Trang

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Ga 18,28–19,16a [1/5]: “Sự thật là gì?” (Ga 18,38). Quan sát bản văn


Ga 18,28–19,16a [1/5]: “Sự thật là gì?” (Ga 18,38). Quan sát bản văn




Đề tài: Sự thật trong Ga 18,28–19,16a





Bài 1/5: “Sự thật là gì?” (Ga 18,38). Quan sát bản văn Ga 18,28–19,16a.

Nội dung:

Dẫn nhập
1) Bản văn 18,28–19,16a
2) Phân đoạn
3Bối cảnh văn chương
4Cấu trúc



Dẫn nhập 

“Sự thật” (alêtheia) là đề tài lớn trong Tin Mừng Gio-an, đặc biệt đề tài này được đề cao trong đoạn văn Đức Giê-su xuất hiện trước Phi-la-tô: Ga 18,28–19,16a. Trong đoạn văn này có lời đối thoại giữa Phi-la-tô và Đức Giê-su về đề tài sự thật:

“Phi-la-tô nói với Đức Giê-su: ‘Vậy chính Ông là Vua sao?’ Đức Giê-su trả lời: ‘Chính ngài nói rằng Tôi là Vua. Vì điều này Tôi đã sinh ra, và vì điều này Tôi đã đến thế gian để làm chứng cho sự thật, bất cứ ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng Tôi.’ Phi-la-tô nói với Người: ‘Sự thật là gì?’ Nói điều này xong, Phi-la-tô lại đi ra với những người Do Thái và nói với họ: ‘Phần ta, ta không tìm thấy điều gì để kết tội Ông ấy…’” (Ga 18,37-38).

Độc giả có thể “nuối tiếc” và tự hỏi: Tại sao Phi-la-tô không nán lại để nghe Đức Giê-su định nghĩa về sự thật? Tại sao người thuật chuyện không tận dụng khoảng khắc quý giá này để cho độc giả biết sự thật là gì? Thực ra, đây là một điểm độc đáo về cách hành văn của Tin Mừng Gio-an: Không cho biết trực tiếp sự thật là gì, nhưng lại đang nói về sự thật. Phi-la-tô có lý do để bỏ đi sau khi đặt câu hỏi, có thể vì ông không dám đối diện với sự thật. Người thuật chuyện không cho độc giả biết sự thật là gì để nói với độc giả rằng: Muốn biết sự thật thì cứ đọc Tin Mừng Gio-an từ đầu đến cuối sẽ biết sự thật là gì và sự thật là ai. Cụ thể trong đoạn văn Ga 18,28–19,16a, người thuật chuyện đang nói với độc giả về sự thật, nhưng sự thật ấy được trình bày như thế nào?

Khi Phi-la-tô hỏi Đức Giê-su “Sự thật là gì?” rồi bỏ đi, người thuật chuyện không cho độc giả câu trả lời trực tiếp về sự thật. Tuy nhiên, toàn bộ nội dung của đoạn văn Ga 18,28–19,16a cho độc giả biết nhiều sự thật. Đó là “sự thật về những kẻ chống đối Đức Giê-su”, “sự thật về Phi-la-tô” và “sự thật về Đức Giê-su”. Làm thế nào để đọc ra được những sự thật này? Làm thế nào để độc giả có thể trả lời được những câu hỏi: “Sự thật” trong đoạn văn  Ga 18,28–19,16a là gì?
  
Để thưởng thức kiểu hành văn độc đáo trong đoạn văn Ga 18,28–19,16a chúng ta cùng tìm hiểu đoạn văn này. Trong bài viết này (bài 1/5) sẽ tập trung vào việc đọc và quan sát bản văn qua các mục:

1) Đọc bản văn 18,28–19,16a.
2) Phân đoạn 18,28–19,16a: Lý giải tại sao lại bắt đầu đoạn văn ở 18,28 và kết thúc ở 19,16a.
3) Tìm hiểu bối cảnh văn chương đoạn văn 18,28–19,16a.
4Phân tích cấu trúc của đoạn văn. Đoạn văn được xây dựng thế nào và kết cấu ra sao?

Ba bước “phân đoạn”, “bối cảnh văn chương” và “cấu trúc” sẽđược thực hiện nhờ chú ý đến các yếu tố: Thời gian, không gian, nhân vật, từ ngữ và các đề tài trong đoạn văn. Ba bước này giúp quan sát kỹ bản văn, từ đó có thể trả lời câu hỏi “sự thật là gì?” trong đoạn văn Ga 18,28–19,16a.

Nội dung loạt bài này đã được trình bày trong tập sách Phân tích thuật chuyện và cấu trúc áp dụng vào Tin Mừng thứ tư, phần áp dụng vào đoạn văn Ga 18,28–19,16a: “Đức Giê-su và Phi-la-tô”, tr. 197-220.

1. Bản văn Ga 18,28–19,16a: Đức Giê-su và Phi-la-tô
(Lê Minh Thông dịch theo bản Hy Lạp)

[Dẫn nhập]
18,28 Vậy họ dẫn Đức Giê-su từ nhà Cai-pha đến dinh tổng trấn;lúc đó trời vừa sáng, họ không vào trong dinh tổng trấn để khỏi bị nhiễm uế, vì còn ăn lễ Vượt Qua.
[Bên ngoài dinh]
29 Vậy Phi-la-tô ra ngoài và nói với họ: “Các người tố cáo người này điều gì?”
30 Họ trả lời và nói với ông: “Nếu Ông này không làm điều ác,chúng tôi đã chẳng nộp cho ông.”
31 Phi-la-tô nói với họ: “Các người cứ đem Ông ấy đi và xét xử Ông ấy theo luật của các người.” Những người Do Thái nói với ông ấy: “Chúng tôi không được phép xử tử ai cả.”
32 Thế là nên trọn lời Đức Giê-su, Người đã nói cách chết nào Người sẽ phải chết.
[Bên trong dinh]
33 Phi-la-tô lại trở vào dinh, ông ấy gọi Đức Giê-su và nói với Người: “Ông là Vua dân Do Thái phải không?”
34 Đức Giê-su trả lời: “Ông tự mình nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ông về Tôi?”
35 Phi-la-tô trả lời: “Tôi là người Do Thái sao? Dân của Ông và các thượng tế đã nộp Ông cho tôi. Ông đã làm gì?”
36 Đức Giê-su trả lời: “Vương quốc của Tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Vương quốc của Tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của Tôi đã chiến đấu để Tôi không bị nộp cho những người Do Thái. Nhưng thật ra, Vương quốc của Tôi không ở chốn này.”
37 Phi-la-tô nói với Người: “Vậy chính Ông là Vua sao?” Đức Giê-su trả lời:“Chính ngài nói rằng Tôi là Vua. Vì điều này Tôi đã sinh ra, và vì điều này Tôi đã đến thế gian để làm chứng cho sự thật, bất cứ ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng Tôi.” 
38a Phi-la-tô nói với Người: “Sự thật là gì?”
[Bên ngoài dinh]
38b Nói điều này xong, Phi-la-tô lại đi ra với những người Do Tháivà nói với họ: “Phần ta, ta không tìm thấy điều gì để kết tội Ông ấy.
39 Theo tục lệ của các người, ta thả một ai đó cho các người trong dịp lễ Vượt Qua. Vậy các người có muốn ta thả cho các người Vuadân Do Thái không?”
40 Họ lại la lên rằng: “Không phải người này nhưng là Ba-ra-ba.” Nhưng Ba-ra-ba là một tên cướp.
[Bên trong dinh, chuyển tiếp]
19,1 Bấy giờ Phi-la-tô bắt lấy Đức Giê-su và đánh đòn Người.
2 Những người lính kết một vương miện bằng cây gai đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ tía.
3 Họ đến gần Người và nói: “Kính chào Vua dân Do Thái” và họ vảmặt Người.
[Bên ngoài dinh]
4 Phi-la-tô lại ra ngoài và nói với họ: “Này, ta dẫn Ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết rằng ta không tìm thấy lý do để kết tội Ông ấy.”
5 Vậy Đức Giê-su bước ra ngoài, đội vương miệng bằng gai và khoác áo choàng đỏ tía. Ông ấy nói với họ: “Đây là Người.”
6 Khi vừa thấy Người các thượng tế cùng các thuộc hạ kêu lên rằng: “Hãy đóng đinh vào thập giá, hãy đóng đinh vào thập giá.”Phi-la-tô nói với họ: “Các người hãy đem Ông ấy đi mà đóng đinh vào thập giá, vì ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội Ông ấy.”
7 Những người Do Thái trả lời Phi-la-tô: “Chúng tôi, chúng tôi có Lề Luật và chiếu theo Lề Luật thì Ông ấy phải chết vì đã cho mình là Con Thiên Chúa.”
8 Khi Phi-la-tô nghe lời này, ông càng sợ hơn.
[Bên trong dinh]
9 Ông lại trở vào dinh và nói với Đức Giê-su: “Ông từ đâu đến?” Nhưng Đức Giê-su không cho ông ấy câu trả lời nào cả.
10 Vậy Phi-la-tô nói với Người: “Ông không trả lời tôi ư? Ông không biết rằng tôi có quyền tha Ông và có quyền đóng đinh Ông vào thập giá sao?”
11 Đức Giê-su trả lời [ông ấy]: “Ông không có quyền gì đối với Tôi, nếu nó không được ban cho ông từ trên, vì điều này, kẻ nộp Tôi cho ông có tội lớn hơn.”
[Bên ngoài dinh]
12 Từ lúc đó, Phi-la-tô tìm cách tha Người. Nhưng những ngườiDo Thái kêu lên rằng: “Nếu ông tha người này, ông không là bạn của Xê-da. Bất cứ ai tự cho mình là vua thì chống lại Xê-da.”
13 Khi Phi-la-tô nghe những lời này, ông ấy dẫn Đức Giê-su ra ngoài đến nơi gọi là Nền Đá  tiếng Híp-ri là Gáp-ba-tha – và đặtNgười ngồi trên tòa.
14 Hôm ấy là ngày chuẩn bị lễ Vượt Qua, vào khoảng giờ thứ sáu [12 giờ trưa]. Phi-la-tô nói với những người Do Thái: “Đây là Vua của các người.”
15 Họ liền kêu lên: “Đem đi, đem đi, hãy đóng đinh Nó vào thập giá.” Phi-la-tô nói với họ: “Ta đóng đinh Vua của các người sao?” Các thượng tế trả lời: “Chúng tôi không có vua nào cả ngoài Xê-da.”
[Kết]
16a Bấy giờ Phi-la-tô trao Người cho họ để Người bị đóng đinh vào thập giá.


2. Phân đoạn Ga 18,28–19,16a

Khi chọn một đoạn văn để đọc, câu hỏi trước tiên đặt ra: Tại sao đoạn văn lại bắt đầu từ câu này và kết thúc ở câu kia? Tại sao không chọn đoạn văn dài hơn hoặc ngắn hơn, hay bắt đầu và kết thúc ở một câu khác? Tại sao lại bắt đầu đọc ở 18,28 và kết thúc ở 19,16a? Tựa đề và phân đoạn các đoạn văn trong các bản dịch Kinh Thánh chỉ là gợi ý. Nói chung, một tựa đề không thể tóm tắt hết các ý tưởng của đoạn văn. Vì thế, người đọc không nên lệ thuộc vào các tựa đề và phân đoạn trong các bản dịch. Bản văn gốc Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp không có đề mục các đoạn văn như trong các bản dịch. Người đọc được tự do trong việc chọn bản văn dài hay ngắn (từ vài câu đến vài chương) để đọc.

Đầu đoạn văn 18,28–19,16a, người thuật chuyện cho người đọc biết có sự thay đổi về không gian, thời gian và nhân vật ở 18,28: “Vậy họ dẫn Đức Giê-su từ nhà Cai-pha đến dinh tổng trấn; lúc đó trời vừa sáng, họ không vào trong dinh tổng trấn để khỏi bị nhiễm uế, vì còn ăn lễ Vượt Qua.” Trước c. 28 Đức Giê-su ở nhà Cai-pha, trong c. 28 Đức Giê-su ở dinh Phi-la-tô. Trước 18,28 Đức Giê-su hiện diện giữa những kẻ chống đối (Kha-nan, Cai-pha), từ 18,28 sự phân cách giữa Đức Giê-su và những kẻ tố cáo Người đã hình thành: Đức Giê-su ở trong dinh Phi-la-tô trên phần đất bị nhiễm uế, còn những kẻ tố cáo ở trên phần đất không bị nhiễm uế. Như thế, không gian thay đổi từ nhà Cai-pha đến dinh Phi-la-tô. Về thời gian, trước 19,28 là ban đêm, từ 19,28, câu chuyện bắt đầu vào lúc “trời vừa sáng” (18,28), khởi đầu một ngày mới. Yếu tố mớilà xuất hiện nhân vật Phi-la-tô. Ông là người ngoại, được Xê-da đặt lên để giám sát vùng Giu-đê.

Đoạn văn 18,28–19,16a kết thúc ở 19,16a, vì hai lần từ “họ” ở 19,16 chỉ hai nhóm người khác nhau. Người thuật chuyện kể: “Bấy giờ ông ấy [Phi-la-tô] trao Người [Đức Giê-su] cho họ để Người bị đóng đinh vào thập giá” (19,16a). “Vậy họ điệu Đức Giê-su đi” (19,16b). “Họ” ở 19,16a là các thượng tế, thuộc hạ và những người Do Thái; nhóm này đã đối chất với Phi-la-tô và đòi đóng đinh Đức Giê-su. “Họ” ở 19,16b là những người điệu Đức Giê-su đi và thực hiện việc đóng đinh Đức Giê-su, đó là lính tráng, được nói đến khi họ chia áo Đức Giê-su ở 19,23-24. Vì thế, 19,16a thuộc về đoạn văn trước và 19,16b bắt đầu đoạn văn mới.

Như thế, 18,28–19,16a làm thành một đoạn văn có sự phân đoạn rõ ràng qua sự thống nhất của bốn yếu tố:
1) Thống nhất về thời gian: Từ sáng sớm (18,28) tới trưa (19,14).
2) Thống nhất về không gian: Trình thuật diễn ra bên trong và bên ngoài dinh Phi-la-tô.
3) Thống nhất về nhân vật: Thuật lại các cuộc đối thoại giữa Phi-la-tô và những kẻ tố cáo Đức Giê-su, giữa Phi-la-tô và Đức Giê-su.
4) Thống nhất về nơi chốn: Trước 18,28 Đức Giê-su ở nhà Cai-pha (18,24); trong đoạn văn 18,28–19,26a, Đức Giê-su ở dinh Phi-la-tô và sau 19,16a, Người vác thập giá tiến về Gôn-gô-tha (19,16b-17).

Lý giải việc giới hạn đoạn văn là cần thiết vì nó tác động đến ý nghĩa bản văn. Dù đoạn văn ngắn hay dài cũng cần chỉ ra những dấu hiệu cho phép khởi đầu và kết thúc đoạn văn. Bước tiếp theo là tìm hiểu bối cảnh văn chương của đoạn văn.  


3. Bối cảnh văn chương

Đặt bản văn trong bối cảnh chung rộng lớn hơn giúp định hướng ý nghĩa đoạn văn. Câu hỏi đặt ra là bản văn có những nối kết nào, liên tục hay đứt đoạn với những đoạn văn trước và sau nó? Đoạn văn bắt đầu một đề tài mới hay nối tiếp đề tài cũ? Đặt đoạn văn trong bối cảnh văn chương rộng lớn hơn giúp tránh hiểu lạc đề hay áp đặt lên bản văn những điều xa lạ với bối cảnh chung của đoạn văn. Thường một đoạn văn vừa liên hệ vừa đứt đoạn với những đoạn văn trước và sau nó.

Đoạn văn 18,28–19,16a là một phần trình thuật Thương khó (Ga 18–19). Hai chương này kể lại việc Đức Giê-su bị bắt (18,1-12) và bị tra hỏi (18,13-27); Người xuất hiện trước Phi-la-tô (18,28–19,16a); sau đó bị đóng đinh, chết trên thập giá (19,16b-37); và cuối cùng Người được mai táng (19,38-42). Đức Giê-su trong Ga 18–19 di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Người ta đến bắt Đức Giê-su trong một thửa vườn ở bên kia suối Kít-rôn (18,1); sau đó Người được dẫn đến các nơi: dinh Kha-nan, nhà Cai-pha, dinh Phi-la-tô và Gôn-gô-tha là nơi Người bị đóng đinh, rồi Người được mai táng ở một ngôi mộ mới trong một thửa vườn (19,41). Ga 18–19 làm thành trình thuật về “Giờ của Đức Giê-su” bắt đầu trong một “thửa vườn” (kêpos) ở bên kia suối Kít-rôn, phía đông thành Giê-ru-sa-lem và kết thúc cũng trong một “thửa vườn” (kêpos) ở Gôn-gô-tha, phía tây thành Giê-ru-sa-lem. Như thế, đoạn văn 18,28–19,16a là một phần không thể tách rời khỏi bối cảnh chung của các chương 18–19. 

Trong bối cảnh chung Ga 18–19, đoạn văn 18,28–19,16a có những đặc điểm riêng, phân biệt với các đoạn văn khác. Những người dẫn Đức Giê-su đến dinh Phi-la-tô (18,28) không phải là những kẻ đi bắt Người (18,2), họ cũng không phải là những người dẫn Đức Giê-su đi đóng đinh (19,16b). Vậy họ là ai? Chúng ta sẽ tìm hiểu trong phần phân tích nhân vật. Đức Giê-su và Phi-la-tô chỉ gặp nhau trong đoạn văn 18,28–19,16a. Với những dấu hiệu phân đoạn nói trên, đoạn văn 18,28–19,16a phân biệt với những đoạn văn khác và làm thành một đoạn văn để phân tích.

Trong Tin Mừng thứ tư, trình thuật “Đức Giê-su và Phi-la-tô” được thuật lại với nhiều chi tiết không có trong Tin Mừng Nhất Lãm. Thực vậy, Tin Mừng thứ tư trình bày việc Kha-nan chất vấn Đức Giê-su chỉ trong một câu: “Thượng tế hỏi Đức Giê-su về các môn đệ của Người và về giáo huấn của Người” (Ga 18,19); những gì xảy ra ở nhà Cai-pha không được kể lại, vì ông này đã đóng vai trò của mình ở Ga 11 khi Cai-pha đề nghị một người chết thay cho toàn dân (11,49-50). Trong khi đó, trình thuật “Đức Giê-su và Phi-la-tô” được kể đến 30 câu (Ga 18,28–19,16a): Phi-la-tô “đi ra”, “đi vào” nhiều lần để trao đổi với những kẻ tố cáo Đức Giê-su ở bên ngoài dinh và ông đối đáp với Đức Giê-su bên trong dinh.

Vào thời đó, những kẻ tố cáo “không có quyền xử tử” Đức Giê-su (18,31), nên mục đích của họ trong đoạn văn 18,28–19,16a là được chính quyền Rô Ma cho phép xử tử Đức Giê-su. Những lý do họ đưa ra để kết tội Đức Giê-su là để Phi-la-tô cho phép họ giết Đức Giê-su. Khi người thuật chuyện dành một phần quan trọng để trình bày câu chuyện “Đức Giê-su và Phi-la-tô”, chắc chắn tác giả muốn gửi gắm vào đoạn văn này những ý nghĩa thần học quan trọng. Để đọc ra ý nghĩa đó, cần phân tích cấu trúc đoạn văn 18,28–19,19a nhờ quan sát các yếu tố thời gian, không gian và nhân vật. 

4. Cấu trúc đoạn văn 18,28–19,16a

Sau khi thực hiện bước thứ nhất (lý giải việc giới hạn đoạn văn) và bước thứ hai (đặt đoạn văn trong bối cảnh văn chương của nó), bước thứ ba là tìm cấu trúc đoạn văn. Mục đích việc tìm cấu trúc là để biết bản văn nói gì và nói như thế nào. Bản văn được chia làm mấy phần, gồm các đề tài nào và được diễn tả bằng từ ngữ nào? Các ý tưởng tiến triển, liên kết và tương quan với nhau như thế nào? Cấu trúc đoạn văn được thiết lập nhờ các yếu tố thời gian, nơi chốn, nhân vật, từ ngữ, đề tài trong đoạn văn.

Thời gian trong đoạn văn 18,28–19,16a trải dài suốt buổi sáng vào ngày áp lễ Vượt Qua. Những kẻ tố cáo Đức Giê-su dẫn Người đến dinh Phi-la-tô vào lúc “trời vừa sáng” (18,28), và cuộc trao đổi kết thúc vào “khoảng 12 giờ trưa vào ngày áp lễ Vượt Qua” (19,14). Về nơi chốn, câu chuyện diễn tiến tại dinh Phi-la-tô và được chia làm hai phần: Bên trong dinh (bị nhiễm uế) và bên ngoài dinh (không bị nhiễm uế). Các nhân vật được chia làm hai nhóm: Bên trong dinh có “Đức Giê-su” và “quân lính” (19,2); bên ngoài dinh có “những người Do Thái” (18,31.36.38; 19,7.12.14), “các thượng tế” (18,35; 19,6.15) và “các thuộc hạ” (19,6).

Nhân vật “đi ra”, “đi vào” giữa “bên trong” và “bên ngoài” dinh là Phi-la-tô. Nhóm nhân vật ở bên ngoài dinh được giới thiệu ở đầu đoạn văn 18,28–19,16a bằng đại từ “họ”: “Vậy họ dẫn Đức Giê-su từ nhà Cai-pha đến dinh tổng trấn (18,28a). “Họ” ở đây không chỉ là “những người Do Thái” mà thôi mà còn bao gồm cả “các thượng tế” và “các thuộc hạ”; các nhân vật này sẽ xuất hiện dần dần trong đoạn văn 18,28–19,16a. Đại từ “họ”, mở đầu (18,28) và kết thúc đoạn văn (19,16a) là có chủ ý. Chúng ta sẽ bàn đến ý nghĩa của đại từ “họ” trong phần sau.

Về từ ngữ, nhiều kiểu nói liên quan đến nhân vật Giê-su. Đầu trình thuật, Đức Giê-su bị tố cáo là “người làm điều ác” (18,30); Người bị đặt ngang hàng với Ba-ra-ba, một tên cướp (18,40) và những kẻ tố cáo đòi đóng đinh Người (19,6.15). Đến giữa trình thuật họ lại tố cáo Đức Giê-su tự xưng là Con Thiên Chúa (19,7). Đến cuối trình thuật, những kẻ tố cáo họ kết tội Đức Giê-su là xưng làm vua (19,12).

Về phần Phi-la-tô, ông dùng danh xưng “vua dân Do Thái” (18,33.39; 19,14.15) để gọi Đức Giê-su. Ông tuyên bố Người vô tội (18,38; 19,6) và tìm cách tha Người (19,12). Ông long trọng giới thiệu Đức Giê-su với những kẻ tố cáo: “Đây là Người” (19,5); “Đây là vua các người” (19,14). Như thế, đề tài chính đoạn văn có thể là “vương quyền” của Đức Giê-su.

Dựa vào yếu tố không gian (bên trong, bên ngoài) và việc Phi-la-tô “đi ra”, “đi vào” từ đầu đến cuối trình thuật, đoạn văn 18,28–19,16a có câu dẫn nhập (18,28) và câu kết (19,16a). Phần nội dung được cấu trúc thành hai phần song song (18,29-40 // 19,4-15); phần chuyển tiếp (19,1-3) ở giữa hai cấu trúc song song này. Mỗi phần nhỏ lại có cấu trúc đồng tâm (đối ngẫu) A, B, C, B’, A’ như sau:



Đoạn văn 18,28–19,16a được cấu trúc chặt chẽ với phần dẫn nhập (18,28): Giới thiệu thời gian, nơi chốn và bối cảnh. Nếu trong phần mở đầu “họ” dẫn Đức Giê-su đến với Phi-la-tô thì trong phần kết, Phi-la-tô lại trao Đức Giê-su cho “họ”. Xem ra chẳng có gì mới trong cuộc “xét xử” Đức Giê-su. Thực ra, ngay từ đầu trình thuật, người thuật chuyện cho biết những gì xảy ra là để ứng nghiệm lời Đức Giê-su nói về việc “Người sẽ phải chết cách nào” (18,32). Nếu Đức Giê-su sẽ phải chết thì trình thuật Người xuất hiện trước Phi-la-tô (18,28–19,16a) nói điều gì với độc giả và bản văn trình bày điều đó như thế nào?

Hai cấu trúc đồng tâm song song A, B, C, B’, A’ và AA, BB, CC, BB’, AA’ được thiết lập dựa vào sự di chuyển của Phi-la-tô từ “bên trong” ra “bên ngoài” dinh và ngược lại. Phần chuyển tiếp (19,1-3), không có đối thoại, trình bày những dấu chỉ vương quyền cách tương phản: Vị vua bị đánh đòn; lời chào kèm theo những cái vả mặt. Cấu trúc cho thấy Đức Giê-su được trình bày từ một “kẻ làm điều ác” (A) đến một “vị vua” (AA’). Qua các yếu tố song song B // B’ và BB // BB’, Đức Giê-su từ một kẻ bị buộc tội (B) trở thành người vô tội (B’). Từ chỗ bị đặt ngang hàng với Ba-ra-ba, Người được nâng lên làm Con Thiên Chúa (BB) và được gọi là vua (BB’).

Các yếu tố C và CC là những đối thoại ở bên trong dinh giữa Đức Giê-su và Phi-la-tô. Trong đoạn văn 18,28–19,16a, Đức Giê-su chỉ trao đổi với Phi-la-tô. Đối thoại giữa Đức Giê-su và những kẻ tố cáo đã bị cắt đứt bởi ranh giới “bên trong” và “bên ngoài”. Chính ở trên phần đất được xem là nhiễm uế mà Đức Giê-su mặc khải ý nghĩa “vương quyền” và “quyền bính” cho Phi-la-tô (người đại diện đế quốc Rô Ma), và qua ông, Đức Giê-su nói với thế giới dân ngoại.

Việc lý giải giới hạn của đoạn văn, phân tích bối cảnh văn chương và cấu trúc như trên đã giúp độc giả quan sát kỹ bản văn 18,28–19,16a. Những phân tích sau đây nhằm tìm hiểu ý nghĩa của đoạn văn; nghĩa là điều mà người thuật chuyện muốn người đọc nhận ra qua nội dung và cách trình bày câu chuyện. Đó là sự thật về những kẻ chống đối Đức Giê-su sẽ được trình bày trong bài tiếp theo (bài 2/5).


Ngày 14 tháng 04 năm 2011 
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét