Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
Chúng ta sống nghĩa là muốn lên đường,
muốn đạt được mục đích nào đó. Nói như các triết gia: chúng ta là “con người lữ
hành, homo viator”. Tôi là ai và tại sao tôi lại hiện diện trên cõi đời này?
Đây là câu hỏi quan trọng buộc mỗi người phải lên đường để khám phá.
Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG
CHƯƠNG I: HÀNH HƯƠNG THỜI CỰU ƯỚC
Phần 5: THÂN PHẬN HÀNH HƯƠNG
Có một
khía cạnh vô cùng quan trọng liên quan đến thân phận con người, đó là thân phận
hành hương. Ví dụ: lúc mở mắt chào đời, em bé chính thức bước vào thế giới. Rồi
lúc tập đi, bé muốn bước đến những nơi em thích. Lớn lên một chút, ngoài giờ
đến trường, cô ấy còn thích đi chơi, đi mua sắm, hoặc đi du lịch. Nhất là khi
bước vào đường đời, cả một thế giới mở ra. Có khi cô ấy phải đến những nơi này
nơi kia.
Chúng
ta sống nghĩa là muốn lên đường, muốn đạt được mục đích nào đó. Nói như các
triết gia: chúng ta là “con người lữ hành,
homo viator”. Tôi là ai và tại sao tôi lại hiện diện trên cõi đời này?
Đây là câu hỏi quan trọng buộc mỗi người phải lên đường để khám phá. Đây cũng
là tiến trình với hy vọng càng ngày với tuổi đời, chúng ta càng hiểu về thân
phận của mình hơn. Như một lữ khách, tôi không ngừng lên đường tra vấn mình là
ai, với chính mình, với nhân loại, với thế giới sống chung quanh và với những
gì siêu vượt trên đời sống quá phàm tục.
Trong
tiếng La-tinh cổ, “người hành hương”, pelegrīnus, thường được dịch là “người
khách lạ”, “người lữ hành”. Thật ra, pelegrīnus là từ được tạo nên bởi hai
thành tố: “per” nghĩa là “ngang qua”, và “ager” nghĩa là “cánh đồng”. Điều này
mang đến cho người hành hương nhiều thách đố và hy vọng. Thách đố vì trong hành
hương đòi người ta phải dấn thân, phải dám băng qua những khó khăn, chẳng hạn
về địa lý hay tâm lý. Hy vọng vì đích đến là nơi người hành hương có thể gặp gỡ
tha nhân và Thiên Chúa.
Kinh
nghiệm hành hương trên đây được Thánh Augustinô diễn tả một cách khác ở chiều
kích dân Chúa: “Hội thánh bước đi vững vàng, tiến về đường hành hương của mình,
giữa những thử thách trên đời và những an ủi của Thiên Chúa.”
Về
phương diện cá nhân, mỗi người thao thức nhận ra chính mình. Hành trình này
diễn ra mạnh mẽ nhất có lẽ ở thời tuổi trẻ. Đến thời trung niên hoặc bên kia
sườn dốc cuộc đời, nhiều người phần nào đã có câu trả lời cho riêng mình: tôi
là ai. Khi đó, cuộc sống có thể gọi là thành toàn. Ở giai đoạn này, chúng ta
được mời gọi hướng về quê hương đích thực: Quê Trời.
Có
lần tôi hỏi bà ngoại tôi rằng: “Ngoại ơi, ngoại có sợ chết không?” “Bà không sợ
chết, vì chết thì được giải thoát, được về Thiên Đàng.” – Ngoại bình thản trả
lời. Có lẽ tới một lứa tuổi nào đó, người ta thấy mình cần hành hương về
Giêrusalem ở trên trời. Đây là lời mời gọi của Chúa Giêsu và Giáo hội. Mang
thân phận hành hương, ước gì chúng ta đừng bám vào những gì là phù du nơi trần
thế. Hành trình hành hương có thể giúp ta trải nghiệm được điều này. Chỉ có
Thiên Chúa là quan trọng nhất cho cuộc đời tôi. Vào đời hành hương với đôi bàn
tay trắng; lên đường hành hương vào Thiên Quốc cũng trắng đôi tay! Đây là chân
lý.
Hoặc
nói như tác giả Prashant Kakode trong cuốn sách mang tựa đề Tỉnh Thức: “Chúng
ta bước vào cuộc đời, khoác vào mình bộ y phục cơ thể, trang điểm bằng trang
sức là những địa vị, sự sung túc hay thành công và hoá thân vào một “vai diễn”…
trong một thời gian ngắn là cuộc đời. Và khi cái chết đến, nó buộc phải để mọi
thứ lại đằng sau. Nói cách khác, mỗi người diễn phần vai tạm thời hay trải qua
một chuyến viếng thăm ngắn ngủi đến Trái đất như một người lữ khách. Chúng ta
thật sự là những người lữ hành trên hành tinh này. Thế nhưng, con người lại
tưởng mình đóng vai trò vĩnh viễn trong cuộc đời này; và cuối cùng, con người
bắt đầu đồng hóa với những vai trò ấy. Rốt cuộc, con người cảm thấy đau khổ nếu
phải từ bỏ chúng[1].
Khi
học triết học, tôi rất mê nhà triết học Gabriel Marcel. Là triết gia Công giáo
của thế kỷ XX, ông đã nối kết thân phận con người như là Homo Viator (Kẻ lữ hành) với lời dạy của Chúa
Giêsu. Chẳng hạn trong “Lời mở đầu” của tác phẩm Homo Viator, G. Marcel viết:
“Có lẽ, một trật tự ổn định chỉ có thể được thiết lập trên trái đất này nếu con
người luôn ý thức sâu sắc rằng họ đang trong tình trạng của người lữ hành”.
Trên hành trình này, ông đề cao tình yêu giữa người với người, tình yêu với
Thiên Chúa. Ước gì đây cũng là điều thú vị trên đường hành hương của chúng ta.
Mách
nhỏ khi hành hương:
-
Suy nghĩ về thân phận mỏng dòn của mình.
-
Thế nào là: “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải
cho đến khi nghỉ yên trong Chúa.” (Thánh Augustino)
-
Hành Hương giúp người lữ khách tái khám phá & điều chỉnh lại cuộc sống bản
thân.
Trích trong tập sách Ý nghĩa và lịch sử của
hành hương, Nxb Tôn Giáo, 03/2024)
[1] X. Dr. Prashant
Kakode, Tỉnh thức, Dg: First News, Nxb
Tổng hợp Tp.HCM, tr. 36.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét