Yves CONGAR Một tôi tớ của Dân Thiên Chúa.
Một con người, một cách hoàn hảo, có khả năng làm sáng tỏ sự bừng giấc của thế giới Công giáo khoảng giữa thế kỷ XX: đó là Yves CONGAR.
Từ những năm 30, con người “gốc Celte của vùng cao nguyên Ardennes” nầy, sinh tại Sedan năm 1904, đã từng xuất hiện như là một trong những nhà lãnh đạo kế tục trường phái Saulchoir. Trong thế chiến thứ hai, cuộc thử thách bị giam cầm tù tội đã giúp CONGAR đào sâu thêm kinh nghiệm về con người. Dù bị Rôma nghi ngờ vì cái tội “thần học mới”, CONGAR vẫn không khựng lại, vẫn tiếp tục một công trình đồ sộ, kết quả của những tháng năm lao động hăm hở phối hiệp với một niềm tin không gì lay chuyển nổi. Vatican II, đã phục hồi lại danh dự cho CONGAR một cách đầy đủ. Không ai hơn được Yves CONGAR, đã là thần học gia của Công đồng, tham gia tất cả mọi Tiểu ban có thể được, và đã gợi hứng cho những bản văn quan trọng về Giáo hội, Đại kết và Truyền giáo.
Để có thể gợi lên được sự nghiệp cuộc đời của cha CONGAR, chúng tôi đã chọn ghim lại đây một vài trong số những định thức có thể hé lộ cho thấy bản chất sâu xa nhất của con người và những quan tâm lớn của ngài. Những ngọn đèn chiếu nầy sẽ cho phép chúng ta từng bước dựng lại một công trình rộng bát ngát mà dù từ nhiều nẻo đường cuối cùng vẫn dẫn về một nơi là Giáo hội.
Tôi đã yêu chân lý như người ta yêu một con người.
Yves CONGAR sẵn sàng coi mình là tác giả của từ đó vì nó chỉ rõ ngay tim ơn kêu gọi của ngài: một cuộc đời cho chân lý, một sự tận hiến phục vụ cho nỗ lực tri thức về ý nghĩa. Ở đây, chúng ta có được trên tay cái chìa khoá có khả năng giải thích một cách dứt khoát một cuộc đời, trên hết, đã là một cuộc chiến đấu trường kỳ cho Ánh sáng.
Nỗ lực tìm kiếm vô điều kiện và đầy tin tưởng nầy được tiến hành trong ánh sáng của niềm tin. Những bạn đồng liêu dòng Đaminh đã tình cờ nói về cha CONGAR trong một câu chuyện: “Ngài là một Kitô-hữu thấu tận đáy lòng, sâu đến tận cùng cốt tuỷ… Người ta có thể tưởng tượng về ngài cách khác, nhưng không thể nào hơn thế được”. Ưu tư tìm kiếm những thế quân bình lớn cho niềm tin Kitô-giáo, bao giờ CONGAR cũng thích lắp ghép lại với nhau một nền nhân loại học cho Thiên Chúa và một nền thần học cho con người, ơn cứu độ được mạc khải và sự giải phóng được kiếm tìm, cái “được ban cho” và cái “được xây dựng”.
Trong cuộc hành trình bền bỉ nầy, Thánh THOMAS quả là một bậc thầy cần suy nghĩ và là một nhà hướng đạo chẳng ai bằng. Như chính CONGAR đã nói: “Thánh THOMAS, đó là chủ nghĩa hiện thực, là sự cởi mở, là sự kiên tâm chú ý nắm bắt và đón nhận ý hướng chân lý tàng ẩn trong những hạch hỏi thắc mắc mà người ta phải phê bình nhận xét”. Người môn đệ phải biết tách bạch ra một cách cẩn thận những lớp thực tại, đặt mỗi vấn đề vào đúng thứ tự lớp lang và nơi chỗ của nó.
Tôi, tôi ở Giáo hội.
Nếu từ này không đến nỗi quá khó thương, chúng tôi sẽ coi CONGAR như là một “nhà Giáo hội học”. Nỗi đam mê lớn của CONGAR là Giáo hội, là nền thần học về Giáo hội. Đó là một nỗi đam mê đã bộc lộ ra ngay từ thời niên thiếu và CONGAR vẫn tiếp tục vun xới nó với một cảm tình nồng hậu.
Phải định nghĩa cái “Giáo hội thánh thiện” nầy như thế nào đây? Trước tiên, Giáo hội là “cái chúng tôi của người Kitô-hữu” (“le nous des chrétiens”), một dân của Thiên Chúa chứ không phải là một chế độ đẳng cấp hay là một chế độ giáo hoàng trị (papolatrie). Khi người ta đã làm quen được với những nguồn suối của Kitô-giáo và đảo mắt trở lại nhìn suốt giòng lịch sử, cái mẫu Giáo hội Rôma như hiện nay, đề cao khía cạnh pháp lý của xã hội và cơ cấu tổ chức sẽ để lộ ra một cách rõ ràng cái giá trị tương đối của nó. Không gì cấp bách hơn là việc cần phải tìm kiếm lại những phạm trù truyền thống như hiệp thông và phục vụ, như bí tích và quần chúng. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ phải đặt Giáo hội trở lại trên nền tảng bí tích thanh tẩy của nó với một nền thần học nghiêm chỉnh về người giáo dân, và trên nền tảng địa phương của nó với một nền thần học nghiêm túc về đặc tính công giáo và tính hoà đồng. Nhưng Dân Thiên Chúa mãi mãi sẽ vẫn phải sống trong tư thế căng thây giữa cái chiều dọc là lời mời gọi của Thiên Chúa và cái chiều ngang là thực tại hiện sinh của môi trường thế giới. Giáo hội có được chấp nhận ở bên trên hay không hoàn toàn tuỳ theo mức độ mà Giáo hội tự làm cho mình thuộc về bên dưới.
Là nhà tư tưởng của Công đồng Vatican II, Yves CONGAR đã cảm thấy ngay sau đó cái nguy cơ là người ta có thể sẽ cứ ngồi ỳ trên chính những bản văn của Công đồng: “Có nguy cơ là người ta sẽ còn không tìm tòi gì thêm nữa, mà chỉ có việc đơn thuần ngồi lai rai nhấm nháp cái kho tàng vô tận của Vatican II... Cho rằng nỗ lực cập nhật hoá đã được xác định một lần rồi thôi như đã được ghi rõ trong những bản văn của Vatican II là phản bội lại nỗ lực cập nhật hoá”. Giáo hội là một phong trào mãi mãi cần phải được suy tư, một thiết chế vẫn không ngừng phải được cải tổ lại.
Tôi là một con người đã bám rễ. Tôi phản kháng sự chia lìa với cái làm nền tảng cho chúng tôi.
Theo quan điểm của CONGAR, sự phục hồi lại giá trị của Truyền thống đích thực là điều kiện của thái độ bạo dạn của Giáo hội. Trên cơ sở những định thức chẳng có gì là nghịch lý, người ta có thể nói rằng nỗ lực canh tân tuỳ thuộc vào việc trở về nguồn và lòng trung thành kêu gọi thái độ tiên tri. Càng nắm vững những ngoắc ngoéo của lịch sử, người ta càng thoải mái tự do trong quan hệ với những tuyệt đối mới. Tất cả đều được ghi danh trong một lịch sử, kể cả Đức YÊSU KITÔ, cả Thánh THOMAS D’AQUIN. Có vậy, thần học mới “xứng đáng là khúc quanh” để cho lịch sử đi theo.
Nhưng, đừng bao giờ quên rằng lịch sử nầy là lịch sử thánh, lịch sử Cứu độ. Có một nguồn nguyên động lực nối kết chặng đầu với chặng cuối và đó chính là một Kế đồ của Thiên Chúa, một Nhiệm cục mạc khải. Lịch sử Giáo hội là một thứ thời gian có tính bí tích trong đó Thiên Chúa hằng sống tự nói cho con người và trong đó toàn bộ cuộc sống tìm thấy nội dung ý nghĩa của mình trong Đức KITÔ.
Đại kết giả thiết một phong trào trở lại và cải tạo cùng diễn ra trong đời sống của tất cả mọi Giáo hội.
Chỉ cần một cảm thức nào đó về Giáo hội và về Truyền thống là đủ để, một cách lôgic, phát hiện ra cái gây xì-căng-đan là tình trạng chia rẽ giữa những người Kitô-hữu. Ơn kêu gọi phục vụ nỗ lực đại kết đã rõ nét từ rất sớm nơi Yves CONGAR và đã ghi dấu trên toàn bộ công trình của ngài, từ Chrétiens désunis năm 1937 đến Chrétiens en dialogue năm 1964. Đã có vô số những buổi thuyết trình nói với bốn phương thiên hạ trong thế giới Kitô-giáo trong nỗ lực kiên nhẫn nhằm gây ý thức.
Trung thành với chính mình, CONGAR dồn sức lực làm cho lĩnh vực đại kết có một cơ sở lý thuyết. CONGAR mở ra một nỗ lực suy tư riêng của thần học nhằm suy tư về sự hiện hữu của Tha nhân không phải chỉ trong tư cách là những cá nhân mà còn với tư cách như là giữa những Giáo hội hoặc là những cộng đồng Giáo hội; CONGAR công nhận những giá trị riêng tư của mỗi Giáo hội vẫn làm phong phú thêm cho gia tài Kitô-giáo. Trong tương quan với Giáo hội công giáo, CONGAR tìm cách làm cho Giáo hội nầy “nhích lên một ít nấc trên cái trục của mình” nhằm tạo điều kiện cho cuộc gặp gỡ trở thành khả dĩ. Vốn say mê lịch sử, CONGAR vẫn không ngừng thăm dò tìm hiểu nguồn gốc và quá trình phát triển của những cuộc ly khai. Ngày nay vẫn thế, CONGAR tiếp tục chú ý theo dõi, với một thái độ cẩn thận, sự xuất hiện của một “phong trào đại kết phát xuất từ phía phần đời” (oecuménisme séculier) một hình thức đại kết ưu tiên cho sự dấn thân tập thể trong nỗ lực phục vụ thế giới, hoặc theo dõi nơi tuyến đầu của một nỗ lực hiệp nhất không cần sự hiệp nhất giữa các Giáo hội.
CONGAR thâm tín rằng “những sự quy hướng về với nhau chỉ có thể thực hiện được từ trên cao và từ bên trong”. Để có thể “hàn gắn lại với nhau cách nguyên vẹn” (ré-intégration) Thân thể đã bị chia cách của Đức KITÔ, cả hai, nỗ lực trở về của lý trí và sự quay trở về của tâm linh, phải cùng chung vai gánh vác. Nỗ lực và lời kinh nầy không chấp nhận có một hạn kỳ nào cả. Bởi vì như lời BESSARION phát biểu trong cộng đồng Florence: “Làm sao chúng ta có thể tự bào chữa cho mình hầu biện minh cho việc chúng ta đã từ chối hiệp nhất lại với nhau? chúng ta sẽ trả lời ra làm sao đây với Thiên Chúa khi biện minh cho tình trạng anh em chia rẽ nhau, trong khi Đức KITÔ, để hiệp nhất chúng ta lại và làm cho chúng ta trở thành chỉ là một đoàn chiên của Ngài, đã xuống từ trời, đã mặc xác phàm, đã chịu đóng đinh trên Thập giá? Chúng ta sẽ tự bào chữa mình ra làm sao đây với những thế hệ tương lai, tốt hơn, với những người đồng thời với chúng ta?”
Yves CONGAR như thế đấy, là con người của niềm tin và là nhà thần học của Giáo hội. Việc bám chặt rễ của mình trên mảnh đất Truyền thống vĩ đại đã cho phép CONGAR đứng vững giữa biết bao cơn bão tố của cuộc đời. Lâm một cơn trọng bệnh, CONGAR đã hoá ra già đời. Và đó không phải là công nhỏ trong những công lao của ngài.
Bruno CHENU
Của Thiên Chúa và của loài người.
Có tình trạng căng thẳng giữa hai hình thái Giáo hội mà hiện nay vẫn còn đang cùng tồn tại: một thứ Giáo hội của hàng giáo sĩ đặt cơ sở trên những nghi thức, những quyết định thần học của mình. Cái Giáo hội nầy có khách hàng riêng của nó. Nó có ngay cả giá trị hữu hiệu của mình. Có khả năng dễ dàng được nhận ra và giữa tình trạng hỗn mang của biết bao cuộc đụng chạm đối đầu, cái Giáo hội nầy thiết định được một thứ chứng minh thư bảo đảm và một tình trạng an ninh, một chỗ ẩn náu an toàn cho tâm linh. Một thứ Giáo hội khác – nhưng chúng tôi chỉ nói “khác” theo cái nghĩa để mà diễn tả và tạm thời thôi, bởi vì làm gì mà có hai! – phát sinh từ Tin mừng đã được sống một cách quảng đại bởi những đồ đệ của Đức YÊSU trong cuộc sống của con người. Có lẽ sáng kiến của anh em linh mục-thợ đã là một dấu hiệu, nhưng cái đó đến có lẽ từ một chỗ xa hơn.
Tình trạng căng thẳng giữa hai Giáo hội là chuyện bình thường. Xa cách nhau mới là điều không tốt. Trong đại hội các giám mục ở Lộ Đức năm 1969, một linh mục thợ đã phát biểu: “Những người vô thần là những kẻ không tin vào vị Thiên Chúa được Giáo hội mạc khải. Còn chúng tôi, chúng tôi là những kẻ không tin vào vị Thiên Chúa được mạc khải ra nơi con người và đặc biệt là nơi những người nghèo.” Hai thái độ vô tín ngưỡng, mặt trái của hai loại niềm tin? Bên nầy là muối, bên kia là đất, trong khi muối được làm cho đất và đất thì cần muối? Bên nầy là Thiên Chúa, bên kia là con người, trong khi Thiên Chúa đã làm người để con người được nhập vào sống trong gia đình của Thiên Chúa? Tại Cana, Đức YÊSU biến nước lã thành rượu trong khung cảnh một tiệc cưới... Toàn bộ Thánh Kinh nói về giao ước, biến cố Nhập thể, biến cố Phục sinh và việc Tưởng niệm bí tích Thánh Thể đều chính là những thực tại của giao ước mới và dứt điểm. Tắt một lời, tình trạng căng thẳng là chuyện bình thường, sự xa lìa nhau là điều không thể nào chấp nhận được. Nó sẽ dẫn đến một khung cảnh thánh thiêng không có chân lý về con người và đến tình trạng trần tục hoá không có chiều kích Thiên Chúa. Công đồng đã muốn là một thực tại vẹn toàn. Công đồng chiếm lĩnh tất cả khoảng không gian giữa hiến chế về Phụng vụ thánh và hiến chế về Giáo hội trong thế giới ngày nay. Vấn đề cơ bản đối với Giáo hội hôm nay và ngày mai là chính Giáo hội phải là Giáo hội vì con người, và trong cuộc sống của con người, một cách thực sự, phải là dân thánh khai sinh từ Đức YÊSU KITÔ. Một cách tự giác hoặc vì hoàn cảnh bắt buộc, Giáo hội nên từ bỏ quyền lực, chắc chắn đó là một điều kiện tốt, nếu không muốn nói đó chính là điều kiện không thể nào thiếu được, để công cuộc Giáo hội trở lại với Tin mừng có thể đạt đến chỗ thành công.
Giáo hội vẫn thường mắc phải sai lầm. Trong cuộc sống mang đặc tính lịch sử của mình, Giáo hội không phải là vô ngộ, nhưng chỉ có một điều nầy là Giáo hội mãi mãi sẽ không thể nào bị tiêu diệt. Giáo hội sẽ vẫn còn hơn một lần vấp phạm và mắc phải sai lầm. Nhưng nhựa sống vẫn làm cho Giáo hội đang sống vẫn không ngừng chảy trào lên trong thân mình Giáo hội và sinh hoa kết quả (... ).
Trong Giáo hội, có một nguồn sức sống mãnh liệt được trao ban cho chúng ta hôm nay và ngày mai. “Giáo hội của chúng ta là Giáo hội của các thánh”: cư ngụ trong thân mình là “cái xác thịt” thường quá đần độn và quá ù lì, nhưng Giáo hội mãi mãi vẫn là thân xác của Lời và của tình yêu.
(Église catholique et France moderne, Paris, Hachette, 1978, pp. 278 - 280).
Tài liệu tham khảo:
Công trình của cha CONGAR quá rộng lớn, chúng tôi không thể nào ghi lại hết ở đây. Chúng tôi chỉ lưu ý các bạn một số:
· Chrétiens désunis. Principes d’un oecuménisme catholique, Paris, Cerf, 1937.
· Vraie et fausse réforme dans l’Église, Paris, Cerf, 1950.
· Jalons pour une théologie du laicat, Paris, Cerf, 1953.
· Le mystère du Temple, Paris, Cerf, 1958.
· Vaste monde, ma paroisse, Paris, Témoignage chrétien, 1959.
· La Tradition et les traditions, I: Essai historique; II: Essai théologique, Paris, Fayard, 1960 et 1963.
· La foi et la théologie, Paris, Desclée et Cie, 1962
· Chétiens en dialogue, Paris, Cerf, 1964.
· Jésus Christ, notre Médiateur, notre Seigneur, Paris, Cerf, 1965.
· L’ecclésiologie du Haut Moyen Age, Paris, Cerf, 1968.
· L’Église de saint Augustin à l’époque moderne, Paris, Cerf, 1970.
· L’Église une, sainte, catholique et apostolique, Paris, Cerf 1970, coll. “Mysterium salutis, n0 15.
· Ministères et communion ecclésiale, Paris, Cerf, 1971.
· Un peuple messianique. Salut et libération, Paris, Cerf, 1975.
· Église catholique et France moderne, Paris, Hachette, 1978.
· Je crois en l’Esprit Saint, t. I, Paris, Cerf, 1979.
Để có thể có được một cái nhìn tổng quát về công trình của cha CONGAR, chúng tôi đề nghị bạn đọc bài ghi lại cuộc phỏng vấn mà ngài đã dành cho cha Jean PUYO:
· Jean PUYO interroge le Père Yves CONGAR, “La passion de la vérité”, Paris, Centurion, 1975.
Cho đến năm 1967, bạn có thể tìm xem:
Jean-Pierre JOSSUA, Le Père CONGAR. La théologie au service du peuple de Dieu, Paris, Cerf, 1967.
Tác giả: Bruno CHENU - Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ
Nguồn: giaolyductin.org
Nguồn: giaolyductin.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét