Dietrich BONHOEFFER (1906 – 1945)
Cái giá của ân sủng
Cái số phận bi thảm của BONHOEFFER - ông bị giết chết trong trại tập trung Đức quốc xã lúc mới 39 tuổi - đã khiến cho tác phẩm của ông đến nay vẫn còn giữ nguyên được một sắc thái nguyên sơ không mấy ai động chạm tới. Trong một thế giới ngự trị bởi sức mạnh bạo tàn, BONHOEFFER là chứng nhân của sự yếu đuối của Thiên Chúa. Những định thức nền tảng mà BONHOEFFER đã đưa vào những bức thư viết trong tù của mình và đã khiến ông nổi tiếng, đã khiến ông trở thành một trong những tiên tri của thời đại hiện nay. Là tiên tri, trước tiên trong chính đời sống của mình. BONHOEFFER đã chấp nhận trả một cái giá khá đắt cho ân sủng mà ông đã nhận được.
Sinh tại Breslau (Đức), trong một gia đình theo đạo Tin lành và quý tộc, BONHOEFFER lại có khuynh hướng muốn theo đuổi những nghiên cứu thần học, một sự chọn lựa trong một môi trường người ta vẫn thường ưa thích những nghề tự do hơn, chẳng mấy ai ngờ tới. BONHOEFFER theo học tại các Đại học Tubingen và Berlin. Luận án của BONHOEFFER là về Giáo hội (Sanctorum communio) và có mang hơi hướng của một thứ lãng mạn cộng đồng nào đó, dù vẫn còn khá mông lung. Từng bước, BONHOEFFER sẽ có kinh nghiệm về thực tế cụ thể và những gánh nặng nề của nó. Tóm lược toàn bộ quá trình tiến hoá tư tưởng của BONHOEFFER, E.BETHGE đã viết: “Trong giai đoạn thứ nhất, Giáo hội là đối tượng khám phá của BONHOEFFER; giai đoạn thứ hai là niềm vui mừng và nỗi ưu tư; và sang giai đoạn thứ ba là nỗi thất vọng lẫn niềm hy vọng”.
Một cuộc chiến đấu vì Tin mừng
Thật vậy, BONHOEFFER không tự bằng lòng với việc chỉ nguyên có chiêm niệm về Giáo hội mà thôi. BONHOEFFER đã tham gia đời sống trong tư cách là vị mục sư. Ba nét nổi bật trong đời sống hoạt động của ông là:
- Cởi mở ra với thế giới: Ngay từ khi còn theo học tại Đại học Berlin, vẫn bảo đảm chương trình, BONHOEFFER đã dấn thân vào công tác mục vụ trong môi trường sinh viên, giảng dạy giáo lý trong các môi trường bình dân, tham gia phong trào đại kết, với mơ ước nhờ đó khám phá ra được thực tại quốc tế.
- Đấu tranh cho một Giáo hội đích thực: Trong khi bọn Đức quốc xã muốn áp đặt lên các Giáo hội một thứ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (nhằm loại trừ ra khỏi tác vụ tất cả những ai mang trong mình giòng máu Do Thái), BONHOEFFER đứng lên chống lại: “Trong cộng đồng, không có... những người Do Thái và những người Đức”. Ông kêu gọi cả người khác đứng lên chống lại, nhưng chẳng được mấy ai nghe. Những kẻ tự xưng mình là “những Kitô-hữu người Đức” thì sẵn sàng có những thoả hiệp với HITLER. Cùng với NIEMOELLER, BONH- OEFFER gia nhập “Giáo hội tuyên xưng” (Église confessante), và tố cáo HITLER (Fuhrer) chính là tên cám dỗ và tên phá hoại (Verfuhrer).
- Đào sâu về cuộc sống trong Đức KITÔ: có nguy cơ bị lưu đày, như nhiều người khác, BONHOEFFER tận hiến đời mình cho “ngôi nhà còn có ngọn lửa là Giáo hội của ông” qua công tác huấn luyện các mục sư. Ông được Giáo hội tuyên xưng giao cho trọng trách tổ chức một chủng viện chuyên về mục vụ tại Finckenwald. Tại đây, BONHOEFFER lưu ý nhấn mạnh đời sống nội tâm, điều kiện của người môn đệ được gọi để “đi theo” Đức KITÔ (trong Nachfolge – dịch là: Cái giá của ân sủng) -, BONHOEFFER lặp lại rằng: “không làm gì có cái thứ ân sủng với giá rẻ mạt” -, những yêu cầu của một đời sống huynh đệ (trong De la vie communautaire, BONHOEFFER tái khám phá lại ý nghĩa của việc tuyên xưng: người Kitô-hữu cần phải đến với anh em để nói với anh ta ơn cứu độ của Thiên Chúa).
Ở gần Đức KITÔ trong nỗi khổ đau của Ngài:
Cuộc sống ở Finckenwald nầy không kéo dài được bao lâu. Tình trạng của BONHOEFFER ngày càng có tính cách tạm bợ. Năm 1939, BONHOEFFER không còn có thể giảng dạy, rao giảng, xuất bản được nữa. BONHOEFFER bỏ đi Hoa Kỳ. Nhưng, ngay tức khắc, ông có mặc cảm là mình đang trốn chạy sứ mạng của mình ở nước Đức. Ông lại quay trở về Đức và bắt đầu tham gia, trong tư cách trạm giao liên, phong trào phản chống từ bên trong. Bị bắt ngày 5 tháng 4 năm 1943 – vừa mới cưới vợ xong – BONHOEFFER bị đưa đi giam ở trại giam Berlin-Tegel. BONHOEFFER bị coi như có liên quan trong vụ mưu sát HITLER (ngày 20-7-1944), và, sau một phiên toà qua loa, BONHOEFFER bị hành quyết ngày 9 tháng 4 năm 1945.
Chính trong lúc ngồi tù mà ông tự cảm thấy một ơn kêu gọi mới là suy tư thần học và ông đã tự đặt cho mình một số câu hỏi: Đâu có thể là uy quyền và tính khả tín của Giáo hội trong một thế giới không tôn giáo? Phải nói gì cho cái thế giới vắng bóng Thiên Chúa nầy? Phải trả lời thế nào cho câu hỏi: “Đối với chúng ta ngày hôm nay, Đức KITÔ là ai? “Những câu hỏi nầy, đã từng xuất hiện ngay từ trong những thủ bản của những năm 30, nay lại nổi lên trong tình trạng sắc sảo trong những bức thư của BONHOEFFER.
Phải chăng đây chẳng phải là lúc nên dẹp bỏ đi những đợt sóng chú giải bình luận và lẩn tránh vào trong một “thái độ im lặng hợp thời”? Nếu có bị cám dỗ nên im lặng, BONHOEFFER vẫn biết rằng người ta sẽ không thể nào cứ mãi mãi ở được trong tư thế đó. BONHOEFFER có một niềm thâm tín cơ bản: Thiên Chúa không thể nào không quan tâm tới dù đó là một thế giới không Thiên Chúa. Và, nào ai biết được: Thiên Chúa lại chẳng khoái những lời nguyền rủa của những kẻ vô thần hơn là những lời chúc tụng của những người sốt sắng?
Sống “trong tư thế một con người
chẳng sống được bao lâu”:
Với nỗ lực cố gắng hết sức có thể nhằm lắp ghép lại với nhau một giòng tư tưởng chưa hoàn tất và rải rác nơi những mảnh vụn, từ trong những bức thư viết trong ngục nầy, người ta có thể rút ra được ba yếu tố không thể nào tách rời nhau, như sau:
- BONHOEFFER ghi nhận về hoàn cảnh thế giới hiện nay như sau: đó là “một thế giới đã trở nên rộng lớn hơn”, “tự cảm thấy mình đầy đủ” và chẳng cần gì tới người giám hộ là Thiên Chúa nữa. Thế giới nầy đang nỗ lực cố gắng để “đi đến tận cùng những vấn đề quan trọng không cần gì cái giả thiết phải có Thiên Chúa” (8-6-1944). Liệu có nên báo động về tình trạng nầy không? Một hoàn cảnh như thế tương ứng với nghịch lý của Thập giá, trong đó Thiên Chúa muốn là người bất lực trong thế giới nhằm để cho con người có chỗ để đưa ra những sáng kiến riêng tư của mình.
- Nói với thế giới đã tới “tuổi trưởng thành” nầy, BONHOEFFER đề nghị sử dụng một thứ “ngôn ngữ mới, có lẽ hoàn toàn phi tôn giáo”. “Sống trong thế giới dường như không có Thiên Chúa”, có nghĩa là sống không có một chỗ tựa nào ngoài niềm tin vào một vị Thiên Chúa luôn luôn “có và vắng mặt”, trong tư thế cứ bạo dạn đi tìm và dám mạo hiểm. Cần phải biết sống “trong tư thế của con người biết mình chẳng sống được bao lâu nữa”, “trong tư thế phục vụ thế giới”, chỉ bầu bạn với Đấng chịu đóng đinh trên Thập giá.
- Cuối cùng, vấn đề đặt ra cho cộng đồng Kitô-giáo là phải nghĩ đến một lối sống mới mà những trục chính sẽ là kinh nguyện, nguyện ngắm, “việc phượng thờ đích thực”. BONHOEFFER mời gọi những cộng đồng Kitô-giáo hãy trở về với lối sống của những người làm nghệ thuật giả kim, có nghĩa là phải tránh xa chỗ ồn ào huyên náo và đừng quảng cáo rùm beng xung quanh những huyền nhiệm đức tin. Trong một thế giới vô tín ngưỡng, những mầu nhiệm nầy phải được “giữ gìn để khỏi bị trần tục hoá” và cứ phải giữ bí mật bao lâu khi mà chính thế giới chưa đặt câu hỏi. Nhưng dù thế, Giáo hội vẫn phải có đời sống ở bên trong: hoàn toàn hiện diện cách đầy đủ giữa loài người, Giáo hội phải tự nuôi sống mình bằng thực tại hiện diện sinh động là chính Đức KITÔ.
Công trình của BONHOEFFER để lộ hai khuynh hướng trái ngược nhau: khuynh hướng duy-sùng-tín (piétisme) và thần học trần tục hoá, cả hai, đều gặp gỡ chung với nhau ở đấy. Nhiều người đồng thời với chúng ta đã đến đó kín múc, thường là với ý đồ biện minh cho niềm đam mê riêng tư của họ.
Đối với BONHOEFFER, hiện diện trong thế giới và thông phần vào huyền nhiệm Đức KITÔ - huyền nhiệm về sự bị chôn vùi và cái chết - cùng song hành với nhau. “Người ta không thể nào đích thực là Kitô-hữu khi người ta chỉ đứng bên lề thực tại thế giới, người ta lại càng đích thực không thuộc về thế giới khi người ta chỉ đứng bên lề thực tại Đức KITÔ”, BONHOEFFER đã viết như thế trong tác phẩm Éthique (Đạo đức học). Hai cực nầy phải ở trong tư thế như hai cánh tay bị giăng căng ra, nhưng không được loại trừ nhau. Thân phận của người môn đệ là phải sống dìm mình trong thế giới, trong khi vẫn hoàn toàn sống gần Đức KITÔ trong nỗi khổ đau của Ngài.
Từ chối yếu tố tôn giáo - “là Kitô-hữu không có tôn giáo” - điều nầy có nghĩa là đức tin ngày hôm nay phải rũ bỏ khỏi mình tất cả mọi thứ pha tạp siêu hình học, khỏi chính cái khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa của mình và phải lại trở thành một “hành động sống”. Một niềm tin đích thực phải nắm bắt toàn thể tính thể “l’Être” và dấn thân đi về phía con người, “không phải là để thống trị, mà là để giúp đỡ và phục vụ”. Nhưng, người môn đệ không nên tìm cho mình một ưu tiên nào hết cả. Người môn đệ chỉ có thể san sẻ, trong thế giới nầy, nỗi yếu đuối của Thiên Chúa.
“Thiên Chúa làm cho chúng ta biết rằng chúng ta phải sống trong tư thế làm sao đạt đến chỗ phải sống không có Thiên Chúa. Vị Thiên Chúa đang ở với chúng ta là vị Thiên Chúa đang bỏ rơi chúng ta! Vị Thiên Chúa vẫn để chúng ta sống trong thế giới, chẳng nhọc công đòi hỏi giả thiết phải có Thiên Chúa, là vị Thiên Chúa mà chúng ta thường xuyên vẫn hiện diện trước nhan Ngài. Trước nhan Thiên Chúa và cùng với Thiên Chúa, chúng ta sống không Thiên Chúa. Thiên Chúa tự để mình bị trục xuất ra khỏi thế giới và bị đóng đinh trên Thập tự giá. Thiên Chúa bất lực và yếu đuối trong thế giới và chỉ như vậy Ngài mới ở với chúng ta và giúp đỡ chúng ta” (16-7-1944)
Marcel NEUSCH.
X X
X
Kitô-hữu và lương dân.
Con người đến với Thiên Chúa mang theo
nỗi khốn khổ của mình,
Kêu gào giúp đỡ, xin bánh và niềm vui,
Và xin được thoát khỏi sự dữ và cái chết,
Kitô-hữu và lương dân, tất cả, đều làm y như vậy.
Con người đến với Thiên Chúa mang theo
nỗi khốn khổ của Ngài,
Thấy Ngài cũng nghèo, cũng bị rẻ rúng,
không ngọn lửa sưởi ấm, chẳng chốn dung thân,
Thấy Ngài cũng bị trao thân cho tội lỗi,
cho nỗi yếu đuối và cho cái chết.
Người Kitô-hữu ở bên Thiên Chúa,
mang trên mình nỗi đau khổ của Ngài.
Thiên Chúa đến với tất cả mọi người,
mang trên mình nỗi khốn khổ của họ.
Làm cho con người no đầy,
cả xác lẫn hồn, bằng bánh của Ngài,
Chính vì họ, Kitô-hữu cũng như lương dân,
mà Ngài chết trên Thập giá
Để ban cho họ, tất cả, sự tha thứ của Ngài.
(Trích từ Résistance et soumission. Bản dịch Pháp ngữ đã có sửa đổi.)
Tài liệu tham khảo:
Những tác phẩm chính của BONHOEFFER:
· La nature de l’Église, Genève, Labor et Fides, 1972.
· Le prix de la grâce, paris, 1971, “Livre de vie”, n0 106.
· De la vie communautaire, Paris, 1968, “Foi Vivante”, n0 83.
· Éthique, Genève, Labor et Fides, 1963, nouv. Éd., 1973.
· Résistance et soumission, Genève, Labor et Fides, 1963, Nouv. Éd., 1973
· Textes choisis, par Richard GRUNOW, traduction de Lore JEANNERET, Genève, Labor et Fides, et Paris, Centurion, 1970.
Những tác phẩm viết về BONHOEFFER:
· Eberhard BETHGE, Dietrich Bonhoeffer. Vie. Pensée. Té- moignage, Genève, Labor et Fides, et Paris, Centurion, 1969.
· Georges CASALIS, “L’interprétation marxiste de Dietrich Bonhoeffer”, dans la revue Études théolo- giques et religieuses, 1974, pp. 179-195.
· André DUMAS, Une théologie de la réalité. Dietrich Bonhoeffer, Genève, Labor et Fides, 1968.
· “Dietrich Bonhoeffer”, dans Bilan de la théologie du XXe siècle, Tournai-Paris, Casterman, 1971, vol. 2, pp. 719-737.
· René MARLÉ, Dietrich Bonhoeffer, témoin de Jésus Christ parmi ses frères, Tournai-Paris, Casterman, 1967.
· Raymond MENGUS, Théorie et pratique chez Dietrich Bonhoeffer, Paris, Beauchesne, 1978, coll. “Théologie historique”, n0 50.
Tác giả: Bruno CHENU - Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ
Nguồn: giaolyductin.org
Nguồn: giaolyductin.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét