Trang

Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

11 Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 11)

Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 11)

Tác giả: 
 Vũ Văn An

Chương 3: Giáo Hội ở bên ngoài “Giáo Hội”

Về phương diện thần học, Đạo Công Giáo tự hiểu mình như một “hiệp thông các thánh” trải dài mọi thời và mọi nơi, bao trùm tất cả những ai đã rửa tội và được tháp nhập vào đoàn ngũ những người bước chân theo Chúa Giêsu Kitô. Tuy nhiên, đó không phải là điều phần lớn người ta muốn hiểu khi nói tới “Giáo Hội”, như trong câu “Tại sao Giáo Hội chống đối hôn nhân đồng tính?”. Trong lối nói bình dân, khi người ta nhắc đến “Giáo Hội”, điều họ thường nghĩ đến là hàng giáo sĩ, nhất là các giám mục và Vatican, nghĩa là các viên chức chính thức (officialdom). Cách đây ít năm, tôi (Jonh Allen) nhận được một cú điện thoại của một nhà sản xuất ở BBC đang thực hiện một đoạn về phụ nữ trong Đạo Công Giáo, và cô yêu cầu tôi đề xuất một ai đó có thể lên tiếng nhân danh Giáo Hội. Tôi đề nghị một số các nữ giáo dân Công Giáo nổi tiếng, thì nhà sản xuất này bảo tôi: “À, tôi xin lỗi, tôi đã không rõ ràng. Chúng tôi tìm một ai đó từ Giáo Hội”. Dĩ nhiên, cô ấy muốn nói một ai đó mang cổ cồn Rôma.

Cái nhìn hẹp hòi trên về Giáo Hội, một cái nhìn chỉ lưu ý tới cơ cấu và giới lãnh đạo chính thức của nó, thường đứng phía sau quan điểm huyền thoại coi Đạo Công Giáo như một tổ chức tập quyền cứng ngắc. Đúng, Đạo Công Giáo là tôn giáo duy nhất trong các tôn giáo thế giới theo nghĩa có một hệ cấp chỉ huy rõ ràng. (Như một thao tác suy nghĩ, có bao giờ bạn tự hỏi xem ai đang chịu trách nhiệm đối với Do Thái Giáo, chẳng hạn, hay đối với Hồi Giáo? Việc không thể trả lời câu hỏi này hé cho thấy đôi chút về điều làm cho Đạo Công Giáo ra khác). Ấy thế nhưng không đúng chút nào khi cho rằng Đức Giáo Hoàng hay một ai khác trong Giáo Hội giữ quyền kiểm soát tuyệt đối, vì Đạo Công Giáo thực ra tản quyền và dễ thích ứng hơn phần lớn người ta tưởng tượng nhiều.

Ngay bên trong các cơ cấu chính thức, như các giáo xứ và giáo phận, cũng có nhiều phạm vi tự do rộng rãi hơn người ta tưởng, nhất là khi nói tới các vấn đề như tài chánh và quản trị. Cuối triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, chẳng hạn, một vị chức quyền của Vatican nghe phong phanh về dự tính canh tân nhà thờ chính tòa ở Milwaukee, bèn viết thư cho Đức Tổng Giám Mục địa phương nói rằng việc ấy nhất định không được phép. Đức Tổng Giám Mục thoạt đầu lịch sự chống đỡ sự can thiệp này, nhưng sau vì vị chức quyền cứ nằng nặc, nên cuối cùng ngài phải nói với vị ấy rằng tổng giáo phận mới là chủ thể trả tiền cho các nhà thầu, chứ không phải Rôma, và do đó họ sẽ làm điều họ thích. Việc canh tân cứ thế tiến hành, và ngày nay, nhà thờ chính tòa Milwaukee cho trưng bày tấm lắc kỷ niệm ngày tái thánh hiến viết bằng tiếng La Tinh rằng tiến trình tái thiết “không phải là không gặp khó khăn”.

Có lẽ quan trọng hơn nữa là việc có cả hằng hà sa số những bộ phận mà ta có thể gọi là “Giáo Hội ở bên ngoài Giáo Hội”, bao gồm các phong trào, các định chế, các nhóm, và các cá nhân hiểu mình là Công Giáo, và có những mức độ liên hệ khác nhau với các giới chức của Giáo Hội, nhưng được hưởng khá nhiều quyền độc lập đáng kể. Dù các thực thể này có thể ở bên ngoài “Giáo Hội”, viết hoa, vì thiếu tư cách chính thức hay nối kết trực tiếp với hàng giáo phẩm, nhưng về thần học, họ vẫn được coi là thành phần của “Giáo Hội” theo nghĩa thuộc về dân Chúa bao quát hơn…

Về phương diện tiền bạc lẫn vốn nhân bản, “Giáo Hội bên ngoài Giáo Hội” này thường làm còi cọc tài nguyên của các cơ cấu chính thức, nó vừa là nguồn hãnh diện vừa là nguồn đau lòng cho các vị giám mục, vì tuy các tổ chức này hiện thân cho cố gắng Công Giáo nhằm đem men vào thế gian, nhưng đôi khi, chúng làm việc này một cách một là trái ngược lại ý muốn của giới chức chính thức hai là ít nhất cũng nêu lên câu hỏi ai mới chính xác là người lên tiếng cho “Giáo Hội”. Sự kiện Đạo Công Giáo chứa đựng hàng loạt những thúc đẩy và quan điểm này thường được coi không những như điểm tự hào mà thực sự còn có tính xác định nữa: dù sao, Đạo Công Giáo cũng là một Giáo Hội, chứ không phải là một giáo phái. Về phương diện thần học, Đạo Công Giáo tự hiểu mình như một bí tích của sự hợp nhất gia đình nhân loại và là “cộng đoàn của các cộng đoàn”, nghĩa là chứa đựng một chút gì đó của mọi sự. Quản trị một sự đa dạng như thế thường là một thách đố hết sức lớn lao, nhưng cũng là thành phần lớn lao của một cuộc mạo hiểm.

Các dòng tu có phải là điển hình của “Giáo Hội ở bên ngoài Giáo Hội” hay không?

Về thần học, câu trả lời là “không” vì các dòng tu có một thế đứng chính thức rõ ràng và được coi là đứng giữa lòng Giáo Hội Công Giáo. Thực vậy, các dòng đơn tu đáng kính như Dòng Biển Đức đã hiện hữu trước phần lớn các giáo phận trên thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, các dòng tu được hưởng nhiều tự do đáng kể và họ thường là những điển hình tốt cho thấy tính đa dạng rộng rãi trong đạo Công Giáo.

Các dòng tu như Dòng Phanxicô, Đa Minh, và Dòng Tên chắc chắn là thành phần của Giáo Hội định chế theo nghĩa họ bao gồm các linh mục đã được thụ phong theo bí tích, song song với các nam nữ tu sĩ tận hiến, tất cả đều tuyên các lời khấn khó nghèo, thanh khiết và vâng lời. Các dòng tu điều khiển các giáo xứ và nhiều định chế chính thức khác,và có cả một phần Bộ Giáo Luật qui định việc vận hành của các dòng tu này. Theo tri nhận của người bình dân, gần như ai cũng coi một linh mục hay một nữ tu Đa Minh hay Phanxicô là thành phần của “Giáo Hội”.

Tuy nhiên, Bộ Giáo Luật cũng thừa nhận điều nó gọi là “quyền sinh hoạt độc lập thực sự” cho các dòng tu; điều này có nghĩa: họ không trực tiếp lệ thuộc các giám mục, và trong nhiều vấn đề, họ được tự quyền hành động. Chẳng hạn, trong đợt đầu tiên của cuộc khủng hoảng lạm dụng tìh dục trong Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ năm 2002, các giám mục Hoa Kỳ đưa ra chính sách nghiêm ngặt gọi là “một cú đánh”, nghĩa là vĩnh viễn bị loại ra khỏi chức linh mục đối với các giáo sĩ chỉ bị tố cáo lạm dụng một lần. Nhiều dòng tu cảm thấy chủ trương này quá khắc nghiệt, và một số dòng cảm thấy chủ trương này đặt cộng đồng rộng lớn bên ngoài vào thế nguy hiểm hơn khi sa thải các linh mục như thế khiến họ lang thang. Nên các dòng tu này đã chấp thuận một chính sách hơi khác một chút, loại bỏ các giáo sĩ khỏi các thừa tác vụ công cộng nếu bị tố cáo lạm dụng, nhưng nói chung giữ họ lại ở trong dòng nơi họ được giám sát và nâng đỡ.

Còn về giáo luật, một giám mục không thể đơn giản ra lệnh cho một thành viên của một dòng tu làm một điều gì đó, vì thành viên này phúc trình không phải lên giám mục mà là lên bề trên của dòng tu mình. (Dĩ nhiên, nếu thành viên này làm việc cho vị giám mục trong một khả năng nào đó, như cha xứ chẳng hạn hay làm nhân viên tại tòa giám mục, thì giám mục có quyền ra lệnh như một người chủ, chứ không như một bề trên của dòng tu). Các dòng tu dĩ nhiên phải vâng lời Đức Giáo Hoàng, và có một thánh bộ của Vatican, gọi là Thánh Bộ Các Dòng Tu, có thẩm quyền trên đời sống tu dòng nhân danh Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, việc thi hành thẩm quyền này trong các hoàn cảnh đời thực là một chuyện phức tạp hơn. Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng có thể bãi bỏ một dòng tu hay bãi chức ban lãnh đạo của nó nếu dòng tu không chịu nhượng bộ, nhưng thông thường không ai để sự việc lâm vào thế bí đến thế.

Mưu toan buộc các dòng tu làm một điều gì đó mà dòng tu không muốn làm thường là một điều cực kỳ khó khăn. Năm 2008, chẳng hạn, một thành viên người Mỹ nổi tiếng của Dòng Truyền Gáo Maryknoll, là Cha Roy Bourgeois, tham dự một buổi lễ truyền chức linh mục cho phụ nữ, một hành vi bị Vatican tuyên bố là bị tuyệt thông tức khắc. Bốn năm sau, khi cuốn sách này đang được viết, Dòng Maryknoll vẫn chưa loại Cha Bourgeois ra khỏi Dòng, huống hồ là tuyên bố Cha bị tuyệt thông và cuộc bàn cãi nội bộ vẫn đang tiếp diễn.

Trong nhiều năm qua, các dòng tu đôi khi giành được chỗ cho các thực hành mới hoặc cho các giọng nói bất đồng, khó gặp thấy trong cơ cấu giáo xứ và giáo phận. Ở Hoa Kỳ, các dòng tu điều hành phần lớn các đại học lớn trong nước như Georgetown và Boston College (Dòng Tên), DePaul (Dòng Vincent) và Notre Dame (Dòng Thánh Giá) và các nơi này thường cổ vũ hàng loạt các quan điểm rộng rãi hơn là những cơ sở như Đại Học America do các giám mục điều hành. Vì các định chế này có ban lãnh đạo và nguồn tài trợ riêng, nên các vị giám mục không thể buộc họ phải hành động theo ý mình. Năm 2009, Đại Học Notre Dame quyết định mời Tổng Thống Barack Obama đọc bài diễn văn khai giảng và cấp bằng tiến sĩ danh dự cho ông. Dù hàng chục vị giám mục Hoa Kỳ chỉ trích nặng nề quyết định này vì Obama vốn ủng hộ quyền phá thai, nhưng Đại Học vẫn tiến hành; họ bênh vực quyết định của họ bằng quyền tự do học thuật.

Thỉnh thoảng, các căng thẳng giữa các dòng tu và hàng giáo phẩm nổ thành tranh chấp công khai. Năm 1981, chẳng hạn, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tạm thời ngưng chức ban lãnh đạo của Dòng Tên, một phần vì lo lắng Dòng này bắt đầu trôi giạt quá xa khỏi quyền lãnh đạo của Giáo Hội. Cuộc thanh tra toàn bộ do Vatican bảo trợ năm 2012 đối với Hội Đồng Lãnh Đạo Các Nữ Tu (LCWR), đại diện chính thức cho các dòng nữ ở Hoa Kỳ, cũng đã được thúc đẩy bởi cùng một mối lo. Vatican đã công bố một cuộc đánh giá dài 18 trang về Hội Đồng Lãnh Đạo Các Nữ Tu, bắt lỗi nó đã bất đồng tập thể về việc phong chức cho phụ nữ và hôn nhân đồng tính, im lặng một cách không thể chấp nhận được về các vấn đề thuộc sự sống như phá thai và ngừa thai, và các xâm nhập của “chủ nghĩa duy nữ triệt để”.

Các dòng tu cũng tóm lược sự đa dạng rộng lớn hơn trong Giáo Hội Công Giáo. Trong khi Hội Đồng Lãnh Đạo Các Nữ Tu tranh đấu chống lại cuộc thanh tra toàn bộ của Vatican, thì một số dòng nữ lớn mạnh nhanh nhất, cả ở Hoa Kỳ lân ở ngoại quốc, được tiếng thơm là theo truyền thống và chính thống hơn một cách đáng kể. Hoặc, hãy coi vị linh mục quá cố Dòng Tên, Cha Jacques Dupuis, người bị Vatican lên án năm 2000 vì cho là đã chủ trương các quan điểm không chính thống về mối liên hệ giữa Kitô Giáo và các tôn giáo khác. Một trong các nhà thần học chính của Vatican soạn thảo bản kết án lại là một vị thuộc Dòng Tên, Cha Karl Becker, người Đức, là bạn và cố vấn từ lâu của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, tức Đức Bênêđíctô XVI tương lai. Xét như thế, các tiên mẫu định sẵn có tính lười lĩnh nói về các dòng tu hay các tiểu nhóm của họ gần như luôn sai lạc.

Các trường, bệnh viện và cơ quqn bác ái Công Giáo có là thành phần của “Giáo Hội” không?

Không hẳn như chiếc dĩa hát bể, nhưng đây cũng là một điều khá phức tạp. Vì một số định chế này trực thuộc quyền kiểm soát trực tiếp của phẩm trật chính thức, như Bệnh Viện Thánh Giuse ở Providence, Rhode Island, nơi Đức Giám Mục cũng là chủ tịch hội đồng quản trị. Phần lớn các trường tiểu học và trung học đệ nhất cấp (middle school dành cho các em từ 9 tới 13 tuổi) được điều hành bởi các giáo xứ và một số trung học đệ nhị cấp được các giáo phận sở hữu và tọa lạc tại các giáo phận này. Các chủng viện, nơi đào tạo các linh mục tương lai, thường, chứ không luôn, do các giáo phận điều hành trong khi, ít nhất ở Hoa Kỳ, phần lớn các đại học và cao đẳng được các dòng tu bảo trợ. Cơ quan bác ái Công Giáo lớn nhất ở Hoa Kỳ, Cơ Quan Bác Ái Hiệp Chúng Quốc, do các giám mục quản trị, nhưng nhiều nhóm nhân đạo khác của Công Giáo có tính độc lập.

Nói chung, chúng ta có thể tóm tắt tình thế này như sau: Các giáo xứ, giáo phận, chủng viện và một số cơ quan bác ái rõ ràng là thành phần của “Giáo Hội” theo nghĩa chúng được tạo lập và kiểm soát bởi các vị giám mục. Phần lớn các đại học và bệnh viện, và một số cơ quan bác ái, là các biểu thức ở nhiều mức độ khác nhau của “Giáo Hội ở bên ngoài Giáo Hội” theo nghĩa có được một mức độ độc lập nào đó đối với việc giám sát chính thức. Dĩ nhiên, tất cả đều bị giám sát bởi một nơi nào đó, bất luận là một hội đồng các giám đốc giáo dân, các nhà hữu trách của các dòng tu, hay một hội đồng quản trị nào đó, chứ không trực tiếp lệ thuộc các vị giám mục.

Phần lớn, các bệnh viện, đại học, và cơ quan bác ái này đều cố gắng hết sức để xây dựng mối liên hệ tốt đẹp với các mục tử và giám mục địa phương. Ấy thế nhưng, sự căng thẳng cố hữu trong tư cách độc lập phần nào của họ cũng đôi khi dẫn tới tranh chấp. Chẳng hạn, tháng 12 năm 2010, Đức Cha Thomas Omsted của Phoenix tuyên bố một cơ sở địa phương, tức Bệnh Viện và Trung Tâm Y Khoa Thánh Giuse không còn là Công Giáo nữa vì một cuộc tranh luận liên quan tới thủ tục y khoa thực hiện cho một phụ nữ mang thai. Nói vắn tắt, Đức Cha Omsted tuyên bố rằng bệnh viện đã thực hiện một vụ phá thai khi chấm dứt thai kỳ đã 11 tuần của một phụ nữ bị chứng áp huyết cao ở động mạch phổi (pulmonary hypertension), một chứng bệnh mà các bác sĩ tin rằng có thể gây tử vong trong lúc mang thai. Nhân viên y khoa của bệnh viện, được sự hỗ trợ của các cố vấn thần học và đạo đức học, nói rằng họ thực hiện phẫu thuật để cứu mạng sống người phụ nữ, nên đây không phải là một vụ phá thai vi phạm giáo huấn Công Giáo. Các nhà quản trị bệnh viện cũng nói rằng dù họ tôn trọng ý kiến của Đức Giám Mục, nhưng ngài không có quyền buộc họ phải hành động cách khác. Sau vụ tranh cãi này, cơ quan chủ quản của Bệnh Viện Thánh Giuse, trước đây tên là Catholic Healthcare West (Khu Chăm Sóc Sức Khỏe Công Giáo Miền Đông), cắt liên hệ với giáo quyền và đổi tên thành Dignity Health (Chăm Sóc Sức Khỏe Có Phẩm Cách).

Đại Học Creighton, đặt cơ sở tại Omaha, Nebraska, do các Cha Dòng Tên điều khiển còn làm cho vấn đề trên thêm trầm trọng hơn nữa, khi mở một trường y khoa vào mùa thu năm 2012 tại Bệnh Viện Thánh Giuse ở Phoenix. Thành thử đâu là tư cách Giáo Hội chính xác của trường y khoa này? Nó có phải là thành phần của “Giáo Hội” không, vì Creighton vốn chính thức được nhìn nhận là Công Giáo? Nó có phải là thành phần của “Giáo Hội ở bên ngoài Giáo Hội” không? Vì Creighton vốn được bảo trợ bởi các cha Dòng Tên, chứ không phải bởi các giám mục. Hay nó hoàn toàn nằm ở bên ngoài quĩ đạo của Giáo Hội vì tọa lạc tại Bệnh Viện Thánh Giuse, mà bộ phận quản trị của nó, xét trong căn bản, đã rút cầu kéo ván đối với “Giáo Hội”? Nói cho ngay, không hề có câu trả lời rõ ràng cho các câu hỏi này.

Còn về các phương tiện truyền thông như báo chí và truyền hình Công Giáo?

Cho đến nay, câu trả lời không nên gây ngỡ ngàng cho bất cứ ai: việc này tùy nơi. Ở một số nơi trên thế giới, các giáo phận và hội đồng giám mục điều hành các cơ sở truyền thông chính thức, và một số cơ sở này thành công một cách đáng kể. Tại Ý, chẳng hạn, tờ Avvenire (Tương Lai) là tờ báo hàng ngày của các giám mục Ý, và là một tờ báo cạnh tranh nghiêm túc trên các sạp báo, với số độc giả rất đông và gây nhiều ảnh hưởng chính trị lớn lao. Các giám mục Ý cũng bảo trợ một mạng lưới truyền hình, tên là Sat2000, khiến nhiều người lác mắt và tạo ra nhiều đồn đại. Tại Hiệp Chúng Quốc, phần lớn các giáo phận có tuần san hoặc nguyệt san riêng, và một ít giáo phận lớn hơn còn điều hành các dịch vụ phát tuyến trên truyền hình, truyền thanh và liên mạng.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các cơ sở truyền thông Công Giáo nổi tiếng hoàn toàn độc lập. Trong thập niên 1980, các giám mục Hoa Kỳ đầu tư hàng triệu đôla để cố tạo ra một mạng lưới truyền hình Công Giáo nhưng đã thất bại, trong khi một nữ tu Phan Sinh hăng hái tên là Mẹ Angelica lại thành công với thật ít phương tiện, ít nhất cũng ở buổi đầu. Ngày nay, Mạng Lưới Truyền Hình Thế Giới Vĩnh Viễn (EWTN=Eternal World Television Network) có lẽ là “đế quốc” truyền thông Công Giáo lớn nhất thế giới, cung cấp các nội dung truyền thanh và truyền hình bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, và được tài trợ bằng các việc đóng góp của khán giả, và các nhà hiến tặng tư nhân. EWTN không nhận quảng cáo, không nhận phụ cấp của bất cứ nguồn chính thức nào. Mạng lưới này thường được coi là khá bảo thủ, nhưng điều này không có nghĩa họ luôn luôn tùng phục hàng giáo phẩm. Chẳng hạn, trong nhiều năm qua, EWTN trực tiếp phát tuyến các phiên họp của các giám mục Hoa Kỳ, và các nhà bình luận cũng như phân tích của mạng lưới đôi khi phê bình thành tích của các giám mục, thậm chí còn đưa ra những lời châm chích không mấy dễ nghe đối với các giám mục bị họ coi là tắc trách hay quá ư cấp tiến. Ở Gia Nã Đại, có một cơ sở truyền thông Công Giáo tên là Salt and Light (Muối và Ánh Sáng), do một tu sĩ dòng Basilian tên là Cha Thomas Rosica thành lập, thường được coi là trung dung nhiều hơn, nhưng cũng như EWTN, nó được tài trợ bởi các nhà hiến tặng tư nhân và độc lập đối với “Giáo Hội” về cơ cấu, mặc dù có liên hệ vững chắc với các giám mục Gia Nã Đại.

Trong thế giới in ấn, có bốn nhật báo Công Giáo phát hành toàn quốc ở Hoa Kỳ là: Our Sunday Visitor, The National Catholic Reporter, The National Catholic Register, và The Wanderer. Tờ Our Sunday Visitor có lẽ là tờ có liên hệ gần gũi nhất với các giám mục, nhưng không tờ nào do Giáo Hội bảo trợ cả, và mỗi tờ đều có ban biên tập độc lập. Hai tờ Our Sunday Visitor và The National Catholic Register (nay do EWTN sở hữu) được coi là bảo thủ, trong khi The National Catholic Reporter là tờ báo cấp tiến có tiếng còn tờ The Wanderer là tiếng nói Công Giáo duy truyền thống. Cũng có hàng loạt các tập san, tạp chí Công Giáo khác nhau tại Hoa Kỳ; không tờ nào có tiếng tăm là cơ quan chính thức cả. Cả tờ America lẫn tờ Commonweal đều nghiêng về phía tả, trong khi tờ First Things có lẽ là tạp chí dẫn đầu dư luận bảo thủ Công Giáo.

Phần lớn các giám mục sẽ nói với bạn rằng áp huyết của các ngài lên cao mỗi khi tờ nào trong số các ấn bản này tới hộp thư của các ngài (hay khi các ngài vào trang mạng của mình), vì các ngài không bao giờ biết được sẽ thấy gì trong đó. Thỉnh thoảng, các ấn phẩm này có chuyện gay cấn với hàng giáo phẩm. Năm 2005, chẳng hạn, chủ bút tạp chí America, linh mục Dòng Tên Thomas Reese, bị Vatican buộc phải từ chức vì các bài xã luận do ngài viết về các vấn đề như HIV/AIDS, cho các chính trị gia phò phá thai rước lễ, và việc cho là không áp dụng diễn trình thích đáng trong các vụ Tòa Thánh điều tra các nhà thần học. Năm 1997, một điều tương tự cũng đã xẩy ra ở Ý với Cha Leonard Zega, lúc ấy là chủ bút tờ Famiglia Cristiana, một tuần san tin tức gây ảnh hưởng của các Cha Pauline. Trong cả hai trường hợp, các tạp chí này đều là các tạp chí độc lập, do đó, Vatican không thể đụng tới được; nhưng vì ban biên tập đều là thành viên các hội dòng, do đó, chịu áp lực gián tiếp.

Tình huống cũng tương tự đối với các nhà xuất bản Công Giáo, như Orbis, Liguori, và Paulist Press ở Hoa Kỳ. Phần đông, các nhà xuất bản này được sở hữu và tài trợ độc lập, và do đó, không ở dưới quyền kiểm soát trực tiếp của các giám mục hay của Tòa Thánh. Đôi khi, họ xuất bản các tác giả không được giáo quyền ủng hộ, hay ít nhất, bị các vị này nhìn một cách ngờ vực. Ấy thế nhưng, vì một số nhà xuất bản do các dòng tu bảo trợ, nên đôi lúc có thể chịu áp lực gián tiếp của giáo quyền. Nói chung, vì các nhà xuất bản này muốn tới lui các giới chính thức để rao bán sản phẩm của mình, nên thường là họ phải cố gắng tránh việc làm cho các vị giám mục phật lòng không cần thiết.

Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét