10 điều cần suy niệm trong Mùa Chay
Một gợi ý về hướng sống Mùa Chay.
Đức Giám mục David L. Ricken, Chủ tịch Uỷ ban Truyền giáo và Giáo Lý của HĐGM Hoa Kỳ (USCCB), đề nghị “10 điều cần suy niệm trong Mùa Chay” cho Hành Trình Trở Về Dưới Chân Thánh Giá, như sau :
1. Ghi nhớ các Biểu thức Đức Tin. Nếu Giáo Hội thực hiện những điều thiện hảo trên nền tảng nguồn mạch chân lý đức tin, cụ thể qua: 10 Điều Răn, 7 Bí Tích, Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thì trong Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi các tín hữu sống tinh thần “sám hối và tin vào Tin Mừng” với 3 điều cần thiết nhất : Cầu nguyện, Ăn chay, và Làm việc lành phúc đức.
2. Thời kỳ để Cầu nguyện. Mùa Chay mời gọi tín hữu sống tâm tình cầu nguyện một cách đặc biệt suốt 40 ngày. Khi cầu nguyện, chúng ta đi trên hành trình của niềm hy vọng mãnh liệt: được gần Chúa Ki-tô hơn và được biến đổi nhờ sánh bước với Người.
3. Thời kỳ để Ăn chay. Mùa Chay là thời kỳ thuận tiện để cho nhiều Ki-tô hữu ăn chay thực sự: ăn chay – kiêng thịt vào Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, kiêng thịt những ngày Thứ Sáu, và những tiết chế khác của cá nhân. Vì thế, việc ăn chay thu hút sự quan tâm của nhiều người. “Mùa Chay, chúng ta có thể kiêng cữ gì? Thịt ư? Bia ư? Rượu ư? Thuốc lá ư?” Với nhiều người, những kiêng cữ này là chuyện nhỏ! Không dừng lại ở đấy, ăn chay thực sự đòi hỏi các hành động “xé lòng”: gớm ghét tội, tránh xa dịp tội, sám hối-đền tội và trở về với Chúa Ki-tô.
4. Thời kỳ để làm việc nghiêm túc hơn. Bốn mươi ngày Mùa Chay là dịp tốt, là thời gian được ấn định để mỗi cá nhân làm việc nghiêm túc hơn, kỷ luật hơn. Thay vì quyết tâm từ bỏ một điều xấu nào đó, thì hãy quyết tâm làm một điều tốt ngược lại, mang tính tích cực hơn. “Tôi sẽ nỗ lực tập luyện nhiều hơn. Tôi sẽ cầu nguyện nhiều hơn. Tôi sẽ tỏ ra dễ thương, tử tế hơn với mỗi người trong gia đình, bạn bè và các đồng nghiệp.”
5. Thời kỳ để “chết” cho cái tôi. Một chiều kích quan trọng khác trong Mùa Chay đó là việc thanh luyện bản thân, đó là hành động xem xét những gì không giống Đức Ki-tô (tâm tư, lời nói, hành động) thì loại bỏ chúng. Mùa Chay mời gọi chúng ta suy niệm về mầu nhiệm Thương Khó và Tử Nạn của Chúa Ki-tô; và chúng ta tham dự vào mầu nhiệm ấy bằng việc kết hợp những khổ đau trong cuộc sống với mầu nhiệm Khổ nạn của Chúa Ki-tô để được Phục Sinh vinh hiển với Người.
6. Đừng hành động quá nhiều. Dường như có cám dỗ là phải làm cho Mùa Chay trở nên thời kỳ để thực hiện tham vọng tái tạo cá nhân, nhưng điều tốt nhất là giữ cho Mùa Chay sự đơn sơ và sự tập trung cần thiết. Đó là lý do Giáo Hội cử hành những mầu nhiệm này năm này qua năm khác. Chúng ta phải sống làm sao ngày càng gần gũi, thân thiết với Chúa Ki-tô hơn. Đừng tham lam thực hiện các hành động “sửa mình” vào một Mùa Chay. Đó là phương pháp đưa đến sự thất bại!
7. Mùa Chay nhắc nhớ khiếm khuyết của bản thân. Quả thật, ngay cả khi đặt những mục tiêu đơn giản cho bản thân trong suốt Mùa Chay, thì chúng ta vẫn gặp những khó khăn khi thực thi chúng; hoặc khi ăn chay, chúng ta nhận ra việc đối diện với cơn đói. Trong cả hai trường hợp, Mùa Chay cho thấy những khiếm khuyết của bản thân. Điều này có thể gây nên buồn phiền và bối rối; nhưng chúng ta cần ý thức sự yếu đuối của bản thân. Như thế, chúng ta sẽ tha thiết và chân thành cầu xin Thiên Chúa nâng đỡ để thay đổi chính mình.
8. Hãy kiên nhẫn với chính mình. Khi chúng ta đối mặt với những khiếm khuyết của bản thân trong suốt Mùa Chay, thì sự thất vọng và cơn tức giận luôn đi kèm. “Làm sao một con người xấu xa như vậy lại là chính tôi!” Nhưng đó là một lời quở trách sai lầm. Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy kiên nhẫn và hãy nhìn con người mình với ánh mắt của Người, bằng một tình yêu không điều kiện.
9. Hãy đến với người khác bằng việc lành phúc đức. Kinh nghiệm vượt qua yếu đuối và đau khổ trong Mùa Chay giúp chúng ta sống với con tim chạnh lòng thương những ai đói rách, khổ đau hay những ai cần giúp đỡ. Làm việc bác ái là điều thứ 3 trong ba đòi hỏi của Mùa Chay. Cử chỉ thật đẹp biết bao khi chúng ta dành một số tiền, tiết kiệm chi tiêu để bỏ vào hòm quyên tiền cho Mùa Chay; hay đi đến thăm viếng người khác; hay trực tiếp chia sẻ khó khăn với ai đó; hay giúp đỡ những người đang cần mình mà không tính toán, không đòi đỏi. Những hành động yêu thương như thế xuất phát từ kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa tình yêu.
10. Hãy yêu như Chúa Ki-tô. Trong hoàn cảnh đau khổ và bị chối từ, chúng ta dễ thấu hiểu được tình yêu của Chúa Ki-tô, Người đã chịu khổ nạn và đổ máu trên thập giá vì tất cả chúng ta. Mùa Chay là hành trình xuyên qua sa mạc đến dưới chân Thánh giá của ngày Thứ Sáu tuần thánh, vì nơi đây, chúng ta tìm được Người, cầu khẩn cùng Người, kết hiệp với Người và học yêu với Người.
Cầu chúc một Mùa Chay thánh thiện và sinh nhiều hoa trái!
FX. Lê Văn Cường, CSC.
(Lược dịch theo: Journey To The Foot Of The Cross: Bishop Ricken Offers 10 Things To Remember For Lent, http://usccb.org/news/2012/12-032.cfm)
(Lược dịch theo: Journey To The Foot Of The Cross: Bishop Ricken Offers 10 Things To Remember For Lent, http://usccb.org/news/2012/12-032.cfm)
Nguồn: kinhthanh.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét