Trang

Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

Tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” trong Tin mừng Gioan



Thành ngữ “Chiên Thiên Chúa” là một diễn ngữ khá đặc biệt trong cách dùng của tác giả Gioan. Đây là một tước hiệu Kitô luận truyền thống, nói về Đức Giêsu, mà tác giả Gioan có công sưu tập. Tước hiệu này được đào sâu, trở nên phong phú, nhằm giải quyết các vấn đề và ứng đáp các mối bận tâm của cộng đoàn Gioan cũng như của các môn đệ.

“Chiên Thiên Chúa” là một tước hiệu cao quý, diễn tả sứ mạng của Đức Giêsu Cứu Thế
Behold-the-Lamb-of-God 1Tước hiệu này được giới thiệu và mạc khải trước tiên cho các môn đệ của vị tiền hô Gioan (x. Ga 1,35), khi ông giới thiệu Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” cho dân chúng và 2 môn đệ. Gioan ý thức rằng: phận vụ của ông chỉ là người tiền hô, “người kéo màn để Đức Giêsu một mình chiếm ngự sân khấu”.[2] Đức Giêsu, trong hình dung của Gioan khi giới thiệu đây“Chiên Thiên Chúa”, là Đấng hoàn tất và làm trọn hảo những gì đã được Sách Thánh nói đến. Ngài là Đấng được sai đến không phải để lên án nhưng để ai tin vào Ngài thì được cứu độ. Ẩn trong tước vị này nơi Đức Giêsu, có cả một hệ Do thái giáo đóng vai trò là một “sân khấu”, để nơi đó, Đức Giêsu “diễn viên” chiếm ngự phô diễn vẻ huy hoàng của Con Chiên khi mạc khải, tỏ lộ chính khuôn mặt của Thiên Chúa cách thành toàn và chung cuộc nơi cuộc hiến tế làm Chiên Vượt qua nơi Thập giá.

“Chiên Thiên Chúa”, ám chỉ đến chiên lễ Vượt qua

Tin Mừng Gioan xoay quanh các chủ đề lớn về các ngày lễ của Do thái giáo. Tác giả Gioan đề cập đến các lễ của người Do thái khoảng 28 lần (x. Ga 2,13.23; 4,45; 5,1; 6,4; 7,2.8.10-11.14.38; 10,22; 11,55-56; 12,1.12; 13,1.29; 18,28.39…). Trong đó, Lễ Vượt Qua là một trong những lễ quan trọng của người Do thái sắp đến (x. Ga 2,13.23; 6,4; 11,55; 12,1; 13,1…). Tổng trấn Philatô xét xử Đức Giêsu lúc 12 giờ trưa vào ngày áp lễ Vượt Qua (x. Ga 19,14). Trong bối cảnh ấy, thành ngữ “Chiên Thiên Chúa”, trước hết ám chỉ đến chiên lễ vượt qua (x. Xh 12,3-14.21-27.43-46) của người Do thái. Nhờ dấu hiệu của máu con chiên bị giết, đã được bôi lên khung cửa nhà, mà các con trai đầu lòng của Israel thoát khỏi cơn hủy diệt của Đức Chúa YHWH (x. Xh 14,23); nhành hương thảo đóng vai trò quan trọng trong chỉ thị về nghi thức lễ Vượt Qua của người Do thái, cũng như chỉ thị về chính con chiên vượt qua (x. Xh 12,22.46b). Tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” còn liên quan đến người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa (x. Is 53,4.7.12; 42,1) như chiên bị đem đi làm thịt để sát tế làm của lễ hiến tế cho muôn dân được cứu độ.

“Chiên Thiên Chúa”, mạc khải mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến cứu độ
5_Con Chien Thien ChuaĐức Giêsu –“Chiên Thiên Chúa”, đến trong thế gian này là để tỏ cho các môn đệ hiểu mầu nhiệm bản thân Người và mầu nhiệm công trình Người thực hiện. Mầu nhiệm về sự hiệp thông, duy nhất và nên một giữa Đức Giêsu và Chúa Cha:“thấy Người là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9b). Chúa Cha mạc khải chính mình cho các môn đệ, nơi Đức Giêsu, Con của Người (x. Ga 1,18; 12,45; 14,7). Đó là công việc của Đức Giêsu. Đời sống, lời nói, việc làm của Đức Giêsu chính là nơi Chúa Cha tỏ bày chính mình cách hoàn hảo.

Nơi Đức Giêsu – “Chiên Thiên Chúa”, các môn đệ nhận ra công việc của Người chính là Đấng Cứu Thế – Đấng ban ơn cứu độ, Đấng mang lại cho các ông sự hiệp thông yêu thương, “bình đẳng” với Thiên Chúa. Người chính là sự sống (Ga 14,6). Sự hiệp nhất, ở lại của các môn đệ trong Đức Giêsu cũng chính là sự hiệp nhất mang lại sự sống vĩnh cửu đích thật.

Ở đây, con đường để nhận biết Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” cũng như công việc của Người nơi các môn đệ, không phải là những tranh luận về Người, nhưng là nghe và tin (x. Ga 14,11) vào Đức Giêsu. Đức Giêsu là con đường dẫn các ông đến sự thật và sự sống (x. Ga 14,6), từ nơi Chúa Cha.

“Bởi vì Chúa Giêsu mạc khải sự thật dẫn đến sự sống và mang sự sống đích thực đến cho ai tiếp nhận sự thật này trong đức tin và đem nó ra thực hành. Người dẫn đưa kẻ tin vào Người đến cùng đích sự sống, đến Chúa Cha và như vậy, Người sử dụng ẩn dụ con đường” (Scnhackenburg).

Micael Gia Lâm C.Ss.R

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét