Trang

Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

VATICAN II (1962 – 1965) Lỗ trổ của Thần Khí.

VATICAN II (1962 – 1965) Lỗ trổ của Thần Khí.




Không một dấu hiệu nào báo trước việc Đức GIOAN XXIII sẽ thủ giữ một vai trò thần học có tầm vóc vĩ đại hàng đầu như thế cả. YOAN XXIII, đứa con hèn mọn của những người nông dân vùng Bergame (Italia, ctnd), chỉ được bầu lên như là vị “Giáo chủ của thời kỳ chuyển tiếp) mà thôi. Nhưng, trong những khe hở nhỏ của Lịch sử, Thần Khí đôi khi lại thổi rất mạnh. Chính như vậy đấy mà toàn thể thế giới Kitô-giáo bị đấm bật ngữa trở lại bởi “cú đấm ân sủng” của vị Giáo chủ GIOAN tốt lành nầy: sự kiện loan báo triệu tập một Công đồng chung. Về phía Công giáo, lúc đầu người ta nghĩ rằng không cần thiết phải làm như thế vì đã có quyền giáo huấn của Đức Giáo chủ Tối thượng rồi: có lẽ cần học lại kinh nghiệm Công đồng của những thế kỷ đầu. Dần dần từng bước, một mối ưu tư lớn được hình thành rõ nét xuay quanh một chương trình làm việc chưa lấy gì làm chắc chắn lắm: nỗ lực cập nhật hoá (aggiornamento), nghĩa là đưa Giáo hội tiếp xúc với cuộc đời hàng ngày của con người, đưa Giáo hội thâm nhập vào trong phong trào của Thế giới và của Lịch sử.

Đã qua rồi cái thời Chống-Cải cách.
VATICAN II đã là một biến cố thần học do chính sự kiện quy mô tập hợp của nó. Hơn 2000 giám mục, hằng trăm chuyên viên, tất cả mọi thành phần của thế giới đều có đại biểu, chưa bao giờ có một Công đồng nào đã có được một quy mô phổ quát như vậy. Công đồng VATICAN I (1870), không có một giám mục da đen nào, ở VATICAN II có hơn 100. Tính chất cộng đoàn, khẩu hiệu mới của Giáo hội, đã là một thực tế trước khi trở thành kết luận thần học. Và mục tiêu của Công đồng là nhằm tạo ra một sự nhất trí trong cái thế giới muôn màu muôn vẻ nầy, một ý thức chung trong hàng ngũ các giám mục về trách nhiệm đối với toàn thể Giáo hội Công giáo.
Để làm được chuyện đó, các Nghị phụ đã phải điều chỉnh lại đồng hồ cho đúng với giờ giấc của Thần Khí. Nhiều Nghị phụ có nói tới chuyện “Chống-Cải cách”, có nghĩ tới “kinh viện”, và những lược đồ của dự thảo lúc đầu phần nhiều đi theo chiều hướng đó. Giáo hội giáo huấn (các giám mục) dứt khoát phải bước vào thế kỷ XX dưới sức đẩy đáng yêu của Giáo hội hướng dẫn (các nhà thần học) đứng đầu là những khuôn mặt của CONGAR, một SCHILLEBEECKX, một RAHNER, một RATZINGER, một PHILIPS, một MOELLER.
Là lễ Hiển linh của Giáo hội công giáo, Công đồng không tự giới hạn trong những ranh giới hạn hẹp của mình. Công đồng đã mặc một bộ áo có chiều kích đại kết do chính sự kiện có mặt đáng kể của nhiều quan sát viên. Những quan sát viên nầy đến từ tất cả mọi miền của các Giáo hội Kitô-giáo và họ có thể tham dự vào nỗ lực chung các công việc qua nhịp cầu trung gian của Văn phòng Hiệp nhất. Công đồng đã diễn ra dưới cặp mắt quan sát của họ và đã phải lưu ý đến thực tại hiệp thông đã có giữa tất cả mọi người Kitô-hữu. Lần đầu tiên, một Công đồng chẳng chống lại ai cả.

Trọng tâm của Công đồng: Giáo hội.
Ngày nay, chúng ta lại càng nhận ra điều đó rõ hơn, nỗ lực của VATICAN II tập trung về Giáo hội: Công đồng đã khởi hành từ Giáo hội trong kinh nguyện (phụng vụ) để đạt tới Giáo hội đang chiến đấu (Gaudium et Spes) sau khi đã trải qua Giáo hội trong chân lý (Lumen Gentium). Không một bản văn nào trong các bản văn của Công đồng xuất phát từ quỹ đạo của khuynh hướng giáo hội học cũ: dù đề cập đến vấn đề tự do tôn giáo hay về Mạc khải, bao giờ vấn đề sống-trong-Giáo hội vẫn là trung tâm của cuộc thảo luận.
Giáo hội nầy đã được định nghĩa như thế nào? “Trong những hạn từ “huyền nhiệm”, “bí tích”, “dân” đang hành hương mà mỗi người trong đó, về phần mình, đều có trách nhiệm; không những Giáo hội không còn muốn tự coi mình như là xã hội hoàn hảo, mà Giáo hội còn một cách kín đáo nhận mình có những sai lầm... Đâu là vị trí của Giáo hội trong tương quan với thế giới mà Giáo hội đang sống với? Bỏ đi bộ mặt khó thương của mình, gạt qua một bên nỗi lo âu chỉ biết khư khư giữ lấy cho được một tình trạng đồng nhất, và lại còn áp đặt cả những giải pháp nữa, chống lại một tình trạng hỗn tạp lạc quan pha lẫn khiêm tốn, Giáo hội cố gắng đọc cho được “những dấu chỉ của thời đại”, công nhận tính chất độc lập của những thực tại trần thế; thừa nhận mình không có câu trả lời cho tất cả mọi chuyện, chấp nhận tiếp thu. Tiếng kèn xung trận của Công đồng làm nứt nẻ những bức tường thành của các pháo đài kiên cố và nầy đây một thành phố đang mở ngõ, bỗng chốc sẵn sàng tự hiến dâng” (E. FOUILLOUX). Đàng khác, quả là điều có ý nghĩa khi Công đồng với một sứ điệp gửi cho thế giới (ngày 20 tháng 10 năm 1962) và lại kết thúc tại công trường Thánh PHÊRÔ trước đông đảo hơn 300.000 người với 7 sứ điệp gửi tới những người đàn ông và phụ nữ của thời đại ngày nay.
Đặt ưu tiên hàng đầu cho mối bận tâm làm sao lại đưa Giáo hội tiến lên hàng ngũ tiên phong, VATICAN II muốn mình tập trung vào vấn đề mục vụ. Liệu có nên nói rằng Công đồng đã gác qua một bên không động chạm gì tới công trình tín lý? Đã hẳn, Công đồng đã không đưa ra bất cứ một định nghĩa nào mới. Công đồng vẫn ở trong một tư thế khôn ngoan dè dặt với vấn đề nầy. Nhưng, điều mà Công đồng muốn thay đổi đó là văn phong của thần học. Từ nay, làm công tác thần học thôi không còn có nghĩa là khẳng định một chân lý “tự thân” (une vérité “en soi”), phi-không và thời gian mà là tìm kiếm một thứ chân lý “cho con người” (une vérité “pour les hommes”), đảm nhận những vấn đề và những chờ mong của con người. Một mẫu thần học gia mới ra đời, được chuẩn bị sau bao nhiêu tháng ngày gieo giống.

Khúc ngoặt không phải là tất cả con đường.
Nhìn vào những giòng nước xoáy sau Công đồng, một ít người có một đánh giá khá tiêu cực về VATICAN II. Sự hùng vĩ của biến cố có lẽ đã tạo ra ảo tưởng. Những vấn đề có lẽ đã được thổi phồng lên theo kiểu đầu voi đuôi chuột (của hàng giáo sĩ) và Công đồng có lẽ đã không có một nền thần học về công tác mục vụ của mình, không có luôn văn bản có tính chất hiến chế về vai trò sứ ngôn của mình. Có lẽ đại bộ phận quần chúng Kitô-hữu lương thiện tốt lành đã không được đại diện ở đấy để nói lên tiếng nói của mình. Chỉ những tầng lớp trung lưu ở phương Tây, trưởng giả và tri thức, mới nuốt được cái sứ điệp sặc mùi chủ thuyết nhân vị của Công đồng vì nó đã được đặc biệt dành cho họ.
Những nhận định trên đây hoàn toàn có cơ sở. Nhưng, chắc chắn là chúng biểu lộ một thái độ chờ đợi quá mức đối với hiện tượng Công đồng. VATICAN II mang ý nghĩa của một cái gì kết thúc hơn là một cái gì khai mào. Đối với tương lai, Công đồng định nghĩa một tinh thần, một nguyên động lực. Nếu như những cật vấn của chúng ta ngày nay được xê dịch qua một bên khỏi nền móng cũ (không còn là vấn đề Giáo hội là gì mà là vấn đề con người là gì và thế giới là gì?), thì phải nhận rằng chúng đã được gợi lên từ các phong trào mà Công đồng đã giải phóng cho. Người ta không mở cửa một cách vô tội vạ.
Vì vậy, theo thiển ý, sẽ không sáng suốt khi cứ lặp đi lặp lại rằng cần phải trở về với VATICAN II. Những bản văn của Công đồng không phải là một cái máy trả lời tự động. Chẳng qua chúng chỉ biểu hiện một giai đoạn đáng kể và không ngờ trước được của thần học công giáo. Nhưng, thế kỷ của những nhà chú giải bình luận đã chấm dứt. Chúng ta ngày nay đã ở khá xa vượt qua bên kia rồi, xét theo khoảng cách xã hội cũng như Giáo hội (những lý lẽ sống cũ đã mục nát rồi, những tình trạng chia cắt về mặt chính trị, khuynh hướng trần tục hoá ngày càng lớn mạnh, tình trạng căn cuớc tính của người Kitô-hữu vẫn còn trong giấc ngủ mùa đông). Trong một thế giới đang thường xuyên biến đổi, trung thành với Công đồng đòi phải có đầu óc sáng tạo của trái tim và của khối óc.
Bruno CHENU

Đức KITÔ, khởi điểm và chung cục.
S1.   Dù giúp đỡ thế giới hay nhận lãnh từ thế giới, Giáo hội chỉ nhắm một mục tiêu độc nhất: nước Thiên Chúa đến và dòng giống nhân loại được cứu độ. Đàng khác, tất cả mọi lợi ích mà Dân Thiên Chúa, trong thời gian hành hương ở nơi trần thế của mình, có thể cung cấp cho gia đình nhân loại đều xuất phát từ thực tế nầy là Giáo hội là “bí tích phổ quát của ơn cứu độ”, bày tỏ và hiện thể hoá huyền nhiệm tình yêu của Thiên Chúa đối với con nguời.
S2.   Vì Ngôi Lời Thiên Chúa, nhờ Ngài mà mọi sự đã được tạo thành, chính Ngài đã trở thành xác phàm, để, trong tư cách Con người hoàn hảo, Ngài cứu độ tất cả mọi người và thâu tóm tất cả mọi sự lại trong Ngài. Chúa là cùng đích của lịch sử nhân loại, là tụ điểm mà những ước vọng của lịch sử và văn minh đều hướng về, là trung tâm của dòng giống nhân loại, là niềm vui cho mọi cõi lòng và là thực tại viên mãn đáp ứng những khát vọng của chúng (1). Chính Ngài là Đấng Cha đã làm cho sống lại từ trong kẻ chết, đã vinh thăng và đã được đặt ngồi  bên hữu mình, như thế là đặt Ngài làm thẩm phán kẻ sống và kẻ chết. Được làm cho sống động và được quy tụ trong Thần Khí của Cha, chúng ta đang tiến bước về thực tại viên thành chung cục của lịch sử nhân loại hoàn toàn phù hợp với kế hoạch tình yêu của Cha: “Dẫn đưa tất cả mọi sự về dưới trướng của một thủ lĩnh duy nhất, Đức KITÔ, tất cả những gì trên trời cũng như tất cả những gì dưới đất” (Eph. 1,10).
S3.    Chính Chúa nói: “Nầy, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến và Ta sẽ mang theo phần thưởng đền bù, để trả công cho mỗi người tuỳ theo công việc của họ. Ta là khởi điểm và là cùng đích, đầu tiên và cuối cùng, khởi thuỷ và cùng tận” (Kh. 22, 12-13).(Gaudium et Spessố 45, dịch từ bản dịch chính thức của Hội đồng Giám mục Pháp).


Tài liệu tham khảo:
Tất cả mọi bản văn của VATICAN II đã đưọc thu góp lại đưa vào trong một tập sách duy nhất gồm những mục lục rất bổ ích:
·           Concile oecuménique Vatican II, Constitutions, décrets, déclarations, messages, Paris, Centurion, 1967.
Những chú giải bình luận tốt nhất về các bản văn công đồng (với những bản dịch thường là tốt hơn) nằm trong tuyển tập “Unam Sanctam”, paris, Cerf, 1965 - 1970. Duy nhất chỉ còn thiếu sắc lệnh về Đại kết.
Nếu muốn có những tường trình theo sát từng ngày các Phiên họp của Công đồng, bạn nên đọc:
·           Henri FESQUET, Le journal du concile, Forcalquier, Robert Morel, 1966.
·           Antoine WENGER, Vatican II, 4 vol., Paris, Centurion,         1963 - 1966.
Để có một đánh giá đi sâu vào vấn đề hơn về những cuộc thảo luận, bạn nên đọc:
·           Yves CONGAR, Vatican II. Le Concile au jour le jour, 3 vol., Paris, Cerf, 1963 - 1965.
·           René LAURENTIN, L’enjeu du Concile, 4 vol., Paris, Seuil, 1962 - 1965.


(1) Tham khảo PAUL VI, Huấn từ ngày 3.3.1965, OR, 4.3.1965
Tác giả: Bruno CHENU - Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ
Nguồn: giaolyductin.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét