Trang

Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

Henri de LUBAC và Karl RAHNER, Hai chứng nhân công giáo về ÂN SỦNG.

Henri de LUBAC và Karl RAHNER, Hai chứng nhân công giáo về ÂN SỦNG.



Cả hai đều thuộc Dòng Tên. Cả hai đều có cùng thái độ nghiêm ngặt về mặt tri thức và thái độ vâng lời đến trở thành câu truyện truyền thuyết, vì đôi khi đã phải trải qua những cơn thử thách kinh khủng. Cả hai đều là những người đặt trọng tâm chú ý nhiều vào Truyền thống của Giáo hội và đã không bao giờ xem nhẹ phẩm chất giá trị tâm linh ẩn náu dưới tầng sâu của những tín điều. Cho dù ngày nay các ngài có vẻ hơi mất hút dưới tầm nhìn của chúng ta, nhưng de LUBAC và RAHNER vẫn còn là những mẫu mực cho một nỗ lực suy tư thần học công giáo giữa thế kỷ XX nầy.

Thái độ không tính toán (gratuité), một huyền nhiệm.
Henri de LUBAC sinh tại Cambrai (Pháp, ctnd), năm 1896, de LUBAC đã theo học trong miền Lyon và năm 1913 ngài nhập vào tập viện các cha Dòng Tên ở Anh. Ngay từ giai đoạn đầu trong cuộc hành trình tri thức, cuộc đời của de LUBAC đã được ghi dấu bởi vài cuộc gặp gỡ quan trọng, nhất là những cuộc gặp gỡ với cha Auguste VALENSIN và cha Teilhard de CHARDIN. Theo lẽ thường, là người đầu tiên biết những bước phát triển của trào lưu tư tưởng của cha TEILHARD, de LUBAC sẽ là người đấu tranh dũng cảm bênh vực TEILHARD chống lại tất cả những người gièm pha ngài, từ phía hữu cũng như từ phía tả.
Năm 1929, de LUBAC được cất nhắc lên ghế giáo sư thần học cơ bản tại Phân khoa Thần học Lyon. Chẳng bao lâu sau đó, de LUBAC đảm nhận thêm giảng khoá lịch sử các tôn giáo mà Jules MONCHANIN đã bắt đầu. Nổi tiếng như là nhà nghiên cứu và thuyết trình viên, thính giả ngày càng đông tìm đến với ngài.
Nỗ lực đầu tư thần học nầy lần đầu tiên được chứng nhận là nhờ một cuốn sách, CatholicismeLes aspects sociaux du dogme (1938) (Đạo Công giáo. Những khía cạnh xã hội của tín điều). Theo lối nói của tác giả, đạo Công giáo, chẳng phải mang tính chất cá nhân, chẳng phải có tính chất tập thể, mà “chủ yếu có đặc tính xã hội”. “Cuốn sách vạch hướng chương trình nầy” (theo lối gọi của Urs von BALTHASAR) đánh dấu một thời điểm quan trọng và chúng ta thấy ở đó nổi cộm lên những chiều hướng quan trọng của giòng tư tưởng của de LUBAC: Truyền thống, Giáo hội, tri thức Thiên Chúa, chủ nghĩa nhân bản Kitô-giáo, những tôn giáo khác.
Cha de LUBAC vẫn thích làm việc trong tầng sâu của Truyền thống. Với thái độ khiêm tốn kèm theo trình độ uyên bác đó, ngài không thể đưa ra một mệnh đề thần học nào mà trước đó lại đã không bênh vực biện hộ bằng nhiều trích dẫn. Nếu như ngài đã là một trong những sáng lập viên của những tuyển tập Sources chrétiennes, nếu như ngài đã cố gắng phục hồi lại địa vị cho ORIGÈNE (Histoire et Esprit), nếu như ngài đã cho xuất bản một tổng hợp có tính cách quyết định  về nỗ lực giải thích Kinh Thánh thời Trung cổ (Exégèse médiévale), tất cả những cái đó không phải là chuyện tình cờ đâu.
Nhà thần học nầy “khiêm tốn hãnh diện mình được là người tín hữu và ngoài điều đó ra ngài chẳng còn coi cái gì hơn nữa”. Trước sự phát triển của một nền nhân bản vô thần, de LUBAC mạnh mẽ khẳng định rằng nền nhân bản đích thực đặt nền móng trên Thiên Chúa hằng sống. Bởi vì, nơi con người có một niềm ước vọng tự nhiên được nhìn thấy Thiên Chúa, niềm ước vọng mà chính Thiên Chúa là tác giả. Và đó chính là nguồn gốc của những tác phẩm liên quan đến “cái siêu nhiên” (Surnaturel) và huyền nhiệm của “thái độ không tính toán” của Thiên Chúa (son mystère de gratuité).
Đối với chúng ta, nếu cần phải giữ lại hình ảnh của cha de LUBAC, đấy không phải là hình ảnh của một hào quang sáng chói nào đó sau Công đồng, mà đó là hình ảnh tác giả của Méditation sur l’Église (1953). Trong cơn thử thách đổ xuống đầu mình, đến từ phía Giáo hội, Henri de LUBAC vẫn một mực bày tỏ niềm tin và tình yêu của mình đối với Giáo hội. Một Giáo hội-huyền nhiệm, một Giáo hội-bí tích của Đức YÊSU KITÔ giữa lòng thế giới. Giáo hội mà Vatican II sẽ phô bày ra.


Ơn cứu độ, một món quà tặng phổ quát cho tất cả mọi người.
Sinh tại Fribourg-en-Brisgau (Đức, ctnd) năm 1904, Karl RAHNER lúc đầu hướng về triết học dưới chiếc gậy chỉ đường của Martin HEIDEGGER. Nhưng, RAHNER nhanh chóng bỏ hàng ngũ quay về với thần học nhờ trong một thời gian khá dài trở thành giáo sư tín lý tại Đại học Innsbruck. Dù bận rộn với công tác mục vụ và nhất là rao giảng, RAHNER vẫn cho ra đời được một công trình thần học có tầm cỡ lớn, kết quả của một nỗ lực say mê (hơn 3000 đầu đề).
Lúc đầu, RAHNER tham gia Tiểu ban thần học của Vatican II, điều nầy vẫn không ngăn cản RAHNER tiếp tục giảng dạy tại Munich nơi ngài kế vị ghế giáo sư của Romano GUARDINI. Lúc Công đồng bắt đầu, RAHNER đã giảng dạy ở Munster, cộng tác với Tiểu ban thần học quốc tế (1969 - 1974) và với Thượng hội đồng mục vụ Tây Đức với dáng vẻ “càu nhàu đáng mến”, nét cố hữu của ngài. Ngày nay, (phải hiểu là năm 1979,  Karl RAHNER đã qua đời năm 1986, ctnd), RAHNER đang chăm chú suy tư về Giáo hội cụ thể và địa phương, về sứ mạng truyền giáo của Giáo hội trong thế giới, và về sự cần thiết phải có những đổi thay cơ cấu.
Một cách đơn giản, chúng ta chỉ ghi lại đây 3 nét chính của nền thần học chiêm niệm nầy theo cái nghĩa cao quý nhất của từ đó: nỗ lực suy tư về ân sủng, suy tư về Đức KITÔ, khuynh hướng thường xuyên hướng về tương lai.
Nhân dịp sinh nhật thứ 60 của ngài (1964), khi được hỏi ngài nghĩ  gì về Giáo hội hiện nay, Karl RAHNER đã trả lời như thế nầy: “Giáo hội và chúng ta, tất cả, cần phải nói nhiều hơn về ân sủng...”. Thần học về ân sủng chắc chắn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt công trình tư tưởng của RAHNER. Vì Kitô-giáo muốn đặt Thiên Chúa và con người vào trong tương quan với nhau, cho nên chính kinh nghiệm về ân sủng là sự kết tinh lại của mối tương quan đó. Nhưng, phải nói về ân sủng như thế nào đây? RAHNER cho rằng nơi con người có một khuynh hướng tự căn cơ hướng về Thiên Chúa, Đấng tự thông ban chính mình qua lịch sử. Và chính khởi từ những cõi sâu thẳm của thực tại hiện sinh của con người mà chúng ta có thể đi về huyền nhiệm tuyệt đối là thiên Chúa. Con người là câu hỏi sống động mà chỉ Thiên Chúa mới có thể trả lời.
RAHNER mạnh dạn khẳng định rằng Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người ân sủng của Ngài và rằng một thứ mạc khải siêu nhiên hiện hữu trong mọi nơi và tất cả mọi thời. RAHNER xác minh khẳng định nầy dựa vào chính kinh nghiệm về thực tại siêu việt, về huyền nhiệm tuyệt đối mà mọi người đều có thể kinh qua. Nếu một người nào đó sống được chính kinh nghiệm nầy, người đó đã có ân sủng, vì một thứ kinh nghiệm như thế chỉ có thể có được trong môi trường ân sủng của Đức KITÔ. Chính vì thế, người ta có thể gán cho một người ngoài Kitô-giáo với cái tên là “Kitô-hữu nặc danh” (chrétien anonyme): Tin mừng và Giáo hội sẽ làm sáng tỏ thêm cái mà người đó đã sống trong chính nơi thâm sâu nhất của tính thể tâm linh của mình.
Tình trạng hiệp thông với Thiên Chúa nầy, nói cách khác đó chính là ân sủng, đạt đến cao điểm nơi ngã vị của Đức YÊSU KITÔ. “Đức YÊSU KITÔ, vừa là Thiên Chúa, vừa là con người, biến thành hiện thực nơi ngã vị của ngài thực tại hiệp nhất giữa câu hỏi mà nhân loại đặt ra và câu trả lời mà Thiên Chúa đã trả lời cho con người bằng ân huệ Ngài ban cho là Lời vĩnh cửu của Ngài”. Giáo hội là thực tại hữu hình của ân sủng được ban cho một cách phổ quát. Ân sủng sẽ là gì nếu không có thể xác, không có lịch sử? “Trong thế giới, Giáo hội là sự biểu lộ mà người ta có thể cảm giác được và có tính chất lịch sử của ân sủng của Thiên Chúa.”
Thời gian vẫn không xói mòn được gì ở ngài, RAHNER vẫn tiếp tục thăm dò tương lai với một đầu óc sắc sảo minh mẫn. Nếu, ngày mai đây, thần học có phải nhấn mạnh trên khuynh hướng đa dạng và đại kết, thần học sẽ vẫn phải giữ cho kỳ được tính chất khoa học, nghiêm túc, và ngay cả khả năng “tấn công” của mình. Một nền thần học như thế sẽ không có gì phải sợ hãi trước những vấn đề mới nẩy sinh từ những thứ khoa học nhân văn và văn hoá vô thần cả. Thần học vẫn dám đương đầu với chúng. Cuối cùng, một vấn đề nữa đặt ra, tại sao phải suy tư thần học? “Bởi vì chúng ta yêu con người mà thần học phải là ánh sáng soi cho họ và bởi vì chúng ta muốn phục vụ Thiên Chúa và, có lẽ, muốn gặp được Ngài.”
Bruno CHENU.

X      X
X

Cuộc chiến đấu và nỗi gian lao của Giáo hội.
Giáo hội ở trong lòng thế giới, vì thế có nghĩa là Giáo hội nằm ngay trong lòng những cuộc giao tranh. Israel dũng sĩ, báo trước hình ảnh của Giáo hội, được YAVÊ dẫn dắt vào cuộc chiến đấu chinh phục sản nghiệp của mình. Vị thần linh của Giáo hội là Thiên Chúa-hoà bình, chính Giáo hội là “một thực tại hạnh phúc đã được thấy hoà bình” (thánh thi trong lễ Cung hiến các nhà thờ), Giáo hội rao giảng Đấng “đã tạo hoà bình bằng máu của Thập giá của Ngài” (Co 1, 20), Giáo hội muốn có trong lòng dạ của mình những con người dịu hiền và hiếu hoà và, khi người ta nghe theo Giáo hội bao giờ cũng có nghĩa là Giáo hội đang thực thi một hành động tạo hoà bình; nhưng Giáo hội cần phải bắt đầu nỗ lực bứng chúng ta ra khỏi cái thứ hoà bình giả dối mà trước cái nhìn của Đức KITÔ vẫn chỉ là một thứ hoà bình của thế gian và trong đó bao giờ chúng ta cũng cứ tìm cách để lại ngồi ì xuống án binh bất động. Để “dọn đường cho Tin mừng hoà bình”, chính Thánh PHAOLÔ đã nói với chúng ta là nơi mỗi người trong chúng ta, Giáo hội phải trang bị “áo giáp là Thiên Chúa” (Ep. 6, 11-17). Chúng ta đang ở trong tình trạng nô lệ: Giáo hội cần phải giải phóng chúng ta, và sự giải phóng không thực hiện được nếu như không chịu giao tranh chiến đấu. Chỉ đến “đúng hạn kỳ” Thiên Chúa mới “ban cho Giáo hội hoà bình” (Tv. 147, 14). Vì thế, trước khi là Yêrusalem tưng bừng cử hành nghi lễ mừng Chúa trong hoà bình mà cuối cùng đã đạt được, Giáo hội cần phải trải qua thân phận của YACOB mà cái tên có nghĩa là chiến đấu và gian khổ. Trước khi được đội mũ triều thiên trên đài chiến thắng, Giáo hội cần phải đụng đầu với những quyền lực của thế gian nầy, và dù những ảo tưởng từng thời kỳ nẩy sinh từ nơi một số những con cái của mình có thế nào đi nữa, ở dưới đất nầy, Giáo hội không bao giờ có được khải hoàn và vinh quang.
(Henri de LUBACMéditation sur l’ÉgliseParis, Aubier, 1953, pp. 145 - 146)


Một con người có khả năng nắm bắt thực thể vô cùng.
Điều duy nhất mà Kitô-giáo bác khước đó là thấy con người co quắp mình lại và từ chối không chịu coi mình như là một tính thể được phú cho thực tại vô cùng căn cơ là chính Thiên Chúa, một thực thể hữu hạn có khả năng nắm bắt thực thể vô hạn. Ồ! Tôi biết, sứ mạng loan báo về thực tại vô cùng, về chân lý tuyệt đối và về tự do đó, nói cách khác đó chính là Kitô-giáo, thường thường lại được các thầy, các luật sĩ của nó trình bày một cách thật đáng ngại, như là một thứ lý thuyết đòi hỏi người ta phải một cách cực nhọc tìm kiếm cho nó một chỗ đứng thông qua những cuộc tranh luận và những cuộc cãi vã không bao giờ cùng về các từ ngữ, và hình như sống được là nhờ kình chống lại với những quan niệm hoặc những kinh nghiệm đối nghịch lại. Nhưng, chúng ta đừng để mình bị gây bối rối bởi cái thứ thần học phiền muộn đó. Kitô-giáo vẫn có một chí lực vô cùng. Đời nào chịu để mình mất hút đi trong những tiểu tiết, như tất cả những thứ tôn giáo khác, Kitô-giáo chỉ nói có một điều nhưng nói với một kiểu nói rạng ngời chân lý cũng như cùng với nỗi ưu tư làm sao vẫn không lơ là thân phận con người (điều nầy chứng tỏ đó mới chính là công trình của Thiên Chúa): đó là thực tại viên mãn tuyệt đối là Thiên Chúa, vượt xa tất cả mọi ý tưởng, tất cả mọi giới hạn và tất cả mọi thứ ngôn ngữ, đã tự thâm nhập vào trong cung lòng của thụ tạo để Ngài có thể ban cho nó vinh quang riêng của Ngài, chỉ cần thụ tạo có một chút ước muốn nhỏ nhoi thôi.
(Karl RAHNERÉcrits théologiques(éd. Allemande), t.5, 1962, traduction de Charles MULLERKarl RAHNERParis, Fleurus, p. 147)


Tài liệu tham khảo:
     *    Henri de LUBAC:
 Không nên đặt vấn đề kê khai ra đây tất cả mọi tác phẩm của cha Henri de LUBAC. Để có thể có được một ý niệm về sản phẩm thần học của ngài, chúng tôi chọn những tác phẩm sau đây:
·             Catholicisme. Les aspects sociaux du dogme, Paris, Cerf, 1938.
·           Corpus mysticum. L’Eucharistie et l’Église au moyen Age, Paris, Aubier, 1944.
·           Le drame de l’humanisme athée, Paris, Spes, 1944.
·           Surnaturel. Études historiques, Paris, Aubier, 1946.
·           Histoire et Esprit, Paris, Aubier, 1950.
·           La rencontre du bouddhisme et de l’Occident, Paris, Aubier, 1952.
·           Méditation sur l’Église, Paris, Aubier, 1953.
·           Sur les chemins de Dieu, Paris, Aubier, 1956.
·           Exégèse médiévale, Paris, Aubier, 1959 - 1964.
·           Augustinisme et théologie moderne, Paris, Aubier, 1965.
·           Le mystère du surnaturel, Paris, Aubier, 1965.
·           L’Écriture dans la tradition, Paris, Aubier, 1966.
·           Paradoxe et mystère de l’Église, Paris Aubier, 1967.
·           La foi chrétienne, essai sur la structure du Symbole des Apôtres, Paris, Aubier, 1969.
·           Les Églises particulières dans l’Église universelle, Paris Aubier, 1971.
Để có cái nhìn tổng quát, bạn nên tham khảo:
·           Herbert VORGRIMLER, “Henri de LUBAC” trong Bilan de la théologie du XXesiècle, t.2, Tournai-Paris, Gasterman, 1970, pp. 806 - 820.

*    Karl RAHNER:
Độc giả biết tiếng Pháp có thể xem hai tác phẩm cơ bản:
·           Écrits théologiques, 12 vol., Paris, DDB, 1959 - 1970.
·           Mission et grâce, 3 vol., Tours, Mame, 1962 - 1965.
Trong số những xuất bản phẩm khác của RAHNER, chúng tôi xin phép giới thiệu:
·           L’Esprit et le monde, Tours, Mame, 1968.
·           L’homme à l’écoute du Verbe, Tours, Mame, 1968.
·           “Dieu Trinité, fondement transcendant de l’histoire du salut”, dans Mysterium Salutis, t.2, vol. 6, Paris, Cerf, 1971, pp. 9-140.
·           Les chances de la foi, Paris, Centurion, 1974.
Những giới thiệu toàn cảnh về RAHNER không thiếu, bạn có thể đọc:
·  Charles MULLER et Herbert VORGRIMLER, Karl RAHNER, Paris, Fleurus, 1965.
·           Louis ROBERTS, Karl RAHNER. Sa pensée, son oeuvre, sa méthode, Tours, Mame, 1969.
Ngắn gọn hơn nên đọc:
·           Karl LEHMANN, “Karl RAHNER” dans Bilan de la    théologie du XXe, t.2, Tournai-Paris, Casterman, pp. 836 - 874.
Tác giả: Bruno CHENU - Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ
Nguồn: giaolyductin.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét