Trang

Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

SỰ BỪNG GIẤC CỦA THẾ GIỚI CÔNG GIÁO (1945 – 1960)

SỰ BỪNG GIẤC CỦA THẾ GIỚI CÔNG GIÁO (1945 – 1960)



Chẳng ai lại có thể đi thích một cuộc chiến tranh. Và, cuộc chiến tranh thế giới 39 - 45, với phạm vi ảnh hưởng rộng lớn trên khắp thế giới của nó, đặc biệt là một cuộc chiến tranh hết sức ngu xuẩn và tàn phá. Dầu vậy, phải nhận rằng chính cuộc thử thách mà người có tín ngưỡng cũng như không có tín ngưỡng vai kề vai sát cánh bên nhau đã phải trải qua đó, đã làm cho thần học Kitô-giáo nói chung và đặc biệt thần học công giáo phải giật nẩy mình bừng tỉnh dậy sau một giấc ngủ vùi. Kể từ năm 1944, thần học cảm thấy mình như “được giải phóng” và dám mạo hiểm đi khám phá những vùng đất mới. Tính chất sáng tạo ở trong lĩnh vực mục vụ và tính chất sáng tạo trong lĩnh vực lý thuyết bắt tay nhau trong một bầu khí thân thiện nhằm phục hồi lại khía cạnh xã hội và Giáo hội.
Tuy nhiên, hoàn cảnh không phải bao giờ cũng thuận lợi. Không phải là không có những viên đạn trái pháo bắn cản đường chặn đứng đàng trước tuyến đầu của cuộc hành quân thăm dò thần học và thường là đến từ bên trên, từ chỗ rất cao. Như vậy, thông điệp Humani Generis (của loài người)  của Đức Giáo chủ PIÔ XII (1950) đã pháo cấp tập lên đầu lên cổ những gì nhúc nhích động đậy muốn tiến lên phía trước, tất cả mọi hình thái “thần học mới”. Và, những người đi tiên phong mở đường đành phải nằm im, án binh bất động (như các cha LUBAC, GANNE, và BOUILLARD, rồi CHENU, CONGAR, FÉRET và BOISSELOT) hoặc phải bị lưu đày (như cha Teilhard de CHARDIN).
Nỗi ham thích được ngụp lặn trong những nguồn suối sinh động:
Tuy nhiên, điều mà chúng tôi muốn lưu giữ lại, thời kỳ sau chiến tranh và trước Công đồng nầy, xoay chung quanh hai từ đặc biệt xác định tính cách của thời kỳ này là: trở về nguồn và thái độ cởi mở. Từ thứ nhất, “trở về nguồn”, kể ra, lúc đó, được tạo ra nhằm thâu tóm lại tất cả những gì đã diễn ra trong lĩnh vực nghiên cứu Thánh Kinh, Thánh truyền và Phụng vụ.

Thánh Kinh.
Đã hẳn, nỗ lực canh tân nghiên cứu Thánh Kinh không phải mới có từ những năm 45 - 60. Nhưng, thời kỳ đó ghi nhận một bước tiến bộ có tính chất quyết định, không thời kỳ nào sánh kịp. Sưu tập Lectio Divina đã bắt đầu khởi động trong năm 1946. Các đồ đệ của cha LAGRANGE vừa mới hoàn tất công trình khổng lồ là việc cho xuất bản, thành từng tập, bộ “Bible de Jérusalem” (1955). Được động viên khích lệ bởi công việc của các nhà nghiên cứu Thệ phản và Anh giáo, nỗ lực tìm tòi của phía Công giáo bỏ qua giai đoạn triết học và khảo cổ học để tiến lên bắt tay xây dựng ngay một nền thần học Kinh Thánh đích thực. Về mặt nầy, việc đào sâu những chủ đề lớn của Thánh Kinh là việc làm rất có ý nghĩa. Với, như tấm màn “phông”, một nội dung ý nghĩa mới về Lịch sử Cứu độ, về cái mà Suzanne de DIETRICH đã gọi là “kế đồ của Thiên Chúa”.

Truyền thống.
Kể từ thế kỷ XIX, các Giáo phụ lại được Trường OXFORD và sưu tập đồ sộ của vị linh mục khả kính MIGNE đưa lên đài vinh dự. Năm 1942, chứng kiến việc thành lập Sources chrétiennes. Và việc đọc các Giáo phụ vẫn lôi cuốn nhiều người Kitô-giáo ưu tư muốn vượt thoát ra ngoài vòng cương toả của cái thứ triết học và thần học kinh viện khô khan và khép kín mà họ đã nhận được. Nơi một ORIGÈNE hoặc một AUGUSTIN, giáo thuyết chẳng bao giờ xa cách đời sống, lời rao giảng là môi trường của suy tư cơ bản, chính đời sống tu đức là thái độ thần học. Những con người như J. DANIÉLOU và H.I. MARROU đã vạch ra cho công chúng Pháp thấy được những nội dung phong phú không mấy ai ngờ tới của cái di sản Kitô- giáo quý báu đó.

Phụng vụ.
Cũng dưới dấu chỉ trở về nguồn đó mà Phong trào Phụng vụ phát triển, với một nỗi ưu tư mục vụ rất lớn, đúng như nó cần phải thế. Số 1 của tập san Maison-Dieu được ghi tháng 1 năm 1945. Xin phép, chỉ một lần nầy nữa thôi, được nói về nước Pháp, ở đấy một nỗ lực canh tân đồ sộ được thực hiện dưới sự bảo trợ của Trung tâm mục vụ phụng vụ. Tiếp theo nỗ lực khơi nguồn của những tập vở nhỏ Fêtes et Saisons cũng như qua những Đại hội quốc gia và quốc tế, thực hành phụng vụ được minh xác, được tước vỏ, được tu chỉnh lại trên những cơ sở Thánh Kinh và có tính chất cộng đồng hơn. Một chuyên viên mới xuất hiện: nhà phụng vụ, thông thạo lịch sử của các hình thức cử hành, nhưng đồng thời cũng chú tâm tìm hiểu thêm những yêu cầu thực tế hiện hành của dân Kitô-giáo. Thần học thấy mình được mời gọi đến bắt tay quan hệ với một trong những môi trường ưu tiên của mình: cộng đồng Kitô-hữu tụ họp lại với nhau.

Tương lai ở bên kia những bức tường:
Được mời gọi ý thức lại và nhận thức lại những nền tảng của mình, thần học, cũng chính vì thế, được mời gọi phải có thái độ cởi mở với cái thế giới rộng lớn mà Lịch sử cứu độ có quan hệ với. Sự trở về nguồn không có nghĩa là làm cho Giáo hội co quắp lại trên chính mình, mà ngược lại có nghĩa là phải ném Giáo hội lên phía đàng trước để gặp gỡ những con người mới mà Thiên Chúa vẫn không ngừng quan tâm nầy. Muốn đặt vấn đề Thiên Chúa bắt buộc phải đặt vấn đề con người và cái thực tại đang trở thành của xã hội.
Đấy, lại một lần nữa, thái độ chính thức của Giáo hội công giáo cũng không dấn thân lắm. Cuộc thập tự chinh chống lại chủ nghĩa cộng sản đang diễn ra gay gắt, có thể nói ở đâu cũng đang có chuyện đánh hơi truy lùng nhằm phát hiện ra những cuộc thâm nhập phá hoại từ bên trong. Người ta tự cảm thấy thôi thì cứ ẩn nấp bên trong những bức tường giáo lý cổ truyền sẽ được ấm cúng hơn biết bao nhiêu! Nhưng làm gì có thứ pháo đài xây dựng kỹ càng đến nỗi chẳng còn chỗ hở mở ra bên ngoài. Những nhà thần học bạo gan và những tín hữu đích thực đã dẫn đầu ra hạ thấp chiếc cầu rút xuống. Không phải là để bám riết tằng tịu với cái thế giới không Thiên Chúa mà là để gặp gỡ lại Thiên Chúa trong thế giới.
Một dấu hỏi, có vẻ hơi khiếm nhã, đã phá tan bầu khí yên tĩnh của các nhà thông thái trùm chăn. Cái dấu hỏi mà H. GODIN và Y. DANIEL đã hạ bút đặt xuống cuối chặng đường phân tích của họ về Giáo hội công giáo Pháp, La France, pays de mission? (Nước Pháp, xứ sở truyền giáo?). Ngay tức khắc, ở nước Pháp, được tiến hành cả một loạt suy tư về truyền giáo trên cơ sở thần học và mục vụ không tách rời. Những kết quả đạt được cũng khá khả quan, từ Hội truyền giáo Paris tiến lên thành Hội truyền giáo Pháp, từ những giáo xứ cộng đồng đến những linh mục thợ, từ những nhóm Công giáo tiến hành đến những giáo lý viên tình nguyện. Những bước tiến về hướng tương lai, những sáng kiến cụ thể bao giờ cũng mang mầu sắc của một thứ suy tư có chất lượng, dù suy tư đó có phải khởi phát từ những con đường đã có đánh dấu chỉ hướng hẳn hoi. Vatican II như thế là đã được thai nghén.
Nền thần học nầy, nền thần học vẫn đang nỗ lực để đạt đến đỉnh cao ngang tầm với một bối cảnh được ghi dấu mởi chủ nghĩa MARX và chủ nghĩa hiện sinh, đã tìm thấy lại được hương vị của biến cố Nhập thể. Bây giờ, với một thái độ tích cực, thần học đến đối diện với biến cố Tạo thành, với lịch sử, với lao động của con người. Trong một thế giới đang bị biến thành từng khối, thần học nói về nỗ lực nhân hoá (humanisation) và nhân vị hoá (personnalisation). Hơn bao giờ hết, ngày nay Giáo hội muốn ở với con người. Điều đó làm nẩy sinh vấn đề phải xác định rõ ơn gọi làm người Kitô-hữu và ơn gọi làm tông đồ của người giáo dân.
Nhưng, sự thức tỉnh nầy của thế giới công giáo liệu đã đạt được yêu cầu chưa trong nỗ lực phê và tự phê, để khỏi phải mang tiếng là đấy đơn thuần chỉ là cái trò chơi quyền bính của phương Tây mà thôi? Khó khăn phát xuất từ chủ nghĩa thực dân chứng tỏ rằng người ta đã không mấy chú ý đến sự kiện là ngày nay những dân tộc thuộc Thế giới thứ ba đã ý thức được về vai trò và vị trí của mình ở trên thế giới (Hội nghị Bandoeng, 1955). Tuy nhiên, Lịch sử vẫn cứ tiến nhanh, chủ nghĩa nhân bản cổ truyền sụp đổ, vấn đề tôn giáo trở thành vấn đề mang tầm vóc thế giới. Thần học liệu sẽ tự canh tân hoá mình hay lại trở về với cái vốn cổ? Và chính lúc bấy giờ đã đến, một con người có tên gọi là YOAN.
Bruno CHENU
X      X
X

Sự “trở lại” của giai cấp vô sản.
Người anh em thuộc giai cấp vô sản chẳng biết đến Giáo hội đâu: họ đã quá xa cách mà; nhưng, khi gặp Giáo hội, họ còn phải nhọc công lắm mới có thể nhận ra được Giáo hội.
Trong điều kiện thực tế hiện nay, việc trở lại của một người anh em thuộc giai cấp vô sản đang sống rành rành trong môi trường vô sản gặp phải những khó khăn cũng gần tương tự như việc trở lại của một lương dân của những miền truyền giáo xa xôi, anh ta phải bỏ đi cả anh ta, người anh em thuộc giai cấp vô sản, không phải là cái xấu ở trong đời sống của mình đâu, mà là toàn bộ cuộc sống của anh ta: bạn bè, quan hệ, thói quen, những buổi đi chơi ngày Chúa nhật; anh ta phải thay đổi lối sống, phải từ bỏ môi trường của mình.
Thế mà, điều đó đòi phải có một thái độ rất anh hùng, một thứ anh hùng mà chúng ta không thể nào tưởng tượng được; và lúc bấy giờ, nhiều người đâm ra ngại ngùng, có kẻ tháo lui.
Trong điều kiện họ càng hiểu biết bao nhiêu về tất cả những gì mình sẽ từ bỏ và những gì vẫn làm cho họ đang là, thì khi đối diện, môi trường giáo xứ của chúng ta lại càng xuất hiện ra dưới con mắt của họ quả là quá rụt rè, “lúng ta lúng túng”, vô định hình, quá “trầm mặc”, quá “cha già” bấy nhiêu. Đối với họ, hình như (và chúng ta phải nhận khuyết điểm về phần mình là đã tạo ra cái ấn tượng nầy, và đã được người ta nói đi nói lại nhiều lần, nhưng tự cơ bản là sai), hình như muốn yêu Đức KITÔ, họ phải chấp nhận một cái gì mất mát, như một sự làm giảm sút đi nhân cách của mình trong tư thế đã là một người lao động cứng rắn sắt đá, và quả thật, họ không muốn mang trong mình cái “mặc cảm tự ti” là phải là loại người Kitô-hữu “đạo hạnh” kiểu này...
Chưa phải đã hết. Khó khăn còn trầm trọng hơn, bởi vì cái mà chúng ta muốn, cái mà Đức KITÔ muốn không phải là “cầm cần câu” để rồi chỉ “câu” một vài cá nhân nào đó mà thôi, nhưng là số đông, và lúc bấy giờ chúng ta sẽ thấy mình lâm vào một tình trạng hết sức là kẹt.
Con người bậc trung của một môi trường không sống đơn thương độc mã có một mình. Anh ta không từ bỏ môi trường của mình nếu như anh ta không ở với những người khác, dù thực ra cũng chẳng phải từ bỏ gì cho lắm (... ).
Ở đây, chúng tôi hiểu độc giả có thể sẽ đặt câu hỏi: Thế nhưng tại sao lại cứ phải đặt vấn đề bắt buộc người anh em thuộc giai cấp vô sản muốn trở lại là phải từ bỏ môi trường của mình như một tiền đề?
Chúng tôi xin phép được trả lời: môi trường giáo xứ như hiện nay và môi trường giai cấp vô sản không chỉ xa cách nhau mà còn là rất khác biệt nhau. Thật vậy, cộng đồng Kitô-hữu ở giáo xứ tại nước ta (nước Pháp, ctnd) được tái dựng lại từ cái thời giai cấp quý tộc mới khai sinh, có một nền văn hoá, dĩ nhiên là Kitô-giáo, nhưng lại hoàn toàn thấm đậm tâm thức não trạng trưởng giả mà nó sử dụng cả cái tốt lẫn cái xấu. Đặt nặng việc được người ta kính trọng, băn khoăn lo lắng phải “tế nhị” trong cách ăn mặc, lời nói, ý thức tôn ti trật tự, điều hành làm sao cho đúng cách, có một nền kinh tế ổn định, cùng có chung một sở thích nào đó... và còn biết bao nhiêu cái thứ nhân đức lỉnh kỉnh ở mức độ trung bình khác nữa, có lẽ cũng có ích thật đấy, nhưng là để mà ngồi tại chỗ thôi, an phận thủ thường ở trong một gia đình thôi thì được, nhưng, một khi bị ném ra ngoài vào trong lĩnh vực của người Kitô-giáo và hoạt động tông đồ, thì chúng có nguy cơ trở thành lạ lẫm vô duyên và ít quảng đại (... ).
Nào, chúng ta cứ thử đưa ông bạn thuộc giai cấp vô sản của chúng ta vào trong cái môi trường giáo xứ thử xem. Trên thực tế, chẳng phải là chúng ta vẫn cứ xử lý đơn giản y như là nhà truyền giáo, để dạy dỗ, vẫn muốn bắt đầu bằng cách dạy cho những người lương dân mà ngài rao giảng Tin mừng trước tiên là tiếng Pháp, rồi trao cho họ bộ Âu phục, bắt họ phải theo những phong tục tập quán của chúng ta đấy sao? (... ).
Nhưng, phải tự đặt ra cho mình câu hỏi: tại sao muốn cho người ta trở lại mà lại cứ phải đòi hỏi trước tiên người ta phải quay trở lại với một nền văn hoá và gia nhập vào cái thứ văn hoá đó, như là một điều kiện tiên thiên nếu muốn gia nhập đức tin? Người ta lấy làm ngạc nhiên không hiểu sao lương dân chúng ta thường ngập ngừng không muốn đến với Giáo hội, hoặc từ chối thẳng. Phải chăng vì người ta cứ phải đối diện với vấn đề theo một cách thức như thế? Phải chăng không có một Giáo hội để chính họ tự thiết lập cho mình? phải chăng họ không có cái quyền được “xây dựng cho mình”, “được sống” một cộng đồng Kitô-giáo, một Giáo hội? một vài trong những lầm lạc của chúng ta có lẽ xuất phát từ chỗ chúng ta quên mất cái ý nghĩa đích thực của việc thuộc về Giáo hội là như thế nào...
Dẫu sao, người ta phải dám can đảm nói lên điều nầy: năm 1943, đức tin đã không được rao giảng trong cả toàn bộ một môi trường, có hàng triệu người ở nước Pháp không còn được rao giảng Tin mừng nữa.
(Henri GODIN et Yves DANIEL, La France, pays de mission?Paris, Éditions de l’Abeille, 1943, pp. 45 à 48. Réédition, Paris, Éditions du Cerf.)
X      X
X

Tài liệu tham khảo:
Roger AUBERT, La théologie catholique au milieu du XXe siècle, Paris, Casterman, 1954
Nouvelle histoire de l’Église, t.5, Paris, Seuil, 1975, pp. 656-673
Henri DENIS, Les chemins de la théologie dans le  monde de ce temps, Paris, Centurion, 1977.
Tác giả: Bruno CHENU - Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ
Nguồn: Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét