Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
SUY NIỆM LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2023
(Lc 2, 1-14)
Hài nhi Giáng sinh là Vua Hòa Bình
Noel, Lễ Nửa Đêm Chúa sinh ra đời giữa trời đông giá rét, Lễ của Ánh Sáng, Chúa Giêsu là Sự Sáng sinh ra giữa đêm đông. Lời Chúa trong sách tiên Isaia loan báo : " Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền âm u sự chết... " (Is 9,1). Hỏi : Sự sáng nào đã bừng lên và miền nào là miền âm u sự chết?
Sự sáng đã bừng lên
Đọc lại hành trình của dân Chúa năm 734-732 thời Pêqakh vua Israel trước Chúa Giêsu giáng sinh, dưới sự lãnh đạo của Teglat Phalasar III, đạo quân Assyri đánh chiếm vương quốc miền Bắc, phần lớn phía Bắc đã rơi vào ách nô lệ của người Assyrie và bị bắt đi lưu đầy (x.2 V 15,29); những người còn lại phải chấp nhận cảnh nô dịch nặng nề. Năm thứ 9 đời Hôsê Samaria đã thất thủ do quân đội của Sargon (x.2 V 17,6). Đó là kết cuộc của vương quốc Israel (miền Bắc). Về phía vương quốc Giuđa nhỏ bé (miền Nam), chỉ còn giữ được một phần độc lập, nhờ chấp nhận quyền bảo hộ của quốc vương Assyri.
Đem đối chiếu với những biến cố này, Giabulon và Neptali là những chi tộc đầu tiên phải chịu sự xâm chiếm của người Assyri và phải nếm nhục nhằn của kiếp tôi đòi (x. Is 8,23); sự tang tóc và cảnh tôi mọi làm cho những miền này trở thành “miền tăm tối”, gợi lại hình ảnh “một dân đi trong tối tăm” (Is 9,1), đang bước vào miền đất lưu đày. Nay Isaia loan báo một tin vui toàn thể : “ Một hài nhi đã sinh ra cho chúng tôi... Người là “Cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa huy hoàn, Người Cha Muôn Thủa, Ông Vua Thái Bình" (Is 9,5). Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Lời sấm đã thoáng thấy sự thất bại của những kẻ đàn áp và chấm dứt những sự chinh phục của họ (Is 9,3-4). Ngôn sứ Isaia đã đặt lời hứa phục hưng đó trên viễn tượng tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa đối với dân Người (Is 9,6b)
Vua Thái Bình
Khi dân Israel lâm cảnh tăm tối như vậy, họ mong chờ Đấng Thiên Sai đến. Họ cất lên những lời nguyện cầu tha thiết : “Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng cứu đời…”. Từ đáy lòng mình, họ tin rằng khi Đấng Thiên Sai đến, thế giới sẽ hoà bình. Dân tộc được ưu tuyển sẽ ngẩng cao đầu giữa các dân. Sẽ không còn tang tóc nước mắt và đau khổ, đất sẽ tràn trề sữa và mật. Đấng Thiên Sai được chờ đợi như một vị Hoàng tử Hoà bình (x. Is 9,5).
Cách đây hơn hai ngàn năm, niềm hy vọng nuôi dưỡng bao thế hệ Do Thái đã thành hiện thực. Thiên Chúa không chỉ tiếp xúc với Dân của Ngài qua những trung gian như thời xa xưa, nhưng bằng chính Con Một mình là Đức Giêsu, Đấng muôn dân mong đợi.
Có thể người thời nay đặt câu hỏi : Sau hai mươi thế kỷ giáo huấn của Chúa Giêsu trước một thế giới lây nhiễm bởi lối sống tục hóa và vô thần thực tiễn, đâu là giá trị giáo huấn của Chúa Giêsu đối với con người hôm nay, Người đã đem lại gì cho trần gian?
Đức Cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã đưa ra câu trả lời: Chúa Giêsu đem cho nhân loại chính Thiên Chúa, và như vậy là đủ. Bởi lẽ Thiên Chúa là Đấng lấp đầy mọi khát vọng thâm sâu của con người. Không có Thiên Chúa, cuộc sống này trở nên vô nghĩa. Phủ nhận Thiên Chúa, thế gian sẽ chỉ còn lại là bãi chiến trường và là nơi đầy bạo lực chết chóc, như kinh nghiệm thực tế đã chứng minh. Nơi Chúa Giêsu, Đấng vô hình đã trở nên hữu hình, Đấng cao vời đã trở nên gần gũi. Chúa Giêsu đã khẳng định "Ai thấy Thày là thấy Cha" (Ga 14,9). Người là Đấng Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng ta.
Những người thời nay còn đặt câu hỏi: Nếu Chúa Giêsu là Hoàng Tử Bình An, tại sao thế giới vẫn tồn tại những cuộc chiến nghiệt ngã ở nhiều lĩnh vực và mức độ khác nhau, thậm chí, ngày tại quê hương của Thái Tử Hoà Bình, chiến tranh vẫn không hề vắng bóng?
Xin thưa : Hoà bình chỉ được thiết lập khi có thiện chí của con người. Trong giáo huấn của mình, Chúa Giêsu đưa ra những nguyên tắc để hướng tới hoà bình. Cốt lõi giáo huấn của Người là yêu thương, dựa trên nguyên tắc mọi người là anh chị em trong gia đình Thiên Chúa.
Chúng ta hãy lắng nghe sứ điệp hoà bình các thiên thần đã hát lên tại cánh đồng Belem năm xưa: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, hoà bình dưới thế cho người thiện tâm”. Không chỉ lắng nghe, mà mỗi tín hữu được mời gọi trở nên sứ giả, đem tin mừng Giáng Sinh đến mọi nẻo đường của cuộc sống. Liệu chúng ta có khả năng khẳng định chắc chắn với những người cùng thời rằng: Chúa đã đến và đang hiện diện giữa chúng ta. Người là Hoàng Tử Bình An. Người chúc phúc cho những ai xây dựng hoà bình, "vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa" (Mt 5,9)? Lễ Giáng Sinh chỉ có ý nghĩa, nếu chúng ta cảm nhận được sự ngọt ngào của tình Chúa tình người, thể hiện qua niềm vui đón chào Đấng Cứu thế, Đấng đang ở giữa chúng ta.
Xin ban bình an cho nhân thế
Chúng ta phải khẳng định rằng: trong thời đại hiện hôm nay, con người có lẽ cần đến Ðấng Vua Hòa Bình hơn bao giờ hết, bởi vì xã hội trong đó con người sinh sống đã trở nên phức tạp hơn, và những hăm dọa xúc phạm đến sự toàn vẹn bản thân và luân lý. Ai có thể bênh vực con người, đem lại bình an cho con người, nếu không phải là Ðấng yêu thương loài người cho đến mức độ trao ban chính Con Một là Vua Hòa Bình cho con người.
Cuộc chiến do Nga khai mào mệnh danh là “đặc biệt” kéo dài gần hai năm chưa có hồi kết cho thấy. Nhân loại đang rất cần Hòa Bình. Con người khiêm nhường cúi đầu quỳ gối xuống trước “một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,7) là Vua Hòa Bình đem bình an cho dương thế.
“Thế Giới Đang Cần Đến Hòa Bình” là một thông điệp gửi đến tất cả mọi người trên thế giới này, giữa lúc cuộc chiến giữa Nga và Ucraina ngày khốc liệt, cộng thêm cuộc chiến do Hamas châm ngòi và Israel đang trả đũa. Thế giới nói chung, Âu Châu, Trung Đông nói riêng bất an và dường như không còn dựa vào sức riêng của mình được nữa, thế giới đang cần Vua Hòa Bình hơn bao giờ hết. Chỉ có Vua Hòa Bình mới mang bình an và ơn cứu độ đến cho nhân loại.
Cùng với các Thiên Thần chúng ta vang lời ca hát và khẩn khoản nài xin : "Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiên tâm" (Lc 2,14).
Xin chúc tất cả Giáng Sinh an lành!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét