CHÚ GIẢI TIN MỪNG
CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT - NĂM B
TIN MỪNG: LC 2:22-40
Noel Quesson - Chú Giải
Khi đã đến ngày phải làm lễ tẩy uế theo luật Môsê... tiến dâng như Luật Chúa quy định... để chu toàn nghi thức theo Luật Chúa truyền...theo như những gì đã ghi trong luật... khi họ chu toàn nghi lễ, như thiên hạ thường làm theo luật.
Chắc chắn, đây không phải là ngẫu nhiên mà Luca nhấn mạnh tới 5 lần (các câu 22, 23, 24, 27? 39) về việc chu toàn lề luật. Dù là "Con Thiên Chúa" Đức Giêsu đã tuân theo lề luật của con người. Đó là nét thâm sâu và sự thật về mầu nhiệm nhập thể. Ngài không tự coi mình như “có đặc quyền". Người hành xử "như mọi người" không có gì phân biệt Người với kẻ khác. Tôi dùng thời giờ để suy niệm lâu hơn về sự khiêm hạ phi thường này, bà Thánh Phaolô gọi là : một "cuộc làm cho mình hóa ra không", một “kénose" (Pl 2,7). Đừng tự đặt mình vào số ngoại lệ. Không nên đòi hỏi những đặc quyền. Nên thực tế chấp nhận những nghịch chướng thường có trong cuộc sống, những dịch vụ không vinh dự của thân phận chúng ta.
Cha mẹ Đức Giêsu đem Người lên Giêrusalem... vào Đền thờ.
Cuộc lên đường này mang đầy ý nghĩa. Đó là đỉnh cao của "hai chương" Luca dành cho tuổi thơ của Gioan Tẩy Giả và của Đức Giêsu. Nhưng Luca hữu ý tạo cho bước đường của Đức Giêsu sự ngược với Gioan. Việc báo tin cho Da-ca-ri-a diễn ra trong khung cảnh trang trọng và huyền diệu của buổi lễ tế tự nơi Đền Thánh (Lc 1,0) nhưng Gioan con trai của ông lại ẩn mình "trong hoang địa" (Lc l,80). Còn việc truyền tin cho Maria xảy ra tại làng Na-da-rét nhỏ bé tầm thường (Ga l,46), nhưng Giêsu con trai của bà lại được nhận biết như Đấng "Mê-si-a" trong thành thánh Giêrusalem; tại Đền thờ, giữa trung tâm thành phố, nơi hiện diện kỳ diệu của Thiên Chúa (Lc 2,27 ; 2,37). Như thế là chúng ta đang dừng lại trước " trang cuối cùng" . . . kết thúc Cựu ước ! Những người Do Thái, đôi vợ chồng trẻ, đang "chu toàn lề luật Môsê”. Một cách tượng trưng, lề luật được chấm dứt với cử chỉ này sẻ không cần tới Đền thờ nữa : người ta cũng sẽ phá hủy Đền. thờ, đó là "cuộc trở lại đầy Vinh quang của Thiên Chúa giữa Dân Người" như vị ngôn sứ loan báo (Ml 3, 1-4). Nhưng Thiên Chúa đến cách đột xuất, bất ngờ biết bao "! Không khi nào Người đến như người ta chờ đợi.
Có một người tên là Si-mê-on. Ông là người công chính và sùng đạo... Lại cũng có một bà ngôn sứ tên là An-na.. Bà ở góa, đến nay đã 84 tuổi, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa trong Đền thờ”.
Không phải ngẫu nhiên mà ta thích thú nhận ra rằng, theo Luca, không phải giới có thẩm quyền như các thầy tư tế các kinh sư nhận biết Đức Giêsu.. mà là những con người tầm xoàng, nhưng kẻ nghèo khó ? Qua hai người tiêu biểu cho những kẻ "bé mọn" trên đây, thì toàn thể dân chúng thuộc "nhóm người nghèo Thiên Chúa yêu thương" đã đến gặp gỡ Đấng Cứu độ của họ. Đằng khác, điều đó cũng đã được các ngôn sứ loan báo : "Ta sẽ chừa lại giữa ngươi một dân khiêm nhu hèn mọn..:" một số nhỏ "còn sót lại (Xp 3,12 ; Is 16.14 + 30, 17,37.4 ; Gr 6,9 ; Ge 3,5) Si-mê-on và An-na tiêu biểu cho những người nghèo. Họ đều đã già cả ; thuộc hạng người mà toàn thể xã hội muốn quên bỏ không mấy trân trọng "(Kn 3,13). Hơn nữa, An-na lại là cụ già "góa bụa", nghĩa là theo ngôn ngữ Kinh thánh, là cái nghèo hiện thân, vì cụ đã mất đi tất cả những gì đảm bảo cho mình chỗ đứng trong một xã hội mà chỉ người chồng mới có quyền pháp lý. Lạy Chúa, xin biến trái tim chúng con trở nên những tâm hồn của người nghèo, để chúng con biết nhận ra Chúa, trong những dạng bề ngoài khó nghèo mà Chúa thường ẩn dấu...
Si-mê-on ẵm lấy hài nhi trên tay... Đấng Mêsia của Chúa... ơn cứu độ dành sẵn cho muôn dân... ánh sáng soi đường cho dân ngoại... vinh quang của ít-ra-en...
Thiên Chúa ưa đột xuất, dễ gây ngỡ ngàng ! Người ta mong chờ . "vinh quang", "quyền lực" ! Thì Ngài lại xuất hiện trong thân phận một "trẻ nhỏ", một bé thơ thật sự khóc oe oe, chưa biết đứng thẳng, phải bồng ẵm trên tay ! Chỉ có cụ già đó, tự để cho Đức tin và Thánh thần mở mắt mình ! Ba lần gọi tên trong bản văn, mới có thể nhận thấy được sự khám phá ra được điều đó, cần phải trở nên khó nghèo, Đức tin là một thứ nghèo khó : người ta nhìn mà không nhận biết (Ga 20,29). ấy thế mà dưới lớp vẻ bề ngoài nghịch thường bé bỏng của em nhỏ (ta nghĩ đến "hình dạng bề ngoài" của bánh mà ta lãnh nhận...), lại chính là lễ tấn phong cách công khai của Đức Giêsu "trong Đền thờ của Người" : Những tước hiệu mà hai người nghèo khó trên đây tặng cho Người , thật là ngời sáng ! Đức Giêsu – gói thịt đáng thương này (và Ngôi lời đã mặc xác phàm) lại chính là Đấng Mêsia của Thiên Chúa... "ơn cứu độ của muôn người " . . . "ánh sáng" . . . "Vinh quang" . . . "Sự giải thoát" Giêrusalem... Lạy Chúa, xin ban cho chúng con đức tin.
Những lời ông Si-mê-on nói về Hài nhi làm cho cha mẹ Người ngạc nhiên bỡ ngỡ.
Như thế, đây cũng là lời xác nhận rằng, "đức tin của cha mẹ" cũng cần phải tiến triển ! Không biết lòng tin của họ ra sao, nhưng Maria và Giuse đều rất đỗi ngạc nhiên và bỡ ngỡ trước những "tước hiệu” mà người ta gán cho con mình. Biến cố này gợi lên lòng tin của ông bà. Mười hai năm sau, tại Đền thờ này, ông bà cũng sẽ không hiểu gì (Lc 2,48-50) và vẫn còn ngạc nhiên. Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa giúp chúng con luôn được ngạc nhiên bỡ ngỡ như thế.
Ông bà đem con lên Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa... và dâng của lễ theo luật định.
Đó là hai kiểu nói Luca đã sử dụng để trình bày "nghi thức" mà đôi vợ chồng trẻ trên đây đã thi hành. Động từ Hy-lạp được dùng ở đây là (“parastènai" : "dâng hiến"), cũng chính là từ mà Phaolô sẽ dùng để nói lên thái độ căn bản của Kitô hữu. Đừng quên rằng, Luca là thư ký của Phaolô, và các bức thư đều được viết trước các Tin Mừng. Thế nên, Luca đã chủ ý dùng một ít mang ý nghĩa. "Anh em đừng hiến thân xác anh em phục vụ tội lỗi nữa, nhưng anh em hãy hiến toàn thân để phục vụ Thiên Chúa" (Rm 6,13). "Anh em hãy hiến thi thể anh em để phục vụ sự công chính, để trở nên thánh thiện" (Rm 6,19). "Thưa anh em, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thực xứng hợp để anh em thờ phượng Người" (Rm 12,1.).
Như vậy, Maria và Giuse đến thi hành trước, điều mà sau này chính Đức Giêsu sẽ thực hiện trong bữa tiệc ly và trên thập giá. . . và mọi Kitô hữu được mời gọi thể hiện trong mọi thánh lễ : hiến dâng mạng sống của mình ! "Đây là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con". Lạy Chúa, khi thông hiệp với Chúa, chớ gì con biết hiến mạng sống mình vì yêu. Để làm nổi bật hai sự việc trên chỉ là một ("tiến dâng con" và "hiến dâng của lễ"), Luca trích dẫn hai đoạn văn Kinh thánh, khi cần vẫn có thể tăng cường chiều kích "vượt qua" của trình thuật này : "Tất cả các con trai đầu lòng đều được thánh hiến dành cho Thiên Chúa" (Xh 13,2.12.15). Chúng ta hãy nhớ lại nguồn gốc của nghi thức này. Dân tộc ít ra-en làm nô lệ bên Aicập. Để chấp nhận việc giải phóng vượt qua, vua Pha-ra-ô đã phải chứng kiến mọi con trai đầu lòng thuộc xứ sở mình đều chết hết. Một của lễ chiên vượt qua ghi dấu máu nơi cửa nhà Do Thái. Và để "ghi nhớ" ngày cứu độ giải phóng này, mọi con trai đầu lòng người ít-ra-en đều thuộc về Thiên Chúa ! Muốn dẫn chúng trở lại gia đình, cần phải "chuộc lại" . Đó là biểu tượng lạ thường. Một vật thuộc về Thiên Chúa ? Muốn dân chúng trở lại gia đình, cần phải "chuộc lại". Đó là biểu tượng lạ thường. Một vật thuộc về Thiên Chúa : là một vật được hiến thánh !
Chính Đức Giêsu cũng được "hiến thánh" cách trọn vẹn ! Và việc đó được diễn ra vào "ngày thứ bốn mươi", thời gian tròn đầy.. và sau này còn có một "ngày thứ bốn mươi" nữa, để kết thúc mùa phục sinh dẫn tới biến cố lên trời làm cho sự hiện diện hữu hình của Đấng phục sinh biến khỏi. Đúng vậy, toàn bộ Tin Mừng đang nằm ở trang này. Và một cảnh vượt qua khác cũng sẽ diễn ra "ở Giêrusalem" (Lc 24, 47-52).
Phép rửa đã thánh hiến tôi cho Chúa. Biến cố đó có ý nghĩa gì đối với tôi không ?
Của lễ là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu non…
Thật là cảm động, phải không ? Nhưng coi chừng, ta có thể biến toàn thể trình thuật trên đây của Luca thành giai thoại mất thôi ! Một lần nữa, ta cần ghi nhận rằng, Luca đã không thêm bớt gì. Rõ ràng ông chỉ dựa vào những thực hành tôn giáo Do Thái hiển nhiên. Nhưng ta cũng có thể nhìn ra, tại sao Đức Giêsu lại không được miễn chước khỏi việc tuân giữ những tập tục đó. Mà thôi, đối với Luca, điều quan trọng thực sự đó là "nội dung” thần học, là "ý nghĩa" thâm sâu của các sự kiện lịch sử. Vậy ta cứ chấp nhận quan điểm của người thuật chuyện. Nào ta sẽ đọc toàn bộ bản văn mà Luca đã trích dẫn một đoạn nơi sách Lêvi (12,8) : "Nếu người mẹ không đủ khả năng kiếm đủ tiền mua con vật, thì có thể dùng đôi phim gáy hay một cặp bồ câu. Đó ! đúng là lễ vật của người nghèo. Maria đã không thể làm gì hơn được. Bà không thể trả tiền cao hơn ! Đó là điều mà Luca nhằm gợi lên cho ta, nếu ta biết đoán ra ý người viết, và ta biết rằng toàn bộ Tin Mừng của ông sẽ là "tin vui cho người nghèo (Lc 4,18). Phải, toàn bộ Tin Mừng đã nằm ở trang này, bề ngoài xem ra đầy hình ảnh dân gian. Phúc thay những người nghèo, vì nước
trời là của họ.
Được “thánh hiến" cho Thiên Chúa... điều đó không đòi hỏi những dấu hiệu huy hoàng. Mọi người nghèo trên thế giới với áo quần rách rưới, lại "xứng đáng" với Thiên Chúa và được thánh hiến... Những người nghèo được "thánh hiến" ! Tôi có kính trọng họ không ?
Cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người ít-ra-en phải hư vong hay được ơn cứu độ, cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng.
Đức Giêsu cũng là một "dấu hiệu”, một "dấu hiệu bị chống báng" , một "dấu hiệu mà người ta có thể phủ nhận" . Thiên Chúa không muốn áp đặt. Người đã trao ban tự do. Người chấp nhận " dấu chỉ tình yêu của Người có thể bị người đời chối bỏ ! Péguy sẽ nói : "Những khúm núm lụy phục của kẻ nô lệ không nói lên cho Người điều gì cả". Như thế mỗi người phải tự quyết định trước trường hợp "Giêsu” Ta có thể từ chối Ngài, nghĩa là phải hy vọng, phải quỳ xuống... ta có thể đón nhận Người, nghĩa là được ơn cứu độ được nâng lên...
Ngay tại trang này, ta đã có Đấng "Thẩm phán vũ trụ”, Đấng phân chia loài người ra làm hai trong Ngày cánh chung (Mt 25-31). Lạy Chúa xin nâng con lên. Xin giúp con biết chọn Chúa.
Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê, còn hài nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh... tiến triển...
Cuộc hành trình lên thủ đô đã kết thúc. Đôi vợ chồng trẻ lại trở về miền quê tăm tối của mình. Nhưng giờ đây, chính Thiên Chúa luôn ở cùng. Người sắp sống tại xưởng thợ nơi gia đình. Dần dần, Người sẽ tập sống làm người. Người sẽ học đời, học đi (ban đầu có thể lao đao, rồi té xuống). Người sẽ học đọc tại trường, học nghề thợ mộc... ôi thôi ! kéo cưa của cậu mới "tập sự chưa giúp được việc gì. Những, Người cứ tập tành... Người sẽ tiến bộ.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
"Con trẻ lớn lên đầy khôn ngoan "
BÀI TIN MỪNG : Lc 2, 22 - 40
I . Ý CHÍNH :
Sự việc Đức Mẹ và Thánh Giuse dâng hiến Chúa Giêsu trong đền thờ là để nói lên ý nghĩa Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa qua việc Người tỏ mình ra cho ông Simêon và bà Anna, đồng thời vừa là con người qua thân phân trẻ thơ tầm thường phải tuân theo lề luật .
II . SUY NIỆM :
1 / " Đủ ngày thanh tẩy theo luật Môisen " :
Theo luật Môisen thì người đàn bà sinh nở sẽ bị dơ trong bảy ngày nếu là con trai và dơ trong hai tuần nếu là con gái đồng thời phải kiêng cữ thêm 33 ngày nữa không được vào đền thánh cho đến mãn hạn để được thanh tẩy . Theo luật này, Đức Maria sinh con trai lên làm lễ thanh tẩy sau 40 ngày, vì thế gọi là đủ ngày thanh tẩy .
2 / “ Cha mẹ Chúa Giêsu đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng ” :
Luật dạy cha mẹ phải hiến dâng con đầu lòng cho Thiên Chúa . Nghi lễ này thực hiện vào ngày lễ thanh tẩy của cha mẹ .
3 / " Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thuộc về Chúa " :
Theo luật ( Xh 15, 2 và 12 ) thì mọi con trai đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa . Vì thế phải dâng hiến cho Người . Ở đây nói lên ý nghĩa Hài Nhi Giêsu thuộc về Thiên Chúa vì được dâng hiến để được thánh hiến cho Thiên Chúa Cha .
4 / " Và cũng dâng lễ vật cho Chúa " :
Theo luật ( Lv 12, 6 - 8 ) sản phụ phải dâng lễ vật để làm của lễ toàn thiêu và đền tội . Ở đây Maria dâng một đôi bồ câu, chứng tỏ ông bà thuộc thành phần nghèo . Việc dâng lễ vật này chứng tỏ Maria phục tùng lề luật cách khiêm tốn mặc dù Mẹ thụ thai và sinh con không theo lối thường .
5 / " Có một người tên là Simêon " :
Simêon là người công chính kính sợ Thiên Chúa và đang chờ đợi niềm an ủi của Israel .
6 / " Thánh thần cũng ở trong ông " :
Có những người trông đợi Đấng an ủi Israel, nhưng Simêon được Chúa Thánh Thần mạc khải cho ông biết cách đặc biệt và đoán chắc rằng ông sẽ không chết trước khi nhìn thấy Đức Kitô của Thiên Chúa, tức là Đấng Cứu thế .
7 / " Giờ đây, lạy Chúa, xin để cho tôi tớ Chúa đi bình an " :
Khi bế Hài Nhi trên tay, Simêon đã thốt lên bài ca mà ngày nay vẫn còn được đọc trong giờ kinh tối mỗi ngày .
Bài ca này có hai ý tưởng chính :
* Đối với ông, Chúa Cứu thế là nguồn vui cho ông nên ông xin Chúa cho ông được chết bình an .
* Đối với các dân tộc và dân Israel . Đấng cứu thế sẽ đem ơn cứu độ đến cho mọi dân tộc chứ không nguyên cho dân Israel . Ơn cứu chuộc mà Đấng Cứu thế đem đến sẽ là sự sáng muôn dân, phá tan mọi tăm tối để họ nhận thấy chân lý .
8 / " Cha mẹ Người kinh ngạc " :
Khi sứ thần hiện đến thì chưa nói rõ gì về hoạt động của Con mình nơi các dân tộc ngoại giáo, đây là lần đầu hai ông bà được nghe Simêon nói đến cho biết về hoạt động ấy thì hai ông bà đều kinh ngạc .
9 / " Trẻ này được đặt lên khiến cho nhiều người ..." :
Simêon tiết lộ cho Maria về cách thế người ta sẽ đón nhận Chúa Kitô . Người sẽ làm cớ cho nhiều người nhào xuống hay đứng dậy . Người sẽ là mục tiêu cho người ta chống đối, có nghĩa là :
+ Chúa Giêsu xuất hiện, thế giới sẽ chia làm hai phe đối chọi nhau, một phe theo và yêu mến Người, một phe chống đối và ghét Người .
+ Nhờ sự yêu ghét đó mà bộc lộ ra cái thầm kín nhất trong con người, họ là con người yêu sự thật hay gắn bó với sự dối trá và lầm lạc .
10 / " Về phần Bà, một lưỡi gươm ..."
Bà mẹ sẽ chứng kiến tất cả những chống đối đó . Vì thế mà người Mẹ sẽ bị đau khổ như gươm đâm thâu qua lòng vậy .
11 / " Lúc ấy cũng bà tiên tri Anna ..."
Bà Anna được mệnh danh là tiên tri, vì bà làm công việc uỷ lạo dân Chúa và khích lệ họ làm điều thiện .
+ Bà là người đạo đức vì bà là người luôn phục vụ đền thờ và hằng ngày ăn chay cầu nguyện .
+ Bà được Chúa Thánh Thần soi sáng nhận ra Đấng Cứu Tinh Israel, bài ca ngợi Chúa, Bà đi loan truyền cho tất cả những ai trông chờ ơn cứu độ Israel được biết .
III . ÁP DỤNG :
A / Áp dụng theo Tin Mừng :
Mầu nhiệm nhập thể : Chúa giáng sinh, liên hệ mật thiết với mầu nhiệm cứu chuộc . Chính mầu nhiệm cứu chuộc mới là niềm vui trọn vẹn của chúng ta . Ai đón nhận Chúa Cứu Thế thì được toại nguyện và được bình an ra đi như Simêon .
B / Áp dụng thực hành :
1 / Nhìn vào Đức Maria :
Maria, thụ tạo tinh tuyền nhất trong nhân loại, đã khiêm tốn chấp hành nghi thức thanh tẩy . Chúng ta là kẻ có tội lại cần phải khiêm tốn lãnh nhận Bí tích Cáo giải để được thanh tẩy tâm hồn .
2 / Nhìn vào Maria và Giuse :
- Hai Ông Bà đã chấp hành hoàn hảo mọi yêu sách của lề luật Môisen, hai Đấng đã tuân phục luật với tình yêu chứ không vì sợ hãi . Chúng ta chu toàn bổn phận, chu toàn lề luật vì mến Chúa, chứ không phải vì sợ Chúa hoặc mất sợ linh hồn .
- Hai Ông Bà ngạc nhiên khi nghe Simêon và Anna nói về Hài nhi Con mình, vì Ông Bà chưa hoàn toàn thấu hiểu mầu nhiệm sâu xa về sứ mạng của Con trẻ . Bởi thế hai Ông Bà phải tiến tới trong đức tin, và đào sâu đức tin bằng cách : " Suy gẫm mọi sự ấy trong lòng " .
3 / Nhìn vào Simêon và Anna :
Hai người suốt đời sống công chính với niềm chờ mong xem thấy Đức Kitô và đã được thấy . Chúng ta đón nhận Chúa qua các Bí tích với tâm tình yêu mến và cảm tạ .
ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN
https://giaophanphucuong.org/chu-giai-kinh-thanh/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét