Trang

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

GIÁO LÝ YOUCAT: 16-19


Số 16. Cách thức đúng đắn để đọc Kinh Thánh là gì?

Cách thức đúng đắn để đọc Kinh Thánh là đọc nó trong tâm tình cầu nguyện, nói cách khác, với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, vì Sách Thánh ra đời là nhờ tác động của Ngài. Kinh Thánh chính là Lời của Thiên Chúa, và chứa đựng những điều muốn truyền đạt của Thiên Chúa cho chúng ta. [109-119,137]
Kinh Thánh như một bức thư dài được Thiên Chúa viết cho mỗi người chúng ta. Vì lý do này, tôi nên đón nhận Kinh Thánh với lòng tôn kính và yêu mến lớn lao. Trước hết, thật là quan trọng khi được đọc lá thư của Thiên Chúa, nói cách khác, đừng bốc ra những chi tiết mà chẳng chú tâm đến toàn bộ nội dung. Do đó, tôi phải giải thích toàn bộ nội dung với một cái nhìn về tâm điểm và mầu nhiệm của nó: Đức Giê-su Ki-tô, Đấng mà toàn bộ Kinh Thánh muốn nói đến, ngay cả trong Cựu Ước. Do đó, tôi nên đọc Kinh Thánh trong đức tin - cùng một đức tin sống động của Giáo Hội, là cái đã làm nẩy sinh ra Kinh Thánh.
KINH THÁNH
(từ Latin biblia = các cuộn giấy da, các sách) là những gì người Do-thái và Ki-tô hữu gọi bộ sưu tập các Sách Thánh đã xuất hiện trong khoảng thời gian hơn một ngàn năm, và nó là hiến chương niềm tin của họ. Kinh Thánh Ki-tô giáo nhiều hơn Kinh Thánh Do-thái giáo, bởi vì bên cạnh Kinh Thánh Do-thái giáo, Kinh Thánh Ki-tô giáo còn có bốn Phúc Âm, các thư thánh Phao-lô và những bản văn khác của Giáo Hội sơ khai.
CỰU ƯỚC
(từ Latin testamentum  = giao ước, ý muốn) là phần đầu toàn bộ Kinh Thánh, và là Kinh Thánh của người Do-thái. Cựu Ước của Giáo Hội Công Giáo bao gồm 46 cuốn: các sách lịch sử, ngôn sứ, và văn chương khôn ngoan, cộng với các thánh vịnh.
TÂN ƯỚC
là phần thứ hai của toàn bộ Kinh Thánh. Nó bao gồm những bản văn Ki-tô giáo đặc biệt, tức là các sách Tin Mừng, sách Tông Đồ Công Vụ, 14 lá thư Phao-lô, 7 lá thư Công Giáo, và sách Khải Huyền.
Các sách của Kinh Thánh
CỰU ƯỚC (46 cuốn)
Các sách lịch sử: Sáng thế (St), Xuất hành (Xh), Lê-vi (Lv), Dân số (Ds), Đệ nhị luật (Đnl), Giô-suê (Gs), Thẩm phán (Thủ lãnh – Tl), Rút (R), Samuel 1 (1Sm), Samuel 2 (2Sm), Sử biên niên 1 (1Sb), Sử biên niên 2 (2Sb), Et-ra (Er), Nơ-khe-mi-a (Nkm), Tô-bi-a (Tb), Giu-đi-tha (Gđt), Ét-te (Et), Mac-ca-bê 1 (1Mab), Mac-ca-bê 2 (2Mab)
Các sách khôn ngoan: Gióp  (G), Thánh vịnh (Tv),  Châm ngôn (Cn), Giảng viên (Gv), Diễm ca (Dc), Khôn ngoan (Kn), Huấn ca (Hc)
Các sách ngôn sứ: I-sai-a (Is), Giê-rê-mi-a (Gr), Ai-ca (Ac), Ba-rúc (Br), Ê-dê-ki-en (Ed), Đa-ni-en (Đn), Hô-sê (Hs), Giô-en (Ge), A-mốt (Am), Ô-va-đi-a (Ov), Giô-na (Gn), Mi-kha (Mki), Na-khum (Nk), Kha-ba-cúc (Kb), Xô-phô-ni-a (Xp), Khác-gai (Kg), Da-ca-ri-a (Dcr), Ma-la-khi (Ml)
TÂN ƯỚC (27 cuốn)
Các sách Tin Mừng: Mat-thêu (Mt), Mác-cô (Mc), Lu-ca (Lc), Gioan (Ga)
Sách Tông Đồ Công Vụ (Cv)
Các thư Phao-lô: Rô-ma (Rm), 1 Cô-rin-tô (1Cr), 2 Cô-rin-tô (2Cr), Ga-lát (Gl), Ê-phê-sô (Eph), Phi-líp-phê (Pl), Cô-lô-xê (Cl), Thê-xa-lô-ni-ca (1Tx), Thê-xa-lô-ni-ca (2Tx), 1 Ti-mô-thi (1Tm), 2 Ti-mô-thi (2Tm), Ti-tô (Tt), Phi-lê-môn (Plm), Do-thái (Dt)
Các Thư Công Giáo: Gia-cô-bê (Gc), 1 Phê-rô (1 Pr), 2 Phê-rô (2 Pr), 1 Gio-an (1Ga), 2 Gio-an (2Ga), 3 Gio-an (3Ga), Giu-đa (Gđ)
Sách Khải Huyền (Kh)
Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Gia-cóp – không phải Thiên Chúa của các triết gia và các học giả! Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô.Người ta chỉ tìm thấy và giữ Ngài trên con đường được dạy trong Tin Mừng.
(BLAISE PASCAL, triết gia Pháp, 1588 – 1651, sau khi có kinh nghiệm về Thiên Chúa).

Số 17. Cựu Ước có ý nghĩa thế nào đối với các Ki-tô hữu?

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã mặc khải chính Ngài như Đấng Tạo Hóa và Đấng cai quản thế giới, và cũng là vị lãnh đạo và huấn luyện nhân loại. Cựu Ước cũng là Lời của Thiên Chúa và là Sách Thánh. Không có Cựu Ước, chúng ta không thể hiểu Đức Giê-su. [121-123, 128-130, 140]
Trong Cựu Ước, một lịch sử vĩ đại về việc học lấy đức tin đã bắt đầu. Nó tạo một bước chuyển quyết định đi vào Tân Ước và sẽ hoàn thành vào ngày tận thế, ngày Đức Ki-tô đến lần thứ hai. Cựu Ước còn có giá trị xa hơn là chỉ giới thiệu Tân Ước. Các điều răn và các lời ngôn sứ cho dân của Giao Ước Cũ và các lời hứu chứa đựng trong Cựu Ước đã không bao giờ bị hủy bỏ. Trong các sách của Giao Ước Cũ chúng ta tìm thấy một kho tàng không thể thay thế được về cầu nguyện và khôn ngoan; cách cụ thể, các Thánh Vịnh là một phần cầu nguyện hằng ngày của Giáo Hội.

Số 18. Tân Ước có ý nghĩa thế nào đối với các Ki-tô hữu?

Trong Tân Ước, mặc khải của Thiên Chúa được hoàn thành. Bốn Tin Mừng theo thánh Mat-thêu, Maccô, Luca và Gioan là trọng tâm của Kinh Thánh và là kho tàng quý giá nhất của Giáo Hội. Trong các sách ấy, Con Thiên Chúa tự tỏ mình như Ngài là và như Ngài gặp chúng ta. Trong sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta học về bước khởi đầu của Giáo Hội và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Trong các thư được viết bởi các tông đồ, mọi khía cạnh của đời sống con người được đặt trong ánh sáng của Đức Ki-tô. Trong sách Khải Huyền, chúng ta thấy trước kết cục của mọi thời đại. [124-127, 128-130,140]
Đức Giê-su là tất cả những gì Thiên Chúa muốn nói với chúng ta. Toàn bộ Cựu Ước chuẩn bị cho sự Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Tất cả mọi lời hứa được hoàn tất nơi Đức Giê-su. Là Ki-tô hữu nghĩa là chúng ta không ngừng ngày càng hiệp nhất với cuộc sống của Đức Ki-tô. Để được như thể, ta phải đọc và sống Tin Mừng. Madeleine Delbrêl nói: “Qua Lời Ngài, Thiên Chúa nói với chúng ta tất cả những gì những gì Ngài là và tất cả những gì Ngài muốn. Ngài nói điều đó một cách dứt khoát và nói với mỗi cá nhân hằng ngày.” Khi chúng ta cầm trên tay cuốn Tin Mừng, chúng ta nên suy nghĩ rằng đó là nơi cư ngụ của Lời, Đấng muốn trở nên người trong chúng ta, và muốn mang lấy chúng ta, để chúng ta có thể bắt đầu một cuộc đời đổi mới, tại một nơi chốn mới, ở một thời đại mới, và trong một bối cảnh nhân loại mới.
“Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Ki-tô”
(Thánh JEROME, 347-419, Giáo Phụ, Tiến sĩ Hội Thánh, người dịch và chú giải Kinh Thánh)
“Chỉ khi chúng ta gặp được một Thiên Chúa sống động trong Đức Ki-tô, chúng ta mới biết được cuộc sống là gì… Không có gì đẹp hơn là được ngạc nhiên bởi Tin Mừng , và bởi gặp gỡ Đức Ki-tô”
(ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI 24/04/2005)
Kinh Thánh là lá thư tình của Thiên Chúa gởi cho chúng ta
(SÖREN KIERKEGAARD)
Kinh Thánh không phải là cái gì đó của quá khứ. Chúa không nói trong quá khứ nhưng trong hiện tại, Ngài nói với chúng ta hôm nay, Ngài soi sáng cho chúng ta, Ngài cho chúng ta thấy con đường qua cuộc sống, Ngài ban cho chúng ta tình hiệp thông, và nhờ thế Ngài chuẩn bị và mở ra cho chúng ta sự bình an.
(ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI 29/03/2006)

Số 19. Kinh Thánh đóng vai trò gì trong Giáo Hội?

 Giáo Hội múc lấy sự sống và sức mạnh từ Kinh Thánh. [103-104,131-133,141]
 Ngoài sự hiện diện của Chúa Ki-tô trong Thánh Thể, Giáo Hội không kính trọng điều gì hơn sự hiện diện của Chúa Ki-tô trong Kinh Thánh. Trong Thánh Lễ, chúng ta đứng để đón nhận Tin Mừng, bởi vì qua lời con người tai chúng ta nghe, chính Thiên Chúa nói với chúng ta.
“Đọc Kinh Thánh nghĩa là hướng về Đức Ki-tô để xin lời chỉ bảo”
(Thánh PHANXICO ASSISI, 1182-1226, vị sáng lập Dòng tu và là nhà thần bí)

NGUỒN: YOUCAT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét