Trang

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

1 TUỲ BÚT CỦA KẺ HÀNH HƯƠNG - SỐ 01



TUỲ BÚT CỦA KẺ HÀNH HƯƠNG - SỐ 01

Toàn vẹn Ki-tô giáo không phải là ý tưởng của chúng ta, mà là ý tưởng của Thiên Chúa. Thiên Chúa thúc đẩy chúng ta lớn lên và trở thành con người trọn vẹn, động lực nội tâm uyên sâu vươn lên hoàn thiện truyền hứng cho cho tâm hồn, thôi thúc con tim để Thiên Chúa hiện diện ngày càng viên thành trong bản thể nhân loại. Đúng ra, sự thánh thiện là thuộc tính của Thiên Chúa, chỉ một mình Người mới lấp đầy nỗi khát vọng toàn vẹn. Chính trong sự tôn thờ và biết ơn Thiên Chúa, mọi hiện hữu đáp lại tình yêu vô tận, và nói lên tâm tư muốn nối kết chặt chẽ với Thiên Chúa. Trong khi đi tìm đến nguồn hạnh phúc, tâm hồn Ki-tô hữu được hướng dẫn sống cách hài hoà hơn và toàn nhập tiệm tiến với tình yêu đại ngã. Thánh thiện toàn vẹn có một tiến trình tương tác năng động giữa bản chất hướng nội tâm để hiểu rõ bản thể và phóng chiếu nỗi khát khao nên thánh toàn vẹn lên mọi thụ tạo tương tác trong dòng thời gian.

Kinh Thánh diễn tả  cố gắng nên thánh toàn vẹn chỉ có một con đường duy nhất đó là noi gương tình yêu của Thiên Chúa. Thánh Matthew đã thuật lại trong Bài Giảng Trên Núi: mục đích đời sống Ki-tô hữu là yêu thương như Thiên Chúa yêu thương. Và cũng tình yêu hiền phụ ấy, khoan dung vô biên ấy, Thiên Chúa cho mặt trời mọc lên soi sáng người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa đổ xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương (x. Mt 5, 45- 46). Chúa Giêsu đã khẳng định các môn đệ phải nên thánh như Thiên Chúa là đấng thánh, bằng cách yêu thương tất cả mọi người và không loại trừ ai.

Kiến thức về Thiên Chúa sẽ mơ hồ, khó viện dẫn nếu thiếu sự mở rộng của con tim, căn bản của sự thánh thiện Ki-tô giáo. Để nên hoàn thiện trong đời sống Công giáo thì không ngững mở rộng ranh giới của con tim. Khi tình yêu không giới hạn chiều kích hẹp trong phạm vi một dân tộc, sắc tộc, ngôn ngữ, tập quán, giới tính và giai tầng xã hội thì sẽ càng có nhiều người - dù không liên hệ đến chúng ta trên bình diện dòng tộc, niềm tin hay quốc tịch - có thể tìm thấy được tình yêu trong ý nghĩa cao đẹp vốn có. Ki-tô hữu càng trở nên thánh thiện, thì khái niệm “kẻ thù”, “đấu tranh”, “xung đột”, “khủng bố”...sẽ ngày càng ít xuất hiện trong các bản tin dân sự. Tình yêu đòi buộc đi vào sâu trong bản thể, giao hảo và yêu mến những thành phần tiềm ẩn nơi bản thân mà đôi khi ta xem như “kẻ thù”. Lời mời gọi nên thánh là lời hiệu triệu hướng lên sự hoàn thiện trọn vẹn cả chiều sâu nội tâm và tương quan ngoại tại.

Trong câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho người bị quỷ ám làng Ghêrasa cho thấy một tình trạng rất thực trong đời sống: sự chia cắt nội tâm, tách lìa tương tác ngoại giới lành mạnh tạo thành những đổ nát bên trong nội tâm, có thể cản trở ta thiết lập tương quan yêu thương với đối nhân ngoại tại. Người đàn ông ấy bị giam hãm trong sự tê liệt, hỗn loạn và đau đớn bên trong cũng như bên ngoài. Trong lịch sử cuộc đời mình, ông không thể vươn tay chạm đến người khác và cũng không để người khác chạm đến mình. Nhiều khi, chính chúng ta cũng mang nặng những mặc cảm tổn thương đổ nát như thế, rồi chúng ta cảm thấy như bị túng thiếu hay ngược đãi. Cảm xúc lộn xộn ấy có thể tạo nên tạp niệm, đè nén tiềm thức tích cực, đồng thời làm trỗi dậy những suy nghĩ, cảm xúc, ứng xử trong những hoàn cảnh bất ổn, ngấm ngầm phá hoại mọi nỗ lực trong việc thiết lập  những mối tương quan trưởng thành và thân mật với người khác. Như người đàn ông làng Ghêrasa, sống chung mồ mả, đầy kích động, thì chính ta với phân mảnh tâm hồn xáo động triền miên cũng chứa đầy trong lòng những xung đột và chiến sự nội tâm làm ta không còn năng lực hướng ngoại để yêu thương người khác. Thiếu lòng yêu thương bản thân và khuynh hướng ruồng rẫy bản thân là những nguyên nhân cản trở chúng ta yêu thương tha nhân. Vì, những gì nơi bản thân ta mà còn bị từ khước thì ta cũng khó có thể chấp nhận yêu thương người khác.

Trước khi có thể yêu thương, người ta cũng cần hiểu biết sự tự đảm nhiệm. Tự đảm nhiệm liên quan đến  việc biết mình và hiểu mình. Trên thực tế, tự đảm nhiệm là biết những gì diễn ra bên trong nội tâm của chúng ta: biết mình là ai, tại sao lại chọn điều này mà không phải điều kia, tại sao phải làm việc này; rồi ta biết được những cảm xúc và ước muốn của mình. Nói cách khác, tự đảm nhiệm đòi hỏi chúng ta phải biết phản tỉnh  để nắm bắt được những dòng hải lưu và sóng ngầm trong đời sống chúng ta. Siêu việt hoá bản thể bắt nguồn nơi sự hoán cải, thay đổi tầm nhìn và những lựa chọn của mình từ thấp hèn nơi các thụ tạo hoán chuyển trở về với Thiên Chúa. Toàn thể đời sống Ki-tô hữu quy hướng về tự đảm nhiệm để hiểu bản thân và siêu việt hoá để sẵn sàng tham gia vào sứ vụ của Chúa Ki-tô bằng cách thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa đối với người khác.

Trong danh sách đề cử Oscar và Quả cầu vàng 2016, bộ phim “Son Of Saul” ( tạm dịch: Con trai của Saul) gần như không có đối thủ. Sức mạnh của bộ phim đến từ Đông Âu này thống lĩnh các giải thưởng nhờ giá trị lớn lao cả về nội dung và nghệ thuật. Đạo diễn László Nemes thể hiện số phận của một cá nhân, một nhóm người, trong một bối cảnh hẹp: cảnh về xác chết, máu chảy, người la hét, trần truồng… vô cùng khủng khiếp chỉ được hiện lên mờ nhòa. Điều này giúp bộ phim bớt đi phần rùng rợn, kinh dị để làm nổi bật nhân vật chính và câu chuyện. Đây không chỉ là một bộ phim thuần tuý về chủ đề Holocaust. Trong “Son of Saul”, chủ đề này được nhìn ở một góc mới, thông qua câu chuyện của một nhóm tù nhân Do Thái sống trong trại tập trung khét tiếng Auschwitz. Nhân vật chính Saul cùng những người tù trong đội Sonderkommando phải đảm nhiệm một công việc kinh khủng, đó là hàng ngày dọn dẹp xác chết của những người tù là trẻ em, người già, phụ nữ để đem thiêu.  Tuy nhiên, điều khiến người xem không ngừng phải nghĩ về “Son of Saul” sau khi rời rạp không phải về cái chết mà là sự sống, không phải đồng lõa với cái ác mà tìm kiếm nhân tính, không tuyệt vọng mà là hy vọng. Khi đối diện với sự dày vò tinh thần và thể xác cùng cực, nhân vật chính Saul (vai diễn của Géza Rohrig) và cả những người tù trong đội của anh truyền đến cảm giác này. Một mặt họ phải làm nhiệm vụ khủng khiếp của mình hàng ngày, mặt khác họ cùng nhau tìm cách để đem chôn một nạn nhân là đứa trẻ được cho là con trai của Saul. Bộ phim không nói rõ đây có đúng là con của Saul hay không, nhưng khi phát hiện ra đứa trẻ trong đống xác ở phòng hơi ngạt, Saul muốn con mình được an táng theo đúng nghi lễ của người Do Thái, tức là đem chôn, bên tiếng kinh cầu Kaddish của giáo sĩ (Rabbi). Hành động lén lút này nếu bị phát hiện thì không chỉ ảnh hưởng đến mạng sống của Saul mà của cả những thành viên trong đội. Vậy họ sẽ ứng xử thế nào với những cái chết mà họ chứng kiến hàng ngày và cái chết cận kề của chính mình? Họ có còn cảm xúc gì không khi gương mặt đã không còn biến sắc từ bao giờ? Nếu biết chắc chỉ còn những ngày ngắn ngủi cuối cùng để sống thì họ có muốn biết mình còn mong đợi, hy vọng gì?...

Trong thân phận yếu đuối, đau khổ và sự chết của con người, mỗi chúng ta đều đã và đang cảm nhận được sự khó khăn trong tiến trình vươn tới sự hoàn thiện như lòng Chúa mong muốn. Điều này làm cho mỗi chúng ta ngần ngại bước tiếp hành trình. Con đường nhân loại thật chông chênh, có lẽ người ta chưa được dạy cách kiến thiết nội tâm và thiết lập tương quan với Thiên Chúa, nghĩa là việc liên kết với Thiên Chúa từ từ và tươi vui, cho đến chỗ cảm nhận được sự  mến yêu Thiên Chúa với chính tình yêu được yêu mến từ đó lan nhanh vào đời. Chuyển biến nội tâm theo một lộ trình thiêng liêng, từ sự thanh tẩy tiệm tiến, cần thiết để leo lên đỉnh của sự hoàn thiện kitô hữu. Sự thanh tẩy đó được đề nghị như một con đường phải đi, cộng tác với hoạt động của Thiên Chúa. Để đạt tới sự kết hiệp tình yêu với Thiên Chúa, sự thanh tẩy đó phải hoàn toàn bắt đầu với các giác quan, rồi tiếp tục với ba nhân đức đối thần tin cậy mến, thanh tẩy ý hướng, ký ức và ý chí con người. Sự can thiệp của Thiên Chúa trong tiến trình thanh tẩy dẫn đưa tới sự thánh thiện, là tình trạng toàn thiện mà Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người chúng ta.  Thần Khí là suối nguồn duy nhất được ban cho con ngưới để hiểu biết Thiên Chúa như Người là, như Thiên Chúa Duy Nhất Ba Ngôi. Tất cả những gì Thiên Chúa muốn thông truyền cho loài người Ngài đã làm qua Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể. Chúa Giêsu là con đường duy nhất và định đoạt dẫn đưa tới Chúa Cha (x. Ga 14,6).

Mỗi cá nhân đều mang những cảm giác thiếu hụt trong đời sống của mình khi khám phá ra sự thật về con người mình. Chính sự nhận biết về cảm giác này đã khiến nhiều người đã nỗ lực bằng nhiều biên pháp bù trừ lại cho những thiếu hụt của bản thân. Sự nỗ lực và kiên trì trong đời sống này đã giúp họ thành công và trở thành những cá nhân vượt trội về chính điều mà họ thiếu hụt trước đó. Trái lại, có không ít người, khi nhận biết cảm giác thiếu hụt của bản thân, thay vì nỗ lực và kiên trì để bù lấp khoảng trống đó, họ lại bỏ cuộc và rơi vào mặc cảm tự ti về sự thiếu hụt của bản thân mình. Trong tiến trình nên hoàn thiện Ki-tô giáo, khi đối diện với Thiên Chúa – khuôn mẫu của sự thánh thiện – cảm giác thiếu hụt sự thánh thiện của chúng ta sẽ không thể lấp đầy bằng sự nỗ lực và kiên trì theo cách nỗ lực và kiên trì vượt qua. thử thách bằng năng lực sinh học hay tâm thần học. Tiến trình nên thánh cần phải được hỗ trợ và lấp đầy bởi chính Đấng là sự Toàn Thánh. Nếu không, nỗ lực và sự kiên trì của con người khó có thể đạt được chung điểm của sự toàn thiện.

Toàn thiện mãnh liệt đã thúc đẩy mọi nỗ lực và kiên trì Ki-tô hữu suốt dọc tiến trình nên thánh cá nhân. Khi ý thức sự khốn cùng của bản thân cách đầy đủ, sẽ có đủ sức liều mình để lao vào với Đấng Toàn Thiện và để Người lấp đầy sự toàn thiện. Hành trình nên hoàn thiện không kéo chúng ta ra khỏi thực tại đời sống con người.  Toàn vẹn Ki-tô hữu không thể xây dựng trên những con người sống ảo nhưng trên nền tảng của con người thật. Tiến trình này phải khởi đi từng bước: thành nhân – thành công – thành thánh. Nhu cầu, khát khao và động lực cần thiết cho tiến trình vươn đến sự toàn vẹn là mở rộng cõi lòng để Thiên Chúa lấp đầy sự thánh thiện của Ngài; và từng bước đi vào trong tiến trình hoàn hảo của tình yêu Thiên Chúa và tha nhân.

Ngày 13/06/2017
Trung Tâm Mục Vụ Gp. MT
L.M N.V.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét