CUỘC THĂM VIẾNG
CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG – NĂM C
(Lc 1,39-45)
Được đoạn văn phụng vụ trước, đã nói về quyền năng của Đấng tối cao sẽ “bao phủ” (episkiasei) Đức Maria (1,35) hoàn toàn giống như Đám Mây chói sáng “bao phủ” Lều tạm của Môisen (Xac 40,35), tượng trưng việc Giavê hiện diện vinh quang giữa dân Israel. Cách dùng cùng một động từ (episkiazô) trong hai trường hợp gợi lên một sự tương đồng giữa Đức Maria và hòm bia Giao ước. Luca có hiểu như thế không, chúng ta sẽ minh chứng. Thật vậy, việc thăm viếng được liên kết chặt chẽ với 1,35-36 qua việc ghi nhận bà Elizabét già cả son sẻ đã thụ thai, khai triển hình ảnh hòm bia giao ước. Trình thuật, rất mạch lạc, gồm có những nét chọn lọc khiến ta thấy tương hợp với trình thuật việc Đavit di chuyển hòm bia về Giêrusalem.
Trong cả hai trường hợp, cuộc hành trình đều tiến về Giuđêa (2Sm 6,2). cũng xảy ra những quang cảnh giống nhau: nỗi vui mừng của dân thành Giêrasalem, niềm sung sướng của bà Elizabeth và con bà, sự nhảy mừng của Đavit (2Sm 6,16) và của Gioan tẩy giả (Bible de giêrusalem dịch là tressaillement nên quá yếu, còn traduction Oecuménique de la Bible dịch là “a bondi d’allégresse” nên sát nghĩa hơn với động từ Êskirtêsen của 1,44). Sau hết tiếng kêu của dân chúng và tiếng kêu của Êlixabet: phonê (giọng nói) và kraugê (tiếng kêu) đều có ghi trong hai bản văn; người ta cũng ghi nhận: động từ anêphônêsen (1,42) diễn tả tiếng kêu của mẹ Gioan tẩy giả đã được dành riêng để chỉ những lời tung hô có tính cách phụng vụ (1Sk 16,4.5.42) và đặc biệt hơn nữa là những lời tung hô khi di chuyển hòm bia giao ước (1Sk 15,28 và 2Sk 5,13; động từ này không bao giờ được dùng trong bản LXX (70) ngoài 5 dẫn chứng nêu trên.
Hòm bia khi tiến về Giêrusalem và đó cũng là hướng đi của Đức Maria – được dựa vào nhà của Obededom (2Sm 6,10) còn Đức Maria vào nhà ông Giacaria (1,40)
Trong cả hai nhà, sự hiện diện của hòm bia và sự hiện diện của Đức Maria đều là nguồn phúc lành (2Sm 6,11-12 và Lc 1,41-42).
Và đây ta thấy những sự trùng hợp rõ ràng cụ thể hơn:
Tiếng kêu Đavít (2Sm 2,9) | Tiếng kêu của Êlisabét (Lc 1,43) |
Bởi đâu có thể xảy ra | Bởi đâu tôi được thế này |
Là hòm bia Chúa | Là Mẹ Chúa tôi |
Đến tại nhà tôi | Đến với tôi |
Sự song đối này bao hàm sự đồng hóa mẹ Chúa với hòm bia Chúa và bắt buộc hiểu chữ “Chúa” (le Seigneur) theo nghĩa siêu việt.
Điểm tương đồng sau cùng:
2Sm 6,11 | Lc 1,56 |
Hòm bia của Giavê | Đức Maria |
ở lại | ở lại |
Nhà Obededom | Với Êlisabét |
ba tháng | Chừng ba tháng |
Trong khi nó tiếp tục gợi lên sự đồng hóa điển hình giữa Đức Maria và Hòm bia, điểm tương đồng sau cùng này cũng xác nhận với chúng ta tính cách khách quan lịch sử của Lc. Phương thức biểu tượng mà ông ta dùng có thể làm cho chúng ta nghi rằng ông không ghi lại những sự kiện thực tế (x. Lc 1,2), nhưng chỉ có ý làm nổi bật các biểu tượng. Tiếng chừng (hôs) cho thấy ngay sự kính trọng của ông đối với những dữ kiện lịch sử.
Bằng chứng sau cùng: sự liên hợp này phú hợp với việc khai triển Lc 1-2. Hai chương này được xoay quanh việc Chúa Giêsu “đi lên đền thờ Giêrusalem (Lc 2,4.42; Lc 2,22) và 1Sm 6 cũng ghi lại hòm việc Hòm bia lên giêrusalem. Cũng như “hòm bia Chúa” dừng lại tại nhà Obededem, việc “mẹ Chúa” dừng lại tại nhà ông Giacaria diễn tả một chặng đường trong cuộc đăng trình tiến lên đền thánh. Trong hai trường hợp, việc lưu lại đều kéo dài suốt ba tháng, trong một ngôi nhà được chúc phúc. Sự liên lạc giữa cảnh thăm viếng với việc di chuyển Hòm bia Chúa (2Sm 6) xác nhận cùng một phương thức hành văn của Lc 1,2 (ông diễn tả các sự kiện thời thơ ấu của Chúa Giêsu bằng cách tham chiếu vào kinh thánh) và hai ý chính trong phần triển khai: Chúa Giêsu lên nơi của Ngài là: đền thờ Giêrusalem; Đức Maria, Đấng mang Chúa Giêsu là hình ảnh hòm bia giao ước.
2. Chỉ có một câu trong cảnh Thăm viếng (1,42) không có điểm tương đồng với 2Sm 6; câu đó xem ra trùng hợp với Gđt 13, 18-19:
Gđt 13,18-19 | Lc 1,42 |
Trong nữ giới | Trong nữ giới |
Có bà là diễm phúc | Có bà là diễm phúc |
Và Chúa là Thiên Chúa | Và hoa quả lòng bà |
Đáng chúc tụng thay | Đáng chúc tụng thay |
(eulogêmennos) | (eulogêmennos) |
Ở đây Chúa Giêsu là Đấng đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa: đó là một dấu hiệu có giá trị nhờ qui chiếu với những dấu hiệu khác. Nhưng nhất là điểm tương hợp này đã đánh tan lập luận chối bỏ thần tính của Đức Kitô nhân danh câu này. Người ta đã bảo chữ eulogêmenos áp dụng cho loài người, còn chữ eulogetos áp dụng cho Thiên chúa. Nếu trong Lc 1,42 Chúa Giêsu chỉ được eulogemennos, là vì Ngài được coi như một thụ tạo đơn thuần chứ không như Thiên Chúa (Plummer, Lagrange, Ceuppens). Nhưng chính trong Gđt 13,19 (bản 70), Chúa Thiên Chúa (le Seigner Dieu) được eulogemenos (và ngược lại chính bà Giuđith được eulogêtê).
3. Một vài tác giả (Stanley) ghi nhận rằng kiểu nói “mẹ Chúa” phản ảnh óc chú trọng đến Đức Maria của thời các tông đồ. Thực vậy, theo nghi lễ của triều đình Cận Đông cổ thời thì tước hiệu “mẹ chúa” đầy vinh dự đó được dành cho bà Hoàng thái hậu, là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong triều sau nhà vua. Trong chế độ đa thê, không có một bà hoàng hậu nào (vì vua cũng có nhiều vợ) có thể hưởng được một địa vị ưu tiên cách chắc chắn cho đến khi bà thành công trong việc đưa con mình lên ngôi (ví dụ bà bethsabe, mẹ vua Salomon). Vì vậy, trong một nền văn minh như thế, chính bà Hoàng thái hậu chứ không phải một bà hoàng hậu nào khác, có chức quyền cao trọng nhất sau vị hoàng đế.
Có thể lấy một ví dụ về việc ảnh hưởng của một nhân vật như thế trong sách Đanien. Trong một bữa tiệc do vua Balthazar thết đãi có một bàn tay mầu nhiệm đã viết lên tường phòng tiệc (Đn 5,1tt). Nhà vua triệu mời các nhà chiêm tinh và bói toán đến nhưng họ hoàn toàn bất lực không thể giải thích được hiện tượng lạ lùng đó, nên tất cả hàng quí tộc và nhà vua đều hoang mang. Nghe tiếng kêu kinh hãi của họ, “mẹ Chúa” liền đi vào và làm chủ tình thế tuyệt vọng đó (Đn 5,10-12).
Tương tự như thế, người ta thấy ảnh hưởng lớn của Hoàng thái hậu Bethsabec trên vua Salomon trong giai thoại vua giết anh mình là Ađonias: “Vua đứng dậy đi đón bà, cúi xuống lạy bà, rồi lên ngai và sai đặt một ngai khác cho mẹ mình và bà ngồi bên hữu vua (1V 2,19).
Những hình ảnh rút ra từ cuộc sống của triều đình Cận Đông cổ thời đó làm chứng về quyền hành của “mẹ chúa” và giúp chúng ta lượng giá được ý nghĩa tước hiệu vương giả ấy mà Lc áp dụng cho Đức Maria với tư cách là Mẹ Chúa Giêsu. Tước hiệu ấy như là một dấu chứng quí giá cho thấy Giáo hội trong thập niên 70-80 đã cung kính tôn sùng Đức Maria như thế nào. Tước hiệu ấy như muốn nói rằng Đức Maria là người đã cộng tác chặt chẽ nhất với Chúa Giêsu trong công cuộc cứu thế.
KẾT LUẬN
Qua vài nét chấm phá, Lc chỉ cho ta thấy Đức Maria là hòm bia giao ước mới, là “mẹ chúa”, là hình ảnh cột Abraham mới. Nhưng tất cả mọi tước hiệu đó chỉ làm nổi bật mầu nhiệm của Đấng mà bà đã cưu mang trong lòng, mầu nhiệm của Đấng phải chỉ là Messia Con Đấng Tối cao, nhưng siêu việt hơn thế nữa, cũng chính là Đấng Thánh, Con Thiên Chúa.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Đức Maria đon đả ra đi tiến lên miền núi. cuộc hành trình vất vả nhưng Người vẫn vội vàng. Cuộc đăng trình vĩ đại Luca trình bày luôn trong tác phẩm của ông. Phúc âm thứ ba và Công vụ sứ đồ bắt đầu từ đây. Lời của Thiên Chúa, Ngôi Lời, đi từ trời xuống thế, từ Nazareth đến Giêrusalem, từ Giêrusalem đến Giuđêa, Samaria và cho đến tận cùng trái đất, luôn luôn vội vàng, bất kể những khó khăn.
2. Đức Maria vội vã đem Chúa Giêsu đến cho người khác. Đó cũng là bổn phận đặc biệt của người Kitô hữu, Trong cuộc sống mình, chúng ta cũng phải làm chứng Chúa Giêsu luôn sống trong chúng ta và thôi thúc chúng ta gieo rắc sự vui mừng và bình an cho mọi người chung quanh trong một thế giới u buồn và tăm tối.
3. Đức Maria đã lưu lại chừng ba tháng trong nhà người chị họ cho đến khi Gioan tẩy giả chào đời. Tự nhận là “tôi tớ Chúa”, người cũng muốn làm tôi tớ mọi người. Không nghĩ đến phẩm chức cao trọng làm mẹ Thiên Chúa, Mẹ đã phục vụ, đã chứng tỏ Mẹ thật là Mẹ của Đấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ. Và ta cũng phải nói rằng vì Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu nên cũng là tôi tớ mọi người. Như thế, Mẹ tỏ cho chúng ta thấy ai muốn gần Chúa Giêsu thì cũng phải sống cuộc đời như thế.
4. Đức Maria là hòm bia giao ước mới. Người mang trong mình Đấng Thánh, mạc khải của Thiên Chúa, nguồn ân phúc, nguồn vui ơn cứu độ và trung tâm của việc phụng tự mới.
5. Hoàn toàn giống Abraham, cha các kẻ tin. Đức Maria đã tin vào lời Chúa loan báo cho mình một việc xem ra không thể được: là một trinh nữ sẽ làm mẹ. Vì mẹ đơn sơ khiêm tốn và sống gần gũi Chúa nên mẹ biết rằng không có gì mà Thiên Chúa không làm được (1,37).
6. Được sống gần Đức Maria là nguồn vui sâu xa đối với bà Elisabet và Gioan tẩy giả, vì họ linh cảm rằng Người mang đến ơn cứu độ. Mỗi ngày Đức Maria cũng mang đến ơn cứu độ cho chúng ta. Là mẹ của giáo hội (theo công đồng Vaticano II), Người lưu tâm đến mỗi con cái người, và tìm cách mang đến ơn cứu độ cho họ là Chúa Giêsu.
7. Ơn gọi của Gioan tẩy giả bắt đầu ngay trước khi sinh ra, vì việc ông nhảy mừng trong lòng bà Elisabet đã là một cuộc loan báo đầu tiên về Đấng Messia. Chúng ta cũng vậy, trước khi sinh ra, Thiên Chúa đã trao cho chúng ta một sứ mệnh đặc biệt, một vai trò độc đáo mà không ai có thể thay thế được. Do đó, cần phải để Chúa Thánh thần tác động lay chuyển như bà Êlisabet và Gioan tẩy giả để ngày càng trung thành với ơn gọi riêng biệt của mình hơn. Như thế một ngày kia chúng ta sẽ nếm được niềm vui sung mãn trong cuộc sống thiên đàng với Chúa và Đức Maria là tôi tớ trung thành của Ngài.
Học viện Giáo Hoàng Piô X Đà Lạt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét