Mừng vui lên
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM B : LC 1,26-38
Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, để gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
Sứ thần liền nói : “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.
Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng”. Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên bà; vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần : “Vâng, tôi đâ là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
“MỪNG VUI LÊN”
Trang Tin Mừng hôm nay là một trang hầu như ai nấy đều thuộc lòng, hay ít nhất nhớ những điểm chính yếu. Chúng ta sẽ năng gặp nó suốt Năm phụng vụ. Mỗi lần như thế, nếu chúng ta tỏ ra chăm chú thì nó sẽ không làm chúng ta chán ngán, vì nó chẳng bao giờ có thể tát cạn. Như một ngọn núi, nó có hai bên : một bên là mầu nhiệm Trinh thai nơi Ma-ri-a và một bên là mầu nhiệm Nhập thể giữa loài người. Cả hai mầu nhiệm tạo ra một lý do vui mừng khôn tả. Được lặp lại không mệt mỏi nơi kinh Truyền tin và mầu nhiệm thứ nhất của kinh Mân Côi, nó chỉ mong làm chúng ta luôn khiến lòng mình chờ đợi nếu muốn lời Truyền tin cho Đức Trinh Nữ lại trở thành một lời truyền tin hoàn toàn mới mẻ đối với chúng ta.
1. Mừng vui lên, hỡi Ma-ri-a !
Mở đầu cuộc gặp gỡ, sứ thần như muốn nói: “Hỡi Ma-ri-a, bà sắp hạnh phúc biết bao!”. Đã từ lâu người ta dịch lời chào này bằng công thức tôn kính cảm phục : “Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng bà”, hoặc “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Rất hay, rất đẹp ! Nhưng các nhà chú giải, các chuyên gia tìm hiểu Tin Mừng thì cho chúng ta lại những từ mạnh hơn mà Lu-ca đã lựa chọn: “Mừng vui lên, hỡi Người được biệt đãi, Đức Chúa ở cùng bà” (x. Bản dịch Đại kết tiếng Pháp : “Toi qui a la faveur de Dieu”, và chú thích a làm rõ).
Có lẽ đây là cách dịch đúng nhất lời đầu tiên của sứ thần. Bởi lẽ cụm từ «Người được biệt đãi» nhấn mạnh đến lòng ưu ái nhưng không của Thiên Chúa hơn là đến các hiệu quả mà lòng ưu ái đó phát sinh nơi thụ tạo (diễn tả qua cụm từ “Đấng đầy ân sủng”), đến đặc ân ban cho hơn là đến sự toàn hảo phát sinh trong tâm hồn Ma-ri-a nhờ đặc ân đó. Thành ra đây không phải là một lời chào tôn kính nhằm gây chú ý đến những công trạng của Ma-ri-a (đầy ơn phước, đầy ân sủng), song là một lời kêu gọi vui tươi nhằm loan báo tấm lòng ưu ái nhân hậu của Thiên Chúa và hé cho thấy Người sắp đến viếng thăm, cuộc thăm viếng đã được các ngôn sứ loan báo từ bao thuở. Một lời như vậy chẳng có vẻ gì là một câu mở đề tầm thường hay một kiểu chào hỏi đơn sơ lịch sự. Trái lại, nó sống động lạ lùng, và hàm chứa cách phong phú những gì sẽ nói tiếp theo. Đối với người Do-thái, âm vang của lời mời gọi thân mật ấy gợi lên cả một khung trời hy vọng, một thế giới mầu nhiệm. Đức Ki-tô phải đến với thuộc nhân của Người, ở với dân Người. Kinh thánh há chẳng tiên báo sự xuất hiện của một con trẻ huyền bí mang tên “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Emmanuel : Is 7,14; x. Mt 1,23) đó sao? Đối với Ma-ri-a con người chiêm niệm, một công thức như thế mang màu sắc và âm vang của những lời loan báo về Đấng Mê-si-a Cứu rỗi. “Mừng vui lên” : niềm vui này, đó là Thiên Chúa. “Đức Chúa ở cùng bà” : thuộc Kinh thánh, Ma-ri-a bối rối vì biết những lời như thế, vốn khai mở mọi sứ mệnh vĩ đại (Ap-ra-ham, Mô-sê, Đa-vít, I-sai-a….), sẽ dẫn tới đâu. Lu-ca hẳn phải nghĩ đến tất cả những điều này khi ghi lại lời sứ thần, và ông muốn ta cũng nghĩ như vậy lúc liền đó cho thấy, qua thái độ của Ma-ri-a, lời sứ thần thật đáng suy nghĩ, có một ý nghĩa ẩn tàng phải khám phá.
“Bà sẽ trở thành Mẹ Đấng Mê-si-a”. Sứ thần gia tăng các kiểu nói mà nhờ tập hợp lại, đã cất khỏi Đức Ma-ri-a mọi hoài nghi : lời hứa vĩ đại nhắm đến chính bà và sẽ thực hiện nhờ bà : “Này bà sẽ sinh hạ một con trai. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Người sẽ trị và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.
Để đẩy mạc khải đi xa hơn nữa, Lu-ca đặt trên môi miệng Đức Ma-ri-a câu hỏi sẽ ném chúng ta ra trước toàn thể mầu nhiệm : “Tôi còn đồng trinh mà!” - “Vâng, thưa bà, và bà sẽ mãi đồng trinh, vì Hài nhi chí thánh sắp sinh bởi bà chính là Con Thiên Chúa. Thánh Thần, quyền năng Đấng Tối Cao, sẽ tạo nên trong bà một sự sinh sản tuyệt đối độc nhất vô nhị”. Chú tâm, nhưng không bị choáng ngợp, Ma-ri-a đi thẳng đến câu hỏi thực tế : “Làm sao có chuyện ấy được?” Lúc đó cả một đợt những thì tương lai (bà sẽ sinh hạ, bà sẽ đặt tên là Giê-su, Người sẽ nên cao cả…) thình lình đứng yên với từ hiện tại lạ lùng nhất : cái đang xảy đến trong bà do quyền năng Thần Khí là con của bà đồng thời là Con của Thiên Chúa.
Chóp đỉnh của trang Tin Mừng là đây : “Hài nhi sắp sinh ra là Con Thiên Chúa”. Tất cả những gì Lu-ca đã muốn nói với ta đều nằm ở đó. Danh xưng “Con Thiên Chúa” này (mà trong Cựu Ước thường dùng theo nghĩa rộng và áp dụng cho nhiều hạng : thiên thần, vua và dân Ít-ra-en, các ngôn sứ…) được Lu-ca coi là cốt yếu và là đích điểm của tất cả ý hướng thần học của ông. Tước hiệu “Con Thiên Chúa” ấy nay mặc một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ và trổi vượt do việc thụ thai đồng trinh : được cưu mang trực tiếp do tác động của Thánh Thần chứ không do sự can thiệp của một người cha phàm trần, Đức Giê-su sẽ là Con Thiên Chúa theo một danh nghĩa đặc biệt và độc nhất. Lu-ca còn thêm một tiếng để giúp đức tin chúng ta: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Và ông cho ta nghe tiếng “vâng” bày tỏ tất cả đức tin của Ma-ri-a, tiếng vâng toàn hảo đến nỗi Thiên Chúa sẽ chẳng bao giờ nhận được một tiếng tương tự.
2. Mừng vui lên, hỡi Ki-tô hữu !
Nhưng cái cần nghe hơn cả chính là lời loan báo, là nỗi vui mừng, và kẻ cần nghe hơn cả chính là nhân loại : chúng ta đã được ban Đấng Mê-si-a, Đấng đến cứu chúng ta khỏi mọi sự dữ và khỏi mọi khốn quẫn, khỏi tội lỗi và khỏi tử thần. Và vị Cứu Chúa nầy còn bất ngờ hơn ước vọng điên cuồng nhất.
Chính Thiên Chúa sắp sinh ra từ một phụ nữ để trở nên một con người như chúng ta ! Đến bao giờ chúng ta có được ý tưởng ấy? Ý tưởng sẽ được thánh Gio-an phát biểu rõ ràng : “Ngôi Lời, vốn là Thiên Chúa, đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Vì ngay cả Cựu Ước tuy hình dung Đức Mê-si-a như Đấng được Thiên Chúa sai đến, song cũng chỉ nghĩ là con của Đa-vít, con của loài người hoàn toàn. So với các vị lập đạo khác, điểm độc đáo của Đức Giê-su là đây. Và điểm này lôi theo nhiều hậu quả.
“Thiên Chúa ở nơi chúng ta, Thiên Chúa ở với chúng ta” : niềm vui ban cho Ma-ri-a (Mừng vui lên !) là niềm vui được ban cho chúng ta khi chúng ta hiểu rằng qua Đức Giê-su (và qua Đức Ma-ri-a), Thiên Chúa ở với chúng ta đến độ nào, Thiên Chúa là cho chúng ta đến độ nào. Dẫu bóng tối trên thế gian và trên đời chúng ta dày đặc đến đâu chăng nữa, ai cất mặt trời ấy khỏi chúng ta được? Loài người chúng ta đâu có cô đơn trên trần gian, trong cuộc chiến với khổ đau, bất hạnh, với ma quỷ, tử thần ! Những kẻ yếu thế trên cõi đời ô trọc này hãy luôn nhớ rằng có một vì Thiên Chúa bên cạnh họ, về phe với họ, chia sẻ số phận của họ, để không những an ủi họ mà còn để mạnh mẽ lên tiếng chống lại bất công, và chắc chắn Người sẽ thiết lập được một trật tự thế giới mới, vì “Người cao cả…và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”. Một nhịp cầu đã bắc giữa Thiên Chúa với loài người, giữa thiên đàng với trần thế, giữa thời gian với vĩnh cửu.
Hôm nào Đức Giê-su trở nên mặt trời hơn đối với chúng ta, hôm đó là ngày Truyền tin cho chúng ta. Đôi lúc dữ dội, đôi lúc dịu dàng. Đâu là vị sứ thần đánh thức chúng ta? Đó có khi là một trang Tin Mừng hay một cuộc gặp gỡ huynh đệ tuyệt diệu. Hay là một đau khổ làm vỡ tung mọi hy vọng và mọi ảo tưởng. Thình lình chúng ta được kêu gọi chấp nhận những điều khó khăn và cao cả hơn. Hãy vui lên, Chúa ở cùng bạn, bạn sắp sinh đời mình và một phần của thế giới. Nếu bạn nói “xin vâng”!
Trong một khóa học về lịch sử đạo Công Giáo tại Việt Nam, có một học viên đã hỏi diễn giả : “Tại sao các thừa sai ngoại quốc cách đây mấy thế kỷ, với vốn liếng tiếng Việt còn ít ỏi, với kiến thức về văn hóa Việt còn sơ sài, lại đã có thể rao giảng Tin Mừng cách thành công cho tổ tiên chúng ta, đặc biệt là cho quảng đại quần chúng?” Vị linh mục diễn giả đã trả lời : “Vì Tin Mừng các vị đem đến là Tin Mừng giải thoát ! Thời ấy, trong chế độ quân chủ, vua là thiên tử, ngồi trên ngai cao, nắm quyền sinh sát thần dân, coi đất nước là gia sản của mình, của dòng họ mình, mọi cái đều là ân huệ của vua. Quan lại thì phần lớn hống hách, coi dân như cỏ (“thảo dân”), dân muốn đến xin giải quyết việc gì thì phải có “hậu lễ”. Các vị thừa sai loan báo : mọi người đều là thiên tử (con Trời), anh em với nhau, vì vị Thiên Tử chính hiệu đã đến trần gian để trở thành anh em của mọi người. Và rồi, những ông quan trở lại đạo chẳng còn hống hách với dân nữa. Vì thế nhiều kẻ đã xin theo Chúa Giê-su, ngay cả trong những thời kỳ đạo bị bắt bớ."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét