Alpha và Omega có ý nghĩa gì trong nghệ thuật Kitô giáo?
Trong nghệ thuật Kitô giáo, chúng ta thường thấy hai ký tự: alpha (A) và omega (Ω). Hai ký tự này có lịch sử lâu đời trong Kitô giáo và bắt nguồn từ sách Khải Huyền, khi Thiên Chúa nói, “Alpha và Ômêga chính là Ta, Chúa, Thiên Chúa phán, Ðấng đang có, đã có, và sẽ đến, Ðấng toàn năng!” (Kh 1, 8)
Về sau, cũng trong Khải huyền, Chúa Giêsu cũng tự nhận, “Ta là Alpha và là Ômêga, là Khởi nguyên và là Cùng tận! Chính Ta, Ta sẽ ban nhưng không cho kẻ khát uống nơi mạch nước sự sống. Ai thắng sẽ thừa hưởng mọi sự ấy làm cơ nghiệp; và Ta sẽ là Thiên Chúa của nó, và nó sẽ là con của Ta.” (Kh 21, 6-7)
Do đó, từ thời Kitô giáo tiên khởi, hai ký tự đầu và cuối bảng chữ cái Hy Lạp được dùng để tuyên xưng thần tính của Chúa Giêsu Kitô. Các Kitô hữu tiên khởi cũng dùng hai chữ này như tên viết tắt của Chúa Giêsu. Hai chữ này bắt đầu được dùng trong nghệ thuật, kể từ thế kỷ IV, và tiếp tục là một tiêu chuẩn trong Giáo hội cho đến ngày nay.
Hơn nữa, hai ký tự Hy Lạp này có một mối tương quan với nhận thức xa xưa của người Do Thái về các phẩm tính của Thiên Chúa. Theo Bách khoa toàn thư Công giáo, thì “Trong tiếng Do Thái, sự thật là EMETH. Nó là kết hợp của ba ký: Aleph=Alpha, Mem=Của Ta, and Thaw=Theta.
Aleph và Thaw là những ký tự đầu và cuối của bảng chữ cái Do Thái, cũng như Alpha và Omega trong tiếng Hy Lạp. Như thế chữ Emeth (chân lý) bắt đầu với chữ cái đầu tiên và kết lại với chữ cái cuối cùng.” Các học giả Do Thái cổ tin rằng “Ký tự Aleph ngụ ý Thiên Chúa có trước mọi sự. Không có một sự gì có trước Ngài, và Ngài biết toàn bộ chân lý. Ký tự Thaw, cũng nói lên rằng Thiên Chúa là cuối cùng của mọi sự. Không có sự gì là cùng đích sau Ngài.”
Vậy nên lần tới, nếu bạn thấy ký tự Alpha và Omega (A&Ω) hãy nghĩ về Chúa Giêsu, Chân lý cho bạn được tự do.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch
Nguồn tin: Phanxico
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét