Trang

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

2 TUỲ BÚT KẺ HÀNH HƯƠNG - SỐ 02



TUỲ BÚT KẺ HÀNH HƯƠNG - SỐ 02

Trong đời sống, người ta thường hay viết “nâng quyết tâm”, “hạ quyết tâm”, “quyết tâm thực hiện cho bằng được...” nhưng ít khi nào làm được trọn vẹn “những quyết tâm” ấy. Trong hành trình đời sống Ki-tô hữu, tôi chỉ muốn một quyết tâm duy nhất: “trở thành mọi sự cho mọi người”, mà làm hoài vẫn còn chưa trọn vẹn, nên tôi chưa dám đưa ra nhiều mục tiêu quá lớn cho bản thân. Đọc mấy lời trần tình trích từ trong các thư Thánh Phaolô, tôi nhận thấy càng được động viên nhiều hơn. Dĩ nhiên, ân sủng của Thiên Chúa ban dư dật sẽ hỗ trợ quyết sách ấy. Nếu Chúa cũng muốn tôi đến với tha nhân cách trọn vẹn thì lương tri tôi cũng thúc bách mình phải có trách nhiệm như vậy và phải thi hành nhiệm vụ đó hết mình. Trở thành nô lệ cho mọi người, hầu chinh phục được thêm nhiều người là điều không mấy dễ dàng, là con đường chẳng mấy ai đi. Ai lại muốn biến mình thành kẻ nô lệ để phục dịch người khác? Tin Mừng được rao giảng cách sinh động và hữu hiệu chỉ qua con đường này phần nhiều. Tôi cứ tự hỏi, là Ki-tô hữu thì phải làm như thế nào để hợp ý Chúa. Sống đời Ki-tô hữu dấn thân mạnh mẽ, nếu không phải là cho người khác, nghĩa là đang đi ngược lại ơn gọi của mình. Chỉ khi nào người Ki-tô hữu đáp ứng cho nhu cầu của con người trong bất cứ hoàn cảnh nào mình được mời gọi đáp ứng, thì họ mới khám phá ra căn tính đích thực của mình nơi Đức Ki-tô. 

Thánh Phaolô có viết: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm, khốn thân tôi nếu không rao giảng Tin Mừng. Tôi mà tự ý làm việc ấy thì mới đáng được Thiên Chúa thưởng công. Còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. Vậy đâu là phần thưởng của tôi, đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi. Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người, vì Tin Mừng tôi làm tất cả những điều đó để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng” (x. 1 Cr 9,16-19.22-23). Nên tất cả cho mọi người là đáp ứng, hiểu thấu những nhu cầu của người khác chứ không phải bắt họ phải trình bày hoặc đáp ứng theo khả năng hiểu biết của mình. Cũng như, chân lý, sự khôn ngoan không phải là đặc ân của kẻ trí thức, nhưng là công cụ phục vụ cho những anh chị em chưa hiểu, chưa biết, chưa nghe, để đem lại lợi ích cho chính họ. Nhiệm vụ người có trình độ cao, hiểu biết nhiều về các sứ điệp cao siêu, rất nhiều khi ẩn sau những tấm ván với dòng chữ nguệch ngoạc, và sự khôn ngoan là để phụng sự khai trí. “Nên mọi sự cho mọi người” (x. 1 Cr 9, 22) là một con đường gập ghềnh. Đó là một chọn lựa đòi hỏi suy tư nhiều, cẩn trọng và sáng suốt mới đưa đến thành công. Nên mọi sự cho mọi người, một nhắc nhở cần thiết cho những ai muốn trở nên người phục vụ như ý Chúa muốn.

Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết trong Thông điệp Redemtoris Missio: “Chỉ với tính chất triệt để của hy sinh chúng ta mới có thể là các Chứng Nhân của niềm Hy Vọng, được linh ứng bởi chính lòng mến của Ðức Kitô, làm thành bởi sự chú ý, tình hiền dịu, lòng xót thương, sự tiếp đón, sẵn sàng, lưu tâm tới các vấn đề của con người” (x. Redemtoris Missio. n. 89). Thánh Phaolô đồng hành với mỗi Ki-tô hữu trong sứ mệnh này: “Tuy là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Với người Do Thái tôi đã trở nên Do Thái để chinh phục người Do Thái. Ðối với những ai sống ngoài Lề Luật, tôi đã trở nên người sống ngoài Lề Luật” (x. 1Cr 9,22), “Tôi làm tất cả những điều đó vì Tin Mừng”  (x. 1Cr 9,23). Chúa Giêsu chịu đóng đinh, trong tình liên đới đối với người thấp kém, với người ở xa nhất và cả với người không tin Thiên Chúa, đã mở ra con đường cho Tông Ðồ Phaolô “trở nên mọi sự cho mọi người”. Khi trở thành “mọi sự cho mọi người’ nghĩa là trở nên như là người anh em cho tất cả, kể cả khi bề ngoài họ đáng khinh bỉ nhất hay chính họ là kẻ thù. Sống mầu nhiệm Thập Giá của Chúa Giêsu, Ki-tô hữu được mời gọi tới gần từng người ở gần rồi ở xa, rồi cống hiến cho họ ơn tha thứ và cứu độ của Chúa Cứu Thế. Hiện thực hoá Tin Mừng không phải là một nhiệm vụ chỉ được trao phó cho các giáo sĩ và tu sĩ mà cốt yếu là cho mọi người Ki-tô hữu. Tin Mừng Thiên Chúa của Lòng thương xót chỉ có thể được nhận ra, nếu chúng ta sống gần gũi với tất cả mọi người.

Ngày xưa các Cố Tây học tiếng Việt, mặc áo nâu đất An-Nam để gần gũi truyền đạo cho dân Việt. Cái tên là điều rất thiêng liêng đối với người Tây Phương thì các Cố cũng hy sinh để tự nhận cho mình một tên Việt. Không phải vì lý do kỳ thị chủng tộc đâu, vì ai cũng biết không phải có tên Việt thì có thể giấu được cái mũi cao, không phải chiếc áo nâu khoác vào con người cao lêu khêu thì có thể trở thành người Việt. Tất cả chỉ vì các Cố muốn xóa bớt khoảng cách nhiều nhất có thể, hiểu được những tâm tư của dân nhiều nhất có thể. Gần 100 chuyến công du mục vụ của Ðức Gioan Phaolô II khắp năm châu và cuộc gặp gỡ của Ngài với các thổ dân Papua Tân Guinea, cũng như chuyến viếng thăm của Ngài trên Hòn Ðảo của các nô lệ Tây Phi Châu, các buổi hội kiến với Chủ tịch Fidel Castro của Cuba và cuộc đối thoại Thủ lãnh Al-Azhar bên Cairo, và công tác hòa bình giữa các dân tộc và các tôn giáo bên Thánh Ðịa, đều diễn đạt cách hùng chứng tá Tin Mừng.

Lạy Chúa, Thánh Giá Đức Ki-tô là chân dung tình yêu của Chúa cho thế gian. Tình yêu cho tất cả mọi người không loại trừ ai. Xin cho chúng con trong đời sống hằng ngày luôn biết từ bỏ cái tôi ích kỷ để mở rộng tâm hồn đến với tha nhân, trở nên mọi sự cho mọi người trong tinh thần khiêm nhường. Chúng con cần ở lại trong trái tim của Chúa, để chúng con luôn nhạy cảm trước nhu cầu của tha nhân. Chúng con cần sống với tấm lòng của Chúa để nhạy cảm trong tình yêu thương phục vụ mọi người để ý Chúa được nên trọn, để cư xử tốt với mọi người. Xin cho chúng con biết chọn sống quyết tâm này mỗi ngày để hòa mình với tha nhân,liên kết với đồng loại. Lạy Chúa, Chúa là tình yêu, chúng con xin Chúa làm mới lại quyết tâm sống và yêu anh chị em quanh mình như Chúa đã sống và yêu thương chúng con. Amen.

Đường lên Giêrusalem
Ngày 15/06/2017
N.V.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét