Trang

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Ga 18,28–19,16a [3/5]: Sự thật về Phi-la-tô.


Ga 18,28–19,16a [3/5]: Sự thật về Phi-la-tô.


Đề tài: Sự thật trong Ga 18,28–19,16a


 

Bài 3/5: Sự thật về Phi-la-tô



Trong đoạn văn 18,28–19,16a, Phi-la-tô là nhân vật trung tâm. Ông làm cầu nối giữa bên trong và bên ngoài dinh. Thoạt đầu ông không muốn liên lụy đến vụ xét xử Đức Giê-su khi ông nói với những kẻ tố cáo Người: “Các người cứ đem Ông ấy đi và xét xử Ông ấy theo luật của các ngươi” (18,31a). Việc Phi-la-tô từ chối can thiệp cho thấy Đức Giê-su không nguy hiểm về an ninh chính trị, đó chỉ là xung đột nội bộ giữa những kẻ tố cáo và Đức Giê-su.

Về phía những kẻ tố cáo, vấn đề không phải là xét xử để biết Đức Giê-su có tội hay vô tội, mà họ tìm cách để giết Đức Giê-su. Họ kéo Phi-la-tô vào cuộc đương đầu với những đối đáp ngày càng gay gắt. Khởi đầu, khi họ kết tội Đức Giê-su làm điều ác thì Phi-la-tô lại quan tâm đến tư cách “vua dân Do Thái” (18,33) của Người. Phi-la-tô tuyên bố ngược với điều họ tố cáo: Không tìm được lý do để kết tội Đức Giê-su (18,38). Khi những kẻ tố cáo đòi giết Đức Giê-su bằng cách hô lên: “Hãy đóng đinh vào thập giá” (19,6) và “Đem đi, đem đi, hãy đóng đinh Nó vào thập giá” (9,15a) thì Phi-la-tô đáp lại cách mỉa mai: “Ta đóng đinh vua của các người sao?” (19,15b). Những kẻ tố cáo đòi giết thì Phi-la-tô lại tìm cách tha (19,12). Ông khẳng định ba lần Đức Giê-su vô tội (18,38; 19,4.6). Như thế, Phi-la-tô đã dùng Đức Giê-su để đối đầu với những kẻ tố cáo Người.

Trong đoạn văn 18,28–19,16a, Phi-la-tô xử sự cách mâu thuẫn và bất công với Đức Giê-su. Thật thế, mâu thuẫn và bất công trước tiên là ông tuyên bố không tìm thấy điều gì để kết tội Đức Giê-su nhưng lại đặt Người ngang hàng với Ba-ra-ba. Tục lệ ân xá trong dịp lễ dành cho các tội nhân chứ không phải dành cho người vô tội. Việc ông đề nghị với những kẻ tố cáo lựa chọn giữa Đức Giê-su và Ba-ra-ba là xếp Người vào hạng trộm cướp. Mâu thuẫn và bất công thứ hai là nếu Đức Giê-su vô tội, tại sao Phi-la-tô lại cho đánh đòn (19,1) và để quân lính nhục mạ Người (19,2-3)? Hơn nữa, sau khi cho đánh đòn, chính Phi-la-tô lại tuyên bố Đức Giê-su vô tội (19,4). Mâu thuẫn và bất công thứ ba là Phi-la-tô tuyên bố ông có quyền tha hay đóng đinh Đức Giê-su, nhưng ông lại không thi hành quyền này. Ông không tuyên bố Đức Giê-su có tội hay vô tội mà chỉ làm theo đòi hỏi của những kẻ tố cáo, ông đã trao Đức Giê-su cho họ (19,16a).

Sự thật về Phi-la-tô lộ tỏ khi những kẻ tố cáo đe doạ: “Nếu ông tha người này, ông không là bạn của Xê-da. Bất cứ ai tự cho mình là vua thì chống lại Xê-da” (19,12). Để bảo vệ quyền lợi, ông đành thí bỏ Đức Giê-su. Ông không dám xét xử Người theo sự thật. Động từ “xét xử” ở đây hiểu là động từ kép: Trước là “xét” xem bị cáo đúng hay sai, vô tội hay có tội; sau đó tuyên án “xử”, nghĩa là tuyên bố hình phạt nếu bị cáo có tội và tuyên bố tha nếu bị cáo vô tội. Phi-la-tô đã không dám đứng về phía sự thật để thi hành việc xét xử.

Sự thật về Phi-la-tô trong đoạn văn 18,28–19,16a là ông chủ ý chọc tức và làm nhục những kẻ tố cáo Đức Giê-su. Ông gọi Đức Giê-su là vua của họ, nhưng trong mắt ông, đó là “vị vua hề”: Đức Giê-su là vua nhưng không có chút quyền lực nào. Ông là người sử dụng quyền hành cách độc đoán vì vừa tuyên bố Đức Giê-su vô tội vừa cho đánh đòn Người. Qua những mâu thuẫn và bất công nơi nhân vật Phi-la-tô trong đoạn văn, người thuật chuyện cho độc giả thấy ông cũng chẳng hơn gì những kẻ tố cáo Đức Giê-su. Ông cũng có tội, nhưng những kẻ nộp Đức Giê-su cho ông thì mắc tội nặng hơn (19,11).

Sự đối đầu giữa Phi-la-tô và những kẻ tố cáo vừa cho thấy ý định giết Đức Giê-su của những kẻ tố cáo; vừa lộ ra thái độ không dám đứng về phía sự thật của Phi-la-tô (18,37b). Như thế, câu chuyện đưa ra ánh sáng sự thật về Phi-la-tô, sự thật về sự lựa chọn của ông, sự thật về cách ông thực thi quyền hành. Phi-la-tô không xét xử Đức Giê-su, vậy ai mới thực sự là người xét xử trong câu chuyện? Những sự thật khác về Phi-la-tô sẽ được bàn tới trong bài sau (bài 4/5) khi phân tích sự thật về Đức Giê-su qua những lời Phi-la-tô trao đổi với Đức Giê-su. 

Ngày 14 tháng 04 năm 2011 
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét