CẬP NHẬT QUY CHẾ TỔNG QUÁT SÁCH LỄ RÔMA
DẪN NHẬP
Chúng ta biết rằng, Sách lễ 1570 hay còn gọi là Sách lễ Đức Piô V (thời hậu Công đồng Trentô) bao gồm 3 phần dẫn nhập đi trước các bản văn phụng vụ chính thức. Ba phần này tập trung vào các yếu tố chữ đỏ cũng như Nghi thức Thánh lễ (Ordo Missae).
Nội dung của 3 phần dẫn nhập như sau:
1] Tổng quát về Chữ đỏ trong Thánh lễ (Rubricae Generales Missalis): bao gồm cái nhìn tổng quát về Nghi thức Thánh lễ cũng như Quy chế Tổng quát về các bậc lễ, sự chọn lựa các bản văn Thánh lễ, thời gian cử hành Thánh lễ, màu sắc của lễ phục, việc chuẩn bị bàn thờ và những chủ đề liên quan khác.
2] Nghi thức phải Tuân giữ khi Cử hành Thánh lễ (Ritus Servandus in Celebratione Missae): gồm những hướng dẫn chi tiết cho các linh mục và giúp lễ.
3] Những Thiếu sót trong khi Cử hành Thánh lễ (De Defectibus in Celebratione Missarum Occurrentibus): nêu ra các loại vấn đề đang xảy ra và nên làm gì nếu chúng thực sự xảy đến. Ví dụ, hướng dẫn cho linh mục biết nên ứng xử ra sao nếu nước nhiều hơn rượu khi đổ chúng vào chén thánh.
Ba bản văn về các phần dẫn nhập chữ đỏ này đã không thay đổi gì suốt 400 năm (1570-1950s) cho đến khi Đức Piô XII cho tu chính các Nghi thức Tuần thánh. Năm 1960, phần Tổng quát về Chữ đỏ trong Thánh lễ không thấy có thay đổi gì cũng như chẳng có sửa đổi nào trong phần Nghi thức phải Tuân giữ khi Cử hành Thánh lễ cho mãi tới năm 1965.
Sau Công đồng Vatican II, Sách lễ Rôma của Đức Phaolô VI ra đời (năm 1970) và cấu trúc Sách lễ Rôma đã thay đổi. Thông thường, Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma[1] (Institutio Generalis Missalis Rômani) được xếp ở phần đầu cuốn Sách lễ, chỉ sau Sắc lệnh (Decretum) của Thánh bộ Phụng tự và sau Tông Hiến Công bố Sách lễ Rôma (Constitutio Apostolica qua Missale Rômanum) của Đức Giáo hoàng. Vì vậy, cho đến nay tương ứng với Sách lễ Rôma của Đức Phaolô VI ấn bản lần thứ I (năm 1970), ấn bản lần II (năm 1975) và ấn bản lần III (năm 2002) chúng ta lần lượt có các Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 1970 (QCSL [1970]); Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 1975 (QCSL [1975]) và Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002 (QCSL [2002]).
Tuy nhiên, vấn đề là Tòa Thánh Vatican loan báo sẽ xuất bản vào năm 2000 Sách lễ Rôma ấn bản thứ III cùng với Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2000] đi kèm. Thế nhưng, trong thực tế, khi bản văn Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2000] đã hoàn thành và ra đời cuối tháng 07/2000 thì cuốn Sách lễ Rôma ấn bản thứ III vẫn chưa hoàn tất. Việc xuất bản thực sự ấn bản thứ III Sách lễ Rôma với Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma đã tu sửa (bằng tiếng La Tinh) bị trì hoãn cho mãi tới tháng 3 năm 2002.
Tại Việt Nam hiện nay, thông báo của Ủy ban Phụng tự Toàn quốc cho biết hôm 29/06/2012 Ủy ban đã dịch xong trọn cuốn Sách lễ [2002] và phần lớn Sách Bài đọc trong Thánh lễ. Một số phần đã được Rôma phê duyệt cho sử dụng, như Quy chế Sách lễ Rôma [2002], Nghi thức Thánh lễ, các lễ mùa Vọng, mùa Giáng sinh, mùa Chay và mùa Phục sinh.[2]
Trong thực tế, chúng ta hiện đang chỉ sử dụng Nghi thức Thánh lễ [2002] kể từ năm 2005. Còn Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, hầu hết trên cách sách báo in ấn cũng như trên mạng internet, thậm chí cả trong giáo trình tại các học viện và chủng viện, đều vẫn còn trích dẫn Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2000]. Cũng may, giữa Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2000] và Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2002] không có nhiều khác biệt lắm cho nên các trích dẫn đó ít bị rơi vào trường hợp sai nhầm, nhưng chắc chắn là lạc hậu.
Bởi vậy, trong khi chờ đợi toàn bộ Sách lễ Rôma [2002] được phát hành và sử dụng, để giúp độc giả cập nhật Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma [2002] dễ dàng hơn, bài viết này xin được nêu ra những điểm mới và khác giữa Quy chế Sách Lễ (QCSL) [1975] với QCSL [2000+2002] cũng như giữa QCSL [2000] và QCSL [2002] cùng với lời dẫn giải ở những chỗ cần thiết.
NHỮNG ĐIỂM MỚI VÀ KHÁC GIỮA QCSL [1975] VÀ QCSL [2000+2002]
1) Trong khi QCSL [1975] 261 chỉ phân biệt giữa bàn thờ cố định và bàn thờ lưu động thì QCSL [2000+2002] 298 còn thêm: bàn thờ là biểu tượng của Đức Kitô, tảng đá sống động (1 P 2,4; x. Ep 2,20).
2) QCSL [2000+2002] 277 hướng dẫn một cách chi tiết và cụ thể phải xông hương thế nào[3]cho phù hợp với văn bản trong sách Nghi lễ Giám mục (NLGM) 91-93. Lý do là vì trong QCSL [1970] không có hướng dẫn này cho nên trong thực tế, một số linh mục đã xông hương cách hoa mỹ không cần thiết bằng cách ghi 3 lần hình chéo và 3 lần vòng tròn trong phần Chuẩn bị Lễ vật như được quy định trong Sách lễ 1570 và điều này trái với ý tưởng của Hiến chế Phụng vụ số 34.[4]
3) Khác với QCSL [1975] 132, QCSL [2000+2002] 138 nói chi tiết hơn về phần Lời nguyện Tín hữu cho phù hợp với NLGM 144, đặc biệt xác định không chỉ phó tế xướng ý nguyện mà có thể là "ca viên hay độc viên hay một người khác" nữa (Deinde diaconus, vel cantor vel lector vel alius ex ambone aut ex alio loco convenienti, intentiones versus populum proponit, populo pro sua parte suppliciter respondente).
4) QCSL [2000+2002] 274: Những người mang Thánh giá hay mang đèn đi rước thì thay vì bái gối, họ chỉ cúi đầu (Ministri qui crucem processionalem vel cereos deferunt, loco genuflexionis inclinationem capitis faciunt). Điều này phù hợp với NLGM 71.
5) Nhà tạm
QCSL [2000+2002] 315 nói chi tiết hơn QCSL [1975] 276 khi cho biết về vị trí của Nhà tạm (phù hợp với NLGM 49) như sau:
Vì lý do dấu chỉ, không nên đặt nhà tạm lưu giữ Mình Thánh Chúa trên bàn thờ nơi cử hành Thánh lễ. Do đó, tuỳ theo quyết định của Giám mục giáo phận, nên đặt nhà tạm: a. Hoặc trong cung thánh, ngoài bàn thờ dâng lễ, miễn là tương hợp với hình dáng và nơi chốn, không loại trừ trên bàn thờ cũ không còn được dùng để cử hành. b. Hoặc trong một phòng thích hợp cho sự thờ phượng riêng và cầu nguyện của tín hữu, dính liền với nhà thờ và dễ thấy đối với giáo dân.
Đặc biệt, QCSL [2000+2002] 316 bổ sung thêm về ngọn đèn gần Nhà tạm: "Theo thói quen truyền thống, gần nhà tạm phải có một ngọn đèn riêng cháy sáng thường xuyên, đốt bằng dầu hay sáp, để chỉ và tôn kính sự hiện diện của Chúa Kitô", điều này phù hợp với số 940 của Bộ Giáo luật (GL). Đúng như QCSL [2000+2002] 316 và GL 940 chỉ ra, đây phải là ngọn lửa sống động được đốt bằng dầu hay sáp thực sự (oleo vel cera nutrienda), không phải là chất đốt bay hơi nhanh và không được dùng đèn điện thay thế.[5] Đúng ra phải là ngọn lửa tự nhiên bởi vì theo tính biểu tượng, nó diễn tả ánh sáng này cũng là một của lễ. Tuy nhiên, vì những lý do thực tế, Giám mục có thể cho phép sử dụng đèn điện. Chẳng hạn như những lý do sau: khói của ngọn lửa làm hư hại trần nhà cổ kính và nghệ thuật; hoặc làm hư hại những tác phẩm quý giá và nghệ thuật gần đấy; hoặc rất hiếm khi có tư tế đến đây dâng lễ… Liên quan đến việc nhà tạm phải luôn luôn được nhìn thấy, đèn nhà tạm có thể được lắp đặt trên giá đỡ ở bức tường, hay để trên một giá đứng hay treo lên theo hình thức truyền thống. Tuy nhiên, cũng như những đối tượng khác, đèn không được để ngay trước nhà tạm hay cửa nhà tạm. Thực hành Rôma khuyên nên dùng một bóng đèn trong suốt nhưng cũng có thể thay thế bằng bóng đèn màu đỏ. Ở một vài nơi, người ta cũng cho chiếu trực tiếp ánh sáng điện liên tục về phía nhà tạm hay xung quanh nhà tạm nhưng thực hành này không thay cho đèn nhà tạm.[6]
6) QCSL [2000+2002] 305 nói về sử dụng hoa trong mùa Vọng và mùa Chay[7] (phù hợp với NLGM 48; 236; 252). Điều này nhằm đáp ứng những nguyên tắc thần học căn bản liên quan đến bản chất của năm phụng vụ: mỗi mùa cần có những sắc thái khác nhau và sử dụng những biểu tượng khác nhau. Ba điểm cần lưu ý trong thực hành là: i] Trang hoàng bàn thờ phải điều độ (moderatio); ii] Hoa nên đặt gần bàn thờ hơn là trên bàn thờ; iii] Trang hoàng thế nào để không cản trở việc di chuyển của các thừa tác viên trong cung thánh và quanh bàn thờ cũng như không cản trở tầm mắt người tham dự nhìn thấy bàn thờ.[8]
7) QCSL [2000+2002] 19: khuyên linh mục cử hành Thánh lễ hàng ngày (phù hợp với GL [1983] 904 và Eucharisticum Mysterium 44) vì dù linh mục dâng Thánh lễ một mình hay với cộng đoàn thì cử hành này luôn luôn là hành động của Chúa Kitô cũng như của Hội Thánh và đem lại biết bao lợi ích thiêng liêng cho bản thân vị tư tế và cho các tín hữu. Có sự khác biệt rất lớn ở đây vì GL [1917] 805 chỉ đòi hỏi linh mục dâng lễ mỗi năm vài lần hay GL [1917] chỉ đề nghị Giám mục hoặc Bề trên dòng tu khuyến khích các linh mục thuộc quyền mình nên cử hành Thánh lễ ít là vào Chúa nhật mà thôi.[9]
NHỮNG ĐIỂM MỚI VÀ KHÁC GIỮA QCSL [2000] VÀ QCSL [2002]
Sau khi xuất bản QCSL [2000], Giáo Hội đã nhận ra bản văn này bộc lộ một nhược điểm quan yếu là có nhiều chỗ không thống nhất. Kết quả là khi ấn bản Sách Lễ Rôma lần III ra đời năm 2002, bản văn của QCSL [2000] vẫn còn đang được tiếp tục chỉnh sửa (chỉ mới tới số 210 trong số 399 số của toàn bản văn) cũng như sửa lại một loạt các chú thích (footnotes). Thật ra, trong nhiều trường hợp, việc chỉnh sửa chỉ liên quan đến những chi tiết vụn vặt như chữ hoa, dấu chấm phẩy, văn phạm trong tiếng La Tinh, tìm từ ngữ cho thật phù hợp hoặc là thêm thắt, bổ sung chỗ này chỗ khác, sửa lại những chú thích (footnotes)[10]... vì vậy, QCSL [2000] và QCSL [2002] đều gồm tất cả 399 số nhưng có một vài khác biệt giữa chúng như sau:
1) Theo QCSL[2000] 43, cộng đoàn "sẽ quỳ, khi truyền phép Mình Thánh, Máu Thánh, trừ khi vì lý do sức khoẻ, vì nơi chật hẹp, hoặc vì quá đông người dự lễ, hay vì những lý do chính đáng khác, không thể quỳ được... Ở đâu giáo dân có thói quen quỳ suốt sau câu tung hô 'Thánh, Thánh, chí Thánh' cho đến hết Kinh nguyện Thánh Thể, thì đó là điều đáng khen nên duy trì." Trong khi đó, QCSL [2002] 43 thì thêm nội dung "Được phép quỳ sau kinh Chiên Thiên Chúa [nếu Hội đồng Giám mục quyết định như vậy]" và đây cũng là điều đáng ca ngợi và duy trì (Ubi mos est, populum ab acclamatione Sanctus expleta usque ad finem Precis eucharisticae et ante Communionem quando sacerdos dicit Ecce Agnus Dei genuflexum manere, hic laudabiliter retinetur - QCSL[2002] 43).
Như vậy, theo bản văn, có hai lần quỳ: Lần quỳ thứ I trong Kinh nguyện Thánh Thể, các tín hữu quỳ khi truyền phép sau kinh Thánh, Thánh, Thánh (Sanctus), nhưng tiếp đó, họ có thể đứng lên như Nghi thức Thánh lễ đề nghị. Đây là điều cải cách của Nghi thức Thánh lễ trong đó tín hữu có thể thay đổi tư thế trong Kinh nguyện Thánh Thể vì khác với nghi thức Trento vốn coi kinh Tiền tụng không thuộc về Lễ Quy, Nghi thức Thánh lễ cải cách khẳng định kinh Tiền tụng và Sanctus là những yếu tố không thể tách rời của Kinh nguyện Thánh Thể. Tuy nhiên, họ có thể quỳ cho tới hết Kinh nguyện Thánh Thể; Lần quỳ thứ II là sau kinh Chiên Thiên Chúa, đây chỉ là một đề nghị tùy nghi chọn lựa tùy theo quyết định của Hội đồng Giám mục chứ không phải là chọn lựa tùy ý của linh mục chủ tế hay cộng đoàn địa phương. Tại Việt Nam, chúng ta chọn lựa cả hai lần quỳ này.[11]
2) Ca tiếp liên đổi từ sau Halleluia ra trước Halleluia (QCSL [2002] 64);
QCSL [2000] 64 viết rằng: "Ca tiếp liên, ngoài lễ Phục Sinh và lễ Hiện Xuống thì được tùy ý, và được hát sau Halleluia" (Sequentia, quae praeter quam diebus Paschae et Pentecostes, est ad libitum, cantatur post Allelúia). Trong khi đó, QCSL [2002] 64 lại viết: "Ca tiếp liên, ngoài lễ Phục Sinh và lễ Hiện Xuống thì được tùy ý, và được hát trước Halleluia" (Sequentia, quae praeter quam diebus Paschae et Pentecostes, est ad libitum, cantatur ante Allelúia).
QCSL [1970] 40 và QCSL [1975] 40 đều nói như QCSL [2000 và 2002] 64 là ngoài lễ Phục sinh và lễ Hiện xuống thì được tùy ý hát Ca tiếp liên chứ không đề cập đến việc hát Ca tiếp liên trước hay sau Halleluia. Dường như tại Việt Nam, chúng ta vẫn quen hát Ca tiếp liên trước Halleluia trong một thời gian dài đến độ khi QCSL [2000] đã đổi là hát Ca tiếp liên ra sau Halleluia, chúng ta cũng không để ý thực hành. Thật may mắn, chỉ sau 2 năm, QCSL [2002] lại dời hát Ca tiếp liên ra trước Halleluia, cho nên lúc này chúng ta nghiễm nhiên đang thực hành đúng với QCSL mới nhất.
Trong Hội Thánh đã từng tồn tại đến 5000 Ca tiếp liên vào thời Trung cổ, nhưng hầu hết đã bị loại bỏ bởi Công đồng Trentô. Sách lễ Rôma 1570 chỉ giữ lại 4 Ca tiếp liên được sử dụng phổ biến: 2 Ca tiếp liên cho mùa Phục sinh (Victimae Paschali Laudes) và cho lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (Veni, Sanctae Spiritus); 2 Ca tiếp liên cho lễ Corpus Christi (Lauda Sion) và lễ Đức Mẹ Sầu Bi (Stabat Mater). Ca tiếp liên Dies irae trước đây được hát vào Chúa nhật I mùa Vọng vì nói đến ngày phán xét, sau thêm vào 6 triệt nữa và dành cho lễ Cầu hồn (An táng). Nay Dies irae không còn nằm trong Sách lễ nữa, nhưng có thể dùng trong Giờ kinh Thần vụ tuần XXXIV của năm.[12]
Ordo Cantus Missae (số 8) nói rằng nếu không hát Halleluia và câu tung hô đi kèm thì nên bỏ Ca tiếp liên. Tuy nhiên, trong năm phụng vụ, như chỉ dẫn của QCSL [2002] 64 ở trên, chỉ có duy nhất hai ngày bó buộc phải hát Ca tiếp liên là vào lễ Phục sinh và lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, cho nên cần tuân thủ quy định này, nếu không hát được thì ít là đọc Ca tiếp liên.
3) Bài hát Dâng lễ (Chuẩn bị Lễ vật) có thể hát ngay cả nếu không có đoàn rước dâng lễ phẩm (QCSL [2002]74).
Toàn văn của QCSL[20023] 74 là: "Khi rước lễ phẩm lên, thì đồng thời hát Ca tiến lễ và kéo dài bài hát ít là cho tới khi đặt lễ phẩm trên bàn thờ. Quy luật về cách hát Ca tiến lễ cũng giống như cách hát Ca nhập lễ. Bài hát có thể luôn luôn đi theo Nghi thức tiến dâng, ngay cả nếu không có cuộc rước dâng lễ phẩm (etiam sine processione cum donis).
Một trong những tập tục của Hội Thánh đến độ trở thành một nguyên tắc trong cử hành phụng vụ đó là cuộc rước luôn luôn có bài hát kèm theo. Bởi vậy, nếu có đoàn rước dâng lễ phẩm, hát Chuẩn bị lễ vật là chuyện bình thường. QCSL [2002] 74 thêm vào ý tưởng là có thể hát "ngay cả nếu không có cuộc rước dâng lễ phẩm" có lẽ vì e rằng nếu không có đoàn rước rõ rệt, như xảy ra thường xuyên hơn trong các Thánh lễ, người ta có thể không dám hát Ca tiến lễ. Thật ra, về phương diện mục vụ phụng vụ, có thể lựa chọn những cách thực hành khác nhau. Ngoài hai thực hành được cho phép trong QCSL và Nghi thức Thánh lễ là: i] Hát Ca tiến lễ; ii] Vị chủ tế đọc và cộng đoàn đáp lại theo bản văn ghi trong Nghi thức Thánh lễ; chúng ta có thể: iii] Dạo đàn trong khi cộng đoàn thinh lặng; iv] Cộng đoàn thinh lặng - không hát và không dạo đàn.[13]
Cần lưu ý ba điểm sau: Thứ nhất, nếu hát Ca tiến lễ thì "kéo dài bài hát ít là cho tới khi đặt lễ phẩm trên bàn thờ", nghĩa là đừng kéo dài bài Ca tiến lễ quá mức đến độ chủ tế phải đứng chờ tại bàn thờ quá lâu. Tốt hơn nên kết thúc Ca tiến lễ ngay lập tức sau khi chủ tế rửa tay; Thứ hai, nếu đã hát hết câu mà chủ tế chưa rửa tay xong, nên dạo đàn cho đến khi chủ tế kết thúc hành động này nhằm nhấn mạnh sự hợp nhất của các hành động;[14] Thứ ba, nên chọn bài Ca tiến lễ đơn giản bởi vì sẽ thiếu khôn ngoan nếu hát Ca tiến lễ với những bài hát thật nhiều bè hay phức tạp trong khi chẳng mảy may để ý đến việc hát những phần như: Thánh vịnh Đáp ca, Tung hô Tin Mừng, Tung hô Tưởng niệm và Amen long trọng sau Vinh tụng ca trong Kinh Tạ Ơn vốn là những phần quan trọng hơn bài Ca tiến lễ rất nhiều. Tức là, đừng bao giờ nhấn mạnh đến cái thứ yếu trong khi bỏ lơ cái chính yếu. Linh mục Đỗ Xuân Quế, op có ý kiến như sau:
Một số nhà thờ còn mang cả vũ điệu vào Thánh lễ. Tôi có cảm tưởng phần tế lễ (dâng bánh rượu) mà biểu diễn như một tiết mục văn nghệ như thế không có lợi gì ngoài cái lợi “thư giãn đôi chút” mà cái hại trước mắt là làm cho những người tham dư Thánh lễ chia trí và không phù hợp với cung cách nghiêm trang cần có của phụng vụ. “… nhiều nơi lại làm long trọng phần này quá đáng, nào là rước lễ vật, múa hát, làm văn nghệ. Thật là vui tai vui mắt, nhưng không hợp phụng vụ, bởi lẽ làm cho người tham dự bị phân tán, chú ý quá nhiều vào phần phụ thuộc không cần thiết, lại làm cho Thánh lễ mất quân bình. Mục đích chính của việc dâng lễ vật là làm cho giáo dân ý thức vai trò tế lễ của họ trước chức linh mục của giáo dân mà thôi.[15]
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết: "Để được sống đúng ý nghĩa của cử chỉ này, không cần nhấn mạnh thêm bằng những hình thức rườm rà không thích hợp."[16]
4) Thêm phần giải thích vào giữa QCSL [2000] 83 (như phần gạch dưới sau), thành ra chúng ta có QCSL [2002] 83 là:
Vị tư tế bẻ bánh Thánh Thể. Cử chỉ bẻ bánh, mà Ðức Ki-tô đã thực hiện trong bữa tối sau hết, đã trở thành tên gọi cho toàn bộ cử hành Tạ Ơn vào thời các Tông đồ. Nghi thứcnày nói lên rằng các tín hữu tuy nhiều, nhưng vì hiệp thông cùng một bánh ban sự sống là Ðức Ki-tô, Ðấng đã chết và sống lại vì phần rỗi thế gian nên trở thành một thân thể (1 Cr 10,17)....Việc bẻ bánh bắt đầu sau khi trao bình an, và phải được thực hiện với lòng tôn kính, tuy nhiên không nên kéo dài quá mức cần thiết cũng như gán cho nó một tầm quan trọng quá đáng. Nghi thứcnày được dành riêng cho vị tư tế và phó tế. Linh mục bẻ Bánh Thánh và đặt một mẩu Mình Thánh vào trong chén thánh để nói lên ý nghĩa hiệp nhất giữa Mình và Máu của Chúa Ki-tô, Đấng đang sống và hiển trị vinh quang, trong công trình cứu độ (Sacerdos panem frangit et partem hostiae in calicem immittit, ad significandam unitatem Corporis et Sanguinis Domini, in opere salutis, scilicet Corporis Christi Iesu viventis et gloriosi). Ðang khi vị tư tế bẻ bánh và bỏ một phần vào chén thánh thì ca đoàn hay ca viên hát đối đáp hay đọc lớn tiếng kinh 'Lạy Chiên Thiên Chúa', và giáo dân đáp lại. Kinh này có thể được lặp đi lặp lại, bao lâu còn cần để kèm theo việc bẻ bánh. Lần cuối cùng được kết thúc bằng câu: 'Xin ban bình an cho chúng con'."
Rõ ràng, QCSL [2002] 83 cho biết: việc bẻ bánh nên được được cử hành với lòng cung kính thích hợp, không nên kéo dài quá mức cần thiết cũng như gán cho nó một tầm quan trọng quá đáng, và chỉ được dành riêng cho linh mục và phó tế, do đó: i] Sẽ là một lạm dụng nếu người không có chức thánh tham gia vào hành động này;[17] ii] Thầy phó tế giúp lễ, hay nếu không có thầy hiện diện bên chủ tế, các vị đồng tế có thể hỗ trợ vị chủ tế trong hành động bẻ bánh.
Câu thêm vào " Linh mục bẻ Bánh Thánh và đặt một mẩu Mình Thánh vào trong chén thánh để nói lên ý nghĩa hiệp nhất giữa Mình và Máu của Chúa Ki-tô, Đấng đang sống và hiển trị vinh quang, trong công trình cứu độ" muốn nói rõ hơn Mình Thánh mà chúng ta sẽ lên rước lấy sau đó chính là Đức Kitô đang sống, Ngài hiện diện cách đích thực, chân thực và bản thể trong Bí tích Thánh Thể.
5) Đưa trở lại mục đích của việc giải tán như trong số 57b của QCSL [1975] vào trong QCSL [2002] tại số 90c "linh mục hay phó tế giải tán dâng chúng để họ có thể ra đi thi hành những công việc thiện hảo, chúc tụng và ca khen Thiên Chúa". Như vậy, QCSL [2002] 90 là:
Nghi thức kết thúc gồm có:a. Loan báo ngắn, nếu cần;b. Chào và ban phép lành: có những ngày và có những trường hợp phép lành này được diễn tả một cách phong phú bằng một lời nguyện trên dân Chúa hay một công thức long trọng hơn;c. Giải tán cộng đoàn giáo dân do phó tế hay vị tư tế nói, để họ có thể ra đi thi hành những công việc thiện hảo, chúc tụng và ca khen Thiên Chúa (dimissio populi ex parte diaconi vel sacerdotis; ut unusquisque ad opera sua bona revertatur, collaudans et benedicens Deum); d. Vị tư tế và phó tế hôn bàn thờ và sau đó các vị này cùng với các thừa tác viên khác cúi mình sâu chào bàn thờ.
Việc thêm câu "để họ có thể ra đi thi hành những công việc thiện hảo, chúc tụng và ca khen Thiên Chúa" là nhằm diễn giảng một cách rõ nét hoa trái của mầu nhiệm Thánh Thể như được đề cập tới trước đó trong QCSL [2002] số 89: "Vị tư tế đọc Lời nguyện Hiệp lễ để cầu xin cho mầu nhiệm đã cử hành được sinh hoa kết quả".
Quả thật, sau Thánh lễ, các tín hữu nhận được mệnh lệnh được sai như lời dạy của Giáo Hội: "Cử hành Bí tích Thánh Thể được gọi là Thánh lễ, Lễ Misa, do từ La Tinh missio nghĩa là sai đi. Thánh lễ kết thúc với lời Hội Thánh sai các tín hữu đi vào đời, để họ thực thi thánh ý Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày."[18] “Ra đi” ở đây là một sứ vụ, một mệnh lệnh loan báo Tin Mừng cho thế giới mà Chúa Giêsu đã truyền cho các tông đồ (x. Ga 21,21) hầu quy tụ mọi con cái của Chúa vào một doàn chiên duy nhất của một chủ chiên (x. Ga 10,16). Các tín hữu cũng vậy, họ được Chúa sai đi để loan báo hồng ân vừa lãnh nhận trong Thánh lễ. Họ đến tham dự Thánh lễ không phải như xem một vở tuồng hay thỏa mãn vì đã chu toàn bổn phận và giữ đúng luật, nhưng là đến để lãnh nhận bình an và tình yêu của Chúa cũng như lãnh nhận sự sống thần linh cho chính mình. Tất nhiên, lãnh nhận rồi là để ra đi trao ban bình an cho thế giới và xây dựng bình an giữa cuộc đời, là để trao ban tình mến và sự sống của Chúa cho mọi người chung quanh, cố gắng làm cho công bình và bác ái lan được tỏa khắp nơi nhằm biểu lộ cho thế giới thấy tình yêu vô hình của Cha trên trời (x. Ga 20,17).[19]
Suy tư về ý nghĩa của lời giải tán của Thánh lễ cũng như các tín hữu phải sống Thánh lễ như thế nào khi rời Nhà thờ, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô viết trong Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (số 20) như sau:
Quả thật, nếu nhãn quan Kitô giáo mời gọi chúng ta nhìn về “trời mới”, “đất mới”(x. Kh 21,1), điều đó không làm suy yếu, mà kích thích tâm thức của chúng ta về trách nhiệm đối với trái đất của chúng ta (MV 39). Tôi muốn khẳng định lại điều này một cách mạnh mẽ vào lúc khởi đầu thiên niên kỷ thứ III, để các Kitô hữu hơn lúc nào hết, cảm thấy càng phải dấn thân chu toàn những bổn phận công dân trần thế của mình. Họ có nghĩa vụ phải đóng góp, dưới ánh sáng của Tin Mừng, vào việc xây dựng một thế giới xứng với con người và đáp ứng đầy đủ chương trình của Thiên Chúa...
Công bố cái chết của Chúa “cho tới khi Ngài lại đến” (1Cr 11,26) đòi buộc những ai tham dự vào Tiệc Thánh Thể cương quyết dấn thân biến đổi cuộc sống, để một cách nào đó cuộc sống ấy hoàn toàn trở thành “Thánh Thể”. Chính hoa quả của sự biến hình cuộc sống và sự dấn thân biến đổi thế giới theo đường lối Tin Mừng, làm rạng sáng chiều kích cánh chung của việc Cử hành Thánh Thể và của tất cả đời sống Kitô giáo: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22, 20).
6) Tại số 163: đề cập đến việc tráng chén sau Hiệp lễ, QCSL [2002] thay cụm từ "sang phía cạnh bàn thờ" (stans ad latus altaris) của QCSL [2000] 163 và cũng của QCSL [1975] số 120 bằng cụm từ "tại bàn thờ" (stans ad altare), bởi vậy, QCSL [2002] 163 thành: "Vị tư tế trở lại bàn thờ, thu những mụn bánh nếu có; rồi ngài đứng tại bàn thờ hay tới bàn phụ mà gạt các mụn bánh trên đĩa thánh và trong bình thánh vào chén thánh."
7) Tại số 157, QCSL [2002] minh nhiên nói rằng tư tế phải cầm lấy Mình Thánh đã được truyền phép trong Thánh lễ đó (accipit hostiam in eadem Missa consecratam) khi mời gọi cộng đoàn Hiệp lễ, trong khi QCSL [2000] chỉ viết "Ðọc kinh đó xong, vị tư tế bái gối, rồi cầm lấy Mình Thánh đưa lên cao một chút trên đĩa thánh hay trên chén thánh, hướng về giáo dân và nói: "Ðây Chiên Thiên Chúa...".
Việc thêm vào câu " đã được truyền phép trong Thánh lễ đó" là nhằm làm cho toàn bộ nội dung của QCSL [2002] được thống nhất, cụ thể ở đây là thống nhất với QCSL [2002] số 13: "Công đồng Vatican II đã khuyên giáo dân tham dự Thánh lễ cách hoàn hảo hơn bằng cách rước Mình Thánh Chúa, được truyền phép trong cùng một Thánh lễ sau khi vị tư tế rước lễ rồi." Làm như vậy Công đồng đặc biệt thúc đẩy thực hiện một ước nguyện khác của các nghị phụ Công đồng Triđentinô là, để tham dự mầu nhiệm Thánh Thể cách đầy đủ hơn, thì "trong mỗi Thánh lễ, các tín hữu tham dự phải thông hiệp, không những bằng tâm tình thiêng liêng, mà còn bằng việc lãnh Bí tích Thánh Thể nữa" và QCSL [2002] số 85: "Như chính vị tư tế buộc phải làm thì ước mong các tín hữu rước Mình Thánh Chúa với những bánh thánh được truyền phép ngay trong chính Thánh lễ, và trong những trường hợp đã được trù liệu, họ cũng được rước Máu Thánh Chúa, để nhờ cả những dấu chỉ, họ thấy rõ việc hiệp lễ là tham dự vào hy lễ đang cử hành."
Hai thế kỷ sau Công đồng Trentô, tức vào thế kỷ XVIII, Đức Bênêđictô XIV đã coi là một sự bất thường về mặt thần học khi các tín hữu lãnh nhận Thánh Thể từ trong nhà tạm mỗi khi tham dự Thánh lễ. Đối với ngài, thực hành lấy Mình Thánh trong nhà tạm cho rước lễ dễ gây hiểu lầm, vì nó tách biệt hy tế ra khỏi sự hiện diện. Để tránh sự hiểu lầm này, ngài đã ra sắc lệnh Certiores effecti (năm 1742) yêu cầu cho các tín hữu rước lễ từ chính Mình Thánh được truyền phép trong cùng Thánh lễ.[20]
Tiếp theo đó, huấn quyền Hội Thánh nhiều lần bày tỏ cách mạnh mẽ ý hướng nghiêng về "hình thức tham dự Thánh lễ hoàn hảo hơn trong đó các tín hữu sẽ lãnh nhận Mình Thánh Chúa Kitô sau khi linh mục rước lễ, từ chính Thánh lễ đó." Chẳng hạn, trong Thông điệp Mediator Dei năm 1947, Đức Giáo hoàng Piô XII truyền rằng:
Phải khen những ai khi dự lễ, đã muốn chịu chính Mình Thánh truyền trong Thánh lễ...Dù vậy, biết bao lần người ta viện ra cớ này cờ khác để cho chịu lễ trước hay sau ván lễ - hoặc cho chịu ngay sau khi thày cả chịu, nhưng lại cho chịu những Mình Thánh truyền trong các hôm trước.
Hội Thánh nhắc lại vấn đề này trong Hiến chế Phụng vụ năm 1963: "Rất đáng khuyến khích các tín hữu tham dự Thánh lễ cách toàn hảo hơn, bằng cách, sau khi linh mục rước lễ, họ cũng lãnh nhận Mình Chúa trong cùng một Hy lễ đó" (PV 55); Trong Eucharisticum Mysterium năm 1967 (#31); Sau đó, được tiếp tục nhắc lại trong QCSL [1970] 56; Mới đây nhất, Hội Thánh muốn củng cố điều này mạnh mẽ hơn nữa trong QCSL [2002] tại số 13:
Công đồng Vatican II đã khuyên “giáo dân tham dự Thánh lễ cách hoàn hảo hơn bằng cách rước Mình Thánh Chúa, được truyền phép trong cùng một Thánh lễ sau khi vị tư tế rước lễ rồi”. Làm như vậy Công đồng đặc biệt thúc đẩy thực hiện một ước nguyện khác của các nghị phụ Công đồng Triđentinô là, để tham dự Mầu nhiệm Thánh Thể cách đầy đủ hơn, thì 'trong mỗi Thánh lễ, các tín hữu tham dự phải thông hiệp, không những bằng tâm tình thiêng liêng, mà còn bằng việc lãnh Bí tích Thánh Thể nữa.'
Lý do chính rước lễ với Bánh Thánh được truyền phép trong buổi lễ hôm ấy là nhằm để các tín hữu tham gia vào hiến tế đang được cử hành. Thực hành này đã bắt đầu khởi sự ít là từ năm 1742. J. Leben đã ví von bằng cách nói như sau:
Khi vị chủ tế rước lễ một mình xong, ngài đi đến nhà tạm, dù có lòng cung kính, đương nhiên ý nghĩ xảy ra trong trí là, ông chủ sau khi một mình ăn xong bữa mà ông vừa nấu, ông nói với khách: ‘Các vị đợt một chút’, tôi đi mở tủ đựng đồ ăn để lấy những thứ đã nấu còn lại từ hôm qua đây. [21]
8) Tại các số 256-259, đã có sự thay đổi về thứ tự nghi lễ và vị trí của chủ tế trong phần "Nghi thức Nhập lễ của "Thánh lễ chỉ có một người giúp"
QCSL [2002] minh nhiên lưu ý rằng lời chào và hành động thống hối bình thường diễn ra tại ghế chủ tọa hơn là ở gần bàn thờ mặc dầu nếu muốn, tư tế và người giúp vẫn có thể chọn cách ở tại bàn thờ sau khi cúi sâu chào bàn thờ và hôn kính bàn thờ (số 256). Như vậy, thứ tự Nghi thức Đầu lễ là: tư tế tiến đến bàn thờ - cúi sâu chào bàn thờ - hôn kính bàn thờ - đến ghế chủ tọa (hoặc ở tại bàn thờ) - người giúp hay tư tế đọc Ca nhập lễ (số 256) - làm dấu Thánh giá - lời chào đang khi đối diện với người giúp (số 257) - hành động thống hối - đọc (hát) Kyrie và Gloria (số 258) - Lời Tổng nguyện (số 259).
9] QCSL [2000] đã bỏ đi số 309 của QCSL [1975]: "Trong những ngày lễ trọng, có thể dùng những phẩm phục trọng thể hơn, mặc dầu không mang mầu sắc của ngày đó", nhưng QCSL [2002] đã lấy lại nguyên vẹn nội dung của số này và đặt bổ sung vào số 346 ở triệt "g" [trong khi số 346 của QCSL [2000] chỉ tới triệt "f" mà thôi]. Bởi vậy, QCSL [2002] 346 như sau:
Về màu sắc của phẩm phục thánh, nên giữ thói quen truyền thống sau đây:
a. Màu trắng được dùng trong Thần vụ và Thánh lễ mùa Phục Sinh và mùa Giáng Sinh, trong các lễ kính Chúa, ngoại trừ cuộc Thương Khó của Người, các lễ kính Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a, các Thiên Thần, các Thánh không tử đạo, lễ trọng kính Các Thánh (1 tháng 11), kính Gio-an Tẩy Giả (24/6), các lễ kính thánh Gio-an Thánh sử (27/12), Ngai Toà Phê-rô (22/2), thánh Phao-lô trở lại (25/1).
b. Màu đỏ được dùng trong Chúa Nhật Thương Khó và thứ Sáu Tuần Thánh, Chúa Nhật Hiện Xuống, các cử hành cuộc Thương Khó của Chúa, lễ các Tông Ðồ và Thánh Sử, và lễ các Thánh Tử Ðạo.
c. Màu xanh dùng trong Thần vụ và Thánh lễ mùa "Quanh Năm".
d. Màu tím dùng trong mùa Vọng và mùa Chay. Có thể dùng trong các Nghi thứcphụng vụ và Thánh lễ cầu cho người qua đời.
e. Màu đen có thể dùng trong lễ cầu cho người qua đời, ở đâu có thói quen này.
f. Màu hồng có thể dùng trong Chúa Nhật Gaudéte (III Mùa Vọng) và Laetare (IV Mùa Chay), ở đâu có thói quen này.
g. Trong những ngày lễ trọng, có thể dùng những phẩm phục trọng thể hơn, mặc dầu không mang mầu sắc của ngày đó (Diebus sollemnioribus adhiberi possunt sacrae vestes festivae seu nobiliores, etsi non sunt coloris diei).
Tuy nhiên, Hội Ðồng Giám Mục có thể quy định và đệ trình cho Toà Thánh các thích nghi về màu sắc phụng vụ đáp ứng với nhu cầu và não trạng của dân chúng.
10) Vào cuối những năm 1960, Giáo Hội để cho "chỉ một mình vị chủ tế đọc hay hát Vinh tụng ca kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể", còn các vị đồng tế không đọc hay hát phần này. Tuy nhiên, QCSL [2000] đã thay đổi hoàn toàn tại số 236: "Vị chủ tế và các vị đồng tế cùng đọc Vinh tụng ca cuối Kinh nguyện Thánh Thể, nhưng giáo dân không được tham gia đọc" (Doxologia finalis Precis eucharisticae solummodo a sacerdote celebrante principali una cum aliis concelebrantibus profertur, non autem a fidelibus). QCSL [2002] 236 đã chỉ thay đổi một chút so với QCSL [2000] 236: "Nếu muốn (si placuerit), các vị đồng tế có thể hát hay đọc Vinh tụng ca cuối Kinh nguyện Thánh Thể cùng với vị chủ tế, nhưng giáo dân không đọc". Điều này có nghĩa là, các vị đồng tế có thể chọn lựa đọc (hát) hay không đọc (hát) Vinh tụng ca này. Việc xác định các vị đồng tế có quyền tùy chọn hát hay không Vinh tụng ca làm cho các ngài cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều khi phải đồng tế ở một nơi mà thực sự ngài không biết hát câu "Chính nhờ Người..." ở đó. Sự thay đổi chỉ đơn giản là nhằm nhấn mạnh vai trò chủ tọa của vị chủ tế: một mình ngài là người khai mở Kinh nguyện Thánh Thể và ngài có thể kết thúc Kinh nguyện này.[22]
THAY LỜI KẾT
Để cộng đoàn có một buổi cử hành phụng vụ sốt sắng nhất, người ta đã đưa ra một số tiêu chuẩn như: linh thánh, đúng, đẹp, tác động mạnh vào gíác quan....Đáp ứng những tiêu chuẩn đó, chắc chắn QCSL có một chức năng rất lớn và cần phải được tham khảo cũng như tuân giữ khi cử hành Thánh lễ bởi vì QCSL không những là văn bản hướng dẫn chính thức của Hội Thánh với những luật lệ mà còn là tài liệu giúp chúng ta - cả thừa tác viên phụng vụ lẫn toàn thể cộng đoàn tham dự - hiểu rõ Thánh lễ và mô tả cho chúng ta biết phải cử hành Thánh lễ như thế nào qua những giải thích mang tính thần học và giáo luật. Hậu nhiên, nếu nắm vững QCSL, chúng ta có thể tham dự Thánh lễ một cách "trọn vẹn, tích cực và ý thức hơn" như đòi hỏi của Hiến chế Phụng vụ số 14. Đây chính là mục tiêu cải cách phụng vụ nói chung và cải cách Thánh lễ nói riêng của Công đồng Vatican II.
Không những chúng ta cần tham khảo và tuân giữ QCSL mà còn phải cập nhật nữa bởi vì theo năm tháng, Hội Thánh đã có những thay đổi trong các tài liệu về phụng vụ. QCSL [2000+2002] có nhiều điểm mới và khác biệt so với QCSL [1975] vì phải cập nhật theo những văn kiện mới của Giáo Hội ra đời từ sau năm 1975, chẳng hạn như: Nghi thức Cung hiến Nhà thờ và Bàn thờ (1977); sách hát Graduale Rômanum (1979 - gồm chứa tài liệu Ordo Cantus Missae được tu chỉnh); ấn bản thứ II sách Bài đọc (1981); Bộ Giáo luật (1983) và sách Nghi lễ Giám mục (1984). Trong bài viết này, chúng tôi tiên thiên rằng tại các nhà thờ và nhà nguyện, chúng ta đã và đang thực hành theo QCSL [2000] với những khác biệt và mới mẻ so với QCSL [1975] như đã được trình bày sơ qua. Từ QCSL [2000] đến QCSL [2002], lại có thêm một số thay đổi khác nữa mà chúng ta cần cập nhập. Tiếc rằng, trong thực tế tại việt Nam, nhiều nhà thờ và nhà nguyện của chúng ta chỉ có cuốn Sách lễ ấn bản thứ II (1975) với QCSL [1975] trong đó. Người Việt Nam có câu: "Nói có sách mách có chứng". Như đã xảy ra nơi này nơi khác, việc không tham khảo và tuân giữ những gì Hội Thánh nêu ra trong QCSL [2000] và QCSL [2002] đã dẫn đến những thực hành hoặc lạc hậu theo bản văn cũ, hoặc không theo "sách" hay theo "văn bản" nào cả mà chỉ theo thói quen hoặc bắt chước, hoặc chỉ phát xuất từ những suy nghĩ hết sức chủ quan và ngớ ngẩn có khi hoàn toàn đi ngược với những tiêu chuẩn và nguyên tắc của phụng vụ.
Chúa Nhật thứ I mùa Vọng (30/11/2014)
[1] Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma được viết tắt là QCSL.
[2] Xc. "Thông báo góp ý cho Bản dịch Sách lễ Rôma" trong http://www.giaophanphucuong.org/tin-tuc/tin-gh-viet-nam/thong-bao-gop-y-cho-ban-dich-sach-le-Rôma.html
[3] QCSL [2000] 277: "Khi bỏ hương vào bình hương, vị tư tế làm dấu Thánh giá chúc lành mà không đọc gì. Trước và sau khi xông hương, cúi sâu chào những người hay những vật được xông hương, ngoại trừ bàn thờ và lễ phẩm dùng cho hy tế Thánh lễ. Phải xông hương ba lần: Thánh Thể, di tích Thánh giá và ảnh Chúa được trưng bày cho tôn kính công khai, lễ phẩm dùng cho hy tế Thánh lễ, Thánh giá bàn thờ, sách Tin Mừng, nến phục sinh, vị tư tế và giáo dân. Xông hương hai lần các di tích và ảnh các Thánh được trưng bày cho tôn kính công khai, và chỉ lúc đầu cuộc cử hành, khi xông hương bàn thờ. Bàn thờ được xông hương bằng những cái lắc bình hương theo cách thức sau đây: a. Nếu bàn thờ tách biệt vách tường, vị tư tế đi vòng chung quanh bàn thờ mà xông; b. Nếu bàn thờ dính liền với vách tường, vị tư tế xông hương phía phải, rồi phía trái; Nếu Thánh giá đặt phía trên bàn thờ hay tại bàn thờ, thì xông hương Thánh giá trước khi xông bàn thờ; trong những trường hợp khác, xông Thánh giá khi đi ngang qua. Vị tư tế xông hương lễ phẩm ba lần trước khi xông Thánh giá và bàn thờ, hoặc xông theo hình Thánh giá trên các lễ phẩm."
[4] PV 34 (Hòa hợp các nghi lễ): "Các nghi lễ cần phải chiếu tỏa nét đơn sơ cao quý, trong sáng, vắn gọn; phải tránh những lập đi lập lại vô ích; phải thích ứng với tầm lĩnh hội của các tín hữu, cách chung không cần nhiều lời giải thích."
[5] Xc. Mark E. Wedig - Richard S. Vosko, "The Arrangement and Furnishings of Churches for the Celebration of the Eucharist", trong Edward Foley, A Commentary on the General Instruction of the Rôman Missal (Minnesota: A Pueblo, The Liturgical Press, 2007), 376.
[6] Xc. Peter Elliott, Ceremonies of the Modern Rôman Rite (USA: Ignatius, 2004), 76.
[7] QCSL [2000] 305.: "Nên giữ chừng mực khi trang hoàng bàn thờ. Trong mùa Vọng, bàn thờ được chưng hoa cách vừa phải, thích hợp với đặc tính của mùa, để không cho thấy quá sớm niềm vui trọn vẹn của ngày Sinh nhật Chúa. Mùa Chay không được chưng hoa trên bàn thờ, trừ Chúa nhật Laetare (IV Mùa Chay), các lễ trọng và lễ kính. Việc chưng hoa phải luôn luôn điều độ, và nên đặt hoa chung quanh bàn thờ hơn là trên bàn thờ."
[8] Xc. Mark E. Wedig - Richard S. Vosko, "The Arrangement and Furnishings of Churches for the Celebration of the Eucharist", trong Edward Foley, A Commentary on the General Instruction of the Rôman Missal, 365-366; Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentaty on the General Instruction of the Rôman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), 166.
[9] Xc. Keith F. Pecklers, "Importance and Dignity of the Eucharistic Celebration", trong Edward Foley, A Commentary on the General Instruction of the Rôman Missal, 104.
[10] QCSL[2000] có 160 chú thích, trong khi đó QCSL[2002] có tới 165 chú thích.
[11] Xc. Edward Foley (ed), "The Structure of the Mass, Its Elements and Its Parts" trong Edward Foley, A Commentary on the General Instruction of the Rôman Missal,131-132; Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentaty on the General Instruction of the Rôman Missal, 30.
[12] Xc. Michael Witczak, "History of the Latin Text and Rite" trong Edward Foley, A Commentary on the General Instruction of the Rôman Missal,166.
[13] Xc. Edward Foley (ed), "The Structure of the Mass, Its Elements and Its Parts" trong Ibid., 168;
[14] Xc. Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentaty on the General Instruction of the Rôman Missal, 59.
[15] Lm. Đỗ Xuân Quế, "Để tham dự Thánh lễ thêm phần sốt sắng..." trong http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Phungvu/13DeThamDuTL.htm
[16] Sacramentum Caritatis, số 47.
[17] Xc. Edward Foley (ed), "The Structure of the Mass, Its Elements and Its Parts" trong Edward Foley, A Commentary on the General Instruction of the Rôman Missal,184;
[18] Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1332.
[19] Xc. A. M. Roguet, Table Ouverte - La Messe d’ aujourd’ hui, Bản dịch Việt ngữ Tìm hiểu Thánh lễ (Knhxb, 1988), 89.
[20] Xc. Kevin W. Irwin, Models of the Eucharist (New Jersey: Paulist Press, 2005), 181-182.
[21] J. Leben, Để Sống Phụng vụ (Edition du Cerf, 1986), 125.
[22] Gilbert Ostdiek - Andrew Ciferni, "Concelebrated Mass" trong Edward Foley, A Commentary on the General Instruction of the Rôman Missal, 301.
Tác giả: Lm. Giuse Phạm Đình Ái,sss
Nguồn: giaolyductin.net
Nguồn: giaolyductin.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét