Trang

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

KHI LỜI BỪNG CHÁY IX




KHI LỜI BỪNG CHÁY
IX
BẢN GIAO HƯỞNG CHO
NGƯỜI CON ĐI HOANG TRỞ VỀ

Chúng ta đã nói phải đến với bản văn bằng trọn vẹn con người toàn diện, bây giờ ta lại nói: Phải đến với bản văn trong tổng thể của nó. Hai cách nói này bổ túc cho nhau. Toàn thể cả về phía chủ thể cũng như về phía đối tượng. Ở đây hàm chứa cái bí ẩn của một Lectio divina đầy đủ: đọc toàn thể bản văn bằng tất cả trọn vẹn cá thể riêng của mình.
Nhưng “toàn thể bản văn” ý muốn nói gì ? Dù ta đọc bất cứ một trang Kinh Thánh nào, thì đồng thời mọi trang khác cũng phải được hiện diện trong một cái nhìn của trực giác. Trong khi nhà chú giải, một cách khoa học, đặt nặng việc định vị từng cuốn sách, từng bản văn trong khung cảnh lịch sử của nó, thì Lectio divina phá đổ mọi hàng rào về niên lịch và thời điểm, để nhận biết ở mọi nơi, cùng một danh hiệu duy nhất, cùng một Lời, tất cả là hiện tại: lúc này. Lời tức khắc, trước mọi công việc phân tích, nó đặt nặng sự hợp nhất, sự kết cấu.
Khi người anh cả về gần đến nhà cha, nơi đang có tiệc mừng người em đi hoang trở về, anh ta càu nhàu. Tin Mừng kể lại: cậu ta nghe “tiếng đàn ca” (Lc 15, 25). Ta hãy thử chú giải dụ ngôn này. Bản giao hưởng nào đây? Chính là Kinh Thánh đó! Vì thế, thực hành Lectio divina chính là đi nghe hòa nhạc! Chúng ta đi nghe một bản “hòa âm” mà các Tổ Phụ, Ngôn sứ, các bậc Khôn ngoan, tác giả Thánh vịnh, các Tông đồ đã biên soạn, dành riêng cho bữa tiệc linh đình mừng người con đi hoang trở về … là từng người chúng ta hôm nay.
Hãy lắng nghe: một chủ đề trong Xuất hành, ta được nghe lặp lại trong Diễm ca, và còn được vang dội trong màn cuối của Khải huyền… Thế mà bạn lại muốn làm Lectio divina bằng cách phân tích cách khổ sở một vài nốt nhạc, ở một phần riêng? Chắc chắn sẽ có lúc phải phân chia, vạch tìm, nhưng ngay sau đó lại phải kết cấu lại, phải nghe cả bản hòa âm, giao hưởng. Thật không thể đọc Kinh Thánh mà không là ‘nhạc sĩ’, hay ít ra phải mê âm nhạc một chút!
Hãy lắng nghe toàn thể đại dương của Kinh Thánh trong từng câu, cũng như trong mỗi vỏ ốc biển, ta có thể nghe rì rào tiếng sóng của cả đại dương. Hãy luôn biết kiện toàn khả năng nghe âm thanh của bạn. Hãy tập cho biết phân định, biết thưởng thức những hòa âm, những hài hòa và cả những lủng củng nghịch tai, vì chắc chắn những yếu tố này đều có trong đó.
Hãy lắng nghe tiếng Ngôi Lời, Gio-an nói với chúng ta trong Khải huyền: “Tiếng Người như tiếng nước lũ” (Kh 1, 15; 14, 2). Không phải ngẫu nhiên mà trong tiếng do-thái từ megillah (cuộn sách, Tv 40, 8) và từ gallim (sóng biển) có cùng một gốc: galal = Nghe cùng một lúc nhiều âm thanh.  Thời đại chúng ta, người ta phát minh ra những dàn âm thanh nổi để nghe âm nhạc cách rất “trung thực”; bạn cũng phải trau dồi cho mình một cách nghe giống hệt như thế: lắng nghe Kinh Thánh bằng âm thanh nổi!
Nguồn: kinhthanh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét