Trang

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

Hans Urs Von BALTHASAR - Thập giá và Vinh quang của Đức KITÔ

Hans Urs Von BALTHASAR - Thập giá và Vinh quang của Đức KITÔ



Trong số những nhà thần học hiện nay, BALTHASAR là một khuôn mặt cô đơn. Tuy nhiên, mặc dù một mình đứng hẳn ra bên ngoài những cuộc đua đòi chạy theo thời trang, BALTHASAR vẫn không vắng mặt trong sinh hoạt đời sống. Cả một thế hệ những nhà thần học trẻ quy tụ chung quanh tập san Communio được công nhận là nhờ núp dưới bóng rợp của ngài. Công trình của BALTHASAR được kể vào số những công trình lớn của thế kỷ XX. Nó tạo được chỗ đứng chính là nhờ sức mạnh riêng của nó. Cái làm nên bản sắc của công trình nầy ít hệ tại ở chỗ nó đã mở ra những con đường mới cho bằng là vì nó đã đào sâu huyền nhiệm Đức KITÔ, suối nguồn của tất cả mọi nền thần học Kitô giáo.

Tôi không hẳn là nhà thần học.

Sinh tại Lucerne (Thụy Sĩ, ctnd) (1905), BALTHASAR trước tiên theo học khoa Đức ngữ tại Munich, rồi tại Vienne và ở Berlin. Cuối cùng tốt nghiệp tiến sĩ triết học (1929). Chính lúc bấy giờ, cuộc đời của BALTHASAR rẽ qua một khúc quanh có tính chất quyết định với việc ngài gia nhập Dòng Tên. Sau khi trải qua “một khoảng thời gian sa mạc ở kinh viện”, BALTHASAR gặp lại các thầy dạy của mình ở Fourvière. BALTHASAR theo học những giảng khoá của cha de LUBAC (1934 - 1938) và bắt đầu thấy khoái tư tưởng của các Giáo phụ, thứ tư tưởng có cái gì cụ thể hơn cái lối tư tưởng ở trường. Thụ phong linh mục năm 1936, BALTHASAR trải qua cuộc đời của mình ở Đức và ở Thụy Sĩ. Cuộc đời của BALTHASAR hoà lẫn với công trình của ngài.

Công trình của BALTHASAR sinh sôi nẩy nở trong mọi hướng: dịch các nhà thơ Pháp (CLAUDEL, PÉGUY, BERNANOS... ) cho xuất bản các Giáo phụ (ORIGÈNE, GRÉGOIRE de NYSSE, IRÉNÉE, BASILE, DENYS l’ARÉOPAGITE... ). Công trình riêng của BALTHASAR bắt đầu với tác phẩm l’ Apocalypse de l’âme allemande (1937 - 1939) – chưa được dịch ra, tác phẩm mà A.BÉGUIN đã nói là tác giả của nó đã có thể “dành quãng đời còn lại để hái ra tiền” – và đạt đến đỉnh cao với tác phẩm La Gloire et la Croix (khởi từ năm 1961), mà 5 tập đã được in ra bằng tiếng Pháp (Aubier). Trong số những tác phẩm khác của BALTHASAR, thường dễ đọc hơn, có cuốn Retour au Centre (DDB, 1971) có lẽ có thể giúp người ta trực tiếp vào sâu được trong giòng tư tưởng của ngài.

Không thể nào kiểm số được những 300 bài viết hoặc khoảng 60 quyển sách đã được BALTHASAR cho xuất bản. Tại sao công trình tư tưởng nầy lại ít được đón nhận như vậy? Phải chăng là vì những quy mô đồ sộ của nó đã làm cho người ta thất vọng phát khiếp? Liệu có nên tin BALTHASAR hay không khi ngài nói mình không hẳn là nhà thần học? Hay là vì nó hơi mang dáng dấp phi thời gian? Quyết định từ giã Dòng Tên của BALTHASAR (năm 1950) là điều không lạ. Quyết định đó phần nào là cái giá khiến ngài bị tẩy chay (người ta gọi cách mỉa mai đó là một cái ông Dòng Tên xuất). Quyết định đó được kích thích bởi nguyện vọng của BALTHASAR muốn hoàn toàn tận hiến đời mình cho Tu hội triều mà ngài đã cùng với Adrienne von SPEYR (1902 - 1967) thiết lập, người bạn mà BALTHASAR đã bao thầu nhận lãnh trách nhiệm xuất bản công trình nghiên cứu (gồm 50 tập) khởi từ năm 1967.

Từ vòng ngoài hướng vào trung tâm.

Từ nơi công trình có nhiều nhánh nầy, người ta có thể ghi lại hai nét chính làm lộ rõ quan điểm của BALTHASAR về bản chất Kitô-học:

Đó là một nền thần học bám sát kinh nghiệm, PEELMAN một cách có lý đã gọi đó là một nền “thần học dựa trên kinh nghiệm thực tế” (une théologie expérimentale), đặt ưu tiên hàng đầu cho kinh nguyện và kinh nghiệm của các thánh. BALTHASAR lấy làm tiếc vì đã có tình trạng li dị giữa tín điều, đối tượng của những nghiên cứu trường lớp, và lòng đạo hạnh mà không may đã trở nên nhạt nhẽo vô vị cứng ngắc trong những tâm tình sùng bái. Trong thời đại hiện nay, hai trụ cột chống đỡ cho mái vòm của toà nhà thần học “quá phổ biến là đã bị tách rời ra khỏi nhau đến nỗi không còn chống đỡ được cho cái nóc tròn trên chóp đỉnh được nữa”. Vì thế, BALTHASAR đứng ra đấu tranh cho việc giữa thần học và đời sống thánh thiện phải hợp nhất lại với nhau.

Tuy nhiên, ở đây không có vấn đề muốn lấy kinh nghiệm cá nhân trở thành như là mẫu mực. Vị thánh không phải là một “con người đơn độc trước con người đơn độc”, mà là hình ảnh cụ thể của Giáo hội, trầm mình trong việc chiêm nghiệm huyền nhiệm Đức KITÔ. Trong thần học của mình, BALTHASAR đã dành một vị trí ưu tiên cho “nguyên tắc lấy Đức MARIA làm mẫu mực” (principe marial), cái nguyên tắc xác định rõ nội dung của thái độ sẵn sàng lắng nghe Lời Thiên Chúa. Sự chấp nhận Lời nầy là điều kiện của khoa thần học.

-  Đó là một nền thần học sẵn sàng đối thoại. Thần học chỉ có nghĩa khi thần học có quan hệ với con người. Nhưng, khác với những thứ thần học trần tục hoá tự giam hãm mình trong vấn nạn của con người thời nay, BALTHASAR cố gắng giúp con người thời nay sẵn sàng để đăt vấn đề về Mạc khải. Đây chính là trung tâm của sự chọn lựa, Thiên Chúa hoặc con người, cái trung tâm cho phép đề ra những nhân tố của một nền thần học mà tất cả những yếu tố khác sẽ xuay quanh như những mạt sắt tụ chung quanh những thỏi nam châm. Đối với BALTHASAR, sự chọn lựa quả thật là rõ ràng: “người ta chỉ có thể làm cho giữa Thiên Chúa và con người hiểu được nhau bằng ngôn ngữ của Thiên Chúa.”

Bây giờ hãy thử xem xem người ta có thể nói về đối thoại theo nghĩa nào. BALTHASAR sẵn sàng tiếp xúc với nền văn hoá hiện đại (cái mà ngài biết cách hoàn hảo), nhưng đồng thời ngài cũng vạch trần chân tướng nó ra chứ không bao giờ coi nó như là mẫu mực. BALTHASAR trù liệu tính toán nhằm biện minh cho điều mà ngài đã đưa ra trước, không phải khởi từ con người, mà là dưới ánh sáng Mạc khải. Theo BALTHASAR, con người là một câu đố không có lời giải đáp. Chỉ Mạc khải mới có một câu trả lời cho trái tim băn khoăn thao thức của con người. Vì vậy, nếu quả cần thiết phải sử dụng hình thức tư tưởng của các dân tộc, dĩ nhiên là với một đầu óc biện biệt phê phán, dầu vậy, cũng cần phải có những khoảng cách ly cần thiết và phải biết dẫn dắt anh em nhân loại đưa họ từ “vòng ngoài tiến vào Trung tâm” là chính Đức KITÔ.

Nỗ lực chỉnh đốn Kitô-học.

Đối với BALTHASAR, tất cả mọi vấn đề đặt ra cho nhà thần học đều phải được rọi sáng khởi từ cái trung tâm nầy. Không phải là coi nhẹ những yêu cầu cấp bách đối với thần học, nhưng, BALTHASAR xem nỗ lực loại biệt của mình là phải làm một “cuộc chỉnh đốn Kitô-học” cho thần học. Những chân lý Kitô-giáo hàm chứa lẫn nhau, cái nầy nằm trong cái kia và ngược lại, tất cả đều nói lên huyền nhiệm Đức YÊSU KITÔ, tình yêu bị Đóng đinh và được Vinh quang. Đó là “hạt nguyên tử mà người ta không thể nào tách ra được”, là “hạt nhân không thể chia cách”, là huyền nhiệm mà “ngoài nó ra người ta không thể nào còn tưởng tượng được một huyền nhiệm nào lớn hơn”. BALTHASAR làm cho người ta nắm bắt được ý nghĩa của tiến trình suy tư của mình bằng cách sử dụng hình ảnh biểu tượng của con búp bê của người Nga.

“Con búp bê của người Nga. Bạn hãy gỡ nó ra, bạn sẽ thấy một con búp bê thứ hai giống y như trước, tuy nhỏ hơn. Hãy gỡ tiếp lớp thứ hai ra, bạn sẽ thấy con thứ ba. Bạn hãy cứ tiếp tục làm như thế cho đến con búp bê cuối cùng, nhỏ tí xíu, và bây giờ bạn hãy trổ tài nghệ của bạn xem: gom gộp lại tất cả những lớp đã được tách gỡ ra đó cho thật khéo làm sao cuối cùng lại trở về được tình trạng như ban đầu cũng chỉ có một con búp bê duy nhất mà thôi, mang trong mình tất cả những con búp bê khác. (bạn đừng quên rằng con búp bê nhỏ nhất không thể nào còn gỡ tách ra được nữa).”

Cho nên không có gì là lạ khi thần học từ đó được hiểu như là một hành động chiêm ngưỡng huyền nhiệm Đức KITÔ trải ra trong giòng lịch sử. Thần học có nhiệm vụ phải “làm cho nội dung mẫu mực của sự kiện (Đức YÊSU KITÔ) toả sáng ra” và phải coi tất cả “vào hàng thứ yếu so với việc chiêm niệm và nỗ lực giải thích cái tuyệt đối độc nhất đó”. Từ đó, người ta hiểu ra rằng BALTHASAR đề nghị với chúng ta một thứ “thẩm mỹ thần học” (une esthétique théologique): vấn đề đặt ra, theo BALTHASAR, là làm sao nắm bắt được và biểu lộ ra được “vẻ đẹp” của Mạc khải, nghĩa là của Tình yêu Ba Ngôi đang rành rành ra đấy ở trong lịch sử. Địa điểm thần học tuyệt hảo của ngài là Thánh PHAOLÔ (2Co 3,18): chúng ta đang chiêm ngưỡng “như qua một tấm gương soi vinh quang của Chúa”. Vấn đề đặt ra không phải là lấy một “tiêu chuẩn phàm trần” rồi đem áp dụng vào Mạc khải – đo lường những phần đóng góp tích cực mà Mạc khải đã đóng góp được cho di sản của loài người, thí dụ như kiểu CHATEAUBRIAND đã làm – mà là làm sao nắm bắt được vẻ đẹp bên trong của nó. Trước quang cảnh rực rỡ của huyền nhiệm Thiên Chúa, được trình bày cách khách quan, con người lúc bấy giờ mới có thể cảm nghiệm được một trạng thái “ngất say” tự bên trong.

Chính chủ trương Kitô-học coi Đức KITÔ là trung tâm mà tất cả phải quy hướng về nầy là nguồn gợi hứng cho tất cả mọi quan điểm lập trường của BALTHASAR, đặc biệt về quá trình tiến hoá hiện nay của Giáo hội. Trước viễn tượng tiến hoá nầy, BALTHASAR đôi khi không khỏi cảm thấy một chút băn khoăn lo lắng: “Giáo hội, đối với tôi, xem ra cũng như một cái thùng tưới có lỗ thủng. Khi người làm vườn tiến đến gần luống đất ven vườn mà ông ta muốn tưới, thì thùng tưới đã rỗng không. Giáo hội suy gẫm quá ít về cái kho tàng được chôn giấu trong ruộng. Giáo hội đã bán đi nhiều... Liệu Giáo hội vẫn còn là cái thành ở trên núi?” Một vài thái độ của người Kitô-giáo chứng tỏ có một sự bỏ rơi cái Chủ yếu. Do mải mê lo lắng băn khoăn với tất cả mọi thứ hy vọng phàm trần, Giáo hội có nguy cơ biến mình thành rỗng không không còn giữ được bản thể của mình và phản bội lại với niềm hy vọng phi thường mà Đức YÊSU KITÔ đã đưa vào thế giới.

Tuy nhiên, quả là bất công nếu xem BALTHASAR như là một con người hoài cổ chỉ biết ngoái cổ nhìn lui về quá khứ. BALTHASAR là con người của sự “Trở về với Trung tâm”, nghĩa là với Đức KITÔ, điều nầy dĩ  nhiên cũng đòi hỏi phải vất bỏ bớt đi những gì làm nặng con thuyền, những gì đã thuộc về quá khứ. Nhưng, những lời kêu gọi hô hào “cập nhật hoá” (aggiornamento) vẫn có nguy cớ khiến người ta lãng quên những yêu cầu cần phải có một nỗ lực cải tạo thần học đi vào chiều sâu. Nói về Giáo hội, BALTHASAR sử dụng luôn trong một lúc cả hai hình ảnh, đó là hình ảnh chiếc thuyền của PHÊRÔ tượng trưng tình trạng yên ổn – một niềm tin bám chặt vào Đức KITÔ -, và đó cũng là hình ảnh cuộc đắm thuyền của PHAOLÔ tượng trưng tất cả những gì đòi phải dám mạo hiểm và từ bỏ, như thế mới thực sự có thể tìm lại được dung mạo sáng láng của Đấng chính là sự Cứu độ.

Marcel NEUSCH

Đức KITÔ  “vừa là tấm màn che giấu vừa là Đấng mạc khải”.

Ở nơi Đức YÊSU KITÔ, thực tại hữu hình của thiên Chúa được hoàn tất với dáng dấp lờ mờ ẩn hiện. Và điều đó không chỉ diễn ra nơi biến cố Chịu nạn, mà ngay từ nơi biến cố Nhập thể đã thế. Nói ngắn gọn là trong sự kiện duy nhất Ngôi Lời trở thành xác phàm. Đấy là nghịch lý không thể nào lý niệm được, cái nghịch lý mà tất cả mọi thứ nghịch lý cả của biến cố Tạo thành cả của lịch sử Cứu độ đều tuôn về đó. Tại đây, được hoàn thành cách dư tràn cái mà biến cố Tạo thành đã khai mào: đó là biến cố Thiên Chúa tự biểu lộ mình ra và tự giới thiệu,

Thần Khí tự do và vô cùng tự tạo ra cho mình một thân xác để tự tỏ bày, cái thân xác mà trong đó đã hẳn Ngài có thể tự mạc khải mình ra, nhưng còn hơn thế nữa, là có thể tự ẩn giấu mình đi như là “Đấng, quả thực không thể nào tả nổi, cao hơn tất cả những gì đã được và có thể được lý niệm ở bên ngoài Ngài” (Dz 1782). Và tại đây, cũng được hoàn thành cách dư tràn điều mà chính Thiên Chúa đã khởi đầu nơi Israel: đó là để Ngài có thể tự tỏ mình ra ngày càng sâu đậm hơn và tự trao phó thân mình trong tư thế ngày càng bị tước hết vũ khí đi trong Lời riêng của Ngài nói ra trong lịch sử và trong trái tim của dân Ngài, nhưng đúng ra như thế là để ngày càng tiết lộ ra rằng Ngài là vị Thiên Chúa được che giấu và không thể nào lý hội được. Nhưng, biến cố Nhập thể của Ngôi Lời, điều đó, trước tất cả mọi xem xét có tính đặc thù, muốn nói lên thực tại hữu hình cùng tột trong chốn lờ mờ sâu thẳm vô cùng vô tận. Nói là thực tại hữu hình, là bởi vì, tại đây, Thiên Chúa tự phơi trần chính mình ra trước con người không hơn không kém gì hơn như là chính con người, không phải bằng một lời giáo huấn suông bằng lời mà bằng chính tính thể riêng tư và đời sống của con người; điều mà con người nầy có trong cõi thâm nghiêm của tính thể mình, đối với Ngài, trở thành lời và giáo huấn của Thiên Chúa: thế thì làm thế nào mà Ngài lại không hiểu được?

Còn nói là lờ mờ ẩn hiện, là bởi vì xem ra đấy là một công việc tức khắc dẫn đến thất bại nếu người ta muốn diễn đạt tính thể của Thiên Chúa, thực tại độc nhất tuyệt đối và vô cùng của Ngài bằng cái hàng ngày quả thật vô cùng khác nhau, và vì thế hầu như không thể hoán chuyển cho nhau được như giữa hai thực tại tương đồng, hoặc bằng cái thực trạng tương đối đến là thảm hại của một cá nhân mất hút đi trong đám đông: vì chưng, nếu như “con người” quả thực trở thành ngôn ngữ của Thiên Chúa, thì không phải vì Ngài đã bắt ép bản tính của mình lên ngang tầm siêu nhân, tìm cách chộp lấy, tìm cách để trở nên vĩ đại hơn, sáng chói hơn, nổi danh hơn, và gây ngạc nhiên hơn tất cả những người khác; mà là vì Ngài đã trở thành người như tất cả mọi người, bởi vì Ngài phải là vì tất cả mọi người, và phải tự biểu thị đặc tính độc đáo của mình đúng ngay trong tình trạng tầm thường của Ngài, như là Thực thể độc nhất: “Ngài không kêu la, không lớn tiếng, không làm cho người ta nghe tiếng Ngài ở bên ngoài đường phố” (Ys. 42, 2 - Mt. 12,19). Cái chẳng có dáng vẻ gì bên ngoài lại phải là sự biểu lộ cái tỏ lộ nhất.

(Extrait de La Gloire et la Croix, I: Appari- tion, Paris, Aubier, 1965, pp. 386 - 387.)

Tài liệu tham khảo:
Thư tịch tác phẩm của Urs von BALTHASAR chỉ có thể chọn lựa kê khai ra đây một ít thôi, vì nó quá mênh mông.
·           Théologie de l’histoire, bản dịch của R. GIVORD với lời giới thiệu của A. BÉGUIN, Paris, Plon, 1955; lần tái bản có nhuận đính, Paris, Fayard, 1970.
·           Dieu et l’homme d’aujourd’hui, Paris, Desclée de Brouwer, 1958.
·           La prière comtemplative, Paris, Fayard, 1971.
·           La Gloire et la Croix. Aspects esthétiques de la Révélation, Paris, Aubier, 1965. Việc xuất bản công trình đồ sộ nầy trải qua một thời gian dài, bắt đầu từ năm 1961, có 5 tập đã được in ra bằng tiếng Pháp.
·            De l’intégration. Aspects d’une théologie de l’histoire, Paris, Desclée de Brouwer, 1969.
·           L’amour seul est digne de foi, Paris, Aubier, 1966.
·           “Le mystère pascal”, dans Mysterium salutis, n0 12. “Dogma- tique de l’histoire du salut”, Paris, Cerf, 1972, pp. 13 - 275.
·           Retour au Centre, Paris, Desclée de Brouwer, 1971.
·          Dans l’engagement de Dieu, Paris, Apostolat des Éditions, 1973.
Trong số những chú giải bình luận về thần học của Urs von BALTHASAR, bạn có thể đọc:
·           Jean-Marie FAUX, “Un théologien: Hans Urs von BALTHASAR”, dans Nouvelle Revue théologique, n0 94, 1972, pp. 1002 - 1030.
·           Herbert VORGRIMLER, “Hans Urs von BALTHASAR”, dans Bilan de la théologie du XXe  siècle, Paris, Casterman, 1970, t. 2, pp. 685 - 706.
Achiel PEELMAN, Hans Urs von BALTHASAR et la théologie de l’Histoire, Bern, Peter Lang, 1978, Livre fondamental.       
Tác giả: Bruno CHENU - Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ
Nguồn: giaolyductin.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét