12 SỰ KIỆN ĐÁNH DẤU NĂM 2024 CỦA ĐỨC
THÁNH CHA PHANXICÔ
Vatican News
Nhìn lại năm
2024 sắp kết thúc, trang mạng Aleteia liệt kê những sự kiện đáng chú ý nhất
trong năm của Đức Thánh Cha Phanxicô...
Ngày 11/01:
Châu Phi nói không với Tuyên bố Fiducia Supplicans
Đầu năm nay,
Đức Thánh Cha đã phải đối diện với khó khăn do văn kiện Fiducia Supplicans được
công bố vào cuối năm 2023, cho phép chúc lành ngoài phụng vụ các cặp đồng tính.
Một số bày tỏ
phản đối mạnh mẽ chống lại sáng kiến này của Bộ Giáo lý Đức tin. Đặc biệt, các
giám mục châu Phi, dưới sự lãnh đạo Đức Hồng Y Fridolin Ambongo, đã công bố một
tuyên bố từ chối áp dụng văn kiện này. Vào tháng 3, lại có một trở ngại khác, lần
này trong lĩnh vực đại kết: Giáo hội Chính thống Copte Ai Cập tuyên bố ngưng đối
thoại thần học với Công giáo, với lý do được đưa ra là do sự khác biệt “quan điểm
đồng tính luyến ái”. Đức Hồng Y Fernández, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã tới
Cairo vào tháng 5 để gặp trực tiếp Đức Thượng Phụ Tawadros II, Giáo hội Chính
thống Copte Ai Cập.
Ngày 12/01:
Đức Thánh Cha bị bệnh về đường hô hấp
Trong những
tháng đầu năm 2024, Đức Thánh Cha bị bệnh về đường hô hấp buộc ngài phải hủy bỏ
nhiều cuộc gặp gỡ và giao việc đọc các bài giáo lý và diễn văn cho những người
cộng tác. Ngài đã mất một thời gian dài để phục hồi. Vào cuối tháng 3, để không
bị bệnh do thời tiết lạnh, vào những phút cuối Đức Thánh Cha đã quyết định
không đến chủ sự buổi suy niệm Đàng Thánh giá trọng thể, ở Hý trường Colosseo,
Roma, và ngài dự buổi cử hành này qua truyền hình, từ Nhà thánh Marta ở
Vatican.
Nhưng sau
đó, vào mùa thu Đức Thánh Cha đã phục hồi nhanh chóng và tiếp tục thực hiện các
chuyến tông du. Và ngài có lại được sức khoẻ ổn định, như được thấy trong các
buổi tiếp kiến và gặp gỡ, mặc dù vào đầu tháng 12, ngài bị ngã khiến cằm bị bầm
tím.
Ngày 03/4: Đức
Thánh Cha trải lòng về Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI
Trong cuốn
sách “El Sucesor - Người Kế nhiệm”, nội dung là cuộc phỏng vấn của nhà báo người
Argentina Javier Martinez-Brocal, được công bố vào ngày 03/4, Đức Thánh Cha nói
về những hồi ức của ngài về vị tiền nhiệm, Đức cố Giáo Hoàng Biển Đức XVI. Đức
Thánh Cha nói rằng đối với ngài, Đức Biển Đức là một người cha, luôn bảo vệ và
không bao giờ can thiệp vào công việc của ngài.
Phủ nhận những
người muốn gây chia rẽ giữa hai vị, Đức Thánh Cha thú nhận, trong mật nghị Hồng
y năm 2005, ngài bầu cho Đức Hồng Y Joseph Ratzinger và coi Đức Biển Đức XVI là
nhà thần học trổi vượt.
Đức Thánh
Cha cũng tiết lộ muốn một nghi thức đơn giản cho tang lễ của chính ngài, và cho
biết phần mộ của ngài đã được chuẩn bị ở Đền thờ Đức Bà Cả.
Ngày 28/4: Đức
Thánh Cha viếng thăm thành phố nổi Venezia
Đức Thánh
Cha đã dành 8 tiếng để thực hiện chuyến viếng thăm mục vụ tại Venezia, vào ngày
28/4. Đầu tiên, ngài đã đến thăm một nhà tù, sau đó gặp gỡ các nghệ sĩ nhân dịp
cuộc triển lãm nghệ thuật thứ 60, trong đó cũng có một gian hàng của Tòa Thánh
do Bộ Văn hóa của Tòa Thánh đảm trách. Tại sự kiện, Đức Thánh Cha tuyên bố “thế
giới cần các nghệ sĩ”. Và sự kiện cuối cùng tại đây là Thánh lễ. Nhân dịp này,
ngài khuyến khích người dân Venezia bảo vệ di sản sinh thái, cũng như “di sản
nhân loại của họ”.
Đức Thánh
Cha còn hai lần nữa đến thăm vùng đông bắc nước Ý: vào ngày 18/5 tới Verona để
tham dự cuộc họp mặt lớn về hòa bình ở hý trường Arena, và ngày 07/7 tới
Trieste để bế mạc Tuần lễ xã hội Công giáo lần thứ 50.
Ngày 28/5: Đức
Thánh Cha xin lỗi vì dùng từ ngữ xúc phạm
Vào những
ngày cuối tháng 5, một số trang mạng cho rằng trong buổi trao đổi riêng giữa Đức
Thánh Cha và khoảng 200 giám mục Ý ngày 20/5, ngài đã xúc phạm người đồng tính
khi dùng từ “frociaggine” trong tiếng lóng của Ý, thường có nghĩa tiêu cực,
thay vì từ “omossessualità” để chỉ sự đồng tính luyến ái.
Sau đó,
Phòng Báo chí Tòa Thánh đã đưa ra một tuyên bố khẳng định: “Đức Thánh Cha không
bao giờ có ý xúc phạm hoặc thể hiện mình bằng những thuật ngữ kỳ thị người đồng
tính, và ngài gửi lời xin lỗi tới những người cảm thấy bị xúc phạm khi ngài sử
dụng từ này, như những người khác thuật lại”.
Theo báo
Avvenire -Tương lai của Hội đồng Giám mục Ý, lập trường trên đây của Đức Thánh
Cha không có gì là mới mẻ. Huấn thị của Bộ Giáo sĩ năm 2005 dưới triều Đức Giáo
Hoàng Biển Đức XVI đã khẳng định rằng: “Tuy có lòng tôn trọng sâu xa đối với những
người đồng tính luyến ái, Giáo hội không thể nhận vào chủng viện và cho chịu
các thánh chức đối với những người có xu hướng đồng tính luyến ái tại căn, hoặc
chủ trương văn hóa đồng tính luyến ái”.
Ngày 14/6: Đức
Thánh Cha tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 về trí tuệ nhân tạo
Tham dự hội
nghị về trí tuệ nhân tạo, Đức Thánh Cha đã nói về cơ hội, mối nguy và ảnh hưởng
của trí tuệ nhân tạo: nhân loại sẽ bị kết án trong một tương lai vô vọng nếu khả
năng quyết định về bản thân và cuộc sống của họ bị tước đi khỏi con người, buộc
họ phải phụ thuộc vào sự lựa chọn của máy móc. Trí tuệ nhân tạo không thể thay
thế con người đưa ra quyết định. Ngài nhấn mạnh tính cấp thiết đặt phẩm giá con
người trở lại trung tâm theo một đề xuất đạo đức chung.
Từ ngày 02 đến
13/9: Chuyến tông du dài ngày đến châu Á và châu Đại Dương
Với 44 giờ
bay và 32.000 km di chuyển, chuyến viếng thăm dài ngày đến châu Á và châu Đại
Dương vào tháng 9 đã phá vỡ mọi kỷ lục tông du của Đức Thánh Cha. Điều đáng ngạc
nhiên nhất là vị Giáo hoàng lúc đó gần 88 tuổi dường như tràn đầy sinh lực sau
chuyến đi này.
Tại
Indonesia, Đức Thánh Cha đã khuyến khích một Giáo hội thiểu số tìm chỗ đứng của
mình bên cạnh cộng đồng Hồi giáo lớn nhất thế giới. Ở Papua New Guinea xanh
tươi, ngài đã trở thành nhà truyền giáo hòa bình chống lại nạn bạo lực đang tàn
phá đất nước. Sau đó, ngài đã thực hiện cuộc viếng thăm được cho là rất thành
công đến Đông Timor, một đất nước đa số Công giáo mà ngài ca ngợi là trẻ. Và cuối
cùng đến Singapore, nơi ngài ủng hộ sự hòa hợp giữa các tôn giáo và tôn trọng
người di cư.
Từ ngày 26 đến
29/9: Chuyến tông du khó khăn của Đức Thánh Cha đến Bỉ
Sau chặng dừng
chân mang tính biểu tượng ở Luxembourg, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện
chuyến viếng thăm Bỉ. Đó là một trong những khó khăn nhất trong triều giáo
hoàng của ngài.
Trong những
lời chào mừng tại dinh thự Hoàng gia, Nhà vua và Thủ tướng đã hỏi Đức Thánh Cha
về những vụ bê bối lạm dụng tình dục của các linh mục. Sau khi tiếp đón các nạn
nhân, Đức Thánh Cha đã thay đổi nội dung bài giảng trong Thánh lễ được cử hành
tại sân vận động King Baudouin để yêu cầu các giám mục nỗ lực chống lại tai họa
này một cách hiệu quả hơn.
Vào cuối
thánh lễ, Đức Thánh Cha tuyên bố đang mở tiến trình phong chân phước cho vua
Baudouin, vì ông phản đối việc hợp pháp hóa phá thai. Và ngài đã bị chỉ trích mạnh
mẽ trong chuyến thăm Đại học Công giáo Leuven vì lập trường “ủng hộ sự sống” của
ngài và quan điểm truyền thống về vai trò của phụ nữ.
Từ ngày 2 đến
27/10: Thượng hội đồng về tính hiệp hành
Trong suốt
tháng 10, Đức Thánh Cha đã chủ trì phiên họp thứ hai của Thượng hội đồng về hiệp
hành, trong đó 368 thành viên từ khắp nơi trên thế giới, với 25% trong số đó
không phải là giám mục, đã cùng nhau suy tư về một cách toàn diện hơn, có tính
tham gia hơn và ít giáo sĩ hơn.
Phiên họp
này được cho là kết thúc một tiến trình bắt đầu vào năm 2021, nhưng thực tế,
công việc vẫn đang tiếp diễn. 10 nhóm làm việc do Đức Thánh Cha thành lập để
nghiên cứu một số vấn đề nhạy cảm phải đưa ra kết luận vào tháng Sáu năm 2025.
Vào cuối Thượng
Hội đồng, Đức Thánh Cha đã ký Văn kiện Chung kết của các thành viên Thượng hội
đồng. Ngài mô tả Văn kiện này như một phần của “Giáo huấn thông thường của Người
kế vị Thánh Phêrô” và yêu cầu tôn trọng bản chất có thẩm quyền của tài liệu.
Ngày 22/10:
Thỏa thuận với Trung Quốc được gia hạn thêm 4 năm
Lần thứ ba,
Tòa Thánh và Trung Quốc đã gia hạn thỏa thuận mục vụ năm 2018 về thủ tục bổ nhiệm
giám mục ở Trung Quốc. Mặc dù văn bản vẫn mang tính chất tạm thời và không công
khai, nhưng hoạt động ngoại giao giáo hoàng của Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Toà
Thánh Pietro Parolin đã đạt được tiến bộ cụ thể: thỏa thuận đã được gia hạn
thêm bốn năm, thay vì hai năm.
Tại Vatican,
hiện nay các buổi tiếp kiến chung cũng được tóm tắt bằng tiếng Quan thoại, các
giám mục Trung Quốc đã tham gia Thượng hội đồng và một hội nghị chuyên đề dịp kỷ
niệm 100 năm Công đồng đầu tiên của Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc, và thỏa
thuận cho phép bổ nhiệm 5 giám mục mới.
Ngày 7/12:
Công nghị Hồng y với 20 hồng y cử tri
Đức Thánh
Cha tiếp tục thành lập hồng y đoàn bầu chọn người kế vị bằng cách triệu tập
công nghị thăng 21 hồng y, 20 trong số đó dưới 80 tuổi và do đó, có thể bỏ phiếu
trong trường hợp mật nghị. Trong Công nghị Hồng y lần thứ mười, Đức Thánh Cha
đã chọn những gương mặt phù hợp với các cuộc cải cách mục vụ khởi đầu từ năm
2013, như nhà thần học Timothy Radcliffe và Đức Tổng Giám Mục Jean-Paul Vesco của
Algeria.
Trong khi
châu Phi vẫn còn ít đại diện (2 hồng y trong công nghị này), châu Á tiếp tục
tăng, chiếm 16% đại diện và thậm chí 18% nếu bao gồm các hồng y từ Trung Đông -
Hồng y Dominique Joseph Mathieu, Tổng Giám Mục Tehran-Isfahan của Công giáo
Latinh. Trong số 140 hồng y cử tri hiện nay, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm gần 80%.
Ngày 15/12:
chọn Corsica thay vì Notre-Dame
Một lần nữa,
thích các vùng ngoại vi hơn là trung tâm, Đức Thánh Cha đã làm mọi người ngạc
nhiên khi chọn đến thăm đảo Corsica của Pháp để tham dự một hội nghị về “Lòng đạo
đức bình dân ở miền Địa Trung Hải”, trong đó các giám mục Ý, Pháp và Tây Ban
Nha cũng tham gia.
Tại Ajaccio,
Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến một “thế tục lành mạnh”, trong đó Corsica, nơi các
truyền thống Công giáo vẫn bám rễ sâu, theo ngài là một thí dụ điển hình.
Cuộc gặp gỡ
của Đức Thánh Cha với các giáo sĩ địa phương và Thánh lễ được cử hành dưới tượng
Napoléon Bonaparte đã tỏ lộ mối liên kết bền chặt giữa người dân Corsica và
Giám mục Roma. Chuyến thăm thứ ba của Đức Thánh Cha tới Pháp kết thúc bằng một
cuộc gặp khác với Tổng thống Emmanuel Macron. Trong buổi gặp, Tổng thống đã tặng
ngài một cuốn sách về việc tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét