Trang

Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017

Phải chăng các vị giám mục được quyền ra chỉ thị về việc rước lễ của người ly dị tái hôn phần đời?

Phải chăng các vị giám mục được quyền ra chỉ thị về việc rước lễ của người ly dị tái hôn phần đời?

Dù có ý hay không, nhưng khi nói rằng việc thi hành Tông huấn “Niềm Vui Yêu Thương” (Amoris Laetitia) tùy thuộc hướng dẫn của các giám mục địa phương, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tản quyền việc giải quyết cuộc tranh luận về việc rước lễ của những người Công Giáo ly dị và tái hôn phần đời.
Thực vậy, về cuối Tông Huấn “Niềm Vui Yêu Thương”, Đức Phanxicô viết rằng khi các linh mục phải đưa ra phán đoán trong các trường hợp cụ thể như chăm sóc mục vụ cho người Công Giáo ly dị và tái hôn phần đời, các ngài sẽ làm việc này “phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội và các hướng dẫn của vị giám mục”.
 
Người ta thắc mắc không biết lúc ấy, ngài có biết lời khuyên trên sẽ gây nên không biết bao nhiêu giải pháp trái ngược nhau hay không.
 
Vì từ ngày công bố nó hồi tháng Tư vừa qua, nhiều vị giám mục và nhiều nhóm giám mục khắp nơi trên thế giới đã ban hành các chỉ dẫn để thi hành tông huấn trên, và nếu quan sát quang cảnh, thì ai cũng thấy rõ: các chỉ dẫn này không giống nhau.
 
Một số chỉ dẫn cho rằng dù các người Công Giáo ly dị và tái hôn phần đời vẫn là thành viên trong Giáo Hội và do đó nên được tiếp nhận vào đời sống Giáo Hội, nhưng truyền thống ngăn cấm họ rước lễ vẫn được duy trì nguyên vẹn.
 
Một số chỉ dẫn khác dù rất thận trọng vẫn cho rằng “Niềm Vui Yêu Thương” quả có tạo ra khả thể để những người này, trong một số trường hợp, được rước lễ sau một diễn trình biện phân.
 
Trước các chủ trương khác nhau như trên, một số người phản đối, cho rằng dù các vị giám mục được quyền quyết định phải thi hành một quyết định của Đức Giáo Hoàng ra sao, nhưng các ngài không có quyền giải thích ngược với nó. Một số khác lý luận rằng cho tới khi và ngoại trừ Đức Giáo Hoàng thay đổi luật Giáo Hội, các vị giám mục có quyền áp dụng các qui định hiện nay được các ngài coi là thích đáng.
 
Bất kể người ta nhận định ra sao về cuộc tranh luận, kết luận sau đây vẫn không thể nào tránh được: dù có ý định hay không, điều Đức Phanxicô thực sự đã làm là chấp nhận tản quyền một trong các vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong đời sống Giáo Hội hiện nay.
 
Trừ khi được minh xác thêm hay được sắc lệnh mới của Rôma, điều hiện đang diễn ra là các giám mục cá thể hay các nhóm giám mục miền đang xác định nên trả lời có hay không trong lãnh thổ thuộc quyền tài phán của các ngài.
 
Hồi tháng Bẩy, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput ban hành các chỉ dẫn để thi hành “Niềm Vui Yêu Thương” tại Philadelphia. Các chỉ dẫn này định rằng các người Công Giáo ly dị và tái hôn phần đời, nếu muốn rước lễ, phải sống như anh trai em gái nghĩa là tự chế việc thân mật tính dục.
 
Gần đây, Đức Cha Thomas J. Olmsted của Phoenix đã viết một bài trên tờ báo của giáo phận, đại khái nói rằng không có điều nào trong “Niềm Vui Yêu Thương” mở đường cho việc rước lễ của người ly dị tái hôn phần đời.
 
Đầu tháng này, các vị giám mục của Alberta và Các Lãnh Thổ Phía Bắc Canada cũng đã ra các chỉ thị khắt khe đối với việc rước lễ của người ly dị tái hôn phần đời, khi nhấn mạnh rằng đây không phải chỉ là việc đơn giản nói chuyện qua loa với một vị linh mục, mà là việc phải hàn gắn vết thương trầm trọng do việc gẫy đổ của hôn nhân tạo ra, mới có thể được rước lễ.
 
Ấy thế nhưng, cũng đầu tháng này, các giám mục của miền Buenos Aires của chính Đức Phanxicô đã ra một dự thảo, cho hay: trong một số trường hợp, “Niềm Vui Yêu Thương” có cung cấp cho người ly dị tái hôn phần đời khả thể được lui tới các bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Đức Phanxicô đã mau mắn viết thư trả lời ca ngợi các ngài rằng các ngài đã giải thích đúng tông huấn của ngài.
 
Đầu tháng Bẩy, Đức Hồng Y Ennio Antonelli, người Ý, cựu chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, nói rằng Đức Phanxicô “thậm chí đang mở đường cho việc được lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể”. Còn Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna, Áo, một người thân cận của Đức Giáo Hoàng, thì nhiều lần nói rằng "Niềm Vui Yêu Thương" quả có tạo khả thể để những người ly dị tái hôn phần đời được lãnh nhận các bí tích, trong một số trường hợp.
 
Như thế có nghĩa ra sao? Phải chăng các qui định hiện nay khác nhau giữa những nơi như Buenos Aires, Vienna và những nơi như Phoenix, Philadelphia và Alberta?
 
Các nhà chuyên môn có thể tranh luận bất tận về điều thực sự là hay nên là, nhưng điều xem ra rõ ràng là việc thực hành sẽ thay đổi từ nơi này tới nơi nọ, tùy theo thiên hướng của vị giám mục hay các giám mục cầm quyền.
 
Vì thế, song song với cuộc tranh luận hăng say về nội dung của "Niềm Vui Yêu Thương", chúng ta đang bước vào một cuộc tranh luận mới về tác động của nó, tập chú vào vấn đề liệu việc để cho địa phương quyết định một điều như thế này có phải là một động thái khôn ngoan hay không.
 
Nhiều người cho rằng vì cuộc tranh luận về Rước Lễ đụng đến các chủ đề hết sức trọng yếu như thần học Công Giáo về hôn nhân và cái hiểu của Giáo Hội về Phép Thánh Thể, nên nếu cho phép địa phương có những giải đáp khác nhau liều mình ta sẽ phá hoại tính hợp nhất của đức tin.
 
Khi nhà báo John Allen hỏi Đức Hồng Y Francis Arinze của Nigeria, nay đã về hưu, về việc này, ngài tỏ ra nghiêm khắc. “Có phải ông đang bảo tôi: chúng ta có thể có một hội đồng giám mục quốc gia tại một nước chấp thuận một điều gì đó mà ở một hội đồng khác, nó bị coi là một tội hay không? Phải chăng tội sắp sửa thay đổi theo biên giới quốc gia? Chúng ta có thể trở thành các Giáo Hội quốc gia? Xem ra chúng ta đang quốc hữu hóa điều đúng và điều sai”.
 
Tuy nhiên, nhiều người khác sẵn sàng cho hay: vì các thực tại văn hóa khác nhau ở nhiều nơi trên thế giới, nên việc cho phép các mục tử và các giám mục một ít quyền rộng rãi trong việc phán định là một điều khôn ngoan, ấy là chưa kể đến việc phải tuân giữ chủ trương nhấn mạnh tới tính hợp đoàn của Công Đồng Vatican II.
 
Điều trên hình như đang củng cố nhận định của Đức Hồng Y Walter Kasper ngỏ với các nhà báo nhân dịp Thượng Hội Đồng năm 2014, khi ngài cho rằng các giám mục Phi Châu “không nên nói với chúng ta quá nhiều về điều chúng ta nên làm”. Điều ngài muốn nói là: hoàn cảnh ở Đức khác với hoàn cảnh ở Phi Châu, và các giải pháp kiểu một cỡ thích hợp cho mọi người không luôn có giá trị trong Giáo Hội hoàn cầu.
 
Ba năm rưỡi qua, từ ngày được bầu làm giáo hoàng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã hơn một lần nói rằng ngài thấy cần phải có “một sự tản quyền lành mạnh” trong Giáo Hội Công Giáo.
 
Bất kể nó có lành mạnh hay không dưới mắt người nhìn, nhưng khi đụng tới việc rước lễ của người ly dị tái hôn dân sự, căn cứ vào những gì đang diễn ra, khó lòng không tin việc tản quyền là điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn.
 
Vũ Văn An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét