Hôn nhân giữa người Công giáo và người vô thần có thành công không?
Aleteia | Beata Pawłowicz
Trong bài phỏng vấn ở Ba Lan, cha Zbigniew Kaplanski, giám đốc Trung tâm Mục vụ Gia đình ở Warsawa, thảo luận xem liệu cuộc hôn nhân giữa một người Công giáo và một người không có đức tin, hoặc theo đức tin khác, có thể thành công hay không. Câu trả lời của cha là: Đó là một con đường đầy thách thức, nhưng không phải là bất khả thi. Sự tôn trọng lẫn nhau, và một đời sống làm chứng thật sự, là những yếu tố cốt yếu để cho cuộc hôn nhân đó được thành công.
Tôn trọng và Chân thật
Theo tôi, vấn đề cốt yếu hệ tại ở chính hai người đó. Nếu John, một người vô thần, yêu Rachel, một người Công giáo, thì điều quan trọng là cô ấy phải là người quan trọng với anh ấy. Vậy nên một đám cưới trong nhà thờ, và một lời thề trước bàn thờ sẽ tạo ấn tượng ghi khắc cho anh ấy.
Trong Giáo hội, chúng tôi cố gắng bảo đảm cho người đó thành thật, nghĩa là đừng để một người vô thần vờ như mình là người có đức tin. Và người đó cần thề hứa “chung thủy cho đến khi cái chết chia lìa.” Và tất cả đều dựa vào sự tôn trọng của John với lời thề của mình. Nếu được thế, thì giao kết này sẽ bền chặt. Nhưng nếu người đó không tôn trọng lời của mình, nghĩa là người đó không tôn trọng chính mình, thì cũng sẽ không tôn trọng lời thề trang trọng trước bàn thờ. Với người đó, thì bất kỳ lời thề hứa nào cũng chẳng có ý nghĩa.
Nếu John tôn trọng Rachel, thì anh ấy sẽ tôn trọng niềm tin của cô ấy, và ý nghĩa của những việc đạo đức cô ấy làm. Một quy luật tiên quyết, luật chung chứ không phải chỉ trong tôn giáo, là nếu muốn sống hòa hợp, thì hai người nên theo những nguyên tắc của người tuân theo những nguyên tắc chặt chẽ hơn. Tôi đã đọc thấy suy tư này từ 30 năm trước, hình như là của Đạo Phật. Qua nhiều năm mục vụ, tôi nhận ra rằng nếu cả hai vợ chồng làm thế này, thì cuộc sống hôn nhân thường tốt đẹp.
Nếu bạn yêu ai đó, thì bạn tôn trọng các giá trị và nguyên tắc của họ, và bạn giúp họ theo những nguyên tắc đó. Vậy nên, nếu hôn thê của bạn là người ăn chay, thì bạn đừng nướng thịt vào mỗi dịp cuối tuần, và đừng tròn mắt khi cô ấy tìm hiểu về các món salad. Và nếu hôn phu của bạn là người Công giáo, bạn cũng đừng nhăn mặt khi anh ấy nói, “Hôm nay là Chúa nhật, anh đi nhà thờ đây.”
Tôi biết nhiều gia đình, người mẹ Công giáo bị ốm, và người bố vô thần đưa các con đến nhà thờ, rồi chờ bên ngoài cho đến khi hết lễ để đưa chúng về. Nếu bạn yêu thương ai đó, bạn sẽ giúp họ chu toàn những nguyên tắc của họ.
Vậy nếu khi đang đi chơi, mà hôn thê vô thần của bạn nói, “Anh yêu, thánh lễ lúc 6:00, ta nên đi thôi,” thì bạn biết rằng cô ấy là người tôn trọng bạn và quan tâm đến những điều bạn thấy là quan trọng.
Đức tin được truyền qua đời sống, chứ không phải lời nói
Tôi biết nhiều người ấp ủ một giấc mơ thầm kín là bạn đời của họ sẽ cải đạo. Nếu được thế, thì tôi phải thừa nhận rằng, tôi chưa từng thấy ai trở lại nhờ thần học cả. Luôn luôn là nhờ được thấy ai đó sống một cuộc đời đức tin. Một ngày nào đó, người vợ Công giáo sẽ nghe rằng, “Cuộc sống của em quá tuyệt vời, anh muốn được như em.” Một người vô thần có thể muốn tìm hiểu về đức tin, bởi vì đức tin đó là một điều quý giá với người mà họ yêu thương.
Đôi khi tôi cũng thấy những người không có đức tin, tiến gần lại với đức tin dù không trở lại đạo. Khi sống với một người có đức tin, thì người đó hiểu rằng những nguyên tắc luân lý đó có một ý nghĩa sâu xa và hợp lý đáng để tồn tại.
Sự siêu việt có trong mỗi người chúng ta, dù cho suốt thời gian dài chúng ta không nghĩ đến nó. Sâu thẳm trong mỗi con người đều có một khát vọng hướng về sự siêu việt. Như lời thánh Augustino đã nói, “Lòng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.”
J.B. Thái Hòa chuyển dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét