Trang

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

KHI LỜI BỪNG CHÁY X




KHI LỜI BỪNG CHÁY
X
PHÒNG XÉT NGHIỆM
CỦA CON TIM
Chắc chắn Kinh Thánh không bao giờ biểu hiện rõ đặc tính hòa âm của mình ngay từ đầu, tính phức tạp của lối kiến trúc, nhận thức về sự hài hòa nền tảng, đòi hỏi sự giáo dục và thực tập, kiên trì trong công việc để trở nên tinh tế hơn. Để gặp được bản văn trong sự hài hòa viên mãn của nó, chúng ta còn cần phải có một khả năng rất đặc biệt, một loại vòng nối không thể thiếu của mọi khoa chú giải tâm linh và bổ dưỡng; ta tạm gọi là “khả năng diễn giải Kinh Thánh theo nhịp sống hằng ngày”.
Thật ra đó là gì? Trước hết nó ám chỉ một phương pháp chú giải gần gũi với truyền thống của các giáo trưởng do-thái; hệ tại việc khởi đi từ một bản văn, rồi tự do gắn kết với nhiều đoạn văn, nhiều khung cảnh khác trong Kinh Thánh tùy thích, đến nỗi khiến não trạng Tây Phương (con cháu Descartes) như chúng ta phải kinh ngạc. Nhưng mặt khác, nó có công lớn trong việc vén mở bài ca thầm kín của Kinh Thánh: Mọi từ ngữ, mọi câu văn, mọi nhân vật trong Kinh Thánh đều hòa nhịp hoan ca, nhảy mừng!
Một ‘phương pháp’ chú giải như thế, không nhất thiết là của riêng của truyền thống do-thái. Chẳng phải rất thường khi, mặc dù trong một viễn tượng khác, cũng là cách thức chú giải của các Giáo Phụ? Lối nói bóng và liên tưởng kia, ta thường gặp nơi hầu hết các loại văn chương cổ đại, tiêu biểu của Kinh Thánh. Chúng ta phải coi đó như một gia sản chung từ Cổ và Trung đại, mà thời Hiện đại của chúng ta đã làm mất đi ý nghĩa. Tuy nhiên, những ‘ngõ cụt’ duy lý cằn cỗi của Tây Phương chúng ta đôi khi lại cảm thấy nhớ nhung, thiếu vắng nó. Thế mà chìa khóa của một phương pháp chú giải như thế, lại được truyền thống của Giáo Hội ban tặng cho chúng ta: đó chính là màu nhiệm Đức Ki-tô .
Từ “midrash” do gốc tiếng do-thái đồng thời có nghĩa là “thấu suốt”, “chất vấn”, “tham khảo” “tìm hiểu” (như đối với Đức Chúa trong một đền thánh). Sự phong phú của động từ darash cho phép ta nắm được sát nghĩa hơn ‘việc diễn giải theo nhịp sống hằng ngày’.  Ta thấy xuất hiện tầm quan trọng của một thái độ tra hỏi, chất vấn, trước một văn bản Kinh Thánh. Cũng là thái độ mà chính Tân Ước đề nghị chúng ta qua động từ éraunan, trong tiếng hy-lạp, được dùng cách lạ lùng, ở hai nơi mà dường như có một tương quan nào đó với Lectio divina; Ga 5, 39: Thầy Giê-su nói: “Thăm dò Kinh Thánh”. - 1 P 1, 11: Phê-rô nói về các ngôn sứ :“Thần Khí Đức Ki-tô ở nơi các ngài, đã báo trước những đau khổ dành cho Đức Ki-tô, và vinh quang đến sau những đau khổ đó, nên các ngài tìm hiểu xem Thần Khí muốn cho thấy việc đó xảy ra vào thời nào, trong hoàn cảnh nào”.
Chính động từ này lại xuất hiện cách rất ý nghĩa, dưới ngòi bút của Phao-lô: “Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa” (1 Cr 2, 10). Và thật ra Thần Khí là Đấng trực tiếp liên quan đến công việc chất vấn và thăm dò của Lectio divina. Chú giải theo nhịp sống hằng ngày là một lối chú giải được Thần Khí-Đấng thấu suốt hướng dẫn.  Thánh Linh là Đấng khởi đầu cho việc diễn giải trên khắp mọi bình diện của bản văn, là Đấng truyền sinh lực cho sự sống, cho đến tầng sâu nhất của nước sự sống, của Ý Nghĩa.
Khả năng chú giải trên còn cho phép hiểu một đoạn văn Tân Ước khác nữa. Nếu đoạn văn không liên quan trực tiếp đến Lời Chúa, hiển nhiên là như thế, thì nó lại gần gũi, thân mật với Kinh Thánh cách rất đặc biệt. Luca viết: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19). Hai động từ mà Luca dùng ở đây (sym-ballein, syn-tèrein) đều hàm chứa một ý tưởng đối chiếu, thu thập, kết hợp, so sánh.  Thái độ nội tâm của Đức Ma-ri-a trước những biến cố mà Mẹ đã biết khám phá không ngừng, đều là việc kiện toàn lời Kinh Thánh. Điều này cũng gợi cho chúng ta một phương pháp đọc: kết hợp, so sánh, biểu tượng. Đây vẫn còn là công việc chú giải theo nhịp sống hằng ngày của chúng ta.
Lectio divina đích thực đòi hỏi ta phải tập để có được thái độ của Mẹ Ma-ri-a, biết “đối chiếu và kết hợp mọi sự trong lòng”, theo một lối dịch khác cho câu nói trên của Luca 2, 19.  Mẹ Ma-ri-a luôn “suy gẫm”, do đó Mẹ là người tiên phong và là gương mẫu cho mọi cách đọc Lời, khởi động cho việc chú giải theo nhịp sống hằng ngày.
Học theo Mẹ Ma-ri-a, ta khám phá ra rằng mọi nẻo đường của Kinh Thánh đều giao thoa với nhau, đều hướng về một con tim, đều cùng đi vào tâm điểm của Kinh Thánh, là con tim của Đức Ma-ri-a, con tim của Giáo Hội.  Chúng ta chỉ có thể tiếp cận với tinh anh của Kinh Thánh ở tâm điểm này: con tim của Giáo Hội-Chú giải, nó theo Mẹ và với Mẹ tường thuật lại tất cả mọi khía cạnh của Mạc Khải Kinh Thánh trước tiêu điểm chung là Biến Cố Đức Ki-tô .  Trong mức độ mà nó giúp ta gom góp, kết hợp, lặp đi lặp lại mọi sự: Lectio divina của chúng ta là một thực tập theo Mẹ Ma-ri-a.
Nguồn: kinhthanh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét