BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA - CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG NĂM C
Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 2 Mùa Vọng năm C (05/12/2021) - Hoang địa và sám hối
Vào Chúa nhật thứ hai Mùa Vọng này, Lời Chúa giới thiệu cho chúng ta khuôn mặt của Thánh Gioan Tẩy Giả. Tin Mừng nhấn mạnh hai điều quan trọng: nơi Gioan hiện diện, đó là hoang địa, và nội dung sứ điệp của Thánh Gioan, đó là sám hối. Hoang địa và sám hối: Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh nhiều lần những lời này để làm cho chúng ta hiểu rằng những lời này liên quan trực tiếp đến chúng ta. Chúng ta hãy đón nhận cả hai.
Hoang địa. Thánh sử Luca giới thiệu nơi này một cách cụ thể. Ngài nói về những hoàn cảnh trang trọng và những nhân vật vĩ đại của thời đó. Ngài đề cập đến năm thứ 15 của hoàng đế Tibêriô, tổng trấn Phongxiô Philatô, vua Hêrôđê và các “nhà lãnh đạo chính trị” khác của thời đó. Sau đó, Thánh Luca nhắc đến những vị lãnh đạo tôn giáo Khanan và Caipha, những người đang phục vụ Đền thờ Giêrusalem (Lc 3,1-2). Đến đây, Thánh Luca tuyên bố: “Lời Thiên Chúa phán cùng ông Gioan trong sa mạc” (Lc 3,2). Nhưng Lời đó đến bằng cách nào? Chúng ta đã mong đợi Lời Chúa sẽ được nói với một trong những nhân vật nổi danh vừa được kể đến. Thay vào đó, một điều trớ trêu tinh tế xuất hiện nơi những dòng Tin Mừng: từ vị trí trên cao của những người quyền bính, lại bất ngờ xuất hiện trong hoang địa một người vô danh, đơn độc. Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên. Đường lối Người làm chúng ta ngạc nhiên vì nó khác với sự mong đợi của con người chúng ta; chúng không phản ánh sức mạnh và sự vĩ đại mà chúng ta dựa vào. Thiên Chúa ưa thích sự nhỏ bé và khiêm nhường. Ơn cứu độ không bắt đầu từ Giêrusalem, Athens hay Roma, nhưng trong hoang địa. Cách tiếp cận nghịch lý này mang đến cho chúng ta một thông điệp rất đẹp: quyền bính, học thức và nổi tiếng không có gì bảo đảm làm đẹp lòng Chúa, vì những điều này có thể dẫn đến kiêu ngạo và từ chối Người. Thay vào đó, cần phải có cái nghèo nội tâm, nghèo như hoang địa.
Chúng ta hãy suy nghĩ thêm về nghịch lý của hoang địa. Gioan Tẩy Giả - Vị Tiền hô - chuẩn bị sự xuất hiện của Đấng Kitô tại một nơi khó tiếp cận và đầy nguy hiểm. Ngày nay, nếu ai đó muốn đưa ra một loan báo quan trọng, người này thường đến những địa điểm ấn tượng, nơi có nhiều người, nơi có thể được nhìn thấy rõ. Trái lại, Gioan rao giảng trong hoang địa. Chính ở nơi đó, nơi khô cằn, trong không gian trống vắng và nơi hầu như không có sự sống, ở đó vinh quang của Chúa được tỏ bày, như lời Kinh Thánh đã tiên báo (Is 40, 3-4), Thiên Chúa biến hoang địa thành hồ ao, đất khô cằn thành mạch nước dồi dào (Is 41,18). Và một thông điệp đáng khích lệ khác: Thiên Chúa, nay cũng như xưa, hướng mắt nhìn đến bất cứ nơi nào có nhiều nỗi buồn và cô đơn. Chúng ta có thể trải nghiệm điều đó trong cuộc sống. Chúa thường không đến được với chúng ta khi chúng ta đang ở giữa những tiếng vỗ tay và chỉ nghĩ đến mình, nhưng Chúa đến với chúng ta trong những lúc thử thách. Người đến thăm chúng ta trong những hoàn cảnh khó khăn, lấp đầy khoảng trống nội tâm của chúng ta khi chúng ta để chỗ cho Người, trong những sa mạc hiện sinh của chúng ta.
Anh chị em thân mến, trong cuộc sống của chúng ta với tư cách là cá nhân hay quốc gia, không thiếu những giây phút chúng ta có cảm tưởng như đang ở trong sa mạc. Và đây chính là nơi Thiên Chúa tỏ hiện. Chúa thường không đến với những ai cảm thấy mình thành công, nhưng đến với những người cảm thấy mình không thể làm gì được. Và Người đến với những lời gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng: “Đừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi. Đừng nhớn nhác: Ta là Thiên Chúa của ngươi. Ta cho ngươi vững mạnh, Ta lại còn trợ giúp với tay hữu toàn thắng của Ta"(Is 41, 10). Bằng cách rao giảng trong sa mạc, Thánh Gioan đảm bảo với chúng ta rằng Chúa đến để giải thoát chúng ta và ban lại sự sống cho chúng ta trong những hoàn cảnh tưởng chừng như không thể cứu vãn, không có lối thoát. Do đó, không có nơi nào mà Chúa không muốn đến viếng thăm. Và hôm nay chúng ta không thể không cảm nhận niềm vui khi thấy Người chọn sa mạc, để đến với chúng ta trong sự nhỏ bé của chúng ta để yêu thương, và trong sự khô cằn của chúng ta để làm dịu cơn khát! Anh chị em thân mến, đừng sợ sự nhỏ bé, vì nhỏ bé không phải là vấn đề, miễn là chúng ta mở lòng với Chúa và với tha nhân. Và đừng sợ sự khô khan, bởi vì Thiên Chúa không sợ điều này, ở đó, trong sự khô khan Chúa đến thăm chúng ta!
Bây giờ chúng ta hãy chuyển sang điều thứ hai, sám hối. Thánh Gioan Tẩy Giả đã rao giảng điều đó không ngừng và với cung giọng mạnh mẽ (Lc 3, 7). Đây cũng là một chủ đề “khó chịu”. Cũng như sa mạc không phải là nơi đầu tiên chúng ta muốn đến, thì lời mời sám hối chắc chắn không phải là lời đề nghị đầu tiên mà chúng ta muốn nghe. Nói về sám hối có thể khơi dậy nỗi buồn; nó dường như khó hòa hợp với Tin Mừng của niềm vui. Nhưng điều này xảy ra khi chúng ta cho rằng sám hối đơn giản chỉ sự phấn đấu của chúng ta để nên hoàn thiện về mặt đạo đức, như thể đó là điều chúng ta có thể đạt được nhờ nỗ lực của chính chúng ta. Vấn đề nằm ở chỗ: chúng ta nghĩ mọi thứ tuỳ thuộc vào chúng ta. Và điều này dẫn đến nỗi buồn và thất vọng tinh thần. Vì chúng ta muốn sám hối, trở nên tốt hơn, vượt qua những lỗi lầm và thay đổi, nhưng chúng ta cảm thấy mình không đủ khả năng và mặc dù có thiện chí, chúng ta lại luôn vấp ngã. Chúng ta có kinh nghiệm giống Thánh Phaolô, chính từ vùng đất này, ngài đã viết: “Muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm”(Rm 7, 18-19). Như thế, tự mình, chúng ta không có khả năng làm điều tốt chúng ta muốn, vậy có nghĩa gì khi chúng ta phải sám hối?
Ở đây ngôn ngữ đẹp của anh chị em, ngôn ngữ Hy Lạp có thể giúp chúng ta hiểu động từ “sám hối”, metanoéin. Động từ này bao gồm metá, có nghĩa là vượt lên trên, và noéin có nghĩa là suy nghĩ. Như vậy, sám hối có nghĩa là suy nghĩ vượt lên trên, nghĩa là vượt lên trên những suy nghĩ thông thường của chúng ta, vượt ra ngoài thế giới quan thông thường của chúng ta. Tất cả những lối suy nghĩ đó làm giảm đi mọi thứ cho chính chúng ta, cho niềm tin của việc thấy mình tự đủ của chúng ta. Hoặc những lối suy nghĩ tự cho mình là trung tâm được đánh dấu bằng sự cứng nhắc và sợ hãi làm tê liệt, bởi sự cám dỗ nói “chúng tôi luôn làm theo cách này”, bởi ý tưởng rằng sa mạc của cuộc sống là nơi chết chóc, và không có sự hiện diện của Chúa.
Khi khuyến khích chúng ta sám hối, Thánh Gioan mời gọi chúng ta vượt ra ngoài nơi chúng ta hiện diện; vượt xa những gì bản năng nói với chúng ta và tư tưởng ảnh hướng đến chúng ta, bởi vì thực tế còn vĩ đại hơn. Thực tế là Chúa vĩ đại hơn. Vì vậy, sám hối có nghĩa là không nghe những gì làm mất niềm hy vọng, không nghe những người luôn nói rằng sẽ không có gì thay đổi trong cuộc sống. Sám hối có nghĩa là từ chối tin rằng chúng ta đã bị định sẵn để chìm vào vũng lầy của sự tầm thường. Nó có nghĩa là không quy phục trước những sợ hãi bên trong, xuất hiện đặc biệt trong những lúc thử thách để làm chúng ta nản lòng và nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ không vượt qua được, rằng mọi thứ đã sai và việc nên thánh không dành cho chúng ta. Không phải như vậy, bởi vì Thiên Chúa luôn hiện diện. Cần phải tin cậy nơi Chúa, bởi vì Người là điều vượt trên của chúng ta, là sức mạnh của chúng ta. Mọi thứ thay đổi nếu chúng ta dành cho Người vị trí đầu tiên. Chúng ta chỉ cần mở cửa để Chúa bước vào và làm những điều kỳ diệu. Chỉ như sa mạc và lời của Gioan là đủ để Chúa đến thế gian.
Chúng ta hãy cầu xin ân sủng để tin rằng với Chúa, mọi thứ sẽ thay đổi, rằng Người chữa lành nỗi sợ hãi của chúng ta, chữa lành vết thương của chúng ta, biến những nơi khô cằn thành suối nước. Chúng ta cầu xin ân sủng của hy vọng. Vì hy vọng làm sống lại đức tin và khơi lại lòng bác ái. Bởi vì đó là hy vọng mà các sa mạc của thế giới ngày nay đang khát.
Và trong lúc cuộc gặp gỡ này đổi mới chúng ta trong niềm hy vọng và niềm vui của Chúa Giêsu, và tôi vui mừng khi được ở giữa anh chị em, chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ giúp chúng ta, giống như Mẹ, trở nên những người gieo rắc hy vọng, những người gieo niềm vui xung quanh chúng ta, không chỉ vào lúc này, khi chúng ta hạnh phúc và ở cùng nhau, nhưng hàng ngày, trong những sa mạc nơi chúng ta hiện diện. Vì chính nơi đó, với ơn Chúa, cuộc đời chúng ta được mời gọi sám hối. Ở đó, trong sa mạc nội tâm hoặc sa mạc bên ngoài, sự sống được mời gọi nở hoa. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng và can đảm để đón nhận sự thật này.
Nguồn: vaticannews.va/vi/
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 2 Mùa Vọng năm C (09/12/2018) - Hành trình hoán cải
Anh chị em thân mến,
Chúa nhật trước phụng vụ mời gọi chúng ta sống thời gian mùa Vọng và chờ đợi Chúa với thái độ tỉnh thức. Chúa nhật thứ hai mùa Vọng hôm nay, phụng vụ chỉ rõ cho chúng ta biết làm thế nào để sống sự chờ đợi này cách thật sự và có ý nghĩa: đó là bắt đầu một hành trình hoán cải. Bài Tin mừng hôm nay giới thiệu với chúng ta nhân vật Gioan Tẩy giả như là người hướng dẫn cho cuộc hành trình này. Thánh Gioan đi khắp vùng ven sông Giordan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3,3). Để miêu tả sứ vụ của thánh Gioan Tẩy giả, thánh sử Luca dùng lời tiên tri cổ xưa của ngôn sứ Isaia: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải san cho phẳng” (cc. 4-5).
Để dọn đường cho Chúa đến, cần phải nhận thức về các yêu cầu đòi hỏi hoán cải mà thánh Gioan Tẩy giả mời gọi chúng ta. Trước hết, chúng ta được kêu gọi san bằng những hố sâu tạo nên bởi sự lạnh lẽo dửng dưng và thờ ơ, bằng cách cởi mở với tha nhân trong cùng những tâm tình của Chúa Giêsu, nghĩa là với tình thân mến và sự quan tâm huynh đệ, lo lắng cho nhu cầu của người anh em. Và tất cả những điều được làm với một sự quan tâm chú ý đặc biệt dành cho những người nghèo khổ nhất. Tiếp đến, chúng ta cần san phẳng bao nhiêu cay đắng khắc nghiệt cứng cỏi gây ra bởi lòng kiêu hãnh và tự hào, bằng cách thực hành những cử chỉ hòa giải cụ thể với anh em của chúng ta, cầu xin tha thứ những lỗi lầm của chúng ta. Thật không dễ dàng để xin tha thứ và hòa giải vì chúng ta thường nghĩ xem ai phải là người đi lên tiếng trước. Chúa sẽ giúp chúng ta trong việc này nếu chúng ta có thiện chí. Trên thực tế, sự hoán cải được thực hiện hoàn toàn nếu nó giúp nhìn nhận cách khiêm tốn những sai lầm, bất trung và thiếu sót của chúng ta.
Người tin là người, qua việc đến gần với anh em, như thánh Gioan Tẩy giả mở những con đường trong hoang địa, nghĩa là chỉ ra những chiều kích hy vọng ngay cả trong những hoàn cảnh sống không thể chịu đựng nỗi, thể hiện qua những thất bại gục ngã. Chúng ta không thể đầu hàng trước những tình cảnh tiêu cực khi người ta đóng kín lòng mình và chối từ người khác; chúng ta không được để cho mình chịu ảnh hưởng bởi não trạng của thế gian, bởi vì Chúa Giêsu và lời ánh sáng, tình yêu và an ủi của Người là trung tâm cuộc sống chúng ta. Thánh Gioan Tẩy giả đã mạnh mẽ, kiên quyết và cứng rắng mời gọi người dân cùng thời với ngài hoán cải. Tuy nhiên thánh nhân biết lắng nghe, biết thực hiện những cử chỉ nhẹ nhàng dịu dàng và tha thứ dành cho đám đông những người đến với ngài để xưng thú tội lỗi của họ và để lãnh nhận phép rửa sám hối.
Chứng tá cuộc sống của Thánh Gioan Tẩy giả, sự trong sáng trong lời loan báo của Người và lòng can đảm loan báo sự thật đã thành công trong việc đánh thức sự chờ đợi và niềm hy vọng Đấng Cứu Thế từ lâu đã bị mê ngủ. Ngày hôm nay cũng thế, các môn đệ của Chúa Giêsu được mời gọi là những chứng nhân khiêm nhường nhưng can đảm để thắp sáng lại niềm hy vọng, để giúp hiểu rằng dù cho tất cả, vương quốc của Thiên Chúa tiếp tục được xây dựng mỗi ngày với sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Làm thế nào chúng ta giúp người khác nhận ra Chúa đến qua thái độ sống của chúng ta?
Xin Đức Trinh nữ Maria giúp mọi người dọn đường cho Chúa từng ngày, bắt đầu từ chính chúng ta, và để rắc gieo xung quanh chúng ta, với sự kiên nhẫn ngoan cường, những hạt giống của hòa bình, công lý và tình huynh đệ.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 2 Mùa Vọng năm C (06/12/2015) - Tại sao chúng ta phải ăn năn sám hối?
Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Trong Chúa Nhật thứ hai mùa Vọng, phụng vụ của Giáo hội cho chúng ta nghe lời rao giảng của Gioan Tẩy giả, kêu gọi “người ta chịu phép rửa tỏ lòng ăn năn sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3,3). Chúng ta cũng phải hỏi mình rằng: “Tại sao chúng ta phải ăn năn sám hối? Hành vi hoán cái khiến một người từ vô thần trở thành người có niềm tin, từ kẻ tội lỗi trở thành người biết làm những việc tốt lành, thánh thiện. Nhưng không phải chúng ta đã là những Kitô hữu rồi sao? Như vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta phải nhận ra hệ quả tất yếu của giả định mà tôi vừa nêu ra: phải ăn năn sám hối. Đừng cho rằng mọi sự đều ổn và chúng ta không cần phải hoán cải. Tuy nhiên, chúng ta thử hỏi mình xem trong những hoàn cảnh và tình huống khác nhau của cuộc sống, chúng ta có hành xử như Đức Giêsu chưa? Khi phải chấp nhận những điều sai trái, không công bằng hay khi bị lăng nhục, chúng ta có thể hành xử mà không mang trong lòng sự hận thù nhưng lại sẵn sàng tha thứ cho người nài xin chúng ta? Khi được mời gọi chia sẻ niềm vui và đau khổ, chúng ta có biết chân thành khóc với những ai đang than khóc và biết vui cười với những ai đang vui cười không? Khi chúng ta diễn tả đức tin của mình, chúng ta có biết diễn tả với sự can đảm và đơn sơ chứ không cảm thấy xấu hổ về Tin Mừng không?
Ngày hôm nay, tiếng hô của Gioan Tẩy Giả vẫn còn mãi vang vọng trong những hoang địa nhân sinh, khi người ta có một não trạng luôn đóng kín và những con tim chai cứng. Chúng ta cũng phải khỏi mình rằng liệu trong thực thế chúng ra có đang bước đi trên con đường ngay chính, có đang sống theo Tin Mừng hay không. Ngày hôm nay, Gioan Tẩy Giả cảnh tính chúng ta với những lời của tiên tri Isaia: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để người đi.” Đây là một lời mời gọi cấp bách, thúc dục mở cửa tâm hồn và đón nhận ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta, vì muốn tất cả chúng ta được tự do khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Ơn cứu độ được trao ban cho tất cả mọi người, cho tất cả mọi dân tộc, không trừ một ai, vì Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng Trung Gian Duy Nhất.
Do đó, mỗi người chúng ta được mời gọi để làm cho nhưng người chưa biết Đức Giêsu được nhận biết Ngài: khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cor 9,16), thánh Phaolo đã tuyên bố như thế. Còn với chúng ta, Đức Giêsu đã biến đổi cuộc đời chúng ta, thì tại sao chúng ta lại không cảm thấy say mê để làm cho những người mà chúng ta gặp gỡ nơi làm việc, nơi trường học, công sở, bệnh viện… được nhận biết Đức Giêsu? Nếu để ý xung quanh, chúng ta sẽ thấy rất nhiều người luôn sẵn sàng để bắt đầu hoặc bắt đầu lại hành trình đức tin của mình nếu người đó gặp được những Kitô hữu thật sự yêu Đức Giêsu. Chúng ta không phải và không thể là những Kitô hữu đó sao? Chúng ta phải can đảm bạt cho thấp những núi đồi ngạo mạn và ghanh ghét, lấp cho đầy những thung lũng thờ ơ và lãnh đạm, sửa cho thẳng những con đường biếng nhác và thỏa hiệp.
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta phá vỡ những hàng rào ngăn cách và chướng ngại cản trở chúng ta ăn năn hoán cải, cản trở chúng ta bước đi trên con đường gặp gỡ Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa, chỉ có Đức Giêsu mới có thể lấp đầy những hy vọng của con người mà thôi.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 2 Mùa Vọng năm C (09/12/2012) - Tiếng và Lời
Anh chị em thân mến,
Trong Mùa Vọng phung vụ đặc biệt nêu bật hai gương mặt chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến: đó là Đức Trinh Nữ Maria và thánh Gioan Tẩy Giả. Hôm nay thánh Luca giới thiệu với chúng ta Gioan Tẩy Giả, và giới thiệu người với các sắc thái khác với các Thánh sử khác. “Tất cả bốn Phúc Âm đặt để gương mặt của Gioan Tẩy Giả vào đầu sinh họat của Đức Giêsu và giới thiệu ông như là vị tiền hô. Thánh Luca đã để vào đàng sau việc nối liền hai gương mặt ấy và sứ mệnh của các vị… Trong việc thụ thai và sinh ra, Đức Giêsu và Gioan đã được đặt trong tương quan với nhau” (Thời thơ ấu của Chúa Giêsu, 23). Việc sắp xếp này giúp hiểu rằng Gioan, như là con của ông Dakharia và bà Êlidabét, cả hai đều thuộc gia đình tư tế, không chỉ là vị ngôn sứ cuối cùng, mà cũng diễn tả toàn chức tư tế của Cựu Ước, và vì thế chuẩn bị con người cho việc phụng tự tinh thần của Tân Ước, được Chúa Giêsu khai mào (x. ibid, 27-28). Ngoài ra, thánh Luca đánh đổ mọi kiểu đọc huyền thoại, mà người ta thường làm đối với các Phúc Âm, và đặt để cuộc sống của vị Tẩy Giả vào trong lịch sử khi viết: “Vào năm thứ mười lăm thời hoàng đế Tibêrio, trong khi Ponzio Pilatô làm tổng trấn… dười thời các thượng tế Anna và Caipha” (Lc 3,1-2). Bên trong khung cảnh lịch sử này được đặt để biến cố vĩ đại đích thực, là việc sinh ra của Chúa Kitô, mà các người thời đó đã không nhận ra. Đối với Thiên Chúa, các kẻ lớn lao của lịch sử làm khung cho các người bé nhỏ.
Thánh Gioan Tẩy Giả tự định nghĩa mình như là “tiếng kêu trong sa mạc: Hãy dọn đường cho Chúa, hãy uốn thẳng các lối đi của Người” (Lc 3,4). Tiếng loan báo lời, nhưng trong trường hợp này, Lời của Thiên Chúa đi trước, trong nghĩa chính nó xuống trên Gioan, con của Dakharia, trong sa mạc (x. Lc 3,2). Như thế, ông có một vai trò lớn, nhưng luôn luôn để phục vụ Chúa Kitô. Thánh Agustino chú giải rằng: “Gioan là tiếng. Nhưng về Chúa trái lại người ta nói: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời” (Ga 1,1). Gioan là tiếng nói qua đi, Chúa Kitô là Lời vĩnh cửu đã có từ ban đầu. Nếu lấy đi lời khỏi tiếng, thì còn lại cái gì? Một tiếng mơ hồ. Tiếng không lời đánh động thính giác, nhưng không xây dựng con tim” (Diễn văn 293,3; PL 38,1328). Chúng ta có bổn phận lắng nghe tiếng nói ấy để dành chỗ trong con tim cho Chúa Giêsu và đón tiếp Người là Lời cứu rỗi chúng ta. Trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy chuẩn bị để nhìn thấy, với con mắt đức tin, ơn cứu độ của Thiên Chúa trong Hang Đá nghèo hèn Bếtlêhem (x. Lc 3,6). Trong xã hội tiêu thụ, trong đó người ta thử tìm niềm vui trong các sự vật, vị Tẩy Giả dạy cho chúng ta biết sống một cách nòng cốt, để Giáng Sinh không chỉ là một lễ bề ngoài, nhưng như lễ của Con Thiên Chúa đến để đem tới cho nhân loại an bình, sự sống và niềm vui đích thực.
Chúng ta hãy phó thác con đường đến gặp Chúa của chúng ta cho sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ Maria, Đức Nữ Trinh của Mùa Vọng, để sẵn sàng đón tiếp trong tim và trong toàn cuộc sống Đấng Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 2 Mùa Vọng năm C (06/12/2009) - Lời của Chúa đáp xuống ông Gioan
Anh chị em thân mến,
Vào Chúa nhật thứ hai Mùa Vọng, phụng vụ trưng bày đoạn văn Tin mừng trong đó ra như thánh Luca trình bày khung cảnh mà Chúa Giêsu sắp xuất hiện và khai mạc sứ vụ công khai (xc. Lc 3,1-6). Thánh sử dồn chú ý đến ông Gioan Tẩy giả, vị tiền hô của Đấng Mêsia, và mô tả chính xác những chi tiết không gian và thời gian mà ông thực hiện cuộc rao giảng. Thánh Luca viết như sau: "Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philippê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônit, Lisania làm tiểu vương miền Abilên, Khanna và Caipha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa" (Lc 3,1-2). Có hai điểm đáng chúng ta lưu ý. Thứ nhất, thánh sử muốn cho người đọc hoặc người nghe hãy lưu ý rằng Tin mừng không phải là một truyền kỳ nhưng là tường thuật một lịch sử có thật, đó là đức Giêsu Nadarét là một nhân vật lịch sử được xen vào một bối cảnh chính xác. Một yếu tố thứ hai đáng để ý là, sau phần dẫn nhập với chiều kích lịch sử bao quát, chủ từ trở nên "lời của Chúa" được giới thiệu như là một sức mạnh từ trời cao đáp xuống ông Gioan Tẩy giả.
Ngày mai là lễ kính thánh Ambrôsiô, vị đại giám mục thành phố Milano. Tôi xin trích dẫn lời chú giải của ngài về đoạn Tin mừng viết như sau: "Con Thiên Chúa, trước khi quy tụ Hội thánh, trước hết đã tác động trên một tôi tớ khiêm hạ. Vì thế thánh Luca nói rằng Lời của Chúa đáp xuống ông Gioan, con ông Dacaria ở trên hoang địa, bởi vì Hội thánh khởi đầu không phải do loài người nhưng là do Lời Chúa (Diễn giảng Tin mừng Luca, 2,67). Ý nghĩa là như thế này: chính Lời của Chúa là chủ động của lịch sử, linh hứng cho các ngôn sứ, chuẩn bị cho đấng Mêsia, quy tụ Hội thánh. Đức Giêsu là Lời của Chúa trở thành người phàm trong cung lòng trinh nữ Maria: nơi Đức Giêsu Thiên Chúa đã mạc khải chính mình trọn vẹn, đã dạy dỗ chúng ta, đã ban phát tất cả, bằng cách mở rộng những kho báu của chân lý và tình thương. Thánh Ambrôsiô viết tiếp: "Vì thế Lời Chúa từ trời xuống, ngõ hầu trái đất, trước kia là hoang địa, phát sinh ra những hoa trái cho chúng ta".
Các bạn thân mến. Đức Trinh nữ Maria là hoa trái tuyệt đẹp nhất do Lời Chúa gieo trồng. Người là quả đầu mùa của Hội thánh, là hoa viên của Thiên Chúa trên trái đất. Nhưng trong khi đức Maria là kẻ vô nhiễm - mà chúng ta sẽ mừng lễ vào ngày thứ ba - còn Hội thánh thì cần phải được thanh luyện không ngừng, bởi vì tất cả các phần tử đều bị tội lỗi tấn công. Trong Hội thánh luôn luôn có sự giao tranh giữa hoang địa và hoa viên, giữa tội lỗi làm mặt đất khô cằn và ân sủng tưới gội để nó trổ sinh hoa trái thánh thiện. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Thánh Mẫu giúp chúng ta trong mùa Vọng này, biết uốn thẳng những lối đi của mình, để cho Lời Chúa hướng dẫn.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét