Hôn Nhân Từ Góc Nhìn Tâm Linh
HÔN NHÂN TỪ GÓC NHÌN TÂM LINH
Con người ta sống trên đời có hai phần: thể xác và tâm linh. Phần thể xác là những ngôi vị cụ thể hình thành những gia đình, những tổ chức xã hội. Phần tâm linh là những đóng góp về mặt tinh thần cho xã hội và đặc biệt là cho tôn giáo. Do đó, khi biện giải về những cuộc hôn nhân, thường cũng có 2 góc độ, đó là “góc nhìn tâm linh” và “góc nhìn luân lý”. Theo Gợi ý Mục vụ của HĐGMVN, tháng 6/2017 có chủ đề: “Hôn nhân từ góc nhìn tâm linh”; xin dựa vào Tông huấn Gia Đình “Familiaris Consortio” và Thông điệp Sự Sống Con Người “Humanæ Vitæ” để tìm hiểu vấn đề:
I- Hôn nhân là hiệp thông các ngôi vị:
Hầu hết các tôn giáo đều được xây dựng trên nền tảng đức tin và vì thế những ngôi vị trong tôn giáo đó được gọi là các tín hữu. Riêng về Ki-tô giáo thì các tín hữu được gọi là Ki-tô hữu, bởi chính nguồn cội phát sinh hôn nhân là Thiên Chúa Ba Ngôi, mà Ngôi Lời nhập thể là người sáng lập. Ba Ngôi Thiên Chúa có những chức năng riêng, nhưng vẫn gắn kết với nhau nên một tổng thể duy nhất. Cũng vậy, hôn nhân có ba ngôi vị (cha + mẹ + con cái) tuy có những khác biệt về giới tính, về cá tính, nhưng cũng kết hợp với nhau tạo nên một tương quan liên vị (bao gồm những tương quan về tình vợ chồng, tình phụ tử, tình mẫu tử, tình anh em). Qua những tương quan ấy, mỗi ngôi vị được dẫn đưa vào trong “gia đình nhân loại” và “gia đình Thiên Chúa” là Hội Thánh.
Đôi tân hôn đầu tiên là A-đam và E-và phạm tội bất trung, khiến gia đình nhân loại bị phân hóa. Tuy nhiên, vì Thiên Chúa giàu lòng thương xót, gia đình nhân loại được phục hồi trong sự hiệp nhất nhờ quyền năng cứu chuộc do cái chết và sự sống lại của Đức Ki-tô. Trong gia đình, các ngôi vị được sinh ra và dần dần nhờ giáo dục được dẫn vào trong cộng đồng nhân loại. Từ đó, nhờ tái sinh qua phép rửa và nhờ sự giáo dục đức tin, ngôi vị ấy cũng được dẫn vào trong gia đình của Thiên Chúa là Hội Thánh. Hôn nhân và gia đình Ki-tô giáo xây nên Hội Thánh, cũng giống như những ngôi vị xây nên gia đình nhân loại (xã hội). Nhờ được tham dự vào hiệu năng cứu độ của biến cố Đức Ki-tô xuống thế làm người (Ngôi Lời Nhập Thể), hôn nhân Ki-tô giáo trở thành môi trường tự nhiên để cho nhân vị được hội nhập vào trong đại gia đình Hội Thánh.
Cũng chẳng khác gia đình đầu tiên của nhân loại được Thiên Chúa dựng nên và trao phó sứ mạng “hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất” (St 1, 28); với hôn nhân cũng vậy, ngay từ đầu sứ mạng phát triển đã được trao cho người nam và người nữ để sinh sản thêm nhiều. Quả thực “Tình yêu đôi bạn tỏ cho ta thấy bản chất đích thực và sự cao quý của nó, khi ta nhìn xem trong nguồn mạch cao siêu của nó là Thiên Chúa: Người là tình yêu và Người là Cha, bởi Người, mọi phụ hệ trên trời dưới đất được tôn xưng… Hôn nhân là một tình yêu phong nhiêu, nghĩa là nó không hoàn toàn bị hạn chế trong sự kết hợp hôn nhân, mà còn hướng về kế tiếp, là gây dựng thêm sinh mạng mới. "Hôn nhân và tình yêu đôi bạn, tự bản chất, hướng về sinh sản và giáo dục con cái. Mà thực ra, con cái là món quà quý nhất của hôn nhân và đem lại hạnh phúc lớn cho cha mẹ chúng." (Thông điệp Sự Sống Con Người “Humanæ Vitæ”,số 8-9)
Cuối cùng, nơi gia đình, đã phát xuất từ bí tích hôn phối, Hội Thánh còn tìm được cái nôi và môi trường giúp cho Hội Thánh có thể hoàn tất việc hội nhập vào các thế hệ loài người, cũng như ngược lại, các thế hệ loài người được hội nhập vào Hội Thánh. Kể từ đó, hôn nhân là hiệp thông và cộng tác với Thiên Chúa.
II- Hôn nhân là hiệp thông và cộng tác với Thiên Chúa:
Trong giao ước ngày cưới giữa người nam và người nữ, sự hiệp thông yêu thương giữa Thiên Chúa và loài người được diễn tả cách đầy ý nghĩa. Dây liên kết tình yêu của 2 người phối ngẫu trở thành hình ảnh và biểu tượng cho giao ước nối kết Thiên Chúa với con dân của Người. Cả đến tội lỗi, có thể làm tổn thương khế ước hôn nhân, cũng trở thành hình ảnh cho sự bất trung của dân đối với Thiên Chúa. Tuy nhiên, lòng trung tín đời đời của Thiên Chúa không vì sự bất trung của Ít-ra-en mà phai lạt; trái lại, còn làm tăng thêm Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Bởi thế, tình yêu trung thành mãi mãi của Thiên Chúa được giới thiệu như kiểu mẫu cho những tương quan tình yêu trung tín phải có giữa vợ chồng.
Sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người được hoàn tất vĩnh viễn nơi Đức Giê-su Ki-tô, vị Hôn Phu yêu thương và hiến mình làm Đấng cứu độ nhân loại bằng cách kết hiệp nhân loại với Người như chính thân mình Người. Tất cả trở nên thân mình mà đầu là Đức Giê-su Ki-tô. Người là Đầu của Giáo hội, và Giáo hội là Thân Thể huyền nhiệm của Người. Sống trong Giáo hội là sống bằng sự sống của Chúa Ki-tô do tự Thiên Chúa ban tặng. Hơn thế nữa, Chúa Ki-tô còn là Đầu của toàn thể nhân loại. Nhờ sự vâng phục của Người, nhân loại được ân sủng và công chính hơn (Rm 5, 12-21).
Đức Giê-su Ki-tô đã hiến mình trên thập giá cho hiền thê của Người là Hội Thánh. Sự hy sinh ấy biểu lộ trọn vẹn ý định mà Thiên Chúa đã ghi khắc vào trong nhân tính của người nam và người nữ từ khi tạo dựng nên họ. Như thế hôn nhân của những người đã chịu Phép Rửa trở nên biểu tượng của Giao ước mới và vĩnh cửu được ký kết trong máu Đức Ki-tô. Không những thế, Người còn đổ tràn xuống ân sủng Thánh Linh, ban cho họ một trái tim mới và làm cho cả người nam và người nữ có khả năng yêu thương nhau như Đức Ki-tô đã yêu thương Giáo hội. Tình yêu vợ chồng đạt tới sự sung mãn là tình bác ái, là phương thế độc đáo và riêng biệt giúp các đôi vợ chồng tham dự vào tình bác ái của Đức Ki-tô, Đấng trao ban chính mình trên thập giá.
Hơn nữa, những kẻ đã chịu phép thánh tẩy, thì cuộc hôn nhân được thêm một giá trị, là dấu bí tích của ơn nghĩa, ám chỉ sự kết hợp giữa Chúa Ki-tô và Giáo hội. “Ðã hẳn, hôn nhân không phải là kết quả của sự may rủi, hay bởi sự vận chuyển mù quáng của các năng lực tự nhiên; trái lại, đó là một tổ chức khôn ngoan của Tạo hoá, để thực hiện ý muốn tình yêu của Người trong nhân loại. Nhờ sự tự hiến cho nhau, là việc riêng rẽ và độc hữu của họ, hai vợ chồng kết hợp với nhau, để hoàn thiện lẫn nhau, để cộng tác với Thiên Chúa, mà gây dựng và giáo dục những sinh mạng mới.” (Thông điệp “Humanæ Vitæ”, số 8).
Do phép rửa, người nam và người nữ mãi mãi được gia nhập vào giao ước mới và vĩnh cửu, giao ước hôn nhân của Đức Ki-tô với Hội Thánh. Chính vì sự gia nhập bất khả thu hồi ấy mà cộng đoàn thân mật của sự sống và tình yêu vợ chồng do Tạo Hoá lập nên, đã được nâng cao và đem vào trong tình bác ái hôn ước của Đức Ki-tô, được sức mạnh cứu rỗi của Người nâng đỡ và làm cho phong phú. Nhờ tính bí tích của hôn nhân, đôi bạn được liên kết với nhau một cách chặt chẽ không thể tháo gỡ được. Khi người này thuộc về người kia, họ thực sự biểu lộ tương quan giữa Đức Ki-tô với Hội Thánh, qua dấu chỉ bí tích.
III- Hôn nhân là dự phần vào đời sống và sứ mạng của Hội Thánh
“Như vậy đôi bạn là lời nhắc nhở thường xuyên cho Hội Thánh về điều đã xảy ra trên thập giá. Họ là nhân chứng cho nhau và cho con cái về ơn cứu độ mà bí tích đã làm cho họ được dự phần. Hôn nhân cũng như mọi bí tích khác, là một sự nhớ lại, một sự hiện tại hoá và một lời tiên tri về biến cố cứu độ. “Là một sự nhớ lại, bí tích ban cho họ ân sủng và trao cho họ bổn phận phải làm nhớ lại những kỳ công của Thiên Chúa và làm chứng về những kỳ công ấy trước mặt con cái họ; là một sự hiện tại hoá, bí tích ban cho họ ân sủng lẫn bổn phận phải thực hành trong hiện tại giữa họ với nhau và giữa họ với con cái, những đòi hỏi của một tình yêu tha thứ và cứu chuộc; là một lời tiên tri, bí tích ban cho họ ân sủng và bổn phận sống và làm chứng về mối hy vọng sẽ được gặp gỡ Đức Ki-tô sau này.” ( Tông huấn Gia Đình “Familiaris Consortio”, số 13).
Hai người phối ngẫu dự phần vào đó với tư cách là đôi bạn, là hai vợ chồng, đến nỗi hậu quả đầu tiên và tức khắc của bí tích hôn nhân không phải là ân sủng siêu nhiên nhưng là mối dây liên kết hôn nhân Ki-tô giáo, là việc hai người thông hiệp với nhau theo cách thức đặc biệt Ki-tô giáo, bởi vì sự thông hiệp ấy diễn tả mầu nhiệm nhập thể của Đức Ki-tô và mầu nhiệm giao ước của Người. Và nội dung của việc tham dự vào sự sống Đức Ki-tô cũng rất đặc biệt:
Tình yêu vợ chồng bao gồm một toàn thể tính, trong đó có đủ mọi yếu tố cấu tạo nên ngôi vị. Tình yêu ấy nhắm đến một sự hiệp nhất sâu xa về ngôi vị, một sự hiệp nhất, vượt qua sự kết hợp thành một thân xác, đưa đến chỗ chỉ còn một trái tim, một linh hồn; tình yêu ấy đòi hỏi sự bất khả phân ly và sự trung thành trong việc trao hiến cho nhau một cách dứt khoát, mở ngõ cho việc sinh sản. Tắt một lời, đó chính là những đặc tính thông thường của mọi tình yêu vợ chồng nhưng với một ý nghĩa mới mẻ, một ý nghĩa không những thanh luyện và củng cố đặc tính ấy, nhưng còn nâng chúng lên cao đến độ biến chúng trở thành lời diễn tả những giá trị thật sự của Ki-tô giáo.
Kết luận:
Tóm lại, từ góc nhìn tâm linh sẽ thấy rõ đặc tính hôn nhân bao gồm 3 yếu tố: 1- Hôn nhân là hiệp thông các ngôi vị; 2- Hôn nhân là hiệp thông và cộng tác với Thiên Chúa; 3- Hôn nhân là dự phần vào đời sống và sứ mạng của Hội Thánh. Quả thật “Trong ý định của Thiên Chúa Sáng Tạo và Cứu Chuộc, không những gia đình khám phá ra “căn tính” của nó, cái nó “là”, mà còn khám phá ra “sứ mạng” của nó, cái nó có thể và phải “làm”. Những bổn phận mà gia đình được Thiên Chúa mời gọi phải chu toàn trong lịch sử đều bắt nguồn từ hữu thể độc đáo của nó, và là cách diễn tả sự phát triển năng động và hiện sinh của nó. Mỗi gia đình khám phá và gặp được nơi chính mình lời mời gọi cấp bách ấy, cũng chính là lời mời gọi xác định đâu là phẩm giá và trách nhiệm của gia đình: Hỡi gia đình, “hãy trở nên” cái mà ngươi “là”. (Thông điệp “Humanæ Vitæ”, số 17).
Vượt trên mọi thực tại căn bản khác, hôn nhân là môi trường trong đó con người có thể sống cho chính mình bằng cách tự hiến vô vị lợi, gia đình là cung thánh của sự sống. Một con người chào đời (Ga 6, 21) là một dấu chỉ vượt qua:. Như thế, Bí tích Hôn Phối là một phần thuộc thực tại cứu độ bao la của Thiên Chúa dành cho loài người qua sự tử nạn và phục sinh của Ðức Ki-tô, Con yêu dấu của Người. Ý thức vấn đề, người Ki-tô hữu cần thiết phải sống trọn vẹn ân sủng Bi tích Hôn phối. Để hoàn tất sứ vụ, các gia đình Ki-tô giáo cần ý thức về sự tự hiến phải được bảo đảm và đổi mới không ngừng. Và nhất là đừng quên học hỏi và cầu nguyện sống sao cho xứng đáng là bản sao trung thực nhất mẫu gương Gia đình Thánh Na-da-ret. Ước được như vậy. Amen
JM. Lam Thy ĐVD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét