Trang

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2023

Dân Thiên Chúa tiến bước trong hy vọng

 

Dân Thiên Chúa tiến bước trong hy vọng

 
  •  
  •  


DÂN THIÊN CHÚA TIẾN BƯỚC TRONG HY VỌNG

Gm. Louis Nguyễn Anh Tuấn

WHĐ (25.12.2023) - Hướng tới một Hội thánh hiệp hành, Hội thánh từ Công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh đến phẩm giá và sứ mạng chung của mọi tín hữu khi thi hành các đặc sủng, ơn gọi và thừa tác vụ đa dạng và rất phong phú của họ. Trong bối cảnh tầm nhìn của Giáo hội học hiệp thông đó, tính hiệp hành (synodality) trở thành là phong cách sống và hành động (modus vivendi et operandi) đặc thù của Hội thánh, Dân Thiên Chúa lữ hành cùng nhau trong lịch sử đi về Quê hương. Phong cách hiệp hành biểu lộ “trong cuộc hành trình cùng nhau, qua các công nghị và trong hoàn cảnh mọi thành viên tham gia tích cực vào việc thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng”[1].


1. Ý nghĩa Kitô học và từ kinh nghiệm của Hội thánh

2. Thần học về Hội thánh hiệp hành

3. Sống linh đạo hiệp hành

4. Đánh giá và suy tư

5. Suy tư đại kết và xã hội


1. Ý nghĩa Kitô học và từ kinh nghiệm của Hội thánh

Dân Thiên Chúa cùng nhau tiến bước trong lịch sử đi về Quê hương “mắt hướng về Đức Giêsu” (Hr 12,2), kẻ lữ hành trên trái đất loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Hội thánh là cộng đoàn những người đi trên con đường (Đạo) của Chúa (Cv 9,2). Chúa Giêsu là Đường đi (Ga 14,6) của Thiên Chúa đến với con người và của con người đến với Chúa Cha. Đức Kitô là Lữ khách, Đường đi (Đạo) và là Quê hương, dẫn chúng ta đi trên “con đường trổi vượt hơn cả” (1Cr 12,31). Chúa Giêsu phục sinh hướng dẫn Hội thánh Dân Thiên Chúa dùng Lời của Người, và nuôi dưỡng Dân bằng bánh hằng sống, mà hình ảnh mẫu tiêu biểu là trình thuật về các môn đệ Emmaus (x. Lc 24,13-35). Thánh Gioan Kim Khẩu đã xác định “Sinodo là tên của Hội thánh”, có nghĩa là một con đường được người ta bước đi trong tình hiệp thông. Trong tiếng Hi-lạp, syn nghĩa là cùng nhau, hodos là con đường. Sinodo là con đường Dân Thiên Chúa, vốn đông đảo và đa dạng được Chúa phục sinh dẫn dắt, cùng đi với nhau trong trách nhiệm thực thi đặc sủng và tác vụ của từng thành viên trong tinh thần hiệp thông và thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Từ Sinodo đang sử dụng cũng chỉ một công nghị, hay thượng hội đồng, được quy tập để cùng nhau tìm kiếm thánh ý Chúa qua cầu nguyện chung và bàn thảo theo phương pháp phân định mang tính cộng đồng và tông truyền (communitarian and apostolic discernment) dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần (cf. Cv 15,28). Công đồng Giêrusalem (x. Cv 15; Gl 2,1-10) là mẫu của các công nghị, thượng hội đồng của Hội thánh. Công đồng được triệu tập trước thách đố mục vụ và giáo thuyết rằng tín hữu có buộc phải theo Do thái giáo để theo Đạo Chúa Giêsu tức Kitô giáo hay không. Trong Công đồng ấy, người ta “được nghe nhiều ý kiến ban đầu khác biệt và tranh luận rất sôi nổi. Tất cả lắng nghe nhau và nghe Chúa Thánh Thần qua những lời chứng về các việc Chúa đã làm, trao đổi với nhau những ý kiến nhận định riêng, hướng tới sự đồng thuận và thống nhất (x. 15,25) như là kết quả của sự phân định chung của cộng đồng phục vụ cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của Hội thánh”[2]. “Diễn tiến của công đồng Giêrusalem cho thấy hành trình sống động của Dân Thiên Chúa như một thực tại được tập hợp và liên kết với nhau trong đó mọi người đều có một vị trí và một vai trò đặc biệt”[3].

Giáo phụ Ignatiô thành Antiôkia kể rằng tất cả các thành viên của các Giáo hội địa phương “σύνοδοι, những người cùng lữ hành, có phẩm giá của người đã được Thánh tẩy và là bạn hữu của Đức Kitô”. Còn Giáo phụ Cyprianô thành Cartagô thì xác định nguyên lý giám chức và công nghị phải được đem vận hành trong quản trị đời sống và sứ vụ của Hội thánh ở cấp địa phương cũng như hoàn vũ: “nếu quả thực trong Giáo hội địa phương không làm gì mà không có Giám mục (nihil sine episcopo), thì cũng thế không làm gì mà không có ý kiến của anh em (các linh mục và phó tế) (nihil sine consilio vestro) và sự ưng thuận của dân chúng (et sine consensu plebis)”[4].

Từ thế kỉ thứ III, ngoài các công đồng chung, như Nicêa (325), còn có những công nghị địa phương và tỉnh, gồm các Giám mục và trong vài trường hợp còn có sự tham dự của toàn thể cộng đoàn. Hai điểm cần lưu ý: 1) vai trò của Giáo hội Rôma; và 2) sự hiệp thông của các Giáo hội (trên đó mỗi Giáo hội địa phương là biểu lộ của Giáo hội duy nhất và phổ quát).

Công đồng Trentô đã thiết lập các công nghị giáo phận hay địa phương phải diễn ra hằng năm, và công nghị tỉnh ba năm một lần, để thực hiện những cải cách công đồng trên toàn Giáo hội, nhưng không dự kiến trong đó sự tham dự của toàn thể Dân Chúa. Đó là trong bối cảnh luận chiến hộ giáo chống phe Cải Cách, nên tính chất phẩm trật Giáo hội được nhấn mạnh: Giáo hoàng và các Giám mục là Ecclesia docens (Giáo hội thầy dạy), còn phần Dân Chúa còn lại là Ecclesia discens (Giáo hội môn đồ).

Công đồng Vaticanô I (1869-1870) chuẩn nhận quan niệm ấy hợp pháp hoàn toàn, khi ra sắc lệnh xác định tối thượng quyền và sự bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng. Nhưng Giáo hội cũng không ngừng ý thức “mình không đồng nhất chỉ với các mục tử của mình, mà Hội thánh toàn thể, bởi công trình của Chúa Thánh Thần, là chủ thể hay “cơ quan” của truyền thống, và giáo dân có vai trò chủ động thông truyền đức tin tông truyền”[5].

Công đồng Vatican II tái phát động ý tưởng Hội thánh hiệp hành (synodality) trong Hiến chế Lumen gentium (1964) nhìn Hội thánh là Hiệp thông và là “Dân Thiên Chúa đang lữ hành trong lịch sử đi về thiên quốc, trong đó mọi thành viên với ấn tích bí tích Thánh tẩy có phẩm giá là con cái Thiên Chúa được ủy thác cùng một sứ mạng”[6]. Sắc lệnh Christus Dominus (1965) sau đó còn khuyến khích thiết lập một hội đồng mục vụ trong mỗi giáo phận, phục hưng các công nghị (synods, councils) giữa các giáo hội trong vùng và thăng tiến các hội đồng Giám mục. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã giúp hồi sinh thực hành công nghị qua việc thiết lập thể chế Thượng Hội đồng Giám mục, là “Hội đồng thường trực các Giám mục cho Hội thánh hoàn vũ”[7].

2. Thần học về Hội thánh hiệp hành

Hiệp hành diễn tả hình ảnh Hội thánh như là Dân Thiên Chúa lữ hành cùng nhau và được quy tập tiến hành công nghị bởi Đức Chúa. Tiến trình bước đi cùng nhau thực hiện kế hoạch của Nước Thiên Chúa và Phúc âm hóa các dân tộc, bao gồm sự kiện hội họp với nhau để mừng Chúa phục sinh và tìm xác định điều Chúa Thánh Thần nói với Hội thánh. Các hội nghị - nhất là các Công đồng chung và Thượng Hội đồng Giám mục ở cấp Hội thánh hoàn vũ - là những thời điểm lịch sử ưu việt để sự phân định được Thần Khí hướng dẫn nhằm phục vụ cho việc loan báo Tin Mừng. Như thế Hội thánh theo nhịp sống, bước đi và dừng nghỉ, hành trình và hội họp, hiệp hành và đồng nghị (synodality and synodo).

Hiệp hành là chiều kích nền tảng của Hội thánh, mà mẫu mực thể hiện là Công đồng Giêrusalem (Cv 15,4-29) với phương thức phân định thực hành có tính cộng đồng và tông truyền. […] Tính hiệp hành trước hết không chỉ đơn thuần một tiến trình hành động, nhưng chỉ thể thức mà Hội thánh sống và hành động”[8]. Nó chỉ cái phong cách đặc thù (style) của Hội thánh sống và thi hành sứ vụ, qua việc nhóm họp hội nghị các tín hữu và hoàn thành sứ vụ của mình, được diễn tả hoàn toàn như là Dân Thiên Chúa cùng bước đi hành trình trong lịch sử. Nói cách khác, tính hiệp hành trong Hội thánh được sống nhằm phục vụ chung cho sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Tính hiệp hành còn diễn tả một Giáo hội học hiệp thông và tính chất “hành hương” của Hội thánh, Dân Thiên Chúa. “Các tín hữu là những σύνοδοι, những người bạn lữ hành cùng nhau”, Dân Thiên Chúa triệu tập từ muôn dân (Cv 2,1-9; 15,14)[9]. Thật vậy, mọi tín hữu đều nhận ơn về một bản năng đức tin - sensus fidei - giúp họ phân định cái gì thực sự là của Thiên Chúa. Nói cách khác, sensus fidei (cảm thức đức tin) là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống các Kitô hữu và “ban cho toàn thể họ một bản tính đồng điệu (connaturality) nào đó với các thực tại linh thánh và sự khôn ngoan giúp họ nắm bắt các thực tại ấy bằng trực giác”[10]. Tính hiệp hành dựa trên hai cột trụ: sensus fidei của toàn dân Chúa và tính tập đoàn bí tích của hàng Giám mục hiệp thông với Đức Giáo Hoàng. Một sự hiệp thông giữa “mọi người”, “một số người”, và “một người”, liên kết với nhau các đặc sủng của dân Kitô giáo, sứ vụ của các Giám mục và sự phục vụ của vị kế nhiệm thánh Phêrô. Thể hiện phong cách tham gia và đồng trách nhiệm của toàn dân.

Nếu hiệp hành là một chiều kích nền tảng của Hội thánh, thì nó phải được biểu lộ ra trong đời sống và hành động thông thường của Hội thánh. Ba giai đoạn của tiến trình hội nghị phải là lắng nghe, quyết định và hành động hay “cộng đoàn nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể, hiệp thông huynh đệ” và toàn Dân Chúa tham gia trách nhiệm vào đời sống và sứ vụ của Hội thánh, ở mọi cấp bậc và trên cơ sở các thừa tác vụ và vai trò khác nhau. Cách riêng, tính hiệp hành chỉ “các cơ cấu tổ chức và quy trình của Giáo hội” liên kết Dân Chúa, bằng nhiều cách, nhiều cấp, địa phương, vùng và hoàn vũ, trong khi “phân định lộ trình của mình và những vấn đề riêng, để đưa ra những quyết định và định hướng nhằm hoàn thành sứ mạng loan báo Tin Mừng”[11]. Chiều kích hiệp hành diễn tả trong thực hành đó biểu lộ sự hiệp thông năng động khả dĩ linh hứng cho các quyết định của Hội thánh qua các sự kiện công nghị[12].

Chúng ta lưu ý khái niệm hiệp hành khác nhưng liên hệ chặt chẽ với các khái niệm hiệp thông và tính tập đoàn (các Giám mục), là những tâm điểm tư tưởng của Công đồng Vaticanô II. Đối với hiệp thông, ý niệm “hiệp hành” diễn tả cách thức sống hiệp thông cụ thể, triển khai ra trong lịch sử sự tham dự của các môn đệ thừa sai vào sự hiệp thông tình yêu của Ba ngôi, Cha, Con và Thánh Thần. Ý niệm hiệp hành cũng nói lên cái gì đó cụ thể biểu lộ ý thức và thực thi thừa tác vụ Giám mục như là thành viên của Giám mục đoàn hiệp thông phẩm trật với Giám mục Rôma, để phục vụ Hội thánh địa phương và Hội thánh hoàn vũ. Năng động hiệp hành bao hàm sự tham gia và đồng trách nhiệm của “mọi người” đã rửa tội, tất cả kết nối với nhau trong sự thực hành quyền bính tập đoàn của “một số người” dưới chủ tọa của “một người”, trong mỗi Hội thánh địa phương cũng như Hội thánh hoàn vũ[13].

Với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Hội thánh bắt đầu một tiến trình canh tân quyết liệt khởi đi từ Công đồng Vaticanô II. Đó là cải tổ theo hướng truyền giáo. Cải tổ là sự hoán cải của toàn dân Chúa và mọi người trong dân Chúa hướng về một Hội thánh hiệp hành và truyền giáo. Với ơn Thánh Thần của Chúa Kitô, tiến hành hoán cải nơi mỗi cá nhân tín hữu và nơi hướng mục vụ chung của Hội thánh làm sao để phát huy một phong cách và hành động hiệp hành ngày càng tôn trọng hơn yêu sách thông truyền niềm vui của Tin Mừng, đáp lại các dấu chỉ của thời đại. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã thúc đẩy con đường đối thoại và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi Hội thánh trở thành nhà và trường học của hiệp thông. Ngày nay Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi Hội thánh bước vào “các tiến trình phân định, thanh tẩy và cải tổ”[14].

Tâm điểm của đời sống Hội thánh hiệp hành nằm ở thái độ và tiến trình lắng nghe, đối thoại và phân định chung của cộng đồng:

“Thực hành phân định là trung tâm của các tiến trình và sự kiện hiệp hành. Đời sống hiệp hành của Hội thánh vốn luôn là như thế. Giáo hội học hiệp thông cùng linh đạo và thực hành đặc thù rút ra từ đó, vốn gắn liền với sứ vụ của toàn thể dân Chúa, ngày nay hơn bao giờ hết cần thiết phải chỉ dạy các nguyên tắc và phương pháp phân định, không những cho cá nhân mà còn có tính tập đoàn. […] Phân định tập đoàn giúp chúng ta khám phá ra một tiếng gọi Thiên Chúa cho vang lên từ một hoàn cảnh lịch sử nhất định”[15].

3. Sống linh đạo hiệp hành

Thể hiện tinh thần hiệp hành không chỉ là tiến hành việc thỉnh ý, nhưng còn là một sự tham gia tích cực của người tín hữu trong Hội thánh tham gia và đồng trách nhiệm. Tham gia tích cực theo ơn gọi của mỗi Kitô hữu, họ vốn có khả năng và được kêu gọi phục vụ lẫn nhau qua ơn riêng của mỗi người được Chúa Thánh Thần ban cho[16]. Tinh thần Hội thánh hiệp hành đòi hỏi khơi dậy các tiến trình thỉnh ý toàn dân Chúa[17]. Khi tham khảo ý kiến đề nghị và ý kiến quyết định, dù khác nhau nhưng không vì thế mà xem nhẹ tính hiệp hành sâu xa hoạt động trong toàn thể cộng đoàn, “họ được triệu tập để cầu nguyện, lắng nghe, phân tích, trao đổi, nhận định và góp ý để lấy quyết định mục vụ”[18] bởi hoàn cảnh đặc thù của họ. Nhưng cũng cần lưu ý tới nhiệm vụ cai quản của mục tử, vì “tiến trình hiệp hành phải được thực hiện giữa lòng một cộng đoàn Hội thánh có cơ cấu phẩm trật”[19] và “quyền bính của các mục tử là một đặc sủng của Thần Khí Đức Kitô Thủ lãnh xây dựng toàn nhiệm thể Người, không phải là nhiệm vụ có thể ủy thác và đại diện bởi người dân”[20].

- Một cản trở sự tham gia tích cực của các tín hữu vào đời sống của Hội thánh hiệp hành là não trạng giáo sĩ trị khiến giáo dân bị dạt ra bên lề cuộc sống của Giáo hội[21]. Tinh thần giáo sĩ trị nghịch lại với tinh thần hiệp hành, nó biểu lộ sự khép kín đối với tính sáng tạo của cấu trúc hiệp hành vốn mở ra để toàn thể các tín hữu, dù có thánh chức hay không, có thể biểu lộ chính mình và đặc sủng của mình.

- Sống tinh thần hiệp hành đòi hỏi chúng ta phải hoán cải mục vụ. Phải vượt qua suy nghĩ và quan niệm coi trách nhiệm truyền giáo chỉ thuộc về các mục tử, không coi trọng cho đủ ơn gọi đời sống thánh hiến và đặc sủng, ít quý trọng đóng góp đặc biệt và có chất lượng thuộc thẩm quyền chuyên môn của các tín hữu giáo dân nói chung và của các phụ nữ nói riêng[22]. Hơn nữa, ý thức Hội thánh hiệp hành làm ta vui mừng đón nhận và thăng tiến ân thánh sủng bởi đó mọi tín hữu có khả năng và được kêu gọi làm môn đệ truyền giáo[23]. Cần thấy dòng lưu chuyển bộc phát từ các đặc sủng chảy giữa thừa tác vụ của mục tử và sự tham gia đồng trách nhiệm của giáo dân. Hoán cải này ở chiều sâu đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, từ cái “tôi” chủ vị cá thể tính sang “chúng ta” chủ thể giáo hội tính, sống và bước đi trên đường lữ hành cùng với anh chị em mình, có trách nhiệm và tích cực thi hành sứ vụ Loan báo Tin Mừng duy nhất của Dân Thiên Chúa[24]. Tinh thần hiệp hành đòi hỏi chúng ta có những tâm thái sâu xa: “tin tưởng và cởi mở”, cảm thức đức tin (sensus fidei) chín chắn và suy nghĩ đồng điệu với Hội thánh (sentire cum ecclesia)[25]. Và có những yếu tố đặc biệt nuôi dưỡng tình yêu hiệp hành (affectus synodalis) như: tính sáng tạo và phát triển của sự hiệp thông thánh thể, vốn là phản chiếu tự nhiên của sự hiệp thông ba ngôi; khả năng biết nhìn nhận những thất bại của mình và ước muốn hòa giải; lắng nghe Lời Chúa soi chiếu lộ trình lữ hành của chúng ta; và yêu mến sứ vụ: mọi sự kiện hiệp hành thúc đẩy Hội thánh đi ra đến với mọi người để cùng đi về với Chúa[26].

- Sống tinh thần hiệp hành cũng là biết đối thoại bạo dạn nói cũng như nghe. Không khăng khăng trong tranh luận tìm ý kiến mình vượt trội hay bác bỏ cách thô thiển quan điểm của người khác. Thái độ khiêm nhu và nguyên tắc “hiệp nhất thì lớn hơn xung đột” có thể giúp xây dựng tình hiệp thông vượt trên căng thẳng và bất đồng.

- Sau cùng, nhấn mạnh đến sự thực hành phân định là thực hành trung tâm của các tiến trình và sự kiện hiệp hành. Vượt trên tính cá nhân, sự phân định cộng đoàn giúp các Kitô hữu khám phá tiếng gọi của Thiên Chúa trong mỗi hoàn cảnh lịch sử nhất định[27].

4. Đánh giá và suy tư

Hiệp hành là một cách thức hiện diện mới của Hội thánh trong thế giới, tham gia nhiều hơn và đối thoại nhiều hơn, từ bi nhân ái hơn và lắng nghe nhiều hơn, đi ra xa trung tâm và đến với con người ở địa phương và vùng biên nhiều hơn, ý thức sự đa dạng và bổ túc của các đặc sủng Kitô hữu dùng để phục vụ sứ vụ Loan báo Tin Mừng.

Hiệp hành, đối với Đức Phanxicô, không chỉ là sống tình huynh đệ, qua lắng nghe và hợp tác, nhưng còn được biểu lộ qua thực hành chương trình cải tổ rộng lớn, bắt đầu từ cơ cấu cao nhất là giáo triều, các Thượng Hội đồng Giám mục và Giáo hoàng. Nhiều văn kiện Tòa thánh, ngay cả văn kiện về Giáo hội hiệp hành này, đã được xem xét nghiêm túc từ các Giáo hội địa phương. Hiệp hành đòi chương trình cải tổ từ cấp thấp nhất đến cao nhất: các Kitô hữu, gia đình, giáo xứ, giáo phận, hội đồng linh mục, ban tư vấn, tổng hội, hội đồng mục vụ, hội đồng Giám mục, thượng hội đồng, giáo triều, tất cả phải nối kết từ “cơ sở”, từ người dân và các vấn đề hằng ngày của người dân. Hình ảnh diễn tả Giáo hội hiệp hành, như Đức Phanxicô hay nói, như là một “kim tự tháp ngược”, trong đó, đỉnh nằm ở bên dưới đáy và quyền bính duy nhất là quyền bính phục vụ[28].

Trong khi triển khai ơn gọi hiệp hành đối với toàn dân Chúa, Hội thánh phải thỉnh ý và mời gọi các giáo dân, vốn là thành phần đại đa số, tham dự tích cực. Các hội nghị, công nghị, được khuyên phải quan tâm và lắng nghe cách rộng rãi cảm thức đức tin (sensus fidei) hay bản năng đức tin của Dân Chúa[29]. Họ không chỉ hòa hợp với cảm thức đức tin của người tín hữu dấn thân, mà cả với những tín hữu ở bên lề hay vùng ngoại vi Hội thánh, gồm những người nghèo, những người ở “lề trái” bất đồng với huấn quyền của Giáo hội, những người li thân, li dị, những người LGBTQ+. Sensus fidei thuộc về toàn thể các tín hữu (totius populi), nên Giáo hội phải học nhiều từ những người (tín hữu) chỉ trích, chống đối mình. Tiến hành phân định và đi đến quyết định của sensus hay consensus fidei (đồng thuận dựa trên đức tin) không thể không tránh khỏi chấp nhận có căng thẳng, bất đồng và xung đột ở một mức độ nào đó, ngay cả giữa các Giám mục tranh luận trong tinh thần cởi mở và thẳng thắn. Tiến trình hiệp hành là sự tìm kiếm chân lí của tập thể cộng đồng, chứ không phải như là dụng cụ để cai quản phần đa số Giáo hội kia.

- Trong Hội thánh, ở đâu và lúc nào cũng có những ý kiến xung khắc về giải thích, hay về thông diễn học. Công đồng Giêrusalem đầu tiên cho thấy điều đó, nhưng rốt cuộc sau nhiều tranh luận Hội thánh cũng đạt được một sự đồng thuận giữa các tín hữu (consensus fidelium). Đối thoại là phương thế nhờ đó Thánh Thần Chúa thông truyền. Làm thế nào để Hội thánh có thể thông truyền với thế giới hôm nay? Theo Đức Hồng Y Luis Tagle, các nhà lãnh đạo Hội thánh cần phải phân biệt các vấn đề (problems) vốn có thể giải quyết được, với các nan đề (dilemmas) vốn không thể giải quyết. Đứng trước các nan đề chúng ta chỉ có thể kể chuyện thôi. Kể chuyện người dân đã lội bì bõm qua những dòng nước đục ngầu của nan đề ấy như thế nào. Họ không cần được cung cấp giải pháp cho bằng một ý nghĩa, một niềm hi vọng. Nhưng mà ai có thể kể chuyện ấy? Thưa, chỉ những ai đã đi vào thế giới của câu chuyện, những người đã cởi mở với những câu chuyện đời sống người ta. Hội thánh phải mở ra với thế giới trong khi phải chấp nhận bị vấy bùn, thương tổn, mang thương tích. Cộng đoàn hiệp hành phải là câu chuyện sinh động về những gì mình loan báo. Chúng ta phải là những dấu chỉ sống động của Chúa Giêsu mà ta tuyên xưng niềm tin[30]. Các Giám mục và các nhà thần học nhất thiết phải lắng nghe các tín hữu kể câu chuyện của họ, xem họ đã đối diện với những vấn đề nan giải của họ như thế nào, tìm ra cho nó một ý nghĩa Tin Mừng, diễn tả sensus fidei của họ. Quả thật, chính trong những hoàn cảnh tương tự người ta tỏ ra không khao khát tìm giải quyết vấn đề cho bằng thấy được ý nghĩa, khích lệ và hi vọng.

- Vai trò và sự tham gia của người nữ trong đời sống của Hội thánh phải được chú ý nghiêm túc. Đức Thánh Cha Phanxicô trong khi đấu tranh vượt qua chủ nghĩa giáo sĩ trị và văn hóa lạm dụng (lạm dụng quyền lực, lương tâm và ngay cả tính dục) đã giúp phụ nữ và người trẻ có được một cái nhìn đúng đắn vị thế có trọng lượng của họ trong Hội thánh. Điều này hết sức phù hợp với triển khai thực hành tính hiệp hành và tính tập đoàn (collegiality), ngài đã đề cập nhiều lần sự tham gia tích cực của giáo dân trong các tiến trình quyết định[31]. Cách riêng, cần quan tâm đến yêu cầu ngày càng lớn phải suy xét xem có thể phong chức phó tế cho phụ nữ không và để cho người nữ có những vị trí điều hành trong các tổ chức thuộc cơ cấu giáo triều, cũng như giáo phận.

- Chú tâm nghe những tiếng nói mới và khác biệt (nhất là để thông cảm chứ không để kiểm duyệt) sẽ là điều mấu chốt trong các tiến trình hiệp hành nếu Hội thánh muốn có một tác động canh tân trên giáo huấn và thực hành của Hội thánh. Xét thấy nhiều quan điểm và tiếng nói khác nhau ta phải nhìn nhận rằng “sensus fidelium có thể là một nhân tố quyết định trong tiến trình phát triển giáo thuyết” và bởi thế, “không chỉ một mình magisterium trong toàn thể có trách nhiệm gìn giữ và thông truyền đức tin”[32]. Chúng ta có thể và nhất thiết phải thấy sensus fidelium là một cảnh vực thần học (locus theologicus) hay “lương tri của Hội thánh” như thần học Hilạp khẳng định, hay là một nguyên lí không chỉ có giá trị mục vụ mà còn có một thẩm quyền chính thức có thể thay đổi diễn tả giáo huấn của Huấn quyền Giáo hội Công giáo. Nhưng vấn đề mấu chốt là làm sao ta xác định được cái gì là thuộc sensus fidei? Ai là người tín hữu trung tín fidelis? Tinh thần hiệp hành hướng ta tìm câu trả lời cho những câu hỏi này chỉ ở cuối một quá trình dài trong thời gian đòi hỏi kiên nhẫn, không thể bị thúc ép hay phải tăng tốc. Nếu sensus fidei không đồng nghĩa với ý kiến công luận, phải là chân lí hơn là ý kiến của đa số thắng thế, thì Hội thánh phải đi sâu vào lắng nghe thực sự mọi thành viên của mình[33]. Chúng ta làm như thế “bằng cách phân định cùng với dân mình, mà không bao giờ chỉ do dân hay không cần đến dân”[34]. Điều đó bao hàm một sự tìm kiếm tiệm cận chân lí, tham gia của toàn thể và đối thoại với nhau, như thế, nói cách khác, phải chăng là chấp nhận có đa nguyên của sensus fidelium? Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho rằng Thần Khí Chúa đang hướng dẫn và quy hợp những tiếng nói dị biệt thành một hợp âm, bản giao hưởng. Giáo hội cần vượt qua sự phân cực lập trường trong nội bộ về các đề tài luân lí đạo đức. Lối đường của Giáo hội hiệp hành phải đi, vốn là một hành trình “có những lúc đầy an ủi và ân sủng” nhưng không thiếu “phiền muộn, căng thẳng và cám dỗ”[35]. Đối với Đức Giáo Hoàng, tiến trình hiệp hành đồng thời cũng là một hình thức cụ thể của Giáo hội học về hiệp thông li tâm (decentralised) và là hành trình thể hiện một phong cách tham gia (participative) và biểu quyết (deliberative) thực sự. Điều quan trọng không phải là tìm được giải đáp rốt ráo cho mọi khó khăn mà Hội thánh đang đối diện, cũng không phải là lên án những người bất đồng ý kiến với chúng ta, bởi vì “ngay cả những người có thể bị coi là đáng ngờ do những sai lầm của họ, họ cũng có phần đóng góp mà chúng ta không thể bỏ qua”[36]. Điều quan trọng là chúng ta phải biết chung sống với căng thẳng và xung đột, bằng lòng với những giải đáp xuất hiện chín muồi dần theo thời gian mà không thỏa hiệp với cám dỗ chọn lựa hấp tấp.

- Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói ở cuối Thượng Hội đồng Amazzonia vừa qua rằng ngài tin tưởng ở khả năng của Giáo hội địa phương đối đầu với những vấn đề mục vụ khó khăn của họ, rằng ngài thấy Huấn quyền (Magisterium) không nhất thiết phải can thiệp vào giải quyết mọi tranh luận về giáo thuyết, luân lí và mục vụ trong lòng của cộng đồng Kitô hữu địa phương. Một quan điểm ngài đã diễn tả hết sức rõ ràng trong hai điểm qua bức thư gần đây gửi cho các Giám mục Đức, khi ấy họ đã bắt đầu làm tiến trình công nghị quốc gia: 1) Con đường hiệp hành đổi mới con người và đổi mới Giáo hội - Đức Phanxicô nói - phải phụ thuộc vào trọng tâm sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn; 2) bất cứ tiến trình đổi mới hiệp hành nào cũng phải giữ mình khỏi những nguy hiểm làm phân cực và phân mảnh đời sống Giáo hội, phải tránh nhờ tới một sensus Ecclesiae mạnh mẽ và luôn kết nối với Giáo hội hoàn vũ[37].

Quan điểm xuất phát từ cái nhìn nhận thức luận: “Thực tế thì hơn ý tưởng” (câu nói của Đức Giáo Hoàng hay được trích dẫn).

5. Suy tư đại kết và xã hội

- Đức Giáo Hoàng cũng mời gọi ta hãy biết học hỏi những gì chúng ta cần từ “các anh em Kitô hữu khác”. Chẳng hạn, học với anh chị em Chính thống giáo về “ý nghĩa của tính Giám mục đoàn và kinh nghiệm của họ về tính công nghị”[38]. Chúng ta học được từ kinh nghiệm Anh giáo về tính công nghị diễn tả qua tuyên ngôn chung gần đây (ARCIC III)[39]. Phía Công giáo trong Ủy ban khẳng định Giáo hội Công giáo học rất nhiều từ thực hành của Anh giáo về cơ cấu giáo tỉnh đa dạng (148) và ý nghĩa tầm vóc của các giáo tỉnh (120), văn hóa tranh luận cởi mở và thẳng thắn có ở mọi cấp của Cộng đồng Anh giáo (157) và cho giáo dân và giáo sĩ một vai trò tham vấn có tính biểu quyết (deliberative) trong các tổ chức công nghị (122). Phía Anh giáo xác nhận học được từ Công giáo Rôma sự phát triển cơ cấu Giáo hội tản quyền và thái độ cởi mở sẵn sàng đón nhận ý kiến và yêu cầu của giới giáo dân. Nhưng kinh nghiệm để lại từ “di sản nghị viện” ở một số giáo tỉnh trong Giáo hội Anh giáo, các công nghị tỉnh của họ dễ đi đến tranh cãi gay gắt khi ý kiến không được nhận phân định bởi huấn quyền, nhất là khi liên quan đến vấn đề đạo đức (100). Nếu như bên Công giáo ý nghĩa của sự hiệp nhất có thể khiến bãi bỏ những gì khác biệt, cản trở một cuộc đối thoại thẳng thắn và đi đến chỗ tránh né bàn luận những đề tài gây tranh cãi trong đại hội công khai (96), thì bên Giáo hội Anh giáo lại cho tản quyền quá mức khiến xảy ra nguy hiểm của một thứ “chủ nghĩa địa phương trị” (parochialism), một điều mà chính anh em Anh giáo không chấp nhận sự độc lập quá đáng về pháp lí của các Giáo hội địa phương và giáo tỉnh, đó là một mối đe dọa cho sự thống nhất giáo lí và ơn gọi hiệp thông, trong sự phụ thuộc lẫn nhau (137).

Ở Ái Nhĩ Lan (Ireland) giáo phận Limerick đã thực hiện công nghị giáo phận năm 2016, được chuẩn bị từ hai năm trước và hướng dẫn rằng trong “một kinh nghiệm hiệp hành thì tiến trình quan trọng hơn chương trình, đường đi quan trọng hơn điểm đến, điều hành quan trọng hơn sự kiện”[40]. Kết quả là một kế hoạch hiệp hành 10 năm cho giáo phận (2016-2026) được đề ra nhằm phát huy hiệu quả biến đổi suốt một thời kì dài vẫn còn thương thảo và đều đặn có những báo cáo tổng kết về tiến bộ công việc đã làm. Trước hoàn cảnh ngày nay thiếu linh mục, giáo phận đang khảo sát các mô hình mới để làm sao điều hành cộng đoàn. Công nghị Limerick quả thực là một tiếng gọi kêu gọi một Hội thánh truyền giáo và làm sao khám phá lại “ơn gọi và trách nhiệm của mọi tín hữu đã được rửa tội”. Điều đó có nghĩa là không giới hạn Hội thánh vào “một giáo xứ chỉ gồm một số những người giáo dân dấn thân trong các vai trò, thuộc phận vụ giáo hội”[41], mà mở rộng tầm nhìn ra Giáo hội như “một cộng đoàn của các cộng đoàn” gồm cả trường học, bệnh viện, dưỡng đường, nhà tù, và cả các hội đoàn, phong trào, tổ chức tôn giáo. Có xác tín căn bản là Hội thánh chỉ là mình nếu và chỉ nếu mình phục vụ cho người khác và có khả năng ra khỏi biên giới của mình tạo nên điều mà Đức thánh cha Phanxicô gọi là “một văn hóa gặp gỡ”. Sứ mạng của Hội thánh nói tóm lại không chỉ lo cho nội bộ nhưng hướng tới làm biến đổi xã hội[42]. Hội thánh hiệp hành, vì thế, không chỉ là sự cải tổ đời sống trong Hội thánh (ad intra), nhưng là một sức lực của đà tiến ra ngoài (ad extra).

- Ngoài ra, Hội thánh hiệp hành phải chiếu sáng chứng từ của mình trong bối cảnh xã hội toàn cầu hóa ngày nay. Những thách đố gay cấn nhất mà gia đình nhân loại phải đối diện đòi hỏi chúng ta phải xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ và vun trồng thái độ đối thoại, phục vụ và hợp tác. Trước sự vô tâm và vô tín thể hiện nơi những giải pháp đầu tư cho công ích quốc gia và quốc tế, Hội thánh cần phải mở rộng không gian và những tiến hành để xây dựng lại tinh thần tham gia có trách nhiệm và liên đới. Hội thánh bước đi trên con đường cải tổ theo hướng loan báo Tin Mừng có thể đóng góp bằng sự “phục vụ xã hội” của tính hiệp hành, giúp vun trồng công lí, bình an và chăm sóc ngôi nhà chung trái đất.

- Đức Giáo Hoàng Phanxicô không tin giải đáp cho các vấn đề của Giáo hội chỉ nằm ở những cải tổ hành chánh quản trị cơ cấu. Ngược lại, ngài thấy đôi khi những giải đáp như thế lại là một sự nhượng bộ theo tinh thần thế tục ngày nay (Zeitgeist) - một não trạng thống trị của kĩ thuật, một hình thái hiện đại của chủ nghĩa Pêlagiô. Trái lại, ngài nói Giáo hội cần phải dịch chuyển đến một sự canh tân thiêng liêng và hướng tới sứ mạng Loan báo Tin Mừng. Nếu một đàng Đức Giáo Hoàng xem thấy đáng khuyến khích cơ cấu Giáo hội “li tâm”, dựa trên việc tạo thêm sức mạnh quyền quản trị và giáo huấn cho các Hội đồng Giám mục trong vùng, thì đàng khác, ngài cũng nhắc nhở các Hội thánh địa phương là thành phần của một thân thể lớn hơn, Hội thánh hoàn vũ. Việc cải tổ Giáo hội không thực hiện được ngày một ngày hai, nhưng cần thời gian để được chín muồi dần. Đó phải là kết quả của một tiến trình hướng tới cân bằng những căng thẳng để tạo nên một Hội thánh một lòng một ý[43]. Có ý kiến của một nhà thần học nêu lên rằng lộ trình chủ đạo của tiến trình hiệp hành của Hội thánh ngày càng phải mở rộng và đi sâu hơn vào mô hình hiệp hành tham gia biểu quyết (deliberative) chứ không chỉ thỉnh vấn (consultative)[44]. Viễn tượng này còn xa xôi, nhưng cái nhìn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô quả là một “cuộc cách mạng yên tĩnh” ngài cho sensus fidelium một sức nặng đúng đắn, và ngài xác tín “Hội thánh hiệp hành phải là Hội thánh của tương lai”[45].

THƯ MỤC

1. Ủy ban Thần học Quốc tế (UBTHQT), Tính hiệp hành trong đời sống và sứ mạng của Hội thánh, 02.3.2018.

2. Paolo VI, motu proprio Apostolica sollicitudo. Thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, ngày 15.9.1965.

3. Phanxicô, Evangelii gaudium, 24.11.2013.

4. D. Marmion, Una Chiesa che ascolta, in A. Melloni (a cura di), Sinodalità, EDB, Bologna 2021.

5. A. Spadaro - C.M. Galli, La sinodalità nella vita e nella missione della Chiesa, in A. Melloni (a cura di), Sinodalità, EDB, Bologna 2021.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 137 (Tháng 9 & 10 năm 2023)





[1] UBTHQT, Tính hiệp hành trong đời sống và sứ mạng của Hội thánh, 02.3.2018, 6.

[2] Ibid., s. 21.

[3] Ibid., s. 22.

[4] Ibid., s. 25.

[5] Ibid., s. 39.

[6] Ibid., s. 40.

[7] Paolo VI, motu proprio Apostolica sollicitudo. Thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, ngày 15.9.1965, giới thiệu trong AAS 57.

[8] UBTHQT, Ibid., s. 42.

[9] Cf. Ibid., ss. 49 và 55.

[10] ĐGH Phanxicô, Evangelium gaudium, s. 119.

[11] UBTHQT, Ibid., s. 70.

[12] UBTHQT, Ibid., s. 76: “Chiều kích hiệp hành của Hội thánh phải được diễn tả qua thực hành và quản trị các tiến trình tham gia khả dĩ biểu lộ sự hiệp thông năng động linh hứng cho mọi quyết định Hội thánh. Lối sống hiệp hành được diễn tả trong các tổ chức và quy trình qua các giai đoạn (chuẩn bị, cử hành, tiếp đón) dẫn đến các sự kiện công nghị Hội thánh được triệu tập ở các cấp khác nhau thực hiện tính hiệp hành nền tảng của mình”.

[13] Cf. UBTHQT, Ibid., s. 79. Tài liệu của UBTHQT phần dành riêng cho Hội thánh địa phương giải thích: “Công nghị giáo phận cũng như công nghị giáo hội Đông phương địa phương, vừa là hành động quản trị vừa là một sự kiện hiệp thông, canh tân và đào sâu ý thức đồng trách nhiệm trong Hội thánh của Dân Chúa và được kêu gọi phác thảo cụ thể sự tham gia sứ vụ của mọi thành viên theo logic “mọi người”, “một số người” và “một người”. Sự tham gia của “mọi người” cần được thể hiện qua việc thỉnh ý trong tiến trình chuẩn bị Thượng hội đồng, nhằm để có thể nghe được mọi tiếng nói diễn tả Dân Thiên Chúa trong Hội thánh địa phương. Những người tham dự công nghị giáo phận hay Thượng hội đồng với tư cách theo chức vụ, được bầu chọn hoặc được Giám mục bổ nhiệm là “một số người” được tin tưởng giao phó nhiệm vụ cử hành công nghị giáo phận. Điều căn bản là, tất cả những người tham dự cùng nhau biểu lộ một hình ảnh ý nghĩa và quân bình của Hội thánh địa phương, phản chiếu sự đa dạng của ơn gọi, thừa tác vụ, đặc sủng, khả năng chuyên môn, nguồn gốc xã hội và xuất xứ khác nhau. Giám mục, người kế nhiệm các Tông đồ và là mục tử của đoàn chiên triệu tập và chủ tọa công nghị Hội thánh địa phương, được mời gọi, với thẩm quyền của mình, thực thi tác vụ hiệp nhất và hướng dẫn đoàn chiên”.

[14] ĐGH Phanxicô, Evangelii gaudium, 24.11.2013, s. 30.

[15] UBTHQT, Ibid., s. 113.

[16] Cf. Ibid., s. 67.

[17] Cf. Ibid., s. 64.

[18] Ibid., s. 68.

[19] Ibid., s. 69.

[20] Ibid., s. 67.

[21] Ibid., s. 73. Trích Evangelii gaudium, s. 102.

[22] Cf. Ibid., s. 105.

[23] Cf. Ibid., s. 104.

[24] Cf. Ibid., s. 107.

[25] Cf. Ibid., ss. 107-108.

[26] Cf. Ibid., s. 109.

[27] Cf. Ibid., s. 113.

[28] ĐGH Phanxicô, Diễn văn dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục.

[29] UBTHQT, Ibid., s. 100; Lumen gentium, s. 12, 306.

[30] J.J. McElwee, “Cardinal Tagle: Church Should Not Look to “Idealized Past” with Nostalgia”, bài báo ngày 22.5.2015 trên trang mạng National Catholic Reporter, https://www.ncronline.org/news/world/cardinal-tagle-churchshould-not-look-idealized-past-nostalgia.

[31] “Người nữ là yếu tố tha tính trực tiếp của hệ thống giáo sĩ trị và họ có khao khát hợp tác giai ngẫu với người nam (reciprocity with men) để xây dựng hoàn cảnh mục vụ phong nhiêu hơn. Cùng với kinh nghiệm của các nữ tu sống đời sống cộng thể huynh đệ, thường xuyên phân định cộng đoàn, sống vâng phục qua “cùng nhau lắng nghe Chúa Thánh Thần”, phụ nữ nói chung có một vai trò nền tảng phải thể hiện để phát triển, cùng với những giáo dân khác ước muốn là thành phần của Hội thánh hiệp hành, những thực hành mới mẻ trong Hội thánh với linh đạo chủ chốt là lắng nghe, phục vụ mọi người, khiêm hạ và hoán cải, tham gia và đồng trách nhiệm” (N. Becquart, “Il ruolo delle donne per ripararer la Chiesa”, in Donne Chiesa Mondo. Mensile dell’Osservatore romano n. 81, luglio 2019, 5).

[32] UBTHQT, Il sensus fidei, s. 73.

[33] Cf. Giovanni Paolo II, Discorso ai vescovi della regione ecclesisatica di Pennsylvania et New Jersey [U.S.A.] in visita “ad limina apostolorum”, 11.9.2004: “Một Giáo hội học hiệp thông lành mạnh phải dấn mình tạo lập những cấu trúc tốt hơn phục vụ cho sự tham gia, thỉnh vấn và đồng trách nhiệm của Dân Chúa, không nên xem đó như một nhượng bộ cho kiểu mẫu “dân chủ” và quản trị trần thế, nhưng là một đòi hỏi nội tại (requisito intrinseco) của sự thực thi quyền bính giám mục và là một công cụ cần thiết để kiện toàn quyền bính ấy”.

[34] ĐGH Phanxicô, Thư gởi Đức Hồng Y Marc Oullet.

[35] ĐGH Phanxicô, Diễn văn kết thúc Đại hội Toàn thể Ngoại thường lần thứ III Thượng Hội đồng Giám mục.

[36] ĐGH Phanxicô, Evangelii gaudium, s. 236.

[37] ĐGH Phanxicô, Thư gửi dân Chúa đang lữ hành tại Đức quốc, 29.6.2019.

[38] ĐGH Phanxicô, Evangelii gaudium, s. 246.

[39] ARCIC III, “Cùng bước trên đường. Học làm Giáo hội - địa phương, vùng miền, hoàn vũ”, 02.7.2018, trong Regno-documenti 64 (2019)1, 16-64. Văn kiện phát hành năm 2017 bởi Ủy ban Quốc tế Anh giáo - Công giáo Rôma.

[40] E. Fitzgibbon, “Together on the Way - Pope Francis and Synodality”, in The Furrow 68 (2017) 9, 537.

[41] B. Leahy (Giám mục Limerick), “Moving Forward Together in Hope”. Limerick Diocesan Pastoral Plan 2016-2026, 5. Cf. https://bit.ly/3u0ZtQu (19.5.2021).

[42] Cf. ĐGH Phanxicô, Evangelii gaudium, s. 102.

[43] ĐGH Phanxicô, Thư gửi dân Chúa đang lữ hành tại Đức quốc, ss. 5-9.

[44] G. O’Hanlon, The Quiet Revolution of Pope Francis. A Synodal Catholic Church in Ireland?, Messenger Publications, Dublin 2018, 122.123.

[45] Ibid., 159.


https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét