Trang

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

GIÁO LÝ YOUCAT: 7-10

GIÁO LÝ YOUCAT


Chương 2. Thiên Chúa Đến Gặp Con Người Chúng Ta


Số 7. Tại sao Thiên Chúa phải tỏ mình ra cho con người để họ có thể biết Ngài như thế nào?

Con người có thể nhận biết bằng lý trí rằng Thiên Chúa hiện hữu, nhưng không biết được thực sự Thiên Chúa như thế nào. Nhưng Thiên Chúa rất muốn được nhận biết, nên Ngài đã tỏ mình ra cho con người. [50-53, 68-69]
Thiên Chúa không nhất thiết phải tỏ mình ra cho chúng ta, nhưng Ngài làm điều ấy vì tình yêu. Cũng như trong tình yêu con người, ta chỉ có thể biết điều gì đó từ người yêu khi tự người ấy mở lòng ra với ta. Cũng vậy, ta biết được điều gì đó từ đáy lòng Thiên Chúa chỉ khi Thiên Chúa vĩnh cửu và mầu nhiệm tự tỏ mình ra cho chúng ta từ tình yêu của Ngài. Theo các giáo phụ và các ngôn sứ, từ các thụ tạo cho đến mặc khải chung cục nơi Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa không ngừng nói với con người. Trong Đức Giê-su, Ngài đã mở hết lòng với chúng ta và làm cho chúng ta có thể nhìn thấy hiện hữu thẳm sâu của Ngài.
Điều khó hiểu thì không phải vì lý do nó ít thực.
(BLAISE PASCAL,
  1588-1651)
MẶC KHẢI
Mặc khải nghĩa là Thiên Chúa tự mở mình ra, tự tỏ mình ra, và nói với thế giới con người cách tự nguyện.

Số 8. Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra thế nào trong Cựu Ước?

Thiên Chúa tỏ mình ra trong Cựu Ước như một Thiên Chúa, Đấng tạo dựng thế giới từ tình yêu và luôn trung thành với con người, ngay cả khi con người rời xa Ngài và phạm tội. [54-64, 70-72]
Thiên Chúa giúp con người có thể kinh nghiệm được Ngài trong dòng lịch sử: với Nô-ê, Ngài thiết lập giao ước để bảo tồn sự sống cho mọi vật. Ngài gọi Abraham để làm cho ông trở thành “cha của vô số các dân tộc” (St 17,5b), và qua ông Ngài chúc phúc “cho mọi gia tộc trên mặt đất”. Dân Israel, được sinh ra từ Abraham, trở thành sở hữu riêng của Ngài. Với Mô-sê, Ngài giới thiệu với ông bằng chính tên của mình: Tên hết sức mầu nhiệm của Ngài יהוה →YHWH, thường được phiên âm là Ya-vê, nghĩa là “Ta là Đấng Ta là - (Ta là Đấng Hiện Hữu)” (Xh 3, 14). Ngài giải phóng dân Israel khỏi cảnh nô lệ bên Ai-cập và thiết lập với họ một giao ước trên núi Sinai. Qua Mô-sê, Ngài ban cho họ Lề Luật. Ngài lại không ngừng sai các ngôn sứ đến với dân của Ngài để kêu gọi họ hoán cải và canh tân lại giao ước. Các ngôn sứ công bố rằng Thiên Chúa sẽ thiết lập một giao ước mới và vĩnh cửu, nó sẽ mang lại một sự đổi mới tận căn và cứu độ chung cục. Giao ước này sẽ được mở ra cho tất cả mọi người.
“Chúng ta không thể nói về Thiên Chúa, nhưng khốn cho ai vẫn im lặng về Ngài”(THÁNH AUGUSTINÔ, 354 – 430, Tiến sĩ Giáo Hội, nhà thần học và tác giả nổi tiếng của Giáo Hội thời đầu)

Số 9. Thiên Chúa tỏ chính Ngài cho chúng ta thế nào khi Ngài sai Con của Ngài đến với chúng ta?

Thiên Chúa tỏ cho chúng ta trọn vẹn tình yêu và lòng thương xót của Ngài trong Đức Giê-su Ki-tô. [65-66, 73]
Qua Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình. Ngài trở nên một con người như chúng ta. Điều này cho thấy Thiên Chúa yêu thương chúng ta dường nào: Ngài mang lấy mọi gánh nặng của chúng ta. Ngài cùng chúng ta bước đi trên mỗi/mọi nẻo đường. Ngài ở đó với chúng ta trong sự lạc lõng, trong đau khổ và cả trong nỗi sợ chết của chúng ta. Ngài sẵn đó khi chúng ta không biết mình sẽ đi tiếp đâu, để mở cho chúng ta cánh cửa dẫn vào sự sống. [314]
Đây là sứ mạng của nhà thần học: trong sự nhiều lời của thời đại chúng ta cũng như những thời đại khác, trong những lời lẽ dư thừa, ông làm cho những lời lẽ thiết yếu được lắng nghe. Ngang qua lời lẽ, làm cho Ngôi Lời hiện diện, Ngôi Lời đến từ Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
(ĐTC Biển Đức XVI,  06/10/2006)
Tất cả điều được nói về Thiên Chúa giả định điều gì đó được nói bởi Thiên Chúa.
(Thánh EDITH STEIN, 1891 – 1942, Ki-tô hữu người Do-thái, triết gia, nữ tu dòng Cát Minh, nạn nhân trại tập trung)
Trong Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa đã nhận lấy một khuôn mặt con người. Ngài trở nên bạn hữu và anh em của chúng ta.
(ĐTC Biển Đức XVI,  06/09/2006)

Số 10. Với Đức Giê-su Ki-tô, mọi sự đã được tỏ bày, hay mặc khải vẫn còn tiếp tục sau Ngài?

Trong Đức Giê-su Ki-tô, chính Thiên Chúa đã đến thế gian. Ngài là Lời cuối cùng của Thiên Chúa. Bằng việc lắng nghe Ngài, tất cả mọi người ở mọi thời đại có thể biết Thiên Chúa là ai và điều gì cần cho ơn cứu rỗi của họ.[66-67]
Với Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô, mặc khải của Thiên Chúa đã hoàn thành và hoàn hảo. Để làm cho chúng ta hiểu, Thánh Thần không ngừng dẫn chúng ta đi sâu hơn vào chân lý. Ánh sáng của Thiên Chúa chiếu tỏa cách mạnh mẽ vào đời sống của nhiều cá nhân đến nỗi họ “thấy trời mở ra” (Cv 7, 56). Đó là cách thức mà nhiều nơi hành hương nổi tiếng như Guadalupe bên Mexico, Lộ Đức bên Pháp đã thành hình. Những “mặc khải tư” của các nhà thị kiến cũng không thể hoàn thiện gì hơn cho Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô. Không ai bị buộc phải tin vào những điều ấy. Nhưng chúng có thể giúp chúng ta hiểu hơn về Tin Mừng. Tính xác thực của chúng được kiểm nghiệm bởi Giáo Hội.
NHẬP THỂ
(từ tiếng Latinh caro, carnis = thịt, “trở thành thịt”): là hành động của Thiên Chúa trở nên con người trong Đức Giê-su Ki-tô. Đây là nền tảng của Đức Tin Ki-tô Giáo và của niềm hy vọng cho ơn cứu độ của nhân loại.
Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. (Dt 1, 1-2)
Tách khỏi Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta không biết được Thiên Chúa, sự sống, sự chết và cả chính chúng ta là gì.
(BLAISE PASCAL)
Tôi không tưởng tượng, tôi không thể vẽ lên một Thiên Chúa là Cha. Tất cả những gì tôi thấy là Đức Giê-su. 
(CHÂN PHƯỚC TÊ-RÊ-SA CALCUTTA, 1910-1997, Vị sáng lập Dòng Thừa Sai Bác Ái, người đoạt giải Nobel hòa bình)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét