Trang

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu thành Nazareth - 2 (trong vòng 24 tiếng đồng hồ)




Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu thành Nazareth - 2 (trong vòng 24 tiếng đồng hồ)



Vì sao Đức Giêsu đến Vườn Giếtsemani? Người bị bắt và bị hỏi cung như thế nào? Đây là giải đáp của cha Augustin Nguyễn Văn Trinh.

2)    Giếtsemani – bị bắt và hỏi cung
Tại sao Đức Giêsu đến Vườn cây dầu Giếtsêmani ? Có 2 lý do : 1) Vào lễ Vượt Qua dân chúng kéo về Giêrusalem quá đông (trên nửa triệu người, trong khi thành Giêrusalem chỉ đủ sức chứa 200 ngàn mà thôi) , không đủ chỗ nơi hàng quán ; thêm nữa, người nghèo không có tiền để vào nhà trọ, nên phần đông tấp vào vườn cây dầu ngoài thành để ngủ qua đêm. 2) Vào thời gian thành phố đầy người, những phần tử bất hảo tụ tập lại trong vườn cây dầu, đặc biệt là nhóm Zelốt, “nhóm dao găm”. Chúng ta cũng nên nhớ, lúc đó Đức Giêsu đã bị Công nghị kết án và bắt mọi người “ai biết Người ở đâu” phải chỉ điểm. Đức Giêsu phải trốn lẫn trong đám dân ô hợp. Có lẽ Người thường đến trú một góc nào đó trong vườn, mà Giuđa rất quen thuộc, nên dễ dàng chỉ điểm :
(1) Sau khi nói những lời đó, Ðức Giêsu đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Kítrôn. Ở đó, có một thửa vườn, Người cùng với môn đệ đi vào. (2) Giuđa, kẻ nộp Người, cũng biết nơi này, vì Người thường tụ họp ở đó với các môn đệ.” (Ga 18,1)
Ai bắt Đức Giêsu ?
Các Phúc Âm đều nói :
Phúc Âm thánh Gioan viết :
“(12) Bấy giờ toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ của người Dothái bắt Ðức Giêsu và trói Người lại”(Ga 18,12).
Các Phúc Âm Nhất Lãm đều chỉ nói những người của Đền Thờ đến bắt Đức Giêsu, nhưng cách nói của thánh Gioan làm chúng ta liên tưởng đến cơ đội của La mã. Chúng ta biết : vào dịp lễ Vượt Qua, tất cả các tư tế và các thầy Lêvi phải tựu về Giêrusalem. Vào thời của Đức Giêsu, nhiều tác giả cho rằng có khoảng 20 ngàn tư tế và 20 ngàn Lêvi. Các thầy Lêvi lo trật tự Đền Thờ. Có lẽ chính họ là những người đi bắt Đức Giêsu. Thêm nữa, cũng trong thời gian này, để giữ an ninh trật tự, quan tổng trấn La mã phải có mặt tại Giêrusalem. Chúng ta cũng biết các cuộc nổi loạn của người Do Thái đều xảy ra trong các dịp này.
Vườn Giêtsêmani là nơi tụ tập rất đông quần chúng, nhất là những nhóm nổi loạn chống người La mã, buộc lòng lính tráng phải canh gác. Chắc chắn hằng đêm phải có lính rảo trong vườn này. Một đám đông từ Đền Thờ đến vây bắt Đức Giêsu như tù nhân, sẽ gây lộn xộn trong vườn, buộc lòng lính La mã phải xuất hiện. Như thế trong cuộc vây bắt Đức Giêsu, các thầy Lêvi của Đền Thờ là chủ chốt ; các Phúc Âm cũng nói đến sự có mặt của “các thượng tế, lãnh binh Đền Thờ và kỳ mục”(Lc 22,52), nhưng cũng có mặt quan quân La mã.
Giuđa tham tiền, nên đã nộp Đức Giêsu ?
Vấn đề Giuđa đã làm chảy biết bao nhiêu giấy mực trong 2 ngàn năm qua. Giuđa cũng được gọi như những tông đồ khác, đã đi theo Đức Giêsu trong thời gian công khai của Người. Có lẽ người ta vịn vào việc rửa chân tại Bêtania, để gọi Giuđa tham tiền, vì ông đã nói :
“(3) Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Ðức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. (4) Một trong các môn đệ của Ðức Giêsu là Giuđa Ítcariốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: (5) "Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng bạc mà cho người nghèo?" (6) Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (Ga 12,3-6).
Vì Giuđa đã nộp Chúa, nên tác giả Phúc Âm thứ tư, được viết sau thế kỷ thứ nhất, đã gán tội cho ông như thế. Nếu tham tiền, Giuđa đã không trả lại tiền cho Đền Thờ và lấy dây thắt cổ :
(3) Bấy giờ, Giuđa, kẻ nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận. Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục (4) mà nói: "Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan". Nhưng họ đáp: "Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!" (5) Giuđa ném số bạc vào Ðền Thờ rồi lui ra và đi thắt cổ. (6) Các thượng tế lượm lấy số bạc ấy mà nói: "Không được phép bỏ vào quỹ Ðền Thờ, vì đây là giá máu". (7) Sau khi bàn định với nhau, họ dùng tiền đó tậu "Thửa Ruộng Ông Thợ Gốm" để làm nơi chôn cất khách ngoại kiều. (8) Vì vậy mà thửa ruộng ấy gọi là "Ruộng Máu" cho đến ngày nay. (9) Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia: "Họ đã lượm lấy ba mươi đồng bạc, tức là cái giá mà một số con cái Ítraen đã đặt khi đánh giá Người. (10) Và họ lấy số bạc đó mà mua "Thửa Ruộng Ông Thợ Gốm", theo những điều Ðức Chúa đã truyền cho tôi” (Mt 27,3-9).
Sách Công Vụ còn kết án nặng nề hơn nữa :
(15) Trong những ngày ấy, ông Phêrô đứng lên giữa các anh em - có khoảng một trăm hai mươi người đang họp mặt - Ông nói: (16) "Thưa anh em, lời Kinh Thánh phải ứng nghiệm, lời mà Thánh Thần đã dùng miệng vua Ðavít để nói trước về Giuđa, kẻ đã trở thành tên dẫn đường cho những người bắt Ðức Giêsu. (17) Y đã là một người trong số chúng tôi và được tham dự vào công việc phục vụ của chúng tôi. (18) Vậy, con người ấy đã dùng tiền công của tội ác mà tậu một thửa đất; y đã ngã lộn đầu xuống, vỡ bụng, lòi cả ruột gan ra. (19) Ðiều đó, mọi người ở Giêrusalem đều biết, khiến họ đặt tên cho thửa đất ấy là Khakenđơma, theo tiếng của họ nghĩa là Ðất Máu” (Cv 1,15-19).
Thực ra, Giuđa đâu có tậu thửa ruộng, nhưng đã trả tiền lại cho Đền Thờ.  Ngày nay các nhà Thánh Kinh nhìn lại và giảm nhẹ lỗi lầm của Giuđa nhiều hơn. Họ cho rằng Giuđa tin mạnh mẽ vào Đức Giêsu, tin Người là Đấng Thiên sai, là Đấng Messias. Bao lâu ông theo Đức Giêsu, nhưng chỉ nghe Người nói xa nói gần về Nước Thiên Chúa, nhưng không biết thực tế như thế nào. Ơng chỉ mong Đức Giêsu thực sự xuất hiện là Đấng Messias với đầy uy quyền, đuổi cổ bọn La mã, tái lập xứ Do Thái. Nếu chỉ hiển dung cho một nhóm nhỏ tông đồ thì ích gì ? Phải xuất hiện ra cho toàn dân. Ông nghĩ phải đẩy Chúa vào chân tường, vào chỗ nguy hiểm nhất, có lẽ Người sẽ xuất hiện bản chất thật sự của mình. Có thể Đức Giêsu cũng đã hiểu ông khi nói :
“Bấy giờ họ tiến đến, tra tay bắt Ðức Giêsu. (51) Và kìa, một trong những kẻ theo Ðức Giêsu liền vung tay tuốt gươm của mình ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai. (52) Ðức Giêsu bảo người ấy: "Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm. (53) hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần! (54) Nhưng như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được? Vì theo đó, mọi sự phải xảy ra như vậy” (Mt 26,50-54).
Đây là một cách giải thích, nhưng câu chuyện về Giuđa vẫn ray rứt trong cộng đoàn Kitô hữu !
Cuộc xử án trong đêm        
“Họ bắt Ðức Giêsu, rồi điệu đến thượng tế Caipha. Các kinh sư và kỳ mục đ tề tựu sẵn đó”(Mt 26,57 ; x. Mc 14,53)
“Họ bắt Ðức Giêsu, rồi điệu đến thượng tế Caipha. Các kinh sư và kỳ mục đã tề tựu sẵn đó”(Mt 26,57 ; x. Mc 14,53).
“(54) Họ bắt Ðức Giêsu, điệu Người đến nhà vị thượng tế…(63) Những kẻ canh giữ Ðức Giêsu nhạo báng đánh đập Người. (64) Chúng bịt mắt Người lại, rồi hỏi rằng: "Nói tiên tri xem: ai đánh ông đó?" (65) Chúng còn thốt ra nhiều lời khác xúc phạm đến Người”.
Chúng ta thấy Phúc Âm Nhất Lãm chỉ nói về việc Đức Giêsu bị điệu đến “Thượng Tế”, trong khi thánh Gioan nói rõ có 2 cuộc xử án ban đêm : tại nhà Hannas, sau đó tại nhà Kaiphas. Chúng ta thấy rõ âm mưu của Công Nghị (Sanhedrin) quyết bắt và giết Đức Giêsu  : ngay trong đêm [sái Luật] mà đã có các kinh sư và kỳ mục đã tề tựu sẵn đó !
(12) Bấy giờ toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ của người Dothái bắt Ðức Giêsu và trói Người lại. (13) Trước tiên, họ điệu Ðức Giêsu đến ông Khanna là nhạc phụ ông Caipha. Ông Caipha làm thượng tế năm đó… Vị thượng tế tra hỏi Ðức Giêsu về các môn đệ và giáo huấn của Người. (20) Ðức Giêsu trả lời: "Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Ðền Thờ, nơi mọi người Dothái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút. (21) Sao ông lại hỏi tôi? Ðiều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì". (22) Ðức Giêsu vừa dứt lời, thì một tên trong nhóm thuộc hạ đứng đó vả vào mặt Người mà nói: "Anh trả lời vị thượng tế như thế ư?" (23) Ðức Giêsu đáp:
"Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chổ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?" (24) Ông Khanna cho giải Người đến thượng tế Caipha, Người vẫn bị trói” (Ga 18,12-13.19-24).
-          Chúng ta biết từ thời đế quốc La mã đô hộ xứ Israel (năm 64 tcn), họ muốn đặt ai làm thượng tế thì họ đặt không cần đến chi tộc nhà Aaron gì cả. Ai không làm thỏa mãn họ là trong vòng 1 năm họ sẽ truất phế và đưa kẻ khác lên thay. Thế mà Hannas đã làm Thượng tế trong vòng 19 năm, tiếp đó Kaiphas là con rể, trước sau còn 5 người con của Hannas cũng làm thượng tế. Như thế chúng ta biết nhà Hannas đã quị lụy đế quốc La mã như thế nào (xem ghi chú 1).
-          Mỗi năm chỉ có một thượng tế mà thôi ! Nhưng những vị cựu thượng tế cũng được gọi chung là thượng tế như câu Ga 18,19. Nhiều lúc họ được gọi chung là các “vị thượng tế”, cách nói này thường để gọi các vị cựu thượng tế.
-          Cuộc xử nơi nhà Hannas nhắm vào giáo lý của Đức Giêsu, vì sợ người rao giảng phản động chống lại người La mã. Còn nơi Kaiphas  và Công Nghị, Đức Giêsu bị tra hỏi về sứ vụ của Đấng Messias :
        
a)             (55) Bấy giờ các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Ðồng tìm lời chứng buộc tội Ðức Giêsu để lên án tử hình, nhưng họ tìm không ra, (56) vì tuy có nhiều kẻ đưa chứng gian tố cáo Người, nhưng các chứng ấy lại không ăn khớp với nhau. (57) Có vài kẻ đứng lên cáo gian Người rằng: (58) "Chúng tôi nghe ông ấy nói: Tôi sẽ phá Ðền Thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Ðền Thờ Khác, không phải do tay người phàm!" (59) Nhưng ngay về điểm này, chứng của họ không ăn khớp với nhau” (Mc 14,55-59)
-          Chúng ta sẽ thấy lời tuyên bố “phá Đền Thờ” làm cho Công nghị rất tức tối. Với họ việc đụng đến Đền thờ và Lề Luật là phạm thượng. Đền thờ là nơi duy nhất Thiên Chúa ngự giữa trần gian, đảm bảo sự thánh thiện của toàn dân. Lời tuyên bố của Đức Giêsu mang ý niệm phá vỡ không những Đền Thờ bằng gạch đá, nhưng cả Đền thờ tinh thần là Do Thái giáo. Đây là điều xúc phạm mà Công nghị ghim trong lòng để có thể giết Đức Giêsu. Chúng ta cũng thấy lời kết án này của Công nghị sẽ vang lên mãi trong thời bách hại Kitô giáo ; tỉ dụ chúng ta thấy trong lời kết án Stêphanô : (11) Bấy giờ, họ mới xui mấy người phao lên rằng: "Chúng tôi đã nghe hắn nói lộng ngôn xức phạm đến ông Môsê và Thiên Chúa". (12) Họ sách động dân và các kỳ mục cùng kinh sư, rồi ập đến bắt ông và điệu đến Thượng Hội Ðồng. (13) Họ đưa mấy người chứng gian ra khai rằng: "Tên này không ngừng nói những lời phạm đến Nơi Thánh và Lề Luật. (14) Vì chúng tôi đã nghe hắn nói rằng Giêsu người Nadarét ấy sẽ phá huỷ nơi này và thay đổi những tục lệ mà ông Môsê đã truyền lại cho chúng ta” (Cv 6,13-14).
hay như, người Do Thái nêu lên lý do để bắt thánh Phaolô : “(27) Khi sắp hết thời gian bảy ngày, những người Dothái từ Axia đến thấy ông trong Ðền Thờ thì sách động toàn thể đám đông và tra tay bắt ông. (28) Họ tri hô: "Hỡi đồng báo Ítraen, giúp một tay nào ! Nó kia kìa, tên vẫn đi mọi nơi dạy cho mọi người những điều phản dân, phạm đến Lề Luật và Nơi Thánh này ! Nó còn đem cả mấy người Hylạp vào Ðền Thờ mà làm cho Nơi Thánh này ra ô uế". (29) Họ nói thế là vì trước đó họ đã thấy ông Tơrôphimô, người Êphêxô, cùng đi với ông Phaolô trong thành, và họ nghĩ ông Phaolô đã đưa ông ấy vào Ðền Thờ” (Cv 21, 27-29).
Qua những chứng cứ này chúng ta có thể khẳng định : Đức Giêsu đã thanh tẩy Đền Thờ, và đây là sự kiện lịch sử !
-          Theo Luật Do Thái, để kết án một người nào, cần phải có hai nhân chứng đồng thuận với nhau : “Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ một tội một lỗi nào ; về bất cứ lỗi nào người ấy phạm, phải căn cứ vào lời của hai nhân chứng hay căn cứ vào lời của ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét” (Đnl 19,15).
- (60) Bấy giờ vị thượng tế đứng lên giữa hội đồng hỏi Ðức Giêsu: "Ông không nói lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó?" (61) Nhưng Ðức Giêsu vẫn làm thinh, không đáp một tiếng. Vị thượng tế lại hỏi Người: "Ông có phải là Ðấng Kitô, Con của Ðấng Ðáng Chúc Tụng không?" (62) Ðức Giêsu trả lời: "Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Ðấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến". (63) Vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: "Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? (64) Quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao?" Tất cả đều lên án Người đáng chết. (65) Thế là một số bắt đầu khạc nhổ vào Người, bịt mặt Người lại, vừa đánh đấm Người vừa nói: "Hãy nói tiên tri đi!" Và bọn lính canh túm lấy Người mà tát túi bụi” (Mc 14,60-65).
- “Con Đấng Đáng Chúc Tụng”. Người Do Thái không bao giờ dám kêu đến Danh Thiên Chúa, nhưng phải nói tránh đi. “Đấng Đáng Chúc Tụng” chính là Thiên Chúa ! Câu hỏi sẽ là “Ơng có phải là Con Thiên Chúa không ?”. Nơi Phúc Âm thánh Luca, câu hỏi đi vào trực tiếp : “Ông có phải là Đấng Messias thì nói cho chúng tôi biết” (Lc 22,67). Đức Giêsu trả lời : “Phải ! chính thế !”(Mc 14,62). Thực ra câu tuyên xưng này không có gì là phạm thượng cả. Sau này chúng ta sẽ thấy những người đứng đầu các cuộc nổi dậy, đều tự xưng mình là Đấng Messias : tỉ dụ như Bar Kochbar vào năm 135 scn.  Chính câu nói tiếp theo mới gây bức xúc cho Công nghị : “Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”.  Trong câu này Đức Giêsu đã sử dụng hai đoạn sách Thánh : Tv 110,1 và Đn 7,13. Chúng ta đọc trong Tv 110,1 : “Sấm ngôn của Đức Chúa ngỏ cùng Chúa Thượng tôi : “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con.” Việc ngồi bên hữu, tức là sử dụng quyền năng của Thiên Chúa, một vị trí ngang hàng với Thiên Chúa. Lời nói phạm thượng đã được nêu lên : “Ông là con người mà dám xem mình ngang hành với Thiên Chúa”. . Câu Đn 7,13 nói về thị kiến : “Có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến.” Thường hình ảnh này được sử dụng để nói về Đấng Phán xét chung thẩm. Hai câu trích dẫn đều nói về thiên tính của Đức Giêsu, đồng thời cũng mang tính hăm dọa “những kẻ thù” trong cuộc xét xử chung thẩm.
-  “Vị thượng tế liền xé áo mình ra”. Chúng ta nghe từ “xé” sẽ nghĩ rằng ông sẽ xé toang áo ra, nhưng thực sự việc rất đơn giản : chiếc áo trắng dài mà người Do Thái thường mặt, không có nút nào cả ; nơi cổ khoét rộng để lọt đầu, ngay cổ áo có hai dây nhỏ để cột cổ áo. Khi “xé”, vị thượng tế chỉ cần bứt đứt hai sợi dây nhỏ này mà thôi. Hành động này rất phổ biến trong dân Do Thái : a- khi nghe tin  một người thân qua đời ; khi nghe tin tức thống khổ của nhiều người, của cả dân tộc. Thái độ nói lên sự buồn khổ ! b- ý nghĩa thứ hai là khi nghe một lời phạm thượng ! bức xúc niềm tin, đau khổ không thể chịu được ! Đương nhiên một khi vị thượng tế “xé” áo mình ra vì lời phạm thượng, lập tức tất cả các vị tư tế, kỳ lão đang hiện diện cũng phải “xé” áo mình ra !  Thế là bản án đã mặc nhiên ký kết.
-  Dù có 2 cuộc hỏi cung ban đêm, nhưng xử án ban tối không có giá trị đối với Lề Luật Do Thái.
-          Sau khi xử án xong, họ nhốt Đức Giêsu vào trong một phòng trong đền thờ, chờ đến sáng.
-   Như chúng ta thấy trong Lc 22,66 :  “Khi trời sáng đoàn kỳ mục trong dân, các thượng tế và kinh sư nhóm họp. Họ điệu Người ra trước Thượng Hội Ðồng”. Bản án chỉ có hiệu lực khi xử ban ngày. Vì thế, Công nghị phải họp lại, nhắc lại cuộc xử ban đêm một cách vội vã, để đem Người sang dinh tổng trấn : “Vị thượng tế lại hỏi Người: "Ông có phải là Ðấng Kitô, Con của Ðấng Ðáng Chúc Tụng không?" (62) Ðức Giêsu trả lời: "Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Ðấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến". (63) Vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: "Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? (64) Quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao?" Tất cả đều lên án Người đáng chết”.
-  Chúng ta biết từ khi đế quốc La mã đô hộ, Công nghị không còn quyền kết án và thi hành án tử. Đây là quyền của đế quốc La mã. Vì thế, Công nghị, một khi muốn giết Đức Giêsu, phải đưa đến Tổng Trấn.
Linh mục Aug. NGUYỄN VĂN TRINH

Nguồn: kinhthanh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét