Đạo đức – cuộc gặp gỡ và tương quan với tha nhân (I)
Đặt vấn đề
Con người phải sống như thế nào? Khó để có câu trả lời rốt ráo, vì nó còn tùy thuộc vào cách nhìn nhận con người là ai. Thật vậy, người ta có thể chủ trương con người là những con vật có lý trí, vì vậy sống đạo đức đồng nghĩa với việc phải tuân theo sự hướng dẫn của lý trí. Người ta cũng có thể chủ trương bản tính con người là đi tìm hạnh phúc, và đạo đức phải giúp con người có được hạnh phúc.[i] Như vậy, dưới góc nhìn này, hữu thể học nổi bật lên vai trò làm nền tảng cho đạo đức. Nói khác đi, để có thể xác định được cách thế con người phải sống, triết học trước hết phải giải quyết câu hỏi con người là ai.[ii] Tuy nhiên, khi có cơ hội tiếp cận với tác phẩm Totality and Infinity[iii] (1961) của Emmanuel Levinas[iv], người viết thực sự ngạc nhiên trước lối nẻo tiếp cận của tác giả. Nơi Levinas, triết học chuyển sang một khúc quanh khác, khi ông xem triết học đạo đức mới thực sự triết học đệ nhất, chứ không phải hữu thể học. Cụ thể hơn, triết học đạo đức của Levinas không còn đặt nền trên nỗ lực nắm bắt con người là ai, nhưng đi bằng con đường khác, con đường của việc mở ra và sống tương quan với tha nhân.[v] Trước thái độ ngạc nhiên ấy, người viết đã tự đặt vấn đề cho chính mình rằng “Liệu khi đặt mối tương quan với tha nhân làm điểm quy chiếu cho đạo đức, triết học đạo đức của Levinas có gì mới mẻ hơn không?” Từ câu hỏi nền tảng này, người viết bắt đầu tìm hiểu triết học đạo đức theo cái nhìn của Levinas, với trọng tâm tập trung vào ba câu hỏi sau đây, nhưng chính yếu vẫn là câu hỏi thứ hai:
- Tại sao Levinas lại xem triết học đạo đức là triết học đệ nhất?
- Levinas quan niệm như thế nào về điểm quy chiếu đạo đức của ông?
- Cái nhìn của Levinas về đạo đức mở ra cho con người viễn tượng gì?
Qua việc nỗ lực giải quyết các vấn đề này, người viết hy vọng (1) được nối gót của Levinas trong lối nẻo tiếp cận vấn đề, (2) được thụ huấn tư tưởng triết học đạo đức của Levinas khi khảo cứu tác phẩm Totality and Infinity, và (3) được phép nêu lên một số ghi nhận cá nhân dù nhận thấy vẫn còn chưa thấu đáo và sắc sảo.
I. Bối cảnh dẫn Levinas tới khúc quanh triết học
Có thể nói, lý do giúp Levinas có được bước ngoặt trong suy tư triết học bắt đầu từ những biến cố đau thương của con người. Qua những nếm trải đau thương ấy, ông ngộ ra được giới hạn của nền triết học Phương tây đương thời, từ đó ông đã đề xuất con đường khác, mới mẻ và hiện sinh hơn. Để có thể làm nổi bật lối nẻo đưa tới khúc quanh này, người viết xin được khai triển ba điểm sau đây: kinh nghiệm của Levinas về những biến động xã hội, phê phán triết học Tây phương và đề xuất mới mẻ của ông.
I.1. Kinh nghiệm về những biến động xã hội
Levinas sống trong bối cảnh đầy những kinh nghiệm đau thương, như hai cuộc đại thế chiến, những cuộc tàn sát đẫm máu mà những người Do Thái đồng liêu của ông phải hứng chịu… Ngay cả ông, để có thể sống sót, phải tị nạn hết nơi này đến nơi khác. Ông buộc phải đón nhận kinh nghiệm mất mát ba người em ruột của ông do bị tàn sát bởi quân Nazi. Ngoài ra, ông còn bị phân biệt đối xử khi bị bắt làm tù binh, chỉ vì là người Do Thái.[vi] Những ký ức này, đặc biệt ký ức về các cuộc tàn sát người Do Thái của quân Nazi, Levinas không thể nào quên được; chúng mãi là nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với ông.[vii] Có lẽ những ký ức khó quên này đã khơi dậy nơi tâm hồn nhạy cảm của Levinas những tâm tình chất chứa, cũng như nơi khối óc của ông những suy tư độc đáo.
Thật vậy, từ những nếm trải đau thương ấy, Levinas bắt đầu phản tỉnh. Levinas nhận thấy “chiến tranh biến đạo đức thành ra trò hề… và không còn đáng tin.”[viii] Bởi lẽ chiến tranh đã làm cho mọi ràng buộc và mọi mệnh lệnh đạo đức, ví dụ không được giết người, trở nên vô nghĩa.
Hơn nữa, khi phát động chiến tranh, các cường quốc muốn áp đặt ách thống trị của mình lên tất cả mọi người và các dân tộc khác. Bằng sức mạnh, vũ lực và những đòn đánh phủ đầu, họ muốn đưa tất cả vào quyền kiểm soát của riêng họ. Nhờ đó, thế giới này mới nên trật tự và đi vào khuôn khổ. Mục đích của “chiến tranh là giúp thiết lập một trật tự duy nhất. Ở đó không ai có thể ở ngoài.”[ix] Dĩ nhiên, khi thực hiện “tham vọng đế quốc và độc tài”[x] này, các cường quốc chẳng muốn lắng nghe tiếng nói của dân thường vô tội.[xi]
Tóm lại, Levinas thấy rằng muốn thâu tóm, kiểm soát và thống trị con người trong khuôn khổ, cũng như phớt lờ tiếng gào thét của con người, là đặc tính của chiến tranh. Từ suy tư này, Levinas bắt đầu phê phán triết học Tây phương đương thời.
I.2. Phê phán triết học Tây phương
Tại sao Levinas lại phê phán triết học Tây phương? Theo Levinas, phê phán vì ông nhận ra đặc tính của chiến tranh, muốn thâu tóm và kiểm soát mọi thứ trong khuôn khổ, cùng với việc làm ngơ nhu cầu riêng của mỗi người, cũng chính là đặc tính của triết học Tây phương, cụ thể là hữu thể học.[xii] Đặc tính này thể hiện qua việc “hữu thể học luôn muốn giản lược mọi thứ về cái chung (the same), để trí năng con người dễ dàng nắm bắt.”[xiii] Nói khác đi, vì muốn tri nhận mọi sự vật, vốn rất đa dạng và khác biệt, hữu thể học muốn tìm ra cái lý phổ quát (logos) nơi các sự vật này.[xiv] Cũng chính vì vậy, triết học từ chối mọi khác biệt. Tất cả đặc nét riêng của sự vật phải hy sinh cho các khái niệm chung nhất.[xv] Levinas diễn tả tình trạng này trong cụm từ Totality (tính cộng gộp).
Đặc biệt hơn, Levinas chỉ ra tham vọng này đã biến tha nhân (autrui) thành đề tài, hay đối tượng cho chủ thể tri nhận, khi bị giản lược vào trong các khái niệm chung nhất. “Mỗi một con người không được nhìn nhận trong tính cá vị (individuality) của họ, nhưng trong cách chung chung (generality)…, hay trong những khái niệm do chủ thể tri nhận tạo nên.”[xvi] Thế nên, Levinas không ngần ngại gọi “hữu thể học chỉ là một thứ triết học vị kỷ (egology).”[xvii] Một thứ triết học chỉ nhìn nhận tha nhân theo cái khuôn do chủ thể tri nhận quy định, hoặc theo cách chủ thể muốn.
Ví dụ cụ thể nhất cho lối suy tư này, đối với Levinas, là triết học của Martin Heidegger.[xviii] Thật vậy, trong Being and Time[xix], Heidegger muốn theo đuổi một dự phóng tìm kiếm ý nghĩa nền tảng của hữu (être), hay nền tảng hiện hữu của chính Dasein, vốn đang khắc khoải, lo âu về hiện hữu của mình.[xx] Theo Levinas, cuộc tìm kiếm này “không thể tách rời nỗ lực nắm bắt hữu (être), vốn được thực hiện trong thời gian” của chính chủ thể, Dasein.[xxi] Dasein có thể hiểu về hữu (être) qua phân tích thế giới nó đang sống, hay gặp gỡ các đối tượng cụ thể (étant). Như vậy, Levinas nhận thấy việc tìm kiếm ý nghĩa nền tảng của hữu (être) hệ tại việc siêu vượt lên hữu thể[xxii]; nói khác đi, nơi Heidegger, hữu được đặt ở vị thế cao hơn hữu thể. Chính điều này quyết định bản chất của triết học. Nói như vậy cũng ngầm ý rằng Heidegger đã giản lược mọi tương quan với hữu thể thành tương quan với hữu.[xxiii]
Thực ra, theo Levinas, đằng sau tham vọng này, Heidegger muốn đề cập đến tự do của con người. Levinas nói về điều đó như sau:
Mối tương quan với hữu, cái được xem như là bản chất của triết học, hệ tại ở chỗ phổ quát hóa các hiện hữu cá biệt, hầu có thể nắm bắt được nó. Nó không quan tâm sự khác biệt, nhưng giản lược mọi khác biệt thành cái chung nhất. Điều này cũng chính là định nghĩa của tự do: vẫn đảm bảo được chủ quyền tuyệt đối của tôi, chủ thể tri nhận, cũng như giữ tôi không bị mất hút trong tha nhân, khi tương quan với họ.[xxiv]
Tự do chỉ có khi Dasein tìm được nền tảng hiện hữu của mình, được hiện hữu như một chủ thể chính danh, bằng không Dasein cứ mãi sống vật vờ trong những cái khác biệt và đa tạp.[xxv] Tuy nhiên, Levinas lại xem đó là lối hành xử kiểu thống trị, đàn áp, muốn chiếm hữu tha nhân. Vì ưu tư cho hiện hữu của riêng mình, Dasein đã xem người khác chỉ như phương tiện.[xxvi]
Tóm lại, Levinas không còn bằng lòng với cách thế suy tư của nền triết học đương thời. Đây là một nền triết học của quyền lực và bất công. Nó chỉ có loại bỏ và xem người khác như công cụ của riêng mình. Từ giới hạn này, Levinas đã đề xuất một hướng đi mới cho triết học.
I.3. Đề xuất mới của Levinas
Để thoát khỏi tình trạng này, Levinas đã đề xuất một hướng đi ngược lại, “mở ra và nhìn nhận chiều kích siêu việt nơi tha nhân (autrui).”[xxvii] Levinas đã dùng thuật ngữ Infinity (vô hạn) để diễn tả điều này như một sự đối lập với Totality ở trên. Từ Infinity với Levinas nhằm biểu thị “một kiểu thức hiện hữu của hữu thể.”[xxviii] Theo James Mensch, kiểu thức này không nằm ở dạng danh từ, nhưng ở thể động từ; tức là, Levinas muốn nói về hoạt động của hữu thể, hoạt động tuôn đổ dư tràn (overflows).[xxix] Những gì tha nhân tỏ lộ chắc chắn siêu vượt lên trên những gì mình có thể nhận biết, hay mọi giới hạn mình dành cho tha nhân.[xxx] Chủ thể giờ đây phải khiêm tốn và ngỡ ngàng trước siêu việt tính của tha nhân. Giấc mơ muốn nắm bắt của chủ thể, cũng như muốn trở nên điểm quy chiếu tối hậu cho người khác phải chấp nhận lụi tàn.
Chung quy lại, khi dùng hạn từ Infinity, Levinas muốn nhấn mạnh đến chiều kích tuyệt đối của tha nhân.[xxxi] Tuyệt đối vì bất khả giản lược, bất khả đạt thấu. Không ai được phép đặt quyền lực trên họ. Tự tha nhân sẽ tỏ hiện cho mình biết về họ; và như vậy, để được tỏ hiện, mỗi người buộc phải thay đổi thái độ. Mỗi người cần mở ra và đi vào tương quan với tha nhân.
Tóm lại, trong cái vô hạn này, đạo đức học nổi bật lên như là triết học đệ nhất. Nó không là cái gì đó đến sau việc nắm bắt con người là ai, nhưng là đi vào tương quan với tha nhân, đi vào trong khung trời huyền nhiệm của con người. “Tương quan mới là điều quan trong nhất, bởi tôi không thể tách mình ra khỏi người khác.”[xxxii] Qua những phân tích này, rõ ràng Levinas cho thấy sống tương quan với tha nhân chính là điểm quy chiếu để ông xây dựng nền đạo đức học của ông. Tuy nhiên, bước vào tương quan với tha nhân phải hiểu như thế nào? Nói khác đi, Levinas quan niệm như thế nào về điểm quy chiếu này?
Paul Ngân. Nguyễn Thành Ân, S.J.
Học viên triết I
(Còn tiếp)
***
[i] Samuel Enoch Stumpf and Donald C. Abel, Nhập Môn Triết Học Phương Tây, trans. Lưu Văn Huy (HCM: NXB TP.HCM, 2004), 278.
[ii] Cần nói thêm rằng, triết học phương Tây đã dành tặng danh xưng “triết học đệ nhất” cho hữu thể học. Về sau này, Heidegger tái khẳng định vai trò làm nền cho triết học của hữu thể học, bằng việc xoáy vào vấn nạn về hữu thể như là vấn nạn nền tảng, cũng như là khởi điểm cho nền triết học Tây phương. Thế nên, trong chừng mực nào đó, có thể kết luận rằng, hễ nói tới triết học Tây phương ngầm ý nói đến hữu thể học. (Đậu Văn Hồng, Giáo Trình Hữu Thể Học, (giáo trình giảng dạy tại Học Viện Thánh Giuse Dòng Tên, lưu hành nội bộ, 2016), 3-8.)
[iii] Emmanuel Levinas, Totality and Infinity: An Essay on Exteriority, trans. Alphonso Lingis (Boston: Martinus Nijhoff Publishers, 1979). Từ này về sau, tác phẩm sẽ được viết tắt thành TI.
[iv] Emmanuel Levinas sinh năm 1906 trong một gia đình người Do Thái ở Lithuania và mất năm 1995. Ông có một số tác phẩm nổi tiếng như: The Theory of Intuition in Husserl’s Phenomenology (1930), Totality and Infinity: An Essay on Exteriority (1961), Otherwise than Being or Beyond Essence (1974)…
[v] Bettina Bergo, “Emmanuel Levinas,” The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Summer 2015 Edition), ed. Edward N. Zalta, http://plato.stanford.edu/archives/sum2015/entries/levinas/ (accesed Nov 22, 2016).
[vi] Simon Critchley, “Emmanuel Levinas: A Disparate Inventory,” in The Cambridge Companion to Levinas, eds. Simon Critchley, and Robert Bernasconi, xv-xxx (New York: The Cambrige Press, 2004), xiv-xx.
[vii] Lời bộc bạch này được Levinas chia sẻ trong tác phẩm Difficult Freedom: Essays on Judaism, xuất bản năm 1963, sau Totality and Infinity một vài năm. (Emmanuel Levinas, Difficult Freedom: Essays on Judaism, trans. Seán Hand (Baltimore: The Johns Hopkins University Press, 1990), 291.)
[viii] TI, 21.
[ix] TI, 21.
[x] TI, 47.
[xi] TI, 23.
[xii] TI, 21.
[xiii] TI, 43.
[xiv] TI, 42-43. Điều Levinas nhắc đến ở đây, cái lý phổ quát, theo Jean Grondin, cách nào đó gợi nhớ đến khái niệm eidos trong triết học Plato. Nó chính là bản chất cốt yếu và là nguyên nhân cho mọi sự hiện hữu của các sự vật khả giác, cũng như là đối tượng của tư duy con người. Một khi lãnh hội được chúng, con người có được tri thức đích thực. (Jean Grondin, Introduction to Metaphysics – From Parmenides to Levinas, trans. Lukas Soderstrom (New York: Columbia University Press, 2012), 243-244.)
[xv] TI, 22, 42.
[xvi] TI, 44.
[xvii] TI, 44.
[xviii] Levinas cũng có một thời gian học với Heidegger, khi đến Freiburg vào năm 1928-1929. Tại đây, Levinas có cơ hội tiếp cận với cuốn Being and Time (1927), một trong những cuốn thời danh lúc bây giờ. Cuốn sách này để lại nhiều ấn tượng tích cực nơi Levinas. Tuy nhiên, trải nghiệm cuộc sống khiến Levinas đã đổi cái nhìn về Heidegger. Trong một bài viết có tựa đề Is Ontology Fundamental? (1951), Levinas đã đánh đổ Heidegger một cách rất ngọt ngào. (Emmanuel Levinas, Ethics and Infinity – Convestation with Philippe Nemo, trans. Richard A. Cohen (Quezon: Claretian Publications: 1997), 37-44.)
[xix] Martin Heidegger, Being and Time, trans. Joan Stambaugh (New York: State Unversity of New York Press, 1996).
[xx] Being and Time §1, xix.
[xxi] TI, 45; Being and Time §6, 4.
[xxii] Emmanuel Levinas, “Is Ontology Fundamental?,” in Etre Nous: On Thinking of the Other, trans. Michael B. Smith, and Barbara Harshav, 1-11 (New York: Columbia University Press, 1998), 5.
[xxiii] TI, 45.
[xxiv] TI, 45-46.
[xxv] TI, 42, 45-46.
[xxvi] TI, 110.
[xxvii] TI, 24.
[xxviii] TI, 26.
[xxix] James Mensch, Levinas’ Existential Analytic – A Commentary on Levinas’ Totality and Infinity (Evanston: Northwestern University Press, 2015), 29.
[xxx] TI, 26-27.
[xxxi] “L’absolument Autre, c’est Autrui.” (TI, 39.)
[xxxii] TI, 47-48.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét