỉ sống cho Cha, vì Cha và trong Cha. Vâng, sống với Chúa là Cha, nên nhìn vào Chúa, không thể không thấy Cha, như Chúa trả lời khi Philipphê thắc mắc:


-“Thầy ở với anh bấy lâu, mà hỡi Philipphê, anh không biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Cha đấy. Anh không tin Thầy ở nơi Cha và Cha ở nơi Thầy sao?…” (Gio.14.9vt.).


Lại nữa, sống vì Cha, Chúa cũng chỉ làm theo ý Cha, khiến cho Mẹ Thầy và anh em Thầy là “kẻ thi hành ý muốn của Cha Thầy” (Mt.12.50). Nên yêu Cha theo Chúa thì cũng phải luôn tìm sống theo ý Thiên Chúa.


-Tình anh em đối với nhau


Để yêu Chúa và được Chúa bảo bọc trong tình thương của Chúa, thì môn đồ phải giữ mệnh lệnh của Chúa là yêu thương nhau như Thầy đã yêu chúng ta (Gio.15.9-13).


Chúa đã yêu chúng ta thế nào ? Chúa là Con Thiên Chúa đã nhập thể làm ngườii để mang lấy số phận khốn khổ của loài người, để rồi chịu thảm hình Thập giá để cứu vớt chúng ta. Cho nên, yêu như Chúa yêu, thì chúng ta phải sẵn sàng hy sinh mạng sống vì anh em. Thập giá vừa biểu thị Yêu đến hy sinh của Chúa, vừa nói lên mức độ yêu Chúa và yêu nhau trong Chúa của các môn đệ khi mà môn đệ cũng phải vác thánh giá theo Thầy. Cho nên, ngay từ đầu trong Giáo hội, Làm chứng (martureô) luôn có nghĩa là tử đạo (martus, martyr), chết vì Chúa hay vì anh em trong Chúa.


Tổng kết


Trong mấy tôn giáo xuất phát từ Ấn Độ, mỗi tỳ kheo tu luyện để đắc đạo cho mình, chứ không  cần yêu thương tha nhân chi mấy. Trái lại, Trong Kytô giáo không thể có cứu độ nếu không bằng yêu thương : yêu Thiên Chúa và yêu anh em mình. Chẳng những Kytô hữu phải yêu nhau, mà còn hiệp nhất với nhau, như Cha và Chúa là một với nhau (Gio.17.11vt.). Và sự “ý hợp tâm đầu” (homothumadon) ấy đã thành sự thực ngay từ đầu trong Hội thánh (Cv.2.46; 4.32,v.v…) khi mà mỗi tín hữu mang thức ăn của mình đến bỏ ăn chung, và hếu có gia sản thì bán đi để chia cho người không có.


Thế rồi, nếu Do thái giáo chỉ dạy yêu người thân cận, thì với Kytô giáo, người thân cận là mọi người không phân biệt. Thậm chí điều khó nhất là yêu kẻ thù, mà Kytô hữu đã làm được như thế, bắt đầu với Stêphanô cầu ơn tha thứ cho kẻ giết mình.


Lòng yêu người ấy đã trở nên đặc sản chính hiệu Kytô giáo, khi mà ngay từ đầu, Giáo hội đã chăm lo, nuôi nấng các bà góa neo đơn. Và sau này, các cô nhi viện, bệnh viện và  viện dưỡng lão được xây dựng khắp chốn. Thậm chí những người mang bệnh truyền nhiễm như phong cùi, AIDS cũng được trao cho các nam nữ tu chăm sóc. Gần đây, tu hội Thừa sai Bác ái do Mẹ và Thánh Têrêsa Calcutta sáng lập đã phủ bóng khắp năm châu để đón và tận tình săn sóc những kẻ bị xã hội bỏ rơi, những người già hấp hối ở vỉa hè. Cũng gần đây nữa, một tù nhân Đức Quốc xã  đã xin chịu chết thay cho một tù nhân không quen biết : cha và thánh Maximilianô Kolbê!


Một yêu thương đến hy sinh mạng sống đã thành sự thực trong Kytô giáo từ bao đời nay, khiến cho, theo giáo phụ cho biết, người ngoài đã bỡ ngỡ phải hỏi nhau : -Sao họ có thể thương yêu nhau như thế?


Dĩ nhiên là trong Ky tô giáo cũng có từ bỏ, khổ hạnh và siêu thoát như trong Bà la môn giáo, Phật giáo, nhưng từ bỏ chỉ là để thuộc trọn về Chúa, siêu thoát là để sursum corda, tức hướng lòng về phía Trời, trong khi các đức luân lý, ở đỉnh cao của chúng, được coi như những thể hiện muôn mầu của Đức Ái nó khiến ta gắn bó với Cha, Chúa và anh em.


Kytô giáo là Đạo của Yêu thương khi mà chính Thiên Chúa của Kytô giáo đã là Yêu thương viết hoa. Và có lẽ, vì Ngài là Yêu thương từ bản chất, nên Ngài cũng là ba cái Tôi (bản vị) được xướng lên trong yêu thương nữa. Nói cách khác, mầu nhiệm Ba Ngôi cũng là mầu nhiệm Thiên Chúa-Tình yêu vậy!


https://dongten.net/yeu-thuong-trong-kyto-giao/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét