Trang

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

KHI LỜI BỪNG CHÁY VII


KHI LỜI BỪNG CHÁY VII


KHI LỜI BỪNG CHÁY
VII
CON NGƯỜI KINH THÁNH

Cởi mở, sẵn sàng, đón nhận, như thế bạn đã đủ tư cách để bước vào hành động, bắt tay vào “việc”. Vì, một lần nữa, Lectio divina là hành động, là việc làm; một động tác vô cùng phong phú và toàn vẹn, với ân sủng, nó động viên mọi khả năng, mọi chiều kích, mọi sức mạnh, mọi năng lực của nhân vị con người và tâm linh. Như Platon đã nói: “Phải tiến đến chân lý bằng tất cả linh hồn của mình”; cũng thế, phải đến với Lời, với đoạn văn, không chỉ ngoài môi miệng, với con mắt lơ đãng, nhưng bằng con người toàn diện, vì đó là một cuộc gặp gỡ cá nhân.
Ta nên kể ra đây những sức mạnh khác nhau mà Lectio divina điều động. Trước tiên là trí tuệ, được soi sáng bởi đức tin và nâng đỡ bởi các ơn: thông minh, hiểu biết, khôn ngoan.  Ta cũng đừng quên, theo ngữ học, từ intelligere do intus-legere. Legere intus trong tiếng La-tinh có nghĩa là đọc từ bên trong đoạn văn, nhưng cũng còn muốn nói đọc từ nội tâm con người (ab intus); trung tâm của tầm nhìn, ở đây không hẳn là thần kinh mắt cho bằng “cặp mắt được soi sáng bởi con tim” (x. Ep 5, 18)!
Ý chí: chân lý do Mạc khải khắc sâu trong tâm trí chúng ta là điều rất mực thực tế; trong khi đọc, ta phải có “con tim sẵn sàng” (Tv 108, 2; Tv 119, 60), giữ vững ý định thực hành điều mình đọc. Nói theo kiểu của các Giáo Phụ xưa: “đời sống lý thuyết” không thể tách khỏi “đời sống thực hành” .
Về hai môn đệ lữ hành của làng Em-mau, thánh Grê-gô-ri-ô Cả viết: “Khi nghe giới luật của Chúa, họ không được soi sáng; nhưng khi thực thi những giới luật ấy họ mới được sáng soi, vì có lời chép: Chẳng phải những người nghe Luật mà được nên công chính trước mặt Chúa, nhưng chính những người kiện toàn Luật mới được nên công chính (Rm 2, 13) . Người chú giải Kinh Thánh đích thực phải tiến tới sự thánh thiện; đó là tiêu chuẩn của tính xác thực của họ.
Nhưng thông thường, trong cách nhìn những sức mạnh liên quan đến lectio divina, chúng ta dừng lại – ít ra trong thực tế - ở những sức mạnh “ở tầng trên”, ở trí tuệ và ở ý chí. Đây chính là một giảm thiểu không nên làm! Chính là quên rằng “dầu hảo hạng” phải được chảy thấm xuống “tận cổ áo”, và “sương mai của Hermon” phải được sa xuống thấm ướt tận đồng bằng .  Thất bại của Lectio divina có thể là do chúng ta có một khái niệm quá thiên về óc não, trí tuệ; trong khi Kinh Thánh luôn đầu tư tất cả mọi chiều kích của con người! Và ở đây, những người thấp kém nhất không hẳn là những người ít được quí chuộng nhất đâu: Rất nhiều khi chính nhờ họ mà những người cao trọng hơn mới được cứu, được nhận tin mừng.
Chúng ta có nghĩ đến tầm quan trọng của những ký ức đã được trang bị cách hoành tráng và no thỏa bởi kho tàng Kinh Thánh? Để được thế, cần phải biết cách tập luyện và bảo trì. Trong mức độ mà ký ức có được một vốn liếng dồi dào, với khả năng diễn giải Kinh Thánh theo nhịp sống hằng ngày (midrashique) cách tự nhiên và bộc phát, mà chúng ta sẽ bàn tới sau.
Cũng còn phải kể đến trí tưởng tượng và sự nhạy cảm! Tại sao không để cả chúng nữa, ngập tràn Kinh Thánh? Kinh Thánh không chỉ cống hiến những gì là tự biện và đạo đức, mà còn bao hàm nhiều loại thẩm mỹ, vô số những vần thơ hay, cả một thế giới hình ảnh. Tất cả những thứ ấy phải được cư ngụ trong ký ức chúng ta, đến độ được hình thành nơi ta một kiểu vô thức Kinh Thánh, để không bao giờ ta nghĩ đến vẻ đẹp của vũ trụ mà không lập tức bộc phát một bài ca tán tụng của Kinh Thánh. Chúng ta cũng không bao giờ được thấy, nghe, cảm nhận bất cứ gì ngoài dạng thức cấu tạo nên tận thâm cung con người Kinh Thánh .
Sự thân thiện, gần gũi với những khung cảnh, những gương mặt của Kinh Thánh phải tác động trong chúng ta một khả năng bất tận của sự khơi gợi, thức tỉnh đến vô cùng cho tất cả những gì là “tương ứng” trong cuộc sống thường ngày. Tóm lại, đi vào văn hóa Kinh Thánh cách toàn diện, không dừng lại ở những nét trừu tượng, từ chương, xơ cứng ở những trang sách, nhưng linh hoạt, sống động, rung động, đầy trải nghiệm.
Kinh Thánh nói với toàn thể con người và chính con người toàn diện phải tập trung để đọc Kinh Thánh. Việc đọc này, một lối đọc tổng thể, và tổng hợp của trọn vẹn sự phong phú và tế nhị của mọi sức mạnh của con người, mới có khả năng kết tạo nơi chúng ta một “con người mới”, đó là con người Kinh Thánh.
Kinh Thánh là môi trường, là vũ trụ thực thụ, là công viên diễm phúc, do chính bàn tay Thiên Chúa thiết kế, vun trồng cho chúng ta nên ta phải cư ngụ trong đó cách sung mãn, trọn vẹn, để cắm chặt mọi nguồn cội và gốc rễ của ta trong đó.
Nguồn: kinhthanh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét