Trang

Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

Paul TILLICH (1886 – 1965) Một nền thần học về Văn hoá.

Paul TILLICH (1886 – 1965) Một nền thần học về Văn hoá.




Paul TILLICH đi theo dấu chân của BULTMANN. Cùng san sẻ một mối bận tâm là làm sao nói về sứ điệp Kitô-giáo cho con người hôm nay. Nhưng, dù cùng nhắm một mục đích, không phải bao giờ lối suy tư và cách thức của họ cũng đều giống nhau. TILLICH ít quan tâm đến vấn đề chú giải so với BULTMANN; hướng suy tư của TILLICH mang nhiều tính chất triết lý hơn, điều nầy dẫn TILLICH đến chỗ chọn cực văn hoá hơn là cực tôn giáo thuần tuý Kitô-giáo để triển khai nền thần học của mình. Vì vậy, TILLICH có một cách thức độc đáo sẵn sàng chấp nhận thách thức của nền văn hoá trần tục của thế kỷ XX. Trong suốt cuộc đời của mình, với một đức tính bền gan hiếm thấy và với một niềm thâm tín không gì lay chuyển nổi, TILLICH đã rèn luyện cho mình cái chiến lược mà ông tin là có thể thích nghi được vào mảnh đất mới nầy.
Paul TILLICH sinh tại mạn đông nước Phổ (năm 1886), trong một gia đình theo đạo Tin lành. Cha ông là một mục sư và đã rèn luyện ông trong một đường lối giáo dục chắc chắn và khắt khe. Việc đào tạo của ông đã được ghi dấu mạnh mẽ bởi khuynh hướng tự do của thế kỷ XIX. Hai cơn “sốc” có tính chất quyết định: năm 1914 và năm 1933. Năm 1914, là tuyên uý ở Verdun và TILLICH nhận ra rằng có một sự đoạn tuyệt sâu sắc giữa những người đang chiến đấu ở tuyến đầu và ngôn ngữ tôn giáo mà ông đang sử dụng. Sau chiến tranh, TILLICH trở thành giáo sư thần học (1924). TILLICH giảng dạy triết học, xã hội học, lịch sử các tôn giáo cho đến khi bọn Đức quốc xã đến.
Bị tình nghi là đã yêu cầu trục xuất những sinh viên có dính líu đến Đức quốc xã tại Đại học và có khuynh hướng đấu tranh ủng hộ một thứ “chủ nghĩa xã hội tôn giáo”, TILLICH phải bỏ nước ra đi từ năm 1933. TILLICH di cư sang Hoa Kỳ, và ở đó ông tiếp tục nỗ lực suy tư thần học của mình cho đến cuối đời (năm 1965). Dù phải ở trong tình huống từ nay phải diễn tả trong một thứ ngôn ngữ không phải ngôn ngữ gốc của mình và chỉ mới ngốn ngấu được trong vòng vài tháng, TILLICH vẫn đạt đến được trình trạng trình bày tư tưởng của mình cách sáng sủa. TILLICH đã nói với vẻ hài hước: Tiếng Anh cuối cùng đã làm cho tôi có thể được người ta hiểu! Trong số những tác phẩm đa dạng của TILLICH, thời danh nhất là cuốn Théologie systématique (Thần học hệ thống), nhưng được biết đến nhiều nhất và được đọc nhiều nhất chắc chắn là cuốn Le courage d’être ( Can đảm dám là... ), đó là một sự nghiền ngẫm lâu dài với phong cách hiện sinh chủ nghĩa. Nhưng, người ta cũng sẽ thích thú khi đọc những suy tư có tính cách tự truyện của ông. Mẫu số chung những nỗ lực của TILLICH là nỗi ưu tư làm sao xây dựng được một nền thần học về văn hoá.

Xoá nhoà ranh giới.

Ý tưởng về một thứ thần học như thế đã có nơi TILLICH từ những ngày trước chiến tranh (1919). Vừa là triết gia vừa là nhà thần học, TILLICH thấy mình có nhiệm vụ trở thành người trung gian giữa tôn giáo – hiểu theo nghĩa rộng như là “sự kiện bị nỗi bận tâm tối hậu nắm bắt” – và văn hoá, thứ văn hoá bao gồm tất cả mọi lĩnh vực sinh hoạt đời sống của con người, từ những cái mang đặc tính tâm linh nhất (như văn chương, triết học, nghệ thuật, luân lý, khoa học, chính trị... ) cho đến những cái thường ngày nhất (như ngôn ngữ, sư phạm, kỹ thuật...). TILLICH mơ ước một nền thần học coi trọng việc hoàn toàn trả lại tự do cho những sinh hoạt đời sống của con người. Vai trò của thần học không phải là thêm vào những sinh hoạt đó một ý nghĩa mà nó còn thiếu, nhưng là đưa ra ánh sáng cái “ý nghĩa tối hậu” vẫn tàng ẩn trong những thực tại đó. Ý nghĩa nầy đã có ở đấy. Vấn đề không phải là mang đến cho chúng mà là làm cho cái ý nghĩa tối hậu đó lộ rõ ra, bằng cách tìm cho ra cái tuyệt đối trong cái tương đối, cái vô hạn trong cái hữu hạn, Thiên Chúa trong thế giới, tôn giáo trong văn hoá.
Chương trình rộng lớn đó đòi hỏi TILLICH phải quan tâm đến những lãnh vực hết sức đa dạng. Tự nhiên, TILLICH phải quan tâm nghe ngóng những trào lưu tư tưởng lớn (như chủ nghĩa MARX, chủ nghĩa hiện sinh, phân tâm học), nhưng đồng thời cũng phải lưu ý đến nghệ thuật (TILLICH đã chú giải bình luận về PICASSO) hoặc cuộc chinh phục không gian. Đâu đâu cũng thấy hiện ra nỗi ưu tư lo lắng làm sao phát hiện ra nguyên động lực mang tải những sinh hoạt nầy, làm sao vạch trần những khuynh hướng tuyệt đối hoá (ma quỷ) đang ngự trị nơi chúng, làm sao khám phá ra lỗ trổ nơi một thứ ý nghĩa tối hậu được loan báo. Nơi mà những người khác sử dụng biện pháp ra vạ tuyệt thông thì Paul TILLICH tự trở thành vị tông đồ đối thoại, bởi vì TILLICH xác tín rằng người ta có thể đồng hành với tất cả mọi người: “Cuộc sống tâm linh của con người, sự sáng tạo nghệ thuật, cuộc tìm kiếm của khoa học, hành động luân lý hay chính trị, một cách có ý thức hoặc vô ý thức, đều là những biểu hiện của một mối bận tâm tối hậu, nỗi bận tâm mà đã khoác cho chúng niềm đam mê và tình yêu sáng tạo, mà đã đem lại cho chúng độ dày chiều sâu vô tận và tình trạng thống nhất hành động của chúng”.
Để có thể dấn thân đi vào một cuộc đối thoại như thế giả thiết phải có một nỗ lực đại tu tự căn cơ cách sống của chúng ta. Người “tôn giáo” phải chấm dứt đi đừng coi mình như là người đã nắm giữ chân lý trong tay và phải nỗ lực cố gắng đi đến với người khác trong trạng huống hiện sinh của họ. Đó quả là một thái độ khó khăn, bởi vì con người “tôn giáo” không quen chịu đựng được “tình trạng không có Thiên Chúa, chờ đợi Thiên Chúa” nầy: “Không phải chuyện dễ dàng khi phải rao giảng Thiên Chúa cho các trẻ em, cho những lương dân, cho những người đa nghi và trong những người vô thần trong khi lại phải giải thích cho họ hiểu rằng chính chúng ta cũng chưa sở hữu được Thiên Chúa, nhưng là đang chờ đợi Ngài”. Tuy nhiên, không một cuộc đối thoại nào có thể bắt đầu được nếu không có nỗ lực quay trở về đó.

Một kiểu mẫu văn hoá mới.

Đã hẳn là cuộc đối thoại nầy không phải dễ dàng gì. Chúng ta vẫn đang thừa hưởng một thực tế đoạn tình giữa tôn giáo và văn hoá, bên nầy đối nghịch với bên kia, và đang tìm cách kiểm soát lẫn nhau hoặc nuốt trửng lẫn nhau. Paul TILLICH phân biệt ra ba mẫu văn hoá:
- Một thứ văn hoá ngoại thuộc (une culture hétéro- nome), hoàn toàn ở dưới sự kiểm soát của tôn giáo. Tất cả đều lệ thuộc vào tôn giáo, “vào những tiêu chuẩn của quyền bính của một thứ tôn giáo của hàng giáo sĩ” (hoặc tôn giáo chính trị, như trong những chế độ độc tài chuyên chế). Ở đây, văn hoá tuân theo những quy luật và những tín điều mà tôn giáo áp đặt cho nó, đôi khi có tính chất cưỡng bức. TILLICH không ngần ngại gọi một vài khuynh hướng công giáo nào đó là “hệ thống có quyền lực nhất có tình trạng ngoại thuộc tôn giáo”, hệ thống đặc biệt thâm độc tuỳ theo mức độ một quyền bính nhân loại, vì thế “hữu hạn”, mà lại dám tự xưng mình đang hành xử “nhân danh thực thể vô hạn”.
-   Một thứ văn hoá độc lập (une cuture autonome), như vẫn thường thấy trong thời đại ngày nay, nhằm phản ứng chống lại một thứ tôn giáo vong ngoại. Điển hình là chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa hiện sinh. Ở đây, con người trở thành thước đo tất cả mọi sự. Ở đây, người ta chẳng cần gì thực thể tuyệt đối, thực thể phi-điều kiện và dẫn đến một thứ chủ nghĩa duy lý hết còn chịu nổi. Ở đây, yếu tố thần linh được gán cho con người, với mọi khả năng có thể đưa đến những thái độ sùng bái ngẫu tượng mà một lối suy tư như thế phải đưa đẩy tới. Trong khi, mới trên đây thôi thực thể vô hạn bị thực thể hữu hạn lũng đoạn, thì ở đây thực thể hữu hạn được tôn phong lên thành thực thể vô hạn.
-      Một thứ văn hoá thần luật: (une culture théonome)     ( một từ do TILLICH tạo ra). Dưới con mắt của TILLICH, giữa tôn giáo và văn hoá có một sợi dây nối kết nội tại, mà TILLICH diễn tả khi phát biểu rằng “bản thể của tất cả mọi thứ văn hoá, chính là tôn giáo” và rằng “hình thái của tôn giáo, chính là văn hoá”. Một nền văn hoá là gì nếu không phải là nỗ lực mang lại cho thực tại hiện sinh của con người ý nghĩa và trạng thái mạch lạc? Một nền văn hoá là “thần luật” (hoặc “tôn giáo”) từ lúc nó biểu lộ được ý nghĩa tối hậu (hoặc chí ít vẫn khai mở về hướng đó). Một nền văn hoá thần luật là nền văn hoá trong đó “ý nghĩa tối hậu của thực tại hiện sinh sẽ rất dễ nhận ra nơi tất cả mọi hình thái hữu hạn của tư tưởng và của hành động”.
Một nền văn hoá như thế vẫn đang cần phải nhen nhúm lên. Đó là một khả năng hoàn toàn có thể có được, vì TILLICH vẫn xác tín rằng dù con người có thể quay lưng ức chế lời mời gọi của thực thể tối hậu, thực tại mà một cách kín đáo con người vẫn hướng về đó, nhưng con người không bao giờ có thể hoàn toàn nhốt kín mình mãi được trong thái độ từ chối nầy. Ở nơi khởi thuỷ của thái độ vô thần, vẫn có một khẳng định về Thiên Chúa, TILLICH tự coi mình là người bênh vực cho nền văn hoá mới nầy nhằm tạo được một tổng hợp bao gồm những yếu tố hiện nay đang bị tản mác. TILLICH áp dụng một phương pháp mới – phương pháp “tạo thế cùng tương quan” (corrélation) – nhằm đặt những câu hỏi mà con người đặt ra và lời của Đức KITÔ vào trong sợi dây liên kết: “Mạc khải là lời giải đáp cho câu hỏi mà thân phận con người đặt ra”.

Kích thước của chiều sâu.

Tiền đề nhân loại học của TILLICH cho rằng thực thể tối hậu - thực thể linh thánh, thực thể phi-điều kiện, thực thể tuyệt đối, từ ngữ không quan trọng lắm - là thành phần nằm trong cấu trúc thực tại hiện sinh của con người. Dù ở lớp cá nhân, dù ở lớp xã hội, con người vẫn không thể nào chấm dứt cuộc tìm kiếm của mình mà cuối cùng lại không cởi mở lòng mình ra với thực thể tối hậu nầy. Chí ít, cuộc đời của con người sẽ phải ở trong tình trạng bị phân tán bao lâu con người vẫn còn ở trong tư thế khép kín trước chiều kích nầy. “Cần phải có một hành động táo bạo, một hành động dám xông mình vào chỗ sâu xa nhất của thực tại... Một hành động như thế là điều mà truyền thống tôn giáo vẫn thường gọi là “niềm tin”...”. Niềm tin chính là ranh giới tột cùng của “lòng can đảm dám là” (courage d’être). Niềm tin là “hành động can đảm dám nhận mình là thực thể được đón nhận” bởi thực thể tối hậu mặc cho vẫn vấp phải ranh giới của thực tại hiện sinh, nghĩa là vấp phải nỗi xao xuyến băn khoăn tình trạng tha hoá, sự dữ, cái chết.
Cái được thua trong cách đặt vấn đề như thế quả thật rõ ràng: tôn giáo không còn được quan niệm như là nằm ở bên ngoài con người nữa, Giáo hội cũng chẳng còn bị coi như là xa lạ với lịch sử nữa, Thiên Chúa thôi không còn bị coi như là Đấng-hoàn toàn-khác nữa. Chẳng còn đâu là hai quả địa cầu xa xôi nữa, nhưng giữa thực thể linh thánh và thực thể phàm trần có một sự xâm nhập vào nhau, hàm chứa lẫn nhau. Chính Đức KITÔ chẳng còn được hiểu theo tình trạng vong thân tha hoá xa lạ với Ngài nữa (altérité): Ngài là mạc khải thực thể mới của con người. Ngài là thực thể đã vượt qua tất cả mọi tình trạng vong thân tha hoá ở trong thực tại hiện sinh, đặc biệt là thái độ vô tín, và Ngài đã hoàn toàn mở tung thực tại hiện sinh ra đưa nó về nền tảng tối hậu của mình là Thiên Chúa. Do đó, đối với con người, Ngài trở thành một “biểu tượng” của thực tại nhân tính viên mãn.
X      X
X

Tư tưởng của TILLICH không phải là không có những khía cạnh hàm hồ. Những khái niệm Kitô-giáo ở nơi TILLICH mất đi tính chất dứt khoát của chúng. Lối giải thích “biểu tượng” mà TILLICH gán cho chúng đôi khi làm cho người ta tin là chúng không còn tồn tại nữa. Nhưng, chắc chắn là phải để ý đến nội dung ý nghĩa rõ ràng mà ý tưởng biểu tượng ở nơi TILLICH vẫn tự khoác vào mình, thực ra vẫn quy chiếu về hiện thực. Nhất là nên lưu giữ lại hướng nhìn TILLICH: đặt vấn nạn con người “là” đối với chính mình trong tư thế cùng tương quan với câu trả lời Thiên Chúa tự giới thiệu về chính Ngài. Tình trạng cùng tương quan nầy được nối kết lại với nhau qua sự vận hành của những thái độ tự do.
Vấn đề còn lại là chính phương pháp mà TILLICH sử dụng vẫn không bao giờ thoả mãn được hoàn toàn. Ý đồ của TILLICH là muốn tạo ra một cuộc đối thoại trong đó cả văn hoá lẫn Kitô-giáo đều phải được tôn trọng. Theo cách thức của TEILHARD, TILLICH đã xây dựng một tổng hợp rộng lớn đôi khi có mang hơi hám của một thứ thái độ thoả hiệp nào đó (concordisme). Về TILLICH, chí ít, người ta có thể giữ lại điều nầy là, nếu như Mạc khải về Thiên Chúa bị đóng kín lại, tiến trình mạc khải sẽ tiếp tục một cách bất định, bao lâu con người vẫn còn sống và các nền văn hoá vẫn tiếp tục nẩy sinh.
Marcel NEUSCH

Triển vọng một nỗ lực phân tích tôn giáo về văn hoá.

Nếu, từ cái giới răn vĩ đại, chúng ta rút ra ý niệm về tôn giáo, chúng ta có thể nói rằng tôn giáo là sự kiện dẫu sao thì cuối cùng chúng ta vẫn vấp phải cái vẫn là và phải là mối bận tâm tối hậu của chúng ta. Điều đó có nghĩa niềm tin là sự kiện bị một mối bận tâm tối hậu nắm bắt và rằng Thiên Chúa là cái tên xưng được gán cho nội dung của nỗi bận tâm nầy. Một khái niệm về tôn giáo như thế quả thực chỉ có chút ít tương quan với cung cách diễn tả tôn giáo như là niềm tin tưởng vào sự hiện hữu của một hữu thể tối cao mà người ta vẫn gọi là Thiên Chúa và những hệ quả lý thuyết và thực hành của niềm tin tưởng đó. Xét về nơi chốn và vị trí của nó, chúng ta đang liên hệ với một thứ nhận thức về tôn giáo không phải thuộc lĩnh vực tri thức thuần tuý, mà thuộc về thực tại hiện sinh (... ).
Khái niệm hiện sinh về tôn giáo đem lại (...) hậu quả là làm biến mất đi cái hố ngăn cách giữa lĩnh vực linh thánh và lĩnh vực trần tục. Nếu tôn giáo là sự kiện bị một mối bận tâm tối hậu nắm bắt, thì sự kiện đó không thể nào có thể bị bó hẹp lại chỉ trong một lĩnh vực đặc thù nào đó mà thôi. Đặc tính phi-điều kiện (inconditionnel) của nỗi bận tâm nầy hàm ý rằng nó liên quan đến bất kỳ giây phút nào của đời ta, bất cứ khoảng không gian nào và bất cứ lĩnh vực nào. Toàn thể vũ trụ là thánh điện của Thiên Chúa. Mọi ngày làm việc đều là một ngày của Chúa, mọi bữa ăn đều là một bữa ăn của Chúa, mọi lao động đều là sự hoàn thành một nỗ lực thần linh, mọi niềm vui đều là một niềm vui trong Thiên Chúa. Trong tất cả mọi mối bận tâm của chúng ta, dù sơ đẳng, đều có hiện diện một mối bận tâm tối hậu và chính nỗi bận tâm tối hậu nầy hiến thánh những mối bận tâm kia. Tự bản chất, thực thể tôn giáo và thực thể trần tục không phải là những lĩnh vực riêng rẽ xa cách nhau. Đúng ra, chúng bao hàm lẫn nhau.
Tuy nhiên, trong thực tế, vấn đề lại không diễn ra y như vậy. Trên thực tế, yếu tố trần tục có khuynh hướng muốn trở thành độc lập và thiết lập cho mình một lãnh thổ riêng. Yếu tố tôn giáo, nghịch lại, lại cũng tìm cách thiết chế thành lãnh vực đặc thù chuyên biệt. Tình trạng đó xác định nên thân phận của con người. Đó là tình cảnh một con người bị tha hoá xa lạ với chính thực thể đích thực của mình. Có lẽ người ta cũng có thể, và không phải là không có lý, nói rằng sự hiện hữu của thứ tôn giáo như là lãnh vực đặc thù chuyên biệt chính là cái chứng cớ rõ ràng nhất cho tình trạng sa đoạ của loài người. Điều đó không có nghĩa rằng, trong những điều kiện tha hoá xác định định mệnh của chúng ta, thực thể tôn giáo phải được thực thể trần tục hấp thu làm tan biến đi, như một vài khuynh hướng giáo dân trị (laicisme) vẫn mơ ước, cũng chẳng có nghĩa là thực thể trần tục phải được thực thể tôn giáo thu hút tiêu tan mất tăm mất tích như một thứ khuynh hướng bảo hoàng phong kiến của hàng giáo sĩ vẫn hằng mong muốn. Nhưng chỉ có nghĩa là tình trạng xa cách không thể tránh khỏi đó là biểu hiện của một chứng từ về hoàn cảnh nhân loại của chúng ta.
Ý niệm hiện sinh về tôn giáo cũng còn liên hệ tới (... ) tương quan giữa tôn giáo và văn hoá. Tôn giáo, trong tư cách là một mối bận tâm tối hậu, là cái bản thể đem lại cho văn hoá ý nghĩa của nó, và văn hoá là toàn thể những hình thái mà qua đó mối bận tâm căn bản của tôn giáo có thể được biểu lộ ra. Tóm lại: tôn giáo là bản thể của văn hoá, văn hoá là hình thể của tôn giáo. Cách hiểu những tương quan giữa chúng như thế vĩnh viễn tránh cho chúng ta cái lối coi tôn giáo và văn hoá như hai thực thể phát xuất từ hai nguồn khác nhau. Tất cả mọi hành động tôn giáo, không phải chỉ trong những thứ tôn giáo có tổ chức thôi, mà cả trong hướng lực sâu sa nhất của tâm hồn cũng vậy, đều được hình thành bởi văn hoá.
(Extrait de Paul TILLICH, Théologie de la culture, Éd. Denoel, pp. 51 - 53)

X        X
X

Tài liệu tham khảo:
Về TILLICH, bạn sẽ tìm thấy một thư tịch lý thú trong Études théologiques et religieuses, 1978, 2. Trong số những tác phẩm của TILLICH cần lưu ý:
·           Dynamique de la foi, Tournai-Paris, Casterman, 1968.
·           Le courage d’être, Tournai-Paris, Casterman, 1967, “Livre de vie” No0 109.
·           Histoire de la pensée chrétienne, Paris, Payot, 1970.
·           Théologie de la culture, Paris, Planète, 1968. Réédition à Paris Denoel-Gonthier, 1972.
·           Théologie systématique, Paris, Planète, 1970. La traduction doit se poursuivre.
·           Le christianisme et les religions, précédé de Réflexions autobiographiques, Paris, Aubier-Montaigne, 1968.
·           Aux frontières de la religion et de la science, Paris, Le Centurion, Neuchâtel, Delachaux et Niestlé, 1970.
·           Le fondement religieux de la morale, Paris, Le Centurion, Neuchâtel, Delachaux et Niestlé, 1971.
Trong số những nhập môn nhiều vô số kể để tìm hiểu Paul TILLICH, bạn có thể lưu ý:
·           Georges TAVARD, Initiation à Paul TILLICH. Une théolo- gie moderne, Paris, Centurion, 1968.
·           Carl J.ARMBRUSTER, La vision de Paul TILLICH, Paris, Aubier, 1971, coll. “Théologie”, No0 80.
·           Jocelyn DUNPHY, Paul TILLICH et le symbole religieux, Paris, Jean-Pierre Delarge (Édition universitaires), 1977.
·           Jean-Paul GABUS, Introduction à la théologie de la culture de Paul TILLICH, Paris, PUF, 1969.
Ngoài số trong Études théologiques et religieuses, 1978, 2, cần lưu ý Revue d’histoire et de philosophie religieuses, 1978, 1: hai tập san nầy lấy lại những bổ sung nơi Colloque interdisciplinaire Paul TILLICH (1-3 tháng 7 năm 1976). Một cuộc toạ đàm thứ hai về Paul TILLICH diễn ra tại Pháp giữa những ngày 29 tháng 4 và 1 tháng 5 năm 1978 và sẽ phải được cho in ra.
Tác giả: Bruno CHENU - Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ
Nguồn: giaolyductin.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét