Trang

Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2017

8 Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 8)

Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 8)


Chương 2: Các điểm mạnh và các điểm yếu lịch sử

William Faulkner từng nổi tiếng khi nhận xét rằng quá khứ không những không chết mà thậm chí nó còn không phải là quá khứ nữa. Nếu có bao giờ có một định chế chứng minh được nhận xét của Faulkner thì đó là Giáo Hội Công Giáo. Về phương diện thần học, Đạo Công Giáo coi trọng “truyền thống” tức cách Giáo Hội trả lời các vấn nạn trong các thời đại đã qua, nhìn kinh nghiệm của mình như một nguồn mạc khải thần linh song song với Thánh Kinh. Sức nặng của truyền thống trong Đạo Công Giáo là như thế đó, đến nỗi, một điều gì chưa bao giờ được làm trước đây, thì tự nó, là một lý chứng hùng hồn chống lại việc làm nó lúc này. Đây phần lớn là lý do khiến Giáo Hội bác bỏ việc tấn phong phụ nữ làm linh mục.

Ý niệm là vì Chúa Kitô vốn hứa hẹn rằng Chúa Thánh Thần sẽ không bao giờ bỏ rơi Giáo Hội, nên ta có thể thấy dấu vết thánh ý Thiên Chúa trong các thăng trầm của lịch sử, cho dù vẫn luôn có việc phải biện phân xem Thiên Chúa thực sự muốn gì trong các hoàn cảnh chuyên biệt. Đối với nền thần học Công Giáo, không bao giờ nói được một cách đơn giản rằng “X xẩy ra, thì đó là thánh ý Thiên Chúa” vì người Công Giáo phải tính đến các nguyên nhân tự nhiên, ý chí tự do, và tác động của tội lỗi con người nữa.

Được coi như kỷ lục sự kiện Giáo Hội Công Giáo tin chắc rằng Thiên Chúa hành động trong lịch sử, nhưng Giáo Hội này không ủng hộ sự “tiền định”, tức ý niệm cho rằng mọi sự xẩy ra đều do Thiên Chúa ấn định từ trước. Các nhà lãnh đạo Công Giáo thực sự có thể lâm vào rắc rối khi đùa bỡn với cái hiểu thô thiển về việc tạo nhân (causation) của Thiên Chúa; năm 2009, một vị giám mục phụ tá ở Áo tên là Gerhard Maria Wagner bị buộc phải từ chức khi cho rằng Cơn Bão Katrina là một trừng phạt của Thiên Chúa đối với lối sống xấu xa ở New Orleans (Hoa Kỳ).

Trên bình diện văn hóa và thực hành, Đạo Công Giáo cũng có xu hướng đã thành dã sử là “suy nghĩ cả hàng thế kỷ”, tức là có quan điểm lâu dài về sự việc và rất chậm chạp trong việc thay đổi chúng. Sở dĩ như thế, là vì khung cảnh cố hữu trong tâm lý Công Giáo bao giờ cũng cho rằng cách các thế hệ đi trước thực hiện sự việc thường là hợp khôn ngoan, cho dù, nói cho đúng, đây không hẳn là một vấn đề thần học. Như văn sĩ Anh G.K. Chesterton có lần viết, bản năng Công Giáo là coi truyền thống như một “nền dân chủ trải dài qua thời gian… bỏ phiếu chấp thuận giai cấp mờ nhạt nhất, đó là các tổ tiên của chúng ta”.

Dưới góc độ nhấn mạnh như trên, sẽ là một điều không thành công nếu chỉ cố gắng hiểu Giáo Hội Công Giáo qua lăng kính hiện tại. Với hơn 2,000 năm lịch sử phải xem xét, thì hiển nhiên ta không thể chỉ nhìn ở bờ nước, nhưng ít ra ta có thể nhắc đến một vài dấu mốc chính đang liên tục gây ảnh hưởng tới sinh hoạt và tư duy Công Giáo. Ta cũng có thể xem xét một số dấu mốc lịch sử gây đau lòng như Thập Tự Chinh và Tòa Án Dị Giáo (Inquisition), những dấu mốc vẫn đang tiếp tục phát sinh nhiều thái độ tiêu cực đối với Giáo Hội Công Giáo.

Giáo Hội đã khởi đầu ra sao?

Về mặt chính thức, Giáo Hội Công Giáo dạy rằng mình được thiết lập bởi Chúa Giêsu Kitô gần hai ngàn năm nay, và các giám mục lãnh đạo Giáo Hội ngày nay, bắt đầu với Giám Mục Rôma (Đức Giáo Hoàng) là các vị kế nhiệm 12 tông đồ nguyên khởi của Chúa Kitô. Trong nhiều thế kỷ, cả hai điều dạy này đều là nguyên nhân gây ra cuộc tranh luận không thôi. Ngoại trừ một nhóm nhỏ bài trừ ảnh tượng (iconoclast), tức nhóm dám hoài nghi cả một Chúa Giêsu lịch sử, có khá nhiều học giả Thánh Kinh và sử gia chính dòng, trong đó, không ít người là Công Giáo, nằng nặc cho rằng Chúa Giêsu thành Nadarét không bao giờ có ý định thiết lập một Giáo Hội, theo nghĩa hiện nay, huống hồ là cử nhiệm các giám mục hay Đức Giáo Hoàng, như cái hiểu hiện nay trong Đạo Công Giáo. Những nhà phê bình này cho rằng Chúa Giêsu sống và chết như một tín hữu Do Thái Giáo, và không tự coi mình như nhà sáng lập ra bất cứ tôn giáo mới nào. Họ thường nói rằng nếu Chúa Giêsu thấy ngài có mặt tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô hôm nay, hẳn Người phải hoàn toàn điếng người khi thấy những điều người ta nhân danh Người mà làm. Các nhà lãnh đạo Công Giáo thường trả lời rằng phát triển không đồng nghĩa với phản bội. Các vị cho rằng sự kiện các cơ cấu và chức vụ của Giáo Hội diễn biến trong các thế kỷ qua không gây bất cứ nghi vấn nào đối với việc chúng được đặt cơ sở trên thánh ý Chúa Kitô.

Dù sao, điều ta biết ngày nay như là Giáo Hội Công Giáo có gốc rễ trong thế kỷ thứ nhất Công Nguyên từ một phong trào trong Do Thái Giáo tại Palestine; các thành viên của nó tin rằng nhà lãnh đạo của họ từng giảng thuyết, dạy bảo, chữa lành bệnh nhân, và làm nhiều phép lạ khác trước khi bị xử tử dưới tay người Rôma. Họ tin rằng Người đã sống lại từ cõi chết, hiện ra nhiều lần với các môn đệ, và rồi lên trời. Sau thời Chúa Kitô, giờ phút có tính quyết định đối với vận mệnh Giáo Hội chính là lúc các nhà lãnh đạo tiên khởi của Cộng Đồng Kitô Giáo tranh luận về việc có nên giới hạn tư cách thành viên vào các đồng đạo Do Thái Giáo hay cũng nên mở rộng cho cả dân ngoại nữa. Như đã được thuật lại trong sách Tân Ước Tông Đồ Công Vụ, quyết định của các ngài, cuối cùng, đã ủng hộ chính sách mở rộng. Trong vòng một thế hệ, Kitô Giáo đã trở thành một lực lượng tôn giáo chính khắp trong thế giới La Hy cổ thời, phần lớn nhờ các công trình truyền giáo đầy thành công của các nhà rao giảng Tin Mừng đầy quyết tâm, mà trên hết nhờ công trình của người trước đây vốn bách hại các Kitô hữu nhưng nay được thế giới biết tới như là Thánh Phaolô.

Các tín hữu Kitô nhìn thấy bàn tay Thiên Chúa trong việc phát triển nhanh chóng của niềm tin mới này. Các nhà sử học và các nhà xã hội học về tôn giáo, lẽ dĩ nhiên, đi tìm các giải thích có tính trần thế hơn, và phần nhiều các nhà chuyên môn này trưng dẫn ít nhất 5 nhân tố sau đây để giải thích sự thành công tiên khởi của Kitô Giáo.

• Nó lôi cuốn cả các giai cấp thấp trong xã hội Rôma xưa là giai cấp coi Kitô Giáo như một sức mạnh giải phóng, lẫn các giai cấp trung và thượng lưu (đặc biệt là người Do Thái trong các môi trường theo văn hóa Hy Lạp [Hellenized]) là các giai cấp coi Kitô Giáo như cách hấp dẫn để nối liền các xu hướng tâm linh của họ với các trào lưu mới trong triết học Hy Lạp và La Mã.

• Nó có gương sáng của các tử đạo, những người sẵn lòng chết hơn là từ bỏ đức tin của mình. Các văn sĩ Kitô Giáo tiên khởi viết ra “các hạnh tử đạo” (martyrologies), tức các trình thuật đầy đau lòng về các đau khổ và chết chóc của các vị tử đạo của Kitô Giáo, được coi như các tiểu thuyết Robert Ludlum ở thời họ, những chuyện ly kỳ rất hợp lòng người, nắm bắt được óc tưởng tượng của thế giới cổ thời.

• Nó có một ý thức xã hội rất mạnh, nhất là cam kết chăm sóc người nghèo, cô nhi và quả phụ, ngược hẳn với triết lý hành động phần lớn chỉ có tính nghi lễ của các tôn giáo ngoại đạo, xoay quanh các nghi thức ở đền thờ.

• Các việc nó ngăn cấm phá thai, kiểm soát sinh đẻ, và sát nhi giúp các cộng đồng của nó lớn mạnh nhanh hơn nền văn hóa ngoại đạo vây quanh.

• Nó ngược hẳn lại thực hành của ngoại giáo trong đó phụ nữ chỉ là những người bàng quan thụ động trong các vụ việc tôn giáo, dẫn tới điều các nhà xã hội học gọi là “các cuộc trở lại đệ nhị đẳng” tức các phụ nữ đem con cái của họ vào đức tin.

Đến cuối thế kỷ thữ tư, Kitô Giáo trở thành tôn giáo đa quốc thành công nhất trên thế giới. Theodosius tuyên bố Kitô Giáo là tôn giáo chính thức của đế quốc năm 380 Công Nguyên, và từ thời điểm này trở đi, nó hưởng được sự bảo trợ đặc biệt. Thực vậy, nhiều sử gia tin rằng khi Đế Quốc Rôma sụp đổ, Giáo Hội Công Giáo đã thay thế nó làm nguồn chính cho quyền bính chính trị và thiêng liêng trong thế giới Tây Phương.

Nếu “Công Giáo” có nghĩa là “phổ quát” thì tại sao lại có quá nhiều Giáo Hội Kitô Giáo?

Gọi Giáo Hội là “Công Giáo” luôn chỉ là một hoài vọng hơn là một sự kiện thực tế, vì chưa có thời kỳ nào có sự hợp nhất Kitô Giáo hoàn toàn cả. Ngay thời Tân Ước, đã có nhiều dị biệt rõ ràng giữa cộng đồng đặt trụ sở ở Giêrusalem và do Thánh Giacôbê, anh em của Chúa Giêsu, lãnh đạo, là cộng đồng trung thành với luật Do Thái Giáo, và các Giáo Hội gồm phần lớn người gốc ngoại giáo do Thánh Phaolô thiết lập. Mà đây chưa phải là đường phân ranh duy nhất. Thánh Phaolô dành phần lớn thời gian của ngài trong các lá thư để trả lời các tranh chấp nổi lên trong các Giáo Hội mà ngài đã gieo trồng dọc Địa Trung Hải; các Giáo Hội này xem ra thường chú trọng tới các cá tính hơn là các dị biệt thần học. Thí dụ, trong thư thứ nhất gửi các Kitô hữu của thành phố Hy Lạp Côrintô, ngài nhắc tới các thù nghịch giữa một phe phái trung thành với ngài và một phe phái khác trung thành với một đồng thừa sai tên là Apollos.

Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu cầu nguyện để các môn đệ của Người “tất cả nên một” nhưng nếu nhìn trở lui, thì hình như câu trả lời (của Thiên Chúa) là “không”.

Giáo Hội đầu tiên ly khai lúc nào?

Trong các thế kỷ qua, với đà phát triển của Kitô Giáo, một số chia rẽ nền tảng đã trở thành cố định. Năm 285 CN, Đế Quốc Rôma phân chia thành hai đơn vị hành chánh Đông và Tây dưới quyền cai trị của Hoàng Đế Diocletian, với Constantinople (cũng có tên là Byzantium) và Rôma đều là các thủ đô. Thành thử, các Giáo Hội Kitô Giáo thuộc hai vùng này cũng bắt đầu tiến theo hai nẻo đường khác nhau, cuối cùng kết tinh thành Kitô Giáo Chính Thống ở Phương Đông và Đạo Công Giáo Rôma ở Tây Phương. Theo quy ước, sự chia rẽ giữa Đông và Tây diễn ra năm 1054, khi các đại biểu của Đức Giáo Hoàng Lêô IX tới Constantinople để đòi thượng phụ Byzantine phải suy phục thẩm quyền giáo hoàng. Khi vị thượng phụ này từ khước, thì việc tuyệt thông lẫn nhau đã diễn ra, và từ lúc đó trở đi, các Kitô hữu Chính Thống và Công Giáo càng ngày càng nghĩ mình thuộc các Giáo Hội khác nhau. Chính Thống Giáo phát triển theo tuyến văn hóa quốc gia, và mỗi Giáo Hội Phương Đông, như Giáo Hội Hy Lạp, Giáo Hội Nga, Giáo Hội Bulgary, Giáo Hội Serbia, v.v…, tự coi mình là độc lập, trong khi ở Phương Tây, quyền lãnh đạo tập trung ở Rôma.

Lúc ly khai, Kitô Giáo Phương Đông và Kitô Giáo Phương Tây đã trở nên khác biệt nhau về nhiều phương diện. Về thần học, Phương Đông nhấn mạnh nhiều hơn tới vai trò của Chúa Thánh Thần. Về văn hóa, Kitô Giáo Phương Đông có xu hướng thiên về thi ca và trực giác nhiều hơn, trong khi Phương Tây thừa hưởng xu hướng thực tiễn, chính xác về luật lệ, và việc cai trị của Rôma nhiều hơn. Lúc đó cũng như bây giờ, sự khác nhau giữa hai truyền thống đều có liên quan nhiều tới quyền lực, nhất là việc Đức Giáo Hoàng đòi hỏi bao nhiêu thẩm quyền đối với đời sống của Giáo Hội. Người Công Giáo hết sức nhấn mạnh tới thẩm quyền giáo hoàng, trong khi phần lớn tín hữu Chính Thống cùng lắm chỉ dành cho Rôma một thứ “thượng quyền có tính danh dự”. Với thời gian, sức nặng của lịch sử cũng đã làm gia trọng thêm sự thù nghịch giữa Đông và Tây, nhất là vụ Cướp Phá Constantinople của các thập tự quân Phương Tây năm 1204.

Phong Trào Cải Cách là gì?

Sự phân ly lớn tiếp theo trong Kitô Giáo diễn ra vào thế kỷ mười sáu. Martin Luther, một đan sĩ Công Giáo, thoạt đầu coi mình là nhà cải cách bên trong Giáo Hội Công Giáo, lên tiếng phản đối các tai tiếng như mua bán chức tước và “ân xá”, tức giảm hình phạt đời sau, trong Giáo Hội. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, sự phản đối của ông dẫn tới việc tạo ra một Giáo Hội “thệ phản” thù nghịch, cũng có tên là Giáo Hội Luthêrô. Lần này nữa, các vấn đề dẫn tới việc phân ly cũng một phần thuộc thần học (như, ơn cứu độ là nhờ một mình đức tin hay cả việc làm tốt nữa), một phần thuộc văn hóa (người Phổ nghiêm ngặt về luân lý ngược với người Địa Trung Hải thả lỏng và khoan dung hơn) và phần khác thuộc chính trị (trong đó có việc Đức Giáo Hoàng nên thực thi bao nhiêu quyền hành đối với các vụ việc của Âu Châu). Khi đã khởi động rồi, thì việc tạo ra các Giáo Hội Kitô Giáo ly khai ở Phương Tây dẫn tới những rạn nứt khác cùng với thời gian, tạo ra đủ thứ tuyên tín khác nhau như ta biết ngày nay, Baptist, Methodist, Presbyterian, v.v…, ấy là chưa kể hằng hà sa số những Kitô hữu trực thuộc các Giáo Hội tự trị địa phương, mà phần lớn chẳng phải “tin lành” (evangelical, nặng về giảng thuyết dựa vào Thánh Kinh) cũng chẳng phải ‘ngũ tuần” (Pentecostal, nặng về các ơn Chúa Thánh Thần, như chữa bệnh và nói tiếng lạ).

Ngày nay các chia rẽ trên hiện diện ra sao?

Các ước lượng thông thường vẫn cho rằng có khoảng 2 tỷ 300 triệu Kitô hữu trên thế giới hiện nay, gần 1/3 dân số hoàn cầu. Trong số này, hơn phân nửa một chút, tức 1 tỷ 200 triệu là người Công Giáo, 300 triệu theo Chính Thống Giáo và 700 triệu theo Thệ Phản, dù các hình thức Kitô Giáo phát triển nhanh nhất là các Giáo Hội tin lành và Ngũ Tuần, nhất là tại nam bán cầu; các Giáo Hội này không là thành phần của bất cứ tuyên tín chính thức nào.

Khởi đi từ đầu thế kỷ 20, phong trào “đại kết”, mà tiếng anh gọi là ecumenism, do tiếng Hy Lạp có nghĩa là “toàn thế giới”, đã cố gắng đưa gia đình Kitô Giáo tan tác trở về với nhau một lần nữa. Phong trào này đã ghi được một số thành công đáng kể, như lúc, vào năm 1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Thượng Phụ Athenagoras của Constantinople chính thức rút lại vạ tuyệt thông giữa Đông và Tây đã có cách đó 9 thế kỷ. Cho tới nay, phong trào đại kết chưa thành công trong mục tiêu của nó là “sự hợp nhất trọn vẹn, thuộc cơ cấu, và hữu hình” của các Giáo Hội Kitô Giáo phân rẽ, nhưng nó đã vượt qua được nhiều thiên kiến và ngờ vực vốn bám sát các liên hệ giữa các Kitô hữu Công Giáo và Chính Thống, giữa người Công Giáo và người Thệ Phản, giúp cho các loại Kitô hữu khác nhau dễ dàng kết hôn với nhau hơn và cùng hợp lực vào đủ loại quan tâm chung. Ở đầu thế kỷ 21, nhiều nhà quan sát tin rằng các chia rẽ đáng lưu tâm nhất trong Kitô Giáo nay có tính ý thức hệ hơn là tuyên tín. Như các người Tin Lành bảo thủ và các người Công Giáo bảo thủ, chẳng hạn, thường cảm thấy gần gũi với nhau hơn là với các thành viên cấp tiến trong chính Giáo Hội riêng của họ.

Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét